17/06/2014
Khủng bố hàng không quốc tế là một loại hình của khủng bố quốc tế
Ngày 13/9/1974 tại La Haye ( Hà Lan) đã xảy ra một sự kiện làm đau đầu các nhà chức trách: Ba người Nhật có vũ trang đã tấn công cơ quan đại diện ngoại giao của Pháp tại La Haye và bắt giữ một số người làm con tin tại cơ quan đại diện này. Chúng yêu cầu Chính phủ phải thả tù nhân và nộp tiền chuộc con tin. Nhà cầm quyền không những phải thỏa mãn các yêu sách của bọn khủng bố (thả tù nhân và nộp tiền chuộc) mà còn phải cung cấp cho bọn chúng tàu bay cùng phi hành đoàn, sau đó chúng hạ lệnh bay sang Siri.

Ở ví dụ trên, có thể tính đến tính chất “phụ” của hành vi phạm tội – hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay, bên cạnh tính chất chủ yếu của hành vi là nhằm thả tù nhân và đòi tiền chuộc. Ở đây chúng ta thấy tổng thể các hành vi khác nhau đã hoàn thành và các hành vi này đã vượt ra ngoài giới hạn “truyền thống” của hiện tượng “bắt cóc tàu bay”. Từ đây, trong khoa học luật quốc tế, khái niệm “khủng bố hàng không quốc tế” đã được chú ý làm rõ.


Thuật ngữ “khủng bố hàng không quốc tế” được sử dụng dùng để xác định tổng thể các hành vi khủng bố quốc tế được thực hiện nhằm chống lại và đe dọa an ninh của các hoạt động hàng không dân dụng quốc tế. Thuật ngữ này bao gồm nhiều hành vi khác nhau, trong đó nổi bật nhất là hành vi bắt cóc hoặc cưỡng bức tàu bay mà thường được gọi bằng thuật ngữ pháp lý chung là “hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay”.


Khủng bố hàng không quốc tế phải được hiểu là các hành vi khủng bố quốc tế, nghĩa là các hành vi đó thỏa mãn 4 điều kiện sau:

- Là tội phạm theo luật hình sự của các quốc gia.

- Hành vi này xâm hại đến khách thể kép (nó nhằm vào lợi ích của quốc gia hay tổ chức quốc tế, đồng thời gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tự do của con người).

- Có yếu tố quốc tế, yếu tố này phát sinh trong mối quan hệ tổng thể của các hành vi đối với nhau – từ góc độ quốc tế. Đó là mối quan hệ giữa chủ thể tội phạm với các thành phần khách thể của tội phạm.

- Các hành vi này bị truy cứu và trừng phạt trên cơ sở các điều ước quốc tế hoặc nguyên tắc phổ cập quốc tế.

Như vậy, tội phạm hàng không quốc tế là các hành vi trái với các quy định của luật hàng không quốc tế và được điều chỉnh tại các điều ước quốc tế có liên quan tới an ninh hàng không quốc tế. Còn khủng bố hàng không quốc tế là các hành vi phải đáp ứng 4 điều kiện nêu trên, trong khi đó tội phạm hàng không quốc tế không nhất thiết phải đáp ứng. Chẳng hạn, hành vi cợt nhả, trêu ghẹo, khiếm nhã của hành khách đối với nữ tiếp viên hàng không trên máy bay không thể coi là hành vi khủng bố hàng không, bởi vì trong luật hình sự của một số nước không định danh cụ thể đây là hành vi phạm tội, song một số nước lại xác định đây là hành vi quấy rối tình dục. Nhưng hành vi này trái với các luật lệ, quy định về hàng không, vi phạm trật tự và kỷ luật hàng không “các hành vi phạm tội hay không phạm tội có thể gây nguy hiểm cho an toàn của tàu bay hoặc của người hay tài sản trên tàu bay hoặc nguy hiểm cho trật tự và kỷ luật trên tàu bay” (điểm b, khoản 1 Điều 1 Công ước Tokyo 1963 về an ninh hàng không). Hành vi trộm cắp hoặc đánh nhau giữa những hành khách trên tàu bay cũng không thể coi là những hành vi khủng bố hàng không quốc tế vì không thỏa mãn điều kiện (2) – Điều kiện ở khách thể kép của hành vi (vừa xâm hại đến lợi ích quốc gia (hay tổ chức quốc tế), vừa gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tự do của con người). Hành vi trộm cắp hoặc đánh nhau giữa các hành khách lại vi phạm “trật tự, kỷ luật” trên máy bay nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Tokyo 1963.

Các thuật ngữ “cướp máy bay”; “kẻ cướp hàng không”; “không tặc” xuất hiện trong thời gian đầu (những năm 30) khi kỹ nghệ hàng không phát triển và bắt đầu xuất hiện một số hành vi gây nguy hiểm cho tàu bay và hành khách. Khi tìm thuật ngữ để đặt tên những hành vi đó, hình như các học giả luật quốc tế đã mượn một số thuật ngữ trong lĩnh vực hàng hải như “cướp biển” hay “hải tặc” bởi luật hàng hải ra đời sớm hơn rất nhiều so với luật hàng không quốc tế.

Xem xét các quy định về tội phạm hàng không trong các điều ước quốc tế về an ninh hàng không, có thể thấy được sự phát triển của khái niệm khủng bố hàng không quốc tế: Trong công ước đầu tiên – Công ước Tokyo 1963 về an ninh hàng không – khủng bố hàng không được hiểu là hành vi cướp máy bay (không tặc). Đến các Công ước La Haye 1970 và Montreal 1971, khái niệm này đã được mở rộng, bao gồm những hành vi cưỡng đoạt tàu bay, làm hư hỏng tàu bay, những hành vi thực hiện đối với người, trang thiết bị tại các sân bay, ảnh hưởng đến an toàn bay. Ngay cả những hành vi đe dọa dùng vũ lực đối với một người trên tàu bay cũng bị coi là tội phạm khủng bố hàng không quốc tế. Nguyên nhân chủ yếu của việc mở rộng khái niệm này là do thời kỳ cuối những năm 60 thế giới trong tình trạng căng thẳng về nạn dịch đe dọa hàng không quốc tế như bắt cóc, đánh bom nhằm vào tổng thể hoạt động hàng không của ngành hàng không, trong khi đó Công ước Tokyo 1963 còn hạn chế, quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng, công ước ghi nhận hành vi chiếm đoạt tàu bay là hành vi bất hợp pháp nhưng lại không coi hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay là hành vi tội phạm hay vi phạm hành chính. Đó cũng là kết quả của sự thỏa thuận giữa các quốc gia trong thời kỳ chiến tranh lạnh, là đặc trưng của luật quốc tế so với luật quốc gia – khi thỏa thuận xây dựng các quy định pháp luật quốc tế thường bị chi phối bởi tổng thể lợi ích giữa các quốc gia. Công ước La Haye 1970 và Công ước Montreal 1971 đã khắc phục được hạn chế của Công ước Tokyo 1963.

Như vậy, đến đây chúng ta có thể khẳng định rằng: Khủng bố hàng không quốc tế là các hành vi khủng bố quốc tế có liên quan tới các loại hình hoạt động của hàng không dân dụng quốc tế.

Khủng bố hàng không quốc tế được xem là hành vi cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, là một trong những loại hình nghiêm trọng nhất của khủng bố quốc tế. Tính nguy hiểm cho xã hội của khủng bố hàng không quốc tế là gây thiệt hại lớn lao cho nhà nước, gây tử vong cho nhiều người không chỉ trên máy bay mà còn ở mặt đất. Nó làm chấn động môi trường hàng không, làm mất niềm tin của con người vào sự an ninh của ngành hàng không dân dụng quốc tế. Các quốc gia đều nhận thức được vấn đề này, vì vậy một trong những lĩnh vực mà cộng đồng quốc tế đã thành công nhất trong việc điều chỉnh bằng pháp luật quốc tế là phòng chống tội khủng bố hàng không, đảm bảo an ninh hàng không dân dụng quốc tế.

Trên cơ sở thực tiễn và dựa vào các công ước quốc tế về an ninh hàng không, có thể phân chia các hành vi khủng bố hàng không quốc tế thành hai loại:

* Loại thứ nhất: Bao gồm các hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay. Loại này có thể chia thành 3 nhóm:

- Nhóm 1: Những tên cướp đe dọa phi hành đoàn và hành khách bằng vũ khí, bắt thay đổi đường bay, hạ cánh xuống lãnh thổ của nước khác nhằm trốn chạy khỏi sự truy tìm của nhà nước đối với hành vi phạm tội hoặc trốn chạy khỏi đồng bọn của chúng.

- Nhóm 2: Những vụ chiếm đoạt nhằm vào lợi ích vật chất, vụ lợi.

- Nhóm 3: Những vụ chiếm đoạt máy bay theo đuổi mục đích khiêu khích xung đột quốc tế hoặc làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa các quốc gia.

* Loại thứ hai: gồm các hành vi khác đe dọa an ninh hàng không dân dụng như:

- Thực hiện hành vi bạo lực đối với một người trên tàu bay trong khi bay nếu như hành động này gây nguy hiểm đến an toàn của tàu bay đó.

- Đặt hoặc chỉ đạo đặt vào tàu bay đang bay, dù bằng bất cứ phương thức nào, một thiết bị hoặc chất sẽ phá hủy tàu bay hoặc gây thiệt hại cho tàu bay, dẫn đến làm mất khả năng bay, hoặc làm hỏng tàu bay dẫn đến mất an toàn của tàu bay đang bay.

- Phá hủy hoặc làm hỏng phương tiện dẫn đường hàng không hoặc cản trở hoạt động của các thiết bị đó, nếu bất kỳ một hành động nào như vậy sẽ gây mất an toàn của tàu bay đang bay.

- Chuyển những thông tin mà biết là sai trái, từ đó gây nguy hại đến an toàn của tàu bay đang bay.

- Sử dụng bạo lực chống lại người đang làm nhiệm vụ dịch vụ hàng không mà gây ra thương tích nặng hoặc tử vong.

- Phá hủy hoặc làm thiệt hại nghiêm trọng các trang thiết bị hàng không hoặc tàu bay đậu tại đó, nếu những hành vi này gây nguy hại hoặc có thể gây nguy hại tới an ninh của sân bay.

Danh mục các hành vi bị coi là khủng bố hàng không quốc tế kể trên cho thấy chúng rất đa dạng và phong phú không chỉ gây nguy hiểm tới an toàn của tàu bay, của người, tài sản trên tàu bay mà còn phá hoại sân bay, phá hoại mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia, dân tộc.

ThS. Nguyễn Thị Yên
Theo : Tạp chí Khoa học pháp lý số 08 (2002)

No comments:

Post a Comment