Th.S Nguyễn Ngọc Lâm
Trưởng khoa Luật quốc tế
Trường Đại học Luật TP. HCM
Với mục đích của Hội thảo đề ra, trong phạm vi bài viết chúng tôi chỉ đề cập đến cơ sở pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển theo quy định của pháp luật quốc tế và một số kiến nghị của cá nhân, góp tiếng nói nhằm bảo vệ chủ quyền của về biển đảo của Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
1. Nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia – cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc, lãnh thổ là biểu hiện của nền độc lập dân tộc và bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia. Bảo vệ biên giới, lãnh thổ chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia chống lại mọi hình thức ngoại xâm. Quyền này đã được pháp luật quốc tế công nhận. Vì vậy, khi giải quyết bất kỳ vấn đề gì liên quan đến biên giới và lãnh thổ chúng ta phải biết kết hợp các hình thức và biện pháp đấu tranh thích hợp đối với từng vụ việc phát sinh trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế; bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; giữ gìn quan hệ hữu nghị với các nước trên nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việc xác định vùng biển theo pháp luật quốc tế bắt nguồn từ nguyên tắc sơ khai, mang tính cơ bản, đó là “Đất thống trị biển”. Nội hàm của nguyên tắc này thể hiện, một quốc gia không có bờ biển thì không thể có vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia đó và cũng từ nguyên tắc này cho chúng ta thấy chỉ khi đáp ứng được tiêu chí đầu tiên mang tính cơ bản là có bờ biển, thì quốc gia đó mới có thể có được các vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối và các vùng biển quốc gia có quyền về chủ quyền theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 như vùng lãnh hải; vùng tiếp giáp lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế.
Với thực tế địa lý của Trung Quốc, nhìn vào bản đồ ai cũng có thể thấy được Trung Quốc không thể có được vùng biển theo cách tự nhận của mình đó là đường “lưỡi bò” thâu tóm một diện tích gần 80% diện tích của biển Đông, bao trùm lên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển của các quốc gia khác trong toàn bộ khu vực như Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines…
Từ cơ sở pháp lý này khi liên hệ đến vụ việc tàu hải giám của Trung Quốc có hành động ngang ngược cắt cáp và cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 của Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của Công ước 1982 mà trong đó Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên, phải có nghĩa vụ tôn trọng các quy định của Công ước mà mình đã cam kết.
Theo các số liệu công bố, vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu Bình Minh 02 đang hoạt động ở tọa độ 12o48’25” Bắc và 111o26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý, đây là vùng biển nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, trong khi đó ở tọa độ này, nơi mà tàu Bình Minh 02 của Việt Nam hoạt động cách đảo Hải Nam của Trung Quốc đến 340 hải lý. Điều 57 của Công ước 1982 quy định thì “Vùng đặc quyền kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý, kể từ đường cơ sở dùng để tính chiếu rộng lãnh hải”. Chiểu theo quy định của Điều này thì phía Trung Quốc đã tự kẻ chiều rộng lãnh hải của mình nhiều hơn so với Công ước quy định 140 hải lý. So với quy định và thực tế xảy ra vụ vi phạm của tàu Hải giám Trung Quốc thì bất luận trong mọi tình huống và mọi cách giải thích, ngay cả những bộ óc giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ ra được cơ sở pháp lý nào trong pháp luật quốc tế hiện đại về biển mà dựa vào đó Trung Quốc có thể đưa ra một yêu sách đối với khu vực mà tàu Bình Minh 02 hoạt động sáng ngày 26/5/2011 (Xem hình minh họa số 1).
Căn cứ vào quy định của Công ước 1982, đối chiếu với thực tế xảy ra chúng ta thấy trong trường hợp này tàu Hải giám Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng:
(i) Các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế được quy định tại Điều 56 của Công ước 1982. Cụ thể, trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển “có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế…”
(ii) Trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông được ký kết giữa các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc năm 2002 và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.
(iii) Hành vi đi ngược lại với tuyên bố của Trung Quốc là giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình.
2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp theo Công ước 1982
Như trên đã trình bày, hoạt động của các nước ở các vùng biển khác nhau như vùng nội thủy, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế… có quy chế pháp lý khác nhau được áp dụng để điều chỉnh và với những hoạt động trên biển của quốc gia luôn nhằm mục đích gắn với lợi ích của quốc gia đó. Do vậy, các tranh chấp về biển giữa các quốc gia xảy ra như là một yếu tố “khách quan”. Để giải quyết những tranh chấp quốc tế nói chung và tranh chấp về biển nói riêng, tại Điều 2.3 của Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định nghĩa vụ chung cho các quốc gia là phải giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình. Các bên có thể sử dụng bất kỳ phương pháp không cưỡng bức nào để giải quyết các vụ tranh chấp giữa các quốc gia đó. Điều 33 của Hiến chương liệt kê những cách thức giải quyết tranh chấp quốc tế chủ yếu như: thương lượng, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án và những thỏa thuận đàm phán, dàn xếp khu vực. Tất cả những cách thức giải quyết tranh chấp này phải tuân theo nguyên tắc nhất trí (đồng thuận).
Trên cơ sở của nguyên tắc bao trùm đó, Công ước về Luật biển 1982 đã đưa ra một số nguyên tắc cơ bản cho việc giải quyết tranh chấp trên biển là:
1. Các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, phù hợp với Điều 2.3 của Hiến chương Liên Hợp Quốc và nhằm mục đích đó, tìm giải pháp bằng những biện pháp được ghi nhận trọng Điều 33, khoản 1 của Hiến chương. (Điều 279).
2. Các quốc gia trong vụ tranh chấp, trước hết tiến hành thương lượng ngoại giao để giải quyết những tranh chấp. (Điều 283)
3. Các quốc gia trong vụ tranh chấp có quyền tự do chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Điều 280 xác định đây là quyền của các quốc gia trong vụ tranh chấp mà không một điều khoản nào của Công ước có thể làm phương hại đến. Quốc gia có quyền tự do lựa chọn bất cứ phương thức giải quyết nào, và chọn vào bất cứ thời điểm nào, trước, trong hoặc sau khi tranh chấp xảy ra, miễn sao phương thức đó là phương thức hòa bình.
4. Các quốc gia có nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia đó với nhau. Theo đó các quốc gia trong vụ tranh chấp có quyền thỏa thuận chọn phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, nếu các phương thức đó không mang lại hiệu quả thì một trong các bên có thể đưa tranh chấp ra giải quyết trước tòa án có thẩm quyền giải quyết và tòa án có thẩm quyền này sẽ đưa ra phán quyết có tính chất bắt buộc các bên đương sự trong vụ tranh chấp phải thi hành. Những nội dung này được quy định tại Phần XV. Mục 2 (từ Điều 286 đến Điều 296).
Khi xem xét các nguyên tắc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước 1982 chúng tôi thấy có một số thuận lợi và khó khăn về mặt pháp lý mà chúng ta cần xem xét, vận dụng khi đưa ra các giải pháp giải quyết tranh chấp về biển Đông.
Những thuận lợi: (i) Việt Nam là thành viên của Liên Hợp quốc; là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; tham gia ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Về mặt đối ngoại, đây là những điễn đàn quốc tế đa phương, có uy tín để chúng ta đưa vấn đề đưa vấn đề Trung quốc vi phạm chủ quyền của Việt nam trên biển ra công khai đấu tranh trên cơ sở pháp lý là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước 1982; (ii) Củng cố quốc phòng, liên minh chiến lược với bạn bè quốc tế có chung quyền lợi để bảo đảm an ninh quốc gia nói riêng và an ninh khu vực ở Đông Nam Á nói chung.
Những khó khăn khi vận dụng Công ước giải quyết các vụ việc trên thực tế: Phải thừa nhận rằng, ngày nay Công ước 1982 như là một “Hiến pháp” về biển. Ngoài những thuận lợi thì khi vận dụng Công ước 1982 để đấu tranh chúng ta cần dự liệu đến những nội dung bất cập, không có cách giải thích đến cùng của Công ước đễ bị các bên vận dụng và giải thích khác nhau khi chúng ta muốn đưa vụ việc ra giải quyết trước cơ quan tài phán như:
(i) Tại Điều 283 Công ước quy định “1. Khi có tranh chấp xảy ra giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước, các bên tranh chấp phải tiến hành ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các phương pháp hòa bình khác” và điều này chúng ta thừa biết Trung quốc không bao giờ chấp nhận ngay một cuộc trao đổi quan điểm về cách giải quyết tranh chấp và như vậy, tranh chấp vẫn tiếp tục tranh chấp.
(ii) Việc lựa chọn thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều 287 là khi ký kết hay phê chuẩn Công ước… một quốc gia có quyền tự do lựa chọn một hay nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp như: Tòa án quốc tế về Luật biển; Tòa án quốc tế; Tòa án trọng tài; Tòa án trọng tài đặc biệt (được thành lập theo Phụ lục VIII) bằng một tuyên bố là chấp nhận giải quyết theo các phương thức được quy định theo quy định của Điều khoản này. Vấn đề đặt ra ở chổ là theo Điều 287 thì tuyên bố của một bên “không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của một quốc gia thành viên chấp nhận”. Như vậy, chấp nhận giải quyết tranh chấp hay không là quyền của bên kia. Thực tế cho thấy, không một quốc gia nào lại chấp nhận khi mà việc giải quyết tranh chấp đó mình chưa muốn giải quyết và họ nhận thức được “tranh chấp” đó sẽ có lợi hơn cho họ. Trong trường hợp này, theo tôi, đối với Trung Quốc không phải là ngoại lệ.
(iii) Trong các nguyên tắc giải quyết tranh chấp được nêu, về mặt pháp lý trong thực tiễn giải quyết tranh chấp chúng ta cần lưu ý đến các giới hạn và ngoại lệ được quy định tại Phần XV, mục 3 của Công ước đó là không phải tất cả những vấn đề tranh chấp đều có thể đưa ra giải quyết trước tòa án. Điều 298 của Công ước 1982 quy định những ngoại lệ không bắt buộc đối với việc áp dụng Mục 2 trong các trường hợp liên quan đến vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, các trường hợp này không thể cho phép một bên thứ ba, hoặc một cơ quan tài phán quốc tế (tòa án, trọng tài) giải quyết. Điều 298 đã quy định rõ những trường hợp ngoại lệ đó và giành cho các bên trong vụ tranh chấp tự quyết định là có đưa hay không đưa ra giải quyết theo phương thức bắt buộc. Cụ thể các loại tranh chấp về:
a) Việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển liền kề nhau hoặc đối diện nhau (Điều 15); hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa các quốc gia có bờ biển liền kề nhau hoặc đối diện nhau (Điều 74) và việc hoạch định ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển liền kề nhau hoặc đối diện nhau (Điều 83); việc phân định các vùng biển, hay các vụ tranh chấp về vịnh, vùng nước lịch sử.
b) Các hoạt động quân sự.
c) Các vụ tranh chấp mà Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi thi hành các chức năng của mình do Hiến chương Liên Hợp Quốc giao phó có trách nhiệm giải quyết.
Theo tinh thần của Điều 298 này thì: khi xảy ra tranh chấp các quốc gia có liên quan, bằng cách này hoặc cách khác phải có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình như thương lượng, hòa giải, tòa án, trọng tài. Nhưng nếu các bên không giải quyết được tranh chấp bằng các phương pháp hòa bình và cũng không muốn đưa tranh chấp ra giải quyết trước tòa án thì con đường giải quyết tranh chấp đi vào ngõ cụt không lối thoát. Có thể xem đây là một quy định bất cập, tối nghĩa của Công ước có thể bị một bên trong vụ tranh chấp không có thiện chí vận dụng để giải thích theo kiểu có lợi cho mình nhất. Theo tôi, khi đặt vấn đề giải quyết tranh chấp về biển với các bên, trong đó nổi cộm là đối với Trung Quốc qua một số vụ việc gần đây, chúng ta cần phải dự liệu được các yếu tố này để sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả nhất.
Các vấn đề liên quan biển Đông rất phức tạp, hệ trọng và nhạy cảm đối với nhiều quốc gia liên quan. Các nguồn lợi trong các vùng biển ở Biển Đông rất quan trọng đối với kế sinh nhai và đời sống hàng ngày của hàng trăm triệu con người của 9 quốc gia ven biển Đông. Các tài nguyên thiên nhiên ở đây là một điều kiện cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của các nước liên quan. Từ đây, một yêu cầu hết sức khách quan đặt ra cho tất cả các nước có hoạt động liên quan biển Đông là phải tuân thủ luật chơi chung mà trước hết là mình và cộng đồng quốc tế đã thừa nhận, đó là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc. Khi vận dụng Công ước để thực thi chủ quyền và quyền chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình như được quy định trong Công ước, quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước khác ven Biển Đông đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ. Sẽ là rất phi lý khi Trung Quốc tùy tiện vẽ ra một đường “lưỡi bò” bao trùm lên vùng biển của các quốc gia ở biển Đông, đây là một hành động ngang ngược của kẻ mạnh, trái với Công ước Luật Biển năm 1982, cách hành xử như vậy, rõ ràng là đã vi phạm những cam kết quốc tế của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.
3. Một số kiến nghị: Phải thừa nhận một thực tế khách quan là các tranh chấp liên quan đến biển Đông là hết sức phức tạp. Con đường đi đến giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp mà các bên liên quan đều chấp nhận được sẽ không bằng phẳng và còn dài. Từ thực tế đó đòi hỏi chúng ta cần có một chiến lược và chiến thuật về giải quyết tranh chấp biển Đông, nơi gắn với nhiều quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước Việt Nam.
3.1. Về mặt pháp lý:
(i) Ngoài việc chúng ta tôn trọng và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì bằng nhiều hình thức khác nhau chúng ta cần đấu tranh để buộc các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc phải tuân thủ pháp luật quốc tế. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới chỉ ra rằng: các tranh chấp về chủ quyền cũng như các tranh chấp về các vùng biển chồng lấn giữa các nước ven biển Đông chỉ được giải quyết khi pháp luật quốc tế nói chung trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 nói riêng là nguồn cơ bản cần được các nước thành viên tôn trọng và tuân thủ. Dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực không phải là cách thức tốt nhất cho việc giải quyết tranh chấp biển Đông.
(ii) Thông qua con đường ngoại giao và các hình thức khác, vận động các nước trong khu vực nhanh chóng hoàn thiện và thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, làm cơ sở cho việc thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật quốc tế, tiến tới xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
3.2. Về thực tiễn: Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi cho rằng vì lợi ích riêng của mỗi quốc gia, không dễ dàng một sớm một chiều, quốc gia đó nhanh chóng thay đổi chính sách về quyền lợi của mình ở biển Đông. Vì vậy, việc trước hết chúng ta cần phải thực thi đầy đủ quyền lực quốc gia trong việc bảo vệ chủ quyền đối với các vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của Việt Nam và các vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền trong lĩnh vực về kinh tế. Để thực hiện được vấn đề này theo tôi cần:
1. Nhận thức đúng hơn về thực trạng tranh chấp để đưa ra các chính sách phù hợp và kịp thời cho từng thời điểm và cho từng vùng biển.
2. Tuyên truyền rộng rải và kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết tranh chấp biển Đông, nhằm cung cấp cho nhân dân một cách nhìn nhận và đánh giá toàn diện hơn đối với tranh chấp trong khu vực, để nhân dân thực hiện đúng chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước và tự bảo vệ mình tốt hơn khi đối phó với tàu thuyền nước ngoài vi phạm pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển Việt Nam có chủ quyền.
3. Việc phổ biến kiến thức về chủ quyền biển đảo trong các nhà trường cần được đẩy mạnh hơn và cụ thể hơn. Không nên tuyên tuyền theo cách thức phát tờ rơi, như là cách thức tuyên tuyền cho một phong trào. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ quốc gia - là một hình thức pháp lý, đặc thù và hết sức quan trọng. Phải có nhận thức đúng theo quy định của pháp luật, không thể theo cảm nhận để từ đó suy ra theo ý chủ quan của mình. Ví dụ, do không nắm vững kiến thức pháp lý nên trên thực tế đã có những phát biểu không chính xác khi dùng thuật ngữ “tranh chấp” để chỉ tranh chấp về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Như chúng ta đã biết, thuật ngữ tranh chấp trong từ điển tiếng Việt được hiểu là “việc giành giật, giằng co nhau cái không rõ thuộc về bên nào”. Như vậy, vô tình khi nói Việt Nam có tranh chấp với các nước trong khu vực về hai quần đảo Hoàng và Trường sa là đồng nghĩa với việc chúng ta thừa nhận Hoàng sa và Trường sa không rõ thuộc về ai, của bên nào. Đây là một sai lầm hết sức nguy hiểm, trái với tuyên bố của Việt Nam là Hoàng sa và Trường sa là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời và bất khả xâm phạm của Việt Nam.
4. Công khai chủ quyền về các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam bằng nhiều hình thức (ngoài hình thức pháp lý - de Jure) hiệu quả khác cho toàn thế giới biết, từ đó họ có nhận thức rõ và đúng hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa. Theo tôi, mỗi hình thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc có một thế mạnh riêng, không phải cứ việc các nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý ngồi lại luận bàn, phân tích, đưa ra các chứng cứ về lịch sử, pháp lý là cách thức tối ưu. Con người, không phải ai cũng có cơ hội ngồi để đọc hết mọi sách vở, tuyên bố này tuyên bố kia. Do vậy, cách thức này chỉ phù hợp với một nhóm đối tượng này mà không hiệu quả đối với nhóm đối tượng khác.
Đồi với công chúng, theo tôi, việc các nhà hoạt động chính trị phải có những chuyến đi thăm đảo vì đây là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời và bất khả xâm phạm của Việt Nam, việc ra đảo như là một chuyến công tác bình thường về các vùng lãnh thổ của tổ quốc. Về mặt pháp lý, đây như là một hình thức tuyên bố đối với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam có chủ quyền và có quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình.
Ví dụ: trên thực tế các nhà lãnh đạo Malaysia đã từng đi thăm đảo gồm có Mahathir Mohamad, Abdullah Badawi, Najib Tun Razak, các vị bộ trưởng, các tư lệnh hải quân... Mục đích đi thăm đảo của các quan chức Malaysia là muốn tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng Malaysia có chủ quyền và có quyết tâm bảo vệ những lãnh thổ này. Hoặc một ví dụ khác như gần đây Tổng thống Nga cũng đến thăm đảo Kurin, nơi mà Nhật Bản cho là của họ…
Tóm lại: Quá trình giải quyết tranh chấp trên biển Đông phải được gắn với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, biển Đông phải được gắn với vấn đề an ninh, hòa bình ổn định và thịnh vượng khu vực, các bên cần phải xây dựng lòng tin, trước hết đó là xây dựng bộ qui tắc ứng xử cho biển Đông (COC) cần được tiếp tục. Là người trong cuộc, chúng ta cần phải kiên quyết, nếu không sẽ gặp nhiều bất lợi, thực tế chứng minh rằng Luật quốc tế chỉ là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp, còn việc giải quyết tranh chấp đó có hiệu quả hay không thì Luật quốc tế không thể quyết định mà chính các bên trong tranh chấp mới là người quyết định tính hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp./.
No comments:
Post a Comment