Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC) được thành lập vào tháng 11/1989 là một khuôn khổ hợp tác mang tính liên khu vực của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương
với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị. Việt Nam
chính thức trở thành thành viên APEC vào ngày 14/11/1998. Thực hiện chủ
trương tăng cường hội nhập kinh tế để mở đường cho thương mại phát
triển, mục tiêu chính của việc tham gia APEC đối với Việt Nam được xác
định là “Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam xâm
nhập thị trường các nước, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho thu hút
đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và
dịch vụ Việt Nam, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững.”
I. NỘI DUNG HỢP TÁC APEC.
Sau
15 năm tồn tại và phát triển, APEC đã dần mang những yếu tố và đặc điểm
của một cộng đồng; quá trình xây dựng cộng đồng đã được bắt đầu trong
nhiều lĩnh vực hợp tác của APEC. Sự mở rộng phạm vi nội dung hợp tác của
APEC trong những năm gần đây cho thấy APEC đang hướng đến một cộng đồng
theo nghĩa rộng hơn là một “cộng đồng kinh tế” đơn thuần.
- Về lĩnh vực thuế: với hai lĩnh vực thuế quan và phi thuế quan, mục tiêu cơ bản của MAG (Market Access Group – Nhóm tiếp cận thị trường) là tăng cường hợp tác giữa các thành viên APEC nhằm giảm thuế và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các hàng rào phi thuế trong khu vực, tiến tới các mục tiêu của tuyên bố Bogor về tự do hóa về thương mại đầu tư. APEC đã xây dựng cơ sở dữ liệu thuế xuất nhập khẩu, lịch trình giảm thuế, những thông tin về thuế quan hữu ích của toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên APEC nhằm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu thông tin về thuế của các thành viên APEC.
- Về lĩnh vực dịch vụ: APEC tập trung hợp tác trong 4 lĩnh vực dịch vụ là viễn thông và thông tin, vận tải, du lịch và năng lượng. Để khuyến khích tăng trưởng và phát triển trong lĩnh vực này, nhóm Dịch vụ APEC (GOS) đã được thành lập năm 1997 nhằm giải quyết các vấn đề thuận lợi hóa và tự do hóa đầu tư và thương mại dịch vụ. Nội dung hợp tác tập trung vào việc trao đổi thông tin liên quán đến đàm phán dịch vụ WTO để giúp các nền kinh tế thành viên APEC tham gia tích vực vào vòng đàm phán và đóng góp vào sự phát triển của thương mại dịch vụ; xây dựng danh mục lựa chọn về Tự do hóa tự nguyện, thuận lợi hóa và thúc đẩy hợp tác kinh tế kỹ thuật trong thương mại dịch vụ; nghiên cứu về Chi phí và lợi ích của Tự do hóa thương mại dịch vụ, cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách về giá trị cảu việc tiến hành tự do hóa thương mại dịch vụ... Nội dung hợp tác này nhằm mục tiêu giảm dần các hạn chế về thâm nhập thị trường, đồng thời từng bước áp dụng đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia đối với thương mại dịch vụ.
- Về lĩnh vực bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT): năm 1996, APEC đã thành lập Nhóm Chuyên gia về SHTT (IPEG) để điều phối và thực hiện những công việc có liên quan đến quyền SHTT. Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 12 và Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Chilê tháng 11/2004 đã ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền SHTT và sự cần thiết triển khai Chiến lược tổng thể của APEC về SHTT, trong đó có nội dung giảm vi phạm bản quyền tác giả và buôn bán hàng giả. Vì vậy, trong năm 2005, APEC đã thông qua Sáng kiến về “Chống Hàng giả và Vi phạm Bản quyền trong APEC”, cụ thể hóa các biện pháp được đề xuất đề các thành viên có thể áp dụng trong thực tế.
- Về lĩnh vực cạnh tranh: mục tiêu hoạt động của Nhóm công tác về chính sách cạnh tranh và nới lỏng cơ chế chính sáhc (CPDG) là tăng cường phát triển môi trường cạnh tranh trong khu vực; đánh giá tác động của các luồng thương mại và đầu tư; xác định những lĩnh vực hợp tác giữa các thành viên APEC. Hoạt động nổi bật của nhóm công tác này là xây dựng và cập nhật hàng năm cơ sở dữ liệu luật và chính sách cạnh tranh cho các thành viên APEC, đưa ra những chương trình xây dựng năng lực mới để hỗ trợ các nền kinh tế thành viên thực hiện các nguyên tắc APEC về tăng cường cải cách pháp luật và cạnh tranh, thực hiện Danh mục lựa chọn về chính sách cạnh tranh,...
- Về lĩnh vực đầu tư: Nhóm chuyên gia về đầu tư APEC (IEG) có nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác APEC về tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của khu vực như: triển khai thực hiện Danh mục các biện pháp đầu tư không ràng buộc; tổ chức các hội thảo về đầu tư;... Nhóm còn phối hợp và xuất bản cuốn “Sổ tay hướng dẫn về các chính sách đầu tư của các thành viên APEC” nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về chế độ, chính sách đầu tư của toàn bộ 21 nền kinh tế thành viên APEC dành cho các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực này.
- Về lĩnh vực du lịch: Nhóm công tác về Du lịch của APEC (TWG) được thành lập vào năm 1993 với vai trò xây dựng chiến lược chung về du lịch thông qua việc phối hợp 4 mục tiêu chính sách về du lịch của APEC bao gồm: (i) Dỡ bỏ rào cản đối với thương mại và đầu tư trong ngành du lịch; (ii) Tăng cường việc đi lại của du khách và nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ du lịch; (iii) Quản lý bền vững các tác động và hiệu quả của du lịch; (iv) Tăng cường nhận thức và hiểu biết về du lịch như là một phương tiện phát triển kinh tế xã hội vào chiến lược du lịch của từng nền kinh tế và phát triển công nghiệp du lịch trong toàn khu vực. Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chủ yếu là nghiên cứu các trở ngại trong du lịch khu vực; xây dựng dự án Thông lệ thực hành tốt nhất và ý tưởng về an toàn, an ninh đối với các nền kinh tế APEC nhằm chống khủng bố trong lĩnh vực du lịch; thành lập trung tâm quốc tế APEC về du lịch bền vững (AICST); xây dựng dự án Nhu cầu phát triển kinh doanh du lịch của doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng Chiến lược phục hồi sau thảm họa;...
- Về lĩnh vực viễn thông: nhóm công tác về viễn thông và thông tin (TEL) được thành lập năm 1990 bao gồm 4 tiểu nhóm chính: tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại, hợp tác phát triển và phát triển nguồn nhân lực. Nhóm chịu trách nhiệm đề xuất, thực hiện và định hướng các dự án hoạt động để đạt được mục tiêu tổng thể của APEC là phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông và thông tin trong khu vực, tạo thuận lợi cho việc hợp tác hiệu quả, tự do thương mại và đầu tư và phát triển bền vững. Chương trình hành động của nhóm bao gồm việc thực hiện chiến lược e-APEC, thực hiện kế hoạch hành động để rút ngắn khoảng cách kỹ thuật số, thúc đẩy phát triển các chính sách và các biện pháp nhằm tự do hóa thương mại và đầu tư trong lĩnh vực viễn thông và thông tin, an toàn điện tử, chính phủ điện tử, các chương trình thừa nhận lẫn nhau về các sản phẩm viễn thông, xây dựng năng lực và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.
- Về lĩnh vực khoa học và công nghệ: nhóm công tác về Khoa học Công nghệ Công nghiệp (ISTWG) tập trung nghiên cứu 6 chủ đề ưu tiên sau: tăng cường cập nhật và trao đổi thông tin; tăng cường phát triển nguồn nhân lực; cải thiện môi trường kinh doanh; đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực; tăng cường đối thoại trao đổi và rà soát chính sách; phát triển hệ thống mạng và quan hệ đối tác.
- Về lĩnh vực kỹ thuật nông nghiệp: nhóm chuyên gia về hợp tác kỹ thuật nông nghiệp (ACTEG) được thành lập năm 1996 nhằm tăng cường hợp tác giữa các thành viên trong lĩnh vực này, nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp và các ngành liên quan khác nhằm góp phần vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội. Các hoạt động ưu tiên của nhóm bao gồm: sử dụng và bảo tồn các nguồn gien động thực vật; nghiên cứu, phát triển và mở rộng công nghệ ính học nông nghiệp; sản xuất, chế biến, tiếp thị, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp; kiểm soát dịch bệnh và kiểm dịch động thực vật; hợp tác phát triển hệ thống tài chính nông nghiệp; chuyển giao công nghiệp và đào tạo;...
- Về lĩnh vực xúc tiến thương mại: nhóm Xúc tiến Thương mại APEC (WGTP) được thành lập năm 1990 với các hoạt động tập trung vào xúc tiến thương mại, đầu tư, kỹ năng thương mại, đào tạo thông tin và mạng lưới thương mại, hợp tác giữa các khu vực tư nhân và các tổ chức xúc tiến thương mại nhà nước. Nhóm đã cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp những thông tin quan trọng thông qua việc xuất bản cuốn “Hướng dẫn triển lãm thương mại APEC” và tổ chức hội thảo về tư bản rủi ro và hệ thống đảm bảo tín dụng nhằm trao đổi thông tin về việc cung cấp tài chính cho thương mại.
