26/06/2014
Cơ sở pháp lý và thực tiễn xác lập, bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam - Bài tập nhóm Công pháp quốc tế

Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển dài trên 3.200 km, với vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng.Trong những năm qua, trên cơ sở Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (gọi tắt là công ước năm 1982), Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến vấn đề biển đảo cũng như thực thi chủ quyền trên biển nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển và tạo điều kiện khai thác tối đã những tiềm năng biển, đảo mang lại, đặc biệt là sự ra đời của Luật biển năm 2012, xác lập một cơ sở pháp lý rõ rành trong việc bảo vệ chủ quyền và phát triển các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề chủ quyền Việt Nam trên biển, sau đây là bài làm của nhóm về nội dung: “Phân tích, đánh giá cơ sở pháp lý và thực tiễn xác lập, bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”


NỘI DUNG

I. Khái quát chung.

Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, cụ thể tại điều 2 của Công ước nàycác vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia được xác định như sau: “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (merterritoriale). Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng đất của biển này”.

Căn cứ theo quy định này, vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia gồm: nội thủy và lãnh hải. Trên cơ sở quy định của Công ước Luật biển,Các bộ phận này được định nghĩa như sau: 

- Nội thủy (Internal waters):là các vùng nước ở phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải

- Lãnh hải (Territorial sea) là vùng biển nằm phía ngoài và tiếp liền nội thủy, có chiều rộng không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

II. Cơ sở pháp lý và thực tiễn xác lập, bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam

1. Cơ sở pháp lý xác lập các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Căn cứ theo quy định tại Công ước, vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam gồm hai bộ phận là nội thủy và lãnh hải. Cụ thể, các bộ phận này được xác định như sau: 

1.1. Nội thủy

Theo quy định tại khoản 1, Điều 8 Công ước 1982 nội thủy là: “Vùng nước phía bên trong đường cơ sở của lãnh hải thuộc nội thủy của quốc gia”.

Như vậy, nội thủy của quốc gia ven biển là vùng nước biển có chiều rộng được xác định bởi một bên là đường bờ biển còn bên kia là đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải và các vùng biển khác của quốc gia ven biển. Công ước 1982 đường cơ sở là điều kiện pháp lý không thể thiếu để quốc gia ven biển có thể xác định các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, công ước Luật biển chưa có định nghĩa cụ thể về đường cơ sở thông qua các điều khoản của công ước này mà chủ yếu quy định nội dung liên quan đến đường cơ sở như tại các điều:điều 3, điều 5, điều 7… củaCông ước.Trong đó, có hai phương pháp xác định đường cơ sở dung để tính chiều rộng lãnh hãi được công nhận, là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

Trên cơ sở quy định của Công ước, từ ngày 12-11-1982 Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam và sau này tiếp tục được khẳng định tại Điều 8 Luật biển Việt Nam năm 2012:“đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở  thẳng đãđược Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn”.

Theo tuyên bố này, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là hệ thống đường cơ sở thẳng, đường thẳng gãy khúc nối liền các đảo, mũi nhô ra xa nhất dọc theo bờ biển qua 11 điểm thành 10 đoạn thẳng xuất phát từ đường thẳng nối liền đảo Thổ Chu và đảo Poulo Wai, chỉ có một điểm duy nhất được xác định theo phương pháp đường cơ sở thông thường là điểm A8 (mũi Đại Lãnh).

Từ trước khi Luật biển năm 2012 được xây dựng và có hiệu lực, nước ta đã có những quy định về chủ quyền của quốc gia trong vùng nội thủy tại nhiều văn bản pháp lý. Từ Hiến pháp năm 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở  dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam ngày 12-11-1982 (điểm 5) hay Nghi định 62/2003/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới biển. 

Nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc xác định vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia và tạo điều kiện để phát triển các vùng biển này, Luật biển đã được ban hành vào năm 2012 và có hiệu lực vào ngày 1.1.2013. Trong đó,  nội thủy đươc xác định “là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở  phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam” (Điều 9, Luật biển năm 2012)..

Ở vùng nội thủy, “Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.”(Điều 10, Luật biển 2012)

1.2.Lãnh hải

Theo Điều 2 Công ước 1982, lãnh hải là vùng biển có chiều rộng nhất định nằm ở phía ngoài đường cơ sở, thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của quốc gia ven biển.

Theo pháp luật Việt Nam việc xác lập chủ quyền quốc gia trên biển nói chung và lãnh hải nói riêng đã được Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện thông qua các văn bản luật, đặc biệt là Điều 1 Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định chủ quyền thiêng liêng của quốc gia đối với các bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia trong đó có lãnh hải. Tuyên bố của Chính phủ nước cộng hào xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-5-1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đắc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của Việt Nam. Luật biên giới quốc gia năm 2003 quy định về lãnh hải tại Điều 9. Luật biển Việt Nam năm 2012 cũng đã khẳng định tại Điều 11: “lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam”.

Lãnh hải thừa nhận quyền quyền “đi qua không gây hại” của tàu thuyền nước ngoài. Điều này được quy định tại Điều 17 Công ước 1982 , hay tại khoản 2, Điều 2 luật biển Việt Nam năm 2012 “tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam…”. Và “việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 3, điều 2). Thuật ngữ “đi qua không gây hại” đã được cụ thể hóa tại Điều 18 và 19 của Công ước 1982 .

2. Thực tiễn xác lập, bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam 

2.1/ Thực tiễn xác lập.

Việt Nam đã tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề về phân định biển với các nước láng giềng và đạt được một số kết quả nhất định thông qua việc ký kết các Hiệp định về phân định biển. Đối với mỗi vùng biển cụ thể, hoạt động phân định biển được tiến hành theo từng phương pháp nhất định:

- Phân định lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải: phương pháp đường cách đều (trung tuyến) và biện pháp thỏa thuận giải pháp khác giữa các quốc gia trên cơ sở tính đến các yếu tố như danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt được ghi nhận như một phương pháp để giải quyết vấn đề phân định lãnh hải cũng như vùng tiếp giáp lãnh hải giữa các quốc gia.

- Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa: Việt Nam và các nước thông qua con đường thỏa thuận theo đúng quy định của pháp luật quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng.

2.2/ Thực tiễn hoạt động bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam

-  Thứ nhất, quy chế pháp lí đối với tàu thuyền nước ngoài

Các tàu thuyền của Việt Nam hoặc nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 04/09/1999 quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính như cảnh cáo, phạt tiền lên tới 100 triệu Việt Nam; hay hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng bằng, giấy phép, giấy chứng nhận, hộ chiếu thuyền viên và tịch thu tang vật.

Tàu thuyền nước ngoài ra vào phải xin phép và phải đáp ứng các điều kiện về neo đậu, đi qua theo pháp luật Việt Nam. Những vi phạm của tàu dân sự nước ngoài được áp dụng các biện pháp mang tính chất chế tài. Lực lượng cảnh sát biển là lực lượng có thẩm quyền xử phạt tại các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và cả thềm lục địa của Việt Nam. Quyền xử phạt hành chính của cảnh sát biển Việt Nam được đặt ra trong các lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hay tài nguyên khoáng sản hoặc đối với việc chống các hành vi buôn lậu.

- Thứ hai: Tổ chức lực lượng bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam

Lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam bao gồm: hải quân, cảnh sát biển, dân quân tự vệ. Ngoài ra, khu vực ven biển từ đường cơ sở trở vào còn có biên phòng, kiểm ngư... Quy chế phối hợp các lực lượng sẽ giao cho Bộ Quốc phòng xây dựng. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển, đảo.Ngày 29/8/2009, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã thành lập thêm Vùng 2 hải quân để bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam. Hải quân Việt Nam thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền cho các cấp lãnh đạo địa phương ven biển cùng ngư dân về vị trí, tầm quan trọng biển, đảo của nước ta, cũng như hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về Luật Biển Việt Nam, Ðiều ước Quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết cho các lực lượng hoạt động trên biển.

- Thứ ba: Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về chủ quyền quốc gia trên biển và tạo mọi điều kiện để có thể giữ vững chủ quyền vùng biển. Cụ thể, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng toàn bộ khu vực Biển Đông. Tầm phủ sóng là 3.500 km tính từ bờ biển, bao gồm toàn bộ khu vực lãnh hải Việt Nam và hầu hết những vùng đánh bắt cá xa bờ của ngư dân. Ngoài việc giúp phòng tránh thiên tai, cứu hộ cứu nạn cho ngư dân, đây còn là hành động khẳng định chủ quyền biển của Việt Nam.Ngoài ra, Quốc hội và Chính phủ cũng đang xem xét việc tăng cường đầu tư kinh phí cho bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển và thành lập các đội dân quân tự vệ biển, xây dựng và ban hành luật dân quân tự vệ.

Đối với tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển đặc biệt là tranh chấp trên biển Đông, Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển liên quan; Việt Nam đã đưa ra các chứng cứ lịch sử và dẫn chiếu các quy định pháp luật của công ước luật Biển quốc tế năm 1982 để chứng minh chủ quyền quốc gia đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Quan điểm của Việt Nam là phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi xảy ra tranh chấp với các nước trong khu vực, phải giải quyết qua ngoại giao, thương lượng hòa bình, tránh sử dụng sức mạnh quân sự .

III. Đánh giá về cơ sở pháp lý và thực tiễn xác lập, bảo vệ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Những nỗ lực trong Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là việc xây dựng thông qua Luật Biển năm 2012 là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan biển, đảo của nước ta, xác định rõ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt  Nam. 

Trên cơ sở Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quy chế pháp lý tại Luật Biển Việt Nam năm 2012 khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình và tăng cường hợp tác quốc tế về biển với các nước và tổ chức quốc tế. Từ đó đồng thời khẳng định:“Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”. 

Tuy nhiên, cùng với việc ban hành Luật biển nhằm xây dựng quy chế pháp lý cho việc bảo vệ vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền Việt Nam cũng cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp quy liên quan đến kinh tế biển, các lường, tuyến giao thông hàng hải thuộc lãnh hải nước ta … nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả các quy định của Luật, bảo vệ và phát triển kinh tế biển trên các vùng biển chủ quyền nhằm thực hiện toàn diện các chiến lược về biển của nước ta trong thời gian về sau. 

KẾT LUẬN

Nhìn chung, Công ước 1982 đã xây dựng một khung pháp lý tương đối công bằng cho các hoạt động trên biển. Đánh giá tổng quát, quá trình phát triển của Luật Biển quốc tế, trong đó Công ước 1982 đã mang lại nhiều điểm lợi thế cho các quốc gia đang phát triển, các quốc gia ven biển đặc biệt là đối với các quốc gia trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Luật biển Việt Nam năm 2012 được thông qua đã xác định cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc thực hiện chủ quyền Việt Nam trên biển.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Văn bản pháp luật
1. Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982
2. Luật biên giới quốc gia năm 2003
3. Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở  dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam ngày 12-11-1982 
4. Nghi định 62/2003/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới biển.
5. Hiến pháp Việt Nam năm 1992
6. Luật Biển Việt Nam năm 2012

II. Giáo trình
7. Giáo trình Luật quốc tế - Trường ĐH Luật Hà Nội.
8. Giáo trình Luật quốc tế - Ths. Nguyễn Thị Kim Ngân, Ths. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên)

III. Một số tạp chí và website
9. “Một số vấn đề liên quan đến Luật biển năm 2012” – Bành Quốc Tuấn, NCS Khoa Luật – Trường ĐH Quốc gia Hà Nội/ Tập chí phát triển và hội nhập UEF, số 8 tháng 2 -3/2013.
10. “Công ước Luật biển năm 1982 và khả năng áp dụng vào các tranh chấp tại Biển Đông”.(Số 129, 7/3/2014) tại Web: Nghiencuuquocte.net 

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment