11/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương VII - Quy phạm pháp luật
CHƯƠNG VII

QUY PHẠM PHÁP LUẬT


I. KHÁI NIỆM QUY PHẠM PHÁP LUẬT


Một trong những cách thức để điều chỉnh và phối hợp hoạt động trong đời sống xã hội là mẫu hóa cách xử sự của con người trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, tức là đặt ra quy tắc xử sự cho con người trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định có tính chất lặp đi, lặp lại. Những quy tắc xử sự đó chính là các quy phạm xã hội. Các quy phạm xã hội có vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự xã hội, nhờ đó, đời sống xã hội luôn được ổn định, trật tự xã hội được bảo đảm.

Các quy phạm xã hội rất đa dạng, phong phú và được hình thành bằng nhiều con đường khác nhau. Chẳng hạn, theo thói quen của cộng đồng dân cư nào đó hình thành nên các quy phạm tập quán, theo những quan niệm về chân – thiện – mĩ của nhóm xã hội nào đó thì hình thành quy phạm đạo đức, các tổ chức của con người đặt ra các quy phạm để các thành viên của mình thực hiện... Các quy phạm này là những khuôn mẫu cho xử sự của con người khi tham gia các quan hệ xã hội mà các quy phạm đó điều chỉnh
.

Một trong số các quy phạm xã hội là quy phạm pháp luật. Các quy phạm pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội và là một trong những phương tiện để điều chỉnh quan hệ xã hội có hiệu quả nhất. Ngoài ra có những đặc tính của quy phạm xã hội nói chung, quy phạm pháp luật còn có những đặc điểm riêng cơ bản sau:

- Quy phạm pháp luật là chuẩn mực để đánh giá tính hợp pháp đối với hành vi của con người. Trong xã hội có nhiều loại chuẩn mực khác nhau như tập quán, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực tôn giáo... để đánh giá hành vi của con người. Mỗi loại chuẩn mực đó đánh giá hành vi của con người ở các góc độ khác nhau. Trong đó, quy phạm pháp luật là loại chuẩn mực đánh giá hành vi của con người ở những khía cạnh pháp luật. Dựa vào quy phạm pháp luật người ta có thể xác định được hành vi nào là hợp pháp và hành vi nào là bất hợp pháp.

- Quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận. Quy phạm pháp luật cũng giống như các quy phạm pháp luật cũng giống như các quy phạm xã hội khác đều là chuẩn mực cho xử sự của con người trong các mối quan hệ xã hội mà họ tham gia. Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản giữa quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội khác là ở chỗ các quy phạm pháp luật luôn gắn liền với nhà nước. Chỉ những quy tắc xử sự nào do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận thì mới là quy phạm pháp luật. Việc đặt ra hoặc thừa nhận các quy phạm pháp luật được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được tiến hành theo trình tự và thủ tục nhất định được pháp luật quy định.

Quy phạm pháp luật có thể được hình thành trong quá trình xây dựng pháp luật hoặc trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật. Trong đó, ở hầu hết các hệ thống pháp luật, các quy phạm pháp luật được hình thành chủ yếu thông qua hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật (xem hình thức pháp luật). Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng của từng truyền thống pháp luật, do những điều kiện lịch sử khác nhau nên có những quy phạm pháp luật được sáng tạo ra trong hoạt động áp dụng pháp luật. Điển hình của việc hình thành các quy phạm pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật là ở những hệ thống pháp luật thuộc truyền thống luật án lệ (common law). Ở các hệ thống pháp luật này, tòa án trong quá trình xét xử các tranh chấp đã tạo ra các quy tắc được xem là các khuôn mẫu (án lệ) để giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai.

Các quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra chính là sự thể hiện kết quả của hoạt động sáng tạo pháp luật. Nó chứa đựng những đòi hỏi của nhà nước đối với các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Bên cạnh những quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành là kết quả của hoạt động sáng tạo pháp luật còn có những quy phạm pháp luật được hình thành là kết quả của sự lựa chọn của nhà nước đối với những quy tắc xử sự đã tồn tại sẵn có trong đời sống xã hội như các tập quán, các tín điều tôn giáo, các quy tắc đạo đức... Cũng giống như những quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra, việc thừa nhận các quy tắc xử sự cũng có thể được tiến hành trong quá trình xây dựng pháp luật hoặc tổ chức thực hiện pháp luật. Những quy phạm pháp luật thuộc loại này rất đa dạng và phức tạp. Việc nghiên cứu những hình thức thừa nhận các quy tắc xử sự còn đang là vấn đề phức tạp cần phải được nghiên cứu cụ thể hơn.

- Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự được nhà nước đảm bảo thực hiện. Là tế bào của hệ thống pháp luật, quy phạm pháp luật luôn được bảo đảm thực hiện bằng nhà nước. Sự đảm bảo đó thể hiện tính quyền lực của các quy phạm pháp luật. Đây cũng là một trong những đặc điểm thể hiện rõ nét sự khác biệt giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm xã hội khác. Các quy phạm xã hội khác có thể được đảm bảo thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau như dư luận xã hội hoặc những tác động do chính cộng đồng dân cư hoặc các biện pháp do các tổ chức đặt ra để buộc các thành viên của mình tuân thủ các quy phạm do các tổ chức này đặt ra nhưng chúng không được nhà nước đảm bảo thực hiện. Chỉ có các quy phạm pháp luật mới được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp nhất định do chính các quy phạm pháp luật xác định.

Các biện pháp đảm bảo cho các quy phạm pháp luật thực hiện rất phong phú đa dạng. Chúng có thể là những biện pháp nhằm khuyến khích việc thực hiện đúng đắn và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình hoặc những biện pháp tác động đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Những biện pháp bảo đảm cho các quy phạm pháp luật thực hiện được các quy phạm pháp luật xác định rất cụ thể vì thế chúng đều mang tính chất pháp lí.

- Các quy phạm pháp luật có mối quan hệ mật thiết với nhau tạo thành hệ thống thống nhất. Mối quan hệ và ràng buộc giữa các quy phạm pháp luật tạo thành hệ thống quy phạm pháp luật. Trong đó, quy phạm pháp luật này có thể là điều kiện xác lập nội dung quy phạm pháp luật khác hoặc quy phạm pháp luật này đóng vai trò đảm bảo cho quy phạm pháp luật khác được thực hiện. Mối quan hệ mật thiết giữa các quy phạm pháp luật tạo thành chuỗi quy phạm pháp luật không chấm dứt. Chính nhờ mối quan hệ ràng buộc giữa các quy phạm pháp luật mà tạo thành khái niệm hệ thống quy phạm pháp luật cũng như các phạm trù khác của hệ thống pháp luật. Đồng thời, việc xác định chuỗi quy phạm pháp luật không chấm dứt đó có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động xây dựng pháp luật, giải thích pháp luật cũng như hoạt động áp dụng pháp luật. Đặc biệt, trong hoạt động xây dựng pháp luật, xuất phát từ mối quan hệ ràng buộc giữa các quy phạm pháp luật, nhà làm luật có thể xác định được trật tự của quy phạm pháp luật cần được xây dựng. Nói một cách cụ thể hơn, khi xác định được nội dung của quy phạm pháp luật nào đó, nhà làm luật sẽ xác định được nội dung của quy phạm pháp luật tiếp theo là gì.

Với những phân tích trên, chúng ta có thể định nghĩa : Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm đạt những mục đích nhất định.


II. CƠ CẤU CỦA QUY PHẠM PHÁP LUẬT


Trong khoa học pháp lí hiện nay, có nhiều cách xác định khác nhau về cơ cấu của quy phạm pháp luật. Mỗi cách xác định này dựa vào quan niệm khác nhau về quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quan điểm này, chúng ta đều thấy có ba bộ phận chính của quy phạm pháp luật là giả định, quy định và chế tài.


1. Giả định


Giả định là phần dự liệu điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong đời sống và xác định loại cá nhân, tổ chức cụ thể mà xử sự của họ được pháp luật gắn với điều kiện và hoàn cảnh đó hoặc những biện pháp tác động của nhà nước sẽ được áp dụng đối với họ trong những điều kiện, hoàn cảnh đó. Nói cách khác, bộ phận giả định là bộ phận trả lời cho câu hỏi: Cá nhân nào, tổ chức nào, trong những điều kiện, hoàn cảnh nào thì họ được phép hoặc bắt buộc hoặc không được phép thực hiện những hành vi nhất định hoặc sẽ được nhà nước áp dụng những biện pháp pháp lí nhất định. Như vậy, phần giả định của quy phạm pháp luật thường có hai nội dung là các điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra trong thực tế đời sống và chủ thể ở trong điều kiện và hoàn cảnh đó.

           Ví dụ: Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 quy định: “Trong trường hợp cha mẹ còn sống nhưng không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã trưởng thành mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ có thể cử người khác giám hộ cho con, cha mẹ và người giám hộ thỏa thuận về việc người giám hộ thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc giám hộ”, phần giả định bao gồm:

- Điều kiện, hoàn cảnh: “Trong trường hợp cha mẹ còn sống nhưng không có điều kiện trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên, con đã trưởng thành mất năng lực hành vi dân sự”.

- Chủ thể: “cha mẹ” và “người giám hộ”.

Điều kiện, hoàn cảnh trong phần giả định của quy phạm pháp luật thực chất là những tình huống có thể xảy ra trong đời sống xã hội được nhà làm luật dự liệu để xác định cách xử sự của chủ thể khi gặp những điều kiện và hoàn cảnh đó hoặc để xác định biện pháp được dự kiến áp dụng. Các điều kiện, hoàn cảnh được nêu ở phần giả định có thể là một hoặc một số sự kiện có thể xảy ra trong thực tế được dự liệu mà theo đó, chủ thể sẽ có những quyền và nghĩa vụ nhất định hoặc nhà nước sẽ áp dụng những biện pháp tác động nhất định. Những điều kiện hay hoàn cảnh trong tình huống hành vi rất phong phú. Chúng là những sự kiện trong những điều kiện về thời gian, không gian, hoạt động của con người và có thể là hiện tượng tự nhiên.

Chủ thể thuộc về phần giả định của quy phạm pháp luật được nói đến ở đây là chủ thể mà cách xử sự của họ hoặc các biện pháp được dự kiến được áp dụng đối với họ sẽ được xác định trong phần quy định hoặc chế tài của quy phạm pháp luật. Trong lời văn của quy phạm pháp luật có thể đề cập đến nhiều chủ thể khác nhau nhưng trong số các chủ thể được đề cập thì chủ thể nào mà cách xử sự của họ được xác định trong nội dung của phần quy định hoặc các biện pháp nhà nước dự kiến được áp dụng đối với họ trong quy định hoặc chế tài của quy phạm pháp luật đó thì mới là chủ thể thuộc phần giả định của quy phạm pháp luật; những chủ thể khác có thể thuộc về nội dung các phần khác của quy phạm pháp luật. Ví dụ, Điều 464 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản”. Điều luật này đề cập nhiều chủ thể khác nhau, nhiều cách xử sự khác nhau nhưng xuất phát từ nội dung cũng như cấu trúc ngôn ngữ của điều luật chúng ta có thể xác định chủ thể của cách xử sự được xác định trong quy phạm pháp luật này là “bên tặng cho”. 
Trong nhiều trường hợp, phần giả định của quy phạm pháp luật có thể không dự liệu chủ thể mà cách xử sự của họ hoặc biện pháp tác động đối với họ được xác định trong các bộ phận khác của quy phạm pháp luật này. Đối với những trường hợp đó, chủ thể được xác định trong quy phạm pháp luật khác của cùng một văn bản quy phạm pháp luật. Thông thường, trong điều khoản quy định về hiệu lực theo đối tượng áp dụng của văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật có thể xác định chủ thể chung cho nhiều quy phạm pháp luật chứ không nhất thiết phải xác định chủ thể trong từng quy phạm pháp luật. 
Điều 2 Luật giao thông đường bộ quy định: “Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”. Trong trường hợp cần phải xác định chủ thể cụ thể hơn thì giả định sẽ xác định một cách rõ ràng. 

Giả định của quy phạm pháp luật có thể đơn giản, tức là chỉ xác định tình huống cụ thể, đơn lẻ hay hoàn cảnh, điều kiện cụ thể mà khi chủ thể gặp tình huống thì có những xử sự nhất định. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền”, phần giả định là : “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Giả định của quy phạm pháp luật cũng có thể phức tạp. Đó là những giả định tập hợp nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và các điều kiện này có mối liên hệ mật thiết, ràng buộc với nhau. Ví dụ: “Trong trường hợp người vợ, chồng xin li hôn mà chưa được tòa án cho li hôn bằng bản án hoặc quy định đã có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản”. Các điều kiện và hoàn cảnh trong giả định này bao gồm: Thứ nhất, vợ, chồng xin li hôn; thứ hai, chưa được tòa án cho li hôn bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật; thứ ba, nếu một người chết. Tập hợp các điều kiện và hoàn cảnh được nêu trong phần giả định của quy phạm pháp luật này tạo nên giả định phức tạp bởi vì tất cả các tình huống đó thì chủ thể mới có những quyền và nghĩa vụ nhất định hoặc cần phải có những xử sự nhất định mà pháp luật quy định.

Cần phải lưu ý rằng về mặt kĩ thuật pháp lí, trong rất nhiều điều luật mà nhà làm luật cũng đưa ra nhiều điều kiện, hoàn cảnh trong bộ phận giả định nhưng nếu các điều kiện, hoàn cảnh này không có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau thì đó không phải là giả định phức tạp. Điều này có nghĩa là chủ thể được xác định trong giả định đó chỉ cần gặp một trong những điều kiện, hoàn cảnh được nêu trong phần giả định là đã có những quyền và nghĩa vụ cụ thể được quy phạm pháp luật đó dự liệu hoặc các biện pháp tác động được dự liệu sẽ có thể áp dụng đối với họ. Chẳng hạn, khoản 1 Điều 101 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: “Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát thì bị xử phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Với quy phạm này, phần giả định nêu lên nhiều điều kiện, hoàn cảnh nhưng không phải là giả định phức tạp vì các điều kiện và hoàn cảnh này không có mối quan hệ ràng buộc với nhau. Vì vậy, chỉ cần chủ thể (người khác) ở vào một trong hai điều kiện, hoàn cảnh: “xúi giục người khác tự sát” hoặc “giúp người khác tự sát” thì biện pháp tác động của nhà nước sẽ được áp dụng đối với họ.


2. Quy định


Quy định là phần xác định cách xử sự của chủ thể khi chủ thể ở trong điều kiện, hoàn cảnh được xác định trong phần giả định của quy phạm pháp luật. Nội dung của phần quy định thực chất là xác định quyền là nghĩa vụ của chủ thể khi gặp điều kiện, hoàn cảnh được nêu trong phần giả định của quy phạm pháp luật. Phần quy định trả lời câu hỏi, chủ thể được làm gì, không được làm gì hoặc phải làm gì, làm như thế nào khi chủ thể ở trong những điều kiện, hoàn cảnh được nêu ra trong phần giả định của quy phạm pháp luật. Quy định là phần cơ bản của quy phạm pháp luật. Nó trực tiếp thể hiện ý chí của nhà nước khi điều chỉnh quan hệ xã hội. Cách xử sự được nêu ra trong phần quy định của quy phạm pháp luật thường mô tả hành vi của chủ thể và xác định phương thức điều chỉnh của pháp luật đối với hành vi đó.

Ví dụ: Trong quy phạm pháp luật: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp” (khoản 3 Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự), phần mô tả hành vi là “đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”, và   phương thức điều chỉnh là “phải”.
Việc mô tả hành vi trong phần quy định của quy phạm pháp luật có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Hành vi ở đây có thể được mô tả chỉ là một thao tác đơn giản như vượt đèn đỏ, nói, viết nhưng cũng có thể là chuỗi những thao tác nào đó của con người như giết người, gây thương tích, chung sống, kinh doanh... Trong nhiều trường hợp, việc mô tả hành vi trong quy định bằng cách gắn hành vi đó với hoàn cảnh cụ thể mà trong nhiều trường hợp không thể tách biệt hành vi đó với hoàn cảnh như “tảo hôn”, “cưỡng ép kết hôn”... hoặc có thể chỉ miêu tả hành vi một cách đơn giản như “phạt”, “thừa kế”. Trong một số trường hợp khác, hành vi có thể được xác định bằng kết quả của nó tức là xác định hành vi thông qua việc xác định những thay đổi về trạng thái của sự vật hiện tượng nào đó, ví dụ như “gây thiệt hại”, “làm chết người”... hoặc ngăn cản sự thay đổi về trạng thái của sự vật hiện tượng nào đó như “phòng vệ”. Thậm chí hành vi được xác định trong phần quy định có thể được thể hiện rất đơn giản là chấp thuận bất lợi nào về vật chất hoặc tinh thần hoặc được hưởng lợi ích nào đó về vật chất hoặc tinh thần như “chịu rủi ro” hoặc “được hưởng”... Sở dĩ việc miêu tả hành vi trong quy phạm pháp luật có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau là bởi vì hành vi thông thường là hành vi đảm bảo kết quả nhất định nhờ một số thao tác nào đó. Do đó, trong nhiều trường hợp, nhà làm luật chỉ cần thể hiện một trong số những nội dung này của hành vi là có thể xác định được hành vi cụ thể chứ không nhất thiết phải trình bày tất cả các nội dung đó. Vì thế, việc mô tả một hành vi trong phần quy định, nhiều khi nó bao hàm cả kết quả, phương thức thực hiện, mục đích của hành vi và trong nhiều trường hợp nó bao hàm cả những nội dung đó.

Trong quy phạm pháp luật, có nhiều hành vi có thể được trình bày và giữa chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để xác định được hành vi nào là hành vi thuộc phần quy định của quy phạm pháp luật, cần phải dựa vào nội dung của phần giả định để xác định được quy phạm pháp luật đặt ra đối với ai, nhà làm luật đặt ra quy phạm pháp luật nhằm mục đích gì thì mới có thể xác định được hành vi và chủ thể của hành vi đó. Ví dụ, trong quy định tại Điều 439 Bộ luật dân sự: “Trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền”, hành vi cụ thể thuộc phần quy định của quy phạm pháp luật này phải là “ yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền”.

Phương thức điều chỉnh có nội dung là ý chí của nhà nước đối với hành vi của chủ thể trong điều kiện hay hoàn cảnh của giả định. Phương thức này thể hiện những mong muốn, những yêu cầu của nhà nước đối với hành vi của các chủ thể. Các phương thức này là bắt buộc, cấm đoán, cho phép hoặc lựa chọn.

Phương thức điều chỉnh của pháp luật trong quy phạm pháp luật thường được thể hiện dưới dạng các ngôn ngữ rất đa dạng như cấm, nghiêm cấm, không được (phương thức cấm đoán); có quyền, được phép (phương thức cho phép); phải, có nghĩa vụ ( phương thức bắt buộc); có thể... (phương thức không bắt buộc). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bản thân những ngôn ngữ được sử dụng để mô tả hành vi của chủ thể đã thể hiện phương thức điều chỉnh pháp luật đối với hành vi của chủ thể. Chẳng hạn như: được hưởng, chịu rủi ro...

Các phương thức điều chỉnh của pháp luật được thể hiện trong phần quy định của quy phạm pháp luật gắn liền với hành vi được mô tả trong phần này đã tạo nên các loại quy định khác nhau của quy phạm pháp luật. Nhờ vào phương thức điều chỉnh của pháp luật, chính những nội dung của phần thể thức hành vi mới hình thành các loại quy định cấm đoán, cho phép, bắt buộc hay không bắt buộc. Phương thức điều chỉnh chính là nội dung quan trọng thể hiện ý chí của nhà nước đối với các hành vi của chủ thể trong các điều kiện, hoàn cảnh được xác định trong phần giả định của quy phạm pháp luật. Do đó, cùng hành vi được mô tả trong pháp luật của nhiều nước khác nhau nhưng phương thức điều chỉnh chúng có thể khác nhau. Chẳng hạn, bầu cử ở một số nước quy định là bắt buộc (nghĩa vụ) còn ở một số nước được quy định là cho phép (quyền), ở một số nước khác thì đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ.

Dựa vào phương thức điều chỉnh của pháp luật, các quy định có thể được phân chia thành bốn loại là quy định cấm đoán, quy định cho phép, quy định bắt buộc và quy định không bắt buộc.

Quy định bắt buộc là quy định xác định hành vi chủ thể bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ, trong quy phạm: “Người lái xe phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn” (khoản 2 Điều 24 Luật giao thông đường bộ), phần quy định là: “ xe phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn”.

Quy định cấm đoán xác định hành vi chủ thể không được thực hiện. Chẳng hạn: Trong quy phạm pháp luật: “Cán bộ, công chức trong các ngành tòa án, kiểm sát, công an không được làm đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật” (khoản 3 Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự), phần quy định là: “không được làm đại diện trong tố tụng dân sự”.

Quy định cho phép xác định hành vi của chủ thể được phép thực hiện. Ví dụ, Điều 38 Bộ luật dân sự quy định: “Vợ hoặc chồng hoặc cả vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án cho chấm dứt quan hệ hôn nhân khi có lí do chính đáng”, phần quy định là: “có quyền yêu cầu tòa án cho chấm dứt quan hệ hôn nhân khi có lí do chính đáng”.

Quy định không bắt buộc xác định hành vi mà chủ thể có thể thực hiện: “Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình” (khoản 2 Điều 605 Bộ luật dân sự), phần quy định lựa chọn là: “có thể được giảm mức bồi thường”.

Bên cạnh những loại quy định như vậy, có nhiều quy định của quy phạm pháp luật xác định hành vi nào đó vừa bắt buộc lại vừa cho phép. Đó là những quy định xác định hành vi nào đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của chủ thể. Ví dụ, “Lao động là quyền và nghĩa vụ của công dân” ( Điều 55 Hiến pháp 1992).

Các quy định của quy phạm pháp luật cũng có thể được phân chia thành quy định dứt khoát và quy định tùy nghi dựa vào cách thức xác định cách xử sự của chủ thể trong quy định đó. Theo đó, quy định dứt khoát chỉ nêu lên một cách xử sự và chủ thể có thể lựa chọn một trong những cách xử sự đã được quy phạm pháp luật xác định. Chẳng hạn, quy định trong quy phạm pháp luật “Cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền yêu cầu hai bên tranh chấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu, chứng cứ, trưng cầu giám định, mời người làm chứng và người có liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động” (Điều 161 Bộ luật lao động) là quy định dứt khoát; quy định trong quy phạm pháp luật “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 71 Hiến pháp 1992) là quy định tùy nghi.


3. Chế tài


Chế tài là bộ phận của quy phạm pháp luật dự kiến những biện pháp được áp dụng đối với các chủ thể khi chủ thể vi phạm pháp luật. Bộ phận chế tài trả lời câu hỏi: Chủ thể sẽ phải gánh chịu hậu quả gì khi không thực hiện đúng cách thức xử sự được nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật khi chủ thể đó gặp những điều kiện, hoàn cảnh được dự liệu trong phần giả định của quy phạm pháp luật. Vì vậy, các biện pháp chế tài được xem như là các biện pháp vừa có tính chất răn đe, phòng ngừa, vừa có giá trị như là những biện pháp để trừng trị đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Ví dụ: Trong quy phạm pháp luật: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm” (khoản 1 Điều 102 Bộ luật hình sự), bộ phận chế tài là “bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

Chế tài là biện pháp được nhà nước dự liệu để áp dụng đối với các chủ thể không thực hiện đúng những yêu cầu được nêu trong phần quy định của quy phạm pháp luật. Những biện pháp này thể hiện thái độ của nhà nước đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Các biện pháp chế tài rất phong phú đa dạng, trong đó chế tài hình sự (hình phạt) là những biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất. Chế tài có thể là những biện pháp tác động về vật chất hoặc phi vật chất. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm khác nhau mà mức chế tài cũng được dự liệu khác nhau. Đồng thời, tùy thuộc vào từng loại vi phạm pháp luật khác nhau mà biện pháp chế tài được nhà nước áp dụng khác nhau. Trong hệ thống các biện pháp chế tài pháp luật, có bốn loại chế tài cơ bản nhất là chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự, chế tài kỉ luật. Mỗi loại chế tài này được pháp luật quy định để áp dụng đối với các loại vi phạm khác nhau với những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau.

Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật được thể hiện trong các quy phạm pháp luật khá đa dạng. Thông thường có hai cách thể hiện bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật là xác định biện pháp cụ thể hoặc mức độ cụ thể của biện pháp áp dụng đối với hành vi có tính chất và mức độ cụ thể (hình thức cố định) hoặc xác định nhiều biện pháp khác nhau cùng với mức thấp nhất và mức cao nhất của các biện pháp áp dụng đối với loại hành vi có tính chất và mức độ nào đó (hình thức không cố định). Ví dụ: Khoản i Điều 197 Bộ luật hình sự squy định: “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất cứ hình thức nào, thì bị xử phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Cách thể hiện chế tài trong điều luật này được gọi là hình thức không cố định; khoản 1 Điều 723 Bộ luật dân sự quy định: “Khi bên cho thuê hoặc bên thuê cố ý vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất dẫn đến việc Nhà nước thu hồi đất thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên kia”. Hình thức thể hiện chế tài trong điều khoản này là hình thức “cố định”.


Như đã nêu ở trên, chế tài là một trong những biện pháp cưỡng chế của nhà nước để đảm bảo việc thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những biện pháp cưỡng chế là các chế tài pháp luật được dự kiến để áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật còn có những biện pháp cưỡng chế khác cũng được nhà nước đặt ra để đảm bảo việc thực hiện  pháp luật cũng như để răn đe và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Các biện pháp cưỡng chế này không phải là chế tài bởi vì chúng không được đặt ra để áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, biện pháp bắt buộc chữa bệnh, các biện pháp ngăn chặn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để đảm bảo việc điều tra, truy tố và xét xử trong tố tụng hình sự hoặc các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng đối với các chủ thể đảm bảo việc xét xử và thi hành án trong lĩnh vực tố tụng dân sự, kinh tế, lao động...

Ngoài các biện pháp cưỡng chế của nhà nước được sử dụng để đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật, trong pháp luật còn có những biện pháp khác được nhà nước đặt ra để đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật. Các biện pháp đó có thể là những biện pháp khuyến khích về vật chất hoặc tinh thần, những biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, những biện pháp nhằm khôi phục những thiệt hại do vi phạm pháp luật cũng như những thiệt hại do những nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, đó không phải là những biện pháp thuộc vào phần chế tài của quy phạm pháp luật.


III. CÁCH THỨC THỂ HIỆN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT


Một trong những đặc trưng cơ bản của văn bản quy phạm pháp luật là chứa đựng các quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, xét từ khía cạnh kĩ thuật lập pháp, các nhà làm luật khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thường trình bày các quy phạm pháp luật trong các điều luật của văn bản. Việc trình bày các quy phạm pháp luật trong các điều khoản của văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như thực hiện và áp dụng pháp luật. Cách trình bày các văn bản quy phạm pháp luật trong các điều luật rất phong phú, đa dạng. Sự đa dạng có xuất phát từ những đòi hỏi về ngôn ngữ, sự phân định cơ cấu nghành luật của khoa học pháp lí cũng như việc xác định phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, cách trình bày các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật còn phụ thuộc vào cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật do nhà làm luật xây dựng. Vì vậy, không nên đồng nhất giữa điều luật với quy phạ pháp luật.

Xuất phát từ khía cạnh ngôn ngữ, để đảm bảo cho các quy phạm pháp luật đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng, nhà làm luật có thể không trình bày quy phạm pháp luật là giả định – quy định – chế tài. Nói cách khác, trật tự giữa các bộ phận của quy phạm pháp luật khi được trình bày trong các văn bản quy phạm pháp luật rất mềm dẻo và linh hoạt. Nhiều trường hợp, phần quy định và phần chế tài lại được trình bày trước phần giả định hoặc có sự đan xen giữa các bộ phận trong điều luật. Chẳng hạn, trong khoản 2 Điều 487 Bộ luật dân sự: “Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lí”, bộ phận quy định được trình bày trước phần giả định.

Sự phân chia các nghành luật trong hệ thống pháp luật cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đối với việc trình bày các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong thực tế, khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhà làm luật thường không xây dựng bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật ngay trong cùng điều luật có chứa đựng phần quy định. Bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật thường được xây dựng trong chương riêng của văn bản quy phạm pháp luật đó (thường là chương có tên gọi: Khen thưởng và kỉ luật) hoặc được đưa vào một văn bản riêng biệt, chẳng hạn như bộ luật hình sự hoặc các văn bản quy định về các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực. Vì vậy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các điều khoản của các văn bản này thường chỉ chứa đựng giả định và quy định hoặc giả định và chế tài. Rất ít trường hợp điều luật chứa đựng đầy đủ cả giả định, quy định và chế tài của quy phạm pháp luật.

Nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật phong phú và đa dạng, cơ cấu của văn bản quy phạm pháp luật thường được phân chia thành các chương, các mục và các điều khác nhau. Trong điều luật có thể chứa đựng nhiều quy phạm pháp luật nhưng cũng có thể các bô phận của quy phạm pháp luật lại được trình bày trong các điều luật khác nhau của cùng văn bản. Thậm chí, cùng quy định nhưng lại được trình bày gắn với nhiều giả định khác nhau, ví dụ như cách trình bày quy phạm pháp luật trong khoản 1 Điều 498 Bộ luật dân sự: “Bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
b) Sử dụng nhà không đúng mục đích thuê;
c) Cố ý làm nhà hư hỏng nghiêm trọng;
d) Sửa chữa, đổi hoặc cho người khác thuê lại toàn bộ hoặc một phần nhà đang thuê mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cho thuê;
đ) Làm mất trật tự công cộng nhiều lần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt bình thường của những người xung quanh;
e) Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường”.

Tương tự cách trình bày như vậy, cũng có trường hợp nhiều giả định nhưng có một chế tài, chảng hạn trong khoản 1 Điều 132 Bộ luật hình sự: “Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo;
b) Có trách nhiệm mà cố ý không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo”.

Như vậy, cách trình bày các quy phạm pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật rất đa dạng, phong phú để đảm bảo cho các quy phạm pháp luật dễ hiểu, dễ áp dụng đồng thời đảm bảo được tính khoa học, logic của các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật cũng như tính hệ thống và thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.


IV. PHÂN LOẠI QUY PHẠM PHÁP LUẬT


Việc phân loại quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất lớn cả về lý luận và thực tiễn. Về mặt lí luận, việc phân loại quy phạm pháp luật tạo ra cơ sở cho việc nghiên cứu một cách toàn diện những vấn đề lí luận khác về pháp luật như hệ thống pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật, vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí. Bên cạnh đó, việc phân loại quy phạm pháp luật cũng có ý nghĩa thực tiễn trong hoạt động xây dựng pháp luật và giải thích pháp luật, hệ thống hóa pháp luật.

Cũng giống như việc phân loại các phạm trù pháp lí khác, có nhiều cách phân loại quy phạm pháp luật mà mỗi cách phân loại có thể dựa trên những tiêu chí khác nhau.

Dựa vào phương thức điều chỉnh của pháp luật, có thể phân chia các quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật cho phép, quy phạm pháp luật bắt buộc, quy phạm pháp luật cấm đoán và quy phạm pháp luật không bắt buộc.

- Quy phạm pháp luật cấm đoán là quy phạm pháp luật mà nội dung của phần quy tắc xác định hành vi nào đó mà chủ thể được phép thực hiện.
- Quy phạm bắt buộc là quy phạm pháp luật mà nội dung của phần quy tắc xác định hành vi nào đó mà chủ thể buộc phải thực hiện.
- Quy phạm pháp luật cấm đoán là quy phạm pháp luật mà nội dung của phần quy tắc xác định hành vi nào đó mà chủ thể không được phép thực hiện.
- Quy phạm pháp luật không bắt buộc là quy phạm pháp luật mà nội dung của phần quy tắc xác định hành vi nào đó mà chủ thể không buộc (có thể) phải thực hiện.

Dựa vào cách thức quy định về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể, quy phạm pháp luật có thể được phân chia thành các quy phạm pháp luật dứt khoát và quy phạm pháp luật tùy nghi.

- Quy phạm pháp luật dứt khoát là quy phạm pháp luật chỉ nêu lên cách xử sự duy nhất cho chủ thể khi chủ thể gặp điều kiện hay hoàn cảnh được xác định trong giả định của phần quy tắc của quy phạm pháp luật.
- Quy phạm pháp luật quỳ nghi là quy phạm pháp luật nêu lên nhiều cách xử sự mà chủ thể có thể xử sự theo một trong những cách xử sự đó.

Dựa vào tính chất của quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật điều chỉnh, các quy phạm pháp luật có thể được phân chia thành các quy phạm pháp luật tương ứng với các laoij quan hệ xã hội mà quy phạm đó điều chỉnh. Theo đó, quy phạm pháp luật sẽ được phân chia thành các loại tương ứng với các ngành luật trong hệ thống pháp luật.








No comments:

Post a Comment