Khoa học tội phạm học Xô Viết và Bài học kinh nghiệm đối với khoa học tội phạm học ở Việt Nam
TS. Nguyễn Minh Đức
Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu TPH&PNTPH
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, chính quyền Xô viết non trẻ đã ban hành nhiều sắc luật để củng cố, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội, cải tổ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới – xã hội chủ nghĩa. Và một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc bảo vệ chế độ mới - đó là tập trung đấu tranh chống bọn phản cách mạng, tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội.
Theo V.I. Lênin quá trình cải tạo xã hội cũ là một “quá trình phức tạp và lâu dài” và muốn xây dựng thành công xã hội mới thì cần phải thủ tiêu các hiện tượng tiêu cực và tội phạm[1]. Bên cạnh đó nhiều nhà lãnh đạo Xô viết cũng nhấn mạnh rằng: “chủ nghĩa xã hội không diệt trừ ngay được thói quen bất lương và cũng không thiết lập ngay được sự công bằng cho mọi người”, và nếu không có biện pháp thích hợp thì “những điều ác, sự rác rưởi, đố kỵ sẽ giết chết sự công bằng; sẽ xâm phạm đến sở hữu của nhà nước, của nhân dân, đến các chuẩn mực của chế độ xã hội mới”[2]. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, nhà nước Xô viết đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng lý luận về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, trong đó có việc xây dựng và phát triển khoa học về Tội phạm học (TPH). Căn cứ vào lịch sử của Nhà nước Xô viết và Liên bang Nga ngày nay, có thể chia các giai đoạn phát triển của ngành TPH Xô viết và Liêng bang Nga thành các giai đoạn sau: