11/05/2014
Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật - Bài tập học kỳ Xây dựng văn bản pháp luật - 8 điểm
MỞ ĐẦU

Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là những tư tưởng chỉ đạo phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan tới quá trình "nâng" ý chí nhà nước lên thành pháp luật. Đây là những cơ sở quan trọng của toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật, đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình ban hành, sửa đổi hay bãi bỏ các quy phạm pháp luật phải nghiêm chỉnh tuân theo. Trong khuổn khổ bài tập lớn học kỳ, em xin trình bày nội dung nguyên tắc: “Bảo đàm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

NỘI DUNG

1. Khái niệm, đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật

1.1 Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật

Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 1 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “ Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước đảm bảo thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội”.


Như vậy, văn bản quy phạm pháp luật là loại nguồn trực tiếp của pháp luật, do đó nó có ý nghĩa rất lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tạo lập một trật tự pháp luật vì sự phát triển lành mạnh của cả xã hội và của từng cá nhân. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được những văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, phù hợp với các đòi hỏi của cuộc sống.


1.2 Đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật

Từ khái niệm trên, văn bản quy phạm pháp luật có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phối hợp thực hiện. Dấu hiệu quan trọng để khẳng định một văn bản quy phạm pháp luật là văn bản đó phải do cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Điều 2, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy đinh rõ ràng về các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai: Văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định. Văn bản quy phạm pháp luật có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, chính vì vậy, để đảm bảo chất lượng, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định khá chi tiết, cụ thể và hợp lí về thủ tục ban hành VBQPPL của các cơ quan nhà nước ở trung ương. Theo đó, một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành qua các bước: lập chương trình, soạn thảo, thẩm tra, thẩm định, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo văn bản cho đến thông qua ký, công bố, tất cả đều phải tuân thủ đúng quy định của luật, nếu không sẽ bị coi là vi phạm thủ tục hành chính. Trong số các bước trên thì bước lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, các cơ quan ban ngành cho dự thảo văn bản pháp luật được coi là tuân theo nguyên tắc công khai trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba: Văn bản quy phạm pháp luật có nội dung là các quy phạm pháp luật (các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện). Các quy tắc xử sự này là những khuôn mẫu, chuẩn mực mà mọi cơ quan, tổ chức cá nhân phải tuân theo khi tham gia quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng quy tắc đó. 

Thứ tư: Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội đối với những trường hợp khi có những sự kiện pháp lý xảy ra. Sự thực hiện văn bản không làm chấm dứt hiệu lực của nó.

2. Nội dung và ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

2.1 Nội dung nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nguyên tắc là những điều cơ bản nhất thiết phải tuân theo trong một loạt các việc làm. Mỗi ngành khao học, mỗi lĩnh vực hoạt động cụ thể đều đề cập tới vấn đề nguyên tắc theo các góc độ riêng, đặc thù cho ngành khoa học hay lĩnh vực hoạt động đó.

Công khai là sự rõ ràng, đầy đủ mọi thông tin liên quan đến những vấn đề quan trọng cần được phổ biến trong công chúng, là phương thức hữu hiệu để công chúng có sự nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng của hệ thống pháp luật hiện nay. 

Nguyên tắc “Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…” được ghi nhận tại Khoản 3 Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc Hội năm 2008.

Theo đó, một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, đảm bảo tính công khai của quá trình ban hành là những yêu cầu quan trọng. Bên cạnh đó, việc công khai từ khâu soạn thảo cho đến khâu ban hành không những giúp cho người dân sớm biết được định hướng chính sách, pháp luật trong tương lai để chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện mà còn là một trong những kênh để người dân có thể tham gia vào hoạt động xây dựng văn bản pháp luật, giúp cho pháp luật phản ánh được sát hơn ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng là nội dung quan trọng nhằm thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được đề ra trong văn kiện của Đảng. Đồng thời cũng là để thực hiện các cam kết của nước ta khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO. 

Nội dung cơ bản của tính công khai trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật được thể hiện ở việc dân chủ hóa và công khai hóa quá trình soạn thảo ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều đó có nghĩa là trong suốt quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL luôn đảm bảo quyền được thông tin của công dân. Ngay từ khâu soạn thảo, ban hành, Luật quy định văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải trên Trang thông tin của Chính phủ hoặc của cơ quan để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến đơn vị được phân công soạn thảo chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định và ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chỉnh lí dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định trong văn bản nhưng không được sớm hơn 45 ngày kể từ ngày ban hành để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện (khoản 1 Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008). Văn bản quy phạm pháp luật không đăng công báo thì không có hiệu lực, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và ban hành trong tình trạng khẩn cấp, văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, dịch bệnh; VBQPPL trên công báo là văn bản chính thức và có giá trị như văn bản gốc (khoản 2 Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 78 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian chậm nhất là 2 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành, phải gửi văn bản đến cơ quan đăng công báo để đăng công báo; trách nhiệm của cơ quan Công báo là phải đăng toàn văn bản quy phạm pháp luật trên công báo, chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được văn bản.

2.2 Ý nghĩa nguyên tắc bảo đảm tính công khai minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Nguyên tắc đảm bảo nguyên tắc công khai trong quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Nó làm cho chất lượng của văn bản pháp luật được nâng cao, sát thực với thực tế, giảm thiểu số lượng văn bản pháp luật chỉ là trên giấy, không được thi hành. 

Thực hiện nguyên tắc này giúp đưa văn bản gần gũi với thực tiễn, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thể hiện tiêu chí: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Hơn nữa, việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn thể hiện tính pháp chế xã hội chủ nghĩa. Người dân được thực hiện quyền tham gia vào việc quản lí Nhà nước, thể hiện mong muốn, nguyện vọng của mình, góp phần đưa pháp luật gần gũi hơn với người dân, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đối với cơ quan ban hành thì khi thực hiện nguyên tắc này giúp thu hút trí tuệ của những nhân tài trong cuộc sống. 

3. Thực trạng việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật 

3.1 Mặt tích cực

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 quy định khá chi tiết một số yêu cầu nhằm đảm bảo tính công khai trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thu hút trí tuệ, sự tham gia của công chúng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quy định này cùng với việc yêu cầu cơ quan soạn thảo có đánh giá sơ bộ tác động của văn bản ngay từ khi đề xuất sáng kiến và cả trong quá trình soạn thảo có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo đảm khả năng tiếp cận pháp luật của công dân ngay từ khâu hình thành văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có điều kiện thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình. Bước tiến quan trọng này sẽ làm cho hệ thống pháp luật ổn đinh hơn, phản ánh được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

3.2 Một số hạn chế

Bên cạnh những tích cực trong việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu trên vẫn còn tồn tại một số bất cập. Cụ thể:

Tình trạng các văn bản pháp luật được ban hành không phù hợp với thực tiễn của người dân hay chưa thông qua ý kiến đóng góp của người dân nên có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật vừa ra đời phải hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi đồng nghĩa với việc lãng phí ngân sách nhà nước. Hay có những văn bản vẫn còn nằm yên trên giấy, chưa được thi hành trên thực tế nhưng khi đưa ra lấy ý kiến của nhân dân thì cũng bị hủy bỏ. 

Việc công khai dự thảo văn bản, công khai văn bản trước khi có hiệu lực là một việc rất quan trọng và ý nghĩa. Nó đưa văn bản gần gũi với thực tiễn, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân nhưng việc thực hiện công việc này còn hạn chế, chưa triệt để vì việc công khai văn bản chưa được thực hiện đối với những người dân vùng nông thôn, vùng kinh tế chưa phát triển, hệ thống enternet, truyền thông còn kém thì việc công khai văn bản và tiếp nhận ý kiến của nhân dân về văn bản quy phạm pháp luật gần như không có. 

Pháp luật hiện nay chưa phân rõ những loại văn bản nào công khai để nhân dân biết; loại văn bản nào bắt buộc phải công khai để lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời cũng chưa quy định cụ thể thời điểm công khai dự thảo văn bản để lấy ý kiến cũng như chưa có cơ chế rõ ràng về phản hồi, giải trình phù hợp với điều kiện thực tiễn đối với việc tiếp thu ý kiến của cơ quan hữu quan, các tổ chức và cá nhân. 

Những hạn chế như trên đã làm cho rất nhiều văn bản khi được ban hành đã vấp phải sự phản đối của nhân dân cũng như sự không phù hợp với tình thình thực tiễn và trở lên vô hiệu. 

Một ví dụ rõ ràng nhất trong có thể thấy được trong một vài tháng gần đây tại địa bàn thành phố Hà Nội đó là việc thực hiện Thông tư 33/2012/TT - BNNPTNT của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, quy định thịt và phụ phẩm sau khi giết mổ chỉ được bán trong vòng 8 tiếng. Ngay sau khi công bố quy định mới đã có rất nhiều ý kiến phản hồi từ người dân, các tiểu thương, mặc dù các ý kiến đều cho rằng việc siết chặt quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cần thiết. Và sự bất cập đó được các tiểu thương cho biết các lò mổ thường hay giết thịt từ lúc sáng sớm và khi các tiểu thương lấy thịt tại lò mổ là khoảng 2-3h sáng nhưng việc vận chuyển về được đến chợ cũng phải tới 7-8h sáng. Từ lúc lấy hàng cho tới lúc mang ra bán cũng mất 4-5h rồi thì còn bán vào lúc nào nữa. Hơn nữa hiện nay có rất nhiều quầy bán hàng thịt lẻ ngoài mặt đường, họ thường bán suốt cả ngày tới khi 6-7h tối vẫn còn bán, hôm nào mưa thì tới 8h tối vẫn còn cửa hàng bán thịt. Vậy đối với các hộ kinh doanh buôn bán lẻ như vậy thì cơ quan nào sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Mặt khác, để biết được mẫu thịt đó đã qua 8h từ lúc giết mổ chưa thì cũng phải đợi kết quả xét nghiệm rất lâu. Việc ban hành thông tư nhằm triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao, cải thiện điều kiện giết mổ, bảo quản, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm góp phần ngăn ngừa dịch bệnh động vật lây lan, đảm bảo an toàn thực phẩm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng hiện nay nó đang vấp phải sự phản đối của rất nhiều tiểu thương cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Hiện nay, Cục thú ý đang tiếp tục thu thập các ý kiến phản ánh của cơ quan truyền thông, các đối tượng kinh doanh, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm về những nội dung chưa phù hợp điều kiện thực tế ở Việt Nam. Trước sự phản ứng của nhiều doanh nghiệp, tiểu thương trên khắp cả nước Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nôn thôn Diệp Kỉnh Tần đã kí Quyết định dố 2090/QĐ-BNN về việc liên quan đến thực phẩm sau khi giết mổ 8h. Theo quyết định này, ngừng thi hành hiệu lực Thông tư 33 liên quan đến quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong 8 giờ. Trong thời gian tới, Bộ sẽ rà soát, điều chỉnh quy định, đưa ra bàn bạc tại các hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, người dân cũng như tăng cường tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 

Qua ví dụ trên có thể thấy được rõ vai trò của nguyên tắc bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

KẾT LUẬN

Bài tiểu luận đã giúp chúng ta tiếp cận một cách khái quát nhất về nội dung nguyên tắc: “Bảo đàm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Bài làm còn nhiều thiếu sót do kiến thức còn hạn chế và kỹ năng lập luận chưa vững vàng, rất mong nhận được sự góp ý của các thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Xây dựng văn bản pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà nội, 2008.
2. Bộ Tư pháp, Bộ giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội, “Đảm bảo nguyên tắc tuân thủ thẩm quyền khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Khóa luận tốt nghiệp, Nguyễn Thị Thu Phương, 2011.
3. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008.
4. http://www.chinhphu.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Mai Đinh đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment