28/08/2014
Cơ sở pháp lý cần thiết đảm bảo tính hợp pháp của Nghị quyết do Hội đồng bảo an thông qua
Bài tập tình huống cá nhân Công pháp quốc tế có đáp án.

TH7: Năm 2012, tại quốc gia A xảy ra nội chiến. Hàng ngàn người nổi dậy đã tiến hành đập phá các cửa hàng, nhà kho sân bãi nhằm tăng sức ép đề nghị chính phủ đương nhiệm phải từ chức. Cuộc giao tranh giữa Chính phủ đương nhiên và phe nổi dậy ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như đe dọa sự an toàn của những người nước ngoài đang có mặt trên lãnh thổ quốc gia A. Trước tình hình nguy cấp này, Hội động bảo an Liên hợp quốc, với tư cách là cơ quan thực hiện chức năng duy trì hòa bình và an ninh thế giới, đã có những cuộc họp nhằm xem xét vấn đề của quốc gia. Dự thảo Nghị quyết của hội đồng bảo an trong đó đề cập đến việc áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả các biện pháp về quân sự, đối với quốc gia A cũng đã được soản thảo. Trong thời gian chờ đợi nghị quyết được thông qua, với tư cách là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an quốc gia X đã cho một số tàu quân sự của mình tiến sâu vào neo đậu trong lãnh hải của quốc gia A để sẵn sang thực hiện Nghị quyết của Hội đồng bảo an. Hãy cho biết:

- Hành vi của quốc gia X có phù hợp với quy định của Công ước luật biển 1982 hay không? Tại sao?

- Các cơ sở pháp lý cần thiết đảm bảo tính hợp pháp của Nghị quyết do Hội đồng bảo an thông qua?

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
LHQ: Liên hợp quốc
HĐBA: Hội đồng bảo an 

BÀI LÀM
1. Hành vi của quốc gia X có phù hợp với quy định của Công ước luật biển 1982 hay không? Tại sao?

Trả lời: Hành vi của quốc gia X không phù hợp với quy định của Công ước luật biển 1982. Vì:

Quốc gia X cho neo đậu tàu tại lãnh hải của quốc gia A là trái với quy định của khoản 2 Điều 18 Công ước luật biển 1982 khi thực hiện quyền qua lại lãnh hải  đó là đi qua phải liên tục và nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đi qua bao gồm cả việc dừng lại và thả neo, nhưng chỉ trong trường hợp gặp phải những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc cạn”. Trong tình huống này, quốc gia X đã neo đậu tại vùng lãnh hải của quốc gia A mà không phải vì gặp những sự cố thông thường về hàng hải hoặc vì một trường hợp bất khả kháng hay mắc nạn hoặc vì mục đích cứu giúp người, thuyền hay phương tiện bay đang lâm nguy hoặc mắc cạn mà vì để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Nghị quyết của Hội đồng bảo an. 

Bên cạnh đó, quốc gia X đã vi phạm quy định của công ước Luật biển 1982 việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài bị coi là phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển, nếu như trong lãnh hải, tàu thuyền này tiến hành các họat động quy định tại khoản 2 Điều 19 Công ước Luật hiển 1982. Cụ thể việc đưa quân sự vào khu vực lãnh hại của quốc gia A là hành vi đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, điều này càng vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Luật quốc tế - nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ luật quốc tế. Việc quốc gia X đưa tàu quân sự vào khu vực lãnh hải của quốc gia A để sẵn sàng thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an là không có căn cứ vì Nghị Quyết của hội đồng bảo an chưa được thông qua, Nghị quyết của HĐBA được thông qua khi có 9 ủy viên của Hội dồng bảo an, trong đó có tất cả các ủy viên thường trực bỏ phiếu thuận (Điều 27 Hiến chương liên hợp quốc). 

Như vậy, hành vi của quốc gia X không phù hợp với Công ước Luật biển 1982.

2. Các cơ sở pháp lý cần thiết đảm bảo tính hợp pháp của Nghị quyết do Hội đồng bảo an thông qua?

Dẫn chiếu theo chương 7 Hiến chương liên hợp quốc (từ Điều 39 đến Điều 51) về hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, phá hoại hoặc có hành vi xâm lược. Theo đó, Nghị quyết của hội đồng bảo an trong đó đề cập đến việc áp dụng các biện pháp cần thiết, kể cả các biện pháp về quân sự, đối với quốc gia A là hoàn toàn phù hợp. Cụ thể, theo quy định tại Điều 39, Điều 41 Hội đồng có thẩm quyền quyết định những biện pháp áp dụng không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện nghị quyết của Hội đồng, và yêu cầu các thành viên Liên hợp quốc áp dụng biện pháp đó. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 42 Hiến chương thì nếu những biện pháp được nói tại Điều 41 mà không thích hợp hoặc mất hiệu lực thì Hội đồng bảo an có thẩm quyền áp dụng mọi hành động của hải, lục, không quân nếu Hội đồng bảo an cho rằng đó là cần thiết. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng, phong tỏa và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của các nước thành viên Liên hợp quốc thực hiện. Mặt khác, theo quy định tại Điều 51 Hiến chương nêu quốc gia thành viên của LHQ bị tấn công vũ trang mà cho tới khi HĐBA chưa áp dụng được các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình, an ninh quốc tế thì những biện pháp mà quốc gia thành viên của LHQ áp dụng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng phải được báo ngay cho HĐBA, do đó, có thể dùng biện pháp quân sự tương xứng nếu trong trường hợp bị tấn công vũ trang.

Hội đồng bảo an xác định tình hình nội chiến trên lãnh thổ quốc gia A không còn là công việc nội bộ của quốc gia A bởi tình hình nội chiến tại quốc gia A có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như đe dọa sự an toàn của những người nước ngoài đang có mặt trên lãnh thổ quốc gia A. Do đó, sự can thiệp của HĐBA LHQ trong trường hợp này không được coi là vi phạm nguyên tắc của luật quốc tế về “Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác”.

Để nghị quyết của HĐBA được thông qua thì cần 9 ủy viên của HĐBA, trong đó có tất cả các ủy viên thường trực bỏ phiếu thuận (Điều 27 Hiến chương Liên hợp quốc).

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình luật quốc tế. Trường đại học Luật Hà Nội.Nxb công an nhân dân, Hà Nội – 2004.
2. Giáo trình luật quốc tế. Ths.Nguyễn Kim Ngân- Ths.Chu Mạnh Hùng. Nxb giáo dục Việt Nam.
3. Luật biển quốc tế hiện đại. TS. Lê Mai Anh. Nxb lao động – xã hội, Hà Nội – 2005.
4. Hiến Chương Liên hợp quốc
5. Công ước luật biển 1982.

No comments:

Post a Comment