04/02/2015
Bình luận ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên hệ với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). - Bài tập học kỳ ASEAN
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới hiện nay, hội nhập kinh tế là một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Những năm gần đây, khi mà vòng đàm phán đa phương trong khuôn khổ GATT/WTO lâm vào tình trạng bế tắc trước những vấn đề mở rộng tự do thương mại thì các quốc gia đang có xu hướng coi việc kí kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) là một cứu cánh. FTA có vai trò ngày càng quan trọng đối với các hoạt động thương mại và sự phát triển kinh tế. Vậy FTA mang lại những ưu điểm gì? hạn chế của nó nằm ở đâu? Để làm rõ vấn đề này, sau đây em xin được trình bày đề tài: “Bình luận ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên hệ với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA).” cho bài tập lớn của mình.

Nội dung


I. Khái quát về hiệp định thương mại tự do


Khu vực thương mại tự do hay còn gọi là khu vực mậu dịch tự do, được hình thành khi hai hay nhiều nước thực hiện việc bãi bỏ  tất cả thuế xuất nhập khẩu và các hạn chế phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa qua lại giữa các nước này nhưng vẫn giữ nguyên thuế quan đối với nước khác.   Các quốc gia tham gia kí kết các hiệp định thương mại tự do để được hưởng ưu đãi này. Nội dung cơ bản của các hiệp định thương mại tự do bao gồm: Tự do hóa thương mại hàng hóa; tự do hóa thương mại dịch vụ; tự do hóa đầu tư; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia kí kết hiệp định và một số cam kết khác về sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường, bí mật, bản quyền…

Tùy vào từng căn cứ khác nhau mà FTA được phân thành nhiều lọai khác nhau. Căn cứ vào quy mô số lượng thành viên tham gia gồm có: FTA song phương (BFTA), FTA khu vực và FTA hỗn hợp. Dựa vào mức độ tự do hóa thì FTA được chia thành: FTA kiểu Mỹ, FTA kiểu Châu Âu và FTA kiểu các nước đang phát triển. 

II. Ưu, nhược điểm của các Hiệp định thương mại tự do (FTA)

1. Ưu điểm 

Thứ nhất, các hiệp định thương mại tự do tạo ra các tác động tích cực về mặt kinh tế. Nhờ vào việc cam kết dỡ bỏ các rào cản thương mại, doanh nghiệp các nước thành viên được phép tự do trao đổi buôn bán hàng hóa, không bị đánh thuế, không bị áp hạn ngạch và một số thủ tục phức tạp khác mà các doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau có thể tự do trao đổi buôn bán hợp tác. Kim ngạch xuất khẩu từ đó cũng tăng lên kéo theo sự thu nhập và phát triển GDP của các nước này, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, việc xóa bỏ các hàng rào này cũng tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong một thị trường rộng lớn hơn. Để cạnh tranh các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy mở rộng quy mô, cắt giảm chi phí, tăng doanh số, đa dạng hóa sản phẩm, cắt bỏ những hoạt động kém hiệu quả, xây dựng một hệ thống nhân công làm việc nghiêm túc, hiệu quả. Từ đó, không những làm cho doanh nghiệp phát triển mà còn mang lại cho chúng ta một thị trường tấp nập, sự lựa chọn đa dạng và tốt nhất cho người tiêu dùng. Một FTA khi hình thành có thể thúc đẩy các dòng đầu tư nội địa và cả nước ngoài,dòng đầu tư giữa các thành viên FTA cũng như bên ngoài FTA đó. Ngoài ra FTA còn tạo ra cơ hội cho các nước thành viên chia sẻ và chuyển giao công nghệ cho nhau thuận lợi hơn. Cũng thông qua việc trở thành đối tác của nhau sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia học hỏi, rút ra kinh nghiệm, phát triển hiệu quả, nâng cao năng suất và lợi nhuận.

Thứ hai, các hiệp định thương mại tự do tạo ra các tác động tích cực về mặt phi kinh tế. Đó là hiệu ứng về hòa bình và chính trị an ninh. Khi hai quốc gia có mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại gần gũi hơn có thể làm gia tăng lòng tin giữa các bên từ đó tăng cường quan hệ đối ngoại, duy trì hòa bình và an ninh chính trị. Ngoài ra các quốc gia cùng hợp tác, phát triển cũng có thể nâng cao vị thế vai trò và tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.

2. Nhược điểm

Xuất hiện hiệu ứng chệch hướng thương mại. Khi một nhóm nước hình thành khu vực thương mại tự do thì một vấn đề chính sách nảy sinh: nhập khẩu từ các nước ngoài khối có thể xâm nhập vào nước có thuế quan cao thông qua các nước có thuế quan thấp trong khu vực. Hiện tượng này được gọi là chệch hướng thương mại.  Thông thường, khi một quốc gia áp dụng cùng một mức thuế đối với tất cả các quốc gia khác, liền có xu hướng nhập khẩu hàng hóa từ nơi có giá rẻ nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, một khi các hiệp định thương mại song phương hay khu vực trong các trong các khu vực thương mại tự do được kí kết, tạo nên sự khác biệt về mức thuế, hàng hóa của các quốc gia tham hiệp định sẽ trở nên rẻ hơn so với hàng hóa của các quốc gia bên ngoài. Chính điều này gây ra hiện tượng chệch hướng thương mại, các quốc gia có xu hướng chuyển việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước bạn hàng quen thuộc sang các nước nằm trong hiệp định. 

Hiện tượng này sẽ gây ra thiệt hai cho những nước không phải là thành viên của hiệp định hay khu vực thương mại tự do nào đó. Chệch hướng thương mại hướng các quốc gia lựa chọn các sản phẩm từ các nước trong hiệp định hoặc khu vực thương mại tự do bởi lợi thế giá rẻ chứ không hoàn toàn do có sức cạnh tranh hơn các sản phẩm tương tự từ các nước bên ngoài khu vực, không phải thành viên. Những nước này mặc dù sản xuất hiệu quả hơn nhưng vẫn bị mất thị trường vì chênh lệch thuế. 

III. Liên hệ với Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA)

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) ra đời năm 1992 theo sang kiến của Thái Lan, AFTA là FTA đầu tiên và là cơ sở quan trọng trong sự hình thành liên kết kinh tế khu vực. Theo đó, các nước ASEAN đã tham gia kí kết hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT). Theo CEPT, các quốc gia cam kết việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu xuống 0-5%, hoàn thành vào năm 2003 đối với ASEAN- 6, năm 2006 đối với Việt Nam, năm 2008 đối với Lào, Myanmar và năm 2010 với Campuchia. Để thực hiện CEPT, toàn bộ các mặt hàng trong doanh mực thuế quan của mỗi nước được chia làm 4 danh mục khác nhau. Đó là: IL, TEL, SL, GEL.  

Ngoài ra, quy tắc xuất xứ hàng hóa  được áp dụng tại AFTA nhằm hạn chế được hiện tượng chệch hướng thương mại. Đây là một điểm tiến bộ vượt trội của AFTA so với các FTA khác.

Từ khi bắt đầu thực hiện AFTA, ASEAN đã mở rộng phạm vi tự do hóa không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa mà còn bao gồm cả trong lĩnh vực đầu tư với sự ra đời của Hiệp định khung về dịch vụ ASEAN (AFAS) năm 1995 và Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA). Tiến trình liên kết nội khối của ASEAN đang tiến từng bước vững chắc đến mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Kết luận

Tóm lại, trong nền kinh tế mở của hiện nay thì vai trò của các FTA là vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, tạo cơ hội hội nhập và phát triển. Các FTA mới ra đời cần tận dụng phát huy những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm chung đã nêu để có được sự hợp tác hoàn thiện nhất. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại học Luật Hà Nội: “Giáo trình pháp luật cộng đồng ASEAN”; NXB. CAND; 2012,
2. Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA)
3. http://www.zbook.vn/ebook/thuc-trang-va-xu-the-phat-trien-cua-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-fta-trong-khu-vuc-asean-31435/
4. http://vietbao.vn/Kinh-te/Nghi-dinh-ve-AFTA-co-hieu-luc/10827055/87/

No comments:

Post a Comment