Showing posts with label Pháp luật chống bán phá giá. Show all posts
Showing posts with label Pháp luật chống bán phá giá. Show all posts
20/08/2014
Kiến nghị hoàn thiện pháp luật chống bán phá giá
Pháp luật về chống bán phá giá (CBPG) của Việt Nam được hình thành trong giai đoạn nước ta thực hiện những nỗ lực nước rút để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Mục tiêu được đặt ra đối với chế định này là hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam cho phù hợp với quy định của WTO và sẵn sàng cho thời kỳ hội nhập sau khi gia nhập tổ chức này. Trước đó, không có bất kỳ một tiền lệ hay một quy định nào điều chỉnh cụ thể vấn đề này. Trên thực tế, khi soạn thảo các văn bản thuộc chế định này, các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo, các cơ quan thẩm tra, các nhà tư vấn trong và ngoài nước đều dựa trên những quy định về CBPG của WTO và một số nước thành viên WTO. Về cơ bản, tất cả các quy định của pháp luật Việt Nam về CBPG đều tuân thủ các quy định tại Hiệp định ADA[1]. Vì thế, về mặt nguyên tắc, Việt Nam không cần điều chỉnh, sửa đổi các văn bản hiện hành về CBPG để tuân thủ cam kết WTO. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về CBPG của Việt Nam còn nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật[2], nội dung các quy định này còn mang tính định “khung”, điều chỉnh những vấn đề thuộc về nguyên tắc mà chưa đi sâu vào những vấn đề mang tính chất chi tiết, kỹ thuật[3]. Đặc biệt, quy định cách tính biên độ phá giá hay xác định mức độ thiệt hại theo Điều 2 và Điều 3 của Pháp lệnh Chống bán phá giá (PL CBPG) năm 2004 cũng không thể hiện rõ có cho phép hay cấm sử dụng phương pháp Zeroing để tính biên độ phá giá trong quá trình điều tra. Vì vậy, khi các quy định này được áp dụng vào một vụ việc cụ thể, có thể dẫn tới việc vi phạm các nguyên tắc liên quan của WTO[4]. Do đó, các quy định trong PL CBPG nói chung, quy định về cách tính biên độ phá giá nói riêng cần được nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng bổ sung quy định chi tiết cho những quy định “khung” hiện tại, nhất là quy định về cách tính biên độ phá giá, yếu tố cốt lõi nhất của vấn đề xác định thiệt hại.


Thông qua việc nghiên cứu 04 vụ kiện liên quan trực tiếp đến phương pháp Zeroing mang tính điển hình, có sự tham gia trực tiếp của Việt Nam hoặc của quốc gia có điểm tương đồng với Việt Nam[5], chúng tôinhận thấy những quy định mang tính chất kỹ thuật trong thực tiễn tính biên độ bán phá giá chưa được điều chỉnh bởi các quy định của Hiệp định ADA và PLCBPG của Việt Nam, kinh nghiệm đối phó của các quốc gia khi tham gia các vụ kiện liên quan đến phương pháp Zeroing qua thực tiễn đối phó với các vụ tranh chấp về bán phá giá của Việt Nam trong thời gian qua còn rất hạn chế.