17/06/2014
Các nguyên tắc được áp dụng trong phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam với các nước - Bài tập học kỳ Công pháp quốc tế
Biên giới quốc gia là một vấn đề quan trọng hàng đầu của bất cứ quốc gia nào. Đường biên giới của mỗi quốc gia là cơ sở để phân chia lãnh thổ của các quốc gia với nhau. Tuy nhiên trên thực tế vẫn nảy sinh rất nhiều tranh chấp giữa các quốc gia láng giềng về đường biên giới, đặc biệt là các đường biên giới trên bộ. vì vậy, vấn đề hoàn thiện đường biên giới trên bộ luôn được các quốc gia hết sức quan tâm. Đối với Việt Nam, chúng ta có cả đường biên giới trên bộ và trên biển. vấn đề hoạch định đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt trong những thập niên qua. Hiện nay, đường biên giới trên bộ của nước ta đã tương đối hoàn thiện, phần lớn đã được phân giới, cắm mốc trên thực địa. tuy vậy, việc tiếp tục về các nguyên tắc phân định biên giới trên bộ cũng như thực tiễn áp dụng để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về biên giới trên bộ của nước ta vẫn là công việc hết sức cần thiết không chỉ đối với các nhà khoa học mà còn đối với cả sinh viên nói chung và sinh viên Luật nói riêng. Vì vậy, em xin lựa chọn đề tài “ Phân tích các nguyên tắc được áp dụng trong phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam với các nước” để hiểu thêm về vấn đề này.

NỘI DUNG

I. KHÁI QUÁT VỀ BIÊN GIỚI TRÊN BỘ CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM.


Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, trên bán đảo Đông Dương. Nước ta có diện tích khoảng 330.000 km² thuộc nhóm nước có diện tích trung bình trên thế giới. lãnh thổ Việt Nam gồm các bộ phận: đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng trời. vùng biển nước ta rộng khoảng 1 triệu km² nằm ở khu vực biển Đông cùng với đó là hệ thống các đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa.


Lãnh thổ trên đát liền của nước ta hình chữ S nằm ở rìa bán đảo Đông Dương và tiếp giáp với biển Đông. Việt nam có biên giới chung với Trung Quốc ở phía Bắc, tiếp giáp với Lào ở phía Tây, tiếp giáp với Cam- Pu- Chia ở phái Tây Nam. Đường biên giới trên bộ của nước ta dài khoản 4.510 km , đi qua 25 tỉnh, 90 huyện, khoảng 390 xã với trên 50 dân tộc sinh sống. Đường biên giới với Trung Quốc dài khoảng 1.400 km; đường biên giới với Lào dài khoảng 2.067 km; đường biên giới với Cam- Pu- Chia dài khoảng 1.137 km. Đất nước ta với địa hình 3/4 là đồi núi vì vậy, đường biên giới trên đất liền của nước ta với các nước láng giềng chủ yếu chạy dọc theo các dãy núi cao, rừng rậm.

Đất nước ta trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao thăng trầm, biến cố lớn. Tuy nhiên, phải đến cuối thể kỷ XVIII đường biên giới trên bộ của nước ta mới hình thành gần giống với ngày nay, nhưng vẫn chưa được hoạch định bằng bất cứ điều ước nào. Đến khi Thực dân Pháp xâm lược nước ta, vầ cơ bản đưườg biên giới trên bộ của nước ta cũng không có sự thay đổi đáng kể. sau khi giành được độc lập, nước ta cùng với các nước láng giềngđã thống nhất duy trì đường biên giới từ thời Pháp thuộc, đồng thời điều chỉnh những đoạn còn chưa rõ ràng.

Hiện nay, về cơ bản đường biên giới trên bộ của nước ta đã được hoạch định xong. Ta cùng các nước láng giềng đã tiến hành phân giới, cắm mốc thực địa. phần lớn biên giới của nước ta với các nước đã được phân định bằng hệ thống cột mốc kiên cố, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân ta và cá dân tộc anh em. Việt nam và các nước láng giềng đang cố gắng giải quyết nhanh chóng các vấn đề biên giới còn tồn tại trên cơ sở các nguyên tắc mà các bên đã thống nhất.

II. NGUYÊN TẮC TRONG PHÂN ĐỊNH BIÊN GIỚI TRÊN BỘ GIỮA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC.

1. Nguyên tắc phân định biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và thực tiễn áp dụng.

Ngày 19/10/1993Việt Nam và Trung Quốc đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước”. thỏa thuận này đã xác định các nguyên tắc cơ bản trong việc xác định và giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước.

Nguyên tắc kế thừa các hiệp ước quốc tế về biên giới lãnh thổ: Theo thỏa thuận ngày 19/10/1993 thì hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Pháp và Trung Quốc ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung, công ước hoạch định biên giới ngày 20/6/1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định, cắm mốc kèm theo đã được công ước và công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định; đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Theo nguyên tắc này, trong quá trình đàm phán hai bên đã tự xác định đường biên giới theo cách hiểu hai Công ước và các văn bản kèm theo rồi trao đổi cho nhau bản đồ thể hiện đường biên giới này để so sánh. Qua đối chiếu thì phần lớn đường biên giới hai bên có cách hiểu và cách xác định trùng nhau chỉ có một bộ phận nhỏ là có cách hiểu và cách xác định khác nhau đãn đén sự sai khác giữa hai bên, cụ thể: Trên toàn bộ đường biên giới dài 1400 km, nhận thức của hai bên trùng nhau đến 970 km, còn khoảng 480 km còn lại do không có văn bản hoặc văn bản và bản đồ chưa rõ ràng nên nhận thức của hai bên có khác nhau. Do đó, nếu chỉ áp dụng nguyên tắc kế thừa hai công ước 1887 và 1895 là chưa đủ để xác định đường biên giới Việt – Trung một cách rõ ràng, chính xác và đầy đủ.

Có nhiều nguyên nhân như do kỹ thuật, không còn văn bản hoặc các công ước trước đó chưa xác định được mà vẫn còn khoảng 480 km mà hai bên có cách hiểu khác nhau dẫn đến tranh chấp. Vì vậy, đối với bộ phận này hai bên cần áp dụng nguyên tắc xác lập các đoạn biên giới mới và thực tế hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã vận dụng một cách sáng tạo nguyên tắc  xác lập các đoạn biên giới mới trong trường hợp này. Thực chất, việc xác lập các đoạn biên giới mới là dựa trên cơ sở của hai công ước 1887 và 1895.

Nguyên tắc xác lập các đoạn biên giới mới có thể hiểu như sau: Trong quá trình đối chiếu, xác định hướng đi của đường biên giới đối với những khu vực sau khi đã đối chiếu nhiều lần mà vẫn không đi đến nhất trí, hai bên sẽ cùng nhau khảo sát thực địa, suy tính mọi tình huống tồn tại trong khu vực với tinh thần thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, thương lượng hữu nghị để tìm giải pháp công bằng, hợp lý.

Các khu vực hai công ước quy định không rõ ràng hoặc chưa có đường biên giới, hai bên xem xét tổng hợp các yếu tố: cơ sở pháp lý của các Công ước Pháp- Thanh còn có thể vận dụng được, quản lý, lịch sử, địa hình, bản đồ, nếu cần chuyên gia hai bên đi thực hiện khảo sát, thương lượng hữu nghị trên tinh thần thông cảm, nhân nhượng lẫn nhau để tìm giải pháp công bằng, hợp lý. Đối với số ít khu vực hai bên không thể đạt được thỏa thuận thì giải quyết trên tinh thần hiệp thương hữu nghị, thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, công bằng, hợp lý.

Sau hàng chục năm đàm phán với nhiều cấp khác nhau kéo dài từ năm 1993 đến năm 1999 hai bên đã giải quyết được các khu vực còn tranh chấp. kết quả đàm phán đã xác định 2,6 km² thuộc hai khu vực( vì lý do kỹ thuật: vẽ chồng lấn lên nhau; hai bên chưa vẽ tới)  thuộc về Việt Nam, còn lại 2,4 km² của hai khu vực này thuộc về Trung Quốc. đối với 227 km² của khu vực có tranh chấp hoặc có nhận thức khác nhau của hai bên được giải quyết  như sau: 113 km² thuộc về Việt Nam, 114 km² thộc về Trung Quốc. Trong đó, đáng chú ý một số khu vực được coi là nhạy cảm trên tuyến biên giới này cũng được giải quyết phù hợp với lợi ích của hai bên.

Ngày 30/12/1999. Hiệp ước biên giới trên đât liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết. đây được coi là bước ngoạt lịch sử đồng thời là cơ sở cho việc xác lập đường biên giới trên bộ và cũng là cơ sở để các bên thực hiện chủ quyền của mình một cách hợp pháp, đầy đủ trên lãnh thổ quốc gia. Hiệp ước này mở màn cho việc cắm mốc trên thực địa giữa hai nước. Để thực hiện việc cắm mốc hai bên đã cùng thỏa thuận và áp dụng sáng tạo nguyên tắc “cả gói” để giải quyết các khu vực còn tồn đọng với mục đích tìm giải pháp tổng thể, công bằng, hợp lý, hợp tình hai bên có thể chấp nhận được. Nguyên tắc này thể hiện nội dung chủ yếu là giải quyết trên cơ sở công bằng lợi ích. Biên giới đi qua tât cả các mốc cũ, giấu tích lịch sử, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống dân cư biên giới. Trên cơ sở thực hiện theo các nguyên tắc nêu trên, việc phân định biên giới giữa nước ta với Trung Quốc đã hoàn thành, hai nước đã có một đường biên giới hoàn chỉnh phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như nguyện vọng của nhân dân hai nước.

2. Nguyên tắc phân định biên giới với Lào và thực tiễn áp dụng.

Trước năm 1945 cả Việt Nam và Lào đều là thuộc địa của Pháp. Pháp sát nhập hai nước vào “ Đông Dương thuộc Pháp”, sau đó lại chia hai nước thành các lãnh thổ hành chính để cai trị, bao gồm: Xứ Ai Lao, xứ Bắc Kỳ, xứ Trung kỳ và xứ Nam kỳ. Biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào trước kia biến thành ranh giới hành chính giữa các Xứ Ai Lao và hai xứ Bắc kỳ và Trung kỳ. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, vấn đề biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào đã không được đặt ra.

Sau khi hai nước đã giành được độc lập hoàn toàn năm 1976 vấn đề biên giới giữa hai nước mới có điều kiện để giải quyết. Đầu năm 1976, hai Bộ Chính trị hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã họp để thống nhất các nguyên tắc trong việc xác định đường biên giới giữa hai quốc gia.

Trên cơ sở thỏa thuận của hai Bộ Chính trị hai nước, có thể thấy nguyên tắc được áp dụng để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước là nguyên tắc “ Uti possidetis” – Hãy tiếp tục sở hữu cái gì mà anh đang sở hữu. Nguyên tắc Uti possidetis là một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xác định đường biên giới quốc gia được pháp luật quốc tế thừa nhận. Việc áp dụng nguyên tắc này chính là việc công nhận, duy trì và tiếp tục sử dụng các đường ranh giới đã có.

Việc áp dụng nguyên tắc Uti possidetis để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước hoàn toàn phù hợp với thực tiễn tình hình biên giới lúc bấy giờ. Nếu như đường biên giới Việt- Trung đã là đường biên giới quốc tế hình thành trên cơ sở Điều ước quốc tế đã được thừa nhận thì đường biên giới Việt- Lào chưa được xây dựng bằng bất kỳ điều ước quốc tế nào giữa các bên. Đường biên giới Việt – Lào tuy đã được hình thành từ lâu đời và mang tính lịch sử, tuy nhiên mới chỉ được thực dân Pháp ghi nhận với tư cách là ranh giới hành chính giữa xứ Ai Lao với Bắc kỳ và Trung kỳ. Việc thừa nhận đường ranh giới hành chính này để chuyển thành đường biên giới quốc gia là cơ sở quan trọng để hai nước giải quyết tốt vấn đề biên giới chung.

Trên cơ sở nguyên tắc Uti possidetis, hai nước đã cùng nhau xây dựng đường biên giới dựa trên đường ranh giới hành chính được thể hiện trên bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương in năm 1945. Nơi nào không có bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương in năm 1945 thì dùng bản đồ in trước đó hoặc sau đó vài năm. Thực hiện nguyên tắc này, hai Bộ Chính trị hai nước đã họp để tiến hành hoạch định biên giới, cùng thời điểm đó Việt Nam tuyên bố trả một số vùng đất trước kia đã mượn của Lào như Sa Môi, Tà Vi….

Trên thực tế có những đoạn biên giới không có bản đồ hoặc chưa được quy định trên bản đồ của Pháp, do đó việc xác định biên giới theo nguyên tắc Uti possidetis là chưa đủ. Hai nước Việt – Lào sử dụng một cách xác định nữa đó là vạch các đoạn biên giới mới. Trên cơ sở phiên họp của hai Bộ Chính trị hai nước năm 1976, nguyên tắc xác lập các đoạn biên giới mới có thể được hiêu như sau: Ở những nơi nào cả hai bên đều thấy là cần thiết phải điều chỉnh đường biên giới và ở những nơi đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ của Pháp. Hai bên hoạch định biên giới trên cơ sở hoàn toàn nhất trí, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.

Để thực hiện hiệp ước đã ký năm 1976, hai nước đã thành lập Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc Việt – Lào. Ủy ban đã thống nhất các nguyên tắc cũng như phương pháp cắm mốc. Ủy ban đã hoàn thành việc kết quả cắm mốc vào ngày 24/8/1984 trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước. Một số điều chỉnh về biên giới được hai nước ghi nhận trong Hiệp ước bố sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào ngày 24/1/1986. Từ đây hai nước đã có một đường biên giới chính thức được đánh dấu bằng hệ thống mốc quốc giới quy định trên thực địa.

Như vậy, với việc áp dụng một cách sáng tạo nguyên tắc Uti possidetis kết hợp với nguyên tắc xác lập các đoạn biên giớ mới, hai nước Việt – Lào đã xây dựng đường biên giới chung, hoàn chỉnh, một đường biên giới của tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào.

3. Nguyên tắc phân định biên giới với Cam Pu Chia và thực tiễn áp dụng.

Đường biên giới giữa Việt Nam và Cam Pu Chia đã hình thành từ lâu. Đến khi thực dân Pháp xâm lược ba nước Đông Dương và thành lập “ Đông Dương thuộc Pháp” thì cả ba nước Việt Nam, Lào và Cam Pu Chia đều là các xứ của Liên bang Đông Dương. Sau khi giành được độc lập, các ranh giới hành chính của các xứ được thực dân Pháp sử dụng trở thành đường biên giới lịch sử giữa ba nước.

Cũng giống như đường biên giới với Lào, đường biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia trước kia chưa được xác định bởi bất cứ điều ước quốc tế nào. Ngày 20/7/1983 hai nước ký hiệp ước về nguyên tắc giải quyết các vấn đề biên giới. Theo đó, nguyên tắc được hai nước sử dụng trong phân định biên giới trên bộ là nguyên tắc Uti possidetis. Hai nước công nhận đường ranh giới hành chính do Pháp xác định trước kia là biên giới lịch sử giữa hai quốc gia, đồng thời tôn trọng và tuân thủ đường biên giới đó.

Ngày 27/12/ 1985 hai nước ký “ Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và nước Cộng Hòa Nhân Dân Cam Pu Chia” trên cơ sở đó, một một số nguyên tắc điều chỉnh, xác định các đoạn biên giới được thể hiện như sau:

Lấy theo đường đỉnh núi hoặc đường phân thủy trong trường hợp đường biên giới đi theo núi; lấy đường lãnh sâu trong trường hợp đường biên giới đi theo song suối mà tàu thuyền đi lại được; phải tính đến tình hình quản lý thực tế đối với những vùng nhân dân cư trú lâu đời. Sau một thời gian gián đoạn trong việc tiến hành phân giới cắm mốc do tình hình chính trị không ổn định của Cam Pu Chia. Năm 1999 hai nước thành lập Ủy ban Liên hợp về biên giới để tiếp tục thực hiện những công việc gián đoạn. Trên cơ sở Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 2005, một số khu vực cụ thể của biên giới hai nước được xác định theo nguyên tắc “Biên giới theo sông suối”, cụ thể: Đối với những đoạn sông suối biên giới mà tàu thuyền không đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của dòng chảy chính. Đối với những đoạn sông suối biên giới tàu thuyền đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của dòng chảy chính.

Tiêu chuẩn để xác định dòng chảy chính là lưu lượng dòng chảy ở mực nước trung bình. Tiêu chuẩn để xác định luồng chảy chính để tàu thuyền đi lại được là độ sâu của luồng tàu thuyền đi lại được, kết hợp với chiều rộng và bán kính độ cong của luồng tàu thuyền đi lại được để xem xét tổng hợp. Trung tuyến của luồng chính tàu thuyền đi lại được là trung tuyến mặt nước giữa hai đường đẳng sâu tương ứng đánh dấu tàu thuyền đi lại được.

Trường hợp không có sự thỏa thuận của hai bên ký kết, bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối được lấy làm biên giới cũng không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới cũng như sự quy thuộc các cồn, bãi, những cồn bãi mới xuất hiện trên song suối được lấy làm biên giới sau khi đường biên giới đã được xác định trên thực địa sẽ được hoạch định quy thuộc theo đường biên giới đã được xác định trên thực địa. Đối với các cồn bãi mới xuất hiện và nằm trên đường biên giới đã được xác định, hai bên ký kết sẽ bàn bạc nhằm xác định sự quy thuộc của các cồn bãi nói trên trên cơ sở công bằng và hợp lý. Trường hợp nảy sinh khó khăn trong việc áp dụng các nguyên tắc quy định, hai bên sẽ trao đổi hữu nghị nhằm tìm gia một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được.

Trên cơ sở những nguyên tắc điều chỉnh đã được thỏa thuận bổ sung năm 2005. Hai nước tiếp tục tiến hành việc hoạch định biên giới trên bộ và đã đạt được một số thành quả nhất định: Năm 2008, hoàn thành việc hoạch định biên giới trên bản đồ. Tháng 3 năm 2010, hai bên đã xác định được 80% vị trí mốc trên bản đồ và 40% vị trí mốc trên thực địa. Hai nước khẳng định quyết tâm hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc vào cuối năm 2012.

III. BIỆN PHÁP HOÀN CHỈNH HỆ THỐNG BIÊN GIỚI.

Trên cơ sở thực hiện các nguyên tắc đã nêu ở trên, phần lớn đường biên giới trên bộ của Việt Nam với các nước láng giềng đã được phân định, cắm mốc trên thực địa. Đối với đoạn biên giới Viêt – Trung, việc hoạch định, cắm mốc đã hoàn thành. Tuy nhiên, để bảo vệ chủ quyền và quản lý tốt khu vực biên giới Nhà nước ta cần tăng cường công tác các công trình biên giới với sự phối hợp của tát cả các lực lượng chức năng trên toàn tuyến biên giới phức tạp và nhạy cảm này. Đồng thời Nhà nước ta cũng cần phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc trong việc quản lý các công trình biên giới, thống nhất về việc tự do đi lại của tàu thuyền tại khu vực cửa sông Bắc Luân, hợp tác phát triển du lịch tai khu vực thác Bản Giốc. Đối với tuyến biên giới Việt – Lào, với khoảng cách trung bình giữa hai cột mốc là 10 Km như hiện nay là quá xa, rất khó cho công tác quản lý biên giới. Vì vậy, cần phải tăng dầy số cột mốc, đồng thời tôn tạo các cột mốc biên giới quốc gia đã có. Phải tăng cường bổ sung thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất khác phục vụ cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ canh gác, bảo vệ biên giới của mình. Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia, Nhà nước ta cần phối hợp chặt chẽ với nước bạn để đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc trên thực địa. Tăng cường các lực lượng, cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện để thực hiện việc phân giới, cắm mốc cho những đoạn biên giới còn chưa hoàn thành việc cắm mốc. Đối với những đoạn biên giới đã cắm mốc, phải tăng cường bảo vệ và tôn tạo các công trình biên giới. Một khó khăn hiện nay diễn ra trên toàn tuyến biên giới trên bộ của nước ta đó là lực lượng bộ đội biên phòng còn quá ít so với chiều dài của đường biên, chúng ta cần phải tăng cường về số lượng cũng như trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết đẻ đảm bảo cuộc sống và điều kiện làm việc cho các cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo vệ biên giới.

Tuy nhiên công tác quan trọng nhất cần phải tiến hành ngay đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân địa phương vùng biên giới về vai trò, tầm quan trọng của đường biên giới. Đây là biện pháp đầu tiên và cũng là quan trọng nhất phải thực hiện. Trong chính sách an ninh quốc phòng, Nhà nước ta cần chú trọng đến vai trò của nhân dân trong vấn đề an ninh biên giới bên cạnh các lực lượng chuyên trách như: bộ đội biên phòng, công an, hải quan… thì nhân dân là lực lượng đông đảo có khả năng nắm thông tin, tạo điều kiện giúp các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của mình.

KẾT LUẬN

Tuyến biên giới trên bộ của nước ta được tạo thành bởi ba bộ phận tiếp liền nhau là đoạn biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Cam Pu Chia. Xuất phát từ yếu tố lịch sử để lại, đồng thời để phù hợp với pháp luật quốc tế, trong qúa trình hoạch định biên giới quốc gia. Việt Nam và mỗi nước đã áp dụng những nguyên tắc khác nhau để hoạch định. Đối với Trung Quốc là nguyên tắc “kế thừa các điều ước quốc tế” cụ thể là Hiệp ước Pháp – Thanh năm 1887 và Hiệp ước bổ sung năm 1895. Đối với Lào và Cam Pu Chia, Sử dụng nguyên tắc Uti possidetis bằng việc thừa nhận đường biên giới lịch sử được hình thành trong thời Pháp thuộc. các nguyên tắc này được vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với tình hình Việt Nam và các nước láng giềng, đồng thời việc hoạch định biên giới với các nước còn kết hợp sử dụng nguyên tắc “ xác lập các đoạn biên giới mới” để tạo nên đường biên giới trên bộ như hiện nay. Tuy nhiên trên tuyến biên giới giữa nước ta với Cam Pu Chia, vẫn còn nhiều đoạn chưa được phân giới, cắm mốc. Đảng và Nhà nước ta cần phối hợp chặt chẽ với nước bạn để thúc đẩy tiến độ phân giới, cắm mốc trên các đoạn biên giới này.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật quốc tế, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007;
2. Lê Mai Anh & Trần Văn Thắng, Luật quốc tế - Lí luận và thực tiễn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001;
3. Nguyễn Thị Kim Ngân & Chu Mạnh Hùng, Giáo trình Luật quốc tế, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2010; 
4. Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979;
5. Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ký ngày 19/10/1993;
6. Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ký ngày 30/12/1999;
7. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký ngày 18/7/1977;
8. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký ngày 24/1/1986;
9. Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân CamPuChia, ký ngày 20/7/1983;
10. Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc CamPuChia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giwosi quốc gia năm 1985, ký ngày 10/10/2005;
11. Nguyễn Xuân Quang, Hệ thông biên giới trên bộ của Việt Nam với các nước láng giềng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2010;
12. Phạm Thị Kiều My, Biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc những vấn đề pháp lý và thực tiễn, Khoá luận tốt nghiệp, Hà Nội, 2010;
13. Lưu Ngọc Tố Tâm, Đường biên giới quốc gia trên đất liền trong luật pháp quốc tế và thực tiễn biên giới của Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội, 1995;

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment