26/06/2014
Hoạt động áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - Bài tập nhóm Công pháp quốc tế
Trên cơ sở quy định tại điều 24 Hiến chương LHQ, Hội đồng bảo an là cơ quan lãnh đạo chính trị thường trực của LHQ, chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới. HĐBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết các tranh chấp quốc tế hoặc xung đột.Khi cần thiết, có thể sử dụng hành động, kể cả việc cương chế và vũ lực nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình và các hành động xâm lược. Sau đây là bài làm của nhóm 1 về vấn đề: “Phân tích cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc”

NỘI DUNG

I. Khái quát chung.

1. Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc


Điều 7, Hiến chương Liên hợp quốc quy định về cơ cấu tổ chức của Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính và các cơ quan chuyên môn khác. Trong đó, Hội đồng Bảo an là cơ quan thường trực của Liên hợp quốc  có vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực (Cộng hòa Liên bang Nga, Công hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Pháp, Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ailen và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) cà 10 ủy viên không thường trực được Đại hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm.


Để đảm bảo cho Liên Hiệp Quốc hoạt động nhanh chóng và hiệu quả, các thành viên Liên Hiệp Quốc trao cho Hội đồng bảo An trách nhiệm chính trong sự nghiệp duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và thừa nhận rằng, khi làm những nghĩa vụ do trách nhiệm ấy đặt ra, thì Hội đồng bảo an hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên của Liên Hiệp Quốc. Khi thực hiện những nghĩa vụ đó, Hội đồng bảo an được trao cho những quyền hạn nhất định để có thể làm tròn nghĩa vụ của mình. Các quyền hạn đó được quy định ở chương VI, VII, VIII và XII.

2. Biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo An LHQ.

Trong luật quốc tế nói chung và Hiến chương Liên hợp quốc nói riêng cho tới nay chưa có một khái niệm cụ thể về trừng phạt quốc tế hay khái niệm trừng phạt vũ trang quốc tế.

Biện pháp trừng phạt vũ trang của HĐBA LHQ có thể hiểu theo điều 42, Hiến chương Liên Hiệp Quốc: “Nếu HĐBA nhận thấy những biện pháp nói tại điều 41 là không phù hợp hoặc đã mất hiệu lực, thì HĐBA có thẩm quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân mà HĐBA xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là các cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của ác thành viên trong LHQ thực hiện.”

II. Cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

1. Cơ sở pháp lý áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Trong Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc, cụ thể tại quy định các Điều 42, Điều 43, Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 49, Điều 50 là cơ sở pháp lý đảm bảo cho biện các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo Điều 42 Hiến chương Liên hợp quốc: "Nếu Hội đồng Bảo an nhận thấy những biện pháp nói ở Điều 41 là không thích hợp, hoặc đã mất hiệu lực, thì Hội đồng Bảo an có thẩm quyền áp dụng mọi hành đông của hải, lục, không quân mà Hội đồng bảo an xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của các nước thành viên Liên hợp quốc thực hiện". Như vậy, ta xác định:

- Về điều kiện để áp dụng biện pháp trừng phạt vũ trang, đó là: Trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã áp dụng các biện pháp tạm thời không cho tình hình nghiêm trọng hơn như: yêu cầu các bên thi hành ngừng bắn, rút quân về vị trí ban đầu, ... và trong trường hợp tình hình trở nên xấu đi, Hội đồng Bảo an tiếp tục áp dụng các biện pháp phi vũ trang khác như cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển... nhưng nhận thấy những biện pháp này không thích hợp hay tỏ ra không thích hợp hoặc mất hiệu lực thì Hội đồng Bảo an có quyền áp dụng các biện pháp vũ trang.

- Về nội dung của các biện pháp trừng phạt vũ trang: Khi thỏa mãn các điều kiện để tiến hành các biện pháp trừng phạt vũ trang, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có quyền tiến hành các biện pháp trừng phạt vũ trang bằng việc sử dụng lực lượng hải quân, lục quân, không quân để tiến hành những cuộc biểu dương lực lượng, những biện pháp phong tỏa hoặc những cuộc hành quân khác mà Hội đồng Bảo an xét thấy cần thiết cho việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. 

Những kế hoạch sử dụng lực lượng vũ trang sẽ do Hội đồng Bảo an đề ra với sự giúp đỡ của Ủy ban tham mưu quân sự (theo điều 46 Hiến chương LHQ) 

Ủy ban tham mưu quân sự được quy định cụ thể tại Điều 47 Hiến chương Liên hợp quốc. 

- Về mục đích của các biện pháp trừng phạt vũ trang: Tất cả các biện pháp vũ trang nêu trên của Hội đồng Bảo an nhằm mục đích trừng phạt các quốc gia đã thực hiện hành vi đe dọa, phá hoại hòa bình hoặc có hành vi xâm lược đồng thời qua đó hạn chế các điều kiện tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm của các quốc gia này.

- Ngoài ra, để hỗ trợ cho hoạt động trừng phạt vũ trang nhằm đảm vai trò của Hội đồng bảo an, Hiến chương Liên hợp quốc còn quy định: khi Hội đồng Bảo an quyết định áp dụng các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải có nghĩa vụ cung cấp cho Hội đồng Bảo an lực lượng vũ trang cần thiết, sự yểm trợ và mọi phương tiện khác kể cả cho quân đội của Liên hợp quốc qua lãnh thổ nước mình (Điều 43), các thành viên cũng phải báo động cho một số phi đội không quân vào tư thế sẵn sàng chiến đấu khi Liên hợp quốc có ý định áp dụng những biện pháp quân sự khẩn cấp (Điều 45). Tuy nhiên, trước đó Hội đồng Bảo an cũng cần phải mời thành viên đó, nếu họ muốn, tham gia việc định ra những quyết định của Hội đồng Bảo an về sơ bộ sử dụng lực lượng vũ trang của thành viên ấy (Điều 44).

2.Thực tiễn hoạt động áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù hoạt động dựa trên quy định của Luật quốc tế, song thực tiễn hoạt động áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của HĐBA LHQmang những nét đặc trưng qua mỗi thời kì do chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh chung của thế giới ở mỗi giai đoạn khác nhau. Trong đó, tiêu biểu nhất là thời kì Chiến tranh lạnh (1946-1991) và sau năm 1991 đến nay. Việc sử dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của HĐBA về cơ bản vẫn trên quy định của luật chung nhưng cũng vì bối cảnh thực tế mà có những khác nhau qua mỗi thời kì.

Vào thời kì chiến tranh lạnh, nhằm mục đích cân bằng lực lượng, tiềm năng kinh tế và quân sự của hai cường quốc Mĩ và Liên Xô, sự phân cực đông tây, sự tranh giành của hai khối này đối với các nước mới giành độc lập, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân. Đòi hỏi phải có sự kiềm chế để tránh nguy cơ chiến tranh hủy diệt nhân loại. Lúc này Hội đồng bảo anLHQ  cần cấp bách đưa ra những biện pháp của mình, tuy nhiên lúc này hội đồng bảo an ít được sự đồng thuận đối với các vấn đề quốc tế. Vì thế trong suốt 46 năm hội đồng bảo an chỉ được áp dụng các biện pháp trừng trị vũ trang 2 lần, đó là với Inđônêxia năm 1966 và Nam Phi năm 1977.

Phải từ thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, LHQ mới có những nghị quyết cho phép tiến hành những hoạt động quân sự để can thiệp vào các tình huống được coi là đe đọa đến hòa bình, chiến tranh hay hành vi xâm lược. Ví dụ điển hình nhất là NQ 678 của HĐBA cho phép các nước thành viên tấn công I rắc để trừng phạt hành vi xâm lược Cô oét (Chiến dịch bão táp sa mạc trong Cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991).Cụ thể, ngày 2/8/1990, I rắc xâm chiếm Cô oét.2 ngày sau đó, I rắc tuyên bố Cô oét là một phần của I rắc.Vào 9/8/1990, HĐBA tuyên bố trong NQ 660 rằng một sự phá vỡ hòa bình đã diễn ra và kêu gọi I rắc phải lập tức rút quân khỏi Cô oét. Sau đó, một loạt các biện pháp trừng phạt phi vũ trang được áp đặt đối với I rắc theo các NQ 661, NQ 662, NQ 665, và được tiếp tục tăng cường theo NQ 670 của HĐBA. Tuy nhiên, I rắc vẫn chưa thể hiện được cho cộng đồng quốc tế thấy những nỗ lực của mình trong việc cải thiện tình hình.Như vậy, đến thời điểm này, các điều kiện cho việc áp dụng biện pháp trừng phạt vũ trang của HĐBA đối với I rắc đã hình thành đầy đủ. Nhận thấy những biện pháp nói tại Điều 41 đã không còn phù hợp, tháng 11/1990, HĐBA đã ban hành NQ 678, cho phép các nước thành viên sử dụng mọi biện pháp cần thiết, kể cả hành động quân sự chống lại các lực lượng I rắc đang chiếm đóng Cô oét, và yêu cầu I rắc phải rút toàn bộ quân đội ra khỏi Cô oét trước ngày 15 tháng 1 năm 1991. Với NQ 678, HĐBA đã cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang đối với I rắc.Hạn chót trôi qua, Mỹ đứng đầu liên quân tấn công I rắc.Trong vòng 100 ngày, Cô oét được giải phóng.Thái độ thù địch tạm thời chấm dứt bằng sự chấp thuận của I rắc đối với NQ 686.

Tăng lên về số lượng và chất lượng, các biện pháp vũ trang sau chiến tranh lạnh thể hiện tính trung lập, khách quan trong việc giải quyết các sự việc diễn ra trên thế giới.

Nhìn chung, các biện pháp & cách thức được HĐBA áp dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. cũng như khôi phục và giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không phải tất cả các biện pháp và quy chế này trong mọi trường hợp đều có kết quả bởi việc áp dụng các biện pháp ấy ra sao, khi nào còn phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế , sự hợp tác và thiện chí của các quốc gia.

III. Đánh giá chung về cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động áp dụng các biện pháp trừng phạt vũ trang của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

1. Về mặt tích cực.

Với tính chất là biện pháp cưỡng chế bằng vũ lực của LHQ các biện pháp trừng phạt vũ trang nhằm đảm bảo thi hành các nguyên tắc của LHQ.

Đây là biện pháp thực sự phù hợp và hiệu quả khi mà các biện pháp phi vũ trang không thích hợp, các quốc gia sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất lợi khi có sự vi phạm. 

Ngoài ra, đây là biện pháp có tác động tích cực tới ý thức và hành vi tôn trọng luật quốc tế của các chủ thể luật quốc tế.

2. Một số hạn chế và kiến nghị.

Bên cạnh những ý nghĩa trong việc được áp dụng hoạt động trừng phạt vũ trang, HĐBA cũng đã phải nhận một số chỉ trích do không thể hoạt động một cách rõ ràng và kiên quyết khi đối đầu trước một cuộc khủng hoảng. Những ví dụ gần đây gồm chương trình hạt nhân của Iran và sự diệt chủng trong cuộc xung đột Darfur, Sudan.

Trong báo cáo tổng kết công việc của tổ chức LHQ, cựu Tổng thư kí Kofi Annan nhấn mạnh rằng nhiệm vụ cao cả nhất của ông hiện nay là khôi phục vai trò của LHQ trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và đoàn kết của các dân tộc trên thế giới. Các bài phát biểu của nhiều đại diên các nước đều đề cập đến vai trò của LHQ, trong đó có yêu cầu phải cải cách HĐBA. Do đó, HĐBA cần phải thay đổi cho phù hợp với những thay đổi của thế giới. Thế giới vẫn tiếp tục biến đổi mạnh mẽ, có thể nhận thấy dễ dàng vai trò của HĐBA ngày càng tăng, qua những hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ trong thời gian gần đây. 

Kiến nghị:

Thứ nhất, Việc đánh giá tình hình thức tế và mức độ đe doạ của tình hình đối với hoà bình quôc tế và mức độ cần thiết phải áp dụng các biện pháp trừng phạt phi vũ trang phải được thự hiện một cách khách quan.Nếu không đánh giá được chính xác thời điểm áp dụng và mức độ áp dụng thì việc áp dụng các biện pháp này không những không hiệu quả mà còn gây ra những tác động tiêu cực. HĐBA khi quyết định áp dụng các biện pháp trừng phạt phi vũ trang cần lựa chọn phương án giải quyết thích hợp nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu  cực đối với dân thường.

Thứ hai, các biện pháp trừng phạt phải nhắm đến mục tiêu rõ ràng, tác động trực tiếp đến đúng đối tượng, cụ thể là các tổ chức, cá nhân có vai trò quyết định trong việc đe doạ, phá vỡ hoà bình và an ninh thế giới.

Thứ ba, cần thiết phải chuẩn bị các phương án dự phòng đi kèm với các biện pháp trừng phạt phi vũ trang nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo thực hiện công việc của mình. Các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo trợ cấp nhân đạo phải được quy định cụ thể và làm cơ sở cho việc áp dụng khi các biện pháp trừng phạt được thì hành.

Thứ tư, cần tăng cường phối hợp giữa Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên trong quá trình thi hành các biện pháp trừng phạt, yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo về tình hình triển khai các biện pháp trừng phạt. Điều này giúp kiểm soát quá trình thực thi các biện pháp một cách hiệu quả và đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu.

KẾT LUẬN.

Về cơ bản, Hội đồng bảo an được tổ chức hoạt động thường xuyên nhằm ứng phó với các tình huống liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế đặt ra ở bất kì thời điểm nào và nhìn chung, cho tới thời điểm hiện tại các biện pháp trừng pháp vũ trang vẫn được xem là biện pháp thực sự hiệu quả khi mà các biện pháp phi vũ trang không thích hợp các quốc gia sẽ phải đối mặt với rất nhiều bất lợi khi có sự vi phạm. Đây là biện pháp có tác động tích cực tới ý thức và hành vi tôn trọng luật quốc tế của các chủ thể luật quốc tế.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến chương Liên Hiệp Quốc (Bản tiếng Việt)
2. “Hội đồng bảo an LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” – Luận văn Th.s ngành Luật quốc tế - Nguyễn Thị Hoài Hương, bảo vệ năm 2008.
3. Ths Đoàn Thành Nhân: “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay” - tạp chí Luật học 2005
4. Nguyễn Thị Yên: “Một số vấn đề pháp lý về sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế theo Hiến chương Liên hợp quốc” - tạp chí Luật học 2005.
5. Giáo trình Luật quốc tế - Trường ĐH Luật Hà Nội.
6. Website:
- http://m.vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/139429/can-thiep-quan-su-vao-syria--co-so-phap-ly-nao-.html
- http://www.vietnamplus.vn/hoi-dong-bao-an-ung-ho-can-thiep-quan-su-vao-trung-phi/233720.vnp

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment