16/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - CHương XVI - Pháp luật tư sản
CHƯƠNG XVI - PHÁP LUẬT TƯ SẢN

I. SỰ RA ĐỜI, BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA PHÁP LUẬT TƯ SẢN.

1. Sự ra đời của pháp luật tư sản.

Pháp luật tư sản là kiểu pháp luật thứ ba trong lịch sử xã hội loài người, ra đời gắn liền với sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, cách mạng dân chủ tư sản và sự ra đời của nhà nước tư sản.

Các văn bản pháp luật tư sản quan trọng đầu tiên ra đời là Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân của Pháp năm 178, Hiến pháp của Pháp năm 1791, Bộ luật dân sự Napoleon năm 1804, Bộ luật thương mại năm 1807, Bộ luật hình sự năm 1810 của Pháp… Pháp luật tư sản là sản phẩm của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, trong đó hàng vạn người đã hi sinh để đấu tranh lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế - chế độ mà quyền lực nhà nước đã đè nát các quyền công dân và quyền con người. Các cuộc cách mạng dân chủ tư sản thắng lợi đã thiết lập và bảo vệ các quyền con người, gồm các quyền tự nhiên thiêng liêng và bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền sở hữu tư nhân…
Đó là các quyền tối thiểu mà các cá nhân phải có – những quyền mà các nhà lập pháp không được xâm hại tới. Quyền con người lần đầu tiên được ghi nhận trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền đó có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Để đấu tranh bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, các nhà tư tưởng như J. Locke, C.L. Montesquieu, J.J. Rousseau đã xây dựng các học thuyết pháp lí trong đó đã đề ra các nguyên tác pháp lí mới trong việc thiết lập bộ máy nhà nước và thực thi công quyền. Theo những tư tưởng này, cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp năm 1879 đã xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế và xác lập những nguyên tắc mới trong tổ chức nhà nước và hệ thống chính trị. Những nguyên tắc này đã được đưa vào trong văn kiện mang tính chính trị - pháp lí nổi tiếng trên thế giới, đó là Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân của Pháp năm 1789. Những quy định trong Tuyên ngôn nổi tiếng này không những đã trở thành những nguyên tắc cơ bản của quá trình đấu tranh xây dựng chế đề dân chủ và nhà nước pháp quyền ở Pháp mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

2. Bản chất của pháp luật tư sản.

Bản chất của pháp luật tư sản cũng thể hiện ở hai tính chất là tính chất giai cấp và tính chất xã hội. Tính chất giai cấp của pháp luật tư sản thể hiện ở chỗ pháp luật tư sản trước hết và trên hết thể hiện ý chí và bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản. Mặt khác, pháp luật tư sản cũng thể hiện tính chất xã hội khá rộng rãi. Nếu so sánh với pháp luật chủ nô và pháp luật phong kiến thì tính chất xã hội của pháp luật tư sản nổi trội hơn rất nhiều. Dưới áp lực ngày càng mạnh mẽ của các lực lượng dân chủ trong xã hội, pháp luật tư sản không những chỉ chú ý đến việc thể hiện và bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản mà còn thể hiện và bảo vệ quyền lợi của các giai cấp và các tầng lớp khác trong xã hội. Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân của Pháp năm 1789 đã tuyên bố: “Luật là ý chí của mọi công dân. Mọi công dân có quyền tự mình hoặc thông qua cơ quan đại diện góp phần xây dựng luật”. Để cho nghị viện không chỉ là cơ quan đại diện của giai cấp tư sản mà còn phải đại diện cho các tầng lớp dân cư trong xã hội, hiến pháp hiện đại của các nhà nước tư sản đều quy định các nguyên tắc bầu cử là tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Hầu hết các nhà nước tư sản hiện nay không chỉ quy định trong hiến  pháp mà còn có cơ chế cụ thể thực hiện trong thực tiễn. Các nhà nước tư sản lục địa Châu Âu đã tiến hành trưng cầu dân ý để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước như thông qua hiện pháp, gia nhập Liên minh châu Âu, sử dụng đồng tiền chung châu Âu thay cho đồng tiền quốc gia đang sử dụng. Thời kì từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II đến nay, dưới áp lực ngày càng mạnh mẽ của các lực lượng dân chủ trong xã hội, tính chất xã hội của pháp luật tư sản càng được tăng cường. Ở Pháp, Thụy Điển cá nhiều nhà nước tư sản khác, pháp luật đã có những quy định về trợ cấp xã hội cho người có thu nhâp thấp, người thất nghiệp, trẻ em trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ có nhiều con và phải nuôi con một mình. Hầu hết các nhà nước tư sản hiện nay đều quy định chế độ miễn học phí trong các trường công lập cho học sinh tiểu học và trung học. Nhà nước có chế độ học bổng cho sinh viên học tập xuất sắc trong các trường đại học. Chế độ bảo hiểm xã hội và hưu trí được thực hiện không những đối với công chức nhà nước mà còn được thực hiện đối với những người làm việc trong tất cả các doanh nghiệp, công ti, các tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế. Luật pháp về bảo vệ trật tự đô thị, trật tự giao thông, bảo vệ thiên nhiên và môi trường ở nhiều quốc gia quy địnhkhá chặt chẽ và được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.

3. Các đặc điểm của pháp luật tư sản  

Pháp luật tư sản có những đặc điểm cơ bản sau:

a. Pháp luật tư sản là pháp luật phục vụ và bảo vệ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Pháp luật tư sản là bộ phận của thượng tầng kiến trúc trên hạ tầng cơ sở là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trong phương thức sản xuất này, do ứng dụng được các thành tựu của khoa học, kĩ thuật và công nghệ cao nên sự chuyên môn hóa trong tổ chức sản xuất và tổ chức tiêu thụ hàng hóa cũng như chất lượng hàng hóa đã đạt đến trình độ cao. Việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa được tiến hành không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trong phạm vi quốc tế. Trong điều kiện đó, pháp luật phải thiết lập à bảo vệ các quyền tự do kinh doanh, tự do hợp đồng, tự do cạnh tranh, chống lại các hành vi gian lận thương mại. Pháp luật phải là công cụ điều tiết nền kinh tế thị trường chống độc quyền, chống áp đặt giá cả, tôn trọng quy luật cung cầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài, hoạt động xuât, nhập khẩu máy móc, công nghệ, hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ sở hữu tài sản của công dân, bảo vệ thiên nhiên và môi trường.

b. Pháp luật tư sản không những là công cụ để nhà nước quản lí xã hội mà còn là công cụ để giám sát, hạn chế quyền lực của bộ máy nhà nước.

Có thể nói đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt pháp luật tư sản với pháp luật phong kiến. Với nguyên tắc phân chia quyền lực và kiềm chế đôi trọng trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, pháp luật tư sản trở thành công cụ kiểm tra, giám sát và kiềm chế sự lạm dụng quyền lực trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Nếu trong nhà nước phong kiến không có quy định nào hạn chế quyền lực của nhà vua thì trong nhà nước tư sản tổng thống  hay vua đứng đầu nhà nước đều phải hoạt động trong khuôn khổ quy định của hiến pháp và các luật. Bàn về sự giám sát và kiểm tra bộ máy nhà nước, J.J. Rousseau cho rằng: “Nếu các thiên thần cai quản thì không cần phải có sự kiểm soát đối với chính quyền từ bên ngoài hay bên trong. Trong việc tạo khuôn khổ cho chính quyền do con người quản lý, điều khó khăn là ở chỗ: trước hết, chính quyền phải có khả năng kiểm soát những người bị quản lí, kế tiếp, chính quyền phải có nghĩa vụ kiểm soát lẫn nhau”.( ) Thực tiễn ở Hoa Kỳ cho thấy các cuộc điều trần và điều tra của Quốc hội đã đưa ra ánh sáng các hành động sai trái của chính quyền. Ví dụ, vụ điều trần Tổng thống Richard Nixon vì vụ Watergate trước Thượng viện năm 1974, vụ điều tra Iran-Contra năm 1987… Năm 1978, Quốc hội Hoa Kỳ đã tạo ra hàng loạt các cơ quan độc lập trong công tác thanh tra – Tổng thanh tra (IG). Các văn phòng tổng thanh tra được thành lập ở hầu hết các bộ và cơ quan của Chính phủ. Các tổng thanh tra đệ trình các bản thông báo trục tiếp cho Quốc hội nhằm triệt tiêu bệnh lãng phí, những sai lầm và lạm dụng chức quyền. Quốc hội có thể sử dụng hiệu quả nhất quá trình giám sát đối với các cơ quan và các chương trình của Chính phủ thông qua quá trình chuẩn chi ngân sách. Bằng việc cắt, giảm các khoản tiền, Quốc hội có thể giải tán các cơ quan, cắt giảm các chương trình hoặc buộc các cơ quan đó phải cung cấp các thông tin mà nó yêu cầu. Ở các nước theo chính thể cộng hòa nghị viện (như Italia, Đức), cộng hòa lưỡng tính (như Pháp, Nga), quân chủ lập hiến (như Anh, Nhật, Thụy Điển, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha) nghị viện có quyền bỏ phiếu không tín nhiệm buộc chính phủ phải giải tán. Đây là cơ chế hữu hiệu mà hiến pháp đã tạo ra để hạn chế quyền lực của chính phủ.

c. Pháp luật tư sản thiết lập nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật.

Với sự ra đời của pháp luật tư sản, lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật của nhân loại, nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật được thiết lập. Để thực hiện quyền bình đằng của công dân trước pháp luật, luật bầu cử của hầu hết các nhà nước tư sản đều quy định mọi công dân đến tuổi mà pháp luật quy định đều có thể bầu cử và ứng cử vào nghị viện – cơ quan lập pháp và các hội đồng địa phương. Mọi công dân vi phạm pháp luật đều bị xử lí theo pháp luật, không phụ thuộc đó là công dân bình thường hay là những người giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước. Nếu trong nhà nước phong kiến “hình phạt không tới trượng phu, lễ nghi không tới thứ dân” thì trong nhà nước tư sản tổng thống – người đứng đầu nhà nước cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lí. Ví dụ,  khoản 4 Điều II Hiến pháp Hoa Kỳ quy đinh :”Tổng thống, Phó tổng thống abf các quan chức dân sự Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ bị bãi nhiệm bằng thủ tục phế truất vì bị luận tội và buộc tội phản bội tổ quốc, tham ô hay những tội danh sai trái ở mức cao khác”.

Trong lịch sử hình thành và phát triển nhà nước tư sản ở Hoa Kỳ, ba lần đương kim tổng thống đã bị xét xử bằng thủ tục đàn hạch theo đó Hạ nghị viện luận tội và Thượng nghị viện xét xử. Một trong ba vị tổng thống đó là Richard Nixon đã phải xin từ chức trước thời hạn.

d. Pháp luật tư sản quy định và bảo vệ các quyền công dân và các quyền con người.

Trong hệ thống pháp luật tư sản, chế định quyền công dân và quyền con người là thành quả vĩ đại của các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Cần phải hiểu sâu sắc rằng để xây dựng được chế định pháp luật này hàng vạn người đã ngã xuống trong các cuộc cách mạng dân chủ tư sản chống lại các chế độ độc tài chuyên chế của nhà nước phong kiến và hậu phong kiến. Chỉ riêng cuộc cách mạng tháng 6/1848 của Pháp đã có khoảng 50.000 người bị giết và 15.000 người bị đi đày. Khác với pháp luật phong kiến, nơi mà các quyền công dân không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, pháp luật tư sản ghi nhận trong hiến pháp – đạo luật cơ bản của nhà nước các quyền cơ bản của công dân và con người. Các quyền công dân và quyền con người trong các hiến pháp tư sản chia làm bốn nhóm là các quyền tự do cá nhân, các quyền kinh tế, các quyền văn hóa – xã hội và các quyền chính trị.

- Các quyền tự do cá nhân bao gồm các quyền như tự do đi lại tự do cư trú, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do mít tinh, biểu tình, tuần hành, tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản. Công dân có quyền sống, có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, bất khả xâm phạm về nhà ở, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín. Không ai có thể bị bắt, bị giam giữ, bị khám xét nhà ở ngoài các trường hợp và theo các thủ tục mà luật quy định.

- Các quyền vế kinh tế bao gồm quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền được bảo hiểm và bảo trợ xã hội khi về hưu, bệnh tật, tuổi già, thất nghiệp, quyền được lao động, được tham gia các nghiệp đoàn, quyền được tự do kí kết các hợp đồng với các đối tác trong nước và nước ngoài… Trong các quyền về kinh tế đặc biệt phải lưu ý về quyền sở hữu tư nhân là quyền được coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chỉ khi cần thiết vì lợi ích công, tài sản của cá nhân có thể chuyển thành tài sản của nhà nước với sự đền bù thỏa đáng.

- Các quyền về văn hóa – xã hội bao gồm các quyền được học tập, quyền nghiên cứu khoa học, nghệ thuật. Quyền tự do tôn giáo  - được tin và được theo bất kì tôn giáo nào. Ở hầu hết các nước tư sản, bậc tiểu học là bắt buộc và không phải trả học phí. Ở một số nước tư sản như Pháp, Thụy Điển không những giáo dục tiểu học mà giáo dục trung học và một số trường đại học công lập cũng không phải trả học phí.

- Các quyền chính trị bao gồm các quyền bầu cử và ứng cử vào nghị viện và các hội đồng địa phương. Quyền bầu cử được quy định là quyền phổ thông trực tiếp, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Quyền được tham gia tuyển chọn để có thể trở thành công chức. Quyền bình đẳng giữa na và nữ trong mọi cơ hội tham gia các cơ quan công quyền. Quyền được tự do tham gia các đảng phái chính trị nhằm đóng góp ý kiến của mình trong việc xây dựng đường lối chính trị của nhà nước. Quyền kiến nghị với nghị viện về việc xây dựng luật mới hoặc sửa đổi luật cũ.


Bên cạnh việc quy định về các quyền, pháp luật tư sản cũng quy định về các nghĩa vụ của công dân. Nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc được quy định là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân, nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân, nghĩa vụ phục vụ quan đội trong một thời gian và theo cách thức mà luật quy định, nghĩa vụ trung thành với tổ quốc, tôn trọng và tuân thủ hiến pháp và pháp luật, nghĩa vụ đóng thuế. Nghĩa vụ của công chức thực hiện tròn bổn phận của mình với kỉ luật và danh dự của công chức.

e. Pháp luật tư sản xác lập nguyên tắc đảm bảo tính tối cao của hiến pháp. 

Pháp luật tư sản ra đời gắn liền với hiến pháp và chủ nghĩa lập hiến. Chủ nghĩa lập hiến có nguồn gốc từ tư tưởng dùng pháp luật làm công cụ hạn chế quyền lực nhà nước, đảm bảo mọi quyền lực nhà nước đều xuất phát từ nhân dân. Nhân dân có thể dùng hiến pháp làm công cụ giá sát tối cao đối với mọi biểu hiện lạm dụng quyền lực từ các cơ quan công quyền. Hiến pháp được xây dựng và thực hành với thủ tục đặc biệt. Phải được từ 2/3 trở lên số nghị sĩ của hai viện của nghị viện bỏ phiếu thuận hiến pháp mới có thể được thông qua. Một số quốc gia như Pháp với Nga sau khi nghị viện thông qua còn tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân quyết định chấp nhận hay không chấp nhận bản dự thảo hiến pháp đã được nghị viện thông qua. Hiến pháp được coi là đạo luật cơ bản của nhà nước nên tất cả các văn bản pháp luật khác đều không được trái với hiến pháp. Để bảo vệ hiến pháp nhiều nhà nước tư sản như Đức, Italia, Ba Lan, Nga đã thành lập tòa án hiến pháp để xem xét tính hợp hiến của các văn bản luât và các văn bản dưới luật. Tòa án hiến pháp có thể tuyên bố văn bản luật là vi hiến và làm vô hiệu hóa văn bản luật đó. Một số nhà nước khác như Hoa Kỳ, Tòa án tối cao và các tòa án liên bang có nhiệm vụ bảo hiến.

f. Pháp luật tư sản bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân , coi nó là thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân của Pháp năm 1789 đã khẳng định quyền sở hữu tư nhân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Chỉ khi cần thiết vì lợi ích chung, sở hữu tư nhân mới buộc phải chuyển thành sở hữu nhà nước với sự đền bù thỏa đáng. Hiến pháp của tất cả các nhà nước tư sản đặc biệt coi trọng việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân. Một mặt, việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân trước hết là bảo vệ tài sản cho giai cấp tư sản, giai cấp có nhiều tài sản nhất trong xã hội. Mặt khác, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân cũng là bảo vệ những điều kiện tiên quyết để xây dựng xã hội thịnh vượng. Trong xã hội lành mạnh, quyền sở hữu tư nhân cần phải được nhà nước bảo hộ vì chỉ trong điều kiện đó mới xây dựng được xã hội dân giàu, nước mạnh.

g. Pháp luật tư sản phát triển tương đối toàn diện, cân đối và đồng bộ

Nếu pháp luật phong kiến chỉ phát triển về luật hình sự mà không phát triển về luật dân sự, chỉ phát triển các thiết chế về nhà nước mà không phát triển các thiết chế về công dân thì pháp luật tư sản đã phát triển một cách toàn diện cả hình sự lẫn dân sự, cả pháp luật điều chỉnh về bộ máy nhà nước cả pháp luật điều chỉnh các quan hệ của công dân. Hơn thế nữa trong xã hội tư bản do nền kinh tế thị trường phát triển nên luật thương mại, luật kinh doanh, luật lao động, luật tài chính, luật ngân hàng, luật bảo hiểm xã hội phát triển tạo ra hệ thống phát luật phát triển toàn diện, cân đối và đồng bộ. Chức năng kinh tế và chức năng xã hội của nhà nước được tăng cường vì vậy mà vai trò của pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế và xã hội cũng được tăng cường. Pháp luật tư sản không chỉ phát triển các ngành luật vật chất mà còn phát triển các ngành luật hình thức như luật tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

h. Một số ngành luật và chế định pháp luật mới ra đời, một số chế định pháp luật đặc biệt phát triển.

Với sự ra đời của pháp luật tư sản, hình thành một số ngành luật mới, đặc biệt là luật hiến pháp – ngành luật chủ đạo trong hệ thống pháp luật. Nguồn của luật hiến pháp là hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Ngoài ra còn có một số ngành luật mới, chế định pháp luật mới xuất hiện như luật kinh doanh, luật công ti, luật phá sản, luật lao động, luật bảo hiểm xã hội, luật môi trường. Đặc biệt, trong lĩnh vực công pháp nhiều chế định pháp luật mới trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước đã ra đời như chế định tổng thống, chế định thủ tướng, chế định tòa án hành chính, tòa án hiến pháp, thanh tra quốc hội, kiểm toán nhà nước, chế định bầu cử.

Pháp luật tư sản có nhiều chế định rất phát triển cả trong công pháp lẫn tư pháp như chế định bầu cử, chế định nguyên thủ quốc gia, chế định tòa án hiến pháp, chế định quyền con người và quyền công dân, chế định quyền sở hữu, chế định thừa kế, chế định hợp đồng.

k.  Kỹ thuật lập pháp phát triển cao hơn pháp luật phong kiến.

Nếu so sánh pháp luật tư sản với pháp luật phong kiến, ta thấy các bộ luật thời kì phong kiến thường là các bộ luật tổng hợp tất cả các quy phạm pháp luật hình sự, dân sự, thương mại, đất đai lẫn hôn nhân và gia đình, còn trong pháp luật tư sản các bộ luật được xây dựng để điều chỉnh từng lĩnh vực quan hệ xã hội như bộ luật hình sự, bộ luật dân sự, bộ luật thương mại, bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật đất đai, bộ luật hành chính, bộ luật bầu cử. Việc hệ thống hóa và pháp điển hóa pháp luật theo từng lĩnh vực riêng làm cho việc thực hiện, áp dụng pháp luật thuận tiện hơn cho các cơ quan nhà nước và các công dân.

l. Pháp luật tư sản có các nguồn luật khá phong phú 

Đó là văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp luật, tiền lệ pháp luật, các học thuyết pháp luật, các nguyên tắc pháp luật và các nguyên tắc của công bằng, công lí.

m. Pháp luật tư sản tồn tại dưới hai hệ thống chủ yếu là hệ thống lục địa châu Âu (Civil Law) và hệ thống Anglo – saxon(common law)

Hai hệ thống pháp luật này có quan điểm về nguồn luật và có cấu trúc pháp luật hoàn toàn khác nhau. Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu coi trọng pháp luật thành văn , còn hệ thống Anglo-saxon coi trọng án lệ (tiền lệ pháp luật). Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu có cấu trúc bao gồm hai bộ phận là công pháp và tư pháp, còn hệ thống Anglo-saxon không chia thành công pháp và tư pháp mà bao gồm common law (thông pháp) và equity(luật công bình).


II. HÌNH THỨC (NGUỒN) CỦA PHÁP LUẬT TƯ SẢN.


Hình thức của pháp luật tư sản là cách thức nhà nước tư sản thể hiện ý chí của mình thành pháp luật. Hình thức của pháp luật tư sản bao gồm: tập quán pháp luật, tiền lệ pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật.

Nguồn của pháp luật tư sản là khái niệm rộng hơn khái niệm hình thức pháp luật. Nguồn của pháp luật là khái niệm bao gồm cả hình thức pháp luật và những cơ sở tư tưởng hình thành nên nội dung pháp luật. 

Theo nghĩa này, nguồn của pháp luật tư sản bao gồm:
- Tập quán pháp;
- Tiền lệ pháp;
- Văn bản quy phạm pháp luật;
- Các học thuyết chính trị - pháp lý như học thuyết pháp luật tự nhiên, học thuyết phân chia quyền lực của J. Locke, C.L. Montesquieu, học thuyết chủ quyền nhân dân J.J. Rousseau;
- Các nguyên tắc pháp luật;
- Lẽ phải, sự hợp lí.

1. Tập quán pháp luật

Tập quán pháp luật là hình thức pháp luật còn khá thông dụng ở các nhà nước tư sản.

Ở các nhà nước tư sản có các tập quán pháp luật sau đây:

- Tập quán Secundum legem – nghĩa là quy phạm tập quán sẽ được áp dụng theo sự dẫn chiếu của nhà lập pháp.

- Tập quán Praeter legem – quy phạm tập quán sẽ được áp dụng một cách đương nhiên như con gái lấy chồng thì mang họ chồng.

- Tập quán Contra legem – nghĩa là áp dụng tập quán trái với luật


2. Tiền lệ pháp luật

Tiền lệ pháp luật là hình thức pháp luật phổ biến và được đặc biệt coi trọng ở các nước theo hệ thống pháp luật Anglo-saxon. Tiền lệ pháp luật là hình thức pháp luật do các thẩm phán sáng tạo ra bằng các bản án mẫu mực đưa lại công bằng công lí trong xã hội. Nhiều bản án này được coi là khuôn mẫu để áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Các nước theo hệ thống pháp luật Anglo – saxon trong việc áp dụng án lệ phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:

- Mỗi tòa án bị buộc phải tuân theo những quyết định của tòa án cấp cao hơn trong cùng hệ thống.

- Những quyết định của tòa án thuộc hệ thống tòa án khác chỉ có giá trị tham khảo chứ không có tính bắt buộc. Ví dụ, các tòa án sơ thẩm thuộc bang California không buộc phải tuân theo các bản án tương tự của tòa phúc thẩm của các tiểu bang khác.

- Yếu tố thời gian không thể làm mất đi tính hiệu lực của các án lệ. Theo nguyên tắc này những phán quyết của tòa án cách đây hàng trăm năm vẫn có giá trị cho các thẩm phán sau này vận dụng để ra quyết định cho vụ án tương tự.

3. Văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản pháp luật là hình thức pháp luật phổ biến nhất hiện nay ở các nhà nước tư sản. Đây là hình thức pháp luật được phát triển và hoàn thiện nhất ở các nước lục địa châu Âu.
Các hình thức pháp luật thành văn phổ biến hiện nay ở các nhà nước tư sản là:

- Hiến pháp – là đạo luật cơ bản của nhà nước, có hiệu lực pháp lí cao nhất, phải được ít nhất 2/3 số nghị sĩ của hai viện biểu quyết thông qua. Một số quốc gia như Pháp, Nga sau khi nghị viện biểu quyết thông qua theo thủ tục nói trên còn phải đưa ra trưng cầu dân ý.

- Điều ước quốc tế.


- Bộ luật, luật – là hình thức pháp luật khá phổ biến ở các nhà nước tư sản. Một số nhà nước tư sản có trình độ khoa học pháp lí phát triển cao như Pháp, Đức có khá nhiều bộ luật được xây dựng.

- Các sắc lệnh của tổng thống.

- Các nghị định của chính phủ.

- Các quyết định của thủ tướng chính phủ.

- Các quyết định của các bộ trưởng, thị trưởng.

- Các thông tư của các bộ trưởng, thị trưởng.


III. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT TƯ SẢN.


Pháp luật tư sản có hai hệ thống chính là hệ thống pháp luật lục địa châu Âu và hệ thống pháp luật Anglo-saxon.

1. Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu.

Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu được coi là hệ thống pháp luật lớn nhất trong thế giới đương đại, tồn tại ở các nước lục địa châu Âu như Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan... và một số nước châu Mỹ Latinh như Brazil, Venezuela...

Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu có các đặc điểm cơ bản sau:

- Chịu ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã cổ đại: Có hai nguyên nhân cơ bản làm cho hệ thống pháp luật lục địa châu Âu chịu ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã. Thứ nhất, luật La Mã đặc biệt là luật dân sự là pháp luật phát triển hoàn thiện nhất ở châu Âu lục địa trong thời kì cổ đại và trung đại. Thứ hai, luật La Mã được nghiên cứu và giảng dạy trong thời gian rất dài ở các trường đại học ở Châu Âu.

- Phân chia thành công pháp và tư pháp: Công pháp bao gồm những ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các cơ quan nhà nước với tư nhân. Công  pháp bao gồm các ngành luật như luật hiến pháp, luật hành chính, luật tài chính công, luật ngân hàng, luật hình sự… Tư pháp bao gồm những ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Đó là những ngành luật như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật thương mại. Việc phân chia hệ thống pháp luật thành công pháp và tư pháp đã có từ thời La Mã cổ đại. Tuy nhiên theo Rene David – nhà luật học so sánh nổi tiếng của Pháp, việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp khi đó là nhằm loại công pháp ra khỏi khoa học pháp lí vì công pháp liên quan đến quyền lực hoàng đế mà đó lại là lĩnh vực cấm kị đối với các nhà luật học. Mãi đến thế kỉ XVII –XVIII khi học thuyết pháp luật tự nhiên ra đời, tư tưởng tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân và chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân xuất hiện, khi đó khoa học pháp lí trong lĩnh vực công pháp mới có điều kiện để phát triển. Việc phân chia pháp luật thành công pháp và tư pháp có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhất định. Trong lĩnh vực công pháp, phương pháp điều chỉnh chủ yếu của pháp luật là phương pháp mệnh lệnh như trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính cấp trên và cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới, quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan hành chính với nhân viên trong cơ quan của mình, quan hệ giữa cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình phạt đối với người vi phạm pháp luật… Trong lĩnh vực tư pháp, phương pháp điều chỉnh chủ yếu của pháp luật lại là phương pháp tự do thỏa thuận ý chí các bên tham gia quan hệ pháp luật, sự bình đẳng của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật lại là điều kiện cần thiết và bắt buộc. Trong lĩnh vực công pháp, mục đích chủ yếu của pháp luật là bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, của quốc gia, của dân tộc trong khi đó mục đích chủ yếu của tư pháp là bảo vệ quyền lợi của từng cá nhân công dân và con người.

- Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu  coi trọng lí luận pháp luật: Ngay từ thế kỉ XIII, XIV ở châu Âu lục địa, pháp luật được quan niệm là Sollen – cái cần phải có, chứ không phải là Sein – cái đang tồn tại. Mục đích của pháp luật không phải là duy trì những gì đang tồn tại mà phải xây dựng trật tự mới tốt đẹp hơn cái đang tồn tại. Do quan niệm như vậy về pháp luật nên các tư tưởng pháp luật, học thuyết chính trị pháp lí và các nguyên tắc pháp luật ở châu Âu lục địa được coi là nguồn của pháp luật.


- Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu có trình độ hệ thống hóa và pháp điển hóa cao: So sánh với các hệ thống pháp luật khác trên thế giới, hệ thống pháp luật lục địa châu Âu là hệ thống pháp luật có trình độ hệ thống hóa và pháp điển hóa cao nhất. Ngoài các bộ luật cơ bản như bộ luật hình sự, bộ luật dân sự, bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật thương mại, bộ luật lao động các nước lục địa châu Âu còn xây dựng được nhiều bộ luật khác như bộ luật đất đai, bộ luật bầu cử, bộ luật bảo vệ người tiêu dùng, bộ luật hàng không, bộ luật giao thông đường bộ, bộ luật thuế, bộ luật hành chính…

- Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu không coi trọng tiền lệ pháp luật, chỉ áp dụng tiền lệ pháp luật một cách hạn chế: Các nước lục địa châu Âu cho rằng chỉ nên áp dụng án lệ một cách hạn chế vì nếu mở rộng việc áp dụng án lệ sẽ tạo cho các thẩm phán sự tùy tiện trong việc xét xử.

2. Hệ thống pháp luật Anglo-saxon (common law)

Hệ thống pháp luật Anglo-saxon là hệ thống pháp luật tồn tại ở các nước nổi tiếng Anh như Anh, Mỹ, New Zealand, Bắc Ai-len, Canada, Australia… Hệ thống pháp luật này có các đặc điểm cơ bản sau:

- Không chịu ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã cổ đại như các nước lục địa châu Âu: Do những nguyên nhân lịch sử mà pháp luật Anh được hình thành chủ yếu bằng những án lệ - kết quả hoạt động xét xử của cơ quan tòa án. Các hình thức tố tụng của tòa án hoàng gia được xác định theo các dạng đơn khác nhau. Mỗi dạng đơn khác nhau sẽ nhận được những trát hầu tòa khác nhau. Mỗi loại trát hầu tòa đều có trình tự riêng xác định thứ tự các hành vi tố tụng, đại diện các bên, trình tự đưa dẫn chứng, phương thức thi hành án. Đối với một dạng đơn thì cần phải có bồi thẩm đoàn, đối với một dạng đơn khác thì không cần đến bồi thẩm đoàn nhưng cho phép chứng cứ có thể là lời tuyên thệ. Ví dụ, đơn kiện có thể bị bác bỏ nếu một số nhân chứng nhất định tuyên thệ rằng bị đơn là người đáng tin cậy. Một số dạng đơn đòi hỏi phải có mặt bị đơn khi xem xét, một số đơn khác lại không cần thiết điều đó. Trong những điều kiện như vậy thủ tục đi trước pháp luật và “ pháp luật bị bó hẹp trong dòng chảy của tố tụng”. Tính phức tạp và chặt chẽ trong thủ tục tố tụng truyền thống của hệ thống pháp luật Anglo-saxon đã cản trở việc tiếp nhận luật La Mã vào lãnh thổ nước Anh. Theo nhà luật học so sánh Rên David, học vấn đại học dựa trên luật La Mã chỉ có thể giúp nhận rõ được tính công bằng trong quyết định của tòa án nhưng không giúp được luật sư thắng kiện. Các luật gia và thẩm phán Anh quốc trước đây được giáo dục chủ yếu qua thực tế. Khác với các nước lục địa họ không bị đòi hỏi phải có học vấn đại học và cho đến thế kỉ XX khó có thể gặp được luật sư hay luật gia có học vấn như vậy. Hiện nay, để trở thành luật sư bào chữa cần có bằng đại học nhưng không nhất thiết phải có bằng đại học luật.

- Khác với hệ thống pháp luật lục địa châu Âu, hệ thống Anglo –saxon  không chia thành công pháp và tư pháp: Các nhà luật học Anglo-saxon cho rằng đã là pháp luật thì phải do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận, do vậy công pháp hay tư pháp đều thể hiện ý chí của nhà nước, việc chia thành công pháp hay tư pháp như các nước lục địa châu Âu chỉ mang tính chất tương đối, không có ý nghĩa gì cơ bản.

- Đây là hệ thống pháp luật coi trọng tiền lệ pháp luật: Việc coi trọng tiền lệ pháp luật có nguồn gốc lịch sử và truyền thống tố tụng. Trước năm 1066 nước Anh chưa có hệ thống pháp luật chung. Dưới triều đại vua William đệ nhất (1066 – 1087) rất nhiều vị thẩm phán được nhà vua cử từ Westminster (Thủ phủ của nước Anh lúc bấy giờ) đến tất cả các vùng đất thuộc quyền cai trị của nhà vua. Ở các vùng được gửi đến các vị thẩm phán đã áp dụng những tập quán và luật pháp của vùng để xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền của mình. Sau thời gian làm việc nhất định, các vị thẩm phán được nhà vua triệu tập trở lại Westminster để thảo luận những vấn đề về tập quán và luật pháp của vùng mình đã áp dụng để xét xử. Trong quá trình thảo luận các vị thẩm phán đã trao đổi kinh nghiệm xét xử và đưa ra những vụ án mà họ cho là điển hình, mang lại công bằng công lí trong xã hội. Những bản án này sau khi được hội nghị thẩm phán thừa nhận là bản án nguyên tắc sẽ trở thành án lệ áp dụng cho các vụ việc tương tự về sau trên toàn bộ lãnh thổ nước Anh. Thuật ngữ common law( thông luật) xuất hiện từ đó.

- Hệ thống pháp luật Anglo-saxon bao gồm hai bộ phận là tiền lệ pháp luật (common law) và luật công bình (equity): Nếu tiền lệ pháp luật hình thành từ các án lệ thi luật công bình hình thành trên cơ sở các nguyên tắc công bằng, công lí.

Lịch sử hình thành luật công bình có thể tóm tắt như sau: sau giai đoạn phát triển rực rỡ vào thế kỉ XIII, thông luật bộc lộ hai hạn chế cơ bản là thủ tục tố tụng quá phức tạp, cứng nhắc cùng với sự bảo thủ và cổ hủ của giới thẩm phán. Khi các tòa án Westminster của Vua không làm cho dân chúng hài lòng, người dân phải cầu cứu đến Vua vì họ nghĩ rằng Vua là nguồn gốc của mọi công lí và tốt lành. Từ thế kỉ XIV, những thần dân khi được xét xử theo án lệ và pháp luật thành văn trong các tòa án hoàng gia mà các đương sự vẫnthấy chưa đạt được công bằng, công lí họ có thể đệ đơn lên Vua nhờ Vua can thiệp. Trước khi tới tay Vua, các đơn kiện thường phải qua địa pháp quan, nếu đại pháp quan cho là hợp lí, khiếu kiện sẽ được chuyển cho Vua. Nhưng do đơn khiếu kiện ngày càng nhiều hơn nên Vua không thể trực tiếp giải quyết mà giao cho Tòa đại pháp quan xem xét, giải quyết các vụ việc. Các đại pháp quan thường là các giáo sĩ chịu ảnh hưởng của luật hồi giáo và đề cao lí luận xã hội. Khi xét xử, các đại pháp quan không dựa trên các án lệ mà dựa trên các nguyên tắc công bằng, công lí. Luật công bằng dựa trên những câu châm ngôn được coi là nguyên tắc. Chúng ta có thể xem xét một số các nguyên tắc sau:

- Luật công bình nhằm vào quyền đối nhân: Trong khoa học pháp lí phương Tây, quyền đối nhân là khái niệm nhằm phân biệt với quyền đối vật. Quyền đối vật là quyền đối với một vật như quyền sở hữu đối với ngôi nhà, chiếc ô tô, chiếc xe máy…Quyền đối nhân là quyền đối với người. Ví dụ, khi một người cho người khác vay tiền hoặc thuê nhà thì xuất hiện quyền của người đó đối với người vay tiền là quyền đòi nợ, đối với người thuê nhà quyền đòi trả tiền thuê nhà. Quyền đối vật thường mang tính tuyệt đối vì việc thực hiện quyền đó không phụ thuộc vào chủ thể pháp luật khác. Ngược lại quyền đối nhân là quyền mang tính tương đối vì việc thực hiện quyền của chủ thể này luôn luôn phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của chủ thể khác. Nguyên tắc luật công bình nhằm vào quyền đối nhân thể hiện đặc trưng của luật công bình là nó vận hành thông qua các biện pháp cấm hoặc bằng mệnh lệnh trực tiếp tới bị đơn buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ của mình. Thẩm phán tòa án công lí ra lệnh hoặc ngược lại cấm đoan các bị đơn xử sự như họ đã làm và đòi hỏi họ phải ứng xử theo những tiêu chuẩn đạo đức, lương tâm mà chúa đã răn dạy. Trong trường hợp vi phạm lệnh của thẩm phán tòa công lí, bị đơn sẽ vào tù hoặc tài sản của anh ta sẽ bị tịch thu.

- Thu pháp của luật công bình là tùy sự định liệu của thẩm phán: Sự can thiệp của các thẩm phán tòa án công lí luôn luôn dựa trên quan điểm đạo đức và lương tâm vì vậy các thẩm phán chỉ can thiệp khi họ cho rằng hành vi của bị đơn mâu thuẫn với đạo đức và lương tâm, nguyên đơn là người trung thực, trong sạch. Vì những nguyên tắc công bằng, công lí dựa trên quan điểm về lương tâm và đạo đức thường là trừu tượng và khó định lượng vì vậy chủ yếu phụ thuộc vào niềm tin nội tâm của các thẩm phán.

- Luật công bình xuất phát từ mệnh lệnh của lương tâm: Nguyên tắc này thể hiện luật công bình sẽ xem xét các vụ việc trên quan điểm của công lí và đạo đức.

- Luật công bình tôn trọng luật pháp: Nguyên tắc này thể hiện luật công bình không phủ nhận lật án lệ và luật thành văn mà nó là sự bổ sung cho luật án lệ và luật thành văn,

- Luật công bình chú trọng đến nội dung hơn là hình thức: Nguyên tắc này thể hiện luật công bình đơn giản hóa các thủ tục tố tụng, khác với thủ tục tố tụng mà bị nhiều người coi là quá phức tạp trong các tòa án hoàng gia xử theo án lệ.

- Ai đến với luật công bình phải có đôi bàn tay trong sạch: Nguyên tắc này được hiểu là những nguyên đơn gửi các khiếu kiện lên tòa đại pháp quan phải là những người có lí lịch tư pháp trong sạch, Tòa đại pháp quan sẽ không xem xét các khiếu kiện nếu nguyên đơn không đáp ứng yêu cầu này.

- Ai tìm kiếm luật công bình thì phải hành động công bình: Nguyên tắc này đòi hỏi các đương sự khi tìm đến tòa án công bình phải hành động một cách trung thực, không được dùng đến các thủ đoạn hoặc man trá khi đưa ra lời khai hoặc chứng cứ. 

- Luật công bình tính đến lợi ích tương hỗ: Nguyên tắc này thể hiện khi giải quyết các tranh chấp các thẩm phán tòa công bình phải cân nhắc lợi ích của các bên tranh tụng.

- Ở đâu có công bình, ở đó luật pháp ưu thắng: Nguyên tắc này được hiểu khi xét theo luật công bình, công lí chia đôi cho các bên thì phải dựa vào pháp luật thành văn và án lệ.

- Khi nào quyền lợi hiện tại dựa trên sự công bình, quyền nào có trước được ưu thắng. Nguyên tắc này được hiểu khi hiện tại các bên đều có lí do chính đáng để bảo vệ lợi ích của mình thì phải xem xét theo quan điểm lịch sử, quyền của bên nào có trước bên đó sẽ thắng.

- Chậm trễ (không có lí do chính đáng) làm tiêu tố quyền đòi hỏi ở luật công bình: Cũng như quan niệm phổ biến trong các hệ thống pháp luật khác, việc khởi kiện chỉ có thể được chấp nhận trong thời gian nhất định kể từ khi xảy ra sự vi phạm của bị đơn. Quá thời hiệu khởi kiện việc khởi kiện sẽ không được chấp nhận.

- Luật công bình không bao giờ muốn người được ủy thác. Nguyên tắc này được hiểu là luật công bình luôn luôn bảo vệ người được thụ hưởng trong sở hữu ủy thác tài sản. Nguyên tắc này thể hiện chế định đặc thù của hệ thống pháp luật Anglo-saxon đó là sở hữu ủy thác. Trong thời kì trung cổ ở nước Anh, những người được hưởng tài sản thừa kế thường phải đóng thuế rất nặng cho Nhà nước khi nhận tài sản thừa kế. Vì vậy, những người có tài sản thường không chuyển tài sản trực tiếp cho người được thừa kế tài sản mà họ thường chuyển giao tài sản cho người trung gian – thường là người thân hoặc bạn bè, người mà họ tin tưởng, được ủy thác tài sản. Người được ủy thác tài sản sẽ thực hiện việc quản lí tài sản cho người thụ hưởng tài sản thừa kế. Khác với các hệ thống pháp luật khác, trong hệ thống pháp luật Anglo-saxon người được ủy thác tài sản theo thông luật không chỉ là người quản lí tài sản mà họ còn là chủ sở hữu tài sản – sở hữu ủy thác. Người được ủy thác tài sản có toàn quyền sử dụng tài sản mà không phải báo cáo với bất kì ai, miễn là anh ta không dùng tài sản đó để trả các khoản nợ của mình. Quyền sở hữu của anh ta giới hạn không phải trong khuôn khổ pháp lí mà bởi những nguyên tắc đạo lí. Theo Rene David – nhà luật học nổi tiếng người Pháp, người được ủy thác tài sản phải quản lí tài sản không theo cơ sở pháp luật mà chỉ theo lương tâm như người cha mẫu mực chuyển những thu nhập nhận được cho cá nhân, pháp nhân nào đó là những người thụ hưởng do người tạo ra sở hữu ủy thác chỉ định. Theo thông luật, người được ủy thác tài sản là chủ sở hữu tài sản ủy thác nên người thụ hưởng không có quyền kiện người được ủy thác, hơn nữa khi chế định sở hữu ủy thác mới xuất hiện, các nghĩa vụ theo hợp đồng không được xem xét tại các tòa án xử theo thông luật. Vì lí do trên đây nên khi người được ủy thác không đáp ứng được sự tin cậy của người tạo ra sự sở hữu ủy thác như không quản lí tài sản vì lợi ích của người thụ hưởng và không giao cho người thụ hưởng những thu nhập có được từ tài sản sở hữu ủy thác, người thụ hưởng chỉ còn cách duy nhất là thỉnh cầu lên tòa án luật công bình nhờ các đại pháp quan giải quyết. Các đại pháp quan một mặt thừa nhận quyền sở hữu ủy thác hợp pháp của người được ủy thác nhưng mặt khác buộc người được ủy thác phải quản lí và sử dụng tài sản ủy thác vì lợi ích của người thụ hưởng. Đại pháp quan bằng mệnh lệnh bắt buộc người được ủy thác phải giao thu nhập cho người thụ hưởng. Lệnh được kèm theo lời phê chuẩn của chính đại pháp quan, người được ủy thác sẽ bị tống giam nếu anh ta không thi hành lệnh đó.
Những nguyên tắc của luật công bình thường là trừu tượng nên các thẩm phán tòa công bình có thể hiểu theo cách của mình và giải quyết vụ việc theo phương pháp của mình và vì thế người Anh có thành ngữ “Chancellor’s foot” (bàn chân Chancellor) để chỉ những gì là rất đa dạng, phức tạp và khó giải thích. 

- Hệ thống pháp luật Anglo-saxon gắn liền với hệ thống tố tụng tranh tụng: So sánh với hệ thống tố tụng tranh tụng của các nước lục địa châu Âu là hệ thống tố tụng thẩm vấn ta thấy trong hệ thống tố tụng thẩm vấn vai trò thẩm vấn thuộc về các thẩm phán. Trong hệ thống Anglo-saxon , đối với vụ án hình sự ủy viên công tố thay mặt cho nhà nước buộc tội có ghế ngồi cao hơn luật sư. Trong hệ thống tố tụng tranh tụng vai trò thẩm vấn thuộc về luật sư đại diện cho các bên trong phiên tòa. Thẩm phán có vai trò như người trọng tài lắng nghe ý kiến của các bên và đưa ra phán quyết. Trong vụ án xét xử theo thủ tục tranh tụng, phiên tòa dân sự là sự đấu trí của luật sư bên nguyên đơn và luật sư bên bị đơn, trong vụ án hình sự thì đó là sự tranh tụng giữa luật gia giữ chức năng công tố và luật sư bào chữa. Ghế ngồi của hai vị luật gia này được xếp ngang nhau. 






No comments:

Post a Comment