22/02/2015
Tổ chức và hoạt động của Quốc hội – Thực trạng và giải pháp - Bài tập học kỳ Luật Hiến pháp
Đề  bài: Tổ chức và hoạt động của Quốc hội – thực trạng và giải pháp

Trong bộ máy của Nhà nước ta, Quốc hội chiếm vị trí đặc biệt quan trong, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Nguyên tắc này được quy định lần đầu tiên tại Điều 22 của Hiến pháp năm 1946: “Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền lực có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và được tiếp tục khẳng định, củng cố trong Hiến pháp năm 1959: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân, nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân” (Điều 4). Đến Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm  1992 vai trò của Quốc hội được tăng cường và phát triển hơn nữa: Quốc hội vừa là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân vừa là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như: quy định tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, quyết định các chính sách về kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, đối nội, đối ngoại..; giám sát tối cao hoạt động của bộ máy nhà nước. Chính vì có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng như vậy mà việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội quyết định chủ yếu sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kì nước ta đang đẩy mạnh hội nhập. Cũng vì lí do này mà em đã chọn đề bài: “Tổ chức và hoạt động của Quốc hội – thực trạng và giải pháp”

NỘI DUNG

I. Lí luận chung về Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội đầu tiên của nước ta ra đời sau cuộc Tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào ngày 06 tháng 01 năm 1946. Hiến pháp năm 1992 đã nêu rõ vị trí và tính chất của Quốc hội: là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân  và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 

Tính đại diện của Quốc hội nước ta thể hiện ở: Quốc hội là cơ quan duy nhất trong bộ máy nhà nước ta do nhân dân cả nước trực tiếp bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo các nguyên tắc: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội là những thành viên ưu tú đại diện cho các tầng lớp trong xã hội, như công nhân, nông dân, trí thức; những người lao động khác, các dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và các thành phần xã hội trong cả nước. Quốc hội tồn tại và hoạt động vì lợi ích nhân dân vậy nên mọi quyết định, chính sách của Quốc hội đều phải xuất phát từ lợi ích nhân dân, và Quốc hội phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân cả nước.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất bởi đây là cơ quan nhận quyền lực trực tiếp từ tay nhân dân, chịu trách nhiệm quyết định cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước ở trung ương, như: bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch và Phó chủ tịch Quốc hội và cùng ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định thành lập, bãi bỏ các bộ và các cơ quan ngang bộ; thành lập mới, nhập, chia, điều chính địa giới hành chính. Đồng thời Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như chính sách đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa… Quốc hội là cơ quan giám sát tối cao đối với toàn bộ bộ máy nhà nước thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, qua bao thăng trầm của lịch sử, Quốc hội nước ta đã và đang từng bước hoàn thiện hơn trong cơ cấu tổ chức và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, thể hiện rõ tính đại diện và tính quyền lực của mình. 

II. Cơ cấu tồ chức và hoạt động của Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực trạng và giải pháp.

1. Cơ cấu tổ chức Quốc hội.

Các cơ quan của Quốc hội gồm có; Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

a. Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo Hiến pháp năm 1959, trong tổ chức của Quốc hộ, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội. Nhưng theo Quy định của Hiến pháp năm 1980 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội được thay thế bằng Hội đồng Nhà nước. Thiết chế Hội đồng nhà nước đã bộc lộ những hạn chế trong quá trình hoạt động, làm nảy sinh vấn đề liên quan đến yêu cầu tập trung quyền lực nên để khắc phục tình trạng này, Hiến pháp năm 1992 đã phân định chức năng , nhiệm vụ của Hội đồng nhà nước cho hai cơ quan khác nhau. Chức năng nguyên thủ quốc gia do Chủ tịch nước đảm nhiệm, còn Ủy ban thường vụ Quốc hội được xác định là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội gồm có: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, và các Ủy viên. Số thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Quốc hội quyết định, trong đó thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên của Chính phủ để đảm bảo tính khách quan cho hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngoài ra Luật tổ chức Quốc hội còn quy định các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải làm việc theo chế độ chuyên trách. 

b. Hội đồng dân tộc.

Vấn đề dân tộc có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Hiến pháp năm 1959 chưa nói điến việc thành lập Hội đồng dân tộc mà chỉ quy định việc thành lập các ủy ban của Quốc hội. Tiếp đó, theo Nghị quyết ngày 20 tháng 3 năm 1961 Quốc hội đã thành lập Ủy ban dân tộc của Quốc hội. Hiến pháp năm 1980, Ủy ban dân tộc đã được nâng lên thành Hội đồng dân tộc cho xứng với tầm quan trọng của vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay, và Hội đồng dân tộc vẫn được duy trì cho tới ngày hôm nay.

Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Quốc hội bầu ra trong số các đại biểu Quốc hội. Số Phó Chủ tịch và số Ủy viên Hội đồng dân tộc do Quốc hội quy định. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng dân tộc có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách. Số thành viên hoạt động chuyên trách do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.

c. Các ủy ban của Quốc hội.

Các ủy ban của Quốc hội được thành lập ra để giúp Quốc hội thực hiện được tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Quốc hội thành lập hai loại ủy ban là: Ủy ban thường trực và Ủy ban lâm thời.

Ủy ban thường trực là những ủy ban hoạt động thường xuyên của Quốc hội. . Tùy theo từng lĩnh vực hoặc từng nhóm vấn đề nhất định, Quốc hội thành lập các ủy ban để giúp Quốc hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/07/2007, hiện nay Quốc hội nước ta có chín ủy ban, đó là: Ủy ban pháp luật; Ủy ban tư pháp được tách ra từ Ủy ban pháp luật; hai Ủy ban tiếp theo là: Ủy ban kinh tế, Ủy ban tài chính, ngân sách dựa trên sự chia tách của Ủy ban kinh tế và ngân sách; Ủy ban quốc phòng và an ninh; Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường; Ủy ban đối ngoại.Trong mỗi ủy ban phải có một số thành viên hoạt động theo chế độ chuyên trách.

Ủy ban lâm thời là những ủy ban được Quốc hội thành lập ra khi xét thấy cần thiết để nghiên cứu thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ủy ban này sẽ tự giải thể. Ta có thể thấy một số Ủy ban lâm thời của Quốc hội như: Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp gần đây, hay Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội được thành lập trong kì họp đầu tiên của Quốc hội mỗi khóa. 

Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên, số Phó Chủ nhiệm và số Ủy viên ủy ban do Quốc hội quyết định. Thành viên ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội, số thành viên hoạt động chuyên trách do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

2. Thực trạng hoạt động và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

a. Hoạt động lập hiến và lập pháp của Quốc hội.

* Thực trạng

Hoạt động lập pháp của của Quốc hội nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, đạt được một số thành tựu nổi bật. Quốc hội đã thông qua bốn bản Hiến pháp, đánh dấu cột mốc pháp lí quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước ta, là cơ sở để ra đời các bộ luật quan trọng, như Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật hành chính…; và là nền tảng để nhân dân ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Số lượng các bộ Luật ngày càng nhiều hơn, quy định cụ thể, chi tiết hơn các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời có sự sửa đổi, bổ sung các bộ luật để theo kịp với sự vận động của phát triển của đất nước trong thời kì hội nhập quốc tế…

Cùng với những thành tựu đã đạt được trong hoạt động lập hiến và lập pháp của Quốc hội, vẫn còn có những điểm bất cập trong vấn đề này. Cụ thể:

Thứ nhất, các văn bản luật mới chỉ dừng lại ở luật khung mà chưa có quy định chi tiết dẫn đến tình trạng khó áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Nội dung của luật chủ yếu bao gồm các nguyên tắc, được xem là quy định khung  nên khi đưa vào thực hiện cần có các văn bản hướng dẫn đi kèm. Điều này làm cho việc áp dụng pháp luật bị chậm trễ do phải đợi văn bản hướng dẫn chi tiết. Mặt khác, bản thân việc ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng luật cũng đang tồn tại nhiều bất cập: số lượng văn bản hướng dẫn nhiều, tình trạng tồn đọng văn bản hướng dẫn chiếm tỉ lệ lớn( Theo Báo cáo: “Tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luạt, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kì Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013” trong số 35 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, có 122/275 nội dung đã được quy định chi tiết, với 76/288 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành, còn 153 nội dung chưa được quy định chi tiết. Trong số 11 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực, có 03/88 nội dung đã được quy định chi tiết, với 01/45 văn bản quy định chi tiết đã được ban hành), vì thế mà nhiều bộ luật đã được thông qua song chưa có văn bản hướng dẫn nên không thể thực hiện vào cuộc sống.

Thứ hai, lực lượng giúp việc cho Quốc hội trong hoạt động lập pháp ở nước ta còn thiếu; đội ngũ tham mưu, tư vấn chủ yếu là các chuyên gia tại các vụ của các Ủy ban. Quốc hội đã thành lập Ban công tác lập pháp để giúp Quốc hội xây dựng thảo luận nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, nhưng số thành viên của Ban công tác chỉ có khoảng 30 người nên luôn bị quá tải trong quá trình giúp Quốc hội tham mưu, tư vấn cho hoạt động lập pháp. 

Thứ ba, kỹ thuật lập pháp của nước ta chưa cao, thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng chồng chéo của các văn bản luật, một số văn bản mới ban hành chất lượng chưa cao, chưa sát cuộc sống, một số quy định đi ngược lại với Hiến pháp nên phải sửa đổi, bổ sung thậm chí là bãi bỏ, hủy bỏ các quy định, các văn bản luật này. 

* Giải pháp

Để khắc phục tình trạng trên Quốc hội cần thực hiện một số biện pháp, cụ thể như:

- Hoạt động làm luật cũng giống như mọi hoạt động khoa học khác, chính vì thế phải có sự thẩm định chéo, cần sự phản biện khoa học cũng như có sự đối chứng giữa nhiều quan điểm khác nhau. Bên cạnh đó, Quốc hội cần sớm phân công hợp lí cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật hay hạn chế được ở mức tối đa những quy định đi ngược lại với Hiến pháp, sớm đưa các văn bản pháp luật đi vào cuộc sống.

- Để đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội đòi hỏi bộ máy giúp việc cho Quốc hội phải được tăng cường những cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có trình độ cao, am hiểu thực tiễn sâu sắc, đủ sức nghiên cứu, tham mưu, đáp ứng kịp thời những yêu cầu mà Quốc hội đề ra. Cần có cơ chế cũng như chế độ đãi ngộ hợp lí để có thể huy động được các nhà khoa học, các chuyên gia làm cộng tác viên của các cơ quan của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lập pháp.

- Cá nhân em đồng tình với giải pháp nên thành lập các: “Tiểu ban chuyên trách các dự án luật” gồm các đại biểu Quốc hội thuộc các ủy ban liên quan đến dự án luật và các đại biểu khác có chuyên môn về lĩnh vực này. Tiểu ban chuyên trách không chỉ thẩm định các dự án luật mà phải chủ động soạn thảo các dự án luật, có quan điểm lập pháp độc lập với các cơ quan khác được giao soạn thảo các dự án luật. Điều này giúp chúng ta có hai dự thảo luật tại cùng một lĩnh vực mà cách tiếp cận và quan điểm làm luật là hoàn toàn độc lập; đảm bảo được tính khoa học của văn bản luật vì có sự phản biện giữa Tiểu ban chuyên trách và các cơ quan khác được giao soạn thảo luật. Hoạt động phản biện giữa Tiểu ban chuyên trách với các cơ quan được giao soạn thảo luật sẽ hạn chế được tình trạng luật ban hành không sát với điều kiện thực tế của đất nước, hay những quy định đi ngược lại với tư tưởng của Hiến pháp; giúp nâng cao kĩ thuật lập pháp cũng như chất lượng các văn bản pháp luật.

b. Hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

* Thực trạng

Trên phương diện hoạt động này, Quốc hội đã đạt được một số kết quả như: Các quyết định của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước về cơ bản đã cụ thể hóa kịp thời và đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao trước cử tri cả nước, thực hiện chức năng quyết định khá đầy đủ, đúng thẩm quyền, hiệu quả và phù hợp với pháp luật. Ngoài ra, hoạt động của Quốc hội đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số, các quyết định của Quốc hội được dần nâng cao về chất lượng và tính khả thi.

Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của Quốc hội vẫn còn tồn tại những điểm hạn chế. Mặc dù Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia nhưng ảnh hưởng của Quốc hội tới chính sách tài chính vẫn còn rất hạn chế, biểu hiện cụ thể ở chỗ: Nội dung chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thẩm quyền quyết định của Quốc hội chưa được các luật cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng; hay trong các chương trình quốc gia hàng năm, Quốc hội chỉ quyết định việc phân bổ ngân sách còn việc lựa chọn chương trình cũng như nhiệm vụ cụ thể vẫn do Thủ tướng Chính phủ quyết định. 

Vẫn có trường hợp việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn chậm, tính khả thi chưa cao, như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng ruộng đất của cả nước còn chậm do phụ thuộc vào Nghị quyết của Đại hội Đảng theo nhiệm kì; hay việc quyết định nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Mặt khác, một số vấn đề Quốc hội quy định còn mang tính thủ tục, như phê chuẩn các điều ước quốc tế theo đề nghị của Chủ tịch nước, chủ yếu là chấp thuận các phương án của cơ quan trình.

* Giải pháp

Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, như: chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…do Quốc hội thông qua cần được chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu thảo luận kỹ trước khi thông qua. Muốn làm được điều này, trước các kì họp công tác chuẩn bị phải được tiến hành thật kĩ lưỡng, các vấn đề cần thảo luẩn phải được gửi tới các đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, đồng thời các đại biểu Quốc hội cũng phải nghiêm túc nghiên cứu, và thảo luận sôi nổi, tích cực trong các kì họp để hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội đạt được hiệu quả cao, bám sát với hoàn cảnh của đất nước. Đặc biệt trong lĩnh vực quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, cần có một văn bản pháp luật cụ thể quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định ngân sách của các chương trình quốc gia hàng năm từ đó nâng cao tầm ảnh hưởng của Quốc hội trong lĩnh vực quyết định chính sách tiền tệ quốc gia.

c. Hoạt động giám sát tối cao đối với bộ máy nhà nước

* Thực trạng

Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước nhằm đảm bảo cho những quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để và thống nhất, bộ máy nhà nước hoạt động đồng bộ, có hiệu quả. Song do nhiều nguyên nhân nên trên thực tế hoạt động này còn có nhiều hạn chế. Hoạt động giám sát của Quốc hội mới chỉ dừng lại ở mức độ phát hiện và phân tích vấn đề, vụ việc rồi động viên, đôn đốc nhắc nhở các ngành, các cấp ở địa phương quan tâm, xem xét giải quyết chứ chưa có những biện pháp thật sự hữu hiệu. Mặt khác, Quốc hội thường được giao cho các cơ quan của Quốc hội như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội… thực hiện một số quyền giám sát, điều này khiến cho hoạt động giám sát của Quốc hội không tập trung, còn mang tính manh mún và khó kiểm soát. 

Hoạt động giám sát của Quốc hội thể hiện rõ qua hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan nhà nước, đối với các chức danh trong bộ máy nhà nước, thể hiện cụ thể và dễ nhận thấy nhất là qua hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nhưng trên thực tế, hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội đạt hiệu quả chưa cao. Trong các kì họp, không phải đại biểu nào cũng thực hiện hình thức chất vấn mà chỉ có khoảng 20% đến 25% số đại biểu Quốc hội sử dụng quyền này. Nguyên nhân của tình trạng này không hoàn toàn là do đại biểu hoạt động chưa tích cực mà một phần do sự bất cập trong thời gian trả lời chất vấn. Ví dụ như trong kì họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII chỉ có 2.5 ngày thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường đối với 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành, cùng với Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo bổ sung thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn. Với quỹ thời gian eo hẹp này hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không thể nào đạt được hiệu quả cao, đại biểu chất vấn và người trả lời chất vấn sẽ không thể làm hài lòng nhau. Cũng chính vì thế mà trong mỗi kì họp, số lượng câu hỏi chất vấn phải gửi bằng văn bản và chờ trả lời cũng bằng văn bản là khá lớn. Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội đôi khi rơi vào tình trạng dàn trải, không có chọn lọc rất khó cho người trả lời chất vấn.

* Giải pháp

Để khắc phục tình trạng này, trước hết Quốc hội cần xác định đúng đối tượng giám sát để có phương thức giám sát phù hợp, tránh tình trạng dàn trải rộng khiến hoạt động giám sát của Quốc hội trở nên manh mún, khó kiểm soát. Ngoài ra cũng cần phải quy định cụ thể hơn nữa về vai trò, thẩm quyền của Quốc hội trong lĩnh vực giám sát tối cao để khắc phục tình trạng giám sát chưa tới của Quốc hội. Có nghĩa là khi Quốc hội phát hiện những vấn đề, vụ việc có dấu hiệu vi phạm phải có những biện pháp xử lí cụ thể chứ không dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở các ngành, các cấp ở địa phương quan tâm, xem xét giải quyết như hiện nay. 

Về nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, trước hết phải nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội để các câu hỏi chất vấn đi đúng vấn đề mà người dân quan tâm, tránh tình trạng dàn trải, chưa có chọn lọc; cũng cần phải xem xét để tăng thời gian chất vẩn của đại biểu Quốc hội, tạo điều kiện cho đại biểu chất vấn có cơ hội chất vấn và người trả lời chất vấn giải đáp thắc mắc của đại biểu. Đối với nội dung của các vấn đề chất vấn, trước hết cần ưu tiền cho những vấn đề chất vấn về quốc kế dân sinh, những vấn đề mà chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đang coi là trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể, như: xoa đói giảm nghèo, kích cầu, chống tham nhũng, cải cách hành chính…Các câu hỏi mang tính thông tin, đại biểu Quốc hội gửi trước cho Trung tâm Thông tin để nhận được kết quả trước khi chất vấn, câu hỏi chất vấn nào trùng lặp thì không chất vấn nữa. Đại biểu không nên phân tích hay diễn giải khi chất vấn, các câu hỏi nên được chuẩn bị bằng văn bản ngắn gọn, súc tích và đúng trọng tâm. 

KẾT LUẬN

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lực của nhân dân. Quốc hội thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện quyền giám sát tối cao và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Hoạt động của Quốc hội quyết định sự phát triển của đất nước lâu dài của đất nước. Trong những năm gần đây, dù trải qua nhiều biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới nhưng Quốc hội nước ta vẫn duy trì ổn định hoạt động, từng bước hoàn thiện hơn trong cơ cấu tổ chức và hoạt động đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội luôn là một vấn đề không bao giờ cũ, đó không chỉ là nhiệm vụ của riêng Quốc hội mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội. Tin tưởng rằng trong thời gian tới, hoạt động của Quốc hội sẽ có thêm những đổi mới tích cực mang tính đột phá để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, sớm đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, sáng ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân
2. Quốc hội Việt Nam – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Văn phòng Quốc hội, Nxb Tư pháp.
3. Bài viết: Kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội năm 2013, T.giả: Linh Đan, Đăng ngày 29/11/2013 lúc 13:39. Nguồn: www.noichinh.vn
4. Bài viết: Thực trạng hoạt động lập hiến, lập pháp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, T.giả: TS.Huỳnh Ngọc Đáng- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, Đăng ngày 07/10/2013 lúc 08:25. Nguồn: www.daibieunhandan.vn
5. Đề tài nghiên cứu:Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về kinh tế - xã hội trong thời kì Việt Nam gia nhập WTO: thực trạng và kiến nghị, T.giả: Ths Phan Văn Ngọc, Đăng ngày 16/09/2013. Nguồn: Viện Nghiên cứu lập pháp www.vnclp.gov.vn

No comments:

Post a Comment