16/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương XIII - Nhà nước và pháp luật chủ nô
CHƯƠNG XIII - NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT CHỦ NÔ

I. SỰ RA ĐỜI VÀ BẢN CHẤT CỦA NHÀ NƯỚC CHỦ NÔ

1. Sự ra đời của nhà nước chủ nô

Sự xuất hiện của các nhà nước chủ nô rất đa dạng và phức tạp. Do điều kiện kinh tế, xã hội, điều kiện địa lí, cùng với yếu tố tác động từ bên ngoài... khác nhau nên ở khu vực khác nhau, sự xuất hiện của nhà nước có sự khác nhau.

Các nhà nước phương Đông xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với các nhà nước phương Tây, dưới tác động trực tiếp và chủ yếu bởi yếu tố tự nhiên, chống ngoại xâm và làm thủy lợi. Trong điều kiện lực lượng sản xuất còn tương đối thấp kém, quá trình hình thành các giai cấp diễn ra rất chậm chạp, chế độ tư hữu về ruộng đất phát triển rất yếu ớt, vì vậy, quá trình hình thành nhà nước cũng hết sức chậm chạp và kéo dài. Nhà nước xuất hiện nhưng công xã nông thôn (công xã láng giềng) – tàn tích của chế độ xã hội thị tộc vẫn còn tồn tại. Trong thời gian dài, nhà nước tồn tại và phát triển trên cơ sở đan xen giữa chế độ công hữu còn điều kiện để phát triển khá vững chắc với chế độ tư hữu mới hình thành, chưa phát triển lắm.

Các nhà nước chủ nô phương Tây xuất hiện khi lực lượng sản xuất đã phát triển ở trình độ tương đối cao mà nguyên nhân cơ bản là sự xuất hiện chế độ tư hữu tư nhân làm xã hội phân hóa thành các giai cấp, mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp. So với phương Đông, quá trình biến đổi của xã hội phương Tây diễn ra rất sâu sắc, sở hữu tư nhân được xác lập tương đối triệt để và rất phát triển, mâu thuẫn giai cấp trong xã hội ngày càng gay gắt, tổ chức thị tộc, bộ lạc thoái hóa và tan rã từng bước, nhường chỗ cho hình thức tổ chức mới, đó là nhà nước. Quá trình đó lại được thúc đẩy bằng những cuộc cải cách xã hội mà sau mỗi cuộc cải cách, tổ chức thị tộc, bộ lạc lại càng nhanh đi tới chỗ tan rã, nhà nước hiện ra một cách rõ nét hơn.

2. Bản chất của nhà nước chủ nô

Cơ sở kinh tế của nhà nước chủ nô là quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ. Đất đai và các tư liệu sản xuất khác hầu hết thuộc sở hữu của các chủ nô. Nô lệ cũng bị coi là thứ tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của chủ nô. Chủ nô là người trực tiếp chiếm hữu ruộng đất, súc vật, nhà cửa... và trực tiếp tổ chức quá trình sản xuất. Nô lệ là nguồn sức lao động chủ yếu và trực tiếp lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất. Nô lệ hoàn toàn phụ thuộc vào chủ nô, phải phục tùng một cách vô điều kiện ý chí của chủ nô, do vậy nô lệ bị bóc lột vô cùng tàn nhẫn và không có giới hạn.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ tồn tại hai giai cấp cơ bản là chủ nô và nô lệ, bên cạnh đó là lực lượng dân tự do (giới bình dân). Ở các nước phương Tây, giai cấp nô lệ là bộ phận thiểu số trong xã hội nhưng lại sở hữu hầu hết tư liệu sản xuất của xã hội và sở hữu luôn cả người lao động là nô lệ. Giai cấp nô lệ là bộ phận cư dân đông đảo trong xã hội nhưng có địa vị vô cùng thấp kém. Nô lệ bị coi là tài sản thuộc sở hữu của chủ nô, có những chủ nô sở hữu trong tay tới hàng vạn nô lệ. Chủ nô có quyền tuyệt đối với nô lệ, khai thác bóc lột sức lao động, đánh đập, đem bán, tặng cho, bỏ đói hay giết chết. Việc mua bán, đổi chác nô lệ diễn ra thường ngày, công khai và mang đậm tính thương mại. Nô lệ đã trở thành món hàng hóa và thậm chí có cả những khu vực chuyên mua bán nô lệ, ở đó, nô lệ được đem mua bán như người ta mua bán gia súc. Nguồn nô lệ chủ yếu là từ các cuộc chiến tranh, có những cuộc chiến tranh, nhà nước đem bán hàng chục nghìn nô lệ. Chính vì vậy, mâu thuẫn giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ là hết sức sâu sắc và đấu tranh giai cấp thường xuyên xảy ra với mức độ ngày càng gay gắt. Ở các nước phương Đông, quá trình phân hóa xã hội hình thành các giai cấp diễn ra hết sức chậm chạp và kéo dài. Cùng với sự tồn tại, phát triển của nhà nước, xã hội cũng dần dần có sự phân hóa thành các giai cấp chủ nô và nô lệ, tuy nhiên nô lệ không phải là lực lượng xã hội chủ yếu. Địa vị của nô lệ không đến nỗi thấp kém như ở phương Tây, nô lệ có thể có gia đình riêng, có khi còn được coi là thành viên trong gia đình, thậm chí ở nhiều nơi, địa vị của nô lệ còn khá hơn cả người phụ nữ. Mâu thuẫn giữa chủ nô với nô lệ vì thế cũng không sâu sắc như phương Tây. Bộ phận đông đảo nhất trong xã hội là thành viên công xã nông thôn, họ là những người tự do, được công xã định kì chia đều ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước để tự canh tác và nộp thuế cho nhà nước. 

Chính điều kiện kinh tế-xã hội đó đã quyết định bản chất của nhà nước chủ nô. Xét về bản chất, nhà nước chủ nô dù ở phương Đông hay ở phương Tây cũng luôn thể hiện tính giai cấp và tính xã hội. Có thể khẳng định rằng tính giai cấp của các nhà nước chủ nô thể hiện một cách sâu sắc nhất trong tất cả các kiểu nhà nước. Tuy nhiên, nhà nước chủ nô phương Tây thể hiện tính giai cấp sâu sắc và rõ nét hơn rất nhiều so với nhà nước chủ nô phương Đông. Tồn tại và phát triển trong điều kiện mâu thuẫn giai cấp sâu sắc và đấu tranh giai cấp gay gắt nên nhà nước chủ nô phương Tây luôn thể hiện là công cụ chuyên chính của giai cấp chủ nô để bảo vệ lợi ích cho giai cấp chủ nô nhằm duy trì sự thống trị về mọi mặt của giai cấp chủ nô, duy trì tình trạng bất bình đẳng trong xã hội và để đàn áp sự phản kháng của nô lệ và những người lao động khác. Theo V.I. Lênin, nhà nước chủ nô bao giờ cũng là “bộ máy đem lại cho chủ nô quyền lực và khả năng cai trị tất cả những người nô lệ”; “ là bộ máy để duy trì những người nô lệ trong địa vị phụ thuộc và cho phép bộ phận này của xã hội cưỡng bức và đàn áp bộ phận kia”.So với nhà nước phương Tây, nhà nước chủ nô phương Đông lại thể hiện tính xã hội rõ nét hơn. Nhà nước phương Đông xuất hiện do nhu cầu đòi hỏi của đời sống chung của cả cộng đồng xã hội, bởi vậy nó đã thể hiện khá rõ vai trò là công cụ để tổ chức dân cư tiến hành công cuộc trị thủy, chống ngoại xâm, quản lí đất đai và các hoạt động xã hội khác nhằm duy trì đời sống chung của cộng đồng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, yếu tố tư hữu dần dần hình thành, mâu thuẫn giai cấp trong xã hội vì thế cũng dần trở nên gay gắt, khi đó nhà nước dần mất đi ý nghĩa ban đầu của nó, nó cứ “nghiêng dần” về phía tầng lớp quý tộc và ngày càng thể hiện là công cụ chuyên chính, bộ máy bạo lực của giai cấp chủ nô để cưỡng bức, đàn áp một cách có tổ chức đối với nô lệ, bảo vệ sự thống trị về kinh tế, chính trị và tinh thần của chủ nô đối với nô lệ.

Mặc dù còn rất nhiều hạn chế, tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, chúng ta không thể phủ nhận được ý nghĩa lịch sử của nhà nước chủ nô. Dù sao, sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước chủ nô cũng là bước tiến của lịch sử nhân loại, nó tạo tiền đề cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa của các xã hội sau này, đúng như Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: “Chỉ có chế độ nô lệ mới làm cho sự phân công lao động có thể thực hiện được trên một quy mô rộng lớn hơn giữa nông nghiệp và công nghiệp và do đó mới có thể có thời kì hưng thịnh nhất của thế giới cổ đại, tức là nền văn minh Hy Lạp. Không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có chế độ nô lệ thì không có đế quốc La Mã. Mà không có cái cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và đế chế La Mã thì không có Châu Âu hiện đại. Chúng ta không bao giờ được quên rằng tiền đề của toàn bộ sự phát triển kinh tế, chính trị và trí tuệ của chúng ta là trạng thái trong đó chế độ nô lệ cũng hoàn toàn cần thiết giống như nó được tất cả mọi người thừa nhận”.


II. CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC CHỦ NÔ


Nhà nước chủ nô, bộ máy duy trì sự thống trị của giai cấp chủ nô đối với giai cấp nô lệ, tổ chức quyền lực công, thay mặt cho xã hội tổ chức và quản lí các mặt của đời sống xã hội, có các chức năng sau đây:

1. Chức năng đối nội

- Chức năng bảo vệ chế độ sở hữu

Đây là chức năng đặc trưng thể hiện rõ nét nhất bản chất của nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhất là các nhà nước ở phương Tây. Nhà nước thừa nhận ở mọi nơi, mọi lúc, mọi đặc quyền của chủ nô đối với các tư liệu sản xuất và nô lệ. Nhà nước cho phép chủ nô có quyền lực không hạn chế đối với nô lệ và gia đình họ; thừa nhận chủ nô bằng mọi phương pháp để khai thác, sử dụng sức lao động của nô lệ. Nhà nước hầu như không hạn chế số lượng nô lệ thuộc sở hữu của mỗi chủ nô. Nhà nước quy định và trừng phạt rất nghiêm khắc đối với những hành vi xâm hại tới sở hữu của chủ nô.

- Chức năng trấn áp sự phản kháng của nô lệ và các tầng lớp nhân dân lao động khác bằng quân sự.

Xã hội chiếm hữu nô lệ (nhất là phương Tây) được xây dựng trên sự bất bình đẳng sâu sắc giữa giai cấp chủ nô với giai cấp nô lệ vì vậy mâu thuẫn giữa giai cấp chủ nô với giai cấp nô lệ là hết sức sâu sắc. Để bảo vệ quyền lợi và địa vị của giai cấp chủ nô, bảo vệ cái cơ sở kinh tế, xã hội cho sự tồn tại của mình, nhà nước chủ nô đã sử dụng mọi biện pháp mà chủ yếu là biện pháp quân sự để đàn áp một cách dã man, có khi mang tính chất thảm sát sự phản kháng chống đối của nô lệ và các tầng lớp nhân dân lap động khác. Thậm chí, có nhà nước chủ nô thỉnh thoảng còn tiến hành giết tập thể những người nô lệ để thị uy cũng như khủng bố tinh thần nhằm xóa bỏ một cách triệt để mọi âm mưu phản kháng.

- Chức năng thống trị về tư tưởng

Để củng cố và bảo vệ địa vị thống trị của mình, giai cấp chủ nô thông qua nhà nước của nó không chỉ trấn áp bằng quân sự mà còn thực hiện sự thống trị về tư tưởng đối với giai cấp nô lệ và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Lợi dụng sự hiểu biết hết sức thấp kém của quần chúng lao khổ bị áp bức, giai cấp chủ nô đã sử dụng tôn giáo làm công cụ để duy trì sự thống trị về mặt tư tưởng. Có những tôn giáo khi mới xuất hiện đã đáp ứng được những khao khát, hi vọng của quần chúng lao khổ vốn đã quá khổ đau lúc đó. Tuy nhiên, về sau hầu hết các tôn giáo đều bị giai cấp thống trị lợi dụng làm chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho sự thống trị của chúng. Thông qua nhà nước chiếm hữu nô lệ, giai cấp chủ nô đã xây dựng hệ tư tưởng tôn giáo thành hệ tư tưởng thống trị xã hội, tìm mọi cách biến vương quyền thành thần quyền, thần thánh hóa nhà vua, biến nhà vua thế tục thành vị con trời (thiên tử), cái bóng của thượng đế, sứ giả của các vị thần.

- Chức năng kinh tế-xã hội

Các nhà nước chủ nô trong những chừng mực nhất định đều thực hiện các hoạt động kinh tế xã hội, giải quyết những công việc thiết yếu của xã hội. Do điều kiện kinh tế-xã hội đòi hỏi, nhiều nhà nước chủ nô đã rất chú trọng thực hiện chức năng này. Ở các nước phương Đông, nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu nên trị thủy là công việc vừa thường xuyên vừa cấp bách. Chính vì vậy, hầu hết các nhà nước chủ nô phương Đông hết sức quan tâm công tác thủy lợi. Có thể nói, các nhà nước phương Đông xuất hiện sớm là bởi nhu cầu cấp thiết của công tác trị thủy, nó xuất hiện ban đầu cũng là chủ yếu nhằm thực hiện chức năng xã hội quan trọng này.

Để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước và giải quyết các công việc chung của xã hội, các nhà nước cũng phải thực hiện một số hoạt động kinh tế xã hội nhất định. Nhiều nhà nước đã tiến hành cải cách xã hội, giải phóng nô lệ, xây dựng và phát triển nền dân chủ xã hội. Như vậy, có thể nói nhà nước chủ nô nào cũng phải thực hiện chức năng kinh tế-xã hội, tùy từng nhà nước, tùy từng giai đoạn phát triển phụ thuộc vào điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể mà hoạt động này chiếm tỉ trọng nhiều, ít khác nhau trong tất cả các chức năng của nó.

2. Các chức năng đối ngoại

- Chức năng tiến hành chiến tranh xâm lược

Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của các nhà nước chủ nô, chiến tranh xâm lược lẫn nhau thường xuyên xảy ra. Do không ngừng tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô lớn thôn tính và cướp bóc các nước khác nên một số nhà nước chủ nô đã trở thành những đế quốc có lãnh thổ rất rộng lớn.

Chiến tranh đã làm cho quan hệ giữa các nhà nước chủ nô luôn trong tình trạng căng thẳng đồng thời nó cũng làm cho mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ xã hội ngày càng trở nên sâu sắc.

- Chức năng phòng thru đất nước

Đồng thời với việc tiến hành chiến tranh xâm lược, các nhà nước chủ nô cũng phải tổ chức phòng thủ để chống lại các cuộc xâm lược từ bên ngoài, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, bảo vệ các lợi ích chung của cộng đồng xã hội cũng như lợi ích của giai cấp thống trị.


III. BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CHỦ NÔ


Tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của điều kiện kinh tế-xã hội, cho nên ở các nước khác nhau, bộ máy nhà nước được tổ chức khác nhau. Quá tình tồn tại và phát triển của nhà nước chủ nô rất dài, qua mỗi thời kì phát triển, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều biến đổi, bởi vậy, qua các giai đoạn phát triển khác nhau, bộ máy của từng nhà nước chủ nô cũng có sự khác nhau.

Khi nhà nước chủ nô mới ra đời, bộ máy nhà nước còn hết sức đơn giản và mang nhiều dấu vết của tổ chức thị tộc, bộ lạc. Mới đầu, hoạt động của bộ máy nhà nước chưa mang tính chuyên nghiệp, việc tổ chức bộ máy nhà nước còn mang nặng tính tự phát, những người làm việc trong bộ máy nhà nước thường đảm trách tất cả các công việc, họ vừa là người chỉ huy quân đội, vừa là nhà lập pháp, vừa là viên quan thu thuế lại cũng có thể là quan tòa phán xử các tranh chấp. Cùng với sự phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ, chức năng của nhà nước càng ngày càng trở nên phức tạp, bởi vậy, bộ máy nhà nước cũng được tổ chức ngày càng quy củ và mang tính chuyên nghiệp hơn. Khi lãnh thổ nhà nước ngày càng mở rộng, nhu cầu quản lí theo lãnh thổ càng trở nên cấp bách, nhận thức của con người về tổ chức bộ máy nhà nước cũng được nâng cao... Vì vậy, nhà nước đã từng bước chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính lãnh thổ và tổ chức bộ máy theo từng cấp, hình thành hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Ở phương Đông, tổ chức bộ máy nhà nước có nhiều khác biệt và nhìn chung đơn giản hơn so với ở phương Tây. Nhà vua được thần thánh hóa để toàn quyền thực thi quyền lực nhà nước. Các quan lại từ trung ương xuống địa phương là bề tôi của nhà vua, giúp việc cho nhà vua. Ở hầu hết các nhà nước chủ nô phương Đông, trong thời gian tương đối dài, chính quyền cấp cơ sở là công xã nông thôn. Công xã nông thôn là hình thức tổ chức quá độ từ công xã thị tộc. Trong công xã vẫn duy trì chế độ sở hữu chung tương tự như trong công xã thị tộc nhưng ở trình độ cao hơn. Quan hệ giữa các thành viên công xã dựa trên yếu tố láng giếng chứ không phải là quan hệ huyết thống. 

Ở phương Tây, nhiều nhà nước đã thiết lập ra những bộ máy nhà nước khá hoàn thiện, tính chuyên môn hóa tương đối cao, trong bộ máy của nhiều nhà nước đã tồn tại các cơ quan nhà nước với cách thức tổ chức và hoạt động dân chủ. Bước đầu có thể nhận xét rằng bộ máy nhà nước chủ nô phương Tây đã có sự phân công giữa các cơ quan trong việc lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hội đồng trưởng lão, viện nguyên lão là cơ quan có chức năng gần như quốc hội của các nhà nước hiện đại. Hội đồng quan chấp chính có chức năng tương tự chính phủ trong bộ máy ngày nay. Tòa án là thiết chế hình thành khá sớm trong bộ máy các nhà nước chủ nô phương Tây.

Dù là ở phương Đông hay phương Tây, trong bộ máy của các nhà nước chủ nô, bộ phận giữ vai trò chủ đạo là lực lượng cưỡng chế chuyên nghiệp. Nhà nước nào cũng không ngừng tăng cường xây dựng quân đội lớn mạnh. Thời gian đầu, quân đội đảm nhận cả chức năng của cảnh sát – cơ quan coi giữ trật tự công cộng. Về sau, do yêu cầu, đòi hỏi của thực tế đời sống, cơ quan chuyên nghiệp làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội (cảnh sát) được từng bước hình thành. Bên cạnh việc giữ gìn trật tự, ở một số nước, cảnh sát còn có thêm chức năng giúp tòa án điều tra các vụ án, người đứng đầu cơ quan này còn có chức năng xét xử. Ở phương Đông, lực lượng cảnh sát còn được sử dụng để bảo vệ các công trình công cộng như hệ thống thủy lợi, nhà thờ và những khu lao động tập trung của nhà nước...


IV. HÌNH THỨC NHÀ NƯỚC CHỦ NÔ


Do hình thành và phát triển trong những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước ở mỗi nước cũng có nhiều khác biệt. Ngay trong một nhà nước, qua các giai đoạn phát triển khác nhau, việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước cũng có sự khác nhau.

Về hình thức chính thể, trong các nhà nước chủ nô có cả chính thể quân chủ và cả chính thể cộng hòa.

Về hình thức cấu trúc nhà nước, hầu hết các nhà nước chủ nô đều có cấu trúc đơn nhất. Giai đoạn đầu, các nhà nước chưa có sự cấu tạo nhà nước thành các đơn vị hành chính lãnh thổ. Cùng với sự phát triển của chế độ chiếm hữu nô lệ, các đơn vị hành chính lãnh thổ mới từng bước được thiết lập.

Về chế độ chính trị, các nhà nước chủ nô chủ yếu sử dụng phương pháp phản dân chủ để thực hiện quyền lực nhà nước, tuy nhiên, ở một số nhà nước chủ nô có chính thể cộng hòa dân chủ, các biện pháp dân chủ cũng đã được áp dụng tương đối rộng rãi.

Ở phương Đông, hầu hết các nhà nước đều có chính thể quân chủ chuyên chế. Quyền lực nhà nước được tập trung một cách cao độ vào trong tay người đứng đầu nhà nước. Toàn bộ các cơ quan nhà nước từ trung ương xuống địa phương đặt dưới sự điều khiển trực tiếp của nhà vua. Nhà vua được thần thánh hóa, quyền lực nhà vua là vô hạn, ý chí nhà vua là pháp luật, không có bất cứ thiết chế nào có thể kiểm soát hay hạn chế được quyền lực của nhà vua. Ra đời, tồn tại và phát trong điều kiện trị thủy và chống giặc ngoại xâm là những vấn đề mang tính quyết định sống còn, bởi vậy, sự liên kết cộng đồng và vai trò của người tổ chức, chỉ huy trở nên vô cùng quan trọng. Lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp vì vậy sở hữu tư nhân về đất đai cũng khó có điều kiện để phát triển. Trên thực tế, nhà vua thường là người có công lao to lớn trong công cuộc trị thủy cũng như trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Mặt khác, trong điều kiện bị bao bọc bởi những quan niệm tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo đa thần mà nhà vua được thần thánh hóa, được coi như con của các vị thần linh có đầy quyền uy và phép lạ. Chính vì vậy, nhà vua không chỉ là người nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất mà còn là người “thế thiên hành đạo”, thay trời chăn dắt dân chúng. Đó là một vài lí do giải thích tại sao ngay từ khi hình thành và trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, các nhà nước chủ nô phương Đông đều tồn tại chính thể quân chủ chuyên chế.

Khác với phương Đông, các nhà nước chủ nô phương Tây khi mới hình thành phần lớn có chính thể cộng hòa. Thực tế đó là do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của các nhà nước đó quy định. Các nhà nước chủ nô phương Tây ra đời trong điều kiện lực lượng sản xuất ở trình độ tương đối cao, nền kinh tế công thương nghiệp phát triển khá mạnh mẽ làm xuất hiện tầng lớp quý tộc mới, quý tộc công thương. Tầng lớp này ngày càng có địa vị kinh tế lớn, họ đã liên minh với giới bình dân chống lại quý tộc thị tộc bảo thủ đòi quyền lợi cho mình. Chính vì vậy, không có cơ sở để quyền lực có thể tập trung trong tay cá nhân. Tuy nhiên, chính thể cộng hòa ở phương Tây cũng chỉ tồn tại được trong thời kì nhất định. Trong điều kiện đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt, mâu thuẫn trong nội bộ giai cấp thống trị ngày càng sâu sắc, mặt khác, những người nắm giữ quyền lực tối cao của nhà nước luôn có xu hướng thâu tóm quyền lực vào tay mình, chính thể cộng hòa với những cách thức tổ chức phức tạp của nó đã không còn đáp ứng được đòi hỏi của tình hình, vì vậy, nó được thay thế bằng chính thể quân chủ chuyên chế.

Chính thể cộng hòa ở phương Tây bao gồm cả cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc. Điển hình cho chính thể cộng hòa dân chủ là nhà nước Aten trong thời gian từ thế kỉ thứ V đến thế kỉ thứ IV TCN. Ở đây, các cơ quan quyền lực nhà nước đều được hình thành bằng con đường bầu cử và hoạt động theo nhiệm kì. Đại hội nhân dân là cơ quan cao nhất của quyền lực nhà nước. Đại hội họp theo định kì, có quyền thảo luận và biểu quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước, thông qua hay phủ quyết các dự luật, bầu các viên chức của bộ máy nhà nước. Mỗi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình về tất cả các vấn đề mà họ quan tâm, có quyền yêu cầu đại hội hủy bỏ các đạo luật nếu nội dung của nó làm tổn hại tới nền dân chủ. Cơ quan hành chính cao nhất là hội đồng do đại hội nhân dân bầu ra với nhiệm kì một năm. Để mở rộng quyền dân chủ cho các công dân, nhà nước đã thực hành chế độ bầu cử các quan chức nhà nước bằng phương pháp bốc thăm.

Điển hình cho chính thể cộng hòa quý tộc trong các nhà nước chủ nô phương Tây là nhà nước Spác từ thế kỉ thứ VII đến thế kỉ thứ IV TCN, nhà nước Rôma từ thế kỉ VI đến thế kỉ thứ I TCN. Ở Spác, đại hội nhân dân vẫn tồn tại nhưng vai trò rất hạn chế. Trong hội nghị, công dân không có quyền thảo luận, đóng góp ý kiến mà chủ thể hiện sự đồng ý hay phản đối bằng những tiếng kêu thét. Về thực chất, quyền lực nhà nước nằm trong tay hội đồng trưởng lão do giới quý tộc bầu ra. Hội đồng trưởng lão có quyền lập pháp và quyền quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước trước khi đem ra đại hội nhân dân thông qua một cách hình thức. Ở Spác còn tồn tại cơ quan gọi là hội đồng năm quan giám sát cũng do tầng lớp quý tộc bầu ra, là đại biểu của các thế lực quý tộc giàu có bậc nhất trong xã hội. Đây thực chất là cơ quan có quyền lực cao nhất ở Spác, chức năng, quyền hạn của nó bao trùm lên các cơ quan khác như giám sát hoạt động của “vua” và hội đồng trưởng lão, triệu tập và chủ trì đại hội nhân dân, có quyền giải quyết mọi công việc ngoại giao, tài chính, tư pháp, kiểm tra tư cách công dân. Ở Rôma, cách thức tổ chức các cơ quan tối cao của nhà nước cũng tương tự như ở Spác. Về hình thức, đại hội nhân dân vẫn là cơ quan quyền lực cao nhất tuy nhiên quyền lực thực tế lại nằm trong tay viện nguyên lão (nghị viện) bao gồm những thành viên được bầu ra từ những quý tộc giàu có nhất. Nghị viện có quyền quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng của nhà nước, có quyền thảo luận trước các dự luật, có quyền phê chuẩn hay phủ quyết những nghị quyết của đại hội nhân dân. Bởi vậy, nếu nghị viện không đồng ý, đại hội nhân dân không thể thông qua các đạo luật. Hội đồng quan chấp chính được bầu ra từ những hàng ngũ đại quý tộc với nhiệm kì một năm, là cơ quan trực tiếp điều hành công việc hàng ngày của đất nước.


V. SỰ RA ĐỜI VÀ BẢN CHẤT CỦA PHÁP LUẬT CHỦ NÔ


1. Sự ra đời của pháp luật chủ nô

Pháp luật chủ nô là kiểu pháp luật đầu tiên trong lịch sử, nó ra đời cùng với quá trình hình thành và phát triển của nhà nước chủ nô. Những nguyên nhân và điều kiện dẫn đến sự ra đời của pháp luật chủ nô đã hình thành và phát triển ngay trong lòng xã hội nguyên thủy (xem Chương IV Giáo trình này: Nguồn gốc và bản chất của pháp luật). Cũng như nhà nước chủ nô, quá trình hình thành và phát triển của pháp luật chủ nô diễn ra trong thời gian rất dài. Pháp luật chủ nô hình thành dần từng bước trên cơ sở thừa nhận, củng cố và bảo đảm cho những quy phạm xã hội của xã hội nguyên thủy được thực hiện bằng nhà nước. Cụ thể là một số tập quán, tín điều tôn giáo, quy tắc đạo đức... vốn đã hình thành và tồn tại từ thời thị tộc, bộ lạc nguyên thủy nhưng có lợi cho chủ nô, cho những hoạt động chung của cộng đồng được nhà nước chủ nô duy trì, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện mới và bảo đảm cho chúng được thực hiện. Sự xuất hiện của pháp luật chủ nô không làm mất đi những công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác mà chúng cùng tồn tại, cùng phối hợp điều chỉnh các quan hệ xã hội trong xã hội chiếm hữu nô lệ, do vậy giai đoạn đầu hầu như không có sự phân biệt rõ ràng giữa pháp luật với tập quán tín điều tôn giáo...

Sự phát triển toàn diện về mọi mặt của xã hội chiếm hữu nô lệ ngày càng làm cho các quan hệ xã hội xuất hiện ngày một nhiều và trở nên phức tạp hơn, nhất là những quan hệ liên quan tới việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Do tính chất và nhu cầu quản lí xã hội ngày càng cao đòi hỏi nhà nước chủ nô phải sử dụng nhiều hình thức pháp luật khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ lợi ích cho chủ nô, cho toàn xã hội một cách chặt chẽ, chính xác và hiệu quả hơn. Do vậy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được đại hội nhân dân hoặc nghị viện... của nhà nước chủ nô ban hành.

Sự ra đời của pháp luật chủ nô đánh dấu bước phát triển mới của loài người trong lĩnh vực điều chỉnh quan hệ xã hội. Là một trong những công cụ quản lí xã hội có hiệu quả, pháp luật chiếm hữu nô lệ đã góp phần tạo lập một trật tự xã hội cần thiết, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển của xã hội mới văn minh, phát triển hơn so với xã hội nguyên thủy mông muội, thấp kém, bởi khi đó “... chỉ có chế độ nô lệ mới làm cho sự phân công lao động có thể thực hiện được trên quy mô rộng lớn hơn giữa nông nghiệp và công nghiệp và do đó mới có thể có thời kì hưng thịnh nhất của thế giới cổ đại...”.

Pháp luật chủ nô hình thành và hoàn thiện dần cùng với sự hình thành và phát triển của nhà nước và xã hội chiếm hữu nô lệ. Do nhu cầu, đòi hỏi của đời sống nhà nước và xã hội chiếm hữu nô lệ. Do nhu cầu, đòi hỏi của đời sống nhà nước và xã hội mà phạm vi điều chỉnh của pháp luật chủ nô ngày càng được mở rộng tới nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và hiệu quả điều chỉnh của nó ngày càng cao làm cho vai trò và những giá trị xã hội của nó ngày càng được thừa nhận và phát huy. 

2. Bản chất của pháp luật chủ nô.

Ra đời từ nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội khi xã hội đã phát triển ở trình độ cao, pháp luật chủ nô luôn mang tính xã hội, nó là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính quy phạm và tính bắt buộc chung nhằm duy trì đời sống cộng đồng xã hội. Pháp luật chủ nô quy định những quy tắc hoạt động chung trong quá trình sản xuất, trao đổi, sinh hoạt có tính chất cộng đồng của xã hội chiếm hữu nô lệ. Là biểu tượng của công bằng và dân chủ, pháp luật chủ nô đã ghi nhận các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân (giai cấp chủ nô) đồng thời là phương tiện hữu hiệu để giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn trong xã hội. Nhờ có pháp luật mà xã hội chiếm hữu nô lệ trở nên ổn định và phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với những công cụ quản lí xã hội khác pháp luật chủ nô đã duy trì trật tự, sự ổn định, an toàn của xã hội chiếm hữu nô lệ. Là phương tiện tổ chức và quản lí các mặt khác nhau của đời sống xã hội đặc biệt là trong việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, pháp luật chủ nô đã tạo điều kiện cho xã hội chiếm hữu nô lệ tồn tại và phát triển với quy mô ngày càng lớn và với tốc độ nhanh vì lợi ích của cả nhân loại. Tuy nhiên, do xã hội chiếm hữu nô lệ không quá phức tạp và phát triển ở trình độ thấp nên vai trò và những giá trị xã hội của pháp luật chủ nô còn rất hạn chế. 

Pháp luật chủ nô ra đời, tồn tại và phát triển trên cơ sở các quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ mà trong đó tư liệu sản xuất và cả người sản xuất đều thuộc sở hữu của chủ nô. Pháp luật chủ nô lại do nhà nước nằm trong tay giai cấp chủ nô ban hành nên ý chí nhà nước mà nó thể hiện chủ yếu là của chủ nô. Thể hiện ý chí nhà nước của chủ nô, pháp luật chủ nô là phương tiện mà chủ nô sử dụng để bảo vệ lợi ích của chủ nô, chống lại nô lệ và những người lao động khác. Dựa vào pháp luật chủ nô tiến hành trấn áp sự phản kháng của nô lệ và những người lao động khác trong xã hội, ghi nhận và củng cố quyền lực của chủ nô. Pháp luật chủ nô cũng là công cụ để xác lập chế độ sở hữu của chủ nô, quy định tình trạng lệ thuộc của nô lệ vào chủ nô, hợp thức hóa các hình thức bóc lột tàn nhẫn của chủ nô đối với nô lệ. Pháp luật chủ nô ghi nhận và bảo vệ chế độ chiếm hữu nô lệ, thừa nhận chủ nô là công dân có đầy đủ mọi quyền hành và lợi ích còn nô lệ thì không được coi là công dân, họ không có một thứ quyền nào cả, họ bị buộc “phải làm mọi việc mà chủ nô yêu cầu và không được phản đối”. Đối với pháp luật, nô lệ bị xem như không tồn tại, họ không được coi là con người, họ chỉ được coi là khách thể của quan hệ sở hữu, họ có thể bị mua bán, cho tặng, thậm chí bị giết chết tùy theo ý muốn của chủ nô. Là công cụ chuyên chính của giai cấp chủ nô, cùng với nhà nước, pháp luật chủ nô thực hiện những mục đích mà giai cấp chủ nô đề ra là giam hãm, đày đọa nô lệ trong sự tối tăm, cực nhọc và khiếp sợ để ra sức áp bức, bóc lột họ một cách tàn nhẫn không có giới hạn.

Như vậy, pháp luật chủ nô là tập hợp các quy tắc xử sự chung do nhà nước chủ nô ban hành; thể hiện ý chí nhà nước của chủ nô; được nhà nước và các cá nhân chủ nô bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là các biện pháp cưỡng chế; mang nặng tính chủ quan và tính giai cấp; là một trong những công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lợi ích và mục đích của chủ nô, vì sự tồn tại và phát triển của xã hội chiếm hữu nô lệ. 


VI. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT CHỦ NÔ


1. Pháp luật chủ nô củng cố quan hệ sản xuất hình thành trên cơ sở chế độ chiếm hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và đối với người sản xuất, hợp pháp hóa sự bóc lột không có giới hạn của chủ nô đối với nô lệ.

Với sự xuất hiện của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, trong xã hội chiếm hữu nô lệ, tư liệu sản xuất và cả người sản xuất đều thuộc sở hữu của chủ nô. Pháp luật chủ nô ghi nhận và củng cố quyền tư hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất như đất đai, công cụ, phương tiện lao động và người sản xuất là nô lệ. Quyền sở hữu của chủ nô bao gồm sự chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản cũng như đối với nô lệ một cách tuyệt đối và được truyền từ đời này qua đời khác. Chẳng hạn, Luật La Mã quy định cho chủ nô có toàn quyền đối với tài sản, nghĩa là có thể chiếm đoạt, sử dụng, có thể bán, cho, tặng người khác hoặc phá hủy, tiêu diệt. Không chỉ đối với nô lệ mà những người khác đang sống trên đất của nhà thờ hoặc của các quý tộc lớn không được phép rời bỏ đi nơi khác sinh sống. Luật của một số nhà nước chủ nô còn cho phép chủ nô có thể dùng bất kì hình phạt nào kể cả tử hình đối với nô lệ, thậm chí chủ nô có thể tự tuyên án và thi hành bản án tử hình đó đối với nô lệ. Do pháp luật chỉ coi nô lệ là tài sản của chủ nô nên những nô lệ già hoặc ốm yếu khi không còn khả năng lao động nữa có thể bị chủ nô đuổi ra khỏi nhà hoặc bị bỏ đói cho chết dần.

Quyền tư hữu được pháp luật chủ nô bảo vệ rất chặt chẽ. Chẳng hạn, pháp luật một số nhà nước chủ nô cho phép chủ nợ có thể giam cầm, tra tấn con nợ trong nhà. Nếu con nợ gán vợ, các con của mình cho chủ nợ thì sau một số năm nhất định họ có thể được giải phóng thành người tự do. Nếu con nợ không được bạn bè, người thân bỏ tiền ra chuộc về thì họ có thể bị bán làm nô lệ, bị “tùng xẻo” hoặc có thể bị giết, thậm chí có thể bị chặt thành nhiều phần phụ thuộc vào số chủ nợ... Có thể nói pháp luật chủ nô coi tài sản giá trị hơn tính mạng con người, đối với chủ nô tài sản là quan trọng nhất. Mọi hành vi xâm hại tới tài sản của chủ nô đều bị pháp luật coi là tội phạm và bị trừng phạt rất nặng. Chẳng hạn, theo luật Đôracông thì ăn cắp rau hoặc quả trong vườn cũng bị tử hình còn luật La Mã thì cho phép giết tại chỗ những kẻ trộm ban đêm hoặc trộm có vũ khí...

2. Pháp luật chủ nô ghi nhận và củng cố tình trạng không bình đẳng trong xã hội

Pháp luật chủ nô luôn quy định và củng cố tình trạng đặc quyền của giới quý tộc chủ nô, chỉ chủ nô mới được pháp luật coi là công dân và có mọi thứ như đất đai, tư liệu sản xuất, nô lệ, các quyền và tự do cá nhân... còn nô lệ không được coi là công dân và không có thứ quyền nào cả. Thậm chí pháp luật của một số nước còn quy định những nô lệ được sinh ra mà khỏe mạnh hoặc thông minh hơn người thì sẽ bị giết chết để đề phòng sự chống đối của họ trong tương lai. Ngoài ra, pháp luật chủ nô còn chia công dân (giới quý tộc chủ nô) ra thành nhiều loại khác nhau phụ thuộc vào số tài sản mà họ có. Cùng với việc phân loại công dân, pháp luật còn ghi nhận cho mỗi loại công dân có những quyền hạn và nghĩa vụ khác nhau. Pháp luật của nhiều nhà nước chủ nô quy định vua có quyền vô hạn. Chẳng hạn, theo Luật La Mã thì hoàng đế không phải phục tùng pháp luật nào cả. Ý chí của hoàng đế là pháp luật đối với nhân dân. Những người thuộc các tầng lớp trên trong xã hội thường có nhiều quyền hơn, được giữ những chức vụ cao, quan trọng hơn trong bộ máy nhà nước. Những người bình dân hoặc công dân loại thấp không được tham gia vào các cơ quan nhà nước, không có đầy đủ các quyền như chủ nô khác và nếu vi phạm một số quy định của pháp luật thì họ có thể bị buộc trở thành nô lệ. Pháp luật chủ nô còn cho phép chủ nô có thể chuộc tội bằng tiền còn người tự do, người bình dân thì không có quyền đó.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ tập quán ăn miếng trả miếng chỉ áp dụng khi kẻ vi phạm và người bị hại có địa vị xã hội ngang nhau còn nếu giới quý tộc xâm hại tới những người có địa vị xã hội thấp hơn thì không áp dụng nguyên tắc trên, trong trường hợp này chủ thể vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt.

Pháp luật chủ nô còn quy định là với cùng tội phạm nhưng nếu người phạm tội là chủ nô thì mức phạt là cách chức còn đối với những người khác thì có thể bị giết chết

Những người thuộc tầng lớp dưới luôn phải vâng lời, không được phản đối những người thuộc tầng lớp trên, nếu vi phạm có thể bị trừng phạt rất nghiêm khắc.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ thì nô lệ chiếm số đông nhất nhưng họ không được pháp luật coi là công dân, thậm chí không được coi là con người nên họ không có một quyền hạn nào cả. Thậm chí việc giết chết hoặc gây thương tích cho nô lệ chỉ được pháp luật chủ nô coi là đã gây thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu (chủ nô) mà không bị coi là đã phạm tội giết người.

Tình trạng không bình đẳng trong xã hội chiếm hữu nô lệ không chỉ được ghi nhận trong pháp luật mà còn được bảo vệ rất chặt chẽ. Thông qua pháp luật, nhà nước chủ nô yêu cầu vua có nghĩa vụ áp dụng mọi biện pháp cưỡng chế để “những kẻ hạ đẳng không chiếm được vị trí của những người thượng đẳng”.


3. Pháp luật chủ nô ghi nhận sự thống trị tuyệt đối của gia trưởng đối với vợ và các con trong gia đình

Trong gia đình chủ nô, người gia trưởng (chủ nô) được pháp luật quy định có nhiều quyền hơn so với những thành viên khác. Chẳng hạn, Luật mười hai bảng La Mã quy định năng lực pháp luật của mỗi cá nhân phụ thuộc vào ba yếu tố là trạng thái tự do của người đó, quốc tịch và địa vị của người đó trong gia đình (là người chủ gia đình hay người phụ thuộc). Với những quy định của pháp luật chủ nô về tình trạng không bình đẳng trong gia đình như vậy nên chủ nô thường thực hiện quyền thống trị tuyệt đối của mình đối với vợ và các con. Ở nhiều nước, địa vị của người phụ nữ trong xã hội rất thấp, họ không có tự do, kể cả trong hôn nhân. Vợ và các con của chủ nô tuy không phải là nô lệ nhưng bị coi là sở hữu của chủ nô, do vậy chủ nô có rất nhiều quyền hành đối với họ. 

Con của chủ nô có quyền công dân, có địa vị pháp lí nhất định nhưng chủ nô có toàn quyền quyết định đến số phận, thậm chí cả tính mạng của họ. Chẳng hạn, ở nhà nước Spác, trẻ em (con của chủ nô) sinh ra nếu bị coi là ốm yếu, không khỏe mạnh thì sẽ bị giết chết. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, hôn nhân được coi như một dạng hợp đồng mua bán, trong đó đối tượng bị mua bán là cô dâu. Chính vì vậy, đối với con gái khi ở nhà thì bố là ông chủ của cô ta còn khi lấy chồng thì chồng là ông chủ của cô ta, nếu chồng chết thì chịu sự cai quản của gia đình nhà chồng. Đối với con trai, nếu hỗn láo với bố có thể bị chặt ngón tay, ngón chân hay bị bắt làm nô lệ hoặc bị giết chết. Tuy nhiên, những người con có chức vụ cao trong bộ máy nhà nước thì quyền lực của người cha đối với họ sẽ bị hạn chế.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, theo quy định của pháp luật thì phụ nữ không thể nhân dân mình để kí kết hợp đồng quan trọng. Trong gia đình, địa vị của người vợ chỉ được xác định ngang hàng với các con. Người vợ có nghĩa vụ phải luôn trung thành tuyệt đối với chồng. Những người vợ ngoại tình nếu bị bắt quả tang sẽ bị giết tại chỗ cùng người tình hoặc bị giam vào nhà tù kín suốt đời, ngược lại nếu người chồng không chung thủy thì cũng không có hậu quả pháp lí.

4. Pháp luật chủ nô quy định hình phạt dã man, tàn bạo

Hình phạt trong pháp luật chủ nô có thể coi là nghiêm khắc nhất, dã man, tàn bạo nhất. Các biện pháp trừng phạt phổ biến được áp dụng là tử hình. Chẳng hạn, trong Luật Đôracông (Hy Lạp) mọi tội lớn nhỏ đều có quy định mức án tử hình hay trong Luật La Mã các tội danh như đốt nhà, trộm cắp, phá hoại mùa màng, thẩm phán nhận hối lộ, vu khống với dụng ý độc ác, lừa gạt có tính chất nguy hiểm... tất cả đều bị tử hình. Việc tử hình cũng được thực hiện dưới những hình thức dã man như nấu phạm nhân trong vạc dầu, cắt đầu phạm nhân bằng cưa, ném phạm nhân vào lửa, chôn sống... Ngoài hình phạt tử hình, các biện pháp khác như cắt bỏ các bộ phận của cơ thể phạm nhân như tay, chân, tai, mũi, lưỡi, ngực... hoặc chọc cho mù mắt, đánh dấu vào mặt, cấm kết hôn... cũng được áp dụng đối với người phạm tội

Pháp luật chủ nô còn cho phép tra tấn nhục hình phạm nhân, giết cả cộng đồng mà trong đó có người phạm tội

5. Trong pháp luật chủ nô, đối tượng điều chỉnh không được xác định rõ ràng.

Ở nhiều nước, đối tượng, phạm vi và những lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật chưa được xác định rõ ràng. Do vậy, có nhiều quy định pháp luật chủ nô chỉ liên quan tới nghi lễ tôn giáo, tới luân lí, các quy tắc ứng xử trong gia đình, tới các cộng đồng xã hội mà không phải việc của nhà nước.


VII. HÌNH THỨC CỦA PHÁP LUẬT CHỦ NÔ


Quá trình ra đời của pháp luật chủ nô rất dài nên tồn tại chủ yếu dưới dạng pháp luật không thành văn và chưa hình thành hệ thống chuẩn mực bền vững nên hình thức của pháp luật chủ nô cũng rất đa dạng.

Thời kì đầu nhà nước chủ nô thừa nhận những tập quán đã và đang tồn tại trong xã hội thành pháp luật và đảm bảo cho chúng được thực hiện bằng sức mạnh của nhà nước. Ngoài ra còn có những tập quán pháp, những quy tắc xử sự được hình thành và phát triển trong quá trình phân hóa xã hội, hình thành nhà nước, quá trình vận hành bộ máy nhà nước, tổ chức và quản lí xã hội có giai cấp như tập quán truyền ngôi vua hay các chức vụ khác cho con cháu... Do vậy, hình thức phổ biến của pháp luật chủ nô là tập quán pháp.

Ngoài tập quán pháp ra, các quyết định của các cơ quan nhà nước chủ nô hoặc của cá nhân chủ nô khi giải quyết trường hợp cụ thể nào đó cũng được thừa nhận là khuôn mẫu để giải quyết những trường hợp tương tự. Cách thức này đã tạo ra hình thức tiền lệ pháp trong pháp luật chủ nô. Ý chí (quyết định) của các cơ quan hay những người đại diện nhà nước chủ nô nhiều khi chỉ được thể hiện bằng lời nói (khẩu truyền) chứ không ghi thành văn bản, mặc dù vậy những quyết định, những lời nói đó cũng được coi là pháp luật đối với nhân dân.

Cùng với sự phát triển của chữ viết trong xã hội chiếm hữu nô lệ là sự hình thành và phát triển pháp luật thành văn. Nhiều nhà nước chủ nô đã ban hành nhiều văn bản pháp luật ở các dạng khác nhau và được chép trên các loại vật liệu khác nhau như gỗ, tre, da súc vật... Thời kì đầu, các văn bản pháp luật chủ yếu là sao chép lại một cách có hệ thống những tập quán pháp không thành văn. Tuy nhiên, cũng có những nhà nước chủ nô đã xây dựng được những bộ luật tổng hợp khá công phu và tương đối hoàn chỉnh. Có thể nêu ra một số bộ luật nổi tiếng còn được biết đến sau đây:

- Bộ luật Hammurabi của nhà nước chủ nô Babilon (thế kỉ XVIII TCN) quy định về các vấn đề như quyền lực của vua, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, vấn đề lãnh thổ, tài sản, thuế, sở hữu, hôn nhân và gia đình... một cách rất chi tiết. Trong Bộ luật đã có lời nói đầu còn những quy định thuộc các vấn đề khác nhau đã được sắp xếp theo trật tự nhất định.

- Bộ luật Manu của nhà nước chủ nô Ấn Độ (thế kỉ II TCN) trong đó chép lại rất nhiều tập quán, tín điều tôn giáo và các quy định của các thời đại trước liên quan đến đời sống nhà nước và xã hội. Các quy định của Bộ luật vừa có ý nghĩa pháp lí vừa có ý nghĩa tôn giáo. Chúng vừa quy định các vấn đề liên quan đến quyền lực nhà nước, chế độ đẳng cấp, chế độ sở hữu tài sản, các loại hợp đồng, vấn đề hôn nhân và gia đình vừa quy định và đề cao uy quyền của tôn giáo trong xã hội.

- Luật Đôracông của nhà nước chủ nô Hy Lạp (năm 621 TCN) là đạo luật nổi tiếng hà khắc mà người đương thời cho là nó được viết bằng máu vì tất cả mọi tội lớn nhỏ trong Luật này đều có mức án tử hình. Trong Luật Đôracông, nguyên tắc “ăn miếng trả miếng” đã bị loại bỏ. Hành vi giết người không còn coi là gây thiệt hại tài sản mà đã được coi là tội phạm. Trong Luật Đôracông cũng đã có sự phân định khái niệm lỗi cố ý và lỗi vô ý...

- Luật mười hai bảng của nhà nước chủ nô La Mã (thế kỉ V-TCN) là bộ luật hoàn thiện nhất. Theo nhận xét của Ph. Ăngghen thì: “pháp quyền La Mã là sự biểu hiện pháp lí cổ điển của những điều kiện sinh sống và những sự xung đột của một xã hội, trong đó sở hữu tư nhân thuần túy thống trị đến nỗi mọi đạo luật sau này không thể đưa vào đó bất cứ một sự hoàn thiện căn bản nào”.( ) Luật La Mã có những quy định chính xác về nhiều khái niệm pháp lí như khái niệm chủ thể pháp luật, khái niệm năng lực pháp luật, các vấn đề pháp lí về sở hữu, về hợp đồng, các quy định về tội phạm và sự trừng phạt, các quy định về thủ tục tố tụng... Luật La Mã được coi là đạo luật đầu tiên mang ý nghĩa quốc tế của xã hội sản xuất hàng hóa. Nó được coi là “khuôn vàng thước ngọc”, được sao chép và được sử dụng ở nhiều nước kể cả các nước phong kiến và tư sản sau này.

Ngoài ba loại nguồn pháp luật cơ bản trên thì một số quy tắc như đạo đức, tín điều tôn giáo, quy ước của các cộng đồng dân cư... cũng được coi là nguồn của pháp luật chủ nô.

No comments:

Post a Comment