LỜI NÓI ĐẦU
Hồ Chí Minh sinh năm 1890 và mất năm 1969. Người là một một vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người đã đã ra đi tìm đường cứu nước cho đất nước chúng ta và đã chèo lái một con thuyền vĩ đại một con thuyền dân tôc; con thuyền cách mạng của nhân dân Việt Nam đi đến đích thắng lợi. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam không chỉ là tấm gương suốt đời đấu tranh cho hạnh phúc nhân dân, tấm gương đạo đức mẫu mực mà còn là cả một kho tàng lí luận sắc sảo soi đường cho cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng về độc lập, tự do. Vậy Người có quan niệm như thế nào về độc lập tự do? Cơ sở hình thành tư tưởng đó của người từ đâu mà có? Quá trình phát triển tư tưởng đó ra sao?...Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trong khuôn khổ bài tập lớn học kì môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, em đã chọn đề bài “ Phân tích tư tưởng về độc lập, tự do của Hồ Chí Minh” .
NỘI DUNG
Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống tư tưởng quan điểm cơ bản phản ánh một cách rất sâu sắc về thực tiễn cách mạng Việt Nam, cách mạng thuộc địa, trên cơ sở kế thừa, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tinh hoa văn hóa dân tộc, trí tuệ nhân loại, nhằm giải phóng dân tộc, giai cấp, con người( ). Đó là một hệ thống tư tưởng quan điểm trên nhiều lĩnh vực như: Tư tưởng về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tư tưởng về Đảng cộng sản Việt Nam, tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại… Trong đó nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Bởi vì vấn đề này đã bao quát những quan điểm tư tưởng cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là xu thế của thời đại; đã phản ánh được chân lí của thời đại không chỉ đối với cách mạng Việt Nam mà còn đối với cách mạng thuộc địa của thế giới; đồng thời cũng bổ sung vào học thuyết Mác- Lênin về chủ nghĩa xã hội.
Độc lập, tự do là một trong những tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc. Vấn đề dân tộc ở đây không phải là vấn đề dân tộc nói chung mà thực chất đó là vấn đề dân tộc thuộc địa trong thời đại cách mạng vô sản, là vấn đề giải phóng của các dân tộc thuộc địa nhằm thủ tiêu sự thống trị của nước ngoài, giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự áp bức bóc lột thực dân, thực hiện quyền dân tộc tự quyết và thành lập nhà nước dân tộc độc lập dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân với đội tiên phong là Đảng cộng sản. Bất kì dân tộc nào cũng quan tâm đến vấn vấn đề độc lập, tự do. Và vì thế, độc lập, tự do là nội dung quan trọng nhất, chủ yếu nhất trong vấn đề dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do gồm những vấn đề cơ bản sau:
1. Hồ Chí Minh khẳng định độc lập tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các dân tộc và là khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam.
Độc lập, tự do là những phạm trù nền tảng của việc hình thành một quốc gia mà ở đó con người tìm kiếm được đời sống thông thường của mình, đời sống phát triển của mình và hạnh phúc của mình. Độc lập là sự toàn vẹn của lãnh thổ và toàn vẹn về các giá trị của dân tộc. Tự do tức là người ta có thể phát triển hết năng lực vốn có của mình. Tự do là quyền phát triển, tự do không phải chỉ đơn thuần là quyền chính trị. Tự do mà gắn liền với độc lập tức là tự do gắn liền với sự cư trú của người dân trên chính lãnh thổ của họ( )
Độc lập tự do là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Con người khi sinh ra có quyền sống, quyền hưởng tự do, hạnh phúc. Họ lao động và đấu tranh cũng nhằm hướng đến những quyền đó. Trải qua quá trình đấu tranh sinh tồn, con người gắn bó với nhau trong một vùng địa lí nhất định, hình thành nên những vùng lãnh thổ riêng với những phong cách lối sống riêng. Sự xâm lược của nước ngoài với những chính sách thống trị, đàn áp khiến họ trở thành nô lệ, mất độc lập, tự do và họ phải phụ thuộc vào nước ngoài. Lịch sử loài người đã chứng kiến biết bao cuộc đấu tranh chống lại sự xâm lược của của các nước đế quốc của các dân tộc trên thế giới để giành lại độc lập, tự do – quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Đối với dân tộc ta thì khát vọng được độc lập, tự do cũng là một khát vọng mãnh liệt nhất cháy trong mỗi con người Việt Nam ta lúc bấy giờ . Dân tộc ta từ khi dựng nước đã chứng kiến biết bao cuộc xâm lược. Khi có kẻ thù đến thì nhân dân ta không phân biệt là già trẻ hay gái trai đồng sức đồng lòng kiên quyết chống lại và đứng lên giành cho bằng được độc lập dân tộc. Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Quang Trung…những cái tên gắn với những cuộc kháng chiến chống nhà Hán, Nam Hán, nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh…đã trở thành bản anh hùng ca trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Rồi sau đó là cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ ác liệt, dù kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần nhưng toàn dân ta đã chiến đấu anh dũng, không ngại hi sinh gian khổ để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hồ Chí Minh cũng đã nói: “ Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”( ). Như vậy có thể nói Hồ Chí Minh khẳng định: “độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới và là khát vọng lớn nhất của dân tộc Việt Nam” đó là tư tưởng hết sức đúng đắn, không chỉ với đương thời mà cho đến nay tư tưởng đó vẫn là chân lí của thời đại.
2. Cơ sở hình thành tư tưởng.
2.1. Lịch sử không ngừng đấu tranh để giữ nước và dựng nước, trong đó tinh thần yêu nước luôn đứng hàng đầu của bảng giá trị dân tộc.
Hồ Chí Minh đã đúc kết “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Đúng vậy, lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời đã hình thành nên những giá trị truyền thống hết sức cao quý của dân tộc Việt Nam. Trong những giá trị đó, chủ nghĩa yêu nước truyền thống là tư tưởng tình cảm cao quý, thiêng liêng nhất, là cội nguồn của trí tuệ sáng tạo và lòng dũng cảm của người Việt Nam. Chính sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước đã thúc giục Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, và là nguồn gốc, là cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về độc lập, tự do.
2.2. Các quyền tự nhiên cá nhân được ghi trong tuyên ngôn của các nước dân tộc tư sản.
Hồ Chí Minh đã tìm hiểu tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mĩ, tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền 1791 của cách mạng Pháp, và tiếp nhận những nhân tố có giá trị trong hai bản tuyên ngôn bất hủ đó như quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Người khẳng định: “ đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Qua những bản tuyên ngôn đó, Hồ Chí Minh đã khái quát và nâng cao thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”( ). Hơn nữa Người còn tìm mọi cách để hiện thực hóa các quyền đó trên thực tế trong xã hội Việt Nam. Tự do của cả dân tộc thì phải trả bằng máu mới có, còn tự do của mỗi một con người trong quốc gia ấy thì phải trả bằng mồ hôi nước mắt. Khi đã giành độc lập thì phải làm cho dân bớt khổ, mọi người tôn trọng lẫn nhau. Hồ Chí Minh ngay sau khi giành độc lập, Người đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, hũ gạo cứu đói, bình dân học vụ... Những phong trào này đã khắc phục được nhiều khó khăn của người dân trong hoàn cảnh đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn. Người còn đặt các mối quan hệ ngoại giao để các nước công nhận nền độc lập của nước ta, làm cơ sở phát triển quyền tự do của con người.
3. Quá trình phát triển tư tưởng về độc lập, tự do của Hồ Chí Minh.
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, hàng ngày chứng kiến nhân dân cực khổ lầm than, đã hình thành trong con người Hồ Chí Minh chí lớn cứu nước, cứu dân. Tư tưởng độc lập, tự do không phải hình thành ngay một lúc mà đã trải qua quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện theo từng chặng đường hoạt động cách mạng của Người, theo sự phát triển của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Năm 1919, vận dụng nguyên tắc dân tộc tự quyết thiêng liêng đã được các đồng minh thắng trận long trọng thừa nhận, dưới tên ký Nguyễn Ái Quốc, thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước, Người gửi đến Hội Nghị hòa bình Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm đòi quyền bình đẳng về chế độ pháp lí và các quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Đây là hình thức thử nghiệm đầu tiên của Hồ Chí Minh về sử dụng pháp lí tư sản để đấu tranh với chủ nghĩa tư bản, đế quốc. Bản yêu sách từ nội dung đến lời lẽ chưa đề cập đến vấn đề độc lập hay tự trị, mà mới chỉ tập trung vào hai nội dung cơ bản: Một là : đòi quyền bình đẳng về chế độ pháp lý cho người bản xứ Đông Dương như đối với người châu Âu là phải xóa bỏ các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố đàn áp bộ phạn chung thực nhất trong nhân dân (tức những người yêu nước; phải xóa bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh (một cách độc tài) và thay thế bằng chế độ ra các đạo luật. Hai là: đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân đó là các quyền tự do ngôn luận báo chí tự do lập hội tự do cư trú… mặc dù vậy, bản yêu sách đã không được các tên trùm đế quốc để ý. Nhưng điều quan trọng người rút ra được bài học vô giá là “muốn giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”.
Năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng và trong lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng, Người đã xác định mục tiêu chính trị của Đảng là “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”. Như vậy tư tưởng độc lập tự do đã phát triển thêm một bước trở thành mục tiêu chính trị của Đảng.
Tháng 5- năm 1941, Hồ Chí Minh về nước chủ trì Hội nghị trung ương 8 của Đảng, viết thư kính cáo đồng bào, chỉ rõ trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”. Người chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh ra báo Việt Nam độc lập, thảo 10 chính sách của Việt Minh trong đó mục tiêu đầu tiên là “cờ treo độc lập nền xây bình quyền”. Tháng 8-năm 1945, Hồ Chí Minh đã đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập tự do của nhân dân ta trong một câu nói bất hủ: “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập!”… Như vậy, lúc này trong tư tưởng Hồ Chí Minh độc lập tự do đã trở thành quyết tâm của cả dân tộc.
Sau Cách mạng tháng Tám, trong Tuyên ngôn độc lập Người trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. Đến thời điểm này thì độc lập tự do đã trở thành hiện thực. Trong các bức thư và điện văn gửi tới Liên Hợp Quốc và chính phủ các nước thời gian đó, Người đã trịnh trọng tuyên bố rằng “nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.
Tư tưởng độc lập tự do đã được phát triển trong cuộc kháng chiến chống Pháp và hoàn thiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1946, Hồ Chí Minh đề nghị sẵn sàng ở trong khối liên hiệp Pháp để cống hiến vào sự thịnh vượng chung của khối nếu Pháp thừa nhận nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Người kêu gọi “ Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Qua đó có thể thấy độc lập tự do thực sự đã trở thành quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Khi đế quốc Mĩ xâm lược nước ta, năm 1966, dưới tiêu đề “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, lúc này, tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh đã hoàn thiện - là một chân lí thiêng liêng, bất khả chiến bại của dân tộc ta.
4. Ý nghĩa tư tưởng độc lập tự do của Hồ Chí Minh.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do” không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh, của Đảng ta và của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đem hết tâm sức của mình để thực hiện một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm cho đất nước được độc lập, đồng bào được tự do và cuối cùng, ham muốn đó đã trở thành hiện thực. Đó cũng chính là lí do chiến đấu, là nguồn sức mạnh, là động lực vô hình giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn gian khổ chiến thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Đó cũng là khẩu hiệu hành động của dân tộc Việt Nam. Với khẩu hiệu đó, nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu,hi sinh, buộc đế quốc Mỹ phải kí Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, phải chấp nhận điều 1 của chương I nói về các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam: “ Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Đồng thời, tư tưởng đó cũng là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới đấu tranh giành lấy độc lập, tự do. Vì vậy, Hồ Chí Minh không chỉ được tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc” mà Người còn được thừa nhận là “ Người khởi xướng cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỉ XX”.
Hiện nay các thế lực thù địch quốc tế và nhũng kẻ phản động tay sai trong nước dùng mọi thủ đoạn, lợi dụng toàn cầu hóa nhằm phá hoại con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong hoàn cảnh đó tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh vẫn là chân lí của thời đại. Chúng ta càng cần đề cao cảnh giác, phát huy thế mạnh của đất nước để có thể tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn giữ được độc lập chủ quyền dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
KẾT LUẬN
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ đời sau noi theo. Tư tưởng của Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng và nhân dân ta, tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta trong thời đại ngày nay. Nghiên cứu và làm rõ tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về một khía cạnh trong tư tưởng chân thật mà vĩ đại của Người, đồng thời có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Để từ đó xác định mục tiêu phát triển đất nước với những chính sách xây dựng kinh tế xã hội đúng đắn, giữ vững độc lập chủ quyền, đưa nước ta trở thành quốc gia ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, ngày càng có vị thế trên trường châu lục và quốc tế.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hội đồng chỉ đạo biên soạn quốc gia các bộ môn khoa học Mác- lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
2. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 2009.
3. Nguyễn Bá Linh, Tư tưởng Hồ Chí Minh- một số nội dung cơ bản, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
4. Nguyễn Mạnh Tường (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh – một số nhân thức cơ bản, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
5. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia.
6. Hồ Chí Minh toàn tập.tập 12. NXB chính trị quốc gia.
7. http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Suy-ngam
8. http://www. Dangcongsan.vn
No comments:
Post a Comment