28/06/2014
Tình huống người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe của người khác - Bài tập cá nhân Luật Dân sự 2 - Bài 2
Bài tập tình huống cá nhân Luật Dân sự 2 có đáp án về người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khoẻ của người khác.

1. Xây dựng một tình huống liên quan đến người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe của người khác.

Ngày 16/10/2010, em Tùng (sinh năm 1998) hiện đang là học sinh lớp 7 trường Trung học cơ sở X. Tan học, khi đang cùng bạn bè đá bóng ở vỉa hè, Tùng chẳng may đá bóng vào chị Hương đang điều khiển xe gắn máy trên đường. Do bị bóng văng vào mặt, mất thăng bằng nên chị Hương bị ngã, bất tỉnh phải vào bệnh viện. 

Chị Hương đã phải điều trị thương tật hết 6 triệu đồng bao gồm: tiền khám, tiền viện phí, tiền thuốc để điều trị, chi phí chiếu, chụp X-quang theo chỉ định của bác sĩ. Chị Hương cũng phải thuê người giúp việc trong khoảng 2 tháng vì do bị bóng văng mạnh và bất ngờ vào mặt, mặc dù kết quả khám chung thị lực hai mắt còn tốt nhưng chức năng bị hạn chế bởi các tổn thương. Chị Hương không thể tự chăm sóc bản thân và gia đình cũng không có ai ở nhà chăm sóc được. Đồng thời chị Hương cũng phải nghỉ làm một thời gian (khoảng 2 tháng) để phục hồi sức khỏe.

2. Phân tích các mối quan hệ pháp luật trong tình huống này và xác định mức độ bồi thường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tình huống trên xuất hiện hai quan hệ pháp luật, đó là:

- Quan hệ pháp luật giữa người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại với người bị thiệt hại.

- Quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại giữa người phải bồi thường và người nhận bồi thường.

a. Về quan hệ pháp luật thứ nhất: Ở tình huống này, em Tùng đã có hành vi là đá bóng vào chị Hương đang điều khiển xe gắn máy trên đường khiến cho chị Hương bị ngã, bất tỉnh phải vào bệnh viện; tức là đã xâm phạm đến sức khỏe của chị Hương và gây ra thiệt hại là làm tổn hại sức khỏe cho chị Hương. Trong tình huống này, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là em Tùng và người bị thiệt hại là chị Hương.

b. Về quan hệ pháp luật thứ hai: là quan hệ bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân: “Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này”.

Vậy em Tùng là người chưa thành niên dưới 15 tuổi (vào thời điểm năm 2010 em Tùng 12 tuổi) mà cha, mẹ em vẫn còn; do đó cha mẹ của em Tùng là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người nhận bồi thường trong trường hợp này là người bị xâm phạm về sức khỏe do hành vi trái pháp luật của em Tùng gây ra, tức chị Hương.

Căn cứ của việc cha mẹ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho con khi con dưới 15 tuổi chính là việc người dưới 15 tuổi cần có sự chăm sóc và quản lý của bố mẹ. Việc có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại ngoài hợp đồng của họ có phần lỗi thuộc về chủ thể quản lý và giáo dục họ. Với những người chưa đủ 15 tuổi, tức là chưa đến độ tuổi trưởng thành, giả sử người này có nhận thức hoàn toàn bình thường thì cũng không thể đã suy nghĩ, xem xét được đúng đắn sự việc xung quanh cũng như nhận thức được hành vi và hậu quả hành vi của bản thân. Vì vậy cha mẹ cũng là đại diện hợp pháp đương nhiên cho con, là bị đơn dân sự và có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với những hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng của con dưới 15 tuổi, còn chính cá nhân gây thiệt hại lại không có năng lực hành vi tố tụng dân sự trước Tòa án.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha mẹ đối với hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng của con dưới 15 tuổi là trách nhiệm pháp lý, tức là dù cha mẹ có lỗi hay không có lỗi trong việc quản lý, giáo dục con mình thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra khoản 2 Điều 606 cũng quy định việc lấy tài sản của con chưa đủ 15 tuổi để bồi thường vào phần còn thiếu nếu cha mẹ không có đủ tài sản để bồi thường. Ý nghĩa của quy định này chính là để bảo đảm nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.

Mức độ bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 609 BLDS năm 2005 về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thì mức độ bồi thường của cha mẹ em Tùng cho chị Hương được xác định như sau :

- Về Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại theo điểm a khoản 1 Điều 609, cha mẹ em Tùng phải bồi thường chi phí điều trị thương tật hết 6 triệu đồng cho chị Hương. Ngoài ra cha mẹ em Tùng còn phải chịu chi phí bồi dưỡng cho chị Hương do bị suy nhược sức khỏe trong vòng hai tháng khi chị Hương chưa hồi phục và không thể tự mình đi làm và chăm sóc bản thân.

- Về Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại theo điểm b khoản 1 Điều 609: Do chị Hương trước khi bị hành vi của em Tùng gây thiệt hại về sức khỏe thì có thể đi làm và có thu nhập nhưng sau khi sức khỏe bị xâm phạm thì thu nhập đó tạm thời không thu được nữa nên khi xác định được thu nhập thực tế trong 2 tháng không thể đi làm của chị Hương, cha mẹ em Tùng cũng có trách nhiệm bồi thường phần thu nhập này.

- Về Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị theo điểm c khoản 1 Điều 609, chị Hương đã phải thuê người giúp việc trong vòng 2 tháng tức là trong thời gian chị điều trị để phục hồi sức khỏe, cha mẹ em Tùng có trách nhiệm bồi thường về tiền lương cho người giúp việc cho chị Hương.

Ở đây chị Hương không có tổn thất về tinh thần do hành vi xâm phạm sức khỏe của em Tùng gây ra nên cha mẹ em Tùng không phải bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 609. 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009.
2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009.
3. Bộ luật dân sự năm 2005.
4. www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com

5. www.lawsoft.thuvienphapluat.com

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment