30/08/2014
Điều 14 Công ước Viên năm 1969 - Bài tập Công pháp quốc tế
Bài làm

Công ước giơnevơ 1958 không phát sinh hiệu lực với Đức, vì Công ước giơnevơ 1958 về Thềm lục địa là công ước chỉ phát sinh hiệu lực đối với quốc gia đã ký khi quốc gia đó phê chuẩn. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Công ước Viên năm 1969: “ Một quốc gia chịu sự ràng buộc của một điều ước biểu thị bằng việc phê chuẩn:

a. Khi điều ước quy định là sự đồng ý này biểu thị bằng việc phê chuẩn;

b. Khi có sự quy định rằng các quốc gia tham gia đàm phán đã thỏa thuận là sẽ phải dùng hình thức phê chuẩn;

c. Khi đại diên của quốc gia đó đã ký điều ước bắt buộc phải phê chuẩn;


d. Khi quốc gia đó có ý định ký điều ước bắt buộc phải có sự phê chuẩn, thì ý định này được thể hiện trong thư ủy quyền của đại diện quốc gia đó hoặc được bày tỏ trong quá trình đàm phán.” ¹


Căn cứ theo điều 9 Công ước Gơnevơ 1958 về thềm lục địa: “ Công ước này phải được phê chuẩn. các văn kiện phê chuẩn được lưu với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.”²

Căn cứ vào quy định tại điều 9 công ước Giơnevơ 1958 thì công ước này bắt buộc phải có sự phê chuẩn. Căn cứ vào khoản 1 Điều 14 Công ước Viên năm 1969 thì một quốc gia chỉ chịu sự ràng buộc của một điều ước biểu thị bằng việc phê chuẩn khi điều ước quy định là sự đồng ý này biểu thị bằng việc phê chuẩn. Theo đó, Công ước 1958 về Thềm lục địa chỉ có hiệu lực với Đan Mạch và Hà Lan vì Đan Mạch và Hà Lan là hai quốc gia đã ký và phê chuẩn Công ước. Đối với Cộng hòa Liên bang Đức, mặc dù đã ký, tuy nhiên Đức chưa phê chuẩn công ước do đó, theo quy định của Công ước Viên về luật điều ước quốc tế năm 1969 và Công ước Giơnevơ về thềm lục địa 1958 thì Công ước Giơnevơ không phát sinh hiệu lực đối với Đức.

Để chứng minh nguyên tắc “ đường cách đều” là một tập quán quốc tế, Đan Mạch và Hà Lan phải dựa vào cơ sở hình thành tập quán để chứng minh điều đó. Phải có sự thừa nhận và sự áp dụng của các quốc gia là quy phạm pháp lý bắt buộc thì tập quán mới được hình thành. Như vậy, cần lưu ý rằng cả hai yếu tố này phải được bảo đảm trước khi một tập quán có giá trị ràng buộc toàn cầu, khu vực hoặc giữa một số quốc gia liên quan đến tiến trình hình thành tập quán. Trong trường hợp không thể hiện rõ ràng ý định thừa nhận, sự áp dụng thường xuyên của Đức phải được xem xét có xuất phát từ sự tán thành của Đức hay không.

* Sự thừa nhận quy phạm pháp lý bắt buộc

Yếu tố tâm lý rất cần thiết trong quá trình hình thành tập quán cũng như phản ánh một nghĩa vụ pháp lý. Trong việc chứng minh nguyên tắc “ Đường cách đều” là tập quán quốc tế, nội dung và vai trò của yếu tố này cần được làm rõ như sau:

Quốc gia không chỉ thực hiện hành vi nhiều lần, mà còn phải hành động theo một cách thức cho thấy rằng họ nhận thức được đó là nghĩa vụ luật định. Sự nhận thức này được ngầm hiểu rằng quốc gia xem hành vi đó là một quy phạm pháp lý bắt buộc. Như vậy, quốc gia phải ý thức rằng họ đang thực hiện một nghĩa vụ pháp lý. Sự áp dụng thường xuyên, hay thậm chí là thói quen thực hiện hành vi, không phải là điều kiện đủ. Có rất nhiều hành vi trong quan hệ quốc tế, ví dụ nghi thức ngoại giao, được thực hiện theo những cách thức khác nhau, nhưng hầu hết bị chi phối bởi truyền thống, xã giao hay sự thông dụng, chứ không phải là nghĩa vụ pháp lý.

Để làm rõ yếu tố tâm lý của cả một quốc gia không nhất thiết phải trực tiếp chứng minh quốc gia thừa nhận những quy phạm bắt buộc, mà có thể suy luận một cách gián tiếp thông qua những xử sự thực tế của quốc gia. Như vậy, Đan mạch và Hà Lan không cần phải chứng minh rằng Đức tuyên bố chính thức thừa nhận nguyên tắc “ Đường cách đều” mà có thể chúng minh sự thừa nhận nguyên tắc trên của Đức thể thông qua hành vi hoặc bất hành vi. 

Một vấn đề đặc biệt đó là “tập quán giây lát”, tập quán này đã phủ nhận tầm quan trọng của sự áp dụng thường xuyên của quốc gia, mà chỉ thể hiện trong các nghị quyết hoặc tuyên bố không mang tính ràng buộc. Hơn nữa, khái niệm tập quán ngầm chứa đựng yếu tố thời gian, và tập quán giây lát thể hiện sự mâu thuẫn ngay trong thuật ngữ. Trong tranh chấp thềm lục địa biển Bắc, Đan Mạch và Hà Lan cần nhấn mạnh sự áp dụng nguyên tắc “ đường cách đều” của Đức phải bảo đảm tính phổ biến và thống nhất trong suốt thời gian tranh chấp, dù có thể rút ngắn. Nói cách khác, nếu rút ngắn thời gian thì sự áp dụng của quốc gia phải được mở rộng phạm vi và phải bảo đảm tính thường xuyên.

* Sự áp dụng thường xuyên của quốc gia

Để được công nhận là tập quán quốc tế, một quy tắc phải được các quốc gia thừa nhận và áp dụng thường xuyên, mà sự áp dụng thường xuyên thì hiếm khi có thể chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có thể chứng minh thông qua tài liệu chuẩn bị cho các thủ tục khác, ví dụ việc ký Điều ước của Đức; phát biểu của bộ trưởng và đại diện chính phủ hoặc ngoại giao…

Là một yếu tố hình thành tập quán quốc tế, sự áp dụng thường xuyên này phải phổ biến, nhưng không đòi hỏi sự thừa nhận áp dụng của tất cả quốc gia trên thế giới hoặc tại một khu vực. Nếu Đức không thừa nhận áp dụng không có nghĩa là quy tắc này sẽ không có giá trị ràng buộc đối với Đức. Điều này có thể hiểu là các quốc gia không cần thiết phải chính thức hoặc ngầm thừa nhận bị ràng buộc vào quy tắc tập quán, bởi vì sự hình thành tập quán luôn luôn phải xuất phát từ một cách thức thừa nhận bất kỳ.

Tuy nhiên, một quốc gia có thể không bị ràng buộc vào quy tắc tập quán trong trường hợp liên tục phản đối quy tắc đó. Nếu Đức không phản đối sự thừa nhận áp dụng một quy tắc của quốc gia khác, Đức sẽ không có quyền, hoặc không đủ tư cách tiếp tục phản đối khi quy tắc đã được luật quốc tế cho phép áp dụng rộng rãi, thậm chí khi quy tắc đó ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Thực tế là tập quán và điều ước quốc tế có mối quan hệ tương hỗ với nhau. Một điều ước quốc tế có thể tập hợp hóa hoặc pháp điển hóa quy tắc tập quán, như Công ước Luật biển 1982. Ngược lại, việc ký kết và thực thi điều ước quốc tế có thể phản ánh sự tồn tại của một quy tắc tập quán. Trong tranh chấp thềm lục địa Biển Bắc, hành vi ký kết và phê chuẩn Công ước Geneva 1958 về thềm lục địa của các quốc gia cũng có thể hình thành quy tắc tập quán quốc tế.

No comments:

Post a Comment