22/02/2015
Mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo Hiến pháp năm 2013 - 8 điểm
Bài tập học kỳ Hiến pháp 8 điểm: Mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo Hiến pháp năm 2013.

Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là một hệ thống gồm nhiều cơ quan có vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành một thể thống nhất. Trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta, Quốc hội chiếm một vị trí đặc biệt với những tính chất và chức năng vô cùng quan trọng, và trong hiến pháp có hẳn một chế định pháp luật về Quốc hội. Để có thể đảm bảo uy tín cũng như trách nhiệm trong việc thực hiện các chức năng của mình, Quốc hội phải gắn bó chặt chẽ đối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan nhà nước ở trung ương. Trong BT lớn lần này, em xin đi tìm hiểu chi tiết hơn về Quốc hội với đề tài số 10: “Mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước ở trung ương theo Hiến pháp năm 2013”.

NỘI DUNG

I. Vị trí, tính chất và chức năng của Quốc hội: 

Theo Điều 69 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

II. Mối quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ:

“Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.” (Điều 94 Hiến pháp năm 2013). Ta thấy, Quốc hội và Chính phủ gắn bó mật thiết với nhau để xây dựng, phát huy tối đa tiềm lực quốc gia.

1. Về tổ chức:

Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội (Điều 98) tại kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa. Chính phủ độc lập về nhân viên: ngoài Thủ tướng, các thành viên Chính phủ không thể đồng thời là thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 3 Điều 73 Hiến pháp năm 2013). Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ (Khoản 3 Điều 98 và khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013). 

Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ (Điều 97 Hiến pháp năm 2013).

Theo điều 2 Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 hay khoản 9 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội quyết định thành lập hoặc bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ để cho phù hợp với thực tế đất nước và hoạt động có hiệu quả. Với Quốc hội khóa XIII, Chính phủ có 28 chức danh kể cả Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, tương ứng quản lý 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

2. Về hoạt động:

Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch, ngân sách, các loại thuế, ban hành Hiến pháp và luật… Chính phủ phải tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản do Quốc hội ban hành. Trên cơ sở cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật, Chính phủ đề ra biện pháp thích hợp, phân công, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó trên thực tế. Điều này thể hiện quyền lực giữa Quốc hội và Chính phủ: Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, thống nhất quản lí các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Mức độ quyền lực tiếp tục được thể hiện ở hình thức văn bản hai cơ quan ban hành. Quốc hội ban hành hiến pháp, luật, nghị quyết; Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách vĩ mô, đề xuất định hướng phát triển kinh tế-xã hội để trình Quốc hội, trình dự thảo luật trước Quốc hội; không được trái với các văn bản mà Quốc hội đã ban hành, nếu trái Quốc hội có quyền bãi bỏ.

Việc trình các dự luật của Chính phủ trước khi trình Quốc hội thông qua phải được Ủy ban của Quốc hội thẩm tra. Các Ủy ban của Quốc hội có quyền yêu cầu thành viên Chính phủ báo cáo, giải trình hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Khi đó thì người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó (theo khoản 1 Điều 77 Hiến pháp năm 2013). Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (khoản 10 Điều 70 và khoản 3, 4 Điều 74 Hiến pháp năm 2013). 

Thủ tướng Chính phủ có quyền đề nghị Quốc hội họp kín, yêu cầu Quốc hội họp bất thường (Khoản 1, 2 Điều 83 Hiến pháp năm 2013). Hoạt động của Chính phủ chịu sự kiểm tra giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (Điều 94 và khoản 2 Điều 95 Hiến pháp năm 2013). Đại biểu Quốc hội thắc mắc về hoạt động của Chính phủ có quyền chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ và người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản (khoản 1, 2 Điều 80 Hiến pháp năm 2013).

III. Mối quan hệ giữa Quốc hội với Chủ tịch nước:

“Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” (Điều 86 Hiến pháp năm 2013). Chủ tịch nước là cơ quan đặc biệt, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự phối hợp thống nhất giữa các bộ phận của bộ máy nhà nước. Quốc hội phải gắn kết chặt chẽ với Chủ tịch nước để thực hiện quyền lực của mình.

1. Về tổ chức:

Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước (Điều 87 Hiến pháp năm 2013). Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội bầu ra Ủy ban thường vụ Quốc hội mới. Sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bầu Chủ tịch nước mới, người trúng cử chức danh này phải được 2/3 tổng số Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tán thành.

Quốc hội bãi, miễn nhiệm đối với Chủ tịch nước trong các trường hợp không còn đủ năng lực đảm nhiệm trọng trách của mình như mắc sai phạm làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia căn cứ vào các kết quả giám sát hay vì lý do sức khỏe mà không thể tại nhiệm (khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013).

2. Về hoạt động:

Quốc hội quy định hoạt động của Chủ tịch nước. Quốc hội và Chủ tịch nước có quan hệ mật thiết trong lĩnh vực lập pháp. Mọi hoạt động của Chủ tịch nước phải tuân theo những điều, khoản được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan do Quốc hội ban hành.

Theo khoản 1 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có nhiệm vụ công bố các văn bản Quốc hội  thông qua như Hiến pháp, luật, pháp lệnh… Chủ tịch nước phải công bố chậm nhất là mười lăm ngày kể từ ngày văn bản pháp luật ấy được Quốc hội thông qua (Điều 91 Luật tổ chức Quốc hội năm 2001). 

Với Hiến pháp, luật do Quốc hội thông qua thì Chủ tịch nước công bố để thực hiện. Còn với pháp lệnh do Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước có quyền “đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp gần nhất” (theo khoản 1 Ðiều 88 Hiến pháp 2013). Trong trường hợp này nếu Quốc hội đồng ý nó sẽ đýợc thông qua, còn không sẽ bị hủy bỏ. Đồng thời Quốc hội cũng có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (khoản 10 Điều 70 Hiến pháp năm 2013).

Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Khoản 2,3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013).

Chủ tịch nước có quyền trình các dự án luật trước Quốc hội, kiến nghị về luật thông qua việc kiến nghị ban hành luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật hiện hành (Điều 71 Tổ chức Quốc hội năm 2001) khi xét thấy cần thiết. Ví dụ: ngày 14/12/2010, văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh số 17/2010/L-CTN của Chủ tịch nước về Luật khoáng sản (sửa đổi). Luật được Quốc hội thông qua kì họp thứ 8 của Quốc hội khóa XII vừa qua, luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Theo khoản 3, 5 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội (hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội ở khoản 5) công bố quyết định đại xá; công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. 

IV. Mối quan hệ giữa Quốc hội với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 104 Hiến pháp năm 2013). Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp (khoản 1,2 Điều 107 Hiến pháp 2013). Sự phân công, phối hợp hoạt động giữa hai cơ quan tư pháp này với Quốc hội giúp pháp luật phát huy quyền lực của nó trên thực tế.

1. Về tổ chức:

Quốc hội quy định tổ chức, hoạt động và nhiệm vụ quyền hạn của 2 cơ quan. Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra, nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội là 5 năm; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm 2 chức danh này cũng do Quốc hội quyết định (khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Sau khi được bầu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp (khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Khi có đề nghị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao của Chủ tịch nước thì Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn đề nghị đó (khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013).

Các quy định về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Một số Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tổng số thành viên không được quá 17 người (Điều 21 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002).

2. Về hoạt động:

Để công tác xét xử có hiệu quả, Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội dự án luật và Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh (khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013) ví dụ như Luật tổ chức tòa án nhân dân, Pháp lệnh thẩm phán và hội thẩm nhân dân… để Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội (khoản 2 Điều 105 Hiến pháp năm 2013). Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải trả lời chất vấn, đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội (khoản 1,2,3 Điều 80 Hiến pháp năm 2013).

Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đưa một số kiểm sát viên vào Ủy ban kiểm sát viện kiểm sát nhân dân tối cao (điểm c khoản 1 Điều 32 Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước (khoản 2 Điều 108 Hiến pháp năm 2013); trả lời chất vấn, đáp ứng yêu cầu của các đại biểu Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội (khoản 1,2,3 Điều 80 và khoản 1 Điều 77 Hiến pháp năm 2013).

Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động, đình chỉ việc thi hành văn bản của 2 cơ quan trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc bãi bỏ văn bản đó tại kỳ họp gần nhất (khoản 3, 4 Điều 74 Hiến pháp năm 2013). Theo khoản 10 Điều 70 và khoản 3, 4 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền bãi bỏ văn bản của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

V. Một vài điểm giống nhau về mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan nhà nước ở trung ương và nhận xét chung: 

Ở khoản 8 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (49 chức danh lãnh đạo chủ chốt). Theo đó, nếu 2/3 đại biểu Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hoặc bị hơn một nửa Quốc hội đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hai năm liên tục, một vị trí nào đó sẽ đứng trước nguy cơ mất chức. Tuy nhiên, vị bị tín nhiệm thấp này không mất chức ngay mà phải trải qua thêm một vòng nữa là ‘bỏ phiếu tín nhiệm’, nhưng không phải tại kỳ họp đang diễn ra của Quốc hội mà phải đến kỳ họp sau. Điểm tích cực là Quốc hội có thể xét thấy ai chưa làm tròn chức trách sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên hạn chế là làm được điều này không phải dễ, phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian. Theo khoản 6 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội quy định tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương này.

Mối quan hệ này phản ánh rõ bản chất nhà nước xã hội chủ nghĩa của đất nước ta. Quốc hội đại diện cho Nhân dân, đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân tham gia xây dựng, phối hợp quản lý hoạt động của đất nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương thông qua việc lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước… Khi cơ quan nào đi ngược lại văn bản của Quốc hội, đi ngược lại với mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ của Quốc hội – nghĩa là đi ngược lại với mong muốn của Nhân dân, đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn. Nếu phát hiện thấy sai phạm, người đó hay cơ quan đó sẽ bị bãi nhiệm, miễn nhiệm thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm. Mối quan hệ còn được thể hiện qua hoạt động cơ bản hành pháp, lập pháp, tư pháp của Quốc hội và các cơ quan nhà nước ở trung ương. Có cơ quan lập hiến, lập pháp thì phải có các cơ quan tổ chức thi hành và cơ quan đảm bảo thực hiện.

KẾT LUẬN

Quốc hội đã phối hợp hoạt động với các cơ quan nhà nước ở trung ương để quản lý đất nước, cụ thể là với Chính phủ, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các cơ quan ấy được quy định tổ chức và hoạt động bởi Quốc hội, đi theo mục tiêu, chính sách của Quốc hội để xây dựng đất nước. Có thể thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ này từ ví dụ tiêu biểu: Quốc hội lập hiến, lập pháp; Chủ tịch nước công bố; Chính phủ tổ chức thi hành; Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đảm bảo thực hiện … Sự quản lý, phân công, phối hợp hoạt động của các cơ quan trong ba quyền cơ bản lập pháp, hành pháp và tư pháp là rất cần thiết để tạo nên bộ máy ổn định, thông suốt, giúp đất nước tiến xa, vươn cao trên trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, Số: 30/2001/QH10.
2) Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Số: 32/2001/QH10.
3) Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Số: 34/2002/QH10.
4) Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Số: 33/2002/QH10.
5) Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, NXB. CAND, Hà Nội, 2014.
6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
7) Web : http://moj.gov.vn/Pages/vbpq.aspx

No comments:

Post a Comment