30/06/2014
Tác động của xu hướng ly tâm đối với quá trình hình thành và phát triển cộng đồng ASEAN - Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN
Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN có đáp án.

Sự thành lập và phát triển của cộng đồng ASEAN là kết quả của sự tác động từ nhiều yếu tố khác nhau. Đó là nhu cầu hợp tác của các quốc gia, sự biến chuyển tình hình trong nước và quốc tế, nhu cầu nâng cao cơ chế hợp tác…Trong đó, xu hướng “ly tâm” của các quốc gia trong khu vực đối với ASEAN cũng có sự tác động ở một mức độ nhất định. Bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu vấn đề đó.

1. Khái niệm xu hướng “ly tâm”.

Xu hướng “ly tâm” được hiểu là các quốc gia trong khu vực có sự ưu tiên hơn đối với các mối quan hệ hợp tác bên ngoài nhằm thu được nhiều hơn lợi ích về quốc gia mình mà xem nhẹ sự hợp tác trong khu vực.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện xu hướng “ly tâm” và biểu hiện của nó.

Sự xuất hiện của xu hướng “ly tâm” đã bắt đầu từ lâu, vậy tại sao lại có xu hướng đó? Nguyên nhân của việc xuất hiện xu hướng này là do những lý do sau:

Thứ nhất, ASEAN nằm trong vành đai Châu Á – Thái Bình Dương, đây là khu vực nhạy cảm đồng thời có vị trí chiến lược quan trọng nên các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc… luôn cố gắng gây ảnh hưởng và can thiệp đến khu vực này bằng cách hợp tác song phương với một số quốc gia trong khu vực.

Thứ hai, bối cảnh quốc tế và từng quốc gia trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên các quốc gia trong ASEAN chưa đẩy mạnh hợp tác với nhau.

Nguyên nhân lớn nhất là do chính sự hợp tác lỏng lẻo của các quốc gia trong ASEAN, sự thành lập ASEAN trải qua thời gian dài nhưng các quốc gia chưa thực sự có một mức ngang bằng nhau về mức độ phát triển kinh tế - an ninh – xã hội. Điều này dẫn đến mâu thuẫn là, chính lợi ích quốc gia lại là nhân tố khiến ASEAN phải đối diện với sự lựa chọn khó khăn dẫn đến chia rẽ. Tức là hoặc ưu tiên phát triển với các nước lớn mà xem nhẹ sự hợp tác trong cộng đồng, hoặc là bỏ qua lợi ích lớn đó và ưu tiên phát triển cộng đồng ASEAN. Thực tế hiện nay cho thấy ảnh hưởng chính trị, kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc là không thể chối bỏ, và để giành được lợi ích lớn nhất cho quốc gia mình, các nhà lãnh đạo của ASEAN chắc chắn sẽ phải cân nhắc thật kỹ càng trước khi đưa ra những quyết định mang tính sống còn.

Biểu hiện của xu hướng “ly tâm” được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó đáng kể là lĩnh vực an ninh và kinh tế:

Trong lĩnh vực kinh tế, các quốc gia đang dần theo đuổi lợi ích từ các hiệp định song phương với Mĩ, đặc biệt là Trung Quốc.

Trong lĩnh vực chính trị an ninh, trong giai đoạn đầu Thái Lan và Philipin chú trọng hợp tác với các quốc gia ngoài khu vực mà điển hình là Hoa Kỳ. Điều này dẫn đến sự khó khăn khi tìm tiếng nói chung trong việc tạo lập sự bình ổn về an ninh chính trị cho ASEAN.

3. Tác động của xu hướng ly tâm.

- Tác động tích cực:

Tác động tích cực lớn nhất của xu hướng “ly tâm” là nó thúc đẩy hơn yêu cầu tăng cường hợp tác trong và ngoài khối, dẫn đến sự ra đời của cộng đồng kinh tế ASEAN. Bởi, xu hướng “ly tâm” làm cho sự hợp tác nội khối kém hiệu quả hơn, việc hợp tác với các quốc gia bên ngoài sẽ dần làm xa rời mục tiêu hợp tác nội khối như trong tuyên bố thành lập, nhất là vào giai đoạn đầu, khi mà xu hướng “ly tâm” diễn ra rất mạnh. Vì thế, khi các quốc gia trong ASEAN nhận thức được vấn đề này, tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu tăng cường hợp tác trong khu vực hơn và nâng cấp cơ chế hợp tác.

Mặt khác, khi kí kết các hiệp định song phương với các quốc gia bên ngoài sẽ có được sự ưu tiên và lợi ích lớn hơn, tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên ASEAN được tiếp cận thành tựu khoa học công nghệ mới cũng như học hỏi kinh nghiệm về trình độ quản lý từ các nước phát triển đồng thời tăng cường hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của mình v.v…

- Tác động tiêu cực:

Tuy nhiên, xu hướng “ly tâm” lại có tác động tiêu cực nhiều hơn đối với sự phát triển của Cộng đồng ASEAN. Với sức hấp dẫn và lợi ích lớn từ việc theo đuổi xu hướng “ly tâm” (việc ký kết các hiệp định song phương) mang lại nên các quốc gia thành viên đã không chú trọng hợp tác nội khối về kinh tế.

Các hiệp định song phương giữa các quốc gia thành viên ASEAN với quốc gia bên ngoài khối đang thể hiện chính sách của các nước lớn trong khu vực: “nước nhỏ chủ đạo, nước lớn tham gia” và “chia bó đũa để bẻ”. Vì vậy, xu hướng “ly tâm” này đã khiến cho ASEAN gặp trở ngại lớn trong vai trò làm trục phát triển, vai trò trung tâm của mình cũng như làm suy giảm năng lực cạnh tranh của ASEAN trước các đối thủ mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này có lẽ Trung Quốc là quốc gia hiểu hơn ai hết. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh cũng như chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ hướng về châu Á khiến cho các nước Đông Nam Á thực sự lo ngại và loay hoay trong quyết định mình sẽ lựa chọn như thế nào. Lợi dụng tâm lý đó, Trung Quốc dường như đang thành công trong việc chia rẽ và làm ASEAN suy yếu trong các quyết sách của mình cũng như mất uy tín trong mắt cộng đồng quốc tế. Xu hướng “ly tâm” làm giảm sút hình ảnh một ASEAN năng động, ổn định và đe dọa đến mục tiêu hợp tác lâu dài như đã cam kết.

Ví dụ điển hình cho tác động tiêu cực của xu hướng “ly tâm” hiện nay là trong lĩnh vực hợp tác với Trung Quốc. Đầu năm 2011, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (viết tắt là ACFTA) có hiệu lực vào tháng 1/2010 đang giúp tăng đáng kể hoạt động thương mại và đầu tư.Tuy nhiên, "con dao hai lưỡi" này hiện nay đang cắt trúng "những ngón tay" của nội bộ ASEAN hơn là mang về lợi thế kinh tế. Trong ACFTA, vô tình hay hữu ý Trung Quốc đã "vẽ" nên một "cuộc đua" không đáng có giữa các nước thành viên ASEAN, khiến những nước "anh em" dốc sức "chạy" một cách miệt mài mà quên rằng họ đang có cùng lợi thế, và quan trọng hơn là đang đứng cùng một phía.Đơn cử trong lĩnh vực xuất khẩu gạo. Trung Quốc đã dùng chiêu "thị trường tiềm năng" của mình khiến các nước ASEAN đua nhau hạ giá gạo để bán cho nước này. "Vành đai lương thực" ASEAN gồm nhiều nước trong đó phải nói đến Việt Nam, Thái Lan, Myanmar hay Campuchia với khả năng cung cấp cho thế giới hơn 15 triệu tấn gạo/năm lại đua nhau "bán rẻ" cho Trung Quốc trong bối cảnh cường quốc này đứng vị trí số một về sản xuất gạo. Và năm 2012, Chiến lược thâu tóm "vành đai lương thực ASEAN" của Trung Quốc rất thành công khi quốc gia này nhập khẩu từ 2,3 - 2,4 triệu tấn, gấp 4 lần con số 600.000 tấn của năm 2011 và vượt xa mức 2 triệu tấn được FAO đưa ra hồi tháng 11/2012 với mức giá rẻ hơn nhiều so với giá nội địa.

Khi chính phủ Trung Quốc tăng giá gạo nội địa để bảo vệ cho nông dân trồng lúa nước này, thì người nông dân tại nhiều nước ASEAN phải chịu mất thặng dư gạo do xuất khẩu với giá "rẻ bèo". Hệ lụy nghiêm trọng hơn từ yếu tố Trung Quốc chính là việc Liên minh lúa gạo ASEAN vừa được "thai nghén" hồi tháng 8/2012 nhằm tạo nên OPEC lúa gạo quyền lực, thì lại "chết yểu" ngay sau đó không lâu do sự cạnh tranh giá cả để vào thị trường Trung Hoa.
________________
[1] http://nangluongvietnam.vn/news/vn/kinh-te-chinh-tri-phap-luat/asean-giua-nga-ba-chien-luoc.html

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình pháp luật Cộng đồng ASEAN, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2012.
2. Trần Khánh, Liên kết ASEAN trong bối cảnh toàn cầu hoá, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
3. Nguyễn Xuân Thắng (chủ biên), Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế ở ASEAN, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
4. www.mofa.gov.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lý Tầm Hoan - K35 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment