28/08/2014
Phân tích sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực
Bài tập học kỳ Công pháp quốc tế có đáp án.

LỜI NÓI ĐẦU

Hội nhập quốc tế là một quá trình phát triển tất yếu, do bản chất xã hội của lao động và quan hệ giữa con người.  Sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường cũng là động lực hàng đầu thúc đẩy quá trình hội nhập. Hội nhập diễn ra dưới nhiều hình thức, cấp độ và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, theo tiến trình từ thấp đến cao. Hội nhập đã trở thành một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Ngày nay, hội nhập quốc tế là lựa chọn chính sách của hầu hết các quốc gia để phát triển. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ, Việt Nam mở rộng ngoại giao, hội nhập quốc tế: tham gia nhiều tổ chức quốc tế, hợp tác với nhiều nước trên thế giới…Điều này càng ngày càng khẳng định vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, để có thể hiểu biết thêm sự tham gia của Việt nam và tầm quan trọng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Em xin chọn đề tài số 05: “Phân tích sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong một số khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực (SV chọn hai hoặc ba khuôn khổ hợp tác để phân tích)”. 

NỘI DUNG

1. Phân tích sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, hợp  tác chính trị - an ninh của ASEAN

ASEAN là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á được thành lập 8/8/1967 trên cơ sở Tuyên bố Băng-cốc, với 5 nước thành viên ban đầu là In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Sau 40 năm tồn tại và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức hợp tác khu vực liên Chính phủ bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á (thêm 5 nước là Brunei, Cămpuchia, Lào, Mianma và Việt Nam), là một thực thể chính trị-kinh tế quan trọng ở Châu Á - Thái Bình Dương và là đối tác không thể thiếu trong chính sách khu vực của các nước lớn và các trung tâm quan trọng trên thế giới. Hiện nay, ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với mục tiêu bao trùm là hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và hoạt động dựa trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Việt Nam trở thành thành viên chính thức thứ 7 của ASEAN (28/7/1995).

1.1. Sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác chính trị - an ninh của ASEAN (Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN( APSC))

- Ngay sau khi gia nhập, Việt Nam đã thúc đẩy mở rộng ASEAN, lần lượt kết nạp 3 quốc gia Lào, Myanmar và Capuchia, giúp ASEAN trở thành một khối thống nhất, quy tụ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á.

- Việt Nam đã thực hiện đủ mọi nghĩa vụ cam kết và trách nhiệm của một thành viên đồng thời tích cực, chủ động đề xuất và thúc đẩy xây dựng nhiều quyết sách, định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; tham gia soạn thảo nhiều văn bản và chủ trì thành công nhiều hoạt động của ARF nhằm tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, tạo sức mạnh chung để cùng nhau ứng phó những thách thức đang đặt ra hiện nay, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh, hòa bình cho khu vực và quốc tế. Cụ thể:

Trong đối thoại về an ninh – chính trị, Việt Nam đã tham gia đóng góp sáng kiến làm phong phú thêm các biện pháp đối thoại như xây dựng đường dây nóng giữa các nước ASEANViệt Nam tích cực đóng góp sáng kiến của mình trong quá trình soạn thảo các văn bản quan trọng của ASEAN….

Việt Nam chủ động tham gia, đóng góp sáng kiến trong quá trình soạn thảo và đi đến ký kết Hiến chương ASEAN, văn kiện quan trọng tạo khung pháp lý và khuôn khổ thể chế hỗ trợ ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng. 

Việt Nam đã đề nghị ASEAN đưa vào chương trình hành động APSC các nội dung về quan điểm an ninh toàn diện cũng như nguyên tắc không can thiệp quân sự từ bên ngoài dưới bất kì hình thức nào, đặc biệt không cho phép dùng lãnh thổ của một nước vào mục đích chống phá các nước thành viên khác(1) và được ASEAN chấp nhận và đưa vào chương trình hành động APSC. 

Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh – chính trị như: Việt Nam đã cùng các quốc gia thành viên tích cực vận động các nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) đề Hiệp ước này trở thành “ Quy tắc ứng xử” chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia khi tham gia các họat động tại khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia đầy đủ quá trình kí kết và phê duyệt Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) nhằm xây dựng Đông Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân, Việt Nam đã đề ra sáng kiến và tổ chức thành công cuộc họp tham khảo ý kiến giữa các nước ASEAN và 5 quốc gia có vũ khí hạt nhân. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN thúc đẩy việc tuân thủ và thực hiện tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…

Vai trò:Việt Nam đã thúc đẩy nhanh chóng đưa ASEAN trở thành một khối thống nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ động tích cực tham gia, xây dựng và triển khai chương trình của APSC nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành công APSC - tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị-an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung. Sự chủ động của Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò Việt Nam là một nhân tố quan trọng góp phần giữ vững các nguyên tắc cơ bản, định hướng phát triển đúng của APSC, duy trì và tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Hiệp hội. Sự tham gia của Việt Nam đóng góp tích cực vào việc mở rộng quan hệ đối ngoại và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình hình thành cấu trúc ở khu vực vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng; đóng vai trò động lực và là hạt nhân mở rộng liên kết và kết nối ở khu vực Đông Á; giữ vai trò quan trọng trong công cuộc giữ gìn bảo hòa bình, ổn định khu vực.

1.2. Sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kinh tế (Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC) của ASEAN

- Việt Nam tham gia trong việc hình thành ý tưởng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Xuất phát từ ý tưởng hình thành AEC bắt đầu được hình thành cùng Tuyên bố tầm nhìn 2020 là thiết lập một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có tính cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư được di chuyển tự do,…Thực tế, Việt Nam đã chủ động tham gia, thúc đẩy việc soạn thảo “Tầm nhìn ASEAN 2020” – nền tảng tư tưởng cho sự thiết lập cộng đồng ASEAN, Việt Nam đưa ra sáng kiến xây dựng “ Chương trình hành động Hà Nội” nhằm khắc phục nhanh chóng hậu quả khủng hoảng tài chính – tiền tệ, khôi phục lại vị thế và sức mạnh của ASEAN sau khủng hoảng, đặc biệt là thực hiện “Tầm nhìn 2020” vì một ASEAN năng động, hợp tác và phát triển bền vững... Đây là một đóng ý tưởng cho Cộng đồng kinh tế sau này.

- Việt Nam đã tích cực triển khai các nội dung của AEC, nhằm triển khai có hiệu quả lộ trình tự do hóa về thương mại, dịch vụ, đầu tư đồng thời tham gia hợp tác toàn diện các lĩnh vực như bảo hộ trí tuệ…Ví dụ: Để thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa, tháng 6/2006 Việt Nam công bố lộ trình giảm thuế để thực hiện CEPT/AFTA giai đoạn 2006- 2013, theo đó 10.342 mặt hàng đã được đưa vào danh mục cắt giảm thuế…

- Sự tham gia của Việt Nam trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên của ASEAN và làm sống động lại mối quan hệ của ASEAN và một số quốc gia ngoài khu vực. Ví dụ: Tháng 6/2007 Việt Nam đăng cai tổ chức diễn đàn sáng kiến hội nhập ASEAN (AIA) lần thứ hai, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội qua chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng sông Mê Công, các vùng nghèo dọc hành lang Đông  - Tây (WEC). Việt Nam giúp cải thiện quan hệ kinh tế ASEAN và EU (bị đóng băng từ năm 2008), xử lý khôn khéo mối quan hệ giữa Trung Quốc, Nhật Bản và các nước tham gia khuôn khổ hợp tác Đông Á đồng thời mở thêm kênh đối thoại cấp Bộ trưởng kinh tế lần đầu tiên với Cộng hòa Liên Bang Nga.

Vai trò: Từ sự tham gia tích cực chủ động của Việt Nam và hiệu quả đạt được từ những hoạt động đó đã cho thấy Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò mình. Tuy là nước có thể chế chính trị khác với các thành viên trong khu vực nhưng Việt Nam luôn đặt lợi ích khu vực ở vị trí quan trọng, trên cơ sở đó cùng ASEAN bàn bạc và tìm kiếm hình thái, bước đi phù hợp để xây dựng Cộng đồng. Việt Nam đã đề ra những sáng kiến mới nhằm khắc phục những yếu kém, trì trệ trong ASEAN, thúc đẩy hợp tác khu vực phát triển trên nguyên tắc hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực và các quyết định của Việt Nam được ASEAN chấp nhận và không tạo ra mâu thuẫn, đối kháng trong tổ chức. Việt Nam đã giúp ASEAN xây dựng những quy định chung, tích cực tham gia vào tất cả các hội nghị và có những đóng góp rất lớn vào những quyết định chung của khối ASEAN. 

2. Sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kinh tế, khuôn khổ hợp tác văn hóa – xã hội của Hội nghị Á – Âu (ASEM)

ASEM (Hội nghị Á – Âu) là diễn đàn đối thoại và hợp tác không chính thức, được sáng lập vào năm 1996 mà thành viên là các quốc gia ở các khu vực địa lý khác nhau hợp tác để tạo sự tăng trưởng hơn nữa ở cả châu Á và châu Âu. Thành viên ban đầu bao gồm 15 nước Liên minh châu Âu và 7 nước ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á và Uỷ ban châu Âu. Sau đó, kết nạp thêm 10 nước thành viên EU mới cùng với 3 nước thành viên ASEAN (Campuchia, Lào và Mianma). 

2.1. Sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác kinh tế của ASEM

- Trong quá trình tham gia ASEM, Việt Nam đã cùng các nước châu Á nhấn mạnh hợp tác kinh tế là cơ sở vững chắc cho quan hệ đối tác giữa hai châu lục. Việt Nam cho rằng ASEM cần tính đến trình độ phát triển khác nhau giữa các nước, quan tâm thích đáng đến sự phát triển giữa các nước thành viên, hỗ trợ các nước đang phát triển trong chuyển giao công nghệ, giải quyết chênh lệch về trình độ khoa học – kỹ thuật, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, để giúp những nước này trở thành đối tác lâu dài, ổn định, đưa sự hợp tác ASEM thực sự trở thành quan hệ đối tác cùng có lợi. 

- Việt Nam tích cực tham gia các Hội nghị, cuộc họp của ASEM và tổ chức đăng cai nhiều sự kiện quan trọng thể hiện sự chú trọng của Việt Nam tới mọi họat động của ASEM trong khuôn khổ hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng và triển khai các họat động của ASEM. Cụ thể:

Việt Nam đã tham gia xây dựng và triển khai “Kế hoạch Hành động Xúc tiến đầu tư” (IPAP), “Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại” (TFAP). Việt Nam đã thúc đẩy Hội nghị Cấp cao ASEM 5 thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”. Đây là văn kiện có tính định hướng hợp tác kinh tế ASEM.

Việt Nam đã cử đoàn tham gia tất cả các hội nghị cấp Bộ trưởng các ngành kinh tế và tài chính, và các cuộc họp các quan chức cao cấp Thương mại và Đầu tư trong khuôn khổ ASEM. Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 9 liền kề với Hội nghị Cấp cao ASEM 5, một mặt góp phần thúc đẩy kênh đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp đối với ASEM; mặt khác tạo khuôn mẫu cho tổ chức các Diễn đàn doanh nghiệp về sau. Trong lĩnh vực tài chính, đến năm 2006 (thời điểm kết thúc), các Bộ ngành của Việt Nam đã tranh thủ Quỹ Tín thác ASEM (ATF) trợ giúp triển khai có hiệu quả  21 dự án với giá trị gần 13,35 triệu đô la trên các lĩnh vực cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo và cải cách hệ thống an sinh xã hội, được đánh giá cao. Tại FMM 9 (Hà Nội, tháng 5/2009), sáng kiến “Diễn đàn Á-Âu về hợp tác kinh tế và phát triển" của ta đã được Hội nghị hoan nghênh và thông qua.

Vai trò, với sự tham gia chủ động và nỗ lực của mình Việt Nam đã dần khẳng định tầm quan trọng của mình trong khuôn khổ hợp tác kinh tế của ASEM và được các quốc gia thành viên đánh giá cao. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia và đưa ra những đề xuất, sáng kiến giúp các quốc gia thành viên thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, để giúp những nước này trở thành đối tác lâu dài, ổn định, đưa sự hợp tác ASEM thực sự trở thành quan hệ đối tác cùng có lợi. Bên cạnh đó với việc Việt Nam đưa hợp tác kinh tế ASEM lên một tầm cao mới thể hiện ở sự chủ động đề xuất và chuẩn bị tích cực cho việc đưa ra một Tuyên bố về hợp tác kinh tế ASEM trong thời kỳ mới, đưa hợp tác ASEM, nhất là hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn tại Hội nghị Cấp cao ASEM 5. Đây là một dấu ấn quan trọng, định hình khuôn khổ hợp tác kinh tế ASEM trong thời kỳ mới, đưa hợp tác ASEM, nhất là hợp tác kinh tế đi vào thực chất và hiệu quả hơn, phản ánh đầy đủ mối quan tâm và lợi ích của tất cả các thành viên.

2.2. Sự tham gia và vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác chính trị của ASEM

- Kể từ khi tham gia ASEM, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các sinh hoạt chính trị, hoạt động của ASEM. Cụ thể: Việt Nam đã cử đoàn tham dự các Hội nghị Bộ trưởng, các cuộc họp ASEM SOM, họp điều phối viên…Việt Nam là một trong các nước thành lập ASEM năm 1988 nên việc tham gia đầy đủ các hoạt động của ASEM thể hiện Việt Nam rất chú trọng tới quan hệ hợp tác của mình với ASEM và để các quốc gia thành viên thấy được sự thiện chí của Việt Nam trong quan hệ hợp tác.

- Bên cạnh đó, Việt Nam còn đăng cai nhiều chương trình, Hội thảo của ASEM và đã tích cực đề xuất và triển khai nhiều sáng kiến, họat động của ASEM trong khuôn khổ hợp tác chính trị. Cụ thể: Việt Nam nỗ lực chuẩn bị và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5, đưa ra những quyết định mở ra hướng mới cho hợp tác ASEM, đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và văn hoá. Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực của nước chủ nhà, chủ động dàn xếp điều hòa lợi ích giữa các thành viên ASEM, giải quyết tốt vấn đề mở rộng thành viên của Mi-an-ma, góp phần quan trọng duy trì sự phát triển của tiến trình, đoàn kết trong khối các nước ASEAN. Vào ngày 25-26/5/2009, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ chín (FMM 9) đã thành công tốt đẹp. Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM chính thức đầu tiên với 45 thành viên. Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lường trước được những vấn đề có thể phát sinh, ta đã sớm đề xuất chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính - kinh tế và các thách thức toàn cầu", chương trình nghị sự và các nội dung thảo luận thoả đáng, đáp ứng quan tâm và lợi ích của các thành viên; kiên trì, khéo léo vận động để các bên đi đến đồng thuận ủng hộ kết nạp đồng thời cả Nga và Ô-xtrây-li-a, hai nước lớn và có quan hệ chiến lược với Việt Nam, và giao cho các Quan chức Ngoại giao cao cấp trao đổi về thể thức để hai nước này chính thức tham gia tại Cấp cao ASEM 8 năm 2010. Trong quá trình chuẩn bị và tại Hội nghị, ta đã xử lý khéo léo, linh hoạt nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, để các bên liên quan trực tiếp đạt được đồng thuận chung, không áp đặt hay gây căng thẳng, nhất là đối với việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân ngày 25/5, bà Aung San Suu Kyi bị đưa ra xét xử và tình hình Xri-lan-ca. Liên quan tình hình Mi-an-ma, ta đã chủ động thúc đẩy để cuộc gặp đầu tiên ở cấp Bộ trưởng giữa Troika EU với Mi-an-ma diễn ra thành công.

Vai trò: Việt Nam đã góp vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển và làm phong phú thêm nội dung hợp tác giữa hai châu lục. Trong khi Á-Âu có sự khác biệt về quan tâm và thứ tự ưu tiên hợp tác, Việt Nam đã phối hợp cùng các thành viên châu Á khác kiên trì nguyên tắc đối thoại bình đẳng, dành ưu tiên cao nhất cho hợp tác cùng có lợi; bảo đảm đối thoại chính trị tiến hành trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo bầu không khí ngày càng thuận lợi cho đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khác. 

Thực hiện vai trò điều phối viên, Việt Nam đăng cai nhiều cuộc họp các cấp và phối hợp với các thành viên điều hành tốt, đồng chủ trì và đóng góp vào nhiều chủ đề thảo luận tại tất cả các cuộc họp ASEM. Việt Nam đã chú trọng tham khảo trong ASEAN, đề cao tiếng nói chung của châu Á, cơ bản xử lý nhanh chóng và tốt các vấn đề, đưa ra nhiều đề xuất giải quyết các vấn đề chung để duy trì tiến trình ASEM phù hợp với lợi ích của các nước trong khu vực cũng như của ASEM.

KẾT LUẬN

Sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam trong những khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực đã cho thấy được vai trò quan trọng của Việt Nam trong những khuôn khổ hợp tác này như thúc đẩy hoàn thành mục tiêu của khuôn khổ hợp tác khu vực và liên khu vực. Bên cạnh đó, sự hợp tác này có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cạnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật quốc tế, Trường đại học Luật Hà Nội. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội – 2004.
2. Giáo trình Luật quốc tế (Dùng cho các trường đại học, chuyên ngành luật, ngoại giao). ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân – ThS. Chu Mạnh Hùng (đồng chủ biên). Nxb giáo dục Việt Nam. Hà Nội – 2010.
3. Giáo trình Pháp luật Cộng đồng ASEAN, Trường Đại học Luật Hà Nội. Nxb Công an nhân dân. Hà Nội – 2012.
4. Website: chinhphu.vn
5. Trích bài: “Việt Nam & ASEM, một số nét cơ bản” trên website Bộ ngoại  giao Việt Nam.

6. Trích bài: “Hội nhập quốc tế” Sở ngoại vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: http://dofabrvt.gov.vn/vn/WEB/162.nhung_thanh_tuu_trong_tien_trinh_hoi_nhap_kinh_te_....html

No comments:

Post a Comment