Lịch sử Việt Nam là một lịch sử đẫm máu, nước mắt và mồ hôi của cả dân tộc. Nước ta trước đây đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế. Ngoài mục đích cướp đoạt chủ quyền quốc gia, các thế lực ấy còn muốn tước đi quyền con người của người dân Việt Nam, biến chúng ta thành nô lệ phục vụ cho chúng. Nhưng chưa một lần nào nhân dân ta từ bỏ; bao lần đất nước lâm nguy là bấy nhiêu lần con dân đất Việt đứng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, đòi lại quyền của chính bản thân họ. Con người sinh ra, ai cũng khát khao được tự do, được sống một cuộc sống an lành. Ngày nay, khi điều kiện sống ngày càng phát triển, những mong muốn đó không còn là của riêng ai; mà nó đã nâng lên thành nhu cầu, điều kiện tối thiểu cần được đáp ứng cho cuộc sống thường ngày của cả xã hội. Vì vậy, việc “quyền con người” phải được thừa nhận, bảo vệ bởi nhà nước, pháp luật là rất chính đáng và cấp thiết.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, nền tảng của hệ thống luật của quốc gia đó. Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của đời sống xã hội, chính trị. Do tính chất đặc thù của việc lập, sửa đổi hiến pháp nên có thể coi hiến pháp là cơ sở pháp lý vững chắc nhất trong việc thực hiện, bảo vệ các vấn đề ấy. Như vậy, việc Hiến pháp 2013 ghi nhận, khẳng định “quyền con người” đã xác lập nên các thiết chế, các điều kiện để đảm bảo, bảo vệ “quyền con người”; định hướng cho việc thực hiện rộng rãi chúng trong cuộc sống. Trong lần sửa đổi này, “quyền con người” là một điểm sáng, thu hút được nhiều sự quan tâm không chỉ của dư luận trong nước mà còn cả quốc tế. Việt Nam chúng ta đã ký rất nhiều Công ước quốc tế về quyền con người như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (24-9-1982), Công ước quốc tế về quyền trẻ em (20-2-1992),… Nhưng chỉ đến Hiến pháp 2013, “quyền con người” mới được tách riêng khỏi “quyền công dân”; không những vậy, chương này còn được đưa thành chương II, thể hiện sự quan tâm, chú trọng của nhà nước ta đối với vấn đề này. Hiến pháp 2013 có hiệu lực chưa lâu, việc phổ biến, truyền tải nội dung Hiến pháp nói chung, “quyền con người” ghi nhận trong hiến pháp nói riêng là rất cần thiết. Vì vậy, nhóm 24-A1 chúng em mạnh dạn chọn đề tài “Quyền con người theo Hiến pháp 2013” nhằm giúp mọi người có thêm cái nhìn đối với vấn đề “cổ” mà không “cũ” này.