04/02/2015
Phân tích và bình luận về những điểm mới cơ bản của Luật quảng cáo năm 2012 - Bài tập học kỳ Pháp luật quảng cáo hội chợ triển lãm
Trong thời gian qua, để hòa mình vào quá trình hội nhập của nền kinh tế, hoạt động quảng cáo của nước ta đã và đang có những bước phát triển mạnh. Chính vì vậy mà Pháp lệnh Quảng cáo được xây dựng từ năm 2001 đã không còn đáp ứng được sự phát triển của ngành quảng cáo. Với mục đích khắc phục những bất cập của Pháp lệnh Quảng cáo và quy định phù hợp với thực tiễn cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các quy định một cách dễ dàng và đầy đủ, Luật Quảng cáo năm 2012 đã ra đời. 

Từ sự hội nhập của nền kinh tế nói chung và của ngành quảng cáo nói riêng dẫn đến Luật Quảng cáo năm 2012 có rất nhiều điểm mới về hoạt động quảng cáo quốc tế so với Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Từ việc tìm hiểu các quy định của pháp luật và mong muốn góp phần làm rõ hơn về vấn đề này, bài viết dưới đây xin trình bày về đề tài: “Phân tích và bình luận về những điểm mới cơ bản của Luật quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành so với Pháp lệnh quảng cáo 2001 của Việt Nam có liên quan tới hoạt động quảng cáo quốc tế.”

NỘI DUNG

I. Tìm hiểu chung về hoạt động quảng cáo quốc tế

Để có thể tìm hiều được về hoạt động quảng cáo quốc tế, trước hết chúng  ta cần biết quảng cáo là gì. Tại khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định : “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.

Hoạt động quảng cáo quốc tế có thể hiểu là hoạt động quảng cáo vượt ra ngoài biên giới của một quốc gia. Từ cách hiểu này có thể thấy hoạt động quảng cáo quốc tế bao gồm hai nhóm quan hệ: quan hệ giữa các quốc gia và quan hệ dịch vụ quảng cáo mà một bên là thương nhân. 

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ quảng cáo giữa các quốc gia, có 4 phương thức cung cấp dịch vụ: (1) Cung cấp qua biên giới, (2) Tiêu dung ở nước ngoài, (3) Hiện diện thương mại, (4) Hiện diện của thể nhân.

Trong quan hệ thương mại dịch vụ có sự tham gia của thương nhân thì yếu tố nước ngoài được xác định như sau: Một bên trong quan hệ là tổ chức, cá nhân nước ngoài; địa điểm tiến hành quảng cáo ở nước ngoài

II. Những điểm mới cơ bản của Luật Quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành so với Pháp lệnh quảng cáo 2001 của Việt Nam có liên quan tới hoạt động quảng cáo quốc tế

1. Hoạt động quảng cáo quốc tế trong quy định về quảng cáo trên trang thông tin điện tử

Quảng cáo trên trang thông tin điện tử có liên quan đến hoạt động quảng cáo quốc tế được quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật quảng cáo năm 2012: “3. Quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” và được cụ thể hóa tại chương 3 của Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh quảng cáo năm 2001. Trong Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 không có quy định về vấn đề này mà chỉ có quy đinh chung chung về báo điện tử là một phương tiện quảng cáo. 

Chương 3 của Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo có quy định cụ thể về đối tượng và yêu cầu của hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; về điều kiện hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; về điều kiện và trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Có thể thấy những quy định này xuất phát từ thực tiễn bùng nổ công nghệ thông tin trong những năm gần đây, đặc biết là sự kết nối trên phạm vi toàn cầu của mạng Internet và từ sự cần thiết của hoạt động quản lý của Nhà nước đối với hoạt ddoognj quảng cáo này.

2. Hoạt động quảng cáo quốc tế trong quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài

Quảng cáo có yếu tố nước ngoài được quy định tại chương IV Luật Quảng cáo năm 2012. Chương này gồm 03 điều (từ Điều 39 đến Điều 4) quy định những vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân  nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo; văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam. Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 quy định về vấn đề này tại chương III với 05 điều (từ Điều 18 đến Điều 22) về những nội dung liên quan đến hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân  nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo; văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam và hoạt động quảng cáo ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Từ những quy định trên có thể thấy được việc bỏ quy định về thành lập chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là điểm mới nổi bật nhất của Luật quảng cáo năm 2012 so với Pháp lệnh quảng cáo năm 2001 về vấn đề quảng cáo có yếu tố nước ngoài. Việc bỏ quy định về thành lập chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam xuất phát từ việc chúng ta thực hiện cam kết chung về dịch vụ khi gia nhập WTO. Trong phần cam kết chung của Biểu cam cam kết cụ thể về dịch vụ, tại mục hạn chế tiếp cận thị trường đối với phương thức hiện diện thương mại chúng ta “ chưa cam kết việc thành lập chi nhánh, trừ khi có quy định khác tại từng ngành và phân ngành cụ thể của Biểu cam kết này”.

Một điểm mới nữa trong Luật Quảng cáo 2012 so với Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 trong quy định về quảng cáo có yếu tố nước ngoài đó là quy định về các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại đại diện. Các trường hợp này được quy định tại Điều 21 Nghị định 181/2013/ NĐ-CP: 

“1. Có bằng chứng cho thấy việc thành lập Văn phòng đại diện gây phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

2. Không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

3. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

trong khi Pháp lệnh Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể về các trường hợp này. 

Ngoài ra, Luật Quảng cáo năm 2012 còn bỏ quy định về hoạt động quảng cáo của cá nhân, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài, được quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Có thể nói, việc bỏ quy định này là hợp lý. Bởi việc cá nhân, tổ chức của Việt Nam có được thực hiện hoạt động quảng cáo ở một nước khác hay không là phụ thuộc vào quy định của pháp luật nước đó chứ không phụ thuộc vào quy định của pháp luật Việt Nam. Ví dụ như, cá nhân, tổ chức của Việt Nam có được phép thực hiện quảng cáo tại nước Trung Quốc hay không là phụ thuộc vào pháp luật của Trung Quốc và các điều ước quốc tế mà Trung Quốc tham gia chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào quy định của pháp luật Việt Nam.

Có thể thấy, Luật quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối cụ thể, rõ rang và đầy đủ về hoạt động quảng cáo quốc tế. Điều này đã giúp cho các doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng hơn trong việc thực hiện pháp luật, giúp cho việc quản lý của các cơ quan có thẩm quyền cũng đẽ dàng hơn. Từ đó, làm giảm được sự vi phạm pháp luật và “lách luật” của các doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động quảng cáo. Cũng chính từ việc tạo nên một hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng và minh bạch đã góp phần thu hút các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, từ đó làm sôi động thị trường quảng cáo của Việt Nam.

LỜI KẾT

Trên đây là một số tìm hiểu về những điểm mới của Luật quảng cáo năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành so với Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 của Việt Nam có liên quan tới hoạt động quảng cáo quốc tế. Có thể thấy Luật Quảng cáo ra đời kế thừa những nhân tố hợp lý của Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001 và có những bổ sung, hoàn thiện cơ bản, từ đó khắc phục được những hạn chế của hoạt động quảng cáo trước đây. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật quảng cáo năm 2012.
2. Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo ngày 14 tháng 11 năm 2013.
3. Pháp lệnh quảng cáo năm 2001.
4. Nghị định 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quảng cáo ngày 13 tháng 03 năm 2003.
5. Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS).

No comments:

Post a Comment