Trong cơ cấu nền kinh tế thế giới nói chung, khu vực ASEAN nói riêng, dịch vụ ngày càng chiếm vị trí trọng yếu và có đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, tự do hóa thương mại dịch vụ ngày nay, có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nước – điều này đúng với một tổ chức thương mại lớn trên thế giới như WTO và với cả một cộng đồng kinh tế mang tầm khu vực như AEC. Nhận thức được vai trò của thương mại dịch vụ đối với sự phát triển của ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiến hành những nỗ lực nhằm đảm bảo sự tự do hóa thương mại dịch vụ trong khu vực bằng việc kí kết hiệp định khung ASEAN về dịch vụ- viết tắt là AFAS vào ngày 15/12/1995. AFAS được xây dựng trên nền tảng cơ sở pháp lí quan trọng là Hiệp định chung về thương mại dịch vụ - gọi tắt là hiệp định GATS.
Chính vì được xây dựng trên cở sở của GATS nên AFAS có những điểm khá tương đồng về cách thức tự do hóa thương mại dịch vụ, bên cạnh đó, cộng đồng AEC tùy thuộc vào đặc điểm phát triển kinh tế và đặc trưng của các thanh viên trong khu vực thì AEC có sự khác biệt về mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ khá rõ nét so với tổ chức thương mại thế giới WTO.
II. NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm thương mại dịch vụ , tự do hóa thương mại dịch vụ
Thương mại dịch vụ (tiếng Anh là trade in services) là khái niệm chỉ các hoạt động thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, hay nói chính xác hơn, khái niệm này dùng để nhấn mạnh khía cạnh thương mại, tính chất thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. Hiểu theo nghĩa rộng thì thương mại dịch vụ là khái niệm rộng dùng để chỉ tất cả các hành vi dùng để cung cấp dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích thu lợi nhuận. Và cần phải chú ý rằng chỉ các dịch vụ được đem ra mua bán, trao đổi nhằm thu lợi nhuận thì các hành vi trao đổi đó mới được coi là mang tính chất thương mại và nằm trong khái niệm thương mại dịch vụ.
Tự do hóa thương mại dịch vụ là một bộ phận cấu thành nên xu hướng tự do hóa nói chung. Theo đó, tự do hóa thương mại dịch vụ là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động loại bỏ các cản trở hiện hành đối với thương mại dịch vụ. Tự do hóa thương mại dịch vụ được thực hiện thông qua xóa bỏ ( có lộ trình) các hạn chế đối với thương mại dịch vụ, xây dựng các thỏa thuận công nhận lẫn nhau( MRA) tăng cường phát triển nguồn nhân lực và xây dựng năng lực trong lĩnh vực dịch vụ .
Trong một nền kinh tế thị trường, những cân nhắc về khả năng sinh lời mang tính cá nhân là động lực để xác định việc phân bổ sản xuất bên trong công ty và giữa các công ty, các ngành và các nước. Người ta trông đợi mở cửa thị trường để khuyến khích cải thiện chất lượng và sáng tạo quy trình và sản phẩm., làm giảm phạm vi lãng phí và tiền thuê mướn. Chúng ta có thể lập luận rằng những sáng kiến đó có xu hướng cấp thiết hơn, đồng thời nhiều thách thức hơn và nhiều triển vọng hơn trong những ngành dịch vụ chủ chốt. Chính vì thế việc hình thành tự do hóa dịch vụ là hoàn toàn cần thiết. Trong đó, WTO và ASEAN là 2 tổ chức đã và đang thực hiện tự do hóa thương mại một cách mạnh mẽ và hiệu quả nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ.
2. So sánh phương thức và mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ của AEC và WTO.
2.1 Về phương thức tự do hóa thương mại dịch vụ :
Đều hướng tới mục tiêu xóa bỏ các rào cản đối với hoạt động thương mại và các hoạt động thuận lợi hóa trong lĩnh vực dịch vụ, phương thức ( cách thức thực hiện ) của WTO và AEC đều trải qua quá trình như sau : đi từ việc xây dựng các văn kiện tạo khung pháp lý chung, tiến tới cam kết gia nhập của các nước thành viên và cuối cùng là thông qua các vòng đàm phán. Tại vòng đàm phán các bên sẽ đưa ra các cam kết và cách thức thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ. Quá trình tư vấn song phương nhiều bên và đôi khi đa phương sẽ thỏa thuận một lộ trình cam kết cho từng nước , được tất cả các nước tham gia khác chấp nhận vì kết quả tổng thể các cuộc đàm phán trong tất cả các lĩnh vực sẽ được cam kết tại vòng đàm phán đó.
Thứ nhất, xét về các văn kiện mang tính chất tạo nên các khung pháp lý cho việc thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ. Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO có hiệu lực năm 1995 là một hiệp định thương mại thiết lập nên một hệ thống quy tắc thương mại quốc tế đáng tin cậy (trong lĩnh vực dịch vụ), đảm bảo một sự đối xử công bằng và không phân biệt đối với tất cả những người tham gia. . . , thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua các chính sách ràng buộc và được bảo đảm; và xúc tiến và phát triền thương mại dịch vụ thông qua các tiến trình tự do hóa cấp tiến.". Hiệp định bao trùm tất cả các lĩnh vực dịch vụ ngoại trừ những dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan chính phủ và các biện pháp ảnh hưởng đến quyền hạn và dịch vụ trong lĩnh vực hàng không. Nó xác định bốn phương thức cung cấp sau: cung cấp qua biên giới, tiêu thụ ở nước ngoài, hiện diện thương mại ở nước ngoài, và hiện diện cá nhân ở nước ngoài(Khoản 2 Điều I) . Trên cơ sở các quy định của GATS, AEC đã tiếp thu và xây dựng những quy định trong Hiệp định AFAS, vì vậy nên nhìn chung phương thức tự do hóa thương mại dịch vụ của AEC và WTO là tương đối giống nhau. Tuy nhiên, AEC không tự mình đưa ra danh mục riêng những ngành/ phân ngành thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định mà thừa nhận áp dụng tự do hóa thương mại đối với những ngành và phân ngành dịch vụ của WTO, được nêu trong GATS. GATS điều chỉnh thương mại tất cả các loại dịch vụ. GATS được áp dụng cho tất cả các loại dịch vụ được trao đổi trên thế giới. Nhưng, theo các văn bản pháp lí hiện nay của ASEAN, cho đến nay ASEAN cũng mới chỉ thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ trong một số lĩnh vực dịch vụ.
Thứ hai, về việc tiến hành đàm phán và cam kết của các quốc gia thành viên để tiến tới đưa ra các gói cam kết cụ thể. Cả WTO và AEC đều đưa ra những gói cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại dịch vụ. Cụ thể như: Ở WTO thì các gói cam kết đã được đưa ra như cam kết về tiếp cận thị trường- (Điều XVI của GATS), các cam kết về đối xử quốc gia (Điều XVII của GATS) và các cam kết bổ sung( Điều XVIII trong GATS) - là những cam kết về những biện pháp ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ không nằm trong phạm vi hai cam kết nói trên. Còn với AEC, trên cở sở và để triển khai AFAS, các quốc gia thành viên cũng sẽ tiến hành các vòng đàm phán để đưa ra các gói cam kết theo hướng ngày càng mở rộng phạm vi các lĩnh vực dịch vụ được tự do hóa. Đến nay đã có 5 vòng đàm phán được tổ chức. Kết quả của những vòng đàm phán này là 8 gói cam kết đã được kí kết , trong đó ghi nhận những cam kết chung và cam kết chi tiết của từng nước thành viên đối với các ngành và phân ngành cụ thể. Ngoài ra, đã có 3 gói cam kết bổ sung trong lĩnh vực tài chính và 2 gói cam kết bổ sung về vận tải hàng không được các bộ trưởng tài chính và và bộ trưởng giao thông vận tải ASEAN thông qua. Theo mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch Tổng thể về xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các nước ASEAN sẽ tiến hành đàm phán 11 Gói cam kết cho đến năm 2015. Đối với mỗi Gói cam kết, các nước sẽ ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết và xây dựng Biểu cam kết dịch vụ của mình đáp ứng các yêu cầu đặt ra cho Gói cam kết đó.
Thứ ba, về các biện pháp hạn chế và xóa bỏ các rào cản thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. GATS và AFAS đều ghi nhận biện pháp công nhận lẫn nhau (Điều 5 của AFAS và Điều VII của GATS). Tuy nhiên, bên cạnh đó, có thể thấy, theo quy định tại AFAS, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ một số đáng kể các lĩnh vực trong một khoảng thời gian hợp lí bằng cách:
- Xóa bỏ đáng kể các biện pháp phân biệt đối xử và các hạn chế tiếp cận thị trường hiện tại giữa các quốc gia thành viên;
- Cấm các biện pháp phân biệt đối xử và các hạn chế tiếp cận thị trường mới hoặc có tính chất hạn chế và phân biệt đối xử hơn;
- Đồng thời, các quốc gia sẽ tiến hành đàm phán về các biện pháp gây ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ trong các lĩnh vực cụ thể.
Các quy định của GATS mang tính chất mở, quyền chủ động vẫn thuộc về các nước thành viên. Ví dụ, các quy định ở trong nước chính là công cụ tác động và kiểm soát đối với thương mại dịch vụ. GATS quy định chính phủ các nước phải điều tiết các ngành dịch vụ một cách hợp lí, khách quan và công bằng. GATS không buộc các nước phải dỡ bỏ mọi quy định trong bất kì ngành dịch vụ nào. Các cam kết tự do hóa không làm phương hại đến quyền của các nước được ấn định những chuẩn mực về chất lượng, độ an toàn hay giá cả cũng như quyền được đưa ra những quy định nhằm theo đuổi bất cứ mục tiêu nào mà họ cho là phù hợp. Hay khi hai hay nhiều chính phủ kí các hiệp định công nhận hệ thống chất lượng của nhau (chẳng hạn trong việc cấp giấy phép hoặc công nhận cho các nhà cung ứng dịch vụ) thì GATS quy định rằng họ phải tạo điều kiện cho các thành viên khác được đàm phán với họ về các thỏa thuận tương tự. Việc công nhận hệ thống chất lượng của các nước cũng không được mang tính phân biệt đối xử cũng như mang tính bảo hộ trá hình.
Như vậy, nếu như hiệp định GATS mới chỉ quy định một cách chung chung về các phương pháp tự do hóa thương mại dịch vụ trong phạm vi tổ chức thì Hiệp định AFAS đã có bước tiến mới khi quy định cụ thể hơn cách thức tự do hóa thương mại dịch vụ đối với từng quốc gia thành viên, giúp cho việc thực hiện mục tiêu tự do hóa được thực hiện một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện của từng quốc gia thành viên hơn.
2.2 Mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ:
Đều hướng tới mục tiêu tạo nên một môi trường thương mại dịch vụ tự do, phát triển, WTO và ASEAN đều chú tâm xây dựng những điều khoản pháp lý về tự do hóa thương mại dịch vụ thật phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của những nước thành viên thuộc tổ chức mình. Nếu như ở phương thức tự do hóa thương mại của AEC và WTO có sự tương đối giống nhau thì về mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ lại có sự khác biệt nhất định.
Cơ sở pháp lý về thương mại dịch vụ của AEC là AFAS, với các quy định về tiếp cận thị trường, công nhận lẫn nhau và đảm bảo đối xử quốc gia với các nhà cung cấp dịch vụ của các nước ASEAN. Các quy định này phù hợp với GATS, tuy nhiên trên thực tế mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ của AFAS còn rộng và sâu hơn các cam kết của các quốc gia thành viên ghi nhận trong GATS, còn được gọi là nguyên tắc “ GATS cộng”.
Thứ nhất, Hiệp định GATS quy định bao trùm tất cả các lĩnh vực dịch vụ ngoại trừ những dịch vụ được cung cấp bởi các cơ quan chính phủ và các biện pháp ảnh hưởng đến quyền hạn và dịch vụ trong lĩnh vực hàng không. AFAS không đưa ra danh mục ngành/ phân ngành riêng thuộc phạm vi điều chỉnh của mình mà thừa nhận Danh mục được ghi nhận theo GATS. Vậy, chúng ta có thể thấy, AEC sẽ thực hiện tự do hóa thương mại trên hầu hết các lĩnh vực dịch vụ được ghi nhận trong hiệp định GATS đó là: Dịch vụ kinh doanh; Dịch vụ thông tin; Dịch vụ xây dựng và kỹ thuật; Dịch vụ kinh tiêu; Dịch vụ đào tạo; Dịch vụ môi trường ;Dịch vụ tài chính; Dịch vụ liên quan đến sức khỏe và xã hội;Dịch vụ du lịch và các hoạt động có liên quan; Dịch vụ giải trí, văn hóa, thể thao;Dịch vụ vận tải; Các dịch vụ khác. Nhưng do nhu cầu hội nhập khách quan, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực và các đặc thù của nền kinh tế ASEAN, ASEAN đã xác định được những lĩnh vực ưu tiên hội nhập, đó là: y tế, du lịch, hàng không, e- ASEAN và dịch vụ hậu cần logistic. Mặc dù vậy, về diện, phạm vi các ngành/phân ngành tự do hóa thương mại dịch vụ của AEC đã và đang được mở rộng hơn. Cụ thể, năm 2010, ASEAN thực hiện ký kết Nghị định thư thực hiện gói cam kết dịch vụ thứ 8 trong khuôn khổ Hiệp định Khung về dịch vụ ASEAN (AFAS). Gói cam kết này đưa ra lịch trình tự do hóa đối với 15 phân ngành mới, với tỷ lệ vốn góp nước ngoài tối đa là 70% với 4 ngành dịch vụ ưu tiên trong ASEAN (gồm dịch vụ y tế, du lịch, e-ASEAN, vận tải hàng không và dịch vụ tiếp vận) và thấp nhất là 51% đối với các lĩnh vực dịch vụ khác.
Điều này khẳng định quyết tâm của ASEAN với mục tiêu tự do hóa dịch vụ nội khối thông qua xóa bỏ hầu hết các rào cản dịch vụ, đối với nhiều phân ngành hơn nữa, với mức độ cam kết cao hơn cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hợp tác để thúc đẩy liên kết sức mạnh của các doanh nghiệp trong ASEAN cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ ASEAN.
Thứ hai, cũng có thể thấy được mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ của AEC cao hơn so với WTO. Bên cạnh Hiệp định AFAS, với mong muốn được tăng cường tự do hóa thương mại dịch vụ trên cơ sở phù hợp với những đặc điểm của ASEAN. Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ đã được kí kết năm 2003, tạo cơ sở cho việc áp dụng công thức – X trong việc thực hiện các cam kết về dịch vụ của các nước ASEAN. Công thức – X cho phép các quốc gia chưa đủ điều kiện có thể thực hiện các cam kết kinh tế chậm hơn với lộ trình chung nhưng không được hưởng các ưu dãi mở cửa từ các quốc gia thực hiện theo lộ trình chung. Các quốc gia đã sẵn sàng tiến hành tự do hóa đối với những ngành dịch vụ xác định có thể thực hiện quá trình này mà không phải mở rộng các nhượng bộ đối với các nước chưa tiến hành .
AFAS đã chia các cam kết của mình thành các mức độ khác nhau, đó là: cam kết chung; cam kết chi tiết và cam kết bổ sung. Đối với các ngành dịch vụ AFAS cũng xác định các ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực ưu tiên như y tế, du lịch, hàng không, e – ASEAN và dịch vụ hậu cần. Đối với những ngành này việc xóa bỏ các rào cản sẽ được tiến hành nhanh hơn với mức độ tự do hóa cao hơn những ngành dịch vụ còn lại.
Nguyên nhân của sự khác biệt có thể được kể đến như: AEC lại là một tổ chức liên kết mở và khá linh hoạt, điều kiện để gia nhập AEC cũng không quá ngặt nghèo, sự hợp tác giúp đỡ giữa các quốc gia thành viên luôn được đặt lên hàng đầu, và AEC chính là một liên kết ở một mức độ cao hơn giữa các quốc gia thành viên, sự hỗ trợ và gắn kết giữa các quốc gia ở ASEAN đã thúc đẩy sự tự do hóa thương mại phát triển. Chính vì thế mà sự tự do hóa thương mại dịch vụ của AEC là sâu hơn. Ngược lại, WTO là một tổ chức thương mại có tính chất toàn cầu, bao gồm các quốc gia phát triển, hơn nữa, điều kiện để gia nhập WTO là khá chặt chẽ, trong WTO luôn có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia thành viên, chính điều này đã ngăn cản phần nào mức độ tự do hóa thương mại giữa các quốc gia trong WTO.
Hơn nữa, do ngay từ đầu, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 5, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kí kết Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) nhằm mở rộng phạm vi và mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ so với các quy định của GATS. Vì vậy, mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ của AFAS rộng và cao hơn so với GATS.
III. KẾT LUẬN
Qua sự so sánh giữa AEC và WTO đã cho thấy điểm tương đồng và khác biệt trong phương thức và mức độ tư do hóa thương mại dịch vụ của hai tổ chức này. Từ đó rút ra được những đặc trưng bản chất của AEC và WTO trong sự tự do hóa thương mại dịch vụ, một trong những ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu ngày nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trung tâm Luật châu Á-Thái Bình Dương, Tập bài giảng Pháp luật Cộng đồng ASEAN, 2011.
2. Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ năm 1995 (AFAS)
3. Hiệp định GATS
4. Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ năm 2003.
Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment