10/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương IV - Nhà nước pháp quyền
CHƯƠNG IV - NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

I.KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Trong lịch sử tư tưởng chính trị pháp lí của nhân loại, tư tưởng về sự thống trị của pháp luật trong đời sống nhà nước, xã hội và ý tưởng về nhà nước cai trị, quản lí bằng pháp luật, tôn trọng và thực hiện pháp luật đã được hình thành từ rất sớm, ngay từ thời cổ đại. Sự hình thành của những tư tưởng ấy gắn liền với việc khẳng định chủ quyền nhân dân, với việc phát triển dân chủ, chống lại sự chuyên quyền, độc đoán của cá nhân người cầm quyền và sự vô chính phủ, vô pháp luật, với đòi hỏi nhà nước phải phụ thuộc vào pháp luật, vào xã hội. Điều này được thể hiện qua quan điểm của nhiều học giả ở cả phương Tây và phương Đông. Chẳng hạn, Platon (427 – 347 TCN) quan niệm nhà nước chỉ tồn tại lâu bền khi các nhà cầm quyền tuyệt đối phục tùng pháp luật. Ông nói rằng ông nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của nhà nước ở nơi nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền lực của ai đó. Còn ở nơi nào pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là những nô lệ của pháp luật thì ở đó có sự cứu thoát của nhà nước và những lợi ích của nó. Aristote (384 – 322 TCN) thì nhấn mạnh rằng pháp luật cần thống trị trên tất cả. Từ đó, ông coi những nhà nước mà những nhà cầm quyền cai trị trên cơ sở của luật pháp và lợi ích chung là những nhà nước chân chính, thuần túy hay từ cội nguồn, còn những nhà nước mà những người cai trị chỉ dựa trên cơ sở ý chí cá nhân mà không dựa trên cơ sở pháp luật và chỉ vì lợi ích của họ là những nhà nước biến chất hay lệch dòng. Hàn Phi Tử khẳng định pháp trị là phương pháp duy nhất dùng để cai trị, các quy định của pháp luật phải không thiên vị ai và phải có sự thay đổi, phát triển theo thời gian cho phù hợp với thực tại khách quan; tất cả mọi người, kể cả vua, quan lẫn thần dân đều phải tôn trọng và tuân theo pháp luật, “Việc hợp pháp thì làm, không hợp pháp thì bỏ”, pháp luật phải được áp dụng một cách công bằng đối với tất cả mọi người, có như vậy thì pháp luật mới có thể phát huy được vai trò, tác dụng của nó. Ông viết: “Pháp luật không hùa theo người sang, sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thường cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật”.


          Đến thế kỉ XVII, ý tưởng về một nhà nước mang tính chất nhà nước pháp quyền được khẳng định rõ ràng và cụ thể hơn. J.Locke cho rằng quyền lực của nhà nước gồm có ba  loại là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền liên minh, liên kết, trong đó quyền lập pháp phải là quyền tối cao vì nó có quyền làm ra các đạo luật có giá trị bắt buộc đối với mọi bộ phận và mọi thành viên của xã hội. Sau khi thảo luật đã được làm ra thì ngay chính các nhà lập pháp cũng phải tuân theo các đạo luật mà mình đã làm ra; nhà vua, người có quyền hành pháp tối cao hay người thực hiện tối cao của luật, cũng phải tuân theo pháp luật. J.Locke rất coi trọng vai trò của pháp luật trong đời sống nhà nước và xã hội, coi trọng vai trò của sự tôn trọng và thực hiện pháp luật của các cơ quan và nhân viên nhà nước. Vì thế, mọi nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của nhà nước đều được ông gắn với việc tôn trọng và thực hiện pháp luật của mọi người mà trước tiên và chủ yếu là của các cơ quan nhà nước và người nắm giữ chức vụ nhà nước. ông cho rằng khi cơ quan lập pháp và nhà vua vi phạm pháp luật như: vượt quá thẩm quyền cho phép hay lạm dụng quyền lực, xâm phạm tới cuộc sống, tự do và tài sản cả nhân dân... thì đều có thể dẫn tới sự tan rã của chính quyền.

           Các nhà khai sáng Pháp mà điển hình là Montesquieu và Rousseau đều nêu lên tư tưởng nhà nước pháp quyền và tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước trong các tác phẩm của mình. Montesquieu cho rằng tự do chính trị, sự an ninh, an toàn của công dân chỉ có được khi có không có sự lạm dụng quyền lực. Để ngăn chặn sự lạm quyền thì cần phải có cơ chế tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Theo ông, trong mỗi chính quền đều có ba loại quyền lực: quyền lập pháp; quyền thực hiện những việc dựa vào luật quốc tế (quyền hành pháp) và quyền thực hiện những việc dựa vào luật dân sự ( quyền tư pháp). Quyền lập pháp là quyền ban hành ra những đạo luật tạm thời hoặc vĩnh viễn và sửa đổi hoặc hủy bỏ những đạo luật đã được làm ra. Quyền hành pháp là quyền quyết định việc hòa bình hay chiến tranh, phái hoặc tiếp nhận các đại sứ, thiết lập an ninh chung và dự phòng để chống lại sự xâm lược. Quyền tư pháp là quyền trừng phạt các tội phạm hoặc giải quyết các tranh chấp giữa các cá nhân. Ba loại quyền lực trên phải được chia tách với nhau hay phải được trao cho các chủ thể khác nhau thực hiện thì mới có thể bảo đảm được tự do của công dân.

           Rousseau – người xây dựng nên học thuyết về chủ nghĩa nhân dân cho rằng nhà nước tồn tại là do quyền lực lập pháp bởi vì quyền lập pháp là trái tim của quốc gia, quyền hành pháp là bộ não làm cho các bộ phận hoạt động. Quyền lực lập pháp thuộc về nhân dân, còn quyền hành pháp thì thuộc về chính phủ hoặc là cơ quan cai trị tối cao song cũng là nhân dân trao cho họ. Người chấp pháp không nên có quyền lập pháp. Nếu cơ quan lập pháp muốn trực tiếp cai trị cơ quan hành pháp lại muốn đứng ra ban bố luật hoặc các thần dân lại không muốn phục tùng thì lập tức xảy ra lộn xộn, sức mạnh và ý chí không tác động hài hòa, đất nước sẽ sa vào tình trạng chuyên chế hoặc vô chính phủ. La Mã đến thời cực thịnh thì bắt đầu quy vào cho một số người có quyền lập pháp và cai trị tối cao, từ đó nảy sinh các tệ nạn độc đoán, chuyên quyền và nhà nước La Mã bước dần vào chỗ suy vong.

            Như vậy, Rousseau cũng yêu cầu phải chia tách giữa hai quyền lực lập pháp và hành pháp tức là không thể để cho cùng một chủ thể nắm giữ cả hai loại quyền lực này. Ông quan niệm quyền lập pháp cao hơn quyền hành pháp và có ý nghĩa quyết định đối với nhà nước, cơ quan lập pháp là cơ quan quyền lực tối cao. Ông đòi hỏi mỗi cơ quan nắm giữ mỗi quyền trên phải chuyên chú và thu hẹp hoạt động vào việc thực hiện chức năng riêng của mình. Là người khẳng định chủ quyền tối cao là của nhân dân và đề cao tư tưởng chủ quyền nhân dân nên Rousseau cho rằng người được ủy thác nắm quyền hành pháp không phải là ông chủ của nhân dân mà chỉ là những công chức, dân chúng có thể cất nhắc hay bãi miễn họ; họ không được phản kháng mà chỉ có phục tùng. Khi thực hiện chức năng được quốc gia giao phó chính là họ làm nghĩa vụ công dân mà không có quyền đặt điều kiện với nhân dân. Khi chính phủ lạm quyền và thoái hóa thì sẽ phải giải tán chính phủ. Việc giải tán chính phủ có thể xảy ra trong hai trường hợp sau: Khi người cầm đầu chính phủ không cai trị theo pháp luật mà lấn át cơ quan quyền lực tối cao và khi các thành viên chính phủ thoán đoạt quyền hành một cách riêng rẽ.

            Đến thế kỉ XVIII, I.Kant đã bổ sung và phát triển tư tưởng nhà nước pháp quyền lên một bước mới và chính I.Kant là người đã sử dụng thuật ngữ “nhà nước pháp quyền”. Theo ông, nhà nước là công cụ liên kết mọi thành viên của nó vào khuôn khổ pháp luật nhằm giám sát và đảm bảo sự tự do và bình đẳng cho mọi công dân. Nhà nước có nhiệm vụ giải quyết những đối kháng xã hội, điều hòa các quan hệ xã hội, phát triển xã hội theo hướng ngày càng hoàn thiện vì lợi ích con người. Nhà nước dùng pháp luật bảo đảm điều kiện cho mọi công dân tỏ rõ hết sức mạnh và khả năng lao động sáng tạo của cá nhân. I.Kant khẳng định: Nói đến nhà nước là nói đến nhà nước pháp quyền do nhân dân tập hợp lại để thực hiện tự do và bình đẳng. Khi một người không phạm pháp thì người đó được hoàn toàn tự do phát triển theo trí lực của mình. Mỗi công dân hoạt động theo nguyên tắc vừa tuân thủ  pháp luật đồng thời vừa có quyền và có khả năng buộc nhà nước phải chấp hành pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ những đạo luật thực tế, đảm bảo sự ngự trị  của pháp luật và tự do. Cái bảo đảm thực hiện quan hệ lẫn nhau giữa công dân và nhà nước cũng như giữa nhà nước với công dân là sự phân chia quyền lực nhà nước nhằm phân tách quyền lực lập pháp. Do những quan điểm trên của I.Kant mà ông được thừa nhận là một trong những nhà lí luận tiêu biểu của nhà nước pháp quyền – nhà nước dựa trên sự độc lập của cá nhân và tuân thủ các điều khoản của luật pháp trong hoạt động của nó.

          Tóm lại, ý tưởng về nhà nước mang tính chất nhà nước pháp quyền đã hình thành, tồn tại từ xa xưa trong lịch sử, nó thể hiện khát vọng của con người về nhà nước, chế độ xã hội lí tưởng, đủ khả năng bảo đảm cuộc sống tự do mà đặc biệt là tự do chính trị cho mọi người.

          Trong xã hội hiện đại, nhà nước pháp quyền đã trở thành mô hình có giá trị tham khảo cho việc thiết kế và xây dựng nhà nước của các quốc gia đương đại, trở thành giá trị của văn minh nhân loại, mẫu hình cho các nhà nước lí tưởng, xu thế tất yếu cần hướng tới của tất cả các nhà nước dân chủ trên thế giới. Cho đến nay, “sự phát triển của văn minh nhân loại phần lớn được quy định bởi sự phát triển của xã hội công dân và nhà nước pháp quyền”.  Vì thế, vấn đề nhà nước pháp quyền tiếp tục được nghiên cứu rộng rãi ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, với mong muốn hiểu rõ được các đặc trưng của nó để có thể không ngừng hoàn thiện nhà nước hiện thực của mình theo xu hướng nhà nước pháp quyền. Nhưng nhà nước pháp quyền là gì? Đây là câu đã từng được được trả lời theo nhiều cách khác nhau, bởi vì nhà nước pháp quyền vốn là hiện tượng phức tạp, đa diện, có thể được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Có tác giả quan niệm nội hàm của khái niệm nhà nước pháp quyền gồm có: thừa nhận và tôn trọng tính tối cao của luật, các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được phân định rõ rệt nhằm kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau, nhà nước đảm bảo cho công dân sự an toàn pháp lí, được hưởng các quyền tự do cơ bản và được bảo vệ các quyền đó, thực hiện tận tâm các cam kết quốc tế. Theo tác giả thì “Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật và quản lí bản thân mình cũng bằng pháp luật, bộ máy nhà nước phải tự đặt mình dưới pháp luật”. Có nhà nghiên cứu cho rằng nhà nước pháp quyền không phải là  là một kiểu nhà nước mà là mô hình nhà nước mà ở đó, bên cạnh những đặc điểm chung còn có những đặc điểm riêng và khái niệm nhà nước pháp quyền được hiểu trên cả hai bình diện: nó phản ánh những đặc điểm chung của nhà nước với tư cách là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, nó phản ánh những đặc điểm riêng của nhà nước đặt trong mối quan hệ khách quan giữa nhà nước – pháp luật – xã hội công dân. Nhà nghiên cứu khác lại cho rằng nhà  nước pháp quyền là một hình thức nhà nước vì nó có cách thức tổ chức và hoạt động đối nghịch với các nhà nước độc tài, chuyên chế, đối nghịch với hình thức nhà nước được tổ chức theo phương pháp nhân trị và cũng đối nghịch với hình thức nhà nước được tổ chức theo pháp trị...  Ngoài ra, còn có rất nhiều quan niệm khác về nhà nước pháp quyền. Mặc dù cách diễn đạt khái niệm nhà nước pháp quyền của các nhà nghiên cứu có những điểm khác nhau nhất định song qua các quan niệm của họ có thể thấy nhà nước pháp quyền khác với nhà nước chuyên quyền, độc đoán hay những nhà nước không phải là nhà nước pháp quyền ở những nội dung sau:

           Thứ nhất, nhà nước pháp quyền phải là nhà nước được thành lập một cách hợp pháp, quyền lực và hoạt động của nó bị giới hạn bởi pháp luật, dựa trên cơ sở của pháp luật, của ý tưởng về công lí và phải bị kiểm soát theo pháp luật; nhà nước là công cụ để bảo vệ tự do cá nhân, đem lại lợi ích cho công dân và đó là mục đích tồn tại của nó.

           Thứ hai, nhà nước pháp quyền phải có hệ thống pháp luật tiến bộ, thừa nhận và đủ khả năng bảo đảm thực hiện cũng như bảo vệ các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, loại trừ được sự chuyên quyền, đặc quyền và sự tùy tiện của chính phủ.

          Thứ ba, hệ thống pháp luật đủ các tiêu chuẩn trên phải có vị trí tối thượng, được áp dụng một cách công bằng trong phạm vi quốc gia; tất cả các chủ thể, kể cả nhà nước, đều có nghĩa vụ phục tùng pháp luật, thực hiện công lí, tôn trọng các quyền của con người và quyền tự do cá nhân. Việc tổ chức và hoạt động của nhà nước hoàn toàn dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật và nhằm thực hiện các quy định đó.

          Thứ tư, tòa án phải độc lập, các phán quyết của tòa án phải bảo đảm được các nguyên tắc hiến pháp, bảo vệ được các quyền tự do của công dân trước sự xâm hại của các chủ thể khác, kể cả nhà nước và phải được phục tùng bởi mọi chủ thể, kể cả các cơ quan nhà nước.

          Từ sự phân tích trên, có thể khẳng định nhà nước pháp quyền trước tiên phải là nhà nước theo đúng nghĩa của từ này – tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị hay tổ chức công quyền với đầy đủ các đặc trưng của nhà nước. Song khác với các nhà nước chuyên quyền hay các nhà nước độc tài chuyên chế, nhà nước pháp quyền không phải là công cụ để thống trị xã hội, áp bức con người mà phải là công cụ để phục vụ xã hội, nó không xâm hại tới tự do cá nhân mà tồn tại để mang lại lợi ích cho công dân, bảo vệ tự do cá nhân và công bằng xã hội. Nhà nước này được tổ chức và hoạt động trên cơ sở chủ quyền nhân dân và sự phân chia quyền lực, nhà nước cũng như các chủ thể khác trong xã hội đều luôn luôn tôn trọng và thực hiện pháp luật trong hành vi của mình. Đó là hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, minh bạch, thể hiện ý chí của nhân dân, thừa nhận rộng rãi các quyền cơ bản của con người và trách nhiệm tương hỗ giữa các chủ thể.

           Tóm lại, có thể hiểu: Nhà nước pháp quyền là nhà nước được tổ chức, hoạt động trên cơ sở chủ quyền nhân dân, sự phân chia quyền lực nhà nước, hệ thống pháp luật dân chủ, minh bạch, tiến bộ và là công cụ bảo đảm tự do cá nhân, công bằng xã hội, sự thống trị của pháp luật trong đời sống nhà nước, đời sống xã hội.


II. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Từ định nghĩa nhà nước pháp quyền cho thấy ngoài các dấu hiệu của nhà nước nói chung, nhà nước pháp quyền còn có các dấu hiệu cơ bản sau:

Thứ nhất, nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trên cơ sở chủ quyền của nhân dân.
Trong các nhà nước độc tài chuyên chế, nhân dân luôn luôn là đối tượng bị cai trị, áp bức, họ chưa bao giờ được coi là chủ thể của quyền lực nhà nước mà chỉ là khách thể của quyền lực này. Còn trong nhà nước pháp quyền, toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước, nhân dân có thể tự mình và thông qua những người đại diện, những tổ chức của mình để tham gia vào tổ chức và hoạt động của nhà nước, giám sát hoạt động của các nhân viên và cơ quan nhà nước. Nhân dân có quyền quyết định tối cao và cuối cùng mọi vấn đề liên quan đến vận mệnh quốc gia, bảo vệ chủ quyền quốc gia và các vấn đề quan trọng khác của nhà nước. Vì thế, nhà nước phải phục vụ cho lợi ích hợp pháp của nhân dân, mọi chính sách của nhà nước đều phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhân dân và phải nhằm đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của họ. Chủ quyền của nhân dân được ghi nhận trong hiến pháp – đạo luật gốc, luật cơ bản của nhà nước, các hình thức thực hiện chủ quyền nhân dân cũng được ghi nhận trong đạo luật này. Ví dụ, Hiến pháp Việt Nam ghi nhận: Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân… Hoặc Hiến pháp Đức ghi nhận: “Mọi quyền lực công cộng đều bắt nguồn từ nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực đó thông qua bầu cử và trưng cầu ý dân cũng như thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể”.

Thứ hai, trong nhà nước pháp quyền, các quyền con người và quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ.
Có thể nói xuất phát từ mong muốn và đòi hỏi hạn chế và kiểm soát quyền lục nhà nước để đảm bảo tự do cho cá nhân mà ý tưởng về nhà nước pháp quyền đã hình thành. Vì thế, “Tự do, bình đẳng, phẩm giá con người và những hình thức thể hiện khác nhau của bảo đảm nhân quyền là những yếu tố đặc trưng truyền thống của chế độ pháp trị”.

Quan hệ giữa nhà nước pháp quyền với công dân là mối quan hệ bình đẳng theo nghĩa cả hai bên đều có quyền và nghĩa vụ với nhau, công dân không chỉ có nghĩa vụ mà còn có quyền đối với nhà nước, ngược lại, nhà nước không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ đối với công dân. Vì thế, tự do của công dân chính là giới hạn quyền lực của nhà nước, quyền của công dân tỉ lệ nghịch với quyền hạn của nhà nước và phạm vi tự do của công dân rộng hơn phạm vi tự do của nhà nước, trong khi công dân có quyền làm bất cứ việc gì mà luật không cấm thì các cơ quan và nhân viên nhà nước chỉ được chỉ được làm những gì mà luật cho phép. Trong nhà nước pháp quyền, các quyền cơ bản và thiêng liêng nhất của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… mới có cơ hội trở thành hiện thực vì nhà nước thừa nhận trong pháp luật và bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, danh dự, nhân phẩm của mọi công dân được nhà nước cam kết và bảo vệ bằng pháp luật. Về mặt lí thuyết, nhà nước pháp quyền phải đảm bảo cho mọi cá nhân có quyền bình đẳng và tự do trước pháp luật, có đủ cơ hội về mặt pháp lí để phát triển toàn diện cá nhân, để mỗi ca nhân đều có thể phát huy được hết những khả năng vốn có của mình. Quyền tự do và bình đẳng của công dân được thừa nhận trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Sự công bằng và sự bình đẳng của công dân trong nhà nước pháp quyền không chỉ được bảo đảm về mặt pháp lí mà cả trong thực tiễn, nhà nước bảo đảm cho công dân có đủ điêu kiện cần thiết về vật chất, tinh thần để thực hiện được các quyền của mình trong thực tế. Không những thế, nhà nước còn bảo vệ các quyền tự do cá nhân khỏi sự xâm hại của xá chủ thể khác, kể cả các cơ quan nhà nước. Công dân có quyền thay đổi những người cầm quyền khi những người này xâm hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và xã hội, có quyền chống lại sự can thiếp, tùy tiện, trái pháp luật của những người cầm quyền đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện pháp luật và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ pháp lí của mình đối với nhà nước và đối với các chủ thể khác.

Nói chung, trong nhà nước pháp quyền, quan hệ giữa nhà nước và cá nhân diễn ra theo xu hướng “Nhà nước là khối liên hiệp của nhiều người dưới sự điều tiết của luật pháp; không khi nào được coi con người là phương tiện để đạt mục đích mà ngược lại, phải coi con người là mục đích cần đạt; mỗi cá nhân và cả xã hội cần tôn trọng và bảo vệ pháp luật; mỗi công dân có các quyền đồng thời có khả năng buộc người nắm quyền lực phải tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật đã ban hành”.

Thứ ba, nhà nước pháp quyền là nhà nước bảo đảm dân chủ.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật, hoạt động công khai và dân chủ. Hình thức biểu hiện của nền dân chủ trong nhà nước pháp quyền là quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền cho nhà nước thực hiện nên quyền lực của nhà nước bị giới hạn trong phạm vi được ủy quyền, bị giới hạn bởi pháp luật. Xã hội được quản lí bằng pháp luật, nhân dân được tham gia vào tiến trình phát triển của xã hội, vào việc đảm bảo quyền con người, vào sự phát triển kinh tế và vào việc đảm bảo công bằng xã hội. Dân chủ và pháp luật là những nhân tố thiết yếu trong sự phát triển và giữ vai trò cao nhất trong tâm tưởng của các nhà hoạch định chính sách của quốc gia.

Nhà nước pháp quyền có đủ khả năng để thiết lập, củng cố và bảo vệ nền dân chủ. Thông qua pháp luật, nhà nước thừa nhận các quyền tự do dân chủ trong các lĩnh vực cho công dân; thừa nhận quyền tham gia quản lí nhà nước, quản lí xã hội của các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng; quy định thẩm quyền cho các cơ quan nhà nước để giới hạn quyền lực của chúng, tránh tình trạng các cơ quan nhà nước có thể xâm hại đến các quyền tự do dân chủ của công dân.Cũng thông qua pháp luật, nhà nước quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền của công dân, cấm các hành vi xâm hại và quy định các biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể xâm hại tới các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhờ vậy, có thể bảo vệ được nền dân chủ đã được thiết lập.

Thứ tư, ở nhà nước pháp quyền, pháp luật chiếm vị trí tối thượng trong đời sống nhà nước và đời sống xã hội.

Nói đến pháp quyền là nói đến quyền lực hay sức mạnh của pháp luật sự thống trị của pháp luật là cơ sở để hình thành nên nhà nước pháp quyền nên tôn tọng và thực hiện pháp luật là nhu cầu tự thân của nhà nước này. Mối quan hệ giữa nhà nước với pháp luật trong nhà nước pháp quyền diễn ra theo chiều hướng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Mặc dù pháp luật do nhà nước ban hành song khi đã có hiệu lực pháp lí thì pháp luật lại có giá trị ràng buộc đối với nhà nước, trở thành cơ sở pháp lí cho toàn bộ quá trình tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và cũng là cơ sở để giới hạn, kiểm soát quyền lực nhà nước. Pháp luật quy định trình tự thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại, từng cấp và từng cơ quan nhà nước; quy định mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các bộ phận cấu thành trong một cơ quan… Việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đều dựa trên cơ sở pháp luật, được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật và nhằm thực hiện pháp luật. Pháp luật trở thành công cụ để nhà nước thể hiện ý chí và thực hiện mục đích của nó.

Tất cả các cơ quan và nhân viên nhà nước đều phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật trong hành vi của mình và chỉ được làm những gì mà cho phép, phải thực thi pháo luật theo đúng những nguyên tắc và trình tự đã được quy định, không được áp dụng pháp luật một cách tùy tiện. Bản thân nhà nước phải có những thiết chế và cơ chế để giám sát việc tuân theo pháp luật của chính nhà nước như: Tòa án hiến pháp, sự độc lập của tư pháp, sự giám sát của công dân, của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị… Bất kì cơ quan, nhân viên nhà nước nào, nếu vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lí theo đúng pháp luật, nếu gây thiệt hại cho lợi ích của cá nhân thì phải bồi thường.

Pháp luật không chỉ giữa địa vị thống trị trong đời sống nhà nước mà cả trong đời sống xã hội. Tất cả các tổ chức phi nhà nước và mọi cá nhân, mặc dù có thể làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm song cũng đều có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện pháp luật trong hành vi của mình, nếu vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lí. Yêu cầu về sự thống nhất của pháp luật đối với nhà nước và xã hội đã được thể hiện rõ trong quan điểm của Locke:” Mặc dù chính phủ nắm mọi quyền hành, vì các quyền đó chỉ nhằm phục vụ lợi ích của xã hội và vì không được rùy tiện và tùy thích, chúng phải được thực thi thông qua các đạo luật đã được ban hành và xác lập, để cả hai phía đều biết nghĩa vụ của họ, đều được an toàn trong phạm vi pháp luật và cả những người cai trị cũng phải bị giới hạn trong phạm vi thích đáng…”.

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, những quy định pháp luật giữ địa vị thống trị trong xã hội, có giá trị ràng buộc nhà nước không chỉ thuộc pháp luật quốc gia mà còn gồm cả các quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật liên quốc gia mà nhà nước đó đã công nhận, tham gia hoặc kí kết và phải theo xu thế ưu tiên cho pháp luật quốc tế, pháp luật liên quốc gia. Nếu về cùng vấn đề, mối quan hệ mà các quy định của pháp luật trong nước mâu thuẫn với pháp luật quốc tế, pháp luật liên quốc gia thì phải ưu tiên áp dụng pháp luật tế, pháp luật liên quốc gia; đồng thời phải sửa đổi pháp luật quốc gia sao cho phù hợp với pháp luật quốc tế và pháp luật liên quốc gia. Các quan hệ đối ngoại của nhà nước pháp quyền phải được thiết lập và điều chỉnh trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật liên quốc gia mà nhà nước đó đã kí kết, tham gia hoặc công nhận.

Điều đáng lưu ý là hệ thống pháp luật có giá trị ràng buộc đối với nhà nước pháp quyền phải là hệ thống pháp luật dân chủ, minh bạch, phù hợp với các điều kiện khách quan của đất nước, thể hiện ý chí của nhân dân, thừa nhận rộng rãi các quyền cơ bảncủa con người, quyền dân chủ của công dân và trách nhiệm tương hỗ giữa các chủ thể, Theo quy định của pháp luật thì không chỉ công dân phải chịu trách nhiệm trước nhà nước mà nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm trước công dân khi xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của họ; các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật phải chịu trách nhiệm trước nhau khi vi phạm tới lợi ích của bên kia. Hệ thống pháp luật đó phải có tính khả thi và chủ yếu được thể hiện trong các đạo luật được xây dựng với kĩ thuật lập pháp cao trong đó hiến pháp có hiệu lực pháp lí cao nhất.

Mặc dù pháp luật là yếu tố không thể thiếu để tạo nên nhà nước pháp quyền nhưng không phải hệ thống pháp luật nào cũng là của nhà nước pháp quyền. Pháp luật của các nhà nước chủ nô, phong kiến trước đây không thể là pháp luật của nhà nước pháp quyền vì chúng không đảm bảo được các tiêu chí nói trên. Hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền phải có hiệu lực phổ biến đối với mọi người và hành vi của hok, nó phải có tình ổn định để giúp cho các chủ thể có thể dự đoán được trước kết quả của hành vi của mình cũng như có thể lường trước được phản ứng của nhà nước hoặc các chủ thể khác. Tính dân chủ của hệ thống pháp luật không chỉ thể hiện trong nội dung các quy định của pháp luật mà cả trong quá trình xây dựng pháp luật để pháp luật thực sự thể hiện ý chí của nhân dân. Các quy định của pháp luật phải rõ ràng, cụ thể, được công bố công khai và rộng rãi để bất kì ai khi cần tìm hiểu và bảo vệ các quyền của mình đều có thể tìm được.

Thứ năm, nhà nước pháp quyền được tổ chức và hoạt động trên cơ sở sự phân chia quyền lực nhà nước, dùng quyền lực để kiểm tra, giám sát quyền lực. Nói cách khác, nhà nước pháp quyền là nhà nước được tổ chức và hoạt động theo một cơ chế bảo đảm sự kiểm soát quyền lực nhà nước.

Sự phân chia quyền lực nhà nước là một trong những đặc điểm ban đầu của chế độ pháp trị. Mục tiêu của nó là nhằm khắc phục tình trạng quyền lực nhà nước tập trung trong tay một cá nhân hoặc một cơ quan, qua đó có thể hạn chế tối đa nguy cơ dẫn đến sự lam quyền và độc đoán trong quá trình thực hiện quyền lực nhà nước. Phân quyền là để kiềm chế chính quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước và đoán trước được hoạt động của chính quyền. trong nhà nước pháp quyền, hoạt động của nhà nước về căn bản được hiến pháp phân định thành ba chức năng: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mỗi chức năng đó chủ yếu được trao cho một cơ quan nhà nước thực hiện. Tất cả các cơ quan đó đều được thành lập phù hợp với mục đích và theo quy định của pháp luật. Hiến pháp trao cho mỗi cơ quan một phạm vi thẩm quyền cụ thể và quy định quan hệ tương hỗ giữa các cơ quan nhà nước. Nhờ đó, mỗi cơ quan nhà nước không chỉ có thể độc lập, chuyên môn hóa trong hoạt động của mình và ngăn cản, kiềm chế cơ quan khác qua đó hạn chế và kiểm soát quyền lực nhà nước, mà còn có thể phối hợp hoạt động với các cơ quan khác để tạo nên sự thống nhất trong hoạt động của nhà nước. Điều đó sẽ dẫn đến hiệu quả cao trong hoạt động của mỗi cơ quan nhà nước nói rieng và cả bộ máy nhà nước nói chung.

Trong thực tiễn tổ chức nhà nước pháp quyền, quyền lập pháp được trao cho nghị viện hoặc quốc hội, quyền hành pháp được trao cho chính phủ và quyền tư pháp được trao cho tòa án. Quyền lập pháp là quyền thể hiện ý chí chung của nhân dân thông qua các đạo luật. Quốc hội hoặc nghị viện hoặc một phần của nghị viện được hình thành bằng con đường phổ thông đầu phiếu, là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, có chức năng lập pháp, đại diện, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia và giám sát tối cao các hoạt động của nhà nước. Quyền hành pháp là quyền thực hiện ý chí chung của quốc gia, tổ chức thực hiện trong thực tế các đạo luật do lập pháp ban hành. Quyền này do chính phủ thực hiện thông qua việc quản lí các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Quyền tư pháp là quyền xét xử những chủ thể vi phạm hiến pháp, vi phạm luật, giải quyết các tranh chấp xảy ra trong xã hội để bảo vệ pháp luật, công lí, tự do của công dân và trật tự, an toàn xã hội. Pháp luật dự liệu cụ thể cơ chế để ba cơ quan trên vừa có thể giám sát, kiềm chế lẫn nhau lại vừa có thể phối hợp hoạt động với nhau để vừa tránh sự lạm quyền, vừa bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà nước.

Thứ sáu, nhà nước pháp quyền gắn bó mật thiết với xã hội công dân (xã hội dân sự).

Nhà nước pháp quyền phải được xây dựng trong mối quan hệ mật thiết với xã hội dân sự. Theo quan niệm hiện đại, xã hội công dân được hiểu là một lĩnh vực độc lập tương đối của đời sống xã hội đối với nhà nước, trong đó tồn tại và vận hành các nhóm xã hội, các tổ chức mang tính chất văn hóa, tôn giáo, tinh thần, thể hiện các lợi ích khác nhau của con người. Có thể hiểu một cách đơn giản rằng xã hội dân sự được hợp thành bởi các tổ chức phi nhà nước nhưng không mang tính chất chính trị, sự tồn tại của xã hội dân sự thể hiện lĩnh vực của xã hội không nhất thiết phải có sự áp đặt của quyền lực nhà nước. Với tư cách là giá trị xã hội, xã hội công dân là khả năng nội tại của xã hội cho phép công dân được quyền hình thành những tổ chức của mình nhằm đáp ứng nguyện vọng của các hội viên và nhằm thực hiện những mục đích chung của xã hội. Với tư cách là thể chế, xã hội công dân được coi là thực thể xã hội tồn tại giữa nhà nước, gia đình và cá nhân.  Nhà nước pháp quyền là nhà nước đáp ứng đầy đủ các điều kiện chính trị tực tiếp của xã hội công dân. Thông qua pháp luật, nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ pháp lý cho nhà nước, công dân và các tổ chức phi nhà nước nhằm đảm bảo sự tồn tại và vận hành của xã hội công dân.

Trên đây là những dấu hiệu cơ bản của nhà nước pháp quyền nói chung, còn đối với mỗi nhà nước pháp quyền cụ thể thì ngoài những dấu hiệu chung còn có những dấu hiệu riêng hoặc dấu hiệu đặc thù của nó. Kinh nghiệm lịch sử đã chứng minh, tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền có thể phát sinh trong những hình thái kinh tế-xã hội khác nha. Tư tưởng này có tính toàn nhân loại, cho dù có sự giải thích và thực hiện một cách khác nhau phụ thuộc vào lợi ích xã hội, giai cấp, truyền thống dân tộc, trình độ văn hóa và nhiều yếu tố khác nữa. Trên thực tế đã tồn tại quan niệm nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền tư sản đang được tuyên bố xây dựng ở hầu hết các quốc gia tư bản phát triển và đang phát triển. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được tuyên bố xây dựng ở Việt Nam – quốc gia đang phát triển xã hội của mình theo con đường xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì mặc dù nhà nước pháp quyền là mô hình có tính phổ biến song không thể có mẫu hình nhà nước pháp quyền chung cho mọi quốc gia, dân tộc mà mỗi quốc gia, dân tộc, tùy thuộc vào các đặc điểm lịch sử, chính trị, kinh tế - xã hội và trình độ phát triển mà xây dựng cho mình mô hình nhà nước pháp quyền thích hợp đồng thời lựa chọn cho mình cách thức xây dựng và vận hành mô hình nhà nước pháp quyền phù hợp. Nhà nước pháp quyền của mỗi quốc gia nhất định vừa phải thể hiện những dấu hiệu mang tính phổ biến, những giá trị có tính chất toàn nhân loại của nhà nước pháp quyền, vừa có những dấu hiệu mang tính đặc thù, phản ánh những đặc điểm riêng biệt của quốc gia, dân tộc mình. Ví dụ, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vừa phải thể hiện được các dấu hiệu cơ bản của nhà nước pháp quyền nói chung, vừa có những dấu hiệu riêng có của nó như: cơ sở kinh tế của nhà nước này vừa là quan hệ sản xuất dựa trên cơ sở của chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu và quan hệ bình đẳng, hữu nghị, hợp tác giữa những người lao động; nó phải được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản vì xây dựng chủ nghĩa xã hội là lí tưởng của giai cấp công nhân mà đại diện là đảng cộng sản, do vậy, chỉ nhà nước pháp quyền nào được đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì mới có thể trở thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa… Còn nhà nước pháp quyền tư sản thì lại được đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái hoặc liên minh các đảng phái chính trị của giai cấp tư sản.

No comments:

Post a Comment