16/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương XIV - Nhà nước và pháp luật phong kiến
CHƯƠNG XIV - NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT PHONG KIẾN

I. SỰ RA ĐỜI VÀ BẢN CHẤT CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN

1. Sự ra đời của nhà nước phong kiến

Sự xuất hiện của nhà nước phong kiến ở các khu vực khác nhau trên thế giới không hoàn toàn giống nhau, điều này là do điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước quy định. Ở một số nơi, nhà nước phong kiến ra đời thay thế cho nhà nước chủ nô mà nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất xã hội. Ở một số nơi khác, nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước đầu tiên mà cư dân ở đó xác lập nên khi họ vượt qua xã hội nguyên thủy. Ở phương Đông, sự ra đời của nhà nước phong kiến có nhiều khác biệt và không có mốc thời gian chung cho sự mở đầu của các nhà nước phong kiến ở khu vực này. Quá trình phong kiến hóa xã hội cổ đại ở phương Đông diễn ra hết sức chậm chạp, ranh giới giữa chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến không rõ ràng, bởi vì ở đây không có sự khác biệt về bản chất của phương thức sản xuất giữa hai thời kì, thậm chí ở một số nước không có gì khác nhau.Chính vì vậy, quan niệm về sự ra đời các nhà nước phong kiến phương Đông chỉ mang tính ước lệ; dựa vào những sự kiện đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của mỗi quốc gia.
2. Bản chất của nhà nước phong kiến

Cơ sở kinh tế của nhà nước phong kiến là quan hệ sản xuất phong kiến mà đặc trưng là sở hữu của địa chủ, phong kiến về ruộng đất và sở hữu nhỏ của nông dân trong sự phụ thuộc vào địa chủ phong kiến. Ở phương Tây, đất đai hầu hết thuộc sở hữu tư nhân của địa chủ, phong kiến trong các điền trang thái ấp, lãnh địa. Quan hệ sản xuất chủ yếu trong xã hội là quan hệ giữa địa chủ, phong kiến với nông dân. Thời kì đầu khi chế độ phong kiến mới được xác lập, người nông dân tự do cũng có ruộng đất, tuy nhiên, cùng với sự phát triển của chế độ ruộng đất phong kiến, do nhiều yếu tố, dần dần, người nông dân bị mất hết ruộng đất, trở thành người không có tư liệu sản xuất nên phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ phong kiến để canh tác, biến thành nông dân lệ thuộc. Nhà thờ thiên chúa giáo cũng chiếm hữu rất nhiều đất đai lập thành những điền trang thái ấp, lãnh địa lớn, các vị linh mục, thầy tu cũng là những địa chủ phong kiến lớn nhỏ khác nhau. Địa chủ, phong kiến có ruộng đất nhưng không trực tiếp canh tác mà phát canh cho nông dân thuê để cày cấy và thu về địa tô. Mức địa tô không giống nhau song nhìn chung là tương đối nặng nề, mặc dù vậy, so với nô lệ, người nông dân vẫn còn giữa lại cho mình một phần nhất định sản phẩm do mình làm ra. Ở phương Đông, yếu tố tư hữu hóa ruộng đất chậm phát triển, thời kì đầu, đất đai trong xã hội chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước đem ruộng đất thuộc sở hữu công ban cấp cho quan lại làm bổng lộc cũng như chia cho nông dân cày cấy. Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất, ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân từng bước hình thành và phát triển. Loại hình sở hữu này bao gồm nhiều loại như sở hữu nhỏ của nông dân, sở hữu của địa chủ, sở hữu của các cơ sở tôn giáo... Do vậy, quan hệ sản xuất dưới chế độ phong kiến ở phương Đông bao gồm hai loại chủ yếu, một là quan hệ giữa nhà nước với nông dân, hai là quan hệ giữa địa chủ với tá điền. Xu hướng chung ở các nước phương Đông là trong thời kì đầu chủ yếu bao gồm quan hệ thứ nhất, về sau quan hệ thứ hai mới hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Khác hẳn quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ, trong quan hệ sản xuất phong kiến, người nông dân đã có sở hữu riêng, mặc dù đó là sở hữu nhỏ và còn tương đối bấp bênh. Ngay cả trường hợp phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ phong kiến để canh tác thì nông dân vẫn được hưởng một phần nhất định sản phẩm lao động do mình làm ra, chính vì vậy, người nông dân dưới chế độ phong kiến đã quan tâm đến sản xuất hơn. Điều này thể hiện sự tiến bộ hơn hẳn của quan hệ sản xuất phong kiến so với quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ.

Xã hội phong kiến có kết cấu phức tạp, trong đó có hai giai cấp cơ bản là địa chủ phong kiến và nông dân, ngoài ra còn có các tầng lớp khác như thợ thủ công, thị dân... Địa chủ, phong kiến hợp thành giai cấp thống trị trong đó địa chủ là những người sở hữu nhiều ruộng đất nhưng hầu như không trực tiếp canh tác trên ruộng đất đó mà chủ yếu phát canh, thu tô; phong kiến là những người được nhà vua ban cấp chức tước đồng thời cắt cho những khoảnh đất nhất định để lập thành những lãnh địa. Như vậy, phong kiến không chỉ là người chủ sở hữu đất đai mà còn là người nắm giữ quyền lực chính trị trong lãnh địa của mình. Giai cấp địa chủ phong kiến lại được phân chia thành nhiều đẳng cấp khác nhau phụ thuộc vào chức tước, phẩm hàm, tài sản... mà mỗi đẳng cấp có những đặc quyền về kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. Ở phương Tây, chính sách phân phong ruộng đất là nguồn gốc của sự phân chia các đẳng cấp trong xã hội phong kiến. Cùng với việc phong chức tước, phẩm hàm, nhà vua còn ban cấp đất đai cho những hoàng thân, quốc thích, những bề tôi có nhiều công lao... để lập thành những lãnh địa riêng. Người được nhà vua ban cấp ruộng đất lại đem một phần ruộng đất của mình ban cấp lại cho các thuộc hạ, cứ như thế mà hình thành ra các đẳng cấp với địa vị và lợi ích khác nhau. Đồng thời, chính sách phân phong ruộng đất cũng tạo ra những lãnh chúa lớn nhỏ khác nhau trong xã hội phong kiến phương Tây. Ở phương Tây, bên cạnh những lãnh chúa thế tục còn có các lãnh chúa tăng lữ. Cùng với sự phát triển của xã hội, thế lực của các lãnh chúa cũng không ngừng lớn mạnh trở thành những ông “vua con” ở địa phương không chịu phục tùng chính quyền trung ương, tạo ra tình trạng chia cắt đất nước diễn ra một cách phổ biến ở phương Tây kéo dài trong nhiều thế kỉ.

Bộ phận đông đảo nhất trong xã hội phong kiến nhưng đồng thời cũng là đối tượng bị áp bức bóc lột là giai cấp nông dân. Địa vị của nông dân ở phương Đông có phần khác hơn so với nông dân ở phương Tây. Một bộ phận nông dân có ruộng đất thuộc sở hữu riêng hoặc được nhà nước chia đất và tự canh tác trên phần ruộng đất đó và nộp thuế cho nhà nước. Bên cạnh đó là những nông dân không có ruộng đất phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ phong kiến và nộp địa tô, tuy nhiên, khác hẳn với phương Tây, người nông dân phương Đông chỉ phụ thuộc vào địa chủ về mặt kinh tế. Mặc dù vậy, đời sống của người nông dân vô cùng khổ cực, họ bị địa chủ phong kiến và nhà nước bóc lột nặng nề bằng nhiều loại tô, thuế, lao dịch. Bởi vậy, mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến và nhà nước phong kiến là hết sức sâu sắc. Ở phương Tây, khi chế độ phong kiến mới hình thành, giai cấp nông dân không thuần nhất mà bao gồm nhiều loại với địa vị khác nhau như nông dân tự do, nông nô. Cùng với sự phát triển của phương thức sản xuất phong kiến, sự khác biệt giữa các tầng lớp này ngày càng ít đi, họ biến thành tầng lớp có thân phận giống nhau, đó là nông nô. Khác với nô lệ, nông nô không còn bị coi là vật thuộc sở hữu trực tiếp của địa chủ phong kiến, họ có gia đình riêng, lãnh chúa không thể tùy tiện giết chết họ như chủ nô giết chết nô lệ. Tuy nhiên, nông nô bị trói chặt vào ruộng đất của địa chủ phong kiến, họ không thể tự ý rời bỏ ruộng đất mà chủ giao cho, con cháu họ cũng phải kế thừa mảnh đất ấy để làm nông nô cho lãnh chúa. Lãnh chúa có quyền đánh đập, hành hạ, bỏ tù thậm chí kể cả giết chết nông nô trong một số trường hợp nhất định. Như vậy, so với nô lệ, thân phận của nông nô cũng không khá hơn là bao nhiêu, chính vì vậy, mâu thuẫn giữa nông nô với địa chủ phong kiến hết sức sâu sắc, đấu tranh giai cấp vì vậy thường xuyên xảy ra.

Cơ sở kinh tế-xã hội quyết định bản chất của nhà nước phong kiến. Xét về mặt giai cấp, nhà nước phong kiến là bộ máy để bảo vệ lợi ích kinh tế của giai cấp địa chủ phong kiến, là công cụ chuyên chính của giai cấp địa chủ phong kiến đối với giai cấp nông dân, thợ thủ công, dân nghèo thành thị, là công cụ để xác lập và bảo vệ hệ tư tưởng của giai cấp địa chủ phong kiến, tăng lữ. Có thể khẳng định rằng tính giai cấp của nhà nước phong kiến thể hiện sâu sắc, rõ nét không kém so với nhà nước chủ nô.

Trong nhà nước phong kiến, quyền lực nhà nước chủ yếu được sử dụng để đè nén áp bức bóc lột nhân dân lao động. Ở phương Tây, để duy trì sự thống trị đối với nhân dân lao động, bên cạnh quyền lực nhà nước còn có quyền lực nhà thờ. Nhà thờ thiên chúa giáo vừa là trung tâm tôn giáo, vừa là trung tâm kinh tế, chính trị và tư tưởng văn hóa. Giữa nhà nước và nhà thờ có sự thỏa hiệp và liên kết một cách chặt chẽ để áp bức, bóc lột nhân dân trong những “đêm trường trung cổ”. Phong kiến thế tục hỗ trợ nhà thờ giữ vững thần quyền bằng cách ban cấp ruộng đất cho giáo hội, bảo vệ lãnh địa của giáo hội, trừng trị các thế lực xâm phạm giáo hội. Ngược lại, thông qua việc tuyên truyền giáo lí, nhà thờ góp phần trói buộc nhân dân lao động trong vòng trật tự của xã hội phong kiến và tôn giáo.

Bên cạnh tính giai cấp, nhà nước phong kiến còn thể hiện tính xã hội. Là tổ chức công quyền, đại diện cho toàn thể xã hội, nhà nước phong kiến phải đảm nhiệm sứ mệnh tổ chức và quản lí các mặt của đời sống xã hội. Các nhà nước phong kiến, tùy thuộc cơ sở kinh tế xã hội, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của đất nước, tùy thuộc vào người cầm quyền... mà quyền lực nhà nước được sử dụng để bảo đảm và bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng xã hội cũng như thể hiện sự quan tâm đến giai cấp bị trị ở mức độ nào. Trong xã hội phong kiến, khi mà mọi quyền lực đều tập trung trong tay các vua chúa phong kiến thì đất nước thịnh hay suy, nhân dân ấm no hay lầm than phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách, phẩm hạnh của người cầm quyền. So với nhà nước chủ nô, tính xã hội của nhà nước phong kiến thể hiện rõ nét hơn, các nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết các vấn đề chung của toàn xã hội, các hoạt động kinh tế xã hội cũng thiết thực hơn, đặc biệt nhiều nhà nước thể hiện sự quan tâm rất rõ đến các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội, nhất là những lúc gặp thiên tai, địch họa...

II. CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN

Bản chất của nhà nước phong kiến được thể hiện thông qua các chức năng của nó. Cũng như nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến có các chức năng đối nội và đối ngoại sau đây:


1. Các chức năng đối nội


a. Bảo vệ chế độ sở hữu của địa chủ phong kiến, duy trì các hình thức bóc lột của địa chủ phong kiến đối với nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.


Nhà nước phong kiến sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ chế độ sở hữu của địa chủ phong kiến. Nhà nước thừa nhận các biện pháp bạo lực mà địa chủ phong kiến sử dụng để bắt nông dân phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ phong kiến. Nhà nước quy định trong pháp luật các biện pháp trừng trị nghiêm khắc đối với các hành vi xâm hại sở hữu của địa chủ phong kiến. Mọi hành vi xâm phạm sở hữu của địa chủ phong kiến dù ở mức độ nào cũng đều bị coi là tội phạm và hình phạt đối với nhóm tội này là tương đối nặng nè, thậm chí xâm phạm sở hữu của nhà vua bị khép vào nhóm tội phạm nguy hiểm bậc nhất và bị trừng trị nghiêm khắc.

Nhà nước làm ngơ trước việc giai cấp địa chủ phong kiến luôn tăng cường xâm chiếm đất của nông dân. Nhà nước thừa nhận sự bóc lột của địa chủ phong kiến với nông dân, thợ thủ công, thị dân, cho phép địa chủ phong kiến bằng các biện pháp kể cả bạo lực để duy trì sự bóc lột đối với quần chúng lao động. Nhà nước còn trực tiếp tham gia vào việc bóc lột đối với nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác thông qua hệ thống thuế khóa, phu phen tạp dịch nặng nề. Bên cạnh đó, hệ thống quan lại từ trung ương đến các làng xã cũng lợi dụng chức quyền, mặc sức hà hiếp, áp bức bóc lột nhân dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác, đẩy họ vào vòng tối tăm cùng cực.


b. Trấn áp nông dân và những người lao động khác bằng quân sự

Để bảo vệ quyền sở hữu, địa vị chính trị-xã hội của giai cấp địa chủ phong kiến, duy trì chính quyền của chúng, nhà nước phong kiến đã sử dụng mọi biện pháp trong đó chủ yếu là biện pháp bạo lực, đàn áp một cách đẫm máu sự phản kháng của nông dân. Nhà nước phong kiến ra sức củng cố và tăng cường bộ máy cưỡng chế chuyên nghiệp với đầy đủ sức mạnh hòng trấn áp mọi cuộc khởi nghĩa của nông dân. Các lãnh chúa phong kiến cũng có lực lượng quân sự riêng để bảo vệ lãnh địa của mình. Trong trường hợp nổ ra khởi nghĩa của nông dân, các lãnh chúa liên kết với nhau, chi viện cho nhau, cùng nhau đàn áp nông dân. Do tình hình thực tiễn lúc bấy giờ, hầu hết các cuộc khởi nghĩa của nông dân đều mang tính tự phát, mặt khác, do thiếu tính tổ chức, đoàn kết, hiệp đồng... nên hầu hết các cuộc khởi nghĩa của nông dân đều bị trấn áp hết sức đẫm máu.

c. Duy trì sự thống trị về tư tưởng đối với quần chúng

Công cụ chủ yếu để thực hiện sự thống trị về tư tưởng đối với quần chúng là nhà thờ và hệ tư tưởng tôn giáo. Nhà nước liên kết một cách chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, xây dựng hệ tư tưởng tôn giáo thành hệ tư tưởng thống trị xã hội. Đồng thời, cũng thông qua hoạt động của các tổ chức tôn giáo và giới thầy tu, nhà nước tìm cách thần thánh hóa nhà vua, biến thế quyền thành thần quyền, biến nhà vua thế tục thành một vị “thiên tử”, cái bóng của thượng đế, thay mặt cho thượng đế “thế thiên hành đạo”. Ở các nước phương Tây, đạo Thiên chúa được coi là quốc giáo, giữa nhà nước và giáo hội có sự cấu kết chặt chẽ, hệ tư tưởng tôn giáo là cơ sở chỉ đạo cả nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Ở nhiều nước phương Đông, có thời kì, Phật giáo cũng có địa vị rất lớn trong đời sống xã hội, tăng ni, sư sãi chiếm số lượng đông đảo và có vai trò khá quan trọng, trong bộ máy nhà nước có những chức vụ do những người tu hành đảm nhiệm (tăng quan). Ở Trung Quốc và một số nước phương Đông khác, trong thời kì phong kiến, hệ tư tưởng Nho giáo giữ vai trò
thống trị, chi phối hầu như mọi hoạt động của đời sống xã hội.

d. Chức năng kinh tế-xã hội

So với nhà nước chủ nô, các hoạt động về mặt kinh tế-xã hội của nhà nước phong kiến đa dạng và mang tính thiết thực hơn. Trong những chừng mực nhất định, nhà nước phong kiến đã có những tác động tích cực vào đời sống kinh tế-xã hội nhằm phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Nhà nước tiến hành các hoạt động như xây dựng và bảo vệ đê điều, tổ chức nhân dân làm thủy lợi, khai khẩn đất hoang, lập thành những làng mạc mới, khuyến khích phát triển sản xuất. Nhà nước cũng chú trọng việc bảo vệ trị an, phòng chống tội phạm, quy định trách nhiệm của quan lại trong việc bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho dân. Nhà nước cũng đã quan tâm và thực hiện một số chính sách xã hội nhất định.

2. Các chức năng đối ngoại


a. Tiến hành chiến tranh xâm lược


Các nhà nước phong kiến đều coi chiến tranh xâm lược là biện pháp để giải quyết mâu thuẫn, mở rộng thế lực và tầm ảnh hưởng cũng như làm giàu. Đối với nhiều nhà nước phong kiến, xâm lược nước khác là chức năng cơ bản, được tiến hành liên tục, quy mô lớn, kết hợp chinh phục với đồng hóa nhằm nô dịch quốc gia bị chinh phục. Một số nhà nước phong kiến còn tự coi mình là trung tâm của vũ trụ, có sứ mệnh cao cả là bình thiên hạ, bắt toàn thế giới phải phục tùng quyền lực của mình. Chính vì vậy, trong thời kì phong kiến, chiến tranh giữa các quốc gia thường xuyên xảy ra, một số nhà nước phong kiến đã trở thành những đế chế rộng lớn mà sức mạnh quân sự của nó đã gây kinh hoàng cho nhân dân nhiều nước trên thế giới.


b. Phòng thủ đất nước


Phòng thủ đất nước là chức năng đối ngoại quan trọng của tất cả các nhà nước phong kiến nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ địa vị kinh tế, chính trị của giai cấp địa chủ phong kiến, bảo vệ những lợi ích chung của cộng đồng xã hội, đảm bảo cho xã hội ổn định, hòa bình để tồn tại và phát triển. Thực hiện chức năng này, các nhà nước phong kiến đều chú trọng xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh, phát triển sản xuất, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công xâm lược từ bên ngoài.

Ngoài những chức năng đối ngoại chủ yếu nêu trên, các nhà nước phong kiến cũng đã tiến hành những hoạt động đối ngoại hòa bình, hợp tác nhằm giữ gìn độc lập, chủ quyền đất nước, xây dựng và phát triển tình hữu nghị, bang giao giữa các quốc gia. Nhìn chung, trong thời kì phong kiến, các hoạt động đối ngoại hòa bình đã diễn ra phổ biến hơn so với thời kì chiếm hữu nô lệ. Các nước nhỏ yếu, để bảo vệ nền độc lập, tự chủ của mình chấp nhận thần thuộc các nước lớn, tìm cách giải quyết các mâu thuẫn bằng thương lượng hòa bình. Ngược lại các nước lớn cũng muốn gây thanh thế và tầm ảnh hưởng của mình nên cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động giao hảo, hữu nghị với các nước khác. Bên cạnh đó, các nhà nước phong kiến cũng tiến hành các hoạt động giao lưu buôn bán với nhau.



III. BỘ MÁY NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN

Do nguyên nhân và quá trình xuất hiện nhà nước không giống nhau, mặt khác, sự tác động, ảnh hưởng giữa các nhà nước còn hạn chế, chính vì vậy, bộ máy nhà nước ở các nhà nước phong kiến không hoàn toàn giống nhau. Nhà nước phong kiến có quá trình tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, bởi vậy, qua các thời kì khác nhau, bộ máy nhà nước được tổ chức một cách khác nhau. Thời kì đầu khi nhà nước phong kiến mới ra đời, nhìn chung tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước còn khá đơn giản. Ở nhiều nước, bộ máy nhà nước mới được tổ chức ở cấp trung ương. Sự phân biệt về chức năng nhiệm vụ giữa các quan chức trong bộ máy nhà nước cũng còn rất đơn giản, nhiều nhà nước sự phân công trách nhiệm này chưa thật rõ ràng và cố định. Một số nước đã có sự phân công quan lại phụ trách các việc như quân sự, tư pháp, tài chính, văn thư... Tuy nhiên, ở một số nước khác mới chỉ có sự phân biệt hai ngạch quan lại là ngạch văn và ngạch võ. Về sau, cùng với sự phát triển của chế độ phong kiến, bộ máy nhà nước phong kiến ngày càng được tổ chức một cách chặt chẽ, quy củ, hoàn chỉnh hơn, thể hiện tính chuyên nghiệp cao hơn. Trong bộ máy nhà nước, các cơ quan nhà nước được tổ chức ngày càng hoàn chỉnh với chức năng, nhiệm vụ tương đối cụ thể. Nhiều nhà nước, bộ máy nhà nước đã được tổ chức thành các cơ quan có thẩm quyền riêng biệt như các bộ, viện, ti... Bước đầu đã có sự phân biệt về chức năng nhiệm vụ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên, không giống như sự phân quyền trong các nhà nước tư sản sau này, ở đây chỉ là sự phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan giúp việc nhà vua. Nhìn chung, các nhà nước phong kiến đều đã biết đến việc phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính lãnh thổ, hình thành hệ thống cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Nhiều nhà nước, bộ máy nhà nước đã được tổ chức tới cấp cơ sở. Quân đội, cảnh sát, tòa án vẫn luôn là những bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước phong kiến.

Trong bộ máy nhà nước phong kiến, đội ngũ quan liêu được từng bước hình thành với những chức vụ chuyên nghiệp, phẩm hàm và chức vụ đi kèm với nhau. Những người làm việc trong bộ máy nhà nước đã được trả lương, ngoài ra còn được hưởng bổng lộc tùy theo chức vụ, phẩm hàm. Thể lệ tuyển dụng và bổ nhiệm quan lại cũng được từng bước quy định rõ, chế độ thân tộc, tập ấm vẫn còn được duy trì, bên cạnh đó, nhà nước còn đặt ra chính sách tiến cử. Đặc biệt, chế độ khoa cử đã được nhiều nhà nước phong kiến áp dụng. Đồng thời, nhiều nhà nước phong kiến còn chú trọng cả việc khảo xét, sát hạch đội ngũ quan lại để có chính sách thăng giáng, thưởng phạt phù hợp.

Cách thức tổ chức bộ máy nhà nước ở phương Đông có nhiều điểm khác so với ở phương Tây. Ở phương Đông, trong suốt quá trình tồn tại của chế độ phong kiến, yếu tố trung ương tập quyền luôn được duy trì bởi vậy, bộ máy nhà nước phong kiến luôn được tổ chức đảm bảo tính thống nhất của quyền lực nhà nước. Ở phương Tây, chế độ phong kiến đã trải qua các giai đoạn phát triển từ phân quyền cát cứ đến trung ương tập quyền, qua mỗi thời kì, bộ máy nhà nước được tổ chức một cách khác nhau. Thời kì phân quyền cát cứ, mỗi lãnh địa có bộ máy chính quyền riêng. Khi nền quân chủ trung ương tập quyền được thiết lập, bộ máy nhà nước mới được tổ chức thành hệ thống từ trung ương xuống địa phương. Khác với phương Đông, trong bộ máy nhà nước phong kiến phương Tây thời kì này đã bắt đầu hình thành các thiết chế dân chủ như nghị viện ở Anh, hội nghị tam cấp ở Pháp, hội nghị quốc dân ở Nga... Đặc biệt, trong bộ máy nhà nước phong kiến phương Tây, tòa án với chức năng là cơ quan xét xử chuyên nghiệp được hình thành từ rất sớm.


IV. HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC PHONG KIẾN

Do cơ sở kinh tế xã hội khác nhau nên hình thức nhà nước phong kiến ở phương Đông và phương Tây có sự khác nhau nhất định. Cũng như nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến có quá trình phát triển lâu dài, bởi vậy, qua các thời kì khác nhau, hình thức nhà nước cũng có sự khác nhau.

Về hình thức chính thể, các nhà nước phong kiến phổ biến là chính thể quân chủ. Các nhà nước phương Đông đều có chính thể quân chủ chuyên chế, vua là người nắm giữ toàn bộ quyền lực tối cao của nhà nước, vừa là người ban hành pháp luật, vừa là người tổ chức thực hiện pháp luật, đồng thời vua cũng là quan tòa tối cao. Nhà vua được thần thánh hóa, là thiên tử, phụng mệnh trời cai trị thiên hạ, bởi vậy, các chiếu, chỉ, sắc, dụ do nhà vua ban hành đều vâng mệnh thượng đế (phụng thiên thừa vận). Cũng chính bởi vậy mà không thế lực nào có thể hạn chế được quyền lực của nhà vua. Quan lại các cấp đều chỉ là bề tôi của nhà vua, dân chúng trong nước là thần dân của vua. Các nhà nước phương Tây cũng phổ biến là chính thể quân chủ chuyên chế. Đôi khi, ở một số thành phố sau khi giành được quyền tự trị từ tay nhà vua, lãnh chúa hay giáo hội, cư dân thành phố đã tổ chức chính quyền thành phố theo mô hình của chính thể cộng hòa, các cơ quan của thành phố như hội đồng thành phố, thị trưởng... do thị dân bầu ra, thành phố có tài chính, quân đội, pháp luật, tòa án riêng.

Về hình thức cấu trúc nhà nước, các nhà nước phong kiến hầu hết đều là các nhà nước đơn nhất. Ở phương Đông, trong suốt quá trình phát triển của chế độ phong kiến, mặc dù có nơi, yếu tố phân quyền cát cứ xuất hiện và tồn tại trong những thời gian nhất định, tuy nhiên xu hướng chung đều là trung ương tập quyền với sự phục tùng tuyệt đối của chính quyền địa phương đối với chính quyền trung ương. Ở phương Tây, trong quá trình tồn tại và phát triển của nhà nước, cấu trúc đơn nhất đã có những biến dạng nhất định, ban đầu là thời kì phân quyền cát cứ, về sau yếu tố trung ương tập quyền mới được thiết lập.

Khi chế độ phong kiến phương Tây mới được thiết lập, trong xã hội diễn ra tình trạng phân quyền cát cứ. Mới đầu, nhà vua đem một phần đất đai biếu tặng các cơ sở giáo hội và đem ban cấp có thời hạn cho những người thân tín. Những người được nhận đất phong phải phục tùng quyền lực của vua, phải nộp thuế, cống nạp cho nhà vua, phải thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với nhà vua khi cần thiết. Về sau, do điều kiện hoàn cảnh thay đổi, đất phong có thời hạn trở thành lãnh địa tự trị cha truyền con nối. Những người được phong tước và cắt đất vốn là những quan chức trong chính quyền nhà vua trở thành lãnh chúa trong lãnh địa đó. Thế lực của các lãnh chúa ngày càng mạnh lên, trở thành “vua” trong lãnh địa đó, có toàn quyền tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước trên lãnh địa của mình, có đầy đủ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, có quân đội, tòa án, luật lệ riêng. Sự phục tùng của các lãnh chúa trước nhà vua giờ đây biến mất, các lãnh chúa tìm mọi cách chèn ép chính quyền trung ương cũng như chèn ép lẫn nhau, tạo ra sự chia cắt đất nước kéo dài trong nhiều thế kỉ. Do tình trạng đó, nhà vua trung ương thực chất chỉ còn làm chủ trong lãnh địa của mình.

Sự phân quyền cát cứ làm hạn chế quyền lực của nhà vua đồng thời cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa. Chính vì vậy, xóa bỏ tình trạng cát cứ để thống nhất đất nước không chỉ là nhu cầu của nhà vua mà còn là đòi hỏi tự thân của nền kinh tế. Do sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và sự lớn mạnh của các đô thị, trong xã hội xuất hiện một tầng lớp rất có thế lực đó là thị dân. Hơn ai hết họ là những người muốn chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước để cho việc kinh doanh công thương nghiệp được phát triển thuận lợi. Các lãnh chúa vừa và nhỏ cũng ủng hộ việc tập trung quyền lực vào tay vua để được vua che chở, bảo vệ. Mặt khác, nhu cầu chống giặc ngoại xâm, chống các cuộc khởi nghĩa của nông dân cũng cho thấy cần thiết phải có nhà nước trung ương tập quyền với lực lượng quân đội hùng mạnh. Với những điều kiện khách quan và chủ quan đó, nhà vua trung ương thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường quyền lực của mình. Nhà vua dựa vào nhà thờ, các lãnh chúa vừa và nhỏ, tầng lớp thị dân để từng bước củng cố chính quyền của mình. Tiềm lực kinh tế của nhà vua ngày càng lớn, lực lượng quân đội ngày càng hùng mạnh, lãnh thổ ngày càng được mở rộng. Nhờ đó, quyền lực của nhà vua ngày càng được củng cố, trong khi đó, thế lực của các lãnh chúa ngày một suy yếu, chế độ trung ương tập quyền từng bước được xác lập. Mới đầu, để tranh thủ sự ủng hộ của các tầng lớn trong xã hội, nhà vua tổ chức ra cơ quan đại diện các đẳng cấp để tư vấn cho nhà vua. Đây không phải là cơ quan cùng tham gia nắm giữ quyền lực tối cao với nhà vua bởi vì việc triệu tập nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của nhà vua, nó không thể hạn chế được quyền lực của nhà vua mà ngược lại càng làm tăng cường địa vị của nhà vua, là chỗ dựa để vua thi hành chủ trương chính sách của mình. Về sau khi quyền lực của nhà vua đã được tăng cường, nhà vua thường coi nhẹ vai trò của các cơ quan đại diện đẳng cấp, thậm chí không triệu tập cơ quan này nữa.

Về chế độ chính trị, hầu hết các nhà nước phong kiến thường áp dụng các biện pháp bạo lực để tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, ở một số thành phố giành được quyền tự trị ở phương Tây, một số biện pháp dân chủ cũng đã được áp dụng tuy còn rất hạn chế. So với vua ở phương Đông, các nhà vua ở phương Tây có phần đỡ chuyên chế hơn.


V. SỰ RA ĐỜI, BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA PHÁP LUẬT PHONG KIẾN



1. Sự ra đời và cơ sở kinh tế – xã hội của pháp luật phong kiến



Vào giai đoạn cuối của chế độ chiếm hữu nô lệ, khi các mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ đã đến mức không thể điều hòa được nữa, một số chủ nô tiến bộ đã giải phóng cho những người nô lệ, mang lại cho họ sự tự do nhất định về mặt thân thể - một sự giải phóng của lực lượng sản xuất, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao năng suất lao động cũng như đời sống con người, có lợi cho chính giai cấp thống trị. Khi đó, các quan hệ sản xuất phong kiến đã dần hình thành và trở thành quan hệ sản xuất thống trị đồng thời quy định đối với thượng tầng kiến trúc mới. Khi đó nhà nước phong kiến thay thế cho nhà nước chủ nô và cũng là lúc pháp luật phong kiến ra đời. Nó gắn liền với phương thức sản xuất phong kiến có quan hệ sản xuất được đặc trưng bởi chế độ chiếm hữu tư nhân của địa chủ phong kiến đối với đất đai. Với hoạt động chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, xã hội phong kiến gần như phụ thuộc phần lớn vào đất đai. Chế độ phong kiến được hình thành bằng việc phân phong đất đai của nhà vua cho các chư hầu theo các đẳng cấp của họ (công, hầu, bá, tử, nam) là cơ sở cho sự tồn tại bền vững của một xã hội với sự phân chia đẳng cấp giữa các bộ phận dân cư. Cơ sở kinh tế đó gắn liền với một kết cấu xã hội khá phức tạp bao gồm hai giai cấp chính là giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân. Giai cấp địa chủ phong kiến là một lực lượng chiếm số ít trong xã hội nhưng lại là những người nắm giữ hầu hết ruộng đất-tư liệu sản xuất quan trọng nhất trong phương thức sản xuất phong kiến – nên cũng là giai cấp thống trị trong xã hội cả về kinh tế, chính trị và cũng vì vậy mà thống trị cả về tư tưởng và đồng thời là giai cấp bóc lột. Ngược lại, giai cấp nông dân là lực lượng lao động sản xuất chính, chiếm số đông trong xã hội nhưng vì không có tư liệu sản xuất nên phụ thuộc vào giai cấp địa chủ và bị giai cấp này bóc lột. Do đặc điểm này mà mâu thuẫn chính trong xã hội phong kiến chủ yếu nằm trong quan hệ giữa hai giai cấp này. Điều đó được phản ánh một cách đậm nét trong nội dung của pháp luật. Tuy nhiên, sự bóc lột của địa chủ đối với nông dân đã có một tính chất khác so với sự bóc lột của chủ nô đối với nô lệ. Đó là sự bóc lột gián tiếp thông qua phương thức phát canh, thu tô (bóc lột bằng địa tô) chứ không còn bóc lột trực tiếp sức lao động trong chế độ chiếm hữu nô lệ nữa, quan hệ giữa hai giai cấp bóc lột và bị bóc lột đã được cải thiện ở mức độ nhất định.


Bên cạnh đó, xã hội phong kiến còn khá phức tạp bởi kết cấu bao gồm nhiều bộ phận dân cư khác nhau ảnh hưởng đến pháp luật. Cư dân thành thị cũng đã xuất hiện và ngày càng trở nên đông đúc cùng với sự hình thành các đô thị với hoạt động chủ yếu là thương nghiệp và thủ công nghiệp, đặc biệt là ở thời kì cuối của chế độ phong kiến. Ở phương Đông, ngoài các bộ phận dân cư kể trên, trong xã hội còn tồn tại tầng lớp kẻ sĩ – một dạng trí thức vào thời đó và hầu như không tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất nhưng có vị trí đáng kể trong xã hội và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng pháp luật cũng như nội dung của pháp luật khi nhà nước phong kiến tuyển mộ quan lại theo lối khoa cử.

Khác với xã hội chiếm hữu nô lệ trước đó gắn với chế độ đa thần giáo, đa số các xã hội phong kiến đã có sự thống nhất cơ bản về tôn giáo thành chế độ quốc giáo, người đứng đầu nhà nước cũng có thể trở thành giáo chủ lớn nhất hoặc có sự liên kết chặt chẽ với giới tăng lữ của tôn giáo thống trị. Nhờ đó họ có thể tăng cường uy tín của mình trong đời sống tinh thần của dân cư, củng cố địa vị thống trị trong xã hội về mặt tư tưởng. Đây cũng là một cơ sở củng cố cho sự kết hợp chặt chẽ giữa vương quyền với thần quyền, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội cũng như đến nội dung của pháp luật.

Ngoài ra, sự tồn tại của các nhà tư tưởng với rất nhiều quan điểm chính trị pháp lí khác nhau cũng tạo ra một cơ sở về tư tưởng cho pháp luật một cách đáng kể. Chẳng hạn như ảnh hưởng của quan điểm nhân trị của đạo Khổng hay lí thuyết pháp trị của phái pháp gia ở phương Đông...

Pháp luật phong kiến đã ra đời và tồn tại trên cơ sở của các điều kiện kinh tế xã hội và tư tưởng như vậy nên nó có những đặc trưng nhất định khác với pháp luật chủ nô. Nó được hình thành từ những phong tục, tập quán đã tồn tại trong đời sống xã hội bởi sự thừa nhận của nhà nước cùng với sự kế thừa những bộ phận của pháp luật chủ nô còn phù hợp với điều kiện xã hội phong kiến. Đây là quá trình xảy ra một cách khá chậm chạp cùng với sự chuyển biến của chế độ chiếm hữu nô lệ sang chế độ phong kiến do ảnh hưởng khá lâu dài và bền vững của chế độ công xã và của chế độ chiếm hữu nô lệ. Mặt khác, do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh, nhà nước phong kiến đã ban hành khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật để bổ sung cho hệ thống pháp luật trước đó, trong đó bao gồm có cả pháp luật do chính quyền trung ương ban hành vừa có cả pháp luật của các chư hầu.

 2. Bản chất của pháp luật phong kiến

Với cơ sở ra đời và tồn tại như trên, pháp luật phong kiến chịu sự quy định của điều kiện kinh tế xã hội này. Pháp luật phong kiến đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho giai cấp địa chủ phong kiến cùng nhà nước thời kì này điều chỉnh các quan hệ xã hội theo trật tự mà giai cấp thống trị mong muốn. Điều đó có nghĩa là pháp luật phong kiến cũng giống như các kiểu pháp luật khác là vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội. Có thể giữa phương Đông và phương Tây có sự khác biệt nhất định nhưng nói chung pháp luật phong kiến đều có chung một bản chất.

Dưới góc độ giai cấp, pháp luật phong kiến là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành nhằm hợp pháp hóa ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến và buộc cả xã hội phải tuân theo. Bằng cách đặt ra các quy phạm mới hoặc thừa nhận những quy phạm trước đó có lợi cho giai cấp mình, giai cấp địa chủ phong kiến đã xác lập một trật tự xã hội và điều chỉnh các quan hệ xã hội đó. Ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử phát triển của chế độ phong kiến, pháp luật cũng mang những màu sắc khác nhau nhưng nhìn chung thì nó luôn được giai cấp địa chủ phong kiến sử dụng như là thứ công cụ hữu hiệu nhất để thực hiện mưu đồ thống trị của chúng trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Về chính trị, pháp luật phong kiến khẳng định vị trí thống trị của địa chủ phong kiến gắn liền với một xã hội đẳng cấp với vai trò tối thượng của người đứng đầu nhà nước (vua, hoàng đế, nữ hoàng...). Trật tự xã hội được xác lập có tính chất bền vững và có quan hệ chặt chẽ với chế độ cha truyền con nối.

Về kinh tế, pháp luật bảo vệ cho quan hệ sản xuất phong kiến gắn liền với sự chiếm hữu tư nhân của địa chủ phong kiến về ruộng đất và bóc lột nông dân thông qua hình thức phát canh, thu tô (địa tô);

Về tư tưởng, pháp luật phong kiến thường sử dụng giáo lí của tôn giáo thống trị trong xã hội và thừa nhận địa vị thống trị của lực lượng cầm quyền như là một đặc ân mà chúa trời trao cho, thậm chí nhà vua còn được gọi là thiên tử - người thay trời trị dân.

Nội dung giai cấp của pháp luật phong kiến cũng có những thay đổi nhất định do sự chuyển biến của đối sánh lực lượng, đặc biệt giữa hai thời kì phân quyền cát cứ và trung ương tập quyền. Tuy nhiên, vẫn có thể khẳng định pháp luật phong kiến là sự thể hiện tập trung ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến, là công cụ để giai cấp này thông qua nhà nước để thực hiện sự chuyên chính đối với giai cấp nông dân và những tầng lớp xã hội khác.

Tuy nhiên, xét một cách công bằng thì sự đóng góp đáng kể trong lịch sử tồn tại và phát triển của xã hội loài người, pháp luật phong kiến cũng có thuộc tính xã hội của nó. Pháp luật phong kiến ra đời, không chỉ để thực hiện và bảo vệ lợi ích cho giai cấp địa chủ phong kiến mà nó còn để thiết lập và duy trì trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích của các tầng lớp dân cư khác. Giai cấp địa chủ phong kiến thống trị chỉ có thể bảo vệ được lợi ích của mình khi xã hội ổn định và phát triển với sự chấp thuận của xã hội. Vì vậy, kể cả khi nói pháp luật phong kiến là sự thể hiện ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến thì ý chí đó cũng không thể thuần túy là ý muốn chủ quan, tùy tiện và áp đặt cho xã hội nếu như giai cấp thống trị không muốn vấp phải sự chống đối từ các bộ phận còn lại của xã hội. Khi đó, pháp luật phải phản ánh lợi ích của tất cả các thành viên trong xã hội bất kể là họ ở đẳng cấp nào. Pháp luật phong kiến có nhiều quy định bảo vệ cho đời sống xã hội, cho hoạt động sản xuất. Chẳng hạn ở Việt Nam, Bộ luật Hồng Đức bảo vệ quyền làm dân tự do, chống nạn nô tì hóa bằng việc cấm bán hoàng nam làm nô lệ, bảo vệ những người nghèo khó không nơi nương tựa, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, trật tự an ninh xã hội, chống sự hà hiếp, quấy nhiễu của cường hào, quan lại... Có cả những đạo luật còn nghiêng về bảo vệ cho thường dân, ví dụ thời nhà Tống ở Trung Quốc, Vương An Thạch đã sửa đổi pháp luật với mục đích dân giàu, nước mạnh, loại bỏ rất nhiều đặc quyền của các thế lực quý tộc, địa chủ...

Tuy nhiên, nhìn chung pháp luật phong kiến là công cụ thống trị của nhà nước phong kiến, chủ yếu thể hiện ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến nhằm bảo vệ trật tự xã hội phong kiến. Điều này được thể hiện rõ hơn trong các đặc điểm của nó.

3. Đặc điểm của pháp luật phong kiến

a. Pháp luật phong kiến củng cố và bảo vệ trật tự xã hội phong kiến.

Trật tự xã hội phong kiến là trật tự thứ bậc của các đẳng cấp trong xã hội và quan hệ vua tôi. Mỗi đẳng cấp có vị trí xã hội riêng gắn với các lợi ích về kinh tế, chính trị nhất định theo thứ bậc đã được xác định từ trước, trong đó vua được coi là thiên tử có quyền lực bao trùm thiên hạ và dưới vua có các chư hầu cũng có đất đai và quyền lực ở mức độ khác nhau. Pháp luật có những quy định rất rõ ràng các đặc quyền tương ứng với đẳng cấp xã hội đó.

Về mặt kinh tế, vua có quyền đặt ra thuế hoặc giao cho các chư hầu có quyền thu thuế trong các lãnh địa được phong tạo ra nguồn thu cho nhà nước mà thực chất là của nhà vua. Các lãnh chúa ở châu Âu còn có cả quyền tịch thu tài sản, quyền thu tiền phạt, quyền đúc tiền... Pháp luật quy định các biện pháp trói buộc người nông dân vào ruộng đất, duy trì và bảo vệ cho quan hệ sản xuất phong kiến.

Về mặt chính trị, pháp luật xác định các đẳng cấp khác nhau trong xã hội cùng các biện pháp trừng trị rất khắc nghiệt đối với những hành vi xâm phạm đến địa vị của các thế lực quý tộc hay trật tự xã hội phong kiến.

Về mặt xã hội, pháp luật cũng phân hóa xã hội thành những các tầng lớp khác nhau như bậc trượng phu, kẻ tiện dân. Ở Trung Quốc, điều đó được thể hiện rất rõ qua câu “Lễ nghi không tới thứ dân, hình phạt không tới trượng phu”. Pháp luật cũng công khai quy định tình trạng bất bình đẳng về mặt pháp lí chẳng hạn khi quy định hạng bát nghị được ưu tiên trong nhiều trường hợp, kể cả khi họ phạm tội như cho phép được chuộc tội bằng tiền, bản thân họ và vợ con của họ được giảm mức hình phạt so với thường dân nếu phạm cùng một tội. Luật nhà Đường, nhà Thanh ở Trung Quốc, luật Hồng Đức, luật Gia Long ở Việt Nam hay bộ Pháp điển đại toàn ở Nga là những ví dụ chứng minh cho điều nay. Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội phong kiến, pháp luật cũng có một ý nghĩa nhất định trong đó ít nhất nó cũng tạo ra được sự ổn định cho một xã hội phức tạp như xã hội phong kiến. Ở mức độ nào đó, trật tự xã hội được thiết lập có trên có dưới, phần nào đó năng lực của con người được pháp luật thừa nhận và làm cho mỗi người trong xã hội phải tự cố gắng vươn lên để được pháp luật thừa nhận, ví dụ như việc học hành để đỗ đạt và được làm quan theo con đường khoa cử. Một xã hội “quân quân thần thần, phụ phụ tử tử” theo thuyết chính danh, mỗi người biết sống và giữ đúng chức phận của mình có thể nói cũng là một xã hội thành công.


b. Pháp luật phong kiến chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo và đạo đức phong kiến.

Khi vương quyền kết hợp chặt chẽ với thần quyền thì chính trị và tôn giáo không thể tách rời nhau và do vậy nội dung của pháp luật không thể không mang dấu ấn của tôn giáo. Nhiều quy định của pháp luật là sự thể chế hóa các tư tưởng tôn giáo mà trực tiếp là các tín điều tôn giáo. Bên cạnh nội dung các quy định của pháp luật, trong chế độ phong kiến nhất là ở phương Tây có hệ thống tòa án giáo hội tồn tại cùng với tòa án của triều đình cũng có chức năng xét xử nhưng chủ yếu là xét xử đối với những người bị coi là tà đạo và thường chống lại các tư tưởng tôn giáo. Một đạo luật của Constantin – ông vua của đế chế Roma – quy định chỉ cần có giáo chủ làm chứng là đủ mà không cần phải nghe nhân chứng thứ hai. Các nhà nước phong kiến ở phương Tây đã thể chế hóa rất nhiều giáo lí của đạo Thiên chúa, ở Ấn Độ, pháp luật là sự thể chế hóa đạo Balamôn, một số quốc gia theo đạo Hồi thì thể chế hóa kinh Koran hoặc trực tiếp sử dụng kinh Koran như pháp luật...

Bên cạnh sự ảnh hưởng của tôn giáo, pháp luật phong kiến còn mang đậm những dấu ấn của đạo đức phong kiến. Trật tự của xã hội phong kiến do giai cấp thống trị xây dựng nên, do vậy mà quan niệm về cái tốt, cái xấu, về lẽ sống, về sự công bằng... cũng do chúng quan niệm thành chuẩn mực mà con người phải theo. Đạo đức của giai cấp thống trị được thể chế hóa thành pháp luật. Phương châm xử thế của con người vốn là những điều nên làm trở thành những điều phải làm. Điều đó một mặt có lợi cho khả năng thực hiện pháp luật bởi sự thâm nhập của đạo đức vào cuộc sống xã hội từ trước, pháp luật được thực hiện một cách tự nhiên hơn, mặt khác tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị có cơ hội bảo đảm bởi sức mạnh của nhà nước khi nó chưa được xã hội chấp thuận. Như đã phân tích ở phần cơ sở ra đời và tồn tại của pháp luật phong kiến, nhà nước phong kiến đã tiến hành tuyển mộ quan lại theo lối khoa cử, những người ra làm quan chủ yếu theo con đường học thuật và thi cử. Chính những người này đã tiếp thu một cách hệ thống tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị, vừa tuyên truyền cho đạo đức phong kiến, vừa trực tiếp chuyển hóa các tư tưởng này thành pháp luật. Nhiều quốc gia ở phương Đông, đặc biệt là ở Trung Quốc, tư tưởng Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống chi phối đời sống tinh thần của xã hội. Tư tưởng này đã được thể chế hóa một cách rất sâu rộng trong pháp luật nhằm điều chỉnh quan hệ giữa người với người theo trật tự đẳng cấp, phân chia xã hội thành các hạng người như quân tử và tiểu nhân, bậc trượng phu và hạng thứ dân... Nhiều khi giữa đạo đức và tôn giáo có sự chuyển hóa cho nhau, không phân biệt đạo đức và tôn giáo, nhất là khi người cầm quyền lại là các ông vua sùng đạo như thời nhà Đường ở Trung Quốc, thời nhà Lý ở Việt Nam.

c. Pháp luật phong kiến dung túng cho việc tùy tiện sử dụng bạo lực trong ứng xử xã hội

Trong xã hội mà các quan hệ tồn tại theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé” thì sức mạnh được coi là chân lí, đồng thời sử dụng sức mạnh có thể coi là phương châm xử thế chủ yếu. Xã hội phong kiến là xã hội như thế và do đó pháp luật phong kiến cũng phản ánh tình trạng này. Pháp luật cho phép các bên tự giải quyết tranh chấp qua việc sử dụng sức mạnh bằng những cách như đấu kiếm, thử lửa, thi uống rượu... bên nào thắng thì lẽ phải thuộc về bên đó, chấp nhận dùng những kết quả ngẫu nhiên làm căn cứ cho những kết luận pháp lí. Phạm vi áp dụng các biện pháp bạo lực không chỉ bị bó hẹp trong một vài lĩnh vực hay ở vài bộ phận mà nó được áp dụng một cách khá phổ biến trong nhiều quan hệ từ cá nhân cho đến dòng tộc, từ cộng đồng này đến cộng đồng khác... mà hậu quả của những cách giải quyết ấy có thể là những cuộc xung đột đẫm máu kéo dài, oán thù trở thành truyền kiếp. Việc thừa nhận tập quán man rợ “ăn miếng trả miếng” hay “nợ máu trả máu” là những minh chứng.

Pháp luật phong kiến còn hợp pháp hóa sự chuyên quyền, tùy tiện mà bọn địa chủ phong kiến sử dụng như Ph. Ăngghen đã từng mỉa mai: “Trong những chương giáo huấn của bộ luật Carôlina nói đến việc “cắt tai”, “xẻo mũi”, “khoét mắt”, “chặt ngón tay và bàn tay”, “chặt đầu”, “buộc vào bánh xe cho gãy chân tay”, “thiêu đốt”, “kẹp bằng kìm nung đỏ”, “phân thây”... không một chương nào mà bọn lãnh chúa nhân hậu và bọn bảo hộ lại không thể áp dụng với nông dân của chúng, tùy theo sở thích”.

Trong thời kì phân quyền cát cứ, để tranh hùng xưng bá, nhiều chư hầu lớn thường gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược để mở rộng lãnh thổ đồng thời bắt các chúa đất hay các nước chư hầu nhỏ lệ thuộc vào mình, rồi dùng ngay sức mạnh đó để gây ảnh hưởng đối với chính quyền trung ương.

d. Pháp luật phong kiến rất hà khắc và dã man, xâm phạm nặng nề đến quyền con người.

Về mục đích, pháp luật phong kiến được ban hành để bảo vệ cho trật tự phong kiến với lợi ích cơ bản thuộc về giai cấp thống trị chiếm số ít trong xã hội. Để chống lại phần lớn còn lại, giai cấp thống trị phải sử dụng các biện pháp cực đoan để trừng trị các hành vi chống đối và lấy đó để răn đe. Cùng với việc chấp nhận cách giải quyết các tranh chấp trong xã hội bằng sử dụng sức mạnh, pháp luật phong kiến áp dụng các hình phạt hết sức dã man. Đó chủ yếu là các biện pháp nhục hình, làm đau đớn về thể xác, gây ra sự sợ hãi cao độ ở những người bị trừng phạt. Ở phương Đông, pháp luật của nhiều quốc gia quy định hệ thống ngũ hình cổ điển là xuy (đánh bằng roi), trượng (đánh bằng gậy), đồ (lao động khổ sai), lưu (tù đày), tử (giết chết) thì ở nhiều nước phương Tây, hình phạt được pháp luật quy định cũng tàn bạo không kém như đóng đinh lên các ngón tay, dìm xuống nước, chôn sống, thậm chí kết hợp với tòa án giáo hội cho tội nhân lên giàn hỏa thiêu... Các biện pháp tử hình mà pháp luật phong kiến quy định thì hết sức rùng rợn như lăng trì (cắt, xẻo thịt, róc thịt, móc mắt phạm nhân cho đến chết), trảm khiêu (chém và bêu đầu)...

Sự tàn bạo của pháp luật phong kiến còn được thể hiện ở việc hầu hết vi phạm trong bất cứ quan hệ xã hội nào cũng đều bị áp dụng chế tài hình sự. Một số bộ luật lớn của các nhà nước phong kiến Việt Nam như “Quốc triều hình luật” đã thể hiện thái độ của nhà làm luật là dùng pháp luật chủ yếu để răn đe và trừng phạt.

Pháp luật phong kiến quy định trách nhiệm liên đới, trừng phạt cả những người vô tội hoặc những người không có khả năng nhận thức như trường hợp tru di tam tộc (ở Việt Nam) hay tru di cửu tộc (ở Trung Quốc).

Khi áp dụng các hình phạt, nhà cầm quyền chủ ý đến mục đích trừng phạt để hành hạ và nhục mạ phạm nhân mà không có ý thức giáo dục hay tạo điều kiện cho phạm nhân có cơ hội để hoàn lương như việc thích chữ vào mặt để mãi mãi họ bị phân biệt và không bao giờ trở thành người bình thường được.


e. Pháp luật phong kiến có sự mất cân đối về cơ cấu các ngành luật


Vì mục đích của pháp luật phong kiến chủ yếu là để răn đe và trừng trị, phục vụ cho sự chuyên chính giai cấp của một số ít với nhân dân lao động nên pháp luật thiếu sự cân đối. Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng nhất là sự thiên lệch trong cơ cấu các ngành luật, trong đó luật hình sự đặc biệt được chú trọng. Các quy phạm pháp luật của các ngành luật khác có xuất hiện nhưng với vị trí rất khiêm tốn thậm chí phải nấp dưới tên của các bộ luật hình sự. Bản thân các ngành luật khác cũng có sự mất cân đối giữa các chế định. Những ngành luật có vai trò lớn đối với hoạt động làm tăng trưởng nền kinh tế có vị trí rất mờ nhạt như luật thương mại, luật dân sự. Các giao lưu dân sự xảy ra trong phạm vi hẹp và chủ yếu được điều chỉnh bằng tập quán ở mỗi địa phương. Có rất ít hoạt động pháp điển hóa nên cũng không có sự phổ biến các bộ luật về các lĩnh vực này. Điều này đã phản ánh tình trạng phát triển của nền kinh tế cũng như trạng thái phát triển của xã hội phong kiến.

g. Pháp luật phong kiến tản mạn, thiếu thống nhất

Do ra đời và tồn tại gắn liền với quan hệ sản xuất phong kiến cùng với tình trạng phân quyền cát cứ kéo dài, pháp luật phong kiến thường mang dấu ấn cục bộ địa phương. Pháp luật của chính quyền trung ương cũng được ban hành nhưng mức độ pháp điển hóa bị hạn chế. Nó phản ánh phần nào sự tùy tiện của nhà cầm quyền ở nhà nước phong kiến. Mặt khác do các chư hầu có quyền độc lập nhất định trong việc ban hành ra pháp luật nên chính quyền trung ương rất khó kiểm soát được tính thống nhất của pháp luật. Hơn nữa, sự tồn tại của các tập quán mang tính phổ biến cũng là cơ sở để hình thành nên các tập quán pháp – hình thức pháp luật được hình thành có tính tự phát và cục bộ.


VI. HÌNH THỨC PHÁP LUẬT PHONG KIẾN

Do hình thành gắn liền với tình trạng phân quyền cát cứ nên pháp luật phong kiến thiếu tính thống nhất do cùng một lúc tồn tại pháp luật của chư hầu cùng pháp luật của chính quyền trung ương, đặc biệt là thời kì đầu. Vì những mục đích riêng mà mỗi chư hầu lại có những quy định riêng cho phù hợp với điều kiện ở mỗi lãnh địa của mình. Điều đó làm cho pháp luật của triều đình bị hạn chế khả năng tác động đến các địa phương. Mặt khác, nhiều khi pháp luật là sự tập hợp các tập quán ở các địa phương nên nó mang tính tản mạn, tương ứng với nền sản xuất nhỏ, manh mún. Hình thức pháp luật được sử dụng phổ biến là tập quán pháp nên pháp luật có tính cục bộ, được hình thành một cách tự phát, chậm chạp lại có tính bảo thủ, rất khó thay đổi nên hiệu quả tác động thấp. Thời kì phong kiến, nước Pháp tồn tại hơn 300 hệ thống luật tập quán của các địa phương, ở Đức cũng có một tập hợp các tập quán được ghi chép lại, còn ở Việt Nam, câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng” cũng phản ánh vai trò đặc biệt lớn của tập quán pháp. Để hạn chế điều này, các nhà nước phong kiến đã ban hành khá nhiều các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội và vì vậy đã có một số bộ luật lớn được ban hành để áp dụng chung cho cả nước, nhất là vào thời kì nhà nước trung ương tập quyền. Tuy nhiên, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện bởi một trình độ kĩ thuật pháp lí còn rất nhiều hạn chế như kĩ thuật pháp điển hóa, việc phân chia các ngành luật, kĩ thuật xây dựng các quy phạm cụ thể... Nhiều khi phần giả định của quy phạm giống như là sự mô tả một tình tiết có thật đã từng xảy ra.

Bên cạnh hai hình thức pháp luật trên, hình thức tiền lệ pháp cũng được một số nhà nước phong kiến sử dụng một cách phổ biến, đặc biệt là ở nước Anh. Việc áp dụng tiền lệ pháp là cơ hội cho phép bọn địa chủ, quan lại phong kiến trở nên tùy tiện khi giải quyết các vụ việc theo ý muốn chủ quan của chúng. Trong một số quốc gia, do vai trò đặc biệt quan trọng của tôn giáo mà nhà nước sử dụng các tín điều tôn giáo một cách trực tiếp tương tự như pháp luật mà điển hình là các quốc gia Hồi giáo Muxulman.

Hình thức pháp luật tồn tại khá phổ biến trong pháp luật phong kiến là “khẩu luật”. Vua có quyền ban hành ra pháp luật nhưng chủ yếu dưới dạng các chỉ dụ, lời vua nói là pháp luật. Trong trường hợp vua lại là những nhà độc tài, chuyên chế thì đây chính là hình thức có nguy cơ cao nhất tạo ra sự tùy tiện của nhà cầm quyền.

Vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, ở một số thành phố châu Âu, cư dân thành thị còn chịu sự điều chỉnh của một loại pháp luật riêng. Đó là các quy chế phường hội, chiếm một vị trí quan trọng trong pháp luật của các thành phố. Đây chính là giai đoạn tiền tư bản ở Châu Âu. Nó cũng khởi đầu cho sự phát triển của kiểu pháp luật mới – pháp luật tư sản.

No comments:

Post a Comment