II. VAI TRÒ CỦA VIỆT NAM TRONG APEC
Tháng
11/1998 các thành viên của APEC đã thông qua việc kết nạp Việt Nam làm
thành viên chính thức của APEC, đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến
trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. 10 năm gia nhập APEC, Việt
Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của APEC, qua đó khẳng
định vai trò của Việt Nam trong APEC, cụ thể là:
-
Thực hiện nghiêm túc các cam kết hợp tác thường niên của APEC như cập
nhật Chương trình Hành động Quốc gia và Báo các tiến độ thực hiện Chương
trình Hành động tập thể về Thuận lợi hóa Thương mại; cập nhật Kế hoạch
Hành động Chống khủng bố; cung cấp các thông tin về chính sách trong một
số lĩnh vực khác theo yêu cầu của APEC.
-
Việt Nam là thành viên tích cực tại nhiều nhóm công tác của APEC như
nhóm bạn của Chủ tịch về An ninh lương thực; Đối phó với tình trạng khẩn
cấp; Chống khủng bố;..., có tiếng nói độc lập và thuyết phục.
-
Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác, trong đó gồm
nhiều đề xuất tổ chức Hội thảo, Khóa đào tạo trong hàng loạt lĩnh vực
như thuận lợi hóa thương mại, sở hữu trí tuệ, chống tham nhũng, phòng
chống dịch bệnh và đối phó với tình trạng khẩn cấp. Những sáng kiến này
nhằm chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nền kinh tế thành
viên APEC cụ thể như Hội thoại “Đối thoại giữa các nền kinh tế, cộng
đồng doanh nghiệp và các đối tác khu vực và quốc tế quan trọng của APEC
về đối phó với tình trạng khẩn cấp”; Hội thảo về “Chính sách quản lý xã
hội đối với người di cư nhằm hạn chế sự lây nhiễm của HIV/AIDS”, Hội
thảo Đối tác Công - Tư..
-
Kể từ khi gia nhập APEC cho tới nay, Việt Nam đã xây dựng và vận động
được APEC tài trợ khoảng gần 30 dự án xây dựng năng lực, với tổng giá
trị hơn 2 triệu USD nhằm vào các nội dung chính như: Đàm phán các
thỏa thuận thương mại tự do khu vực và song phương (RTAs/FTAs), Doanh
nghiệp vừa và nhỏ, Đầu tư, Hải quan, Chính sách cạnh tranh, Tiêu chuẩn
và hợp chuẩn, Vệ sinh dịch tễ, Khoa học Công nghệ, Thủy sản, Sở hữu trí
tuệ,... Điều này đã góp phần tăng thêm nguồn kinh phí đào tạo nhân
lực, quản lý, học tập trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam nói chung cũng
như của các cán bộ tham gia APEC nói riêng trong quá trình hội nhập quốc
tế.
-
Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động thuận lợi hoá
thương mại APEC là thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác giữa chính phủ và
khu vực tư nhân trong tiến trình thuận lợi hoá thương mại. Kể từ khi
chương trình thuận lợi hoá thương mại APEC được triển khai, Việt Nam là
thành viên APEC đầu tiên đưa ra Sáng kiến tổ chức phiên đối thoại công -
tư về thuận lợi hoá thương mại.
-
Trong năm 2011, nhằm hướng tới Hội nghị cấp cao APEC 19, Việt Nam đã tổ
chức thành công hai hội thảo APEC về đối phó với lũ lụt bất thường
(ngày 28 và 29-7 tại Đà Nẵng), và về tự chứng nhận xuất xứ (ngày 28 và
29-7 tại Hà Nội). Triển khai mạnh mẽ chủ trương mà Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ XI đã đề ra về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tăng
cường quan hệ với các đối tác và tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong
các khuôn khổ hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ tiếp tục
tham gia một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong APEC, qua
đó phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của nước ta tại Diễn đàn cũng như
tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
KẾT LUẬN
Có
thể nói, việc tham gia APEC của Việt Nam thời gian qua, đã mang lại
nhiều tác động tích cực đối với tăng trưởng, phát triển của đất nước
trên nhiều phương diện, góp phần củng cố hình ảnh và vị thế của Việt Nam
trong khu vực, thúc đẩy hợp tác song phương với các nền kinh tế trong
khu vực. APEC cũng chính là điều kiện để Việt Nam khẳng định quá trình
hội nhập kinh tế đầy đủ của mình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007.
- Giáo trình Luật quốc tế, Thạc sĩ Nguyễn T Kim Ngân, Thạc sĩ Chu Mạnh Hùng, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.
- Hỏi đáp về diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) – Bộ Thương mại – Vụ chính sách thương mại đa biên – Hà Nội, tháng 1 năm 2006.
No comments:
Post a Comment