Bài tập cá nhân Công pháp quốc tế - tình huống số 6 có đáp án.
Tình huống 06:
Hundu và Renda đều là hai quốc gia thành viên của Công ước về chống khủng bố quốc tế. Tháng 4/ 2011, Chính phủ Hundu nhận được báo cáo của Cục tình báo quốc gia về việc phát hiện ra nơi ẩn náu trên lãnh thổ Renda của tên trùm khủng bố ( bị truy nã toàn cầu) mà quốc gia này đang tìm kiếm. Chính phủ Hundu ngay lập tức bí mật điều động máy bay quân sự với tần số siêu âm, thoát khỏi sự kiểm soát của rada trinh thám Renda, vượt biên giới, tiến vào lãnh thổ nước này và tấn công nơi ở của tên trùm khủng bố, đồng thời tiêu diệt tên này.
Phát hiện ra hành vi của Hundu, Renda đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. phía Renda cho rằng hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, Hundu cho rằng hành vi của quốc gia này là nhằm thưc hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước về chống khủng bố. Hơn nữa, Tổng thống Hundu đã thực hiện cuộc điện đàm chính thức với Tổng thống Renda và ông này hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động chống khủng bố được thực hiện bởi Hundu. Hãy cho biết:
- Tính hợp pháp trong hành vi của Hundu? Vì sao?
- Cuộc điện đàm chính thức giữa Tổng thống của hai quốc gia có xác lập nghĩa vụ của Renda trong việc tạo điều kiện cho Hundu tấn công và tiêu diệt trùm khủng bố trên lãnh thổ Renda không? Vì sao?
1.Tính hợp pháp trong hành vi của Hundu? Vì sao?
Hành vi của Hundu là không hợp pháp. Vì:
Hành vi của Hundu đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia của luật quốc tế. Chính phủ Hundu khi nhận được báo cáo của Cục tình báo quốc gia về việc phát hiện ra nơi ẩn náu trên lãnh thổ Randa của tên Trùm khủng bố ( bị truy nã toàn cầu) mà quốc gia này đang tìm kiếm. Chính phủ Hundu ngay lập tức bí mật điều động máy bay quân sự với tần số siêu âm, thoát khỏi sự kiểm soát của rada trinh thám Renda, vượt biên giới, tiến vào lãnh thổ nước này và tấn công nơi ở của tên trùm khủng bố, đồng thời tiêu diệt tên này đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc, lãnh thổ là biểu hiện của nền độc lập dân tộc và bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia. Bảo vệ biên giới, lãnh thổ chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia chống lại mọi hình thức ngoại xâm. Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với hiến chương Liên Hợp Quốc năm 1970 cũng đã quy định rõ nội dung nguyên tắc này. Như vậy, trong tình huống này thì Hundu đã xâm phạm chủ quyền quốc gia Renda vì hành động bí mật điều động máy quân sự tiến vào Renda.
Bên cạnh đó còn vi phạm nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nguyên tắc này được quy định trong Tuyên bố năm 1970 của Liên hợp quốc về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia. Hành vi Hundu bí mật điều động máy bay quân sự với tần số siêu âm, thoát khỏi sự kiểm soát của rada trinh thám Renda, vượt biên giới, tiến vào lãnh thổ Renda có thể bị coi là một hành vi sử dụng vũ lực với quốc gia Renda cho dù có mục đích chỉ là bắt tên khủng bố, nhưng nó làm ảnh hưởng tới nền an ninh của Renda khi có quốc gia dùng lực lượng quân sự tiến vào lãnh thổ mình bí mật như vậy. Tuy luật quốc tế không quy định rõ về định nghĩ thế nào là “ Vũ lực” nhưng theo các văn kiện của Liên hợp quốc thì vũ lực được hiểu là sức mạnh về quân sự, chính trị, kinh tế hoặc ngoại giao mà quốc gia này sử dụng bất hợp pháp đối với quốc gia khác. Hundu và Renda đều là thành viên của Công ước về chống khủng bố quốc tế nên khi tên khủng bố này đang ẩn náu trên lãnh thổ Renda thì Renda phải có nghĩa vụ cùng hợp tác với Hundu để bắt tên trùm khủng bố này chứ Hundu không được bí mật điều động máy bay quân sự tiến vào Renda để tiêu diệt tên khủng bố. Điều này vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, ảnh hưởng tới nền an ninh quốc gia của Renda.
2. Cuộc điện đàm chính thức giữa Tổng thống của hai quốc gia có xác lập nghĩa vụ của Renda trong việc tạo điều kiện cho Hundu tấn công và tiêu diệt trùm khủng bố trên lãnh thổ Renda không? Vì sao?
Cuộc điện đàm này không xác lập nghĩa vụ của Renda trong việc tạo điều kiện cho Hundu tấn công và tiêu diệt tên trùm khủng bố trên lãnh thổ Renda. Vì:
Theo nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác (quy định tại Điều 55,56 Hiến chương liên hợp quốc thì Renda và Hundu phải hợp tác với nhau trong việc bắt tên trùm khủng bố đó nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Sự nỗ lực và thiện chí hợp tác của Renda với Hundu phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế sẽ loại bỏ được các hợp tác trái với luật quốc tế và các vấn đề toàn cầu được giải quyết, đây vừa là lời ích chung của các quốc gia vừa là lợi ích cho sự phát triển của các quốc gia đó. Tuy nhiên như phân tích ở ý thứ 1 thì Hundu đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản luật quốc tế nên sự hợp tác này đã không còn là sự hợp tác dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nữa, hành vi của Hundu đã gây phương hai tới Renda. Bên cạnh đó, Hundu bí mật kế hoạch hành động của mình đó là bí mật điều động máy bay quân sự với tần số siêu âm, thoát khỏi sự kiểm soát của rada trinh thám Renda, vượt biên giới, tiến vào lãnh thổ nước Renda và tấn công nơi ở của tên trùm khủng bố, đồng thời tiêu diệt tên trùm khủng bố. Điều này đã cho thấy Hundu chưa thiện chí trong hợp tác với Renda vẫn cho Renda là “ ngoài cuộc”, cuộc điện đàm này như một lời cam kết Renda sẽ hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chống khủng bố được thực hiện bởi Hundu. Tuy nhiên, cách thức, mức độ hợp tác còn phụ thuộc vào yêu cầu, khả năng của Renda và Hundu cũng cần tôn trọng và tuân thủ theo đúng mức độ hợp tác giữa hai nước và luật pháp quốc tế. Như vậy trong trược hợp này cuộc điện đàm không làm phát sinh nghĩa vụ đối với bên Renda trong việc tạo điều kiện cho Hundu tấn công và tiêu diệt trùm khủng bố trên lãnh thổ Renda.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Luật quốc tế. Trường đại học Luật Hà Nội, Nxb công an nhân dân, năm 2004.
2. Giáo trình luật quốc tế. ThS Nguyễn Thị Kim Ngân – ThS Chu Mạnh Hùng, Nxb giáo dục Việt Nam.
3. Hiến Chương Liên Hợp Quốc
4. Công ước viên 1969
5. Tuyên bố về những nguyên tắc của Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với hiến chương Liên Hợp Quốc 1970.
No comments:
Post a Comment