16/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương XV - Nhà nước tư sản
CHƯƠNG XV - NHÀ NƯỚC TƯ SẢN

I. SỰ RA ĐỜI, BẢN CHẤT VÀ CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC TƯ SẢN

1. Sự ra đời và bản chất của nhà nước tư sản

Sau hơn một nghìn năm tồn tại, chế độ phong kiến các nước Tây Âu bắt đầu lâm vào sự khủng hoảng toàn diện. Nhà nước phong kiến với chế độ quân chủ chuyên chế chỉ phù hợp với phương thức sản xuất phong kiến – phương thức sản xuất có đặc điểm cơ bản là nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp, nông dân là lực lượng sản xuất chủ yếu trong xã hội. Từ thế kỉ XIV – XV, ở các nước phương Tây, nền kinh tế hàng hóa – thị trường bắt đầu phát triển. Sang thế kỉ XVI – XVII, kinh tế hàng hóa – thị trường làm cho các khu đô thị hình thành nhanh chóng, từ các công trường thủ công dần dần các trung tâm công nghiệp với các phương tiện sản xuất bằng máy móc hiện đại lần lượt ra đời. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đòi hỏi con người phải có quyền bình đẳng, quyền tự do đi lại, tự do cư trú, tự do hội nhập, tự do kinh doanh, tự do hợp đồng, được đảm bảo quyền tư hữu tài sản. Tuy nhiên, chế độ phong kiến hà khắc đã cản trở sự hình thành và phát triển của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản mới ra đời, các cuộc cách mạng dân chủ tư sản tiếp đó nổ ra, lật đổ nhà nước phong kiến, thiết lập nhà nước tư sản, mở đường cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển. Các nhà nước tư sản đầu tiên ra đời sau cách mạng dân chủ tư sản là Hà Lan (cuối thế kỉ XVI), Anh (sau cách mạng 1641 – 1649), Pháp (sau cách mạng năm 1789).

Ở những nước khác, khi diễn ra cách mạng, khi mà giai cấp bị thống trị không thể sống theo chế độ pháp luật hiện hành và giai cấp thống trị không thể kiểm soát được xã hội, dưới sự áp lực của các lực lượng cách mạng, tầng lớp quý tộc phong kiến buộc phải thỏa hiệp với giai cấp tư sản mới ra đời tiến hành các cuộc cải cách xã hội mở đường cho các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển, xây dựng nền quân chủ lập hiến hoặc nền cộng hòa dân chủ tư sản nhờ đó giai cấp tư sản dần dần thâu tóm quyền lực nhà nước vào tay mình và nhà nước tư sản ra đời thay thế nhà nước phong kiến. Con đường hình thành các nhà nước tư sản theo cách thức này diễn ra ở Nhật, Đức, Tây Ban Nha...

Ngoài hai con đường trên đây, chúng ta còn thấy một số nhà nước tư sản ra đời vào thế kỉ XVIII, XIX là kết quả của các cuộc đấu tranh giành độc lập ở những vùng đất thuộc địa của Anh như Mỹ, Australia, khi giai cấp tư sản và phần đông dân chúng ở những nơi này muốn xây dựng những nhà nước độc lập, chấm dứt sự cai trị của chính quyền Anh quốc. Một số nhà nước tư sản ở châu Âu xuất hiện vào thập niên thức 9 thế kỉ XX, sau sự tan rã cả chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nước này. Đó là các nước thuộc Liên Xô cũ và các nước XHCN Đông Âu như Liên bang Nga, Ukraine, Belorussia, Bungary, Rumani, Ba Lan...

Cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Nét đặc trưng của phương thức sản xuất này là chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nền kinh tế hàng hóa – thị trường, sản xuất bằng máy móc và công nghệ cao tạo ra năng suất lao động cao hơn rất nhiều các phương thức sản xuất trước đây. Xu hướng phát triển của phương thức sản xuất này là mức độ đầu tư vốn và công nghệ  trong sản xuất, kinh doanh ngày càng cao, sự chuyên môn hóa, hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng cao, thị trường tiêu thụ hàng hóa ngày càng rộng lớn.

Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã làm thay đổi cơ bản kết cấu xã hội. Trong phương thức sản xuất phong kiến, kinh tế nông nghiệp chiếm ưu thế trong xã hội vì vậy hai giai cấp cơ bản trong xã hội phong kiến là địa chủ và nông dân. Trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học kĩ thuật, công nghệ và những thập niên gần đây kinh tế tri thức chiếm ưu thế vì vậy các giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp thương nhân cùng với các nhà khoa học, kĩ thuật và các nhà doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực với những tầm mức kinh doanh khác nhau.

Nhà nước tư sản có lịch sử phát triển gần 360 năm với hàng trăm quốc gia trên thế giới, vì vậy có thể nói đây là kiểu nhà nước đã định hình trong lịch sử nhân loại với những đặc trưng điển hình của nó mà các kiểu nhà nước khác không thể có được.

Bản chất của nhà nước tư sản phải được xem xét trên hai phương diện là quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật. Trên quan điểm này, khi xem xét bản chất của nhà nước tư sản chúng ta có thể có những nhận xét sau đây:

- Về mặt hiến định, hầu hết các nhà nước tư sản đều khẳng định tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân và cơ quan lập pháp  đại diện cho toàn thể nhân dân.

- Về mặt thực tiễn, các cơ quan lập pháp hiện nay ở tất cả các nhà nước tư sản đều do bầu cử thành lập nên. Chế độ bầu cử hiện nay ở hầu hết các nhà nước tư sản là bầu cử tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan lập pháp là một trong những quyền cơ bản của mọi công dân được hiến pháp ghi nhận và có cơ chế đảm bảo thực hiện.

- Để bảo vệ hiến pháp, các nhà nước đều có cơ chế bảo hiến như tòa án hiến pháp, hội đồng bảo hiến hay tòa án tư pháp có chức năng bảo hiến.
Việc bảo vệ hiến pháp, đảm bảo cho hiến pháp được thực hiện trong các nhà nước tư sản đương đại không những xác lập về mặt pháp luật mà còn có cơ chế đảm bảo thực hiện. Về mặt pháp luật, mọi công dân đều có quyền thể hiện ý chím nguyện vọng của mình và thuyết phục người khác theo quan điểm của mình. Tuy nhiên, các hoạt động chính trị như vận động bầu cử, quảng cáo chính trị, xây dựng chính sách đều cần đến tài chính, vì vậy các nhà tư bản tất nhiên sẽ có ưu thế hơn để biến ý chí của mình thành ý chí của nhà nước. Như vậy, có thể kết luận rằng bản chất của nhà nước tư sản là công cụ thiết lập và bảo vệ chế độ dân chủ tư sản – chế độ dân chủ mà về mặt pháp lí các quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân được thực hiện thông qua cơ quan đại diện hoặc bằng các biện pháp dân chủ trực tiếp, tuy nhiên do có ưu thế kinh tế nên giai cấp tư sản có ưu thế trong việc thể hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Các giai đoạn phát triển của nhà nước tư sản

Kể từ cuộc cách mạng tư sản Anh lần thứ nhất (1641-1649) và sự thiết lập nền cộng hòa Cromwell (1649) đến nay, nhà nước ta đã có lịch sử phát triển khoảng 360 năm. Chúng ta có thể chia thành các giai đoạn phát triển sau đây:

a. Giai đoạn thứ nhất – từ thắng lợi của cách mạng tư sản Anh năm 1649 đến năm 1871 (Chiến tranh Pháp – Phổ và công xã Paris)

Đây là giai đoạn chủ nghĩa tự bản tự do cạnh tranh. Giai đoạn này các thiết chế dân chủ tư sản được thiết lập như nghị viện tư sản, chế định các quyền con người và quyền công dân. Các văn bản chính trị - pháp lí nổi tiếng trong giai đoạn này là Tuyên ngôn nhân quyền và công dân quyền của nước Pháp năm 1789, Hiến pháp Hoa Kì năm 1787. Ở giai đoạn này, nhà nước tư sản không can thiệp vào hoạt động kinh tế, chỉ đóng vai trò là “người lính gác đêm” của chủ nghĩa tư bản. Theo lí thuyết của Adam Smith – cha đẻ của môn chính trị kinh tế học của chủ nghĩa tư bản, thể hiện trong tác phẩm “Của cải của các dân tộc”, kinh tế tư bản chủ nghĩa được điều chỉnh bởi “bàn tay vô hình” – đó là quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường. Theo Adam Smith, ba yếu tố cơ bản làm nên nền tảng của chủ nghĩa tư bản là chế độ sở hữu tư nhân, chế độ phân công lao động và cơ chế tự do cạnh tranh theo quy luật cung cầu. Với chế độ xã hội tư bản, lợi ích cá nhân đối lập lẫn nhau và đối lập với xã hội. Tuy nhiên, mỗi cá nhân chỉ có thể thu được lợi ích mong muốn khi đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vì thế theo đuổi lợi ích cá nhân thông qua thỏa mãn nhu cầu xã hội phải tuân theo các quy tắc khách quan chính là thực chất của cơ chế vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.( )  Cơ chế đó là trao đổi hàng hóa theo phương thức cạnh tranh tự do – kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là nền kinh tế trong đó việc điều tiết sản xuất hàng hóa và giá cả theo quy luật cung cầu.( ) Quy luật cung cầu buộc những người sản xuất chỉ sản xuất những gì mà xã hội đòi hỏi. Cơ chế thị trường là cơ chế xã hội tự điều tiết mà không phụ thuộc vào bất kì ai. Adam Smith gọi đây là quyền lực của “bàn tay vô hình”. Lí thuyết “bàn tay vô hình” của ông phù hợp với giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản, khẳng định quan điểm nhà nước tư sản không can thiệp vào hoạt động kinh tế mà chỉ là “người lính gác đêm” của chế độ sở hữu tư nhân, là công cụ bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường.

b. Giai đoạn thứ hai – từ năm 1871 đến Cách mạng Nga tháng 10/1917

Đây là giai đoạn chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền. Giai đoạn này thể hiện sự phát triển và tích tụ tư bản một cách nhanh chóng. Chẳng hạn, từ năm 1870 đến năm 1900, tổng sản lượng công nghiệp thế giới tăng lên 3 lần. Tuy nhiên, do quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản nên một số nhà nước tư bản trẻ đã nhanh chóng trỗi dậy thành những cường quốc như Mĩ, Đức... Ba nước tư bản trẻ Mĩ, Đức, Nhật đều muốn chia lại lãnh thổ thế giới vì vậy các cuộc chiến tranh đã nổ ra: Chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha (1898), chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905). Trong giai đoạn này, do sự tập trung sản xuất cao độ đã hình thành các tập đoàn tư bản độc quyền. Nhà nước tư sản từ chỗ là ủy ban quản lí công việc chung của giai cấp tư sản trở thành ủy ban quản lí công việc của các tập đoàn tư bản độc quyền. Các tập đoàn tư bản độc quyền lúc đầu chỉ mang tính chất quốc gia nhưng ngày càng mang tính chất quốc tế. Khi không còn bị đóng khung trong không gian của quốc gia thì mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản chuyển từ sự đối lập giữa tính xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính tự nhân hóa của quan hệ sản xuất. Sự cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn tư bản khổng lồ là nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhà nước tư sản khi đã bị các tập đoàn tư bản khổng lồ khống chế thì tính xã hội của nó bị thu hẹp, chế độ nghị viện trở nên hình thức. “Bàn tay vô hình” giờ đây không thể điều hòa được các quan hệ kinh tế, cần phải có thêm “bàn tay hữu hình” của nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh tế để tái lập, duy trì và phát triển các quan hệ kinh tế lành mạnh.

c. Giai đoạn thứ ba – từ năm 1917 đến năm 1945

Đây là giai đoạn tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Cuộc đại khủng hoảng và suy thoái kinh tế đã xảy ra vào giai đoạn 1929 – 1933 do hàng triệu tấn hàng hóa không tiêu thụ được. Đây là hậu quả của tình trạng phát triển sản xuất hàng hóa vi phạm quy luật cung cầu do thiếu hụt những thông tin cần thiết về khả năng tiêu thụ hàng hóa và khả năng thanh toán. Hậu quả là hàng triệu người chết đói, tình trạng lạm phát và thất nghiệp ở hàng loạt nhà nước tư sản. Chủ nghĩa phát xít hình thành ở Đức, Italia, chủ nghĩa quân phiệt ra đời ở Nhật Bản. Chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này đã gây ra hai cuộc đại chiến thế giới làm cả châu Âu và nhiều nước châu Á điêu tàn. Trong giai đoạn này, chủ nghĩa tư bản đã trở thành chủ nghĩa đế quốc và đang đứng trước nguy cơ diệt vong. Chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn này có 5 đặc điểm cơ bản mà V.I.Lênin đã chỉ ra vào năm 1916, đó là:

- Hình thành tư bản độc quyền với vai trò quyết định của nó trong nền kinh tế;

- Sự dung hợp của tư bản ngân hàng với tư bản công nghiệp tạo ra tư bản tài chính;

- Xuất khẩu tư bản tài chính có tầm quan trọng đặc biệt;

- Hình thành liên kết độc quyền quốc tế của các nhà tư bản nhằm phân chia thế giới; 

- Sự phân chia thế giới giữa các cường quốc tư bản chủ nghĩa.

d. Giai đoạn thứ tư – từ năm 1945 đến nay

Giai đoạn từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II đến nay là giai đoạn các nước tư bản khôi phục được tốc độ phát triển kinh tế và tiến hành mạnh mẽ các cuộc cải cách xã hội. Các nước tư bản trong giai đoạn này có các đặc điểm sau đây:

- Khoa học công nghệ phát triển trở thành lực lượng sản xuất xã hội đặc biệt quan trọng.

Khác với các giai đoạn trước, ở giai đoạn này cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển sâu rộng, tác động trực tiếp đến mọi ngành kinh tế, mọi lĩnh vực xã hội của các nước tư bản phát triển. Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng được thừa nhận là bốn cột trụ quan trọng nhất, trong đó công nghệ thông tin có vai trò dẫn đầu.

- Sự dịch chuyển nhanh chóng trong kết cấu kinh tế xã hội.

Tỉ trọng kinh tế nông nghiệp ngày càng giảm, kinh tế công nghiệp tăng rồi giảm, kinh tế dịch vụ không ngừng tăng lên. Có thể nói rằng không phải kinh tế công nghiệp, kinh tế nông nghiệp mà chính là kinh tế dịch vụ hiện nay là lĩnh vực có giá trị sản phẩm cao nhất, tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất trong các nước tư bản phát triển.

- Phát triển các công ti xuyên quốc gia, toàn cầu hóa quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

Một trong những đặc điểm cơ bản của các nước tư bản trong giai đoạn hiện nay là phát triển các công ti xuyên quốc gia, tăng cường đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là tiền đề hình thành các công ti xuyên quốc gia và mạng lưới sản xuất quốc tế. Việc phát triển các công ti xuyên quốc gia và toàn cầu hóa quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đồng hành với quá trình toàn cầu hóa thị trường tài chính. Sự phát triển thị trường tài chính quốc tế phản ánh mức độ liên kết kinh tế cao giữa các quốc gia là quá trình hình thành nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa toàn cầu.

- Thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ thúc đẩy tự do hóa thương mại và hình thành thị trường toàn cầu thống nhất.

Sau Chiến tranh thế giới lần II, hầu hết các nước tư bản phát triển đều có chung quan điểm là cần phải thúc đẩy tự do hóa thương mại nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế. Điều này chỉ có thể đạt được khi các nước từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ, giảm hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau. Quán triệt điều này các nước tư bản chủ nghĩa trong nhiều năm liên tục đã tiến hành các cuộc đàm phán trong khuôn khổ của GATT và sau này là WTO. Sự ra đời của WTO là bước phát triển quan trọng trong việc tạo lập thể chế thương mại toàn cầu. Tổ chức này có ảnh hưởng lớn đến nền thương mại thế giới bởi nó không chỉ là diễn đàn đàm phán mà còn là nơi giải quyết các tranh chấp và thực hiện phối hợp các chính sách quốc tế.

- Kinh tế trí thức ra đời – giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất.

Ở các nước tư bản phát triển, vào thập niên cuối cùng của thế kỉ XX, cuộc cách mạng khoa học công nghệ được đẩy mạnh trên quy mô rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Khoa học công nghệ đã đạt được những thành tựu mà trước đó không lâu, con người không thể hình dung được. Đó là những thành tựu trong lĩnh vực tin học, sinh học, năng lượng, vật liệu, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, khoa học quản lí... Tất cả những thành tựu đó đều do tri thức của con người tạo nên. Trí thức trở thành nguồn vốn quý nhất và quyền sở hữu tri thức có nghĩa là sự chuyển đổi của xã hội công nghiệp hiện đại lấy yếu tố tư bản làm hạt nhân sang xã hội mới, xã hội lấy tri thức làm trọng tâm. Trong xã hội tư bản truyền thống thế kỉ XVII, XVIII, XIX và khoảng 4/5 thế kỉ XX, người khống chế doanh nghiệp là người nắm tư bản, còn kĩ thuật, tài năng của nhà doanh nghiệp, lao động đều là những đối tượng thuê mướn của nhà tư bản. Vào cuối thế kỉ XX, khi nền kinh tế tri thức hình thành thì quyền sở hữu các phát minh sáng tạo và tài năng của các nhà doanh nghiệp đều có thể tham gia cổ phần với tư cách là vốn đầu tư quan trọng và thu được lợi ích, thậm chí phát minh sáng tạo và tài năng của nhà doanh nghiệp trở thành vốn đầu tư còn tư bản trở thành đối tượng thuê mướn.( )

- Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng các nước tư bản vẫn phải đối đầu với những mâu thuẫn và thách thức mới, đó là:

+ Tài nguyên hạn chế trong khi lực lượng sản xuất có khả năng phát triển vô hạn;

+ Bất bình đẳng trong xã hội gia tăng trong phạm vi quốc gia và quốc tế, khoảng cách giữa người nghèo và người giàu ngày càng cách xa;

+ Khủng hoảng dầu mỏ liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây đẩy giá dầu mỏ lên cao làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau;

+ Sự xuống cấp trên các lĩnh vực văn hóa, đạo đức, chính trị; tình trạng bạo lực, tội phạm, những xung đột sắc tộc, tôn giáo và nạn khủng bố ngày càng phát triển một cách trầm trọng;

+ Một số nhà nước tư sản thực hiện các chính sách phiêu lưu quân sự bất chấp sự phản đối của Liên hợp quốc và nhân dân các nước trên thế giới.


II. CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC TƯ SẢN


Trong khoa học pháp lí hiện nay có hai quan điểm khác nhau về cách phân chia chức năng của nhà nước tư sản. Căn cứ vào các phương diện hoạt động của nhà nước tư sản có thể phân chia thành các chức năng đối nội và các chức năng đối ngoại. Căn cứ vào tính chất quyền lực nhà nước của các hệ thống cơ quan nhà nước khác nhau trong hoạt động của mình có thể phân chia chức năng nhà nước thành các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp...

Để phù hợp với cách phân chia chức năng của các kiểu nhà nước khác trong giáo trình này, chúng ta phân chia chức năng của nhà nước tư sản theo quan điểm thứ nhất.

1. Các chức năng đối nội

Các chức năng đối nội của nhà nước tư sản bao gồm chức năng bảo vệ an ninh chính trị xã hội, chức năng kinh tế, chức năng xã hội, chức năng văn hóa – giáo dục, chức năng quản lí khoa học, kĩ thuật và công nghệ, chức năng bảo vệ thiên nhiên và môi trường, chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và của con người:

- Chức năng bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thể hiện ở việc nhà nước tư sản dùng bộ máy quyền lực công cộng có sức mạnh cưỡng chế bao gồm quân đội, cảnh sát, tòa án, nhà tù để bảo vệ chế độ chính trị, trấn áp lực lượng khủng bố và tội phạm hình sự, duy trì trật tự an toàn xã hội.

- Chức năng kinh tế của nhà nước tư sản cũng là chức năng đặc biệt quan trọng. Chức năng kinh tế thể hiện ở những điểm cơ bản như hình thành thành phần kinh tế mà nhà nước là chủ sở hữu; nhà nước đề ra các kế hoạch định hướng để phát triển kinh tế quốc gia; nhà nước đầu tư vốn cho những ngành kinh tế có ý nghĩa chiến lược quốc phòng hoặc các công ti có khả năng thu lợi nhuận cao; nhà nước có chính sách tác động trong việc thành lập các công ti xuyên quốc gia và các hoạt động kinh tế đối ngoại; nhà nước xây dựng khung pháp luật điều chỉnh nền kinh tế thị trường bảo vệ sự an toàn của các hoạt động kinh tế; nhà nước xây dựng luật chống độc quyền, duy trì sự cạnh tranh tự do và lành mạnh; nhà nước bảo vệ chế độ sở hữu tư nhân, bảo vệ tài sản của công dân.

- Chức năng xã hội của nhà nước tư sản thể hiện ở việc nhà nước hoạch định chính sách an ninh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp dân cư khác nhau trong xã hội; thực hiện việc trợ cấp cho người có thu nhập thấp, những người thất nghiệp, những người hưu trí, những người già yếu không nơi nương tựa; chính sách bảo vệ bà mẹ và trẻ em; chính sách bảo hiểm xã hội trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm lao động, bảo hiểm các loại tài sản như bảo hiểm nhà ở, bảo hiểm xe hơi; bảo hiểm tính mạng, xây dựng các công trình phúc lợi chung như nhà hát, viện bảo tàng, nhà văn hóa, công viên, các khu du lịch, nghỉ mát, các bệnh viện công, nhà dưỡng lão...

- Chức năng văn hóa – giáo dục thể hiện trong việc nhà nước hoạch định chính sách giáo dục quốc gia, xây dựng khung pháp luật điều chỉnh hoạt động giáo dục ở các cấp tiểu học, trung học, đại học và cao đẳng. Nhà nước đầu tư vốn xây dựng các cơ sở giáo dục công lập, quản lí đội ngũ công chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

- Chức năng phát triển khoa học, kĩ thuật và công nghệ thể hiện trong việc nhà nước hoạch định chính sách phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, kĩ thuật và công nghệ, nhà nước đầu tư vốn phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và tự nhiên, nhà nước khuyến khích các công trình nghiên cứu trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau; nhà nước xây dựng khung pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học kĩ thuật và công nghệ.

- Nhà nước còn thực hiện các biện pháp bảo vệ thiên nhiên, môi trường như bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ không khí khỏi sự ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn và các chất thải độc hại từ các nhà máy, các trung tâm công nghiệp...

- Chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và con người thể hiện trong các hoạt động của nhà nước nhằm xây dựng và hoàn thiện các quy định của hiến pháp và luật về quyền công dân và quyền con người; nhà nước tiến hành các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền công dân và quyền con người trong thực tiễn. Đồng thời, nhà nước bằng hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan xét xử trừng phạt tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền công dân và quyền con người.

2. Các chức năng đối ngoại

Về đối ngoại, đa số các nhà nước tư sản có chức năng cơ bản sau đây: chức năng phòng thủ đất nước, chức năng thiết lập, phát triển, mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở nước ngoài, chức năng thiết lập và phát triển các quan hệ ngoại giao hòa bình, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, khoa học – kĩ thuật và công nghệ với các quốc gia khác; chức năng xây dựng và phát triển các liên minh chính trị, quân sự, kinh tế nhằm bảo vệ chủ nghĩa tư bản trong phạm vi khu vực và toàn cầu; chức năng viện trợ nhân đạo. Một số nhà nước tư sản còn có chức năng dùng các biện pháp vũ lực quân sự hoặc cấm vận về kinh tế nhằm trấn áp các quốc gia có đường lối chính trị không thân thiện với mình:

- Chức năng phòng thủ đất nước được thể hiện bằng việc nhà nước tư sản xây dựng các lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhằm phòng ngừa sự xâm lược của các quốc gia khác hoặc tham gia các liên minh quân sự để thực hiện sự phòng thủ chung giữa các quốc gia liên minh.

- Chức năng thiết lập, phát triển, mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở nước ngoài thể hiện nhu cầu tất yếu của nền kinh tế thị trường mà các nhà nước tư sản đang thực hiện. Việc thành lập và không ngừng mở rộng các thành viên của các tổ chức kinh tế như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nước tư sản thực hiện các quan hệ kinh tế đối ngoại để mở rộng thị trường sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.

- Chức năng thiết lập và phát triển các quan hệ ngoại giao hòa bình, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực văn hóa – giáo dục, khoa học – kĩ thuật và công nghệ với các quốc gia khác cũng thể hiện nhu cầu tất yếu của xu hướng quốc tế hóa và toàn cầu hóa hiện nay trên thế giới. Cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật và công nghệ đặc biệt là cách mạng tin học với sự ra đời của cách mạng internet làm cho thế giới xích lại gần nhau, sự trao đổi thông tin giữa các quốc gia ngày càng dễ dàng hơn vì vậy mà các quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội ngày càng phát triển.

- Chức năng xâydựng và phát triển các liên minh chính trị, quân sự và kinh tế nhằm bảo vệ chủ nghĩa tư bản trong phạm vi khu vực và toàn cầu thể hiện ở việc nhiều nhà nước tư sản phát triển đã gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối quân sự NATO, tham gia Hiệp ước tự do thương mại châu ÂU (EFTA), tham gia Hiệp ước tự do thương mại Bắc Mĩ (NAFTA), tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Việc hình thành các liên minh chính trị, quân sự, kinh tế, các khu vực mậu dịch tự do thể hiện chức năng đối ngoại của các nhà nước tư sản ngày càng trở nên quan trọng hơn.

- Chức năng viện trợ nhân đạo của các nhà nước tư sản thể hiện trong các trường hợp xảy ra nạn đói, nạn dịch, chiến tranh, hoặc các tai biến thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, sóng thần ở các quốc gia khác.

- Một số nhà nước tư sản như Hoa Kì do có tiềm lực mạnh hơn các quốc gia khác về kinh tế và quân sự mà muốn áp đặt đường lối, chính sách về chính trị, kinh tế, quân sự của mình lên các quốc gia khác. Vì vậy, những nhà nước này còn có chức năng dùng sức mạnh bạo lực quân sự trấn áp và biện pháp cấm vận kinh tế buộc các nhà nước khác phải luôn tuân thủ các điều kiện mà họ áp đặt.


III. CÁC HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC TƯ SẢN


1. Hình thức chính thể của nhà nước tư sản

Nhà nước tư sản có bốn hình thức chính thể: quân chủ lập hiến, cộng hòa nghị viện, cộng hòa tổng thống và cộng hòa lưỡng tính.

a. Chính thể quân chủ lập hiến

Chính thể quân chủ lập hiến hiện nay đang tồn tại ở khá nhiều nước tư sản trên thế giới như Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch... Đặc điểm cơ bản của chính thể quân chủ lập hiến là vai trò đối nội của thủ tướng chính phủ trong việc thực hiện quyền lực chính trị, bởi thủ tướng là thủ lĩnh của đảng chiếm ưu thế trong nghị viện, là người quyết định đường lối chính trị của chính phủ.

Nhiều học giả cho rằng sở dĩ có chính thể quân chủ lập hiến là do trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản, giai cấp tư sản không giành được thắng lợi hoàn toàn và chính thể quân chủ lập hiến như là hình thức thỏa thuận giữa giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc phong kiến. Với quan điểm này thì hình thức chính thể cộng hòa dân chủ tư sản mới là hình thức quá độ khi giai cấp tư sản chưa giành được thắng lợi hoàn toàn và nó sẽ biến mất khi tầng lớp quý tộc phong kiến không còn nữa. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số nhà nước tư sản như Anh, Thụy Điển, Nhật Bản – các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới thì chính thể quân chủ lập hiến rõ ràng là có những hạt nhân hợp lí. Trong lịch sử nhà nước và pháp luật, nhà nước quân chủ chuyên chế đã tồn tại khoảng 2000 năm (ở Trung Quốc, nhà nước quân chủ chuyên chế đã tồn tại từ thế kỉ III TCN đến năm 1911). Một thiết chế tồn tại lâu dài như vậy dĩ nhiên có các bí quyết trường sinh của nó. Một trong những bí quyết quan trọng của nó là đảm bảo tính ổn định của các giá trị xã hội. Nếu thiết chế chính trị thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh nhưng làm cho đạo đức xã hội xuống cấp, các phong tục tập quán tốt đẹp nhanh chóng bị mai một, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên thiếu sự hài hòa thì đó chưa phải là thiết chế chính trị tốt. Các nước có chính thể quân chủ lập hiến như Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, Thái Lan... đều là những quốc gia kết hợp được những giá trị truyền thống của chính thể quân chủ với những giá trị mới của nền dân chủ tư sản như nhà vua là đại diện cho sự thống nhất ý chí và đoàn kết dân tộc với chế độ bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín để thành lập nghị viện – cơ quan lập pháp. Với vị hoàng đế quyền lực hạn chế, nghị viện có nhiều quyền lực và vị đại tướng – thủ lĩnh của đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện, chính thể quân chủ lập hiến trở thành một trong những chính thể phổ biến và có nhiều ưu việt hiện nay trên thế giới.

b. Chính thể cộng hòa nghị viện (còn gọi là cộng hòa đại nghị)

Chính thể cộng hòa nghị viện là mô hình của nền cộng hòa thứ tư của Pháp (từ năm 1946 đến năm 1958) và hiện nay đang tồn tại ở Italia (theo Hiến pháp 1947), Cộng hòa liên bang Đức (theo Hiến pháp năm 1949)... Đặc điểm của mô hình chính thể này là quyền lực của tổng thống không lớn, quyền lực chính trị tập trung vào thủ tướng là người quyết định và chịu trách nhiệm về đường lối chính trị của chính phủ. Đây là hình thức chính thể mà chính phủ được thành lập trên cơ sở đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện. Thủ tướng luôn luôn là thủ lĩnh của đảng cầm quyền – đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện. Chính quyền hành pháp được chia sẻ giữa tổng thống và thủ tướng.Theo chính thể cộng hòa nghị viện, thủ tướng luôn luôn là thủ lĩnh của đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện, vì vậy quyền hạn của thủ tướng rất lớn. Hạt nhân hợp lí trong tổ chức và hoạt động của chính thể cộng hòa nghị viện chính là cơ chế tạo sự thống nhất giữa chính phủ và nghị viện do chính phủ luôn luôn được số đông trong nghị viện ủng hộ. Như vậy, có thể thấy rằng việc phân chia quyền lực trong trường hợp này không dẫn đến việc phân lập quyền lực.

c. Chính thể cộng hòa tổng thống

Bản hiến pháp thành văn đầu tiên trên thế giới – Hiến pháp Hoa Kì năm 1787 đã tạo ra mô hình chính thể đặc sắc với tổng thống có nhiều quyền lực bên cạnh nghị viện lập pháp và pháp viện tối cao hoàn toàn độc lập trong các phán quyết của mình đã làm cho học thuyết phân chia quyền lực được áp dụng một cách khá hoàn hảo. Học thuyết phân chia quyền lực mặc dù do các nhà tư tưởng người Anh và người Pháp (J. Locke, C.L.Montesquieu) xây dựng và hoàn thiện, tuy nhiên lại được áp dụng một cách triệt để nhất ở Hoa Kì.

Nguyên tắc phân chia quyền lực được áp dụng một cách mềm dẻo, có sự điều hòa, phối hợp giữa các nhánh quyền lực lập, hành pháp và tư pháp. Trên thực tế, quyền lực của tổng thống và thủ tướng có lớn hay không phụ thuộc vào việc tổng thống và thủ tướng có cùng đảng phái hay không? Nếu cùng một đảng phái thông thường quyền lực của tổng thống rất lớn vì tổng thống có chỗ dựa của mình là đa số trong quốc hội. Ngược lại, nếu không cùng đảng phái thì tổng thống và thủ tướng phải “chung sống hòa bình” và tổng thống trong nhiều vấn đề chính trị phải nhượng bộ với thủ tướng vì thủ tướng có đa số trong quốc hội làm hậu thuẫn. Cũng đều là mô hình cộng hòa lưỡng tính nhưng nếu Pháp đứng trên thế cân bằng giữa cộng hòa nghị viện và cộng hòa tổng thống thì Nga nghiêng nhiều hơn về phía cộng hòa tổng thống. Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga có quyền hạn rất lớn: có thể bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng và các thành viên của Chính phủ... có thể chủ tọa các phiên họp của Chính phủ, có thể giải tán Chính phủ, giải tán Hạ nghị viện, có thể tổ chức trưng cầu dân ý, có thể gửi các dự luật đến Hạ nghị viện, kí và công bố các đạo luật liên bang; gửi các thông điệp cho Nghị viện thông báo về tình hình của đất nước, về đường lối chính trị đối nội cũng như đối ngoại của Nhà nước. Tổng thống do nhân dân bầu ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín. Có thể nói rằng đặc điểm chung của chế độ cộng hòa lưỡng tính là xây dựng chính quyền hành pháp mạnh nhưng có các cơ chế kiềm chế và giám sát thích hợp để hạn chế tới mức tối đa sự lạm dụng quyền lực.

2. Hình thức cấu trúc nhà nước tư sản

Nhà nước tư sản có ba hình thức cấu trúc: nhà nước đơn nhất, nhà nước liên bang và nhà nước liên minh.
Nhà nước đơn nhất là hình thức cấu trúc phổ biến nhất của nhà nước tư sản. Hình thức đơn nhất tồn tại ở Italia, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Thụy Điển, Đan Mạch... Đặc điểm cơ bản của các nhà nước đơn nhất tư sản là nhà nước chỉ có một chính phủ, một hiến pháp, một quốc tịch, một hệ thống pháp luật thống nhất, tuy nhiên đảm bảo sự phân quyền cho chính quyền địa phương và tính tự quản cao cho các hội đồng địa phương – cơ quan đại diện cho cộng đồng dân cư ở các đơn vị hành chính lãnh thổ của nhà nước.

Cấu trúc nhà nước liên bang tồn tại ở một số nước như Hoa Kì, Canada, Đức, Australia, Nga... Nhà nước liên bang được hình thành bởi sự liên kết các bang, các lãnh địa (land), các nhà nước thành viên bằng hiệp ước về thành lập liên bang, trong đó các chủ thể liên bang đều có quyền bình đẳng như nhau. Ở các nhà nước liên bang có nhiều chính phủ, nhiều hiến pháp, nhiều hệ thống pháp luật, tuy nhiên hiến pháp liên bang là đạo luật cơ bản và có hiệu lực pháp lí cao nhất, là cơ sở của toàn bộ hệ thống pháp luật liên bang.
Ngoài hai hình thức nói trên, một số nhà nước tư sản còn có hình thức cấu trúc nhà nước liên minh. Nhà nước liên minh là sự liên kết giữa các quốc gia độc lập vì những nhiệm vụ chính trị, quân sự hoặc kinh tế bằng hiệp ước do các thành viên liên minh thỏa thuận. Hình thức cấu trúc nhà nước liên minh đã tồn tại ở Hoa Kì và ở Đức trước khi thành lập nhà nước liên bang. Hiện nay Liên minh châu Âu (EU) là hình thức điển hình của nhà nước liên minh. Liên minh châu Âu có nghị viện, có tòa án, có đơn vị tiền tệ chung, tuy nhiên các thành viên trong liên minh vẫn là những quốc gia có chủ quyền độc lập.

3. Chế độ chính trị của nhà nước tư sản

Chế độ chính trị của nhà nước tư sản thường thể hiện dưới hình thức phổ biến là chế độ dân chủ tư sản. Tuy nhiên, cũng có những thời kì nhất định, ở một số nhà nước tư sản đã tồn tại chế độ chính trị phi dân chủ.

a. Chế độ dân chủ tư sản

Chế độ dân chủ tư sản thể hiện ở việc xác lập các nguyên tắc cơ bản, mang tính hiến định sau đây:

- Tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, thứ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân.

- Nghị viện, cơ quan lập pháp là cơ quan do bầu cử thành lập nên, đại diện cho các tầng lớp dân cư trong xã hội.

- Chế độ bầu cử được thiết lập theo các nguyên tắc: tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín.

- Các đảng phái chính trị được tự do tranh cử trong bầu cử nghị viện và tổng thống.

- Các quyền công dân và quyền con người như quyền sống, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do ngôn luận. tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do kinh doanh... được tôn trọng và bảo vệ.

- Bộ máy nhà nước được thiết lập theo nguyên tắc phân chia quyền lực và kiềm chế đối trọng giữa các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp.

- Có thiết chế giám sát hiến pháp bằng tòa án hiến pháp hoặc bằng hệ thống tòa án tư pháp.

b. Chế độ phi dân chủ

Trong những thời kì nhất định, ở một số nhà nước tư sản đã thực hiện chế độ chính trị phi dân chủ. Trong giai đoạn này, nhà nước dùng trấn áp làm biện pháp chủ yếu để cai trị xã hội. Các quyền công dân và quyền con người không được nhà nước tôn trọng, không có cơ chế đảm bảo thực hiện. Một trong những biến dạng của chế độ phi dân chủ là chế độ phát xít. Ví dụ: chế độ phát xít Ý năm 1922, phát xít Đức năm 1933...


IV. BỘ MÁY NHÀ NƯỚC TƯ SẢN


1. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước tư sản

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nhà nước tư sản là những tư tưởng chỉ đạo, những định hướng cơ bản trong tổ chức và hoạt động của nhà nước tư sản. Việc tổ chức và hoạt động của nhà nước tư sản đương đại được tiến hành theo các mô hình chính thể khác nhau. Các mô hình khác nhau có những nguyên tắc tổ chức và hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát tổ chức và hoạt động của nhà nước tư sản cũng có những nguyên tắc chung xuất phát từ nền tảng của chế độ dân chủ tư sản. Theo cách hiểu đó, chúng ta thấy nhà nước tư sản có các nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản sau đây:

a. Nguyên tắc phân chia quyền lực

Nguyên tắc phân chia quyền lực được xây dựng trên cơ sở học thuyết phân chia quyền lực (còn gọi là thuyết tam quyền phân lập). Người đề xướng học thuyết này là J.Locke (1632 – 1704) và người hoàn thiện nó là C.L.Montesquieu (1689-1775). Học thuyết phân chia quyền lực được Montesquieu trình bày trong tác phẩm nổi tiếng “Tinh thần pháp luật” xuất bản năm 1748. Theo ông, quyền lực nhà nước bao gồm ba thứ quyền lực chủ yếu là quyền lập pháp, hành pháp và quyền tư pháp. Nếu cả ba thứ quyền này tập trung trong tay một người hoặc một cơ quan sẽ tạo ra sự lạm dụng quyền lực, là nguyên nhân dẫn đến sự xâm phạm các quyền công dân và quyền con người.

Theo Montesquieu, việc phân chia quyền lực đặt ra không những đối với nhà nước quân chủ mà cả đối với nhà nước cộng hòa. Theo ông, phải tổ chức bộ máy nhà nước sao cho quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp được phân chia cho ba hệ thống cơ quan nhà nước khác nhau, độc lập với nhau nhưng có thể kiềm chế, đối trọng và tương tác lẫn nhau. Quyền lập pháp thuộc về nghị viện, quyền hành pháp thuộc về chính phủ, quyền tư pháp thuộc về các cơ quan tòa án.

Từ ngày ra đời cho đến nay, học thuyết phân chia quyền lực ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng và hiện nay đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới theo hai xu hướng là “rắn” và “mềm” hay nói cách khác là phân chia quyền lực một cách rạch ròi và phân chia quyền lực một cách mềm dẻo.

Ở các nước có chính thể cộng hòa nghị viện như Italia, Cộng hòa liên bang Đức, chính thể cộng hòa lưỡng tính như Pháp, Liên bang Nga, chính thể quân chủ lập hiến như Anh, Nhật Bản, Thụy Điển. Thái Lan, học thuyết phân chia quyền lực được áp dụng một cách mềm dẻo. Các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân chia thành ba nhánh quyền lực độc lập với nhau nhưng có sự phối hợp và tương tác chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Việc phân chia quyền lực nhà nước ở các nhà nước tư sản được phân chia theo chiều ngang và chiều dọc. Theo chiều ngang, quyền lực nhà nước phân chia thành 3 nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lập pháp trao cho nghị viện, quyền hành pháp trao cho chính phủ và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, quyền tư pháp trao cho hệ thống cơ quan xét xử. Theo chiều dọc, quyền lực nhà nước được phân chia giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Việc phân chia quyền lực như vậy nhằm khắc phục tình trạng chuyên chế, khi quyền lực nhà nước tập trung vào trong tay một người hoặc một cơ quan. Việc phân chia quyền lực như vậy cũng có nghĩa là phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các hệ thống cơ quan nhà nước khác nhau, nhờ đó mà tránh được sự chồng chéo, lẫn lộn hoặc tranh giành quyền lực giữa các hệ thống cơ quan nhà nước khác nhau. Do đó có thể nói rằng sự phân chia quyền lực không những làm ảnh hưởng đến việc thống nhất quyền lực mà còn là điều kiện đảm bảo cho sự thống nhất quyền lực.

b. Chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân

Các hiến pháp của nhà nước tư sản đều xác lập nguyên tắc chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân và tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân. Chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện tất cả các công việc quan trọng nhất của nhà nước do nhân dân định đoạt. Nhân dân có thể thực hiện chủ quyền tối cao của mình bằng các phương pháp dân chủ trực tiếp (như trưng cầu dân ý, bầu cử phổ thông đầu phiếu) hoặc các biện pháp dân chủ gián tiếp thông qua nghị viện và các cơ quan dân cử ở địa phương). Các công việc quan trọng nhất của đất nước là các công việc liên quan đến vận mệnh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Hiện nay, ở một số nước tư bản phát triển như Pháp, Anh, Đức... đã hình thành quan niệm phổ biến về việc trưng cầu dân ý khi giải quyết những vẫn đề nói trên. Chúng ta thấy hầu hết các nước châu Âu đều tổ chức trưng cầu dân ý khi quyết định vấn đề có tham gia Liên minh châu Âu hay không, có bỏ đồng tiền riêng của quốc gia mình để dùng đồng tiền chung hay không? Hiến pháp năm 1958 của Pháp sau khi được hai viện của Nghị viện thông qua còn được trưng cầu dân ý để dân quyết định có ban hành Hiến pháp đó hay không. Thực tiễn ở các nhà nước tư sản cho thấy trưng cầu dân ý là biện pháp đảm bảo tính đúng đắn của các quyết sách đặc biệt quan trọng của nghị viện cũng như của Chính phủ. Một số nhà nước tư sản đã vi phạm nguyên tắc này nên đã gây ra những sai lầm đáng tiếc. Chính phủ Hoa Kì đã thực hiện nhiều chính sách phiêu lưu quân sự, bất chấp dư luận của nhân dân Mĩ nên đã sa lầy trong chiến tranh xâm lược Việt Nam và các cuộc chiến tranh ở Trung Đông.

c. Nguyên tắc dân chủ, đa nguyên chính trị và đa đảng

Nguyên tắc đa nguyên chính trị và đa đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản và phổ biến của nền dân chủ tư sản, đồng thời cũng là nguyên tắc cơ bản của tổ chức nghị viện và chính phủ tư sản. Chẳng hạn, Điều 4 Hiến pháp năm 1958 của Cộng hòa Pháp quy định: “Các đảng phái và các nhóm chính trị được tự do thành lập và tự do hoạt động tranh cử. Các đảng phái và các nhóm chính trị phải tôn trọng các nguyên tắc của chủ quyền dân tộc và dân chủ”, Điều 13 Hiến pháp Liên bang Nga quy định: “Liên bang Nga thừa nhận đa nguyên chính trị và đa đảng”...

Nguyên tắc đa nguyên chính trị cho phép công dân có quyền tự do chính kiến; công dân có quyền chỉ trích đường lối chính trị của chính phủ và công khai thể hiện quan điểm chính trị của mình mà không bị coi là phạm pháp. Nguyên tắc đa nguyên chính trị cho phép sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị. Các đảng phái chính trị tự do tranh cử trong các cuộc bầu cử nghị viện và tổng thống. Ở các nước cộng hòa nghị viện (như Italia, Liên bang Đức) và quân chủ lập hiến (như Nhật Bản, Anh, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ...), chính phủ được thành lập trên cơ sở đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện. Đối với các nước cộng hòa tổng thống việc bầu cử tổng thống không phụ thuộc vào việc bầu cử nghị viện. Như vậy, có thể quyền hành pháp thuộc về một đảng, quyền lập pháp lại thuộc về đảng khác. Do tồn tại chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng nên các nước tư sản thừa nhận có đảng cầm quyền và đảng đối lập. Đảng đối lập hôm nay có thể trở thành đảng cầm quyền ngày mai và ngược lại. Chế độ đa đảng và cơ chế tồn tại đảng đối lập bên cạnh đảng cầm quyền làm cho đảng cầm quyền trong đấu trường chính trị luôn luôn phải ở trong trạng thái phải cảnh giác với những sai lầm, trì trệ, tham nhũng... vì đảng đối lập luôn luôn coi đó là những cơ hội để thay đổi vị trí của mình.


2. Các yếu tố cơ bản của bộ máy nhà nước tư sản

a. Nguyên thủ quốc gia

Nguyên thủ quốc gia – người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về mặt đối nội cũng như đối ngoại là thiết chế quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước tư sản. Đối với các nhà nước cộng hòa, nguyên thủ quốc gia là tổng thống, được thiết lập bằng phương pháp bầu cử. Đối với nhà nước quân chủ lập hiến, người đứng đầu nhà nước là vua được thiết lập theo phương pháp truyền thống của chế độ quân chủ là kế truyền. Theo các chính thể khác nhau, cách thức thành lập và quyền hạn của nguyên thủ quốc gia có thể khác nhau.

Nguyên thủ quốc gia có quyền hạn lớn nhất là ở trong chính thể cộng hòa tổng thống, điển hình của mô hình này là Hoa Kì, nơi mà tổng thống vừa là người đứng đầu nhà nước vừa đứng đầu Chính phủ.

Ở các nước có chính thể cộng hòa lưỡng tính như Pháp, Nga, Phần Lan, Hàn Quốc, Singapore... tổng thống cũng có quyền hạn rất lớn. Ở Pháp, Tổng thống do nhân dân bầu cử trực tiếp với nhiệm kì 5 năm có chức năng làm trọng tài điều hòa hoạt động giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, giữ gìn sự tuân thủ hiến pháp, đảm bảo độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thi hành các điều ước quốc tế.
Ở các nước quân chủ lập hiến, quyền lực của nguyên thủ quốc gia không lớn. Mặc dù theo quy định của hiến pháp nhà vua có thẩm quyền khá rộng, như bổ nhiệm thủ tướng, cùng với nghị viện thực hiện quyền lập pháp, cùng với chính phủ thực hiện quyền hành pháp; có thể giải tán nghị viện hoặc giải tán hạ nghị viện, có quyền công bố luật, quyền ân xá... tuy nhiên, phần lớn các quyền đó trên thực tế do chính phủ thực hiện. Quyền quan trọng nhất của nhà vua là bổ nhiệm thủ tướng, tuy nhiên nhà vua không thể lựa chọn ai khác ngoài thủ lĩnh của đảng cầm quyền – đảng chiếm ưu thế trong nghị viện. Quyền lực của vua bị hạn chế trên cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Chức năng của nhà vua chủ yếu là lễ tân và ngoại giao, vì vậy người ta thường nói: “Nhà vua trị vì nhưng không cai trị”.

b. Nghị viện

Trong tổ chức bộ máy nhà nước tư sản, nghị viện là thiết chế đặc trưng quan trọng nhất của chế độ dân chủ tư sản. Yves Meny – học giả người Pháp đã viết: “Nếu tồn tại một biểu tượng của chế độ đại diện thì đó chính là nghị viện”. Ở một số quốc gia, lịch sử nghị viện gần với lịch sử quốc gia đến mức mà người ta không thể hình dung được lịch sử đất nước mà không có nghị viện.

Theo nguyên tắc phân chia quyền lực thì quyền lập pháp được trao cho nghị viện, nghị viện là cơ quan đại diện cao nhất cho các tầng lớp dân cư trong xã hội có chức năng chủ yếu là lập pháp.

Nghị viện tư sản có thể có cơ cấu một viện hoặc hai viện. Thông thường, nếu nghị viện có hai viện thì hạ nghị viện đại diện cho quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội và bầu theo tỉ lệ dân số. Thượng nghị viện đại diện cho quyền lợi của các bang, các chủ thể liên bang (trong các nhà nước liên bang), đại diện cho các đơn vị hành chính lãnh thổ cao nhất hoặc đại diện cho tầng lớp quý tộc (trong các nhà nước đơn nhất).
Về thẩm quyền của thượng viện và hạ viện có thể nói mỗi viện có ưu thế riêng của mình. Nhiệm kì của thượng viện dài hơn nhiệm kì của hạ viện, Chủ tịch thượng viện có thể thay thế tổng thống trong trường hợp vì lí do nào đó mà tổng thống không thể thực thi nhiệm vụ của mình được. Ở Liên hiệp vương quốc Anh ngoài chức năng lập pháp thì Thượng viện còn là cơ quan xét xử phúc thẩm tối cao. Ở Hoa Kì ngoài chức năng lập pháp thì Thượng viện còn là cơ quan xét xử Tổng thống theo thủ tục đàn hạch (Impeachment) theo đó Hạ viện buộc tội và Thượng viện xét xử. Ở các nước cộng hòa nghị viện và cộng hòa lưỡng tính, tổng thống có thể giải tán hạ viện và không thể giải tán thượng viện. Tuy nhiên trong lĩnh vực lập pháp và quyết định ngân sách nhà nước thì hạ viện lại có ưu thế hơn thượng viện. Thời gian thảo luận các dự luật và quyết định ngân sách ở hạ viện dài hơn ở thượng viện. Khi có sự bất đồng về dự luật nào đó hoặc về vấn đề ngân sách thì nghị viện thành lập ủy ban hỗn hợp với thành phần hai bên ngang nhau để xem xét, 
giải quyết nhưng nếu ủy ban này vẫn không giải quyết được những bất đồng quan điểm của hai bên thì thì hạ viện sẽ chung quyết nếu sau khi thảo luận và bỏ phiếu thông qua dự luật có số phiếu thuận đạt từ 2/3 trở lên.

c. Chính phủ

Chính phủ ở các nhà nước tư sản là cơ quan tập thể chịu trách nhiệm thực hiện quyền hành pháp.

Ở các nước theo chính thể quân chủ lập hiến, cộng hòa nghị viện và cộng hòa lưỡng tính, đứng đầu chính phủ là thủ tướng. Ở các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống đứng đầu chính phủ là tổng thống.

Cơ cấu của chính phủ bao gồm thủ tướng. Phó thủ tướng và các bộ trưởng (ở các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống chính phủ bao gồm tổng thống, phó tổng thống và các bộ trưởng). Ở một số nước, trong chính phủ còn có nội các bao gồm các bộ trưởng của những bộ quan trọng nhất.

Việc thành lập chính phủ ở các nhà nước tư sản theo các hình thức chính thể quân chủ lập hiến, cộng hòa nghị viện, cộng hòa lưỡng tính đươc tiến hành theo nguyên tắc chung là trên cơ sở đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện. Ở Anh, Pháp, Đức, Nhật thì thủ tướng đều là thủ lĩnh của đảng chiếm đa số ghế trong nghị viện và phần lớn các thành viên của chính phủ đều thuộc đảng chiếm ưu thế trong nghị viện. Như vậy, việc thành lập chính phủ ở những nước này phụ thuộc vào kết quả bầu cử nghị viện, Tổng thống (hoặc Vua), căn cứ vào kết quả bầu cử của nghị viện bổ nhiệm và miễn nhiệm thủ tướng và theo đề nghị của thủ tướng bổ nhiệm và miễn nhiệm các thành viên của chính phủ. Ở các nước theo chế độ cộng hòa tổng thống như Hoa Kì, tổng thống vừa là người đứng đầu nhà nước vừa là người đứng đầu chính phủ. Các thành viên của chính phủ do tổng thống bổ nhiệm với sự đồng thuận của thượng nghị viện.

d. Tổ chức tòa án

Tổ chức tòa án là hệ thống độc lập trong tổ chức bộ máy nhà nước tư sản.Tòa án ở các nhà nước tư sản thường được xây dựng thành ba hệ thống: Tòa án tư pháp, tòa án hành chính và tòa án hiến pháp.

- Tòa án tư pháp còn gọi là tòa án thường là nơi xử các công dân vi phạm pháp luật hoặc giải quyết các tranh chấp pháp luật giữa các công dân với nhau.

- Tòa án hành chính là nơi xem xét giải quyết các khiếu kiện của công dân đối với các cơ quan công quyền và các nhà chức trách khi các cơ quan hoặc các nhà chức trách này, trong khi thi hành công vụ đã vi phạm pháp luật, làm thiệt hại đến quyền lợi của công dân.

- Tòa án hiến pháp còn gọi là bảo hiến là tòa án xem xét tính hợp hiến của các đạo luật và các văn bản dưới luật. Tòa án có chức năng chủ yếu là phán xét tính hợp hiến của văn bản luật. Ngoài ra, tòa án hiến pháp một số nước còn có thể giải quyết vấn đề tranh chấp quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; giữa chính quyền trung ương và địa phương, xét xử các quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước.

Nếu các luật do nghị viện ban hành, các sắc lệnh do tổng thống ban hành, các nghị định và nghị quyết do chính phủ ban hành hoặc các văn bản do cơ quan nhà nước khác ban hành trái với hiến pháp, tòa án hiến pháp có thể tuyên bố văn bản pháp luật đó vi hiến và làm vô hiệu hóa văn bản pháp luật đó.

Hoạt động xét xử của tòa án ở các nhà nước tư sản thường được tổ chức theo hai hệ thống tố tụng: Hệ thống tố tụng tranh tụng và hệ thống tố tụng thẩm vấn. Hệ thống tố tụng thẩm vấn tồn tại chủ yếu ở các nước lục địa châu Âu mà điển hình là Pháp và Đức. Trong hệ thống tố tụng này vai trò chủ yếu trong xét hỏi, thẩm vấn là để làm rõ các tình tiết vụ án thuộc về các thẩm phán. Trong hệ thống này đặc biệt chú trọng đến khâu điều tra và truy tố trước khi diễn ra phiên tòa. Hệ thống tố tụng tranh tụng tồn tại ở các nước theo hệ thống pháp luật Anglo-saxon mà điển hình là Anh và Mĩ. Trong hệ thống tố tụng này vai trò trong thẩm vấn tại phiên tòa nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án thuộc về luật sư của các bên trong vụ án dân sự và thuộc về ủy viên công tố và luật sư bào chữa trong vụ án hình sự. Thẩm phán chỉ đóng vai trò của trọng tài, lắng nghe ý kiến, lập luận của các bên và tự mình phán xét. Theo hệ thống tố tụng này vai trò của luật sư được được đề cao, các vụ án dân sự thực sự là cuộc đấu trí của luật sư nguyên đơn và bị đơn. Các vụ án hình sự thực sự là cuộc tranh tụng giữa bên buộc tội và bên bào chữa.






No comments:

Post a Comment