19/11/2014
I Các giai đoạn lịch sử hình thành Asean - ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN PHÁP LUẬT CỘNG ĐỒNG ASEAN

Vấn đề 1. khái quát pháp luật cồng đồng ASEAN

I. Các giai đoạn lịch sử hình thành  Asean

1.1 Tiền đề hình thành:

a. Tiền đề chính trị

Chính trị quốc tế và khu vực: có 5 yếu tố ảnh hưởng

Thứ nhất, năm 1960 Thế giới đang ở trong tình trạng chiến tranh lạnh và trật tự thế giới hai cực Xô – Mỹ chi phối, diễn ra sự đối đầu giữa các nước thuộc hệ thống XHCN và các nước lớn thuộc hệ thống TBCN.

Thứ hai, Asean lúc bấy giờ có vị trí địa lý mang tính huyết mạch nên cả LX (cũ) và Mỹ đều muốn tranh giành, tranh thủ các quốc gia Asean. Để không trở thành sân sau của LX và Mỹ, các quốc gia Asean đã liên kết với nhau ngày càng lớn mạnh.


Thứ ba, LX và Trung Quốc có vai trò ngày càng lớn mạnh trong khu vực thông qua việc ủng hộ, giúp đỡ cho một số Đảng cộng sản ở ĐNA. Để có thể thực hiện được chính sách cân bằng lợi ích, giảm sự chi phối của các nước lớn, cách duy nhất là các nước ĐNA cần phải liên kết với nhau và dựa vào nhau trong một tổ chức khu vực. Đây chính là nhân tố cơ bản quyết định tới sự hình thành xu hướng trung lập trong chính sách của Asean sau này

Thứ tư, các nước ĐNA lúc đó đã bị phân thành hai nhóm đối lập, chịu ảnh hưởng khác nhau của các cường quốc (các nước Đông dương và các nước phương Tây).

Thứ năm, các tổ chức tiền thân của Asean hoạt động kém hiệu quả. ASA tồn tại trong 3 năm, MAPHILINDO tồn tại 1 tháng, các tổ chức này tan rã rất nhanh, dẫn đến việc phải thay thế bằng một hình thức hợp tác khác có hiệu quả hơn.

- Chính trị nội tại

Tấtc cả các nước ASEAN vào thời điểm này đều gặp phải rất nhiều vấn đề chính trị khó khăn trong nước:

Thứ nhất, phong trào dân chủ của giai cấp tư sản dân tộc và các lực lượng tiến bộ khác phát triển thúc đẩy sự liên kết giữa các quốc gia cùng mục đích, lý tưởng;

Thứ hai, phong trào ly khai đòi độc lập;

Thứ ba, phong trào tôn giáo cực đoan. Ở ĐNA có hầu hết các loại tôn giáo khác nhau. Các phần tử tôn giáo cực đoan (chủ yếu là đạo Hồi) tổ chức các cuộc bạo loạn làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh khu vực;

Thứ tư, phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các Đảng cộng sản (chịu ảnh hưởng từ trung quốc).

Như vậy, dù rằng giữa các nước vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn, nhưng trong bối cảnh quốc tế như thế, nhất là khi cuộc chiến tranh Đông dương đi vào giai đoạn quyết liệt thì cả 5 nước thành viên sáng lập đều đứng trước nhu cầu phải liên kết chặt chẽ với nhau để củng cố hòa bình, an ninh khu vực cũng như của mỗi quốc gia.

b. Tiền đề kinh tế

Xu hướng toàn cầu hóa, quốc tế hóa và khu vực hóa dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia với nhau, từ đó các quốc gia ĐNA cần liên kết với nhau tạo sức mạnh tổng hợp để cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Nhiều tổ chức quốc tế được thành lập ảnh hưởng tới tính khu vực của Asean.
Nền kinh tế khu vực Đông Á được phục hồi, đặc biệt là kinh tế Nhật Bản do tác động của ngoại lực và nội lực. Nhiều dòng chảy đầu tư từ Nhật Bản vào làm cho các quốc gia lệ thuộc vào nguồn vốn đầu tư đó. Từ đó mà phải liên kết mới tạo nên sức bật kinh tế.
Vai trò của các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, các ngân hàng phát triển châu Á…cung cấp nguồn vốn cho sự phục hồi và phát triển kinh tế ở Châu Á.
Sau khi giành được độc lập, các nước sáng lập Asean gặp phải những vấn đề khó khăn chung về kinh tế như sự lạc hậu của các cơ cấu kinh tế, tình trạng độc canh và xuất khẩu nguyên liệu thô. Chính vì thế, để phát triển các nước này cần phải hợp tác và quan trọng là hợp tác khu vực.

c. Tiền đề  văn hóa – xã hội

Các nước Asean nằm ở vị trí địa lý được bao bọc bởi Thái Bình Dương ở phía Đông và Ấn Độ Dương ở phía Tây, đây là một vị trí chiến lược quan trọng.
Đời sống văn hóa, xã hội của các nước ĐNA có nhiều nét tương đồng như tổ chức đời sống dân cư dựa trên cộng đồng làng xã và “nền văn minh lúa nước”.

 ý nghĩa của sự hình thành Asean:
Asean ra đời đánh dấu sự trưởng thành về chính trị của các quốc gia ĐNA. Những quốc gia này thể hiện sự quyết tâm gánh vác trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước cũng như khu vực, đặc biệt về vấn đề an ninh mà không lệ thuộc vào bên ngoài (các nước phương tây)
Đối với các nước ĐNA, sự ra đời của Asean là thắng lợi tinh thần hòa giải, hòa hợp giữa các nước trong khu vực. Biến những cái khác biệt thành các yếu tố chung tạo thành bản chất; những tranh chấp, mâu thuẫn không còn mà thay vào đó là sự hòa giải.
Sự hình thành Asean đã đặt nền móng cho sự hợp tác và phát triển trong mọi lĩnh vực của các nước ĐNA trong những năm sau này.

1.2 Các giai đoạn phát triển của Asean

- Từ 1967 đến 1976 (giai đoạn hình thành và định hướng phát triển)

Đây là giai đoạn phát triển đầu tiên của Asean. Trong giai đoạn này, Asean hầu như chưa có được hoạt động nào đáng kể, mới chỉ thực hiện các hoạt động hợp tác riêng lẻ. Như: Tuyên bố ZOPFAN về Khu vực hòa bình, tự do, trung lập tại Kuala Lumpur ngày 17/11/1971; thực hiện một số hoạt động ngoại giao, kinh tế đơn lẻ: đồng loạt công nhận quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Bangladesh…

Cơ cấu tổ chức còn lỏng lẻo, chưa có ban thư ký, không có cơ quan thường trực. Do vậy, thời kỳ này Asean chỉ được coi là “liên minh chính trị lỏng lẻo”.

- Từ 1976 đến 1992 (giai đoạn củng cố cơ cấu tổ chức và tiến lên hợp tác toàn diện nội khối và bước đầu phát triển hợp tác ngoại khối)

Trong giai đoạn này một số kết quả đạt được đó là:
+ Xác lập các nguyên tắc tổ chức và hoạt động hợp tác của Asean;
+ Thông qua các văn kiện pháp lý quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển và hợp tác của Asean như Hiệp ước thân thiện và hợp tác (Hiệp ước Bali 1976), Tuyên bố về sự hòa hợp Asean 1976, tuyên bố Manila 1987…
+ Mở rộng lĩnh vực hợp tác nội khối đặc biệt là thương mại, đầu tư: dự án công nghiệp Asean, kế hoạch bổ sung công nghiệp, các liên doanh công nghiệp…
+ Bước đầu phát triển hợp tác ngoại khối. 3 năm đầu tiên đã thiết lập đối thoại đầy đủ với các nước Mỹ, Nhật, Canada, EEC và các tổ chức của Liên hợp quốc thông qua UNDP;
+ Củng cố cơ cấu tổ chức: hội nghị liên bộ trưởng, thành lập Ban thư ký và kết nạp Brunei (1984).

- Từ năm 1992 đến 2003 (giai đoạn trở thành Asean 10 và hợp tác toàn diện mà trọng tâm là hợp tác quốc tế).

Đây là giai đoạn Asean đạt được nhiều thành tựu to lớn, tiến hành hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, tiến bộ xã hội, tăng cường hòa bình ổn định khu vực. Thể hiện qua một số hoạt động chủ yếu sau:
+ Kết nạp thêm 4 thành viên mới: Việt Nam (1995); Lào, Mianma (1997); Campuchia (1999) nâng Asean từ Asean 6 thành Asean 10;
+ Xây dựng khu vực thương mại tự do Asean (AFTA)
+ Thành lập diễn đàn khu vực Asean – ARF;
+ Hoàn thiện cơ cấu tổ chức;
+ Thông qua các văn kiện pháp lý quan trọng như: Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế Asean 1992, tầm nhìn Asean 2020 năm 1997, Tuyên bố Hà Nội 1998, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002…;
+ Tổ chức hội nghị cấp cao ĐNA (EAS) lần đầu tiên tại Kuala Lumpur năm 2005.

- Giai đoạn từ năm 2003 đến nay (giai đoạn xây dựng cộng đồng Asean)
Trong giai đoạn này Asean đã có những bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác Asean lên tầm cao mới, tăng cường tổ chức và hiệu quả hợp tác nội khối:
+ Thông qua tuyên bố Bali II năm 2003, tái khẳng định những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, tăng cường đoàn kết tiến tới việc hình thành một Cộng đồng Asean vững mạnh, liên kết chặt chẽ, năng động như trong Tầm nhìn Asean 2020. Cộng đồng Asean dựa trên 3 trụ cột chính là: CĐ chính trị an ninh (APSC), cộng đồng kinh tế (AEC) và cộng đồng văn hóa- xã hội;
+ Ký kết Hiến chương Asean năm 2007 chính thức trao tư cách pháp nhân cho tổ chức Asean, tạo nền tảng pháp lý và thể chế để Asean xây dựng thành công Cộng đồng Asean;
+ Tháng 2/2009, lộ trình xây dựng Cộng đồng Asean đã được thông qua.

 Trải qua nhiều năm hoạt động, vượt qua nhiều thăng trầm, thách thức, Asean đã xây dựng ĐNA trở thành một khu vực hòa bình – tự do – trung lập, không vũ khí hạt nhân, một cộng đồng của các dân tộc gắn bó, đoàn kết với nhau vì một vận mệnh chung, vượt qua đói nghèo, phồn vinh, thịnh vượng.

No comments:

Post a Comment