08/07/2014
Nguyên tắc giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội với bên ngoài
Bài tập học kỳ Pháp luật cộng đồng ASEAN có đáp án.

I.Bình luận về nguyên tắc.

1. Giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong các quan hệ về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội với bên ngoài.

Việc duy trì nền hoà bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á không chỉ là việc riêng của các nước trong khu vực mà có liên quan đến các nước lớn, các nước láng giềng. Nhất là do vị trí địa chiến lược và tiềm năng kinh tế phong phú của Đông Nam Á, nhiều quốc gia có lợi ích gắn bó với khu vực này qua đường vận chuyển hàng hải, qua hoạt động thương mại và thị trường đầu tư. 


Với sáng kiến của Singapore, được sự đồng thuận của các thành viên ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (viết tắt là ARF) được thành lập năm 1994, ban đầu có 18 thành viên, đến nay là 27, gồm các nước ASEAN, các nước lớn, các nước Đông Á và Nam Thái Bình Dương. Ngoại trưởng các nước ASEAN ra Thông báo chung chỉ rõ: “ARF có thể trở thành diễn đàn tham khảo ý kiến có hiệu quả ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để thúc đẩy đối thoại mở về hợp tác an ninh và chính trị trong khu vực”. Sự tham gia của đông đảo các nước cho thấy vai trò chủ đạo của ASEAN được thừa nhận trong hoạt động của Diễn đàn mà các thành viên đều tìm thấy lợi ích của mình. Cho đến nay, ARF vẫn hoạt động đều đặn, có hiệu quả, tuy không tránh khỏi những lúc gay go vì toan tính của các nước lớn trong những vấn đề cụ thể.


2.Duy trì tính chủ động, hướng ra bên ngoài, thu nạp và không phân biệt đối xử.

Nói đến tính chủ động, hướng ra bên ngoài, thu nạp và không phân biệt đối xử là nói về quan hệ đối ngoại của ASEAN. Quan hệ đối ngoại của Asean tập trung vào những trọng tâm sau: Tiếp tục chính sách đối ngoại “rộng mở”, tăng cường quan hệ và tạo điều kiện cho các đối tác tham gia sâu rộng hơn và đóng góp tích cực vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực cũng như hỗ trợ hình thành Cộng đồng ASEAN.

Củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực trong các cơ chế do ASEAN khởi xướng cũng như trong một cấu trúc khu vực đang định hình; tăng cường đoàn kết, liên kết, chủ động đề xuất các sáng kiến và định hướng các ưu tiên của khu vực.

II.Thành tựu Asean đã đạt được khi thực hiện nguyên tắc.

Các đối tác bên ngoài nhìn chung đều coi trọng và tranh thủ quan hệ với ASEAN, đều cam kết ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, thu hẹp khoảng cách phát triển và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình khu vực Đông Nam Á như ASEAN+3, ASEAN+1, Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)... 

Khuôn khổ ASEAN+3 (với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) được hình thành từ năm 1997 do nhu cầu hợp tác của các nước trong khu vực Đông Á nhằm đối phó tác động của khủng hoảng tài chính hồi đó. Sau hơn 10 năm hợp tác, ASEAN+3 phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu. Các lĩnh vực hợp tác được mở rộng bao gồm an ninh - chính trị, kinh tế, tài chính - tiền tệ, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, năng lượng, chống tội phạm xuyên quốc gia…Quỹ Hợp tác ASEAN+3 (APTCF) được lập với số vốn ban đầu là 3 triệu USD nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ triển khai các biện pháp trong Kế hoạch công tác ASEAN+3 (2007 - 2017) và tài trợ cho các dự án hợp tác khác trong khuôn khổ ASEAN+3. 

Trong khuôn khổ ASEAN+1, Hiệp hội hiện có quan hệ đối thoại và hợp tác với 10 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Australia, New Zealand, Nga, Hoa Kỳ và Canada), với 1 tổ chức khu vực là EU và 1 tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc. Đến nay, ASEAN cùng với hầu hết các đối tác đã nhất trí hình thành các khuôn khổ đối tác chiến lược hoặc toàn diện mang tính lâu dài, kèm theo chương trình và kế hoạch hành động cụ thể, kể cả thoả thuận lập các Khu vực thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, EU... 

Tháng 1/2007, nguyên thủ các nước liên quan đã ra Tuyên bố chung về Hợp tác Đông Á, kèm theo Kế hoạch hành động, đề ra phương hướng và biện pháp hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á và ASEAN+3 được coi là khuôn khổ chính để tiến tới mục tiêu này. ASEAN+3 tích cực hợp tác khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và đang xem xét khả năng lập Khu vực Mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA).

Trong khuôn khổ các nước Đông Á (EAS), cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Malaysia năm 2005 gồm 16 nước (ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á và Ấn Độ, New Zealand, Australia). EAS là diễn đàn của các nhà lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chiến lược nhằm hỗ trợ mục tiêu xây dựng cộng đồng ở khu vực Đông Á, trong đó ASEAN giữ vai trò chủ đạo; bổ sung và hỗ trợ cho các diễn đàn khu vực khác hiện có, họp hàng năm do ASEAN chủ trì. Lãnh đạo các nước đã nhất trí xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, gồm: năng lượng, tài chính, giáo dục, thiên tai và bệnh dịch. Hoạt động của EAS tận dụng các cơ chế hiện có của ASEAN (ASEAN+1, ASEAN+3…). 

Như vậy, cùng với Diễn đàn ARF đã có hơn 15 năm hoạt động, các cơ chế khác như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS đều xác định vai trò chủ đạo của ASEAN, đều nhằm hỗ trợ sự phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Với tầm quan trọng và vị thế của ASEAN, Hiến chương ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc “Giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ đối ngoại với tính chủ động, rộng mở, thu nạp và không phân biệt đối xử” (Điều 2). Hiến chương dành riêng Chương XII gồm 6 điều quy định về Hoạt động đối ngoại của ASEAN, “triển khai quan hệ hữu nghị và đối thoại, đối tác cùng có lợi với các quốc gia, các tổ chức và thể chế tiểu khu vực, khu vực và quốc tế” (Điều 41). Trên thực tế, quan hệ đối ngoại của ASEAN đang triển khai theo đúng định hướng đó, ngày càng khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với tổ chức khu vực này

Trong hơn 40 năm qua Asean đã đạt được nhiều thành công trong hợp tác kinh tế, trong xây dựng Asean thành khu vực hòa bình, tự do, phi hạt nhân, trong việc mở rộng quan hệ ra bên ngoài vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Asean ngày càng có sức nặng, tiếng nói của Asean ngày càng trọng lượng trên trường quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Pháp luật cộng đồng Asean, Trường DH Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2012.
2. Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Cộng đồng an ninh ASEAN (ASC): Nội dung, lộ trình, triển vọng và tác động, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội, 2008.
3. Tuyên bố về khu vực hoà bình, tự do và trung lập năm 1971 - ZOPFAN (Tuyên bố Kuala Lumpur).
4. Hiến chương ASEAN năm 2007
5. Một số trang Web:
http://tainguyenso.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/7807/1/nghiencuuquocte05.pdf

http://luanvan.co/luan-van/binh-luan-ve-dinh-huong-trung-lap-trong-qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-asean-9624/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment