17/06/2014
Khái niệm khủng bố từ các Công ước quốc tế
Hiện nay, trong khuôn khổ Liên hợp quốc và các tổ chức thành viên (ICAO, IMO, IAEA…) có 13 điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố đã được thông qua. Công ước chung về chống khủng bố quốc tế mặc dù được tiến hành xây dựng từ năm 1996( ) đến nay vẫn đang nằm dưới dạng dự thảo vì còn nhiều ý kiến bất đồng xung quanh vấn đề định nghĩa khủng bố. Ở cấp độ khu vực cũng có 8 điều ước quốc tế được kí kết. Ngoài ra còn rất nhiều các hiệp định quốc tế song phương và các nghị quyết của Đại hội đồng, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp đấu tranh chống khủng bố. Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quốc tế về chống khủng bố tương đối lớn, tuy nhiên chưa văn bản nào đưa ra được định nghĩa rõ ràng, toàn diện về khủng bố. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay việc đưa ra định nghĩa chung về khủng bố là cấp thiết vì có như vậy mới nâng cao được hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm này.

1. Định nghĩa khủng bố theo quy định tại các điều ước quốc tế 


Có thể nói định nghĩa về khủng bố đầu tiên xuất hiện tại điều ước quốc tế đa phương là định nghĩa được nêu ra trong Công ước về ngăn ngừa và trừng trị khủng bố quốc tế năm 1937 (còn gọi là Công ước Giơnevơ 1937). Theo Công ước Giơnevơ 1937 thì khủng bố là việc thực hiện các hành vi phá hoại, hành vi gây nguy hiểm cho nhiều người, việc vận chuyển, chuyển giao, cố ý sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả mạo, các hành vi ám sát nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo của quốc gia khác…( ). Tuy nhiên, do không hội đủ số lượng thư phê chuẩn nên Công ước đã không phát sinh hiệu lực.


Trong 13 điều ước quốc tế thuộc khuôn khổ Liên hợp quốc về đấu tranh chống khủng bố hiện nay chỉ có 3 công ước trực tiếp nhắc đến khái niệm "khủng bố” (terrorism) ngay tại tiêu đề, đó là: Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom (International convention for the suppression of terrorist bombings); Công ước New York năm 1999 về trừng trị việc tài trợ khủng bố (International convention for the suppression of the financing of terrorism); Công ước New York năm 2005 về ngăn chặn các hành vi khủng bố hạt nhân (International convention for the suppression of acts of nuclear terrorism). Các công ước còn lại quy định về những tội phạm mà việc thực hiện các tội phạm đó được coi như biểu hiện của khủng bố quốc tế. Ví dụ tại phần mở đầu Công ước New York năm 1979 về chống bắt cóc con tin ghi nhận: "Xét rằng việc bắt cóc con tin là một tội phạm gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế...; Nhận thấy rõ sự cấp thiết phải phát triển hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong việc đưa ra các sáng kiến và sử dụng các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, truy tố và trừng trị tất cả các hành vi bắt con tin như là những biểu hiện của khủng bố quốc tế”; hay như Công ước Montreal năm 1991 về việc đánh dấu chất nổ dẻo để nhận biết ghi nhận tại phần mở đầu: "Bày tỏ mối lo ngại sâu sắc đối với các hành vi khủng bố nhằm phá hoại tàu bay, các phương tiện giao thông và các mục tiêu khác; Lo ngại rằng các vật nổ dẻo vẫn được sử dụng cho các hành vi khủng bố như vậy; Xét rằng việc đánh dấu vật liệu nổ dẻo để nhận biết sẽ góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp đó”... 

Trong 3 công ước quốc tế nhắc đến khái niệm "khủng bố” ngay tại tiêu đề chỉ có Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ khủng bố đưa ra được định nghĩa chung về khủng bố, các công ước còn lại chỉ đưa ra định nghĩa về từng loại hành vi khủng bố cụ thể. Công ước New York năm 1999 bên cạnh việc định nghĩa hành vi tài trợ khủng bố đã gián tiếp quy định thế nào là khủng bố. Theo Công ước này thì khủng bố là: 1) "Bất kì hành vi nào cấu thành một tội phạm trong phạm vi và được định nghĩa tại một trong số các điều ước về đấu tranh chống khủng bố còn lại (được quy định tại phụ lục)” hoặc 2) "Bất kì hành vi nào khác với ý định giết hại hoặc làm bị thương nghiêm trọng đến thân thể thường dân, hoặc bất kì người nào khác không tham gia vào chiến sự trong bối cảnh xung đột vũ trang, nếu mục đích của hành vi này về bản chất hoặc bối cảnh xảy ra là nhằm hăm doạ dân chúng hay ép buộc một chính phủ hoặc một tổ chức quốc tế phải thực hiện hoặc không thực hiện bất kì hành vi nào” (Điều 2). Tuy nhiên, khó có thể coi quy định nêu ra tại Điều 2 Công ước New York năm 1999 là định nghĩa khủng bố hoàn chỉnh bởi: 1) Đây là định nghĩa gián tiếp được đưa ra thông qua định nghĩa khác; 2) Khoản 1 Điều này không nêu được dấu hiệu cấu thành tội khủng bố mà dẫn chiếu đến một số tội phạm được quy định tại các công ước khác cho nên chỉ thuần tuý mang tính chất liệt kê; 2) Khoản 2 có nêu được một số dấu hiệu của tội khủng bố (về hành vi, khách thể, mục đích…) nhưng cũng chỉ đề cập thêm được các hành vi xâm phạm tính mạng và sức khoẻ con người. 

2 công ước quốc tế về chống khủng bố (trực tiếp nhắc đến khái niệm khủng bố tại tiêu đề) còn lại chỉ đưa ra định nghĩa về từng hành vi khủng bố cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước, ví dụ khủng bố bằng bom là việc: "ném, đặt làm nổ hoặc kích nổ một cách bất hợp pháp và cố ý một thiết bị gây nổ hoặc gây chết người khác tại, vào, hoặc chống lại một địa điểm công cộng, một trang thiết bị của nhà nước hoặc Chính phủ, một hệ thống giao thông công cộng hoặc cơ sở hạ tầng” (Điều 2 Công ước New York năm 1997 về việc trừng trị khủng bố bằng bom); theo Công ước New York năm 2005 về ngăn ngừa các hành vi khủng bố hạt nhân thì "một người bị coi là phạm tội khủng bố hạt nhân nếu người đó, một cách có chủ định và bằng con đường bất hợp pháp sở hữu nguyên liệu phóng xạ, chế tạo hay sở hữu thiết bị hạt nhân với mục đích gây thương vong lớn hay nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng hay môi trường; sử dụng nguyên liệu hay thiết bị phóng xạ, sử dụng hoặc phá hoại cơ sở hạt nhân để tạo ra sự rò rỉ phóng xạ gây thương vong lớn, nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng hay môi trường để ép buộc thể nhân hay pháp nhân, tổ chức quốc gia hay quốc gia phải thực hiện hay không thực hiện hành động nào đó” (Điều 2 Công ước). 

Các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về các biện pháp phòng, chống khủng bố cũng không đưa ra định nghĩa nào về vấn đề này. Đặc biệt Nghị quyết số 1373 ngày 28/9/2001 làm cơ sở ra đời Uỷ ban chống khủng bố thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc mặc dù kêu gọi "các quốc gia hợp tác khẩn thiết nhằm phòng và trấn áp các hành động khủng bố, thông qua sự tăng cường hợp tác và thực hiện đầy đủ các công ước quốc tế liên quan đến chủ nghĩa khủng bố” cũng không đưa ra định nghĩa khủng bố.

Hầu hết các điều ước quốc tế khu vực cũng không đưa ra được định nghĩa khủng bố. Các điều ước này trong phạm vi hợp tác đấu tranh chống khủng bố lại dẫn ra những hành vi được quy định tại 13 công ước quốc tế đa phương của Liên hợp quốc. Ví dụ, Công ước của châu Âu về chống khủng bố năm 1977 ngay tại Điều 1 đã đưa ra các hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước, yêu cầu các quốc gia thành viên phải tội phạm hoá, đó là các hành vi được nêu trong Công ước La Haye năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay; Công ước Montreal năm 1971 về việc trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng; Công ước New York năm 1973 về việc ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người dược hưởng bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao. Thời gian kí kết Công ước châu Âu năm 1977 thì Công ước về chống bắt cóc con tin năm 1979 hay Công ước trừng trị khủng bố bằng bom năm 1997... chưa ra đời, tuy nhiên các tội phạm nghiêm trọng liên quan đến bắt cóc, giam giữ trái phép, tội phạm nghiêm trọng liên quan đến việc sử dụng bom, lựu đạn, rocket, súng tự động, bom thư... đã được liệt kê trong Công ước. Gần đây nhất, vào tháng 11/2007 tại Cebu, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã kí Công ước chung về chống khủng bố (ASEAN Convention on Counter Terrorism). Tại Điều 2 Công ước này quy định về "Những hành vi phạm tội khủng bố” đã ghi nhận các hành vi theo 13 công ước đa phương về đấu tranh chống khủng bố trong khuôn khổ Liên hợp quốc: "Đối với các mục đích của Công ước này, tội phạm có nghĩa là bất kì hành vi phạm tội trong phạm vi được liệt kê như sau:

- Công ước La Haye năm 1970 về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay.

- Công ước Montreal năm 1971 về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng.

- Công ước New York năm 1973 về ngăn chặn và trừng trị các tội phạm chống lại những người được bảo hộ quốc tế, bao gồm viên chức ngoại giao.

- Công ước New York năm 1979 về chống bắt cóc con tin.

- Công ước Viên năm 1979 về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân.

- Nghị định thư Montreal năm 1988 về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại cảng hàng không dân dụng quốc tế.

- Công ước Rome năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hành trình hàng hải.

- Nghị định thư Rome năm 1988 về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại những công trình cố định trên thềm lục địa.

- Công ước New York năm 1997 về trừng trị khủng bố bằng bom.

- Công ước New York năm 1999 về trừng trị hành vi tài trợ cho khủng bố.

- Công ước Viên năm 2005 (sửa đổi Công ước Viên năm 1980) về bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân.

- Công ước New York năm 2005 về ngăn ngừa các hành vi khủng bố bằng hạt nhân.

- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Công ước về ngăn chặn các hành vi phi pháp chống lại an toàn hàng hải.

- Nghị định thư năm 2005 bổ sung Nghị định thư về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại những công trình trên thềm lục địa kí tại London ngày 14/10/2005”( ).

Như vậy, hiện nay cộng đồng quốc tế vẫn chưa đưa ra được định nghĩa chung hoàn chỉnh về khủng bố mà mới chỉ ghi nhận một số hành vi nhất định là khủng bố và các biện pháp để hợp tác đấu tranh chống lại các hành vi này.

2. Vấn đề xây dựng định nghĩa chung về khủng bố

Việc xây dựng định nghĩa chung về khủng bố là vấn đề cấp thiết hiện nay nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm này. Để xây dựng được định nghĩa về khủng bố cần xuất phát từ những vấn đề mang tính lí luận từ lâu được thừa nhận trong công pháp quốc tế, đó là xem xét khủng bố dưới giác độ tội phạm hình sự. Về nguyên tắc, tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ quốc gia nào thì quốc gia đó có thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, nhiều hoạt động tội phạm hiện nay vượt qua biên giới quốc gia và hậu quả cũng liên quan đến nhiều quốc gia mà khủng bố nằm trong số đó. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, khủng bố đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành mối lo ngại của của cộng đồng quốc tế và vấn đề hợp tác đấu tranh chống khủng bố đã trở nên ngày càng cấp thiết. Tội phạm trong khoa học luật quốc tế được phân thành 3 loại đó là tội phạm quốc tế (còn gọi là tội ác quốc tế); tội phạm có tính chất quốc tế và tội phạm hình sự chung. Tội phạm có tính chất quốc tế là nhóm tội phạm mặc dù được thực hiện nhằm xâm phạm trật tự pháp luật quốc gia nhưng cũng xâm hại đến các quyền lợi của cộng đồng quốc tế. Xét về bản chất, khủng bố thuộc nhóm tội phạm có tính chất quốc tế cùng với các tội như cướp biển, buôn bán bất hợp pháp ma tuý và các chất hướng thần, tội buôn bán nô lệ, buôn bán phụ nữ và trẻ em( )… Các tội phạm này xâm phạm đến quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế và để đấu tranh hiệu quả cần sự chung tay của tất cả các quốc gia. 

Như đã phân tích ở trên, vì khủng bố là tội phạm có tính quốc tế nên định nghĩa phải bắt đầu từ hành vi và lấy hành vi làm trung tâm. Bên cạnh dấu hiệu hành vi cần xem xét các dấu hiệu khác của tội phạm như chủ thể, khách thể, động cơ, mục đích.

a. Về hành vi

Trên thực tiễn cũng như qua nghiên cứu cho thấy hành vi khủng bố rất đa dạng, bao gồm các loại hành vi như xâm hại tính mạng, thân thể con người, tài sản hay tổng hợp các loại hành vi đó (như vụ khủng bố 11/9 tại Hoa Kì năm 2001). Phần lớn hành vi khủng bố là các hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tuy nhiên hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hành vi khủng bố đã lan sang cả các hình thức không mang tính vũ lực như chống phá bằng công nghệ thông tin (tin tặc); làm ô nhiễm nguồn nước, phát tán mầm bệnh... Tội khủng bố xét về biểu hiện của hành vi rất giống với các tội phạm thông thường khác như tội giết người, tội huỷ hoại tài sản, bắt cóc đòi tiền chuộc, cướp biển nhưng khác nhau ở các dấu hiệu như mục đích, đối tượng tác động... Hành vi khủng bố cũng có biểu hiện giống các hành vi cấu thành tội ác quốc tế như diệt chủng, chống nhân loại, tội phạm chiến tranh nhưng khác nhau về mục đích và mức độ nghiêm trọng. Ví dụ: Cũng là hành vi giết người nhưng tội diệt chủng được thực hiện nhằm tiêu diệt toàn bộ hay một bộ phận nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Cũng là hành vi giết người nhưng tội chống nhân loại được thực hiện một cách có hệ thống, trên diện rộng nhằm vào cộng đồng dân thường nào đó. Hiện nay, theo quy định của các công ước quốc tế về chống khủng bố, hành vi khủng bố bao gồm: các hành vi chống lại an toàn hàng không dân dụng, chống lại an toàn hành trình hàng hải và những công trình cố định trên thềm lục địa, tài trợ khủng bố, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản bằng các thiết bị gây nổ; chống lại những người được hưởng bảo hộ quốc tế bao gồm viên chức ngoại giao, bắt cóc con tin, xâm phạm an toàn sức khoẻ, tính mạng, tài sản con người bằng thiết bị hạt nhân.

b. Về mục đích

Theo quan điểm của tác giả thì mục đích là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội khủng bố vì nếu không có dấu hiệu mục đích thì tội khủng bố sẽ có cấu thành giống các tội phạm khác như tội giết người, cướp biển hay huỷ hoại tài sản... Không thể đánh đồng việc sát hại quan chức ngoại giao nhằm cướp tài sản với việc sát hại nhằm mục đích chính trị, cũng không thể đồng nhất việc bắt cóc vì động cơ vụ lợi (đòi tiền chuộc) với bắt cóc nhằm gây sức ép với chính phủ phải có hành động hoặc không được có hành động nào đó. Dấu hiệu mục đích cũng là một trong những dấu hiệu được nhắc đến trong hầu hết quan điểm của các học giả nghiên cứu về khủng bố và pháp luật hình sự của các nước trên thế giới. Hành vi khủng bố tuy xâm phạm tính mạng, tự do thân thể con người hoặc xâm phạm tài sản nhưng đó không phải là mục đích phạm tội. Người phạm tội muốn thông qua các hành vi đó gây hoảng loạn, khiếp đảm trong công chúng nhằm mục đích cuối cùng là chính trị. Có người cho rằng bên cạnh mục đích chính trị thì hành vi phạm tội khủng bố còn có các mục đích khác như lí tưởng, tôn giáo, tuy nhiên suy cho cùng thì lí tưởng hay tôn giáo cũng đều là các vấn đề chính trị hiểu theo nghĩa chính trị "là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh vấn đề trung tâm đó là giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước”( ). Trong một số công ước quốc tế về chống khủng bố thì mục đích chính trị cũng đã được nhắc đến, ví dụ Công ước quốc tế về chống bắt cóc con tin quy định hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh công ước phải là hành vi bắt giữ, giam giữ, đe doạ sẽ giết chết, sẽ làm bị thương nhằm cưỡng ép bên thứ ba, cụ thể là quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ, pháp nhân hoặc thể nhân, nhóm người nào đó phải thực hiện hay không được thực hiện bất kì hành vi nào như một điều kiện rõ ràng hoặc điều kiện ngầm cho việc phóng thích con tin. Hay Công ước về trừng trị việc tài trợ khủng bố tại điểm b khoản 1 Điều 2 quy định tính mục đích của các hành vi khác được coi là khủng bố (ngoài các hành vi được đề cập trong công ước về chống khủng bố liệt kê tại phụ lục) là: nhằm hăm doạ dân chúng hay ép buộc một chính phủ hoặc một tổ chức quốc tế phải thực hiện hoặc không thực hiện bất kì hành vi nào. Công ước về trừng trị khủng bố bằng bom tuy không nêu tính mục đích của hành vi là yếu tố cấu thành tội phạm nhưng nhấn mạnh việc trừng trị các hành vi phạm tội có ý đồ gây hoảng loạn trong công chúng hoặc một nhóm người cụ thể với mục đích chính trị, triết học, tư tưởng, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo hoặc có tính chất tương tự khác và yêu cầu về dẫn độ hoặc tương trợ tư pháp đối với tội phạm không thể bị từ chối vì lí do tội phạm có liên quan đến chính trị hoặc xuất phát từ động cơ chính trị.

Tính mục đích của hành vi trong cấu thành tội phạm cũng là tiêu chí để phân biệt tội khủng bố và các tội ác quốc tế thuộc thẩm quyền của Toà hình sự quốc tế (ICC). Ví dụ: Cũng là hành vi giết người nhưng mục đích của hành vi cấu thành tội diệt chủng là tiêu diệt toàn bộ hay một bộ phận nhóm dân tộc, sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo...

c. Về chủ thể

Hiện nay, có một số quan điểm cho rằng chủ thể thực hiện hành vi khủng bố bao gồm cả quốc gia – nhà nước khủng bố. Ví dụ: GS. La Cương - Đại học Vân Nam Trung Quốc cho rằng: "Quốc gia có thể trở thành chủ thể của tội phạm khủng bố quốc tế, chỉ có điều là phương thức mà quốc gia gánh trách nhiệm khác với cá nhân gánh trách nhiệm hình sự mà thôi”. Ông cũng chỉ ra các căn cứ pháp lí để chứng minh cho quan điểm này: "Trong thực tế, khái niệm chủ nghĩa khủng bố nhà nước đã được nêu ra tại Điều 30 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948); Điều 30 Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (1966); Điều 5 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966)... có thể khẳng định là những điều khoản của văn kiện đã nêu trên đều vừa thừa nhận cá nhân có thể là chủ thể tấn công vào tội phạm quốc tế vừa thừa nhận quốc gia có thể là chủ thể phạm tội tấn công. Theo đó, giữa những hành vi cá nhân và người thay mặt nhà nước thực hiện, được coi là chủ nghĩa khủng bố, theo văn bản này chúng đều như nhau cả thôi”( ). Tuy nhiên, quan điểm này mang nặng tính suy diễn chủ quan bởi Điều 30 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền chỉ khẳng định: "Không một điều nào trong bản tuyên ngôn này có thể được giải thích với hàm ý cho phép bất kì nhà nước, nhóm hoặc cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hoạt động nào hoặc thực hiện bất cứ hành động nào nhằm mục đích huỷ hoại bất kì quyền hoặc tự do đã được nêu trong Tuyên ngôn này”. Dưới giác độ pháp luật quốc tế thì cần phân biệt giữa hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của chủ thể luật quốc tế với hành vi vi phạm được xác định là tội phạm có tính chất quốc tế. Tội phạm có tính chất quốc tế là tội phạm hình sự do các cá nhân thực hiện xâm phạm tới trật tự pháp lí quốc tế hoặc quốc gia và có tính nguy hiểm trên phạm vi quốc tế mà tội khủng bố nằm trong nhóm này. Các hành vi xâm phạm luật quốc tế của quốc gia sẽ được giải quyết theo chế định trách nhiệm pháp lí quốc tế bao gồm hai loại là tội ác quốc tế và các vi phạm pháp lí thông thường khác. Chính vì lẽ đó mà chủ thể của tội phạm khủng bố chỉ có thể là cá nhân và các tổ chức tội phạm (các băng, nhóm phạm tội).

d. Về khách thể

Khách thể của tội khủng bố là các quan hệ xã hội bị tội phạm này xâm hai. Tội khủng bố xâm hại đến nhiều quan hệ xã hội do vậy khách thể của tội phạm này rất đa dạng bao gồm: quyền, tự do cơ bản của con người, trật tự an toàn công cộng, hoà bình và an ninh quốc tế, mối quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia vv... Tuy xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội nhưng khách thể trực tiếp, thể hiện đầy đủ nhất tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi khủng bố quốc tế chính là hoà bình và an ninh quốc tế. Để xâm hại quan hệ xã hội này thì hành vi khủng bố phải thông qua những đối tượng tác động nhất định. Đối tượng tác động của tội phạm trong trường hợp này có thể là con người, tài sản. Tuy nhiên, có phải việc tấn công vào con người, tài sản trong trường hợp nào cũng bị coi là khủng bố không? Các công ước quốc tế về chống khủng bố đều loại trừ các đối tượng bị tấn công là tàu bay, tàu biển được sử dụng phục vụ quân đội, hải quan, cảnh sát ra khỏi phạm vi điều chỉnh của công ước (khoản 4 Điều 1 Công ước về các tội phạm và một số hành vi khác thực hiện trên tàu bay, khoản 2 Điều 3 Công ước về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay…). Một số công ước còn quy định cụ thể đối tượng tác động của hành vi cấu thành tội khủng bố bao gồm dân thường hoặc bất kì người nào khác không tham gia chiến sự trong bối cảnh xung đột vũ trang (điểm b khoản 1 Điều 2 Công ước quốc tế về trừng trị hành vi tài trợ khủng bố). Công ước về trừng trị khủng bố bằng bom quy định đối tượng tác động của các hành vi cấu thành tội khủng bố gồm: địa điểm công cộng, hệ thống giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị của nhà nước hoặc chính phủ. Địa điểm công cộng được giải thích là những thành phần của bất kì toà nhà, đất đai, đường phố, đường thuỷ nào hoặc địa điểm khác mà công chúng có thể đến hoặc mở cho công chúng liên tục, định kì hoặc vào dịp đặc biệt, và bao gồm cả các địa điểm thương mại, kinh doanh, văn hoá, lịch sử, giáo dục, tôn giáo của chính phủ, vui chơi, giải trí hoặc những địa điểm tương tự mà công chúng có thể đến hoặc mở cửa cho công chúng.( ) Như vậy, đối tượng tác động của hành vi cấu thành tội khủng bố là các mục tiêu dân sự, cộng đồng dân cư hoặc những người không trực tiếp tham gia chiến sự, những người được hưởng bảo hộ quốc tế. Trong thực tế có trường hợp sự tấn công nhằm vào mục tiêu hỗn hợp, có cả quân sự và dân sự, ví dụ toà nhà có cả cơ quan quân sự và các tổ chức thương mại hoặc tàu bay có cả các nhân viên quân sự và dân thường thì việc cố ý mở cuộc tấn công mặc dù biết rằng cuộc tấn công đó có khả năng gây thương vong cho thường dân hoặc gây hư hại cho các mục tiêu dân sự là hành vi khủng bố. Về đối tượng tác động hành vi khủng bố cũng cần phân biệt với tội phạm chiến tranh, ví dụ tại điểm a khoản 3 Điều 8 Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế quy định đối tượng của các hành vi cấu thành tội phạm chiến tranh là cộng đồng dân cư hoặc những thường dân không trực tiếp tham gia chiến sự, tuy nhiên những hành vi này phải được thực hiện như một phần trong kế hoạch hoặc chính sách hoặc được thực hiện trên quy mô lớn và áp dụng trong "xung đột vũ trang có tính quốc tế”.

Từ sự phân tích ở trên, theo tác giả bài viết, khủng bố là hành vi tấn công hoặc đe doạ tấn công gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân và các mục tiêu dân sự khác gây hoảng loạn trong cộng đồng dân cư nhằm đạt được mục đích chính trị (ép buộc Chính phủ, tổ chức, cá nhân hành động hoặc không được thực hiện hành động nào đó; vì lí do tôn giáo; tư tưởng…) do các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment