Ngày 13/9/1974 tại La Haye ( Hà Lan) đã xảy ra một sự kiện làm đau đầu các nhà chức trách: Ba người Nhật có vũ trang đã tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Pháp tại La Haye và bắt giữ một số người làm con tin tại cơ quan đại diện này. Chúng yêu cầu Chính phủ phải thả tù nhân và nộp tiền chuộc con tin. Nhà cầm quyền không những phải thỏa mãn các yêu sách của bọn khủng bố (thả tù nhân và nộp tiền chuộc) mà còn phải cung cấp cho bọn chúng tàu bay cùng phi hành đoàn, sau đó chúng hạ lệnh bay sang Siri.
Ở ví dụ trên, có thể tính đến tính chất “phụ” của hành vi phạm tội – hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay, bên cạnh tính chất chủ yếu của hành vi là nhằm thả tù nhân và đòi tiền chuộc. Ở đây chúng ta thấy tổng thể các hành vi khác nhau đã hoàn thành và các hành vi này đã vượt ra ngoài giới hạn “truyền thống” của hiện tượng “bắt cóc tàu bay”. Từ đây, trong khoa học luật quốc tế, khái niệm “khủng bố hàng không quốc tế” đã được chú ý làm rõ.
Thuật ngữ “khủng bố hàng không quốc tế” được sử dụng dùng để xác định tổng thể các hành vi khủng bố quốc tế được thực hiện nhằm chống lại và đe dọa an ninh của các hoạt động hàng không dân dụng quốc tế. Thuật ngữ này bao gồm nhiều hành vi khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hành vi bắt cóc hoặc cưỡng bức tàu bay mà thường được gọi bằng thuật ngữ pháp lý chung là “hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay”.