Điều 24 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này đã nêu lên khái niệm về quyền nhân thân thông qua hai đặc điểm cơ bản là: gắn liền với cá nhân, không chuyển dịch. Nếu chỉ dừng lại ở những đặc điểm đó thì khái niệm quyền nhân thân sẽ vướng phải một số bất cập nhất định sau đây.
Thứ nhất, hai đặc điểm nêu trên thực sự chưa đủ để phân biệt quyền nhân thân với các quyền dân sự khác, bởi lẽ có một số quyền tài sản cũng mang đủ hai đặc điểm này. Pháp luật hôn nhân và gia đình quy định rằng quyền được cấp dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được gắn liền với những cá nhân nhất định như: giữa cha mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà và cháu, giữa vợ và chồng. Quyền yêu cầu cấp dưỡng và nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng các quyền, nghĩa vụ khác và cũng “không thể chuyển giao cho người khác” (Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2000). Quyền này là quyền tài sản chứ không phải là quyền nhân thân. Điều 309 BLDS 2005 cũng quy định một số quyền tài sản không thể chuyển giao cho người khác như “quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm uy tín”. Các quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại này được phát sinh khi các quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm, chúng là quyền tài sản nhưng cũng gắn liền với cá nhân người bị thiệt hại và cũng không dịch chuyển được sang cho chủ thể khác.