17/10/2014
Bình luận về các lĩnh vực ưu tiên hội nhập của ASEAN (PIS)
Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN có đáp án.

MỞ ĐẦU:

Ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, gắn bó chặt chẽ và không tách rời, cùng theo đuổi mục tiêu đảm bảo hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng chung trong khu vực gồm Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập cùng với Cộng đồng chính trị - an ninh và Cộng đồng văn hóa – xã hội. Để xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ngoài năm yếu tố cốt lõi như tự do thương mại hàng hóa, tự do thương mại dịch vụ, tự do đầu tư, tự do dòng vốn, tự do di chuyển lao động lành nghề; thì còn bao gồm hai thành phần quan trọng là các lĩnh vực hội nhập ưu tiên và thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp. Trong quá trình thực hiện, các lĩnh vực ưu tiên hội nhập đã có đóng góp một kết quả khả quan vào tiến trình hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN.

NỘI DUNG:

I. Cơ sở lý luận:

Tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (tháng 11/2004), các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau kí Hiệp định khung ASEAN về hội nhập các lĩnh vực ưu tiên. Danh mục các lĩnh vực ưu tiên được xác định trong Hiệp định này bao gồm 7 lĩnh vực hàng hóa là dệt may, ô tô, điện tử, gỗ, thủy sản, cao su, nông sản và 4 lĩnh vực dịch vụ là y tế, du lịch, hàng không, thương mại điện tử (e – ASEAN). 

Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 37 tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) vào tháng 9/2005 đã bổ sung thêm lĩnh vực dịch vụ tiếp cận (Logistics) vào danh mục, nâng tổng số lĩnh vực ưu tiên hội nhập lên 12 lĩnh vực. Việc xác định 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập được dựa trên cơ sở nhu cầu hội nhập khách quan, lợi thế cạnh tranh của từng lĩnh vực và các đặc thù của nền kinh tế ASEAN.

Trước hết, các lĩnh vực ưu tiên hội nhập – PIS (Priority Integration Sectors) là các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm trong hợp tác kinh tế của AEC và được ưu tiên rút ngắn lộ trình thực hiện so với các lĩnh vực khác. Mục đích để kết hợp sức mạnh kinh tế của các quốc gia thành viên Asean trong các ngành kinh tế chiến lược chủ chốt, tập trung nguồn lực cho các trọng tâm, trọng điểm trong hợp tác kinh tế ASEAN, đồng thời nhằm tạo ra các lĩnh vực hợp tác kinh tế mũi nhọn và thúc đẩy nhanh hội nhập kinh tế.

Các biện pháp hợp tác các lĩnh vực ưu tiên hội nhập gồm:

+) Rút ngắn lộ trình hội nhập các lĩnh vực ưu tiên, xây dựng lộ trình và sáng kiến hội nhập cho mỗi lĩnh vực, đồng thời mỗi lĩnh vực này sẽ có điều phối viên riêng (một trong các quốc gia thành viên được phân công giữ vai trò này).

+) Tiến hành đánh giá định kì hai năm một lần để theo dõi và giám sát tình trạng, tiến độ và hiệu quả của các lĩnh vực ưu tiên hội nhập, đảm bảo thực hiện kịp thời lộ trình đã đề ra.

+) Xác định các dự án hoặc các sáng kiến khu vực cụ thể thông qua đối thoại thường xuyên hoặc tham khảo ý kiến với các bên liên quan, đặc biệt là với khu vực tư nhân.

II. Cơ sở pháp lý:

Một số các văn kiện về việc hợp tác của các nước ASEAN về hoạt động hợp tác về các lĩnh vực ưu tiên:

1. Hiến chương ASEAN:

Hiến chương ASEAN được chính thức thông qua vào ngày 20-11-2007 là cơ sở pháp lý quan trọng và cơ bản nhất cho việc xây dựng AEC và là cơ sở để triển khai các hoạt động hợp tác về lương thực, nông nghiệp, lâm nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên hội nhập nhằm xây dựng AEC thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất. Đây là một trong bốn nội dung của xây dựng AEC: (1) một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất;(2) một khu vực kinh tế cạnh tranh cao;(3) một khu vực phát triển kinh tế đồng đều; (4) một khu vực hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.  

2. Tuyên bố Bali I (1976):

Ngoài ra, tuyên bố Bali I năm 1976 cũng nêu các nước thành viên ASEAN đã đề cập đến các mục tiêu chung của hợp tác kinh tế là “phối hợp một cách có hiệu quả hơn để tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và công nghiệp; mở rộng thương mại, kể cả các vấn đề thương mại hóa quốc tế; cải thiện giao thông vận tải, bưu điện – viễn thông và nâng cao đời sống nhân dân”.

3. Kế hoạch tổng thể AEC:

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 9 (Bali, Indonesia, tháng 10/2003), trong Tuyên bố Bali II, các nhà lãnh đạo ASEAN đã quyết định thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN ( ASEAN Economic Community – AEC ). AEC ra đời đã xác định xây dựng một “thị trường và cơ sở sản xuất chung” phải bao gồm và chú trọng đối với các lĩnh vực ưu tiên hội nhập. Kế hoạch tổng thể AEC là tài liệu trình bày về đặc điểm, yếu tố cấu thành Cộng đồng kinh tế ASEAN với mục tiêu rõ ràng và thời gian tiến hành các biện pháp nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, lộ trình chiến lược cụ thể hóa nguyên tắc của Kế hoạch tổng thể bằng việc xác định khung thời gian, hoạt động cần thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra trong Kế hoạch tổng thể.

4. Hiệp định khung của ASEAN về các lĩnh vực ưu tiên 2004:

Tại  Khoản 1 điều 2 của Hiệp định này, các lĩnh vực được ưu tiên hội nhập hiện nay bao gồm: sản phẩm nông nghiệp, cao su, gỗ , điện tử, xe hơi, dệt may và giày dép, e-ASEAN, đánh bắt cá, y tế, du lịch, hàng không và dịch vụ hậu cần.

III. Thực tiễn triển khai:

Từ khi xác định và đưa ra các lĩnh vực ưu tiên hội nhập, các quốc gia ASEAN đã từng bước triển khai thực hiện nội dung này trên thực tế như phân công các quốc gia thành viên giữ vai trò điều phối viên của các lĩnh vực này, tiến hành đánh giá định kì, đề xuất dự án….

Tại lộ trình Hội nhập nhanh ngành dịch vụ logistics trong ASEAN được ký kết tại Hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) vào tháng 5/2007. Việt Nam được cử làm nước điều phối chung về xây dựng Lộ trình. 

Năm có nhiều dấu mốc trong chặng đường thực hiện mục tiêu AEC là năm 2010. Từ tháng 1-2010, đã có tới 99% tổng số dòng thuế, đã được xóa bỏ trong thương mại trong khối ASEAN. Mức thuế quan trung bình đã giảm xuống còn 0,9% trong năm 2009 từ mức 4,4% năm 2000. Việc thực hiện các cam kết tự do hóa đối với 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập của ASEAN là dệt may, cao-su, giày dép, công nghiệp chế tạo ô-tô, nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thông tin, du lịch, v.v... đang đi vào giai đoạn cuối. Hiệp định về thương mại hàng hóa mới của ASEAN thay thế cho Hiệp định CEPT/AFTA trước đây có hiệu lực từ ngày 1-5-2010 đã kịp thời khắc phục những hạn chế pháp lý và mở ra cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy các chương trình thuận lợi hóa thương mại.

Một hoạt động rất có ý nghĩa khi thiết lập AEC là việc thay đổi và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ASEAN về AEC. Quảng bá về AEC và mở rộng đối thoại với doanh nghiệp về AEC sẽ có tác động tích cực đến lợi ích lâu dài của AEC với cộng đồng. Việt Nam là một trong những nước ASEAN đi đầu trong việc nâng cao quảng bá và thực thi một cách chủ động Chương trình truyền thông của ASEAN về AEC cả trên cấp độ quốc gia và khu vực. Theo sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN sẽ lần lượt tổ chức các diễn đàn thảo luận về hiệu quả của AEC đối với 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập.

III. Vai trò đối với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN:

Cộng đồng kinh tế ASEAN đang tạo ra những cơ hội và thách thức chưa có tiền lệ đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của các nước trong khối ASEAN. Khi không còn những ngăn cách về không gian kinh tế; hàng hóa, dịch vụ và vốn được lưu chuyển tự do trong ASEAN thì bất cứ doanh nghiệp hay nhà đầu tư ASEAN nào cũng đều có cơ hội như nhau trong việc tận dụng và phát huy ưu thế của thị trường chung của mười nước ASEAN. Nhưng thách thức và cơ hội luôn vận động, biến đổi rất nhanh trong bối cảnh hội nhập của khu vực. Hệ quả của quá trình đó là sự thay đổi dần dần cơ cấu kinh tế theo hướng thích nghi của các nước trong ASEAN.

Việc các quốc gia ASEAN cùng nhau xác định 12 lĩnh vực ưu tiên hội nhập PIS có ý nghĩa quan trong với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN. Nói không sai thì PIS chính là nội dung thỏa thuận trong quá trình thực hiện hóa AEC với nội dung thúc đẩy hội nhập khu vực trong các ngành ưu tiên đó. Đây chính là hành động lớn đầu tiên để triển khai các biện pháp cụ thể của AEC và có thể được coi như bản kế hoạch trung hạn đầu tiên của AEC. Việc hội nhập các ngành ưu tiên đã trở thành bước đột phá, tạo đà và tạo hiệu ứng lan tỏa sang các ngành khác. Nó đã góp phần kết hợp sức mạnh kinh tế của các quốc gia thành viên ASEAN trong các ngành kinh tế triến lược chủ chốt, tập trung nguồn lực cho các trọng tâm, trọng điểm trong hợp tác kinh tế ASEAN, đồng thời cũng để tạo ra các lĩnh vực hợp tác kinh tế mũi nhọn và là chất xúc tác để thúc đẩy nhanh hội nhập kinh tế.

KẾT LUẬN

Các lĩnh vực ưu tiên hội nhập được xem là trụ cột để phát triển cộng đồng kinh tế nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng. Trong một vài năm gần đây, kể từ khi các nước đề ra sáng kiến hợp tác trong các lĩnh vực này các nước ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chính những thành tựu ban đầu này sẽ càng thúc đẩy các nước ASEAN hội nhập, mở rộng và phát triển với hứa hẹn sẽ thành công hơn nữa để nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm Luật Châu Á – Thái Bình Dương, Tập bài giảng Pháp luật cộng đồng ASEAN – Hà Nội 2011.
2. Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)  - nội dung và lộ trình, Nguyễn Hồng Sơn (chủ biên).  Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2008.
3. Hiến chương ASEAN năm 2007.
4. Hiệp định khung ASEAN về hội nhập trong các lĩnh vực ưu tiên năm 2004. 
5. Tuyên bố Bali I
6. Tuyên bố Bali II
7. http://chinhphu.vn

No comments:

Post a Comment