02/07/2014
Cơ cấu tổ chức của AC trong mối liên hệ với thiết chế pháp lý của Liên minh châu Âu - Bài tập nhóm Pháp luật cộng đồng ASEAN
Bài tập Pháp luật cộng đồng ASEAN có đáp án.

Sự tồn tại và phát triển của Cộng đồng ASEAN (AC) đang ngày càng có tác động mạnh mẽ, đa chiều đến sự phát triển của các nước trong khu vực. Hiện nay, Cộng đồng  có cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ. Nghiên cứu về cơ cấu tổ chức  của AC sẽ góp phần có cái nhìn đúng đắn và giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về Cộng đồng này. Cùng với đó, việc nghiên cứu sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi đặt cơ cấu tổ chức của AC trong mối liên hệ với thiết chế pháp lý của Liên minh châu Âu (EU).

NỘI DUNG

I. Khái quát về Cộng đồng ASEAN (AC)và Liên minh châu Âu (EU): 

1. Khái quát về cộng đồng ASEAN:

Ý tưởng về một cộng đồng ASEAN được đưa ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 năm 1997. Tuy nhiên, văn kiện này mới chỉ dừng lại đến ý tưởng mà chưa đưa ra khái niệm chính thức nào về Cộng đồng ASEAN. 


Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 năm 2003 đã thông qua Tuyên bố hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II). Với những quy định về mục tiêu và cấu trúc của từng cộng đồng cấu thành Cộng đồng ASEAN, Tuyên bố là văn bản pháp lí đầu tiên chính thức ghi nhận khái niệm cộng đồng ASEAN và những định dạng cụ thể của nó. 


Nhằm hiện thực hóa mục tiêu thành lập AC, Chương trình hành động Viên Chăn (VAP) đã được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ mười năm 2004. 

Tiếp đó, các bản kế hoạch tổng thể xây dựng từng cộng đồng trong Cộng đồng ASEAN, bao gồm Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC, Kế hoạch tổng thể xây dựng APSC và Kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC cùng được ký kết trong năm 2009. Đây chính là cơ sở pháp lí để ASEAN triển khai xây dựng mỗi cộng đồng, qua đó hiện thực hóa mục tiêu về một Cộng đồng ASEAN. 

Như vậy, có thể hiểu Cộng đồng ASEAN là liên kết của các quốc gia ASEAN trên cơ sở một hệ thống thiết chế và thể chế pháp lí, bao gồm ba trụ cột Cộng đồng chính trị - an ninh, Cộng đồng kinh tế và Cộng đồng văn hóa – xã hội, nhằm xây dựng ASEAN trở thành một tổ chức quốc tế năng động, thịnh vượng, vững mạnh và bản sắc chung. 

2. Khái quát về Liên minh châu Âu (EU):

Liên minh châu Âu hay Liên hiệp châu Âu (tiếng Anh: European Union), viết tắt là EU, là một liên minh kinh tế chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên thuộc Châu Âu. Liên minh châu Âu được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1 tháng 11 năm 1993 dựa trên Cộng đồng châu Âu (EC). Với hơn 500 triệu dân, Liên minh châu Âu chiếm 30% (18,4 tỉ đô la Mỹ năm 2008) GDP danh nghĩa và khoảng 22% (15,2 tỉ đô la Mỹ năm 2008) GDP sức mua tương đương của thế giới. 

Liên minh châu Âu đã phát triển một thị trường chung thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các nước thành viên nhằm đảm bảo sự lưu thông tự do của con người, hàng hóa, dịch vụ và vốn. EU duy trì các chính sách chung về thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp và phát triển địa phương. 16 nước thành viên đã chấp nhận đồng tiền chung, đồng Euro, tạo nên khu vực đồng Euro. Liên minh châu Âu đã phát triển một vai trò nhất định trong chính sách đối ngoại, có đại diện trong Tổ chức Thương mại Thế giới, G8, G-20 nền kinh tế lớn và Liên hiệp quốc. Liên minh châu Âu đã thông qua việc bãi bỏ kiểm tra hộ chiếu bằng Hiệp ước Schengen giữa 22 quốc gia thành viên và 3 quốc gia không phải là thành viên Liên minh châu Âu. 

Là một tổ chức quốc tế, Liên minh châu Âu hoạt động thông qua một hệ thống chính trị siêu quốc gia và liên chính phủ hỗn hợp. Những thể chế chính trị quan trọng của Liên minh châu Âu bao gồm Ủy ban châu Âu, Hội đồng Liên minh châu Âu, Hội đồng châu Âu, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Từ khi ra đời cho đến nay, Liên minh châu Âu đã lớn mạnh hơn về số lượng cũng như chất lượng thông qua việc tăng cường thẩm quyền của Liên minh châu Âu.

II. Bình luận về cơ cấu tổ chức của Cộng đồng ASEAN (AC):

1. Cơ cấu tổ chức

1.1. Hội nghị cấp cao – ASEAN Sumit 

Hội nghị cấp cao ASEAN (hay còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh) bao gồm các nguyên thủ quốc gia hoặc những người đứng đầu chính phủ của các quốc gia thành viên. Hội nghị cấp cao tiến hành họp 2 lần một năm và do quốc gia thành viên giữ chức chủ tịch ASEAN chủ trì và tổ chức, ngoài ra Hội nghị cấp cao sẽ được nhóm họp bất thường khi cần thiết. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của ASEAN

1.2. Hội đồng điều phối 

Hội đồng điều phối ASEAN bao gồm các ngoại trưởng ASEAN, họp ít nhất 2 lần một năm. Hội đồng điều phối ASEAN sẽ được các quan chức cao cấp liên quan hỗ trợ.

1.3. Các hội đồng Cộng đồng

Các hội đồng Cộng đồng bao gồm Hội đồng Cộng đồng chính trị – an ninh, Hội đồng cộng đồng kinh tế, Hội đồng cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN. Mỗi quốc gia thành viên sẽ chỉ định một đại diện quốc gia tham dự cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng ASEAN, trực thuộc mỗi Hội đồng Cộng đồng sẽ có các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng.

Mỗi Hội đồng Cộng đồng họp ít nhất 2 lần 1 năm và do Bộ trưởng có liên quan của mỗi quốc gia thành viên giữ cương vị Chủ tịch ASEAN chủ trì. Mỗi Hội đồng Cộng đồng ASEAN sẽ được hỗ trợ bởi các quan chức cao cấp có liên quan.

1.4. Các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng

Các cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng ASEAN là các thiết chế trực thuộc các Hội đồng Cộng đồng (Hội đồng Cộng đồng chính trị – an ninh có 6 cơ quan, Hội đồng Cộng đồng kinh tế có 14 cơ quan, Hội đồng Cộng đồng văn hóa – xã hội có 17 cơ quan trực thuộc. Mỗi cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng trong phạm vi chức năng của mình có thể giao cho các quan chức cao cấp và các cơ quan trực thuộc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được nêu trong Phụ lục 1 của Hiến chương.

1.5. Tổng thư kí và Ban thư kí

- Tổng thư kí ASEAN

Tổng thư kí ASEAN do Hội nghị cấp cao bổ nhiệm với nhiện kì 5 năm và không được tái bổ nhiệm. Tổng thư kí được lựa chọn trong số công dân của quốc gia thành viên ASEAN dựa theo thứ tự luân phiên, có tính đến sự liêm khiết, năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn và sự cân bằng về giới. Tổng thư kí là quan chức hành chính cao cấp nhất của ASEAN, được hỗ trợ bởi bốn Tổng thư kí với hàm thứ trưởng. Các phó Tổng thư kí sẽ chịu trách nhiệm trước Tổng thư kí trong việc thực thi chức trách của mình. Bốn phó Tổng  thư kí sẽ không cùng quốc tịch với Tổng thư kí và đến từ 4 quốc gia thành viên khác nhau

- Ban thư kí ASEAN

Ban thư kí ASEAN bao gồm Tổng thư kí và các nhân viên khác, tùy theo yêu cầu đặt ra. Tổng thư kí và các nhân viên Ban thư kí thực thi nhiệm vụ vì lợi ích của ASEAN mà không nhân dân bất kì chính phủ nào. 

- Ban thư kí ASEAN quốc gia

Mỗi quốc gia thành viên ASEAN thành lập một Ban thư kí ASEAN quốc gia đóng vai trò là đầu mối quốc gia trong các hoạt động liên quan đến ASEAN.

1.6. Ủy ban đại diện thường trực bên cạnh ASEAN

Mỗi quốc gia thành viên ASEAN bổ nhiệm một đại diện thường trực có hàm đại sứ bên cạnh ASEAN đặt tại Jakarta. Ủy ban đại diện thường trực bao gồm các vị sứ của đại sứ của quốc gia.

1.7. Ủy ban ASEAN ở nước thứ ba và các tổ chức quốc tế

Ủy ban ASEAN ở các nước thứ 3 có thể được thành lập tại các nước ngoài khối ASEAN, bao gồm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia thành viên ASEAN tại quốc gia đó. Các ủy ban tương tự có thể được thành lập bên cạnh các tổ chức quốc tế. Các ủy ban này sẽ thúc đẩy lợi ích và bản sắc ASEAN tại nước chủ nhà và các tổ chức quốc tế.Thủ tục hoạt động của các ủy ban này sẽ do Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN quy định vụ thể.

Ngoài các cơ quan trên, Hiến chương còn quy định sẽ thành lập một Cơ quan nhân quyền hoạt động theo Quy chế do Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao quyết định để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, phù hợp với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương.

2. Bình luận về cơ cấu tổ chức của AC:

Cơ cấu tổ chức của AC ngày càng đảm bảo cho bộ máy của ASEAN thực hiện có hiệu quả các tôn chỉ, mục đích đã đề ra trong Hiến chương.

Thứ nhất, tất cả các thiết chế pháp lý của AC đều đã được thể chế hoá ngay trong Hiến chương. Đồng thời, chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan này cũng được quy định chi tiết và cụ thể ở ngay trong Hiến chương chứ không cần các thoả thuận riêng biệt khác như trước đây (điển hình như các quy định về chức năng, nhiệm vụ của hội nghị cấp cao, Tổng thư kí và Ban thư kí).

Thứ hai, cơ cấu tổ chức của AC theo mô hình "chóp quyền lực", vừa đảm bảo sự tập trung (bên cạnh hội nghị cấp cao là cơ quan quyền lực cao nhất, còn có các cơ quan điều phối như: Hội đồng điều phối để phối hợp với các hội đồng Cộng đồng ASEAN nhằm tăng cường tính đồng bộ về chính sách, hiệu quả và hợp tác giữa các cơ quan này; 3 hội đồng cộng đồng có trách nhiệm đảm bảo việc thực hiện các quyết định của ASEAN liên quan đến cộng đồng mình, điều phối các hoạt động của cộng đồng, đồng thời báo cáo lên Hội nghị cấp cao ASEAN về những hoạt động thuộc phạm vi của cộng đồng mình phụ trách...), vừa đảm bảo sự chuyên sâu, chuyên trách (như trong mỗi hội đồng cộng đồng lại có các cơ quan chuyên ngành cấp Bộ trưởng trực thuộc, mỗi cơ quan chuyên ngành này lại có các cơ quan chuyên trách cấp dưới giúp việc...).

Thứ ba, sự phân công, phân nhiệm và mối quan hệ giữa các cơ quan trong AC cũng được xác định rõ ràng, chặt chẽ; đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan hoạch định chính sách với các cơ quan chấp hành, giữa cơ quan điều phối với cơ quan thực hiện, giữa cơ quan trụ cột với cơ quan chuyên ngành và giữa cơ quan cấp trên với cơ quan trực thuộc... Trong tất cả các cơ quan của AC chỉ duy nhất Hội nghị cấp cao là cơ quan hoạch định chính sách, các cơ quan còn lại đều là các cơ quan điều phối, điều hành và chấp hành. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng hiệu quả, hiệu lực trong thực tế triển khai các quyết định, chính sách của AC.

Thứ tư, khoảng cách giữa các kì họp của các hội đồng đã được rút ngắn hơn rất nhiều so với trước. Hội nghị cấp cao, Hội đồng điều phối, 3 Hội đồng cộng đồng đều họp ít nhất 2 lần trong 1 năm so với trước đây là 3 năm một lần của hội nghị cấp cao và mỗi năm một lần của các Hội nghị bộ trưởng. Và vì vậy, sẽ giúp cho các cơ quan này (nhất là hội nghị cấp cao với tư cách là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất) có khả năng phản ứng nhanh nhạy, kịp thời và thường xuyên hơn đối với các vấn đề đặt ra.

Thứ năm, nhấn mạnh vị trí của Tổng thư kí, các phó Tổng thư kí và Ban thư kí - cơ quan hành chính thường trực nhằm thúc đẩy việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và các hoạt động khác của ASEAN đi vào thiết thực và hiệu quả hơn.

III. So sánh với các thiết chế pháp lý của Liên minh châu Âu (EU)

1. Hệ thống các thiết chế pháp lý của Liên minh châu Âu:

1.1. Hội đồng châu Âu:

Gồm người đứng đầu các Nhà nước hoặc Chính phủ quốc gia thành viên, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chủ tịch Ủy ban thành viên. Họp 4 lần trong 1 năm.

1.2. Nghị viện châu Âu:

Gồm 736 thành viên do công dân các nước thành viên trực tiếp bầu ra theo quy tắc tỷ lệ với dân số và hình thức phổ thông, hoạt động theo nhóm chính trị.

1.3. Hội đồng bộ trưởng châu Âu:

Gồm đại diện cấp bộ trưởng của các quốc gia thành viên, thành phần của Hội đồng bộ trưởng tại mỗi cuộc họp là bộ trưởng phụ trách các vấn đề liên quan. Ngoài ra còn có hệ thống cơ quan giúp việc: Ủy ban đặc biệt về nông nghiệp;  Ủy ban đại diện thường trực; Các nhóm công tác; Tổng thư ký.

1.4. Ủy ban châu Âu:

Gồm 27 thành viên, trong đó mỗi quốc gia có 1 thành viên, có nhiệm kỳ 5 năm. Gồm 1 chủ tịch và 5 phó chủ tịch, có 1 phó chủ tịch là đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh chung, và chỉ chịu trách nhiệm trước Nghị viện châu Âu. Thành viên của Ủy ban hoạt động độc lập với quốc gia, chỉ phục vụ lợi ích của cộng đồng.

1.5. Tòa án châu Âu

Được chia làm 2 loại : Tòa công lý châu Âu và Tòa chung châu Âu

* Tòa công lý châu Âu

- Gồm 27 thẩm phán và 8 công tố viên do Chính phủ các quốc gia thành viên bổ nhiệm, có nhiệm kỳ : 8 năm và có thể tái bổ nhiệm

- Các thẩm phán bầu ra Chánh tòa với nhiệm kỳ 3 năm và có thể tái bổ nhiệm

- Cơ cấu : 2 phân tòa

+ 1 phân tòa gồm 5 Thẩm phán, 1 Chánh án với nhiệm kỳ 3 năm

+ 1 phân tòa gồm 3 Thẩm phán, 1 Chánh án với nhiệm kỳ 1 năm

* Tòa chung châu Âu

Gồm 27 Thẩm phán và không có công tố viên do các quốc gia thành viên bổ nhiệm với nhiệm ký 6 năm và có thể tái bổ nhiệm.

1.6. Ngân hàng trung ương châu Âu :

Cơ cấu gồm có Hội đồng điều hành (cơ quan quyết định cao nhất), Ban quản trị, Hội đồng chung. 

1.7. Kiểm toán châu Âu :  

Gồm 27 thành viên do Hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Ngoài ra còn có kiểm toán viên, biên dịch viên, thành viên khác.

1.8. Các cơ quan chuyên ngành: 

Gồm có Ủy ban kinh tế xã hội châu Âu, Ủy ban vùng, Ngân hàng đầu tư châu Âu.

2. So sánh cơ cấu tổ chức của cộng đồng ASEAN (AC) với các thiết chế pháp lý của Liên minh châu Âu (EU).

2.1. Giống nhau: 

Cộng đồng ASEAN và Liên minh châu Âu đều tổ chức theo cấu trúc hình chóp quyền lực, đều có cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan chấp hành. Giống như tổ chức quốc tế truyền thống khác như ASEAN, EU cũng có những thiết chế có sự tham gia của mỗi nước thành viên đại diện cho quyền lợi của nước mình như Hội đồng châu Âu có nhiệm vụ xác định mục tiêu phát triển, hoạch định đường lối chính trị chung và những ưu tiên trong hoạt động của EU. Quyết định của Hội đồng châu Âu được thông qua trên cơ sở đa số tuyệt đối hoặc đồng thuận. 

2.2. Khác nhau: 

Thứ nhất, về cách thức tổ chức: 

Sự khác nhau giữa hai tổ chức về cơ cấu thể chế là đương nhiên. Nhưng sự khác biệt quyết định không phải ở cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ mà ở tính chất của toàn hệ thống. Trong khi hệ thống tổ chức của AC gồm những cơ cấu có sự tham gia của mỗi nước thành viên đại diện cho quyền lợi của nước mình thì hệ thống tổ chức của EU không chỉ có vậy, EU có những thiết chế mang tính chất siêu quốc gia, tiêu biểu là Ủy ban châu Âu, mà ở đó đại diện của các nước thành viên hoạt động là vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Các thiết chế hiện nay của EU chưa phải là một “nhà nước” với những đặc điểm truyền thống nhưng đã hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp độ liên minh và các nước thành viên, có các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự khác biệt đó xuất phát tư bản chất hợp tác của mỗi tổ chức

Cơ cấu tổ chức và hoạt động của EU là một nội dung hêt sức phức tạp so với cơ cấu tổ chức của AC, do bộ máy của  Liên minh là sự kết hợp và pha trộn giữa cách thức tổ chức bộ máy của các tổ chức quốc tế (với sự xuất hiện của Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu) và cách thức tổ chức bộ máy của một nhà nước liên bang (với sự xuất hiện của Nghị viện châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu), hay như ngay trong chức năng hoạt động của các cơ quan đã thể hiện sự pha trộn rõ rệt: Tòa án châu Âu vừa giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên như 1 tòa án quốc tế, vừa giải quyết các tranh chấp trong các lĩnh vực hiến pháp, hành chính, dân sự, thương mại… như một tòa án quốc gia.

Thứ hai, về số lượng các cơ quan:

Hệ thống các thiết chế của EU gồm có các thiết chế pháp lý chính là: Hội đồng châu Âu, Hội đồng bộ trưởng châu Âu, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu, Tòa án châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu, Kiểm toán châu Âu và các cơ quan chuyên ngành. Tòa án châu Âu là một thể chế rất đặc thù và quan trọng của EU, nó vừa có tính chất như tòa án quốc tế, vừa có tính chất như tòa án quốc gia. Nhiệm vụ của Tòa án là duy trì hiệu lực của các Hiệp ước, luật pháp của Cộng đồng, xem xét sự tương thích giữa luật của EU với luật quốc gia thành viên, của các điều ước quốc tế với Hiệp ước của EU; giải quyết các tranh chấp liên quan đến các thể chế, các nước thành viên, của cá nhân và doanh nghiệp

So với EU, AC không có tòa án tư pháp để theo dõi và thực thi pháp luật chung của Hiệp hội, chưa có 1 cơ quan hành chính độc lập, đủ mạnh để giám sát việc thực thi các chính sách…Cho đến nay, AC vẫn duy trì sự lỏng lẻo về mặt thể chế, một bộ máy điều hành phi tập trung.

Thứ ba, về tổ chức của từng thiết chế: 

Khác với AC, hệ thống tổ chức của EU là một thiết chế ngày càng chặt chẽ được hình thành và phát triển qua các Hiệp ước: Hiệp ước Paris(1951), Hiệp ước Rome(1957), Đạo luật châu Âu thống nhất (1986), Hiệp ước Maastricht (1992), Hiệp ước Amsterdam (1997), Hiệp ước Nice (2001), Hiệp ước thiết lập Hiến pháp (2004), Hiệp ước Lisbon (2007), theo hướng tạo ra một châu Âu thống nhất theo kiểu liên bang.

Đặt trong mối quan hệ so sánh với EU thì trong các cơ quan của AC vẫn chưa có nhiều các cơ quan hoạt động thường kỳ (chỉ có 2 cơ quan là Ủy ban đại diện thường trực và Ban thư ký so với các cơ quan còn lại chỉ tiến hành họp theo định kỳ hoặc khi cần thiết). Điều này một mặt khiến cho mối liên kết giữa các cơ quan của Hiệp hội còn lỏng lẻo, mặt khác do chỉ hoạt động theo cơ chế kỳ họp nên có thể sẽ làm hạn chế khả năng chỉ đạo, điều hành của các cơ quan này trước những biến động, khó khăn bất thường

Nhìn chung, Hiệp ước Lisbon có hiệu lực làm cho quyền năng chủ thể luật quốc tế mà 27 quốc gia thành viên trao cho EU ngày càng lớn hơn nhiều so với quyền năng chủ thể luật quốc tế của ASEAN hiện tại và của AC trong tương lai. Theo Hiến chương ASEAN, AC vẫn là một tổ chức liên chính phủ. Điểm phát triển của AC so với ASEAN là ở chỗ, trong AC mức độ liên kết khu vực sâu sắc hơn và có nền tảng pháp lý vững chắc hơn. Trong khi cơ sở pháp lý của ASEAN là Tuyên bố Băng Cốc 1967, thì cơ sở pháp lý của AC là Hiến chương ASEAN – một văn kiện có tính thể chế cao hơn. Đó cũng là điểm khác so với EU, bởi vì thực tế cho thấy mô hình hợp tác của EU được hình thành và phát triển qua các thời kỳ đều dựa trên cơ sở một hệ thống pháp luật vững chắc, trong khi ASEAN thiếu điều này.

Với Hiến chương, ASEAN đã có bước tiến trong việc định khung hợp tác của mình. Đó là mô hình Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột cộng đồng về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, phản ánh bao quát nội dung hợp tác toàn diện của ASEAN. Khung hợp tác này hoàn toàn khác so với EU. Khung hợp tác của EU là 3 trụ cột bao gồm 1 trụ cột cộng đồng và 2 trụ cột liên chính phủ. Người ta ví cấu trúc của EU như một ngôi đền Hy lạp điển hình, với mỗi trụ cột đại diện cho một khu vực chính sách nhất định và có một khuôn khổ thể chế duy nhất cho cả ba trụ cột. Về trụ cột cộng đồng, EU không thay thế các cộng đồng mà nó bao hàm các cộng đồng: ECSC (hiện nay không còn do hết hiệu lực sau 50 năm), Euratom và EEC. Trụ cột này liên quan đến các lĩnh vực(chủ yếu là kinh tế) mà trong đó các quốc gia thành viên hạn chế chủ quyền của mình để trao cho các thiết chế của Liên minh nhằm thực hiện các chính sách chung như chính sách nông nghiệp chung, chính sách thương mại chung…Hai trụ cột liên chính phủ thuộc lĩnh vực chính trị  bao gồm Chính sách an ninh và đối ngoại chung(CFSP) và Chính sách hợp tác trong lĩnh vực tư pháp và nội vụ(CJHA). Về bản chất, 2 trụ cột này chỉ là cơ chế hợp tác liên chính phủ của các quốc gia có chủ quyền, chủ yếu trên cơ sở đồng thuận. Điểm khác biệt duy nhất của các cơ chế hợp tác liên chính phủ này là chúng được thiết lập và hoạt động với sự trợ giúp của các thiết chế liên minh. Theo Hiệp ước Lisbon, các trụ cột liên chính phủ cũng có sự điều chỉnh khi mà một số mảng hợp tác đã được chuyển sang trụ cột cộng đồng

Như vậy, ba trụ cột cộng đồng của ASEAN không hẳn giống như trụ cột cộng đồng hay trụ cột liên chính phủ của EU. Bởi vì, trụ cột cộng đồng của ASEAN không  có sự  chuyển dịch chủ quyền của quốc gia thành viên cho cộng đồng như các trụ cột cộng đồng của EU, nó cũng được thiết lập và hoạt động với sự trợ giúp của các thiết chế cộng đồng như các trụ cột liên chính phủ của EU. Các trụ cột cộng đồng của A được chia tách theo các lĩnh vực riêng biệt nhưng các trụ cột của EU không hẳn vậy. Mô hình hợp tác mới của ASEAN thực chất còn thấp hơn nhiều so với EU về mức độ, trình độ liên kết, điều này do những yếu tố đặc thù của khu vực chi phối, song nó cũng khẳng định bước tiến mới trong hợp tác ASEAN.

2.3. Nguyên nhân của sự khác biệt:

Về động cơ ra đời: Trên cơ sở “ nhận thức được sự tồn tại của các mối quan tâm lẫn nhau và các vấn đề chung giữa các nước Đông Nam Á và tin tưởng vào sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa các mối đoàn kết sẵn có trong khu vực; mong muốn xây dựng một nền tảng vững chắc cho hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác ở khu vực Đông Nam Á” (Tuyên bố Băng Cốc), ngày 08/08/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời. Như vậy động cơ ra đời và khởi nguồn hợp tác của ASEAN là hợp tác, liên kết về chính trị, an ninh. Khác với ASEAN, động cơ ra đời và khởi nguồn hợp tác của EU trước hết là từ lĩnh vực kinh tế. Nhìn về lịch sử, cả ASEAN và EU đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh lạnh nhưng EU ra đời trong bối cảnh và động cơ khác ASEAN. Một Tây Âu đổ nát sau chiến tranh mà nước gây chiến (Đức) là nước lớn nhất nằm ngay giữa châu Âu, nên nguyện vọng được sống trong hòa bình vĩnh viễn và hóa giải mối hận thù truyền thống giữa 2 quốc gia lớn nhất châu Âu nằm cận kề nhau là Đức và Pháp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời của EEC. Mặt khác, với sức ép của 2 siêu cường kinh tế lúc bấy giờ là Liên Xô và Mỹ đã thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa các nước Tây Âu. 

Đặc điểm chính trị, tôn giáo, văn hóa của các quốc gia trong AC có nhiều điểm khác EU. ASEAN là sự hợp tác của các nước đang phát triển vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa, phụ thuộc, đa dạng về văn hóa tôn giáo. Từ năm 1995, với sự gia nhập của Việt Nam, ASEAN bắt đầu có sự khác biệt về chế độ chính trị và sự chênh lệch lớn về trình độ kinh tế. Trong khi đó, các nước EU có nguồn gốc lịch ssử, văn hóa và ngôn ngữ khá tương đồng nên EU dễ dàng thiết lập một thể chế thống nhất và liên kết chặt chẽ.

Điểm khác biệt sâu xa cho sự ra đời của EU và AC chính là ở ý tưởng liên kết. Khác với người dân Đông Nam Á luôn muốn chung sống hòa bình, “thống nhất trong đa dạng”, người dân châu Âu đã nuôi dưỡng ý tưởng thống nhất châu Âu từ thởi khá xa xưa và khi hội đủ điều kiện chi việc hiện thực hóa ý tưởng và nguyện vọng đó thì sự ra đời của EU là tất yếu. Quá trình liên kết châu Âu thực chất là quá trình tái liên kết, tái hội nhập châu Âu trong điều kiện mới. Quá trình này tuy gặp một số khó khăn nhưng rõ ràng diễn ra tương đối thuận lợi, ít gặp phải vật cản từ phía nội tại của châu Âu. Do vậy mà trong hơn 50 năm tồn tại, EU luôn bộc lộ xu hướng phát triển chung là ngày càng thu hẹp tính chất là một tập hợp các quốc gia có chủ quyền, mở rộng theo hướng liên kết siêu quốc gia. Có lẽ đây là điểm khác biệt cơ bản nhất quy định mọi sự khác nhau giữa mô hình hợp tác của EU và AC.

KẾT LUẬN


Đến nay, ASEAN đã đi được một chặng đường khá dài trên con đường phát triển của mình, các mục tiêu đề ra từ Tuyên bố Băng Cốc cho đến các hội nghị cấp cao đều đang được ASEAN thực hiện. So với EU thì AC vẫn còn khoảng cách khá xa. Trong xu hướng khu vực hoá ngày càng sâu rộng với nhiều khác biệt, từ những bước đi đầu tiên cho đến thực chất của quá trình liên kết, AC cần hoàn thiện hơn về cơ cầu tổ chức để Cộng đồng ngày càng vững chắc, đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment