17/06/2014
Chứng minh rằng trong cách xác định và quy chế pháp lý của một vùng biển theo quy định của công ước Luật Biển 1982 luôn thể hiện sự dung hòa về lợi ích giữa các quốc gia - Bài tập học kỳ Công pháp quốc tế
Biển và đại dương đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người do nhu cầu phát triển kinh tế thương mại, hàng hải và khoa học kỹ thuật (trong đó có khoa học quân sự) việc xây dựng các quy phạm pháp lý quốc tế về biển ngày càng cấp bách, yêu cầu đặt ra là: một mặt phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, mặt khác phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các mước khác cũng như quyền lợi của cộng đồng Quốc tế. 

Liên Hợp Quốc đã triệu tập hội nghị Luật Biển tai Gionever năm 1958 đưa ra công ước Về thềm lục địa, và tới hội nghị lần thứ 3 Liên Hợp Quốc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển Quốc tế (1982).


Chình vì lẽ đó, để hiểu và vận dụng linh hoạt những quy định của Luật quốc tế về vấn đề Thềm lục địa là hết sức cần thiết. Việc nghiên cứu đề tài: “Chứng minh rằng trong cách xác định và quy chế pháp lý của một vùng biển theo quy định của công ước Luật Biển 1982 luôn thể hiện sự dung hòa về lợi  ích giữa các quốc gia” sẽ làm sáng tỏ vấn đề trên đặc biệt trong việc thể hiện sự bình đẳng giữa các quốc gia trong quá trình khai thác và sử dụng biển.


1/ Cách xác định thềm lục địa theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế  – 1982:

Theo Công ước Gionever 1958:

Công ước 1958 đã định nghĩa thền lục địa là: “Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của phần ngập nước tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ở ngoài lãnh hải, đến độ sâu 200 mét hoặc sâu hơn nữa, tới một độ sâu có thể cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó”( Điều 1). 

Khái niệm thềm lục địa được xuất hiện trong thực tế khai thác và xuất hiện lần đầu tiên tại công ước Gionever về thềm lục địa năm 1958 (Công ước 1958). Công ước thừa nhận Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc vùng biển tiếp giáp với bờ biển nhưng nằm ngoài lãnh hải. Đây là những quyền riêng biệt mà nếu quốc gia ven biển không tiến hành khai thác thì không một quốc gia nào được phép khai thác mà không có sự đồng ý của quốc gia ven biển. Điều này cũng có nghĩa là không một quốc gia nào được phép cướp đoạt, phá hoại hoặc làm phương hại đến quy chế pháp lý của vùng nước thuộc biển cả nằm trên thềm lục địa. Hoạt động của quốc gia ven biển không được gây ra những cản trở vô căn cứ đối với tự do trên biển cả.

Theo công ước, thềm lục địa là một phần của đáy biển, tiếp giáp với bờ biển, nhưng nằm ngoài lãnh hải. Như vậy là ranh giới thía trong của thềm lục địa là ranh giới phía ngoài của lãnh hải và tùy thuộc vào chiều rộng của Lãnh hải. Nhưng có một hạn chế là Công ước 1958 không quy định chiều rộng tối đa của lãnh hải. Từ đó pháp luật quốc gia quy định rất khác nhau về chiều rộng của Lãnh hải 3 hải lý, 6 hải lý, 12 hải lý, và thậm chí 60 hay 200 hải lý. Hậu quả tùy thuộc vào lợi ích của từng quốc gia khác nhau mà ranh giới phía trong của thềm lục địa được quy định như thế nào. Việc xác đinh ranh giới phía ngoài như trên, được xác định theo hai tiêu chí rõ rệt là “độ sâu 200m” và “khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên” hay chính là “lợi thế kỹ thuật” của mỗi quốc gia.

Với tiêu chuẩn độ sâu 200m, xác định được rõ ràng chiều rộng của thềm. Nhưng tiêu chuẩn này lại bộc lộ nhiều điểm không hợp lý: đối với những quốc gia có thền lục địa rộng và nông, nếu áp dụng tiêu chuẩn này thì vùng thềm lục địa được mở rộng tối đa. Ngược lại các quốc gia có thềm lục địa  dốc và sâu mà áp dụng tiêu chuẩn này sẽ thu hẹp thềm lục địa của quốc gia đó lại, có thể gây thiệt hại cho quốc gia ven biển này. Như thế những quy định của công ước về tiêu chuẩn độ sâu trên thực tế đã đưa đến tình trạng không công bằng giữa các quốc gia ven biển trong việc quy định chiều rộng của thềm lục địa.

Hơn nữa khoa học kỹ thuật ngày càng đạt được những thành tựu mới. Nếu cứ căn cứ vào lợi thế kỹ thuật thì ranh giới phía ngoài sẽ thay đổi từng ngày theo thành tựu mới của khoa học kỹ thuật và chiều rộng của thềm cũng tăng lên hằng ngày cùng với khả năng kỹ thuật cho phép của quốc gia ven biển lấn tới những vùng sâu hơn ở đại dương, bất kể nó có thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa hay thuộc địa phận của đáy đại dương.

Rõ ràng quy định này của công ước Gionever về thực chất đã giành lợi thế cho các nước ven biển đã được công nghiệp hóa. Do vậy tiêu chuẩn khả năng khai thác rõ ràng là không công bằng, bởi nó tạo ra một tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa.

Công ước Luật Biển 1982:

Công ước luật biển năm 1982 ra đời đã đưa ra những quy định rõ ràng và công bằng về phương pháp xác định thềm lục địa của quốc gia. 

Thềm lục địa theo tên gọi phổ biến để chỉ đáy và lòng đất dưới đáy của những vùng nước phía trên mà về cấu trúc địa chất địa mạo, vốn là phần kéo dài tự nhiên của lục địa ra biển, có mối quann hệ với lãnh thổ đất tự nhiên. Căn cứ vào đó, công ước luật biển 1982 đã nêu: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn” . (khoản 1 Điều 76 Công ước luật biển năm 1982)

Công ước 1982 quy định kết hợp hài hòa tiêu hai tiêu chí cơ bản để xác định ranh giới thềm lục địa pháp lý, đó là tiêu chuẩn địa chất (dựa vào ranh giới ngoài rìa lục địa, vào chân dốc lục địa và đường đẳng sâu 2500m) và tiêu chuẩn khoảng cách (chủ yếu căn cứ vào đường cơ sở). Mục đích của việc kết hợp này là để có được kết quả phân định phù hợp giữa điều kiện tự nhiên của nước ven bờ với sự tồn tại của vùng di sản chung, sao cho không ảnh hưởng một cách thái quá đến sự hiện hữu của vùng di sản mà vẫn đảm bảo để nước ven biển có được một vùng thềm lục địa vốn thuộc về nước này. Như vậy, thềm lục địa quốc gia ven biển theo Điều 76 Công ước 1982 được xác định:

Trong mọi trường hợp, ranh giới bên trong của thềm lục địa pháp lý chính là biên giới quốc gia trên biển, cũng chính là ranh giới phía ngoài của lãnh hải. Ngoài ra, chiều rộng tối đa của lãnh hải là 12 hải lý tính từ đường cơ sở, và trong mọi trường hợp ranh giới phía trong của thềm lục địa không được nằm ngoài giới hạn 12 hải lý. Như vậy ranh giới phía trong của thềm lục địa pháp lý và thềm lục địa địa chất không trùng hợp nhau.

Đối với việc xác định ranh giới phía ngoài của thềm lục địa pháp lý, do điều kiện tự nhiên của bờ biển và cấu trúc thềm lục địa địa chất của các quốc gia hoặc thậm chí ngay tại từng vùng trong một quốc gia có thể không giống nhau nên Công ước 1982 đã đưa ra các cách xác định như sau:

Thứ nhất: Đối với các quốc gia ven biển khoảng cách từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải đến bờ ngoài của rìa lục địa nhỏ hơn 200 hải lý: 

Nếu bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia ven biển cách đường cơ sở chưa tới 200 hải lý thì thềm lục địa của nước đó được tính đến 200 hải lý, tức là đến ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế. Nói cách khác, khi bờ ngoài của rìa lục địa gần hơn, hoặc chỉ cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải một khoảng cách là 200 hải lý (370,4 km) thì ranh giới ngoài của thềm lục địa pháp lý nước này sẽ bằng hoặc mở rộng đến khoảng cách không quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Như vậy, Công ước đã mặc định một ranh giới thềm lục địa pháp lí tối thiểu để đảm bảo cho quốc gia ven biển có được lợi ích công bằng nhất tại những nơi mà thềm lục địa địa chất được xem là bất lợi (tức là ở nơi mà thềm lục địa hẹp hơn so với khoảng cách trung bình).

Thứ hai: Khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý tính từ đường cơ sở và dao động ở khoảng cách từ ngoài giới hạn 200 hải lý ra đến các khoảng cách 250 hải lý; 300 hải lý; 350 hải lý hoặc rộng hơn thế.

Đối với những trường hợp này, Công ước 1982 đã cụ thể hóa cách thức xác định thềm lục địa bằng việc dùng Công thức Gardiner, kết hợp với tiêu chuẩn khoảng cách (tức dựa vào đường cơ sở hoặc đường đẳng sâu) để hiện thực hóa những ranh giới pháp lý này. Công thức Gardiner (sơ đồ công thức Gardiner) đưa ra hai khả năng xác định bờ ngoài của thềm lục địa địa chất như sau:

+ Hoặc theo bề dày trầm tích: Đường vạch nối các điểm cố định (bằng hệ tọa độ kinh vĩ độ) tận cùng nào mà bề dày lớp đá trầm tích ít nhất cũng bằng 1% khoảng cách từ điềm được xét cho tới chân dốc lục địa (điểm nhỏ i điểm a khoản 4 Điều 79 Công ước luật biển 1982).

+ Hoặc theo khoảng cách: Đường vạch nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý (111,1 km) (điểm nhỏ ii điểm a khoản 4 Điều 79 Công ước luật biển 1982).

Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 76 Công ước luật biển 1982 thì thềm lục địa pháp lý mở rộng ngoài giới hạn 200 hải lý kể từ đường cơ sở được tính từ đường ranh giới phía ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, nhưng không được vượt quá 350 hải lý (648,2 km) tính từ đường cơ sở hoặc cách đường thẳng sâu 2500m một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý (185,2 km). Mặc dù đã có khoản 5 Điều 76 thì theo khoản 6 Điều 76: “Một dải núi ngầm, ranh giới ngoài của thềm lục địa không vượt quá một đường vạch ra ở cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 350 hải lý. Khoản này không áp dụng cho các địa hình nhô cao dưới mặt nước tạo thành các yếu tố tự nhiên của rìa lục địa, như các thềm, ghềnh, sông núi, bãi hoặc mỏm.”

Đối với các quốc gia có vùng biển tiếp giáp hoặc đối diện nhau thì khi các quốc gia này thực hiện yêu sách về các vùng biển danh nghĩa pháp lý của mình có thể dẫn đến thực tiễn là có sự chồng lần về các vùng này.

Căn cứ theo Điều 83 Công ước luật biển 1982: “Việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng luật pháp quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 của Quy chế tòa án quốc tế, để đi tới một giải pháp công bằng…” 

Những quy định trên đây của công ước 1982 chứng tỏ rằng tiêu chuẩn mới để vạch ranh giới phía ngoài của thềm lục địa chính xác, rõ ràng, rành mạch. Ranh giới pháp lý phía ngoài của thềm lục địa do công ước quy định, về mặt nguyên lý vạch căn cứ vào những đặc điểm địa chất của bản thân vùng đáy biển. Do vậy mà những tiêu chuẩn nói trên mang tính trác địa, khách quan. Bản thân chúng không bao hàm những yếu tố chủ quan. Đã đảm bảo cho quốc gia ven biển có một vùng thềm lục địa trung bình hoặc tối thiểu đối với bờ biển không thuận lợi và cũng là sự giới hạn cần thiết cho một yêu sách về vùng thềm lục địa rộng, để không quá lấn vào biển cả và vùng di sản chung của nhân loại. Cách quy định này khắc phục được nhược điểm của khái niệm thềm lục địa trong Công ước 1958 khi không thể hiện được đặc điểm cấu trúc của thềm lục địa ven biển ở từng nơi, từng đoạn.

Bằng những quy định như vậy Công ước mới không cho phép vạch ranh giới phía ngoài của thềm lục địa một cách tùy tiện hoặc theo sự nhìn nhận chủ quan của quốc gia ven biển. đảm bảo cho mỗi quốc gia ven biển được hưởng một vùng biển đúng và công bằng. 

2/ Các quy chế pháp lý của thềm lục địa: 

Theo công ước Giownever 1958:

Quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được xác định là là nước đó có thăm dò hay không, có khai thác hay không, có thực sự chiếm hay không, có tuyên bố hay không đều không ảnh hưởng đến sự tồn tại của các quyền trên. Nó được biểu hiện ở việc quy định: “Quốc gia ven biển thực hiện quyền chủ quyền của mình đối với thềm lục địa nhằm thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng này”.(Điều 2 khoản 1 công ước 1958).Tính chất chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa được khẳng định rõ ràng và dứt khoát là: “Các quyền nói ở khoản 1 là riêng biệt”.(Điều 2 khoản 2). 

Khẳng định tính chất chủ quyền và các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa thể hiện ở việc không ai được tiến hành những hoạt động ở thềm lục địa hoặc đòi các quyền đó mà không có sự đồng ý của các nước ven biển. Trên cơ sở thừa nhận chủ quyền của nước ven biển về mặt thăm dò thềm lục địa và khai thác tài nguyên thiên nhiên như thế, Công ước 1958 thừa nhận cho quốc gia ven biển quyền xây dựng và bảo quản hoặc cho vận hành ở thềm lục địa các đảo nhân tạo, các công trình máy móc và thiết bị cần thiết (trong đó có cả các dàn khoan để thăm dò khai thác dầu khí) để phục vụ cho việc thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác càc tài nguyên thiên nhiên ở đó và nêu rõ: “… Nước ven biển có quyền xây dựng và bảo quản hoặc cho hoạt động trên thềm lục địa những công trình và thiết bị khác cần thiết cho việc thăm dò thềm lục địa, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó vả thành lập khu vực an toàn xung quanh các công trình hoặc thiết bị, thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ các công trình đó”.( Điều 5 Khoản2). Công ước đã thừa nhận nước ven biển có quyền tài phán cũng như trách nhiệm đối với các công trình thiết bị này để bảo vệ một cách có hiệu quả, cũng như vùng an toàn xung quanh các công trình và thiết bị đó. Những khu vực an toàn này có chiểu rộng theo tiêu chuẩn nhất định quy định chung, rộng khoảng là 500m xung quanh các công trình hoặc máy móc tính từ mỗi điển trên bờ phía ngoài của các công trình thiết bị đó (Điều 5 khoản 3) và phải tháo bỏ khi chúng không còn sử được sử dụng.

Quốc gia ven biển được thực hiện những quyền của mình đối với thềm lục địa chỉ trong khuôn khổ, giới hạn cho phép ở Điều 2 công ước. Tức là được giới hạn theo mục đích của việc thực hiện những quyền ấy là để thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa chứ không thoát ly khỏi mục đích này được. 

Tài nguyên thiên của thềm lục địa bao gồm các tài nguyên khoáng sản, và các tài nguyên không sinh vật khác của đáy biển cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vất mà vào thời kỳ đánh bắt được thì hoặc là nằm bất động dưới đáy và lòng đất dưới đáy biển, hoặc là có thể di chuyển cùng với sự di chuyển của đáy biển hay lòng đất dưới đáy biển (Điều 2 khoản 4). 

Nước ven biển khi thực hiện quyền chủ quyền của mình đối với thềm lục địa, có quyền quyết định việc có cho phép hay không cho phép các nước khác vào nghiên cứu khoa học biển, thềm lục địa của mình (Điều 5 khoản 8). Việc cho phép này tùy thuộc vào tính chất và mục đích của công trình nghiên cứu, thường thì nước ven biển không từ chối nếu công trình nghiên cứu khoa học đó phục vụ cho mục đích dân sự và có lợi cho quốc gia ven biển, còn nếu việc nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích quân sự hoặc mục đích khác có thể gây nguy hại cho quốc gia ven  biển thì sẽ bị từ chối.

Công ước cũng quy định nghĩa vụ của nước ven biển trong khi thực hiện các quyền chủ quyền đối với việc thăm dò thềm lục địa và khai thác tài nguyên thiên nhiên, nước biển… không được “gây hại đến chế độ pháp lý vùng nước của biển cả nằm phía trên cũng như vùng trời chế độ pháp lý vùng trờ bên trên thềm lục địa”, tức là phải đảm bảo những tự do trên biển cả của các quốc gia khác như trong Điều 3 Công ước về biển cả 1958 đã quy định. 

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển – 1982:

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước 1982) về cơ bản quy định giống với công ước Gionever về thềm lục địa 1958 về khối lượng quyền – các quyền chủ quyền của quốc gia ven biển với thềm lục địa; tính chất cả các quyền này – quyền thuộc chủ quyền riêng biệt; và cả mục đích thực hiện các quyền đó – nhằm thăn dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa.

Để vừa đảm bảo lợi ích của quốc gia ven biển ở thềm lục địa, vừa tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác ở đáy đại dương (vùng) , Công ước 1982 đã quy định trong mọi trường hợp quốc gia ven biển không được thực hiện quyền chủ quyền của mình đối với phần thềm lục địa nằm ngoài giới hạn 350 hải lý kể từ đường cơ sở cho dù thềm lục địa có vượt quá giới hạn này.

+) Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển:

Thềm lục địa cũng là vùng mới hình thành trong Luật Biển quốc tế, xuất phát từ nhu cầu của các nước ven biển chính vì thế, quốc gia ven biển có một số đặc quyền sau: Nước ven biển không có nghĩa vụ bắt buộc phải chia sẻ những quyền với các quốc gia khác; Không phụ thuộc vào sự  chiếm hữu hay tuyên bố không rõ ràng nào. Quốc gia ven biển có quyền tài phán về tất cả các lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và giữ ghìn môi trường biển, thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. 

Quốc gia ven biển có nghĩa vụ nộp đơn cho cơ quan quốc tế về đáy biển một phần lợi nhuận bằng tiền hoặc hiện vật trích từ lợi nhuận khai thác tài nguyên không sinh vật của tthềm lục địa phần nằm ngoài 200 hải lý(Điều 82). Quốc gia ven biển chưa phải nộp lợi nhuận trong vòng 5 năm đầu kể từ khi bắt đầu khai thác, từ năm thứ 6 trở đi quốc gia ven biển phải nộp 1%. Sau đó, mỗi năm tiếp theo tỷ lệ này tăng lên 1% cho đến năm thứ 12 và từ năm thứ 12 trở đi, tỷ lệ cố định ở mức 7%.

Tuy nhiên, quốc gia đang phát triển nào chuyên nhập khẩu một loại khoáng sản được khai thác từ thềm lục địa của mình thì được miễn các khoản đóng góp đối với loại khoáng sản đó. (Điều 82, Khoản 3) Và phân phối các khoản đóng góp này cho các quốc gia thành viên trên cơ sở công bằng chú ý lợi ích của các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước chậm phát triển, nhất là các nước không có biển.(Điều 82 khoản 4).

Quốc gia ven biển ngoài việc có quyền tiến hành xây dựng, còn có quyền cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng không những các công trình và thiết bị, mà cả các đảo nhân tạo nữa (Điều 80). Các quyền này của các quốc gia ven biển là riêng biệt. Mục đích của việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, công trình và thiết bị để thăm dò thềm lục địa, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa và vào các mục đích kinh tế khác.

Nhằm đảm bảo điều kiện để quốc gia ven biển được thực hiện các quyền chủ quyền đối với thềm lục địa, công ước mới quy định thêm: Quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa bất cứ vào mục đích gì (Điều 81). Còn về đào đường hầm để khai thác lòng đất dưới đáy biển Công ước mới cũng quy định tương tự như công ước Gionever 1958.

Đối với các quyền tài phán: Quốc gia ven biển có quyền quy định cho phép và tiến hành nghiên cứu khoa học ở thềm lục địa của mình (Điều 246 khoản 1);  

- Đối với việc bảo vệ môi trường biển ở thềm lục địa của mình (Điều 208), bằng cách tiến hành các bện pháp nhắm gữi gìn và bào vệ môi trường biển trong phạm vi thềm lục địa của mình, thi hành những biện pháp cần thiết riêng biệt hoặc tập thể nhằm ngăn ngừa và chế ngự việc làm nhiễm bẩn môi trường do những tác động ở thềm lục địa nói chung và do các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị, dây cáp và ống dẫn ngầm nói riêng gây nên, Những biện pháp này không được kém hiệu quả hợn so với nhưng quy phạm pháp lý quốc tế đã được thừa nhận chung.

- Đối với việc làm bẩn môi trường biển do việc nhận chìm các chất thải ở thềm lục địa  (Điều 210). Bằng cách: thông qua các luật lệ, quy tắc và các biện pháp cần thiết khác nhằm phòng ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm do sự nhận chìm nói trên gây ra (Điều 10, khoản 1 và 2). Mọi vụ nhận chìm chất thải trên thềm lục địa chỉ được tiến hành khi được sự đồng ý rõ ràng trước của quốc gia ven biển và quốc gia ven biển có quyền cho phép quy định và kiểm soát sự nhận chìm này (Điều 210, khoản 3 và 5). Cuối cùng công ước quy định rằng các luật lệ, quy tắc cũng như các biện pháp di quốc gia ven biển thông qua về việc nhận chìm chất thải không được kém hiệu lực hơn các quy phạm có tính chất thế giới về vấn đề này (Điều 210 khoản 6).

Đối với các quốc gia khác: Để thấy việc xác định thềm lục địa theo công ước 1982 ta xem xét các quyền mà các quốc gia khác được hưởng ở thềm lục địa: 

- Các quốc gia khác hoàn toàn có quyền đối với vùng nước và vùng trời phía trên thềm lục địa của. Việc quy định và thực hiện quyền tài phán của các quốc gia ven biển không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của các quốc gia khác. 

- Theo Điều 79, Công ước 1982 tất cả các quốc gia có quyền lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa. Tuy nhiên, Điều 79 cũng quy định một số điều kiện mà các quốc gia phải tuân theo khi thực hiện quyền lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa của quốc gia ven biển. Trước hết, quốc gia ven biển có thể không đồng ý cho quốc gia khác lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa của mình khi việc lắp đặt ấy cản trở việc quốc gia ven biển thực hiện quyền của mình tiến hành những biện pháp hợp lý để thăm dò thềm lục địa và để ngăn ngừa hạn chế và chế ngự ô nhiễm do dây cáp và ống dẫn ngầm gây ra (Khoản 2 Điều 79). Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm theo tuyến phải được sự thỏa thuận của quốc gia ven biển (Điều 79 khoản 3). Những quy định này chứng tỏ rằng quyền của tất cả các quốc gia lắp đặt dây cáp và ống dẫn ở thềm lục địa của quốc gia ven biển không phải là quyền tự do vô điều kiện. Các khoản 2 và 3 của Điều 70 dành quyền quyết định cho quốc gia ven biển.

Ngoài ra, theo Điều 79 khoản 5, khi lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm các quốc gia phải tiến hành những biện pháp phòng ngừa cần thiết đối với dây cáp và ống dẫn ngầm đã được lắp đặt từ trước, đặc biết là không làm cho chúng phải sửa chữa lại.

- Ngoài ra Luật này còn quy định về việc NCKH do các quốc gia khác, thể nhân và pháp nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có thẩm quyền tiến hành ở thềm lục địa của quốc gia ven biển thì công ước quy định rằng điều đó về nguyên tắc chỉ có thể xảy ra khi có sự chấp thuận của quốc gia ven biển. Trong những điều kiện bình thường, quốc gia ven biển cần đồng ý cho nước ngoài và tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu khoa học ở thền lục địa của mình, nếu việc nghiên cứu này được thực hiện vì mục đích hòa bình và thỏa bãn được các điều kiện khác như công ước quy định. Vì mục đích đó, quốc gia ven biển ban hành các quy tắc, thủ tục và luật lệ để đảm bảo sẽ cho phép trong một thời hạn hợp lý và sẽ không khước từ một cách phi lý (Điều 246 khoản 3).

Để tránh tình trạng quốc gia ven biển lạm dụng quyền tài phán để từ chỗ trì hoãn đi đến khước từ cho phép nước ngoài và các tổ chức quốc tế nghiên cứu ở thềm lục địa. Điều 252 của Công ước quy định về sự cho phép “mặc nhiên” (sau thời gian 6 tháng để từ ngày nộp đơn và cung cấp tin tức). 

Các đề án công trình nghiên cứu chỉ nhằm mục đích hòa bình, không làm bẩn môi trường biển và không được gây trở ngại cho việc sử dụng đáy biển một cách chính đáng (Điều 240) Quốc gia hoặc tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu phải vô tư, có nghĩa là không được yêu sách về tài nguyên hay về một vùng biển nào đó (Điều 241). Quốc gia ven biển có quyền được tham gia nghiên cứu, nhận các báo cáo thông tin, mẫu vật và kết quả nghiên cứu (Điều 249). Quốc gia ven biển có quyền yêu cầu đình chỉ việc nghiên cứu nếu nó không được tiến hành theo đúng các quy định ở Điều 248 hoặc quy định ở Điều 249 không được tôn trọng (Điều 253).

Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 còn xây dựng một hệ thống toàn bộ các quy phạm pháp lý quốc tế về bảo vệ và gìn giữ môi trường của thềm lục địa. Trước hết là các điều khoản chung ở phần XII của công ước. Lần đầu tiên được xây dựng như là những quy phạm pháp lý chung, những điều khoản ở phần XII quy định nghĩa vụ cho tất cả các quốc gia bảo vệ và giữ gìn môi trường biển (Điều 192).

Kết luận: 

Với quy định của Công ước 1982 và luật quốc tế hiện đại, thì Quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển chỉ tồn tại trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển. Thực thi pháp luật bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển là hoạt động đấu tranh chống lại mọi hành vi xâm phạm đến tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, khai thác, thăm dò và các hoạt động khai thác vì mục đích kinh tế khác trên vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa, Đồng thời đảm bảo lợi ích của các quốc gia khác cùng tham gia quá trình nghiên cứu và bảo vệ biển.

Tài liệu tham khảo:
Công ước của liên hợp quốc về luật biển 1982.
Thềm lục địa tầm quan trọng và vai trò to lớn đối với kinh tế biển trong cơ chế đổi mới kinh tế của Việt Nam : Luận văn / Đỗ Quang Hưng . - H.: Trường đại học Luật Hà Nội, 1994 .
Giáo trình Luật quốc tế - ĐH Luật Hà Nội 2008 , nxbCAND
Hiến chương liên hơp quốc
Tạp chí luật học số 9/2007
http://www.wikipedia.org/
Một số bải viết tham khảo tạp chí khác.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment