MỞ ĐẦU
Từ xa xưa trong lịch sử phát triển của nhân loại đã có nhiều quan điểm khác nhau về cái thiện, cái ác ở mỗi con người. Khổng tử đã nói "nhân chi sơ tính bản thiện" (người ta mới sinh ra bản tính là thiện, tốt lành). Trong khi đó Tuân Tử lại cho rằng "nhân chi sơ tính bản ác" (người ta mới sinh ra bản tính đã là ác, dữ). Khác với hai quan điểm trên, Nam tước d'Holbach (Hônbách, 1723-1789), triết gia vô thần người Pháp, khẳng định rằng: "Con người khi mới sinh ra vốn không thiện mà cũng không ác. Thiện hay ác là do hoàn cảnh tạo nên." Câu nói trên của nhà duy vật phần nào đề cập đến vấn đề nhân cách con người nói chung và nhân cách người phạm tội nói riêng. Nhân cách là một phương tiện để đánh giá, nhìn nhận con người, bởi nó là một quá trình hình thành không chỉ từ bẩm sinh bên trong mà còn bởi nhân tố bên ngoài, từ môi trường khách quan.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Về câu nói của Holbach
Holbach đã nói lời khẳng định này từ thế kỷ XVIII nhưng đến nay, nó vẫn có ý nghĩa, giá trị to lớn. Về mặt tâm lý, câu nói của Holbach đề cập đến nhân cách, cụ thể là những nhân tố hoàn cảnh, yếu tố bên ngoài tác động đến sự hình thành nhân cách của con người. Con người không phải sinh ra đã hoàn thiện, đã phát triển hoàn chỉnh. Và tâm lý con người cũng không phải ngoại lệ. Con người càng trưởng thành thì sự tiếp xúc với xã hội, môi trường sống càng nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Và chính vì vậy, họ chịu tác động của môi trường, của các yếu tố đến từ xã hội bên ngoài. Câu nói của Holbach không hẳn đề cập đến vấn đề đạo đức, đó là một tri thức tâm lý lớn lao. Và câu nói ấy là đúng tuy nhiên không phải là tuyệt đối.