28/06/2014
Nghiên cứu tóm tắt về Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường

TẠP CHÍ KHPL SỐ 3 (40)/2007 - BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM, SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG - TS. Vũ Thu Hạnh - ĐH Luật Hà Nội

Bồi thường thiệt  hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được pháp luật ghi nhận lần đầu tiên tại Luật Bảo vệ môi trường (Luật BVMT) năm 1993, theo đó "tổ chức, cá nhân gây tổn hại môi trường do hoạt động của mình phải bồi thường thiệt hại theo quy định của  pháp luật". Nhưng phải khi Luật BVMT (2005) được ban hành, vấn đề này mới được đề cập một cách rõ ràng hơn. Với việc dành riêng 5 điều cho các quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (từ Điều 131 đến Điều 135, Mục 2), Luật BVMT (năm 2005) đã thể hiện một bước tiến đáng kể trong quá trình "hiện thực hóa" nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền - một nguyên tắc được xem là đặc trưng của lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được trách nhiệm này một cách đầy đủ trên thực tế, pháp luật môi trường cần phải quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa việc xác định các thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái  môi trường gây nên[1], trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.


I. THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM, SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG

1. Quan niệm về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Trên phạm vi thế giới, hiện đang tồn tại song song 2 quan niệm khác nhau về thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường:

Một là, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường chỉ gồm thiệt hại đối với các yếu tố môi trường tự nhiên, như hệ thực vật, động vật, đất, nước, không khí…. Mà không bao gồm thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người.

Hai là, thiệt hại về môi trường không chỉ bao gồm các thiệt hại đến chất lượng môi trường mà còn cả thiệt hại về sức khỏe, tài sản của cá nhân do ô nhiễm môi trường gây nên.

Tại Việt Nam, tính từ thời điểm Luật BVMT (2005) được ban hành, thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được xác định theo quan niệm thứ hai. Theo quy định tại Điều 131 Luật BVMT (2005), có hai loại thiệt hại

Thứ nhất, thiệt hại đối với môi trường tự nhiên. Đó là sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, trong đó chức năng, tính hữu ích của môi trường.

Thứ hai, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Còn thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện qua sự tổn hại về lợi ích vật chất, sự giảm sút về thu nhập chính đáng mà nguyên nhân là do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường.

Trong mối quan hệ với loại thiệt hại thứ nhất, loại thiệt hại thứ hai luôn được xem là thiệt hại gián tiếp (còn gọi là thiệt hại phái sinh hay thiệt hại thứ sinh) – thiệt hại chỉ xảy ra khi đã có loại thiệt hại thứ nhất.

2. Xác định thiệt hại do ô nhiễm , suy thoai môi trường.

Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường là vấn đề không đơn giản ngay cả ở những nước phát triển, nơi mà lý thuyết về lượng giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố môi trường đã được định hình và củng cố. Theo các nghiên cứu chung của Chương trình môi trường Liên Hợp quốc năm 2000(UNEP), các cách thức xác định thiệt hại môi trường hiện được chia thành các nhóm sau:

Một là, việc xác định giá trị tổn thất với môi trường được thực hiện bởi tòa án hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường.

Hai là, xác định thiệt hại theo phương thức quy ra một khoản tiền cố định.

Ba là, giao cho các viên chức hành chính hoặc chính quyền địa phương xác định thiệt hại.

Bốn là, các phương thức đánh giá khác, điển hình là phương pháp Koch (được sử dụng rộng rãi tại Cộng hòa liên bang Đức trong việc xác định những tổn thất được bồi hoàn đối với cây cối bị hủy hoại).

Tại Việt Nam, cả từ phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy sự mờ nhạt về mảng kiến thức này. Hiện tại, chúng ta mới chỉ đúc rút được đôi chút kinh nghiệm từ thực tiễn tự phát giải quyết các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản do ô nhiễm môi trường gây nên. Việc xác định thiệt hại đối với môi trường tự nhiên trong một số lần sự cố tràn dầu vẫn phải nhờ đến tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Để Việt Nam có thể tự chủ  trong việc xác định được thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên, đặc biệt là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên, những nội  dung sau đây cần phải được làm sáng tỏ trong các văn bản pháp luật hướng dẫn việc xác định thiệt hại về môi trường.

Một là, thành phần môi trường được xác định thiệt hại.

Hai là, mức độ thiệt hại được xác định.

Ba là, các căn cứ để xác định mức độ thiệt hại

Bốn là, các căn cứ để tính toán thiệt  hại

II. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO Ô NHIỄM, SUY THOÁI MÔI TRƯỜNG.

Trên phạm vi thế giới cũng như tại Việt Nam, trách nhiệm bồi thừong thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường được tiếp cận và được pháp luật ghi nhận với những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, môi trường cần được xem là một loại “tài sản đồng nhất”[2], được xác định bởi các gía  trị khoa học, kinh tế và môi sinh. Gây hại đối với môi trường chính là gây  hại đến các giá trị nêu trên. Nếu  xem xét một cách chặt chẽ  tác hại gây ra đối với môi trường tự nhiên không khác gì tác hại gây ra đối với con người hay tài sản của con người thì chất lượng môi trường bị suy giảm, bị xâm hại cũng cần phải được bồi thường một cách thỏa đáng. Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất gây  ra đối với môi trường.

Thứ hai, do quan hệ pháp luật trong lĩnh vực môi trường có thể phát sinh giữa các chủ thể mà không cần đến cơ sở pháp lý làm tiền đề (như quan hệ hợp đồng hay quan hệ công vụ), nên bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài  hợp đồng.

Thứ ba, môi trường có thể bị xâm hại từ 2 nhóm nguyên nhân; Một là, các nguyên nhân khách quan tác động đến môi trường không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, như bão, lũ lụt, động đất, hạn hán… Những trường hợp này không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với bất cứ tổ chức, ca nhân nào[3]; hai là, các yếu tố chủ quan do hoạt động của con người gây ra từ việc khai thác, sử dụng các yếu tố môi trường hay từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác[4](14).

Đối với những trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường phát sinh khi có đủ các dấu hiệu cấu thành trách nhiệm pháp lý dân sự. Thậm chí loại trách nhiệm này còn phát sinh ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi. Điều 624 Bộ Luật Dân sự (2005) quy định “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”.

Thứ tư, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường có mối quan hệ nhất định với trách nhiệm khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Thông thường, trong các quan hệ pháp lý khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra và được giải phóng khỏi quan hệ với người bị hại. Nhưng trong lĩnh vực môi trường, người làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thường phải thực hiện đồng thời cả hai biện pháp: i) Khắc phục tình trạng môi trường bị ô nhiễm; và ii) Bồi thường thiệt hại về môi trường.

Thứ năm, nhiều người cùng gây thiệt hại cũng là tình trạng khá phổ biến trong lĩnh vực môi trường. Luật BVMT (2005) quy định trong trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan để làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong việc khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế không dễ dàng xác định chính xác mức độ gây hại đến môi trường của từng đối tượng. Bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau là giải pháp đã được pháp luật dân sự tính đến trong trường hợp này. Tuy nhiên, để đảm bảo sự công bằng trong áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, chúng tôi cho rằng nếu người gây thiệt hại chứng minh được mức độ mà mình gây thiệt hại đối với môi trường là không đáng kể thì họ chỉ phải bồi thường thiệt hại theo phần tương ứng với mức độ gây hại đó.

Thứ sáu, thời hạn áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời đã trở thành nguyên tắc luật định, song trong lĩnh vực môi trường, do giá trị của các thiệt hại về môi trường thường rất lớn và khó xác định nên trong tuyệt đại đa số các trường hợp việc áp dụng trách nhiệm bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại là điều khó có thể thực hiện được. Pháp luật cần có các quy định mang tính linh hoạt hơn trong lĩnh vực này. Chẳng hạn như người gây thiệt hại đối với môi trường có thể bồi thường một lần hoặc nhiều lần trong khoảng thời gian tối đa một số năm nhất định nào đó kể từ ngày áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc đến các quy  định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt  hại. Theo Bộ luật Dân sự thì thời hạn này là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm. Song cũng cần tính đến trong lĩnh vực môi trường, ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại không hoàn toàn trùng khít với ngày phát sinh thiệt hại trên thực tế. Thiệt hại đối với người bị nhiễm chất phóng xạ, nhiễm hóa chất độc hại là những ví dụ điển hình. Nên chăng pháp luật môi trường cần hướng tới việc quy định thời hạn khởi kiện gắn với ngày mà thiệt hại thực tế xảy ra và cần có khoảng thời gian dài hơn 2 năm.

Thứ bảy, khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, Việt Nam không thể không xem xét đến các cam kết quốc tế về vấn đề này. Ngày 17/6/2004 Công ước quốc tế về trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại do ô nhiễm dầu 1992 có hiệu lực tại Việt Nam (International Convention on Civil Liability for Oil Pollution Damage – viết tắt là CLC 92). Đây sẽ căn cứ pháp lý quan trọng để phía Việt Nam yêu cầu pháp lý quan trọng để phía Việt Nam yêu cầu các đối tượng gây ô nhiễm môi trường từ sự cố tràn dầu phải bồi thường thiệt hại về môi trường một cách thỏa đáng. Một số nội dung sau đây thể hiện bước phát triển của Công ước CLC 92. Một là, khi xảy ra ô nhiễm dầu thì chủ sở hữu của tàu không chỉ phải đền bù thiệt hại do ảnh hưởng đến môi trường mà còn phải đền bù các thiệt  hại về kinh tế do ô nhiễm dầu gây nên; hai là, mức bồi thường ngoài căn cứ vào lượng dầu tràn còn căn cứ vào trọng tải của tàu. Ví dụ, đối với tàu chở dầu có dung tích dưới 5.000 tấn trọng tải, mức bồi thường cao nhất đến 3 triệu SDR (tương đương 3.8 triệu USD); đối với những tàu chở dầu từ 5.000 tấn  đến 140.000 tấn thì ngoài 3 triệu SDR, mỗi tấn tính thêm 538 USD nữa; đối với tàu từ 140.000 tấn trở lên phải bồi thường tối đa là 76.5 triệu USD. Ba là, phạm vi khu vực bị ô nhiễm được tính bồi thường bao gồm  cả vùng đặc quyền kinh tế thay vì là chỉ trong phạm vi lãnh hải của quốc gia bị ô nhiễm. Thiết nghĩ cách tiếp cận nêu trên, đặc biệt là việc ấn định một mức bồi thường thiệt hại căn cứ vào lượng dầu tràn, loại dầu tràn, trọng tải của phương tiện trở dầu, đặc điểm hệ sinh thái vùng tràn dầu… cần được Việt Nam tham khảo trong quá trình ban hành các quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Tóm lại, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường tại Việt Nam là vấn đề còn rất mới cả từ phương diện lý luận và thực tiễn. Nhận thức một cách đầy đủ về những nội dung liên quan tới thiệt hại về môi trường, bồi thường thiệt hại về môi trường là yếu tố quan trọng cho việc ban hành và áp dụng trách nhiệm này trong tương lai. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù chế định này  có phát triển đến mức nào, chi phí bỏ ra để xử lý, cải tạo môi trường có lớn đến đâu cũng không thể khắc phục được hết những hậu quả do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra. Do vậy, xác định thiệt hại đối với môi trường và áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường trong mọi trường hợp đều không phải là mong muốn hang đầu được áp dụng trong lĩnh vực môi trường.
________________________________________
[1] Chính phủ được giao nhiệm vụ hướng dẫn việc xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường (khoản 7 Điều 131 Luật BVMT 2005)
[2] Philippe Sand, Principles of International Environmental Law, 2nd edition, Cambridge 2003, tr. 869 ff.
[3] Điều 2 Chỉ thị số 2004/35/CE của Cộng đồng chung châu Âu về trách nhiệm môi trường liên quan đến việc ngăn ngừa và khắc phục thiệt hại môi trường. 
[4] Quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuỷ sản, Luật về Các loài chim di cư, Luật Các loài hoang dã, Luật Tàu biển, Luật Chống ô nhiễm nước vùng cực. 
[5] Điều 34-2 Đạo luật khung về chính sách môi trường (được sửa đổi năm 1999).
[6] Hội thảo Mini về thiệt hại môi trường và bồi thường (Bà Karin Dunner, Cục Bảo vệ môi trường Thụy điển SEPA), Bản tiếng Việt.
[7] Luật Bảo vệ môi trường Cộng hòa liên bang Nga Mục XIV. 
[8] Xem: Butterworths' Sudent Companions, Litigation and Alternative Dispute Resolution – Environmental Law and Policy in Australia [23.41], tr. 821-827. 
[9] Điều 18 Luật số 349 ngày 8/7/1986 về việc thành lập Bộ Môi trường và các quy tắc đối với những thiệt hại về môi trường.
[10] Luật bảo tồn New Zealand, ngày 31/3/1987.
[11] Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý- Bộ Tư pháp, Trách nhiệm dân sự do hành vi gây thiệt hại về môi trường, Bản tin Luật so sánh, Số 1/2004. 
[12] Xem: Viện Khoa học Pháp lý Bộ Tư pháp, CIDA Canada, Bản tin Luật so sánh, số 1/2004.
[13] Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn cần xác định mức thiệt hại để Nhà nước có các chính sách phù hợp: hỗ trợ, miễn giảm thuế.
[14] Ngoài ra, môi trường còn có thể bị xâm phạm do tác động của cả 2 yếu tố: thiên nhiên và con người. Trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường có thể được giảm nhẹ nếu thiệt hại mà người làm ô nhiễm môi trường gây ra xuất hiện cùng với những thiệt hại do biến đổi thất thường của tự nhiên.
[15] Tại nhiều quốc gia, trách nhiệm dân sự được chia làm 2 loại: trách nhiệm dân sự tuyệt đối và trách nhiệm dân sự tương đối.
[16] Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo cáo phúc trình Đề tài NCKH cấp cơ sở “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây nên",, 2006, Tr. 26
NGHIÊN CỨU

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment