Đề cương nghiên cứu Tình hình tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 được coi là: “Đại hội đổi mới tư duy”(1), tạo nền thuận lợi cho các kỳ đại hội sau này, đã đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách toàn diện, sâu sắc. Đại hội xác định xoá bỏ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự điều tiết của nhà nước. Nhờ đó mà trong những năm tiếp theo đất nước ta không ngừng phát triển về mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội…
Trong công cuộc đổi mới của đất nước, không chỉ thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh….mà còn không ngừng phấn đấu phát triển để trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước, trong đó có tỉnh Hải Dương.
Hải Dương nằm trong khu vực đồng bằng sông hồng, với diện tích 1648,4km2, dân số 1.711.400 người. Là nơi có nền kinh tế đang phát triển, nơi giao lưu của những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng nên Hải Dương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các mặt của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng kéo theo những tiêu cực đáng kể. Đó là sự thiếu kinh nghiệm, kém ổn định của trật tự kỷ cương xã hội. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm phát sinh, phát triển, gây cản trở cho sự phát triển của đất nước, trong đó phải kể đến nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Điển hình trong nhóm tội phạm này là tội chống người thi hành công vụ. Loại tội phạm này đang diễn ra với quy mô rộng ở khắp nơi trên toàn quốc.Trong đó có tỉnh Hải Dương.
Tại địa bàn tỉnh Hải Dương trong những năm gần đây, diễn biến của loại tội phạm này hết sức phức tạp, tính chất và mức độ của tội phạm ngày càng nghiêm trọng, gây nguy hại to lớn cho ổn định trật tự xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, của nhân viên cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong thời gian qua, việc nghiên cứu tội chống người thi hành công vụ được rất nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu: Tác giả Hoàng Yến với đề tài luận văn thạc sĩ “tội chống người thi hành công vụ, thực trạng, nguyên nhân, giải pháp” năm 1997; tác giả Lê Thế Tiêm với đề tài khoá luận tốt nghiệp đại học “đấu tranh phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ” năm 1994; tác giả Trần Thu Hường với đề tài khoá luận tốt nghiêp đại học “tội chống người thi hành công vụ theo Bộ Luật hình sự 1999 và đấu tranh phòng chống tội phạm này trên địa bàn Hà Nội” năm 2001….
Tội chống người thi hành công vụ cũng được đề cập trong các văn bản quan trọng của nhà nước như: Bộ luật hình sự 1985; Bộ luật hình sự 1999; Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của phần các tội phạm của Bộ luật hình sự 1985, báo cáo tổng kết ngành toà án.
Ngoài ra, tội chống người thi hành công vụ còn được đề cập trong giáo trình giảng dạy luật hình sự của các trường Đại học: Đại học Luật Hà Nội, Khoa luật Đại học Quốc Gia Hà Nội và trong các bài viết của tác giả được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành: Tạp chí luật học, Tạp chí toà án nhân dân, Tạp chí Viện kiểm sát nhân dân…
Các công trình nghiên cứu trên đã có nhiều đóng góp cho việc làm sáng rõ dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ, tình hình tội phạm này trên đia bàn toàn quốc nói chung và ở thủ đô Hà Nội nói riêng. Là sinh viên chuyên ngành hình sự, em cũng muốn được tìm hiểu, nghiên cứu về tội chống người thi hành công vụ, cụ thể ở khía cạnh dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ theo pháp luật hiện hành, thực trạng, nguyên nhân, điều kiện và giải pháp đấu tranh phòng chống tội này trên địa bàn tỉnh Hải Dương, với mong muốn được đóng góp vốn kiến thức nhỏ bé của mình vào việc nghiên cứu nghiên cứu tội chống người thi hành công vụ. Bởi vậy em chọn đề tài “Tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự 1999 và đấu tranh phòng, chống tội phạm này trên địa bàn tỉnh Hải Dương’’ làm đề tài khoá luận tốt nghiệp đại học của mình.
3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài là làm sáng tỏ dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ, tìm ra những điểm khác biệt với một số hành vi cùng loại là dấu hiệu của một số tội danh khác, phân biệt giữa tội tội chống người thi hành công vụ và một số tội phạm có liên quan.
Đồng thời đề tài đi vào phân tích thực trạng, lý giải nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương gắn liền với những đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội ở đây. Từ đó đưa ra một số giải pháp phòng ngừa và chống tội phạm.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ theo quy định của Bộ luật hình sự 1999; thực trạng, nguyên nhân và điều kiện của tội chống người thi hành công vụ; một số giải pháp phòng chống loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tội chống người thi hành công vụ của đề tài là tội chống người thi hành công vụ được quy định tại Điều 257 và một số dấu hiệu của tội phạm này được quy định tại điều 93, Điều 104 Bộ luật hình sự 1999, hoạt động của tội phạm trên địa bàn thành phố Hải Dương và đấu tranh phòng chống tội phạm này từ năm 2002 đến nay.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả khoá luận tốt nghiệp đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây: Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, phương pháp thống kê hình sự, phương pháp so sánh, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp phân tích các luận cứ khoa học để làm sáng tỏ vấn đề được nghiên cứu.
5. Kết cấu của khoá luận
Ngoài lời nói đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn khoá luận được chia thành 3 chương:
- Chương I: Dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự 1999
- Chương II: Tình hình, nguyên nhân và điều kiện của tội phạm chống người thi hành công vụ.
- Chương III: Một số giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
CHƯƠNG I
TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ VÀ DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI NÀY THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 1999
1. Khái niệm tội chống người thi hành công vụ
Trong Bộ luật hình đầu tiên của nước ta năm 1985, tội chống người thi hành công vụ được quy định tại chương VIII: Các tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng và trật tự quản lý hành chính, mục C, Điều 205 như sau:
“Người nào dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực chống người thi hành công vụ cũng như dùng mọi thủ đoạn ép họ thực hiện những hành vi trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định ở Điều 101 và điều 109, hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác…”
Trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Bộ luật hình sự 1985, Bộ luật hình sự 1999 đã quy định tội chống ngư¬ời thi hành công vụ tại Điều 257, chương XX: Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính. Bộ luật hình sự 1999 quy định nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính thành một chương riêng là sửa đổi mang tính tích cực so với Bộ luật hình sự 1985. Việc quy định như vậy đã cụ thể hơn, rõ ràng hơn, thể hiện đầy đủ tính chất nguy hiểm của các tội phạm này, từ đó đề ra đường lối xử lý phù hợp hơn, tương ứng với tính chất của nhóm tội phạm.
Điều 257 Bộ luật hình sự 1999 quy định:
1. “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”…
Qua đó, có thể hiểu tội chống ng¬ười thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ cũng như ép buộc họ phải thực hiện hành vi trái pháp luật, gây trở ngại cho hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội.
Từ khi Bộ luật hình sự 1999 được ra đời đến nay chưa có văn bản ban hành kèm theo nào hướng dẫn áp dụng tội chống ngư¬¬ời thi hành công vụ. Vì vậy, việc hướng dẫn áp dụng tội phạm này vẫn theo quy định của Nghị quyết 04/ HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự 1985.
Nội dung của Nghị quyết 04/HĐTP quy định:
“Công vụ là công việc mà cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho một người thực hiện”.
“Người thi hành công vụ là người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là công dân được làm nhiệm vụ tuần tra canh gác… theo kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền phục vụ lợi ích chung của nhà nước và xã hội như cán bộ thuế, cảnh sát, đội viên, dân phòng…”
Hướng dẫn của nghị quyết đã chỉ ra dấu hiệu để xác định một người đang thi hành công vụ bao gồm:
- Có chức năng và quyền hạn hoặc do cơ quan nhà nước trao cho quyền hạn.
- Công việc đang thực hiện phải là công việc phục vụ lợi ích chung của nhà nước và xã hội.
- Đang thi hành công vụ
Trên thực tế chúng ta có thể nhận biết được một người đang thi hành công vụ căn cứ vào các dấu hiệu rõ ràng về đồng phục đặc trưng của công vụ, giấy tờ hợp pháp, đeo phù hiệu hoặc thẻ nghề nghiệp… trong trường hợp không có những dấu hiệu đó thì người đang thi hành công vụ phải được mọi người hoặc ít nhất là người thực hiện hành vi phạm tội hoặc người phạm tội biết rõ tư cách của mình. Do vậy nghị quyết còn hướng dẫn “Người đang thi hành công vụ vì nghĩa vụ công dân (như đuổi bắt kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải người thi hành công vụ nhưng nếu do công vụ mà bị giết thì họ có thể được hưởng các chính sách xã hội như đối với người thi hành công vụ”.
Nghiên cứu về tội chống người thi hành công vụ, có một vấn đề cần được chú ý đến, cần được làm rõ. Đó là có những trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ không cấu thành tội chống người thi hành công vụ mà có thể cấu thành tội khác hoặc chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng cũng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử lý về mặt hành chính. ở đây việc làm rõ khi nào hành vi chống người thi hành công vụ không cấu thành tội chống người thi hành công vụ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định đường lối xử lý đối với người có hành vi này.
Trên thực tế, có những trường hợp một người tuy được giao thực hiện công vụ, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nhất định nhưng đã vượt quá giới hạn được giao dẫn đến việc xâm phạm từ phía người khác. Cũng có trường hợp người thi hành công vụ đã không thực hiện đúng, không thực hiện đầy đủ công việc được giao, thậm chí họ còn làm trái công vụ đó, lợi dụng tính chất công quyền của công vụ để sử dụng vào mục đích tư lợi, gây phương hại đến quyền lợi của người khác, dẫn đến ự phản ứng trở lại từ phía người đó và hậu quả là người được giao nhiệm vụ không hoàn thành được công vụ. Trong trường hợp đó thi thành vi gọi là chống người thi hành công vụ có thể không cấu thành tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 Bộ luật hình sự 1999.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội chống người thi hành công vụ theo bộ luật hình sự 1999
2.1. Khách thể của tội chống người thi hành công vụ
Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại.
Tội chống người thi hành công vụ là một trong những tội xâm phạm đến hoạt động bình thường của nhà nước và xã hội trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Do vậy, nhóm các quan hệ xã hội bị hành vi chống người thi hành công vụ xâm hại là các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính. Đó có thể là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoạt động chấp hành, điều hành trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Nhưng cũng có thể là các quan hệ hình thành trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố chức năng, nhiệm vụ của mình, hay các quan hệ phát sinh trong quá trình các cá nhân và tổ chức được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước trong những trường hợp cụ thể do pháp luật quy định. Ví dụ: quan hệ phát sinh trong lĩnh vực giữ gìn trật tự đường phố trên địa bàn các xã, phường mà nhà nước trao cho các đội quản lý trật tự, tổ dân phòng quản lý.
Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể bị hành vi phạm tội tác động của tội chống người thi hành công vụ là người thi hành công vụ. Trong thực tiễn, tội phạm thường có hành vi chống người thi hành công vụ là cán bộ thuế vụ, cảnh sát giao thông, đội viên dân phòng, cán bộ công an, kiểm sát, toà án và các cán bộ chính quyền địa phương khác.
2.2. Mặt khách quan của tội chống người thi hành công vụ
Mặt khách quan của tội phạm bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Thông qua những biểu hiện đó mà con người có thể trực tiếp nhận biết được tội phạm. Đó là:
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội
- Hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả.
- Các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện hành vi phạm tội (Thời gian, địa điểm…) và công cụ, phương tiện, thủ đoạn…
Theo Điều 257 Bộ luật hình sự 1999, hành vi chống người thi hành công vụ được biểu hiện tập trung ở những dạng hành vi sau:
* Hành vi dùng vũ lực chống người thi hành công vụ
Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công người đang thi hành công vụ nhằm cản trở người thi hành công vụ. Hành vi dùng vũ lực có thể bằng chân, tay để đấm, đá, trói hoặc cũng có thể thông qua công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội như:Con dao, cây gậy… Ví dụ:
Khoảng 23 giờ ngày 6/3/2003 Nguyễn Quang Hà, Trần Việt Hùng, Nguyễn Công Hoàng, Vũ Đức Hoài đang tiêm chích ma tuý tại nhà Hoài. Thấy công an đẩy cửa xông vào hô bắt. Hoàng đã lấy cây gậy ở góc nhà quật vào người một đồng chí công an rồi đẩy đồng chí này ngã rồi định bỏ chạy nhưng đã bị đồng chí đó túm chân lại và bị bắt giữ.
Qua diễn biến các tình tiết vụ án trên có thể thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự Hoàng về tội chống người thi hành công vụ là có căn cứ. Xem xét những biểu hiện chống đối của Hoàng, có thể thấy hành vi của y đã dùng vũ lực chống lại người đang thi hành công vụ. Hoàng biết rõ công an huyện đang thực hiện việc bắt quả tang đối với mình nhưng vẫn có hành vi chống đối: Dùng gậy quật vào người và đẩy ngã một đồng chí công an để chạy trốn.
*Hành vi đe doạ dùng vũ lực chống lại người đang thi hành công vụ
“Hành vi đe doạ dùng vũ lực chống lại người thi hành công vụ là việc dùng cử chỉ, lời nói có tính răn đe, uy hiếp tinh thần khiến cho người thi hành công vụ sợ hãi phải chấm dứt việc thi hành công vụ….sự đe doạ là thực tế và có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực”(1)
Ví dụ: Sáng ngày 3/4/2004, Đỗ Văn Quang sau khi trộm cắp được một bọc áo tại 1 quầy hàng bán quần áo tại chợ Sen, Chí Linh, Hải Dương. Anh Ngô Quân Bình cán bộ quản lý kiêm bảo vệ chợ Sen có mặt tại đó đã đề nghị Quang về trụ sở công an huyện để giải quyết. Quang rút dao ra tiến lại gần anh Bình. Anh Bình bỏ chạy, Quang đuổi theo và doạ sẽ đâm anh Bình nếu còn quay lại. Được sự giúp đỡ của đông đảo mọi người ở chợ, anh Bình không bị Quang đuổi tiếp, y đã bị mọi người giữ lại và lấy được con dao(2).
Qua vụ án trên cho thấy việc Quang cầm dao đuổi theo và doạ đâm anh Bình khiến anh Bình hoàn toàn có căn cứ để tin rằng việc đe doạ trên sẽ trở thành hiện thực, sự chống đối của Quang mang tính chất quyết liệt khiến cho anh Bình đã không thực hiện được nhiệm vụ của mình là bảo vệ trật tự trong chợ.
Trong tội chống người thi hành công vụ, hành vi đe doạ dùng vũ lực có thể ngay tức khắc (như rút dao dí vào cổ cán bộ chiến sĩ công an và yêu cầu nếu mọi người khác không tránh ra cho người đó chạy thì người đó sẽ đâm chiến sĩ công an này) nhưng cũng có thể có khảng cách về mặt thời gian như ví dụ trích từ bản án số 1210 ngày 20/11/2004 của TAND TP Hải Dương. ở ví dụ này, sức mãnh liệt của sự đe doạ chưa đến mức làm tê liệt ý chí kháng cự của người bị đe doạ. Người bị đe doạ còn có điều kiện để suy nghĩ cân nhắc và quyết định hành động.
* Hành vi ép buộc người thi hành công vụ phải thực hiện hành vi trái pháp luật
ép buộc người thi hành công vụ phải thực hiện hành vi trái pháp luật là hành vi chống chế người thi hành công vụ phải làm những việc trái với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ (như: buộc phải trả lại tang vật phạm pháp, huỷ hoá đơn xử phạt) hoặc không làm những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ (như: Để xe chở hàng lậu đi qua trạm gác…)
Trên thực tế, biểu hiện của hành vi ép buộc này thường là sử dụng những thông tin có ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người thi hành công vụ như bí mật đời tư hoặc có thể là hành vi vi phạm pháp luật của người đang thi hành nhiệm vụ…nếu như người bị đe doạ (người thi hành công vụ) không thoả mãn yêu cầu của người kia đưa ra nhằm giúp cho người đó thực hiện hành vi trái pháp luật như: không thực hiện việc xử lý vi phạm, xử lý các hành vi vi phạm ở mức độ thấp, không thực hiện nghĩa vụ mà người thi hành công vụ phải thực hiện và có điều kiện để thực hiện.
Ví dụ: Chiều ngày 2/8/2005 sau khi phát hiện một xe chở gỗ trái phép, hai đồng chí cán bộ kiểm lâm Hải Dương đã kịp thời đuổi theo và ngăn lại, yêu cầu đưa xe về trụ sở cơ quan Kiểm lâm làm việc để kiểm tra và xử lý. Chủ hàng là Hoàng Văn Tuấn rút tiền ra mua chuộc nhưng không được. Sau đó Tuấn rút tiền trong cặp ra một tấm ảnh trong đó có ảnh hai đồng chí cán bộ kiểm lâm này và đồng chí cán bộ kiểm lâm khác đang có những hành động không đẹp mắt với mấy cô tiếp viên trong một nhà hàng Karaoke và nói “nếu không để xe đi thì tập ảnh này sẽ được công bố trên báo của thành phố”. Trước lời đe doạ đó, hai đồng chí cán bộ kiểm lâm đã giải quyết cho xe chở gỗ của Tuấn đi và nhận lại tập ảnh.
* Dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ
Qua nghiên cứu thực tiễn đã chứng minh các dạng hành vi chống người thi hành công vụ hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn khác nhau. Bởi vậy mà một điều luật trong phạm vi giới hạn của nó không thể liệt kê được đầy đủ tất cả thủ đoạn đó. Tuy nhiên, để đảm bảo việc xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi phạm tội thì cần phải được quy định trong Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về sự vận động không ngừng của thế giới vật chất nói chung cũng như sự vận động của tội phạm nói riêng, các nhà làm luật đã đưa ra quy định chung có thể coi là một dạng của hành vi chống người thi hành công vụ: “Thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ”, để đáp ứng yêu cầu xử lý tội phạm trong thực tiễn. Đây là điểm mới bổ sung so với Bộ luật hình sự 1985 về cầu thành tội phạm nhằm mô tả bao quát đầy đủ hơn các dạng hành vi phạm tội trong thực tế. “Dùng thủ đoạn khác như các dạng hành vi đã phân tích ở trên nhưng không phải là nh
ững hành vi đó. Ví dụ như: bôi nhọ, vu khống… (cởi bỏ quần áo trước người đang thi hành công vụ, vu khống cán bộ đòi hối lộ hay quan hệ tình dục, tự gây thương tích hoặc giả gây thương tích để vu khống cho cán bộ hành hung… hoặc sử dụng súc vật để cản trở việc thi hành công vụ như việc đuổi chó ra cắn chiến sĩ công an đến bắt người…) Ví dụ:
Khoảng 17 giờ ngày 16/5/2005, sau khi nhận được điện báo có vụ tiêm chích ma tuý tại nhà Nguyễn Thị Mai, xã X huyện Kim thành – Hải Dương, đồng chí Đỗ Văn Long trưởng công an huyện cùng ba đồng chí khác tiến hành bao vây bắt quả tang. Ba đồng chí kia ở ngoài canh trừng cửa trước, cửa sau, còn đồng chí Long vào trong. Thấy vậy, Mai chốt ngay cửa lại, tự cởi bỏ quần áo ôm chặt anh Long. Thị đã bị anh Long đẩy ngã, lập tức thị giở trò kêu la “có người cưỡng bức tôi”… Anh Long hô các chiến sĩ vào vây bắt. Nhân lúc đó bọn tiêm chích lẻn qua cửa sau chạy trốn.Nhưng sau khi bị đuổi đến cuối xã thì chúng bị bắt.
Như ví dụ trên, ta có thể thấy rằng hành vi tự cởi bỏ quần áo trước mặt chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ (bắt quả tang ổ tiêm chích mà tuý) và ôm chặt chiến sĩ công an của Nguyễn Thị Mai đã khiến cho việc thi hành công vụ của các chiến sĩ công an gặp khó khăn.
Qua thực tế, chúng ta có thể thấy thủ đoạn mà người thực hiện hành vi phạm tội rất phức tạp, đa dạng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng những thủ đoạn đó phải thực sự làm cho người thi hành công vụ khó có khả năng thực hiện và hoàn thành được nhiệm vụ của mình, tránh trường hợp người phạm tội có những hành vi tác động nhưng không đủ khả năng cản trở người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ vẫn khắc phục được tình trạng đó để hoàn thành công vụ. Nhưng họ đã lợi dụng sự việc đó để không thi hành đúng công vụ dẫn đến không hoàn thành được nhiệm vụ được giao, thì cần xem xét để xử lý hành vi đó của người thi hành công vụ. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng (như thiệt hại về tài sản hoặc làm cho uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội bị giảm sút) có thể bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 185 BLHS)
Tóm lại, các dạng hành vi khách quan của tội chống người thi hành công vụ biểu hiện rất phức tạp trên thực tế. Việc xem xét để đánh giá đúng mức độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác nhiều khi rất khó khăn. Theo quy định tại Điều 257 khoản 1 Bộ luật hình sự tội phạm được coi là hoàn thành kể từ khi người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi kể trên.
2.3. Mặt chủ quan của tội chống người thi hành công vụ
Xét về mặt lý luận thì tội phạm là một thể thống nhất giữa mặt chủ quan và khách quan. Mặt khách quan là biểu hiện bên ngoài của tội phạm mà ta có thể nhận biết được. Mặt chủ quan là biểu hiện tâm lý bên trong của người phạm tội. Với ý nghĩa là một mặt của hiện tượng thống nhất, mặt chủ quan của tội phạm không tồn tại độc lập mà nó luôn gắn liền với măt khách quan của tội phạm. Thông qua mặt khách quan ta có thể đánh giá nhận biết được thái độ chủ quan của người phạm tội. Những hoạt động tâm lý đó bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Lý trí và ý chí của người phạm tội đối với những biểu hiện bên ngoài của tội phạm như thế nào (lỗi)
- Điều gì thúc đẩy người đó thực hiện hành vi phạm tội (động cơ)
- Người phạm tội nhằm đạt được điều gì qua việc thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội (mục đích)
Trong các nội dung biểu hiện của mặt chủ quan thì lỗi là biểu hiện cơ bản được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm. Nó có ý nghĩa quyết định trong việc xác định trách nhiệm hình sự của một người. Mục đích và động cơ tuy là dấu hiệu của mặt chủ quan nhưng không phải là dấu hiệu của mặt chủ quan nhưng không phải luôn có ý nghĩa quyết định đối với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. ở tội chống người thi hành công vụ, động cơ và mục đích là dấu hiệu để phân biệt tội phạm này với một số tội phạm khác.
*Lỗi của người phạm tội
Lỗi là trạng thái tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra, và được biểu hiện dưới hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý.
Đối với tội chống người thi hành công vụ, lỗi được xác định trong măt chủ quan của cấu thành tội phạm là cố ý trực tiếp. Nghĩa là người phạm tội nhận thức được đầy đủ hành vi trái pháp luật của mình là đang chống lại người thi hành công vụ và mong muốn thực hiện việc chống lại này khiến cho người đang thi hành công vụ không hoàn thành công vụ được giao.
Trong trường hợp người phạm tội không biết hoặc có nghi ngờ về tính hợp pháp của người đang thi hành công vụ thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà xác định người đó có lỗi không. Tuy nhiên, việc xem xét nhận thức của người phạm tội trong những trường hợp này cần phải cẩn trọng. Bởi nhiều trường hợp người phạm tội tuy nhận thức được rõ ràng là người thi hành công vụ nhưng vẫn cố tình thể hiện là mình không biết. Ví dụ:
Ngày 3/3/2005, sau khi nhận được lệnh bắt Trần Thanh Bình vì tội nhận hối lộ, ba đồng chí công an huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương thi hành lệnh bắt và mời công an xã chứng kiến. Khi đến nhà Bình đồng chí Nguyễn Văn Thịnh giới thiệu thành phần người có mặt thi hành lệnh bắt giam. Lúc đó Trương Thị Hải – vợ Bình chạy ra hô:“ối làng nước ơi công an bắt người vô cớ”. Ngay lúc đó bảy người hàng xóm chạy sang nhà Bình. Em trai Bình là Trần Thanh Trung đòi kiểm tra giấy tờ. Sau đó trung vò nát tập giấy tờ trong tay và nói “công an bắt người vô cớ, không có bằng chứng lại còn làm lệnh giả nữa, mọi người trói chúng lại đánh cho một trận”.
Qua ví dụ trên, có thể thấy rõ ràng Hải, Trung nhận thức được đó là những người đang thi hành công vụ nhưng vấn cố tình giả vờ như không biết và thực hiện việc cản trở người thi hành công vụ, khiến cho các thời đã gây ra một dư luận xấu và gây mất trật tự trị an xã hội.
*Động cơ và mục đích của người phạm tội
Động cơ của người phạm tội rất phong phú da dạng nhưng thường mang tính chất cá nhân, tư lợi, lợi ích có thể là vật chất cụ thể hoặc uy tín ảnh hưởng của cá nhân họ trước một bộ phận quần chúng, có thể cũng qua đó mà có được lợi ích vật chất.
Người thực hiện hành vi phạm tội nhằm chống lại người đang thi hành công vụ để cản trở hoặc ép buộc người đó không thực hiện công vụ thì người này có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác. Ví dụ như dùng gậy đập vào đầu của người đang thi hành công vụ nhằm cướp tài sản, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Hoặc trường hợp người thực hiện tội phạm có hành vi chống lại nhân viên nhà nước, cán bộ chính quyền đang thi hành công vụ nhưng nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân thì có thể phạm tội khủng bố hoặc tội phá rối an ninh.
Như vậy, trong tội chống người thi hành công vụ, dấu hiệu mục đích trong mặt chủ quan của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc để phân biệt tội này một số tội khác.
2.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Chủ thể của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 257 bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt tại khoản 1 là đến 3 năm tù. (Tội ít nghiêm trọng). Như vậy chủ thể của tội chống người thi hành công vụ là người từ đủ 16 tuổi trở lên có NLTNHS và đã thực hiện hành vi quy định tại Điều 257 (hành vi chống người thi hành công vụ. Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
Theo nguyên tắc lãnh thổ quy định tại Điều 5 BLHS: “Bộ luật hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Do vậy khi người phạm tội không là công dân Việt Nam nhưng đã thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ trên lãnh thổ Việt Nam thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam. Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội mà họ được hưởng các quyền miễn trừ tư pháp theo luật quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo con đường ngoại giao.
3. Những tình tiết tăng nặng định khung quy định tại khoản 2 Điều 257 BLHS
Bộ luật hình sự 1999 Điều 257 đã kế thừa tình tiết tăng nặng định khung “gây hậu quả nghiêm trọng” của Điều 205 Bộ luật hình sự 1985, đồng thời quy định thêm một số tình tiết tăng nặng định khung: “Phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần, xúi dục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; tái phạm nguy hiểm”, nhằm quy định một cách đầy đủ hơn tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, từ đó đề ra mức hình phạt tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội thực hiện.
3.1. Phạm tội có tổ chức
Phạm tội có tổ chức là trường hợp phạm tội trong đó có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng phạm tội. Sự cấu kết ở đây thể hiện sự liên kết chặt chẽ về mặt chủ quan, sự phân hoá vai trò về mặt khách quan của những người phạm tội. Thậm chí ở đây còn có sự điều khiển chung thống nhất cho phép người phạm tội có điều kiện chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt, có khả năng thực hiện tội phạm liên tục, lâu dài, cản trở triệt để hơn việc thi hành công vụ của người đang thi hành công vụ. Ví dụ:
Ngày 16/7/2003, công an thành phố Hải Dương đã truy bắt được một nhóm tội phạm gồm 7 tên, do Nguyễn Văn Khang cầm đầu. Theo kết quả điều tra của công an thành phố và lời khai của Khang: Nhóm tội phạm này được thành lập vào cuối năm 2002, tiến hành cướp tài sản 16 lần trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Trước khi tiến hành cướp, bọn chúng đều vạch kế hoạch chu đáo, chuẩn bị kĩ lưỡng về công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian thực hiện tội phạm, có tới 4 lần bị công an, tổ trưởng tổ dân phố phát hiện kịp thời và tiến hành đuổi bắt. Nhưng do có sự thống nhất của chúng là nếu công an đuổi thì cứ phân tán chạy chốn, nếu bị cản thì đâm thẳng, nên lần thứ 4 này mới bị bắt. Trong 3 lần trước, khi bị công an đuổi bắt, chặn đường, chúng đã lao xe thẳng vào 2 đồng chí công an, dùng côn quật 1 đồng chí bị chấn thương sọ não và sau đó đã chết….
Như vậy, với sự câu kết chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo về phương thức chạy chốn…. Nhóm tội phạm này đã 4 lần tấn công, cản trở người thi hành công vụ, đến lần thứ 4 mới bị bắt.
3.2. Phạm tội nhiều lần
Đây là trường hợp phạm tội mà trướ đó người này đã phạm tội đó ít nhất 1 lần nhưng chưa bị xét xử.
Trong trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ nhiều lần, người phạm tội đã thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ từ 2 lần trở lên và chưa bị xét xử. Mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội đó đều thoả mãn đầy đủ những dấu hiệu của cấu thành tội phạm.
Trở lại với ví dụ phần 1.3.1, ta nhận thấy rằng hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra 4 lần và mỗi lần đều thoả mãn đầy đủ dấu hiệu của cấu thành tội phạm nhưng chưa bị xét xử lần nào.
Như vậy, nhóm tội phạm này đã phạm tội chống người thi hành công vụ theo điểm b khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự.
3.3. Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội
Khác với trường hợp phạm tội có tổ chức, các vụ án này xảy ra không có tổ chức, phân công nhiệm vụ phạm tội. Những người phạm tội do thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật còn kém nên đã bị người khác xúi giục, kích động, lôi kéo và đã nảy sinh hành vi chống lại cán bộ và nhân viên thừa hành nhiệm vụ.
Trong trường hợp này người phạm tội đã có những hành vi xúi giục, kích động đến người khác khiến người này phạm tội. Người phạm tội có thể xúi giục, nghĩ ra việc phạm tội, thúc đẩy cho tội phạm đó được thực hiện thông qua người khác nhằm thực hiện ý định phạm tội đã có. Sự xúi giục này được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như lôi kéo, kích động, cưỡng ép, lừa dối. Việc xúi giục, kích động, lôi kéo có mức độ nghiêm trọng khác, tuỳ thuộc và một hoặc một số người nhất định và tuỳ và từng trường hợp.
Ví dụ: Nguyễn Việt Thắng là chủ một xưởng gỗ tại xã B, huyện Nam Sách, Hải Dương. Xưởng gỗ đi vào hoạt động hơn 1 năm mà chưa có giấy phép hoạt động. Thắng đã thuê những thanh niên trong cùng thôn, xã làm việc cho mình. Ngày 17.6.2004, hai đồng chí cán bộ công an huyện Nam Sách đến đề nghị Thắng về trụ sở công an giải quyết. Thắng cho người gọi hàng xóm, người nhà của những người làm việc tại xưởng đến bảo là: “đã nộp đầy đủ thuế rồi mà công an còn đòi tiền thêm, đuổi đánh côn an đi”… Những người này do bị kích động, bị thắng lừa dói là “công an đến đòi tiền vô lý” nên đã đuổi đánh hai đồng chí công an huyện. Họ tưởng rằng việc “đòi tiền vô lí đó” nhằm làm cho xưởng gỗ hoạt động khó khăn, con em họ thất nghiệp, cậy quyền áp bức dân….
Hành vi kích động, lừa dối của Thắng không chỉ xâm hại đến hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, hoạt động công vụ của các chiến sĩ công an nhân dân mà còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ. Hành vi đó đã gây ra dư luận xấu, mất niềm tin vào pháp luật của quần chúng nhân dân, gây mất trật tự trị an xã hội.
3.4. Gây hậu quả nghiêm trọng
Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29.11.1986 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Hậu quả nghiêm trọng có thể là người thi hành công vụ không hoàn thành được nhiệm vụ, việc chấp hành pháp luật ở địa phương hoặc khu vực trở nên lỏng lẻo, kẻ xấu lợi dụng cơ hội reo rắc dư luận ảnh hưởng xấu”.
Ví dụ: Lê Ngọc Duy sau khi trộm cắp tài sản nhà chịNguyễn Thị Thu đã bị phát hiện và báo công an. Khi bị công an huyện Thanh Hà đuổi bắt, Duy đã chốn vào nhà chị gái là Lê Thị Minh. Minh mở cổng sau cho Duy chạy thoát và còn thả chó ngăn không cho các chiến sĩ công an vây bắt Duy. Đến 3 hôm sau Duy đã bị bắt.
Như vậy, Minh đã biết hành vi giúp đỡ người phạm tội chạy chốn của mình là trái pháp luật, việc này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng là người phạm tộ (Duy) đã chạy thoát, tới 3 ngày sau mới bị bắt, công an huyện đã không hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Bị cáo Lê Thị Minh bị kết án về tội chống người thi hành công vụ theo khoản 2 điểm b Điều 257 Bộ luật Hình sự.
3.5. Tái phạm nguy hiểm
Điều 49 khoản 2 Bộ luật Hình sự 1999 quy định:
“Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm”.
a. Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
b. Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do ý.
Theo qui định Khoản 2 Điều 257 Bộ luật Hình sự thì mức độ cao nhất của khung hình phạt trong trường hợp này chỉ là 7 năm tù (tội nghiêm trọng). Do đó việc xem xét có phải là tái phạm nguy hiểm tại điểm a khoản 2 Điều 49 sẽ không đặt ra.
Như vậy, trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ với tình tiết tái phạm nguy hiểm có nghĩa là người phạm tội đã tái phạm về bất cứ tội gì, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội chống người thi hành công vụ.
4. Phân biệt tội chống người thi hành công vụ với một số tội khác
Khi nghiên cứu phần các tội phạm trong Bộ luật Hình sự 1999, ta có thể nhận thấy có một số tình tiết tăng nặng định khung ở một số tội có qui định đối tượng tác động của tội phạm là người thi hành công vụ như: Tội giết người (Điều 93), tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104).
Do vậy, ta có thể so sánh tội chống người thi hành công vụ (Điều 257) với các tội trên để làm sáng tỏ dấu hiệu pháp lí của những tội này, thấy được vai trò vô cùng quan trọng của người thi hành công vụ vì lợi ích nhà nước, xã hội, giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.
4.1 Phân biệt tội chống người thi hành công vụ và tội giết người qui định tại điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự
4.1.1. Về khái niệm
Theo nghiên cứu ở mục 1.1 về khái niệm tội chống người thi hành công vụ, tội chống người thi hành công vụ được hiểu là “hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”.
Điều 93 Bộ luật Hình sự không mô tả dấu hiệu cụ thể của tội giết người mà chỉ định danh. Tuy nhiên qua nghiên cứu và thực tiễn xét xử có thể định nghĩa “giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật” và trong trường hợp được quy định tại khoản 1 điểm d thì đối tượng tác động của tội phạm là người đang thi hành công vụ.
4.1.2. Về dấu hiện pháp lí
+ Khách thể:
Như đã phân tích ở phần 2.1 khách thể của tội chống người thi hành công vụ là xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Còn khách thể tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự là xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng con người. Đối tượng của tội phạm là người đang sống, đang tồn tại trong thể giới khách quan.
Như vậy, khách thể và đối tượng tác động của tội giết người và tội chống người thi hành công vụ khác. Nhưng cũng có trường hợp người phạm tội không chỉ xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính nhà nước mà còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người thi hành công vụ.
Như vậy, chỉ với hành vi chống người thi hành công vụ, người phạm tội cùng một lúc đã xâm phạm đến nhiều quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Nếu người phạm tội giết người thi hành công vụ nhằm cản trở việc thi hành công vụ thì họ sẽ bị xử lí theo qui định tại Điểm d khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự , Vì như vậy mới phản ánh được đầy đủ bản chất và tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
+ Mặt khách quan:
Khi nghiên cứu mặt khách quan của tội chống người thi hành công vụ, ta thấy hành vi khách quan của tội này rất phong phú và phức tạp, có thể là dùng vũ lực như đánh, đấm, bắt trói, hoặc đe doạ dùng vũ lực, thủ đoạn khác tác động đến người thi hành công vụ, thậm chí ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật với những công cụ phương tiện phạm tội khác nhau như vũ khí, tài liệu, ảnh, giấy tờ….
Hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật gây ra cái chết cho con người với tư cách thực thể đang sống, đang tồn tại. Hành vi tước đoạt tính mạng có thể là dạng hành động như: đâm, chém, bắn… hoặc không hành động như: bác sĩ đã cố tình không cho bệnh nhân uống thuốc đã dã đến hậu quả là người bệnh tử vong.
Nếu như ở tội chống người thi hành công vụ, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là người thi hành công vụ không hoàn thành công việc mà mình được giao; thì ở tội giết người, hậu quả chết người là dấu hiện bắt buộc. Trường hợp không gây ra hậu quả chết người thì việc xác định tội danh sẽ tuỳ thuộc vào lỗi của người phạm tội trong mặt chủ quan của tội phạm và mức độ nghiêm trọng của hậu quả.
+ Mặt chủ quan
ở cả tội giết người và tội chống người thi hành công vụ, người phạm tội đều có lỗi cố ý. ở tội chống người thi hành công vụ, lỗi được xác định là cố ý trực tiếp. Đối với tội giết người, lỗi cố ý ở đây có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi hậu quả chết người xảy ra ở tội giết người, việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp không có ý nghĩa trong việc định tội. Nhưng nếu hậu quả chết người chưa xảy ra thì việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp có ý nghĩa quan trọng trong việc định tội. Nếu là lỗi cố ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt. Còn nếu là lỗi cố ý gián tiếp thì người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (nếu thương tích xảy ra thoả mãn đòi hỏi của cấu thành tội phạm này).
Như vậy, khi người phạm tội giết người thi hành công vụ nhưng hậu quả chết người không xảy ra thì việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp cũng tương tự như trên đã phân tích.
+ Về chủ thể
Trong tội chống người thi hành công vụ, chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định, tức là từ đủ 16 tuổi trở lên.Còn trong tội giết người: chủ thể của tội phạm là người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Nhìn chung khi so sánh mức hình phạt của tội chống người thi hành công vụ và tội giết người cho ta thấy rằng mức hình phạt đối với tội giết người cao hơn so với tội chống người thi hành công vụ (tội giết người mức cao nhất là tử hình, tội chống người thi hành công vụ mức cao nhất là 7 năm tù) phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm.
4.2. Phân biệt tội chống người thi hành công vụ và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác qui định tại điểm k khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự
4.2.1. Về khái niệm
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác.
Tội chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm cản trở người thi hành công vụ hoặc ép buộc họ phải thực hiện hành vi trái pháp luật, gây trở ngại cho hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội.
4.2.2. Về dấu hiệu pháp lí
+ Khách thể:
Khách thể của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khoẻ. Theo giải thích của tổ chức y tế thế giới (WHO): Sức khoẻ là “tình trạng thoải mái của con người về thể lực, tinh thần và xã hội”. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác được hiểu là làm biến đổi tình trạng thoải mái đó theo chiều hướng tiêu cực.
Khách thể của tội chống người thi hành công vụ là trật tự quản lí hành chính Nhà nước. Có thể phân biệt rõ khách thể của hai tội phạm này. Tuy nhiên có trường hợp mỗi tội phạm này không chỉ xâm hại đến một quan hệ xã hội với tư cách là kháchthể trực tiếp của tội phạm mà còn có thể xâm hại đến những quan hệ xã hội khác. Ví dụ: Bằng hành vi chống người thi hành công vụ, người phạm tội đã gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người thi hành công vụ… Người phạm tội đã không chỉ xâm hại đến trật tự quả lí hành chính Nhà nước mà còn xâm phạm đến quyền cơ bản của con người.
+ Mặt khách quan:
Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích là hành vi có khả năng gây thương tích hoặc tổn thương khác làm tổn hại đến sức khoẻ của người khác. Người phạm tội có thể sử dụng dao, súng… Khi xâm phạm đến thân thể của người khác, người phạm tội có thể gây ra những vết thương ở phần mềm, gãy xương hoặc làm mất một phần cơ thể. Có trường hợp khi xâm phạm đến thân thể của nạn nhân, người phạm tội không gây ra thương tích nhưng để lại tổn hại cho sức khoẻ của họ.
Ở tội chống người thi hành công vụ, hành vi khách quan của tội phạm được thể hiện dưới dạng: Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Đe doạ dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật; Thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ.
Qua nghiên cứu cho thấy hành vi dùng vũ lực trong tội chống người thi hành công vụ cũng là một dạng của hành vi khách quan trong tội cố ý gây thương tích, bởi hành vi dùng sức mạnh vật chất tác động đến người thi hành công vụ cũng chứa đựng khả năng gây tổn hại cho sức khoẻ của người đó. Trường hợp gây thương tật cho người thi hành công vụ thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự, người phạm tội sẽ bị xử lí theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
Về mặt hậu quả: Cũng như tội giết người, hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là dấu hiệu bắt buộc, còn trong tội chống người thi hành công vụ thì hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.
+ Mặt chủ quan.
Lỗi của người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác và lỗi của người chống người thi hành công vụ đều được xác định là lỗi cố ý.
+ Chủ thể:
Chủ thể của tội phạm là người không thuộc những trường hợp được quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, và đạt độ tuổi nhất định.
Chủ thể của tội phạm chống người thi hành công vụ phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Còn chủ thể của tội cố ý gây thương tích phải là người từ đủ 14 tuổi trở lên, hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên tuỳ thuộc người đó bị áp dụng khung hình phạt nào để quyết định hình phạt.
2.2.3. Về hình phạt
Tội chống người thi hành công vụ có 2 khung hình phạt, khung cơ bản với mức hình phạt tới 3 năm từ, khung tăng nặng với mức cao nhất là 7 năm tù.
Tội cố ý gây thương tích có 4 khung hình phạt, trong đó khung cơ bản cao nhất là phạt tù đến 3 năm, khung tăng nặng cao nhất là chung thân.
Tóm lại, qua việc phân biệt tội chống người thi hành công vụ và một số tội phạm khác có liên quan như đã nêu ở trên, việc xác định mối liên hệ giữa các tội phạm này trong nhiều trường hợp là rất phức tạp và khó khăn. Do đó, khi xác định tội danh đòi hỏi người áp dụng pháp luật phải nghiên cứu, đồng thời phải căn cứ đúng theo các dấu hiệu cấu thành của từng tội phạm cụ thể thì mới định tội danh một cách chính xác.
5. Đường lối xử lý đối với tội chống người thi hành công vụ
Theo nguyên tắc xử lý tội phạm thì: “mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” nhằm không chỉ trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Xác định trách nhiệm pháp lí mà người đó “gánh vác” khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc đấu tranh phòng và chống tội phạm này, qua đó bảo vệ và duy trì trật tự an toàn xã hội.
Điều 257 Bộ luật Hình sự quy định hai khung hình phạt:
- Khung cơ bản với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
- Khung tăng nặng có mức hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Đối chiếu với hai khung hình phạt trên ta nhận thấy ở Điều 205 Bộ luật Hình sự 1985 quy định mức hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ có sửa đổi rõ ràng. Tội chống người thi hành công vụ ở cả hai bộ luật đều quy định hai khung hình phạt nhưng điểm mới cần nói ở đây là:
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự 1999 đã nâng mức hình phạt cải tạo không gian giữ (khoản 1 – khung cơ bản) từ 1 năm lên 3 năm để tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, và nhằm bảo đảm hiệu quả quá trình giáo dục của loại và mức hình phạt này. Đồng thời tại khoản 2 đã hạ mức tối đa của khung hình phạt từ 10 năm xuống còn 7 năm, tương ứng với mức độ thực tế của tội phạm.
Thứ hai, Bộ luật hình sự 1999 đã bổ sung một số tình tiết định khung tăng nặng ở khoản 2 ngoài tình tiết phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự 1985. Đó là các tình tiết: Phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục lôi kéo, kích động người khác phạm tội; tái phạm nguy hiểm. Những tình tiết này thường hay gặp trong các vụ án chống người thi hành công vụ. Bởi vậy, Bộ luật Hình sự 1999 quy định bổ sung thêm các tình tiết này có ý nghĩa tích cực trong việc truy cứu đúng trách nhiệm hình sự người phạm tội, khắc phục những thiếu sót trong Bộ luật Hình sự 1985 về việc quy định tội chống người thi hành công vụ.
CHƯƠNG II
TÌNH HÌNH, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
1. Tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Tình hình phạm tội là hiện tượng xã hội tiêu cực, trái pháp luật hình sự, mang tính giai cấp, thay đổi theo quá trình lịch sử, được thể hiện ở tổng số tội phạm cụ thể đã xảy ra trong xã hội trong một khoảng thời gian nhất định.
Tình hình tội phạm được phản ánh thông qua các chỉ số về định lượng và định tính biểu thị qua các khái niệm: thực trạng, diễn biến, cơ cấu của tội phạm. Nếu như các chỉ số về định tính phản ánh nội dung của tình hình tội phạm thông qua cơ cấu, tính chất, thì các chỉ số về định lượng biểu thị thông quan thực trạng và diễn biến, tức là toàn bộ số tội phạm xảy ra và số đối tượng đó được xem xét trong sự vận động và biến đổi theo thời gian đối với từng vùng lãnh thổ hành chính hay trên phạm vi toàn quốc.
1.1. Thực trạng, diễn biến của tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn cả nước
1.1.1. Về số vụ và số người phạm tội
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ diễn ra thường xuyên, tuy không nhiềulắm so với các nhóm tội phạm khác nhưng loại phạm này xảy ra trên khắp địa bàn các tỉnh trong cả nước. Trong 5 năm, kể từ năm 2002 đến năm 2006, cả nước xảy ra 2837 vụ với 4731 bị cáo và ngày càng có xu hướng gia tăng cả về số vụ và số người phạm tội.
Theo điều tra, nghiên cứu về tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn cả nước (từ 2002 đến 2006) đã tổng hợp được bảng số liệu sau:
Năm Khởi tố Đề nghị truy tố Truy tố Xét xử
số vụ bị can số vụ bị can số vụ bị can số vụ bị can
2002 572 941 532 833 517 796 505 764
2003 648 1037 602 950 600 936 593 921
2004 566 962 557 921 553 928 525 853
2005 660 1163 624 1131 619 1116 601 1093
2006 682 1118 619 1119 613 1087 613 1100
Tổng số: 3074 5241 2934 4954 2902 4863 2837 4731
(Nguồn: Phòng tổng hợp – TANDTC)
Qua bảng số liệu trên ta thấy diễn biến của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trong những năm gần đây biến động phức tạp cả về quy mô số vụ và số người phạm tội, gây ra hậu quả cho xã hội ngày càng nghiêm trọng. Nếu năm 2002 chỉ có 505 vụ phạm tội với 764 bị cáo bị xét xử về tội chống người thi hành công vụ, thì đến năm 2006 con số này thứ tự là 613 vụ và 1100 bị cáo. Qua con số này đã chứng minh số vụ phạm tội và số bị cáo phạm tội chống người thi hành công vụ trên phạm vi cả nước cứ năm sau cao hơn năm trước.
Số lượng vụ phạm tội và số lượng người phạm tội chống người thi hành công vụ như đã nêu trên mới chỉ là con số cơ bản nhất, qua đó có thể thấy được tiến trình phát triển của loại tội này dưới góc độ thống kê hình sự. Do nhiều nguyên nhân nên số lượng thực tế của loại tội phạm này khó xác định chính xác. Và cũng do nhiều nguyên nhân mà việc xác định loại tội này gặp nhiều khó khăn. Đó là các trường hợp chống người thi hành công vụ nhưng bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc các biện pháp khác mà thống kê hình sự không thể ghi nhận. Hoặc cũng có trường hợp chống người thi hành công vụ gây thương tích cho nạn nhân hoặc chết người, do đó không bị xử lí về tội này mà bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, hoặc tội giết người. Ngoài ra còn có những trường hợp chống người thi hành công vụ vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không được các cơ quan chức năng thống kê.
1.1.2. Về nhân thân người phạm tội
Qua nghiên cứu về nhân thân người phạm tội chống người thi hành công vụ trên phạm vi cả nước trong 5 năm (2006- 2006) đã cho thấy:
1. Số người phạm tội là nữ giới chỉ chiếm khoảng 8%.
2. Độ tuổi phạm tội chủ yếu từ 18 đến 30 tuổi chiếm tỉ lệ khoảng 60%, tỉ lệ phạm tội từ trên 30 đến 45 tuổi chiếm khoảng gần 40%, còn lại số người phạm tội trên 45 tuổi chiếm tỉ lệ nhỏ nhất, khoảng gần 10%.
3. Tội phạm thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi. Nhân dân lao động chiếm đa số, chiếm khoảng 67%, chưa có việc làm ổn định 33%, có những người phạm tội đã từng là cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước, thậm chí một số người là đảng viên.
4. Tỉ lệ tái phạm tội chiếm từ 26 đến 32%.
5. Trình độ văn hoá: Từ phân tích trong 4731 người phạm tội chống người thi hành công vụ trong 2837 vụ phạm tội từ năm 2002 đến năm 2006 trong cả nước cho thấy:
- Số người không biết chữ chiếm: 6%
- Số người có trình độ văn hoá tiểu học: 22%
- Số người có trình độ văn hoá trung học cơ sở: 49%
- Số người có trình độ văn hoá trung học phổ thông: 24%
- Số người có trình độ văn hoá, đại học, cao đẳng, trên đại học: 8% (Nguồn: Phòng Tổng hợp Toà án nhân dân tối cao).
1.2. Thực trạng, diễn biến của tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Về số vụ và số người phạm tội
Năm
Khởi tố Đề nghị
truy tố Truy tố Xét xử
số vụ bị can số vụ bị can số vụ bị can số vụ bị can
2002 11 22 8 14 8 14 6 7
2003 7 11 6 19 6 12 5 7
2004 7 14 9 17 9 17 8 11
2005 6 15 5 14 4 13 3 16
2006 5 10 9 14 8 13 7 11
Tổng số: 36 72 37 78 35 69 29 52
(Nguồn: Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương)
Qua số liệu về số vụ và số người phạm tội trong 5 năm (2002- 2006) đã cho thấy, tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có sự tăng giảm không đồng đều cả về số vụ và số người phạm tội. Nếu năm 2002 có 6 vụ và 7 bị cáo bị xét xử sơ thẩm về tội này, thì năm 2003 và các năm tiếp theo các con số này thứ tự là 5 vụ và 7 bị cáo; năm 2004: 8 vụ, 11 bị cáo; năm 2005: 3 vụ và 16 bị cáo và năm 2006 là 7 vụ với 11 bị cáo.
Khi nghiên cứu về tội chống người thi hành công vụ trong phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng, có thể nhận thấy rằng trong tổng số 3074 vụ phạm tội với 5241 bị can (từ năm 2002 đến năm 2006), thì Hải Dương chiếm khoảng 1,17% số vụ phạm tội với 1,37% số bị can bị khởi tố. Mặc dù số vụ phạm tội bị khởi tố và số bị can bị khởi tố chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với cả nước nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này gây ra là không nhỏ cho một địa phương như tỉnh Hải Dương.
Khi so sánh giữa tội chống người thi hành công vụ với tổng số các vụ phạm tội xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong 5 năm vừa qua (2002 – 2006) có thể nhận thấy: Tội chống người thi hành công vụ chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các tội phạm khác. Cụ thể là chỉ chiếm 0,77% số vụ phạm tội và 1,11% số bị can bị khởi tố.
1.3. Cơ cấu và tính chất của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Thông qua các con số tuyệt đối và hệ số tỉ lệ của nó về số lượng vụ việc phạm tội và số người phạm tội mới chỉ cho chúng ta thấy được phần “lượng” của tình hình tội phạm. Để thấy được phần “chất” của tình hình tội phạm thì cần phải đi vào nghiên cứu ở góc độ cơ cấu và tính chất của tình hình tội phạm, từ đó có thể đánh giá được đầy đủ tính chất là hiện tượng xã hội tiêu cực của tình hình tội phạm.
Qua nghiên cứu thực tế các tội phạm chống người thi hành công vụ đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương, cho thấy các hành vi phạm tội diễn ra ngày càng mở rộng về quy mô và lĩnh vực chống đối như: Chống người thi hành công vụ khi giải quyết các tranh chấp mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, chống người thi hành công vụ tiến hành đấu tranh chống các tội phạm kinh tế, trong khi truy bắt tội phạm hình sự, truy bắt các tên lưu manh, côn đồ hung hãn… Những dạng hành vi này xảy ra khá thường xuyên, trên mọi lĩnh vực từ đó hình thành nên các “điểm nóng” nơi tập trung cao độ mâu thuẫn, tranh chấp giữa nội bộ quần chúng nhân dân trong thời kỳ đổi mới về gây rối trật tự cộng, chống người thi hành công vụ.
Ở Hải Dương, hành vi chống người thi hành công vụ trong những năm vừa qua xảy ra nhiều nhất trong lĩnh vực tranh chấp đất đai và tập trung chủ yếu ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Tứ Kỳ, Chí Linh, Thanh Hà… hành vi chống người thi hành công vụ này ban đầu thường là một người, một nơi, sau đó lôi kéo những người xung quanh hoặc những người từ nơi khác tham gia. Những người tham gia vào vụ phạm tội thường là những người thân thích của người phạm tội ban đầu (bố, mẹ, vợ chồng, con, anh em…) hoặc là những người có cùng quyền lợi và mục đích của người phạm tội. Những trường hợp khác tham gia vào vụ chống đối thường là do bị xúi giục, lôi kéo, kích động.
Cũng giống như các tội phạm có sử dụng vũ lực khác, tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn Hải Dương cũng sử dụng các loại vũ khí để chống trả. Thậm chí thủ đoạn chống người thi hành công vụ ngày càng trở nên khó đối phó hơn. Ví dụ như: trường hợp chiến sĩ cảnh sát khi đang truy bắt đối tượng phạm tội tiêm trích ma tuý có nhiễm HIV, tên này đã dùng kim vừa mới sử dụng của hắn chọc liên tục vào tay người chiến sĩ ấy hoặc có trường hợp dùng axit để tạt vào mặt cán bộ chiến sĩ thi hành công vụ.
1.3.1. Nhân thân người phạm tội
Sau khi nghiên cứu, tổng hợp kết quả điều tra về thân nhân người phạm tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy, người thực hiện hành vi phạm tội bao gồm nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Qua phân tích số người phạm tội được lấy từ 36 vụ phạm tội xảy ra từ năm 2002-2006, thì số người phạm tội là nhân dân lao động chiếm đa số. Điều này phù hợp với tình hình chung của cả nước (khoảng 70%). Ở Hải Dương, tội phạm chống người thi hành công vụ chủ yếu là nông dân và những người lao động chưa có việc làm ổn định.
Về giới tính, trong tổng số 72 người phạm tội trong 5 năm vừa qua, có 14 người là nữ. Giống như đa số các tội phạm khác, tỉ lệ tội phạm là nữ chiếm số lượng nhỏ hơn nam giới (chiếm 25% so với tổng số tội phạm chống người thi hành công vụ trong 5 năm qua).
Về độ tuổi, cũng như tình hình tội phạm trong cả nước, tội phạm có độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (55,56% tổng số tội phạm). Tội phạm là người chưa thành niên trong 5 năm vừa qua không có trong thống kê số liệu. Tội phạm từ 30 đến 45 tuổi chiếm 31,9%, tội phạm trên 45 tuổi chiếm số lượng ít (12,5%).
Về trình độ văn hoá, người phạm tội chống người thi hành công vụ có trình độ văn hoá trung học cơ sở và trung học phổ thông chiếm tỉ lệ lớn (61,4%) tiếp đó là những người có trình độ trung cấp trở lên. Những người phạm tội là lưu manh chuyên nghiệp, người không có nghề nghiệp ổn định chiếm tỉ lệ khá cao. Số người phạm tội không có nghề nghiệp ổn định chiếm khoảng hơn 40%. Số người phạm tội là công nhân viên chức, học sinh, sinh viên chiếm tỉ lệ nhỏ (7%).
Hiện nay những hành vi chống đối của những người kinh doanh buôn bán cũng tương đối phổ biến nhưng không phải mọi trường hợp đều đến mức độ nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự, có nhiều trường hợp bị xử lí hành chính. Trong số những người phạm tội chống người thi hành công vụ, có nhiều người đã từng giữ cương vị lãnh đạo, Đảng viên (khoảng 6%). Nhưng người này khi tham gia vào vụ phạm tội thường giữ vai trò tổ chức, cầm đầu, chủ mưu, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
Tỷ lệ tái phạm tội chiếm khoảng 30%. Một đặc điểm nổi bật của tội phạm chống người thi hành công vụ khi xảy ra trên thực tế thường kéo theo hoặc có liên quan đến một số tội phạm khác. Qua nghiên cứu kết luận điều tra, các vụ phạm tội chống người thi hành công vụ mà cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Hải Dương tiến hành từ năm 2002 đến năm 2006 cho thấy hơn 60% bị cáo bị khởi tố về hai hành vi trở lên. Các tội phạm thường đi kèm tội chống người thi hành công vụ là giết người (Điều 93), tội cố ý gây thương tích (Điều 104), tội bắt giữ người trái phép (Điều 123).
1.3.2. Địa bàn phạm tội
Tội phạm chủ yếu xảy ra ngay tại nơi người phạm tội cư trú, sinh sống hay làm việc. Thực tế cho thấy khoảng 100% số vụ phạm tội có đông người tham gia đều xảy ra tại địa bàn nơi người phạm tội cư trú. Bên cạnh đó hành vi chống người thi hành công vụ có thể xảy ra ở ngoài nơi cư trú của người phạm tội và thường là chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực tuần tra, truy bắt tội phạm hình sự, các vi phạm trật tự công cộng, các hành vi buôn lậu hoặc trốn thuế…
1.3.3. Đối tượng của tội phạm
Như đã nêu ở trên, hànhvi chống người thi hành công vụ diễn ra hết sức phức tạp, ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, với những hành vi khác nhau và nhằm vào các đối tượng khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài là địa bàn tỉnh Hải Dương với những đặc thù của kinh tế – xã hội và tự nhiên thì chúng tôi chỉ đề cập đến hành vi chống lại số đối tượng của tội phạm như sau:
+ Hành vi chống lại lực lượng công an nhân dân
Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời họ phải thường xuyên và trực tiếp giải quyết các vấn đề trật tự trị an trong phố phường thôn xóm, đến cả từng gia đình, có liên quan đến quyền lợi thiết thân của từng người hoặc mọi người. Vì thế mà hành vi chống lại lực lượng này chiếm tỷ lệ khá cao (gần 50%).
Hành vi chống lại lực lượng công an nhân dân thường xảy ra khi lực lượng này đang làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm hay khi tham gia vào cưỡng chế hành chính, cưỡng chế thi hành án, giải tỏa các tụ điểm gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép…
Qua thực tiễn nghiên cứu, trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện đang tồn tại phổ biến 3 vấn đề liên quan tới hành vi chống người thi hành công vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng, nảy sinh dư luận bất bình trong quần chúng nhân dân.
Thứ nhất, lực lượng cảnh sát thường gặp phải hành vi chống đối truy bắt người phạm tội có lệnh truy nã, có tiền án tiền sự, người đang thực hiện tội phạm hoặc đang trên đường tẩu thoát. Trong tình huống này, do tính chất côn đồ hung hãn và cùng đường, cố tìm mọi cách để trốn thoát những người này thường sử dụng rất nhiều hình thức chống đối, phổ biến nhất là sử dụng vũ khí, xác định “mạng đổi mạng”, nên đã làm cho nhiều chiến sĩ công an bị thương hoặc bị thiệt hại về tính mạng.
Ví dụ : Nguyễn Văn Chí sau khi giết anh Phan Văn Ninh tại cửa hàng bán điện thoại di động của anh, đã tìm cách lẩn chốn, nhưng đã bị các chiến sĩ công an tỉnh Hải Dương phát hiện và truy bắt. Khi trung uý Nguyễn Văn Nam đuổi bắt đến một ngõ cụt, yêu cầu Chí đưa tay ra để còng, Chí đã rút dao găm bên mình ra đâm vào ngực đồng chí Nam khiến đồng chí Nam bị thiệt hại về tính mạng.
Thứ hai, là tình trạng gây rối trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đặc biệt là ở những nơi đông dân cư, những trung tâm buôn bán rộng như là ở các chợ, dãy phố bán hàng… Trong đó phổ biến, chủ yếu mâu thuẫn, xung đột dẫn đến đánh đấm, đâm chém nhau do tình trạng “lấn chiếm địa bàn buôn bán” của nhau, do muốn “xưng hùng” trên địa bàn sinh sống của mình. Khi có sự can thiệp của các chiến sĩ công an nhân dân, những người này không những tỏ ra khó chịu, không cần giải quyết theo kiểu “giang hồ” hay còn gọi là “luật rừng”.
Ví dụ: Vụ gây rối mất trật tự công cộng ở xã X huyện Chí Linh vào tháng giêng vừa qua. Tháng giêng hàng năm là mùa lễ hội Côn Sơn huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ở đây tập trung rất đông người không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn có rất nhiều du khách ở nhiều nơi đến. Tình trạng gây rối trật tự công công diễn ra ở đây trong thời gian này là phổ biến. Vụ gây rối trật tự công cộng tại xã X vào tháng giêng vừa qua xuất phát từ việc muốn “xưng hùng” của một số thanh niên trong xã. Khi thấy những thanh niên nơi khác đến, một số thanh niên này đã tìm cách “xin tiền”. Khi gặp phải những người không chịu lép vế, không chịu bị bắt nạt, những thanh niên này đã đe doạ rồi hất nước vào mặt, khiêu chiến…, chúng đã lôi kéo những người khác tham gia. Do “cậy nhà” mà tỏ ra không sợ gì cả. Khi lực lượng công an đến giải quyết, chúng đã chửi bới, đuổi công an đi không được chúng đã ném đá gây ra thương tích cho 2 chiến sĩ công an.
Thứ ba, hành vi chống lại các chiến sĩ công an nhân dân thường xảy ra khi họ tham gia vào cưỡng chế thi hành án dân sự. Điển hình là vụ cưỡng chế thi hành án dân sự đối với Lê Văn Thành xã X huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Khi những người được cử từ cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh đến buộc Thành chấp hành án là đền bù cho gia đình chị Võ Thị Hà cùng huyện với Thành 20 triệu đồng do không may cán xe làm chết chồng chị Hà. Thành không những kiên quyết không chấp hành án đã tuyên mà còn chửi bới và đuổi những người đang thi hành nhiệm vụ về. Khi 2 chiến sĩ công an được cử cùng tham gia vào việc cưỡng chế thi hành án, đã yêu cầu Thành phải chấp hành nếu không sẽ mời Thành về cơ quan để giải quyết. Thành gọi người nhà tới và nói “bọn này muốn cướp của dân đây, trói chúng nó lại, đánh cho chúng một trận”. Hai chiến sĩ công an đã bị thương do bị gậy đập vào vai và lưng…(1)
+ Hành vi chống lại cán bộ thuế, hải quan, quản lý thị trường.
Hành vi chống lại cán bộ thuế, hải quan, quản lý thị trường diễn ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương tuy không diễn ra gay gắt và quyết liệt nhưng mang tính chất thường xuyên, liên tục, gây hậu quả bất ổn cho xã hội.
Hành vi chống lại lực lượng này thường diễn ra khi họ tiến hành kiểm tra, kiểm soát hàng hoá được nhập lậu hoặc trốn thuế đã được đưa vào lưu thông trên thị trường tỉnh Hải Dương. Hải Dương được coi là đầu mối giao thông của nhiều tỉnh, lượng hàng hoá luân chuyển qua đây tương đối lớn, từ các nguồn và các địa phương khác nhau. Hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn. Về phía người sản xuất kinh doanh thì họ rất coi trọng và tìm mọi cách để đạt lợi nhuận tối đa. Trong đó, không ít người đã tìm cách đưa những hàng hoá không rõ nguồn gốc, không đóng thuế để có thể hạn chế tối đa chi phí, tăng nguồn thu. Người phạm tội đã không từ một thủ đoạn nào để đạt được mục đích đó của mình, từ đưa hối lộ đến đe doạ tính mạng của cán bộ thu thuế hoặc gia đình của người thi hành công vụ. Có nhiều trường hợp họ đã dùng số đông áp đảo, chửi bới nhân viên thu thuế, hải quan cũng như nhân viên quản lí thị trường hoặc kích động những người khác tham gia vào để có thể lợi dùng điều đó vận chu
yển, tẩu tán tài sản, hàng hoá. Thậm chí nhiều khi có những phản ứng lại rất vô cớ, chỉ bắt nguồn từ việc nhỏ dẫn đến hành động chống lại người thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ: Vụ tịch thu lô hàng bột ngọt giả: Lực lượng quản lí thị trường tỉnh Hải Dương đã phát hiện và tịch thu hơn 200 gói bột ngọt giả nhãn “AJNOMOTO” đồng thời xử phạt chủ hàng là Nguyễn Thị Liên trú tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Liên cùng 3 người nữa đã tiến hành đập phá cơ quan quản lí thị trường ngay tối hôm đó và chửi bới là lối “quân ăn cướp” ngay tại cổng cơ quan quản lí.
+Hành vi chống lại cán bộ chính quyền địa phương.
Thực tế chứng minh đa số hành vi chống lại cán bộ chính quyền địa phương thường phát sinh do bất đồng với việc giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo của nhân dân với chính quyền địa phương. Ở Hải Dương, với đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội của mình thì lĩnh vực đất đai là lĩnh vực xảy ra phổ biến các vụ tranh chấp, mâu thuẫn và thông thường các vụ đó rất khó giải quyết. Có nhiều vụ tranh chấp chỉ bắt nguồn từ khoảnh đất chỉ đủ đặt vừa một cái ghế tựa, ranh giới bức tường…. Các bên gửi đơn thư khiếu nại đến gần chục lần mà vẫn không thể giải quyết được. Những tranh chấp loại này kéo dài có khi đến vài năm và khi cán bộ chính quyền địa phương đến hoà giải, tìm biện pháp xử lí, đo đạc địa hình thì có thể bị phản ứng ngược trở lại: không cho đo đạc, chửi bới, dùng vũ lực đối với cán bộ.
Những người thực hiện hành vi chống lại người thi hành công vụ thường là những phần tử cơ hội, bất mãn, đã tập hợp nhiều người, lôi kéo, kích động họ tham gia vào vụ chống người thi hành công vụ. Ở một số nơi, những phần tử đó còn tập hợp, trang bị vũ khí, đe doạ, bắt giữ cán bộ chính quyền địa phương. Một đặc điểm đáng nói của dạng hành vi này là trong những năm gần đây ngày càng có đông người tham gia vào vụ chống đối. Có nơi, ban đầu chỉ là những tranh chấp mâu thuẫn nhỏ giữa hai hay vài người với chính quyền địa phương, nhưng rồi sau đó những người khác cũng bị lôi kéo vào như vụ gây rồi tại khu vực gần sân golf Chí Linh – Hải Dương, bắt giữ người ở xã X huyện Thanh Miện, Hải Dương…. Qua những vụ việc này, cho thấy những phần tử chống đối thể hiện không chỉ mâu thuẫn nội bộ với chính quyền địa phương mà còn thể hiện sự chống đối với cả một chủ chương chính sách của chính quyền địa phương.
+ Hành vi chống lại cán bộ Toà án và Viện kiểm sát.
Hành vi chống lại cán bộ Toà án và Viện kiểm sát thường hay diễn ra khi cán bộ toà án hay kiểm sát viên đang tiến hành hoạt động tố tụng, thi hành lệnh cưỡng chế hoặc xuống cơ sở giải quyết vụ tranh chấp, mâu thuẫn, khiếu nại của nhân dân. Người phạm tội trong những trường hợp này thường ít hiểu biết, coi thường kỉ cương pháp liật. Do không đồng ý với quyết định của hội đồng xét xử hoặc lời buộc tội tại phiên toà. Hành vi này thường thể hiện dưới các hình thức như chửi bới, thoá mạ, xông vào đấm đá, thậm chí dùng dao nhọn đâm vào hội đồng xét xử.
Qua tìm hiểu tại toà án nhân dân tỉnh Hải Dương, những vụ việc như vậy xảy ra không phải là ít: Nhiều trường hợp cán bộ toà án khi đi tống đạt công văn thường bị đe doạ, bị cáo vừa được mở còng khoá số 8 đã dùng ngay khoá này đập vào mặt vị chủ toạ khi phiên toà vừa kết thúc. Cũng có vụ việc mà nhiều người do quá khích, phản đối kịch liệt, bao vây Hội đồng xét xử trong phong nghị án gần một ngày.
Nhìn chung, hành vi này xảy ra trong thực tế thường không gây ra hậu quả hoặc thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng, sức khoẻ cũng như vật chất cho người thi hành công vụ. Tuy nhiên, nó lại gây ra ảnh hưởng to lớn đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây cản trở cho hoạt động của các cơ quan này, đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị – xã hội, tạo ra dư luận không tốt.
1.3.4. Hậu quả của tội chống người thi hành công vụ
Để có thể thấy được đầy đủ hơn phần “chất” của tình hình tội chống người thi hành công vụ thì vấn đề hậu quả gây ra cho xã hội của tội phạm cũng cần được quan tâm nghiên cứu. Trong những năm vừa qua, tội phạm chống người thi hành công vụ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong phạm vi toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng.
+ Đối với bản thân người thi hành công vụ:
Hànhvi chống lại người thi hành công vụ của người phạm tội có thể dẫn đến nhiệm vụ mà người thi hành công vụ được giao không hoàn thành hoặc hoàn thành không đúng với yêu cầu đề ra. Cũng không chỉ dừng lại ở chỗ đó, hiện nay ngày càng phổ biến các trường hợp hậu quả do tội phạm để lại là người thi hành công vụ bị tổn thương, bị tổn hại về tinh thần, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Nghiêm trọng hơn là đã có những trường hợp người thi hành công vụ bị thiệt hại về tính mạng.
+ Đối với xã hội:
Hành vi gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ là căn cứ làm phát sinh những “điểm nóng”, nơi tập trung nhiều mâu thuẫn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây đình trệ sản xuất. Thiệt hại về vật chất không chỉ trực tiếp đến tài sản của người thi hành công vụ mà còn thiệt hại đến tài sản của nhân dân, phá hoại hàng trăm hecta hoa màu, nhiều bụ gây ách tắc giao thông. Từ đó dẫn đến chi phí mà nhà nước và xã hội bỏ ra cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm là vô cùng tốn kém. Bên cạnh việc gây thiệt hại đến tính mạng của người thi hành công vụ, ở nhiều nơi, tính mạng, sức khoẻ của nhân dân cũng bị đe doạ gây thiệt hại. Vụ chống người thi hành công vụ càng đông người tham gia thì người bị hại ngày càng tăng lên.
Ví dụ: Vụ án gây rối trật tự tại Chí Linh, Hải Dương ngày 13.5.2002: Sau khi bao vây nơi đang thi công công trình, những người quá khích và các phẩn tử xấu đã lợi dụng ném gạch đá là cho 6 cán bộ chiến sĩ bị thương. Anh Nguyễn Hà Cường bị thương nặng phải đi cấp cứu ngay, anh Đỗ Văn Anh bị bắt giữ hơn 4 tiếng đồng hồ. Nhiều cán bộ khác bị đánh đông đánh đuổi, bị thương tích trên người cùng nhiềuthiệt hại về vật chất khác. Trong bản án số 1019/HSST ngày 29/10/2002 của Toà án nhân dân tỉnh Hải Dương đã nhận xét:
“Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, làm cho những người thi hành công vụ không hoàn thành được nhiệm vụ. Vụ án có tính chất nghiêm trọng không chỉ đơn thuần là thiệt hại về mặt vật chất mà còn làm cho tỉnh phải ngừng xây dựng công trình khu vui chơi giải trí cho thanh, thiếu niên. Lực lượng cảnh sát phải rút về, không hoàn thành được nhiệm vụ được giao, nhiều cảnh sát bị thương. Hiện tại ở thời điểm toà án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tình hình ở khu vực khu vui chơi giải trí tại huyện Chí Linh vẫn còn căng thẳng” (1).
+ Đối với có quan nhà nước:
Hành vi chống lại người thi hành công vụ không chỉ gây thiệt hại cho người thi hành công vụ, làm cho người đó không hoàn thành nhiệm vụ mà còn xâm phạm đến uy tín, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, gây lên dư luận xâu, mất niềm tin vào pháp luật của quần chúng nhân dâ. Hành vi này ảnh hưởng đến các cơ quan chức năng nói chung và cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng.
2. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Đối với tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình hình tội phạm này là tổng hợp những hiện tượng xã hội và đặc điểm riêng trên địa bàn Hải Dương. Qua nghiên cứu thực tiễn, có thể phân chia thành các nguyên nhân và điều kiện sau đây:
2.1. Nguyên nhân và điều kiện liên quan đến vấn đề kinh tế xã hội
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, bước sang nền kinh tế thị trường, đất nước ta không ngừng tiến bước trên con đường đổi mới, tích cực, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ, tình hình kinh tế – chính trị – xã hội tương đối ổn định, an ninh quốc phòng được tăng cường, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, hợp tác quốc tế được tiến hành chủ động và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, theo quy luật chung của hiện tượng xã hội thì vấn đề gì cũng có mặt trái của nó. Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng phải gánh chịu những ảnh hưởng không nhỏ do mặt trái của nền kinh tế thị trường đem lại, cộng với sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế xã hội đã làm cho đời sống xã hội có những biến động phức tạp: sự xuống cấp về đạo đức và lối sống,tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp gia tăng, sự phân hoá giầu nghèo sâu sắc, lai căng văn hoá dân tộc... Đó là những nguyên nhân và điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh và phát triển của tội phạm.
Theo cùng nhịp độ phát triển của nền kinh tế thị trường của đất nước, Hải Dương vẫn đang từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhằm ngày càng thoả mãn đầy đủ hơn nhu cầu thiết thực của người dân trong tỉnh. Tuy vẫn không ngừng bám sát với xu hướng phát triển chung của đất nước, tích cực đẩy mạnh nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng công việc..., nhưng nhìn chung Hải Dương vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, sự mất cân đối và cân bằng của nền kinh tế xã hội đã tác động trực tiếp đến người dân trong tỉnh, dẫn đến tình trạng căng thẳng trong nội bộ quần chúng nhân dân.
Là một trong những tỉnh có nền kinh tế xã hội đang phát triển phong phú trên nhiều lĩnh vực. Nhưng sự diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực và hàng loạt các vấn đề bức xúc cũng vẫn đang đặt ra như: Những căng thẳng, mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân xảy ra trong các lĩnh vực giải quyết tranh chấp đất đai, thừa kế, tài sản... đã làm cho các quan hệ xã hội ngày càng xấu đi. Mâu thuẫn ban đầu thường ở hai hoặc vài người với nhau về một vấn đề. Khi chính quyền địa phương can thiệp giải quyết mâu thuẫn mà không thoả đáng, không như mong muốn của từng bên sẽ dễ dàng dẫn đến những mâu thuẫn trên phạm vi rộng hơn và ngay cả với chính quyền địa phương. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tội phạm chống người thi hành công vụ.
Hải Dương là một tỉnh có nhiều dự án, công trình đang chuẩn được thi công. Vấn đề giải toả mặt bằng hiện nay đang rất bức xúc và đáng lo ngại. Bởi khi một dự án được đặt ra phê duyệt, chuẩn bị đưa vào thi công thì vấn đề đất đai là khâu quan trọng đầu tiên. Sau khi lựa chọn địa bàn để thi công xây dựng thì việc đền bù đất đai cho người dân cần tiến hành nhanh chóng, thoả đáng. Xung quanh vấn đề đền bù này đã có nhiều ý kiến mâu thuẫn với chính quyền và chủ công trình như: Số tiền đền bù, thời gian thanh toán đền bù, chỗ ở mới... Việc giải quyết những vấn đề này không phải lúc nào cũng hợp lòng dân. Ví như có những nơi chủ công trình thanh toán tiền đền bù cho người dân thông qua cán bộ chính quyền địa phương... nhưng khi số tiền đó được chuyển đến tay người dân thì “thâm hụt” so với giá đã công bố. Từ đó mà nảy sinh hiện tượng kiện tụng, chửi bới, ngăn chặn không cho thi công công trình. Hay có một số nơi nhân dân phản đối việc giải toả mặt bằng để xây dựng nhà máy vì sợ ô nhiễm môi trường xung quanh. Khi cán bộ chính quyền và đại diện cơ quan có thẩm quyền can thiệp mà thấy “trái lòng dân” không đúng mong muốn của những người tham gia “biểu tình” thì có thể họ sẽ bị chịu sự phản kháng trở lại của những người đó. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng cần đề cập.
Theo xu hướng chung của đất nước, Hải Dương chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, trong đó có nền kinh tế tư nhân cũng đang dần chiếm được vị thế quan trọng, nhu cầu làm giàu chính đáng của người dân được khuyến khích... Nhưng cũng từ đó phát sinh tệ nạn trốn thuế, buôn lậu... nhằm giảm chi phí xuống mức thấp nhất, tăng cao nguồn thu, lợi nhuận lớn, giàu lên nhanh hơn. Khi bị phát hiện, rơi vào tình huống bị cản trở thì họ sẵn sàng chống trả bằng nhiều cách, có trường hợp còn chống trả một cách quyết liệt tới tận cùng để bảo vệ lô hàng của mình. Điều đó đã làm phát sinh hành vi chống người thi hành công vụ.
Một điều đáng nói nữa là hiện nay đời sống nhân dân được nâng cao, nhưng có nhiều người ỷ vào đó mà chỉ muốn được “hưởng thụ”, không muốn lao động bằng sức mạnh của mình. Lợi dụng điều đó, những phần tử xấu trong và ngoài tỉnh đã tìm mọi cách tuyên truyền, gây tâm lý hoài nghi giữa quần chúng nhân dân và đường lối phát triển trên địa bàn của tỉnh Hải Dương. Điều này lý giải tại sao tình hình tội phạm trong lĩnh vực gây rối mất trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ... lại diễn ra hết sức phức tạp, căng thẳng như vậy.
2.2. Nguyên nhân và điều kiện liên quan đến vấn đề quản lý xã hội
Để duy trì trật tự kỷ cương xã hội, qua đó bảo đảm cho sự tồn tại của chính quyền nhà nước thì quản lý xã hội là hoạt động có ý nghĩa quan trọng của một nhà nước. Hoạt động quản lý xã hội được diễn ra trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.Vì vậy, thực tiễn cho thấy đây cũng là vấn đề gắn liền với nguyên nhân và điều kiện của tình tội phạm. Khi nghiên cứu về hoạt động quản lý xã hội ở Hải Dương, có thể thấy nguyên nhân và điều kiện của tội phạm chống người thi hành công vụ phát sinh trên nhiều phương diện:
* Thứ nhất, về chủ trương đường lối chính sách của Đảng, đặc biệt là pháp luật của Nhà nước.
Để quản lý xã hội tốt thì việc ban hành các chủ trương, đường lối chính sách cho phù hợp với sự phát triển của đất nước là vấn đề được nhà nước ta thường xuyên quan tâm. Nhưng việc đưa chủ trương, đường lối đó vào thực tiễn quả là tương đối khó. Một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù trong những năm vừa qua có nhiều chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước được ban hành nhưng việc tổ chức thực hiện còn có nhiều bất cập trong thực tiễn. Chính sách vì thế mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật được ban hành trong lĩnh vực hoạt động quản lý xã hội còn nhiều hạn chế và trở thành một trong những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh, tồn tại tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn Hải Dương cũng như trên cả nước. Cụ thể:
Các chủ trương, chính sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống nên không đáp ứng kịp thời nhuc cầu điều chỉnh các vấn đề kinh tế xã hội luôn biến đổi. Ngoài ra có những văn bản được ban hành chưa kịp đi vào cuộc sống lại có thay đổi. Hoặc việc ban hành văn bản pháp luật chưa rõ ràng, quá chung chung, muốn đi vào thực tế lại phải chờ văn bản hướng dẫn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thuế, tài chính, kinhdoanh, thương mại... Đó còn chưa kể đến việc ban hành văn bản pháp luật trái thẩm quyền của một số cơ quan hay việc thực hiện không thống nhất giữa các địa phương, thậm chí ở một số nơi còn tự ban hành văn bản để thực hiện trái với quy định của hiến pháp và văn bản pháp luật của cơ quan cấp trên, vi phạm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Theo công tác thống kê hàng năm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương phát hiện gần chục văn bản mỗi năm trái với quy định pháp luật, và chính những văn bản đó nhiều khi đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của công dân, gây mâu thuẫn giữa làng, xã với nhau, gây bất bình cho quần chúng nhân dân đối với cơ quan nhà nước, gây nên nhiều vụ kiện cáo. Đây chính là môi trường thuận lợi cho tội chống người thi hành công vụ phát sinh tồn tại và phát triển.
* Thứ hai, về bộ máy quản lý, cán bộ quản lý và tổ chức hoạt động quản lý.
Trên cơ sở đánh giá chung trên phạm vi cả nước và tỉnh Hải Dương thì hiện nay: bộ máy quản lý nhà nước ta còn cồng kềnh, kém hiệu lực, tiêu chuẩn cán bộ chưa xác định rõ ràng, việc bố trí cán bộ - công chức chưa tương xứng với nhiệm vụ và phong cách làm việc mang nặng tính hình thức...
Mặc dù đã nhiều lần nhà nước chủ trương cải cách bộ máy hành chính nhưng do tâm lý cục bộ, vì lợi ích bản thân của nhiều lãnh đạo, lệ “con ông cháu cha” vẫn tồn tại, làm cho tỷ lệ người được hưởng lương từ nhân sự không giảm mà còn tăng lên. Luôn diễn ra tình trạng vừa thừa vừa thiếu người trong nhiều cơ quan, đó là thiếu cán bộ có năng lực, thừa người kém năng lực làm việc, chưa có sự phân công đảm nhiệm công việc cụ thể của những người trong nhiều cơ quan. Chính vì vậy mà đã gây ra tâm lý mất niềm tin, bất mãn, từ đó có thái độ coi thường đối với cán bộ cơ quan nhà nước. Và đây là cơ hội cho tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ nảy mầm và phát triển.
Hiện nay, ở nhiều nơi nói chung và Hải Dương nói riêng, vấn đề thủ tục hành chính vẫn còn là một điều đáng lo ngại, bởi vẫn còn tồn tại những phiền hà trong thủ tục hành chính. Trước đây, khi chưa tiến hành “một dấu, một cửa” thì người dân một ngày phải qua nhiều cửa, nhiều dấu thì nay: nhiều ngày vẫn chưa qua được một cửa, một dấu. Thủ tục hành chính phức tạp, nên muốn rút ngắn thời gian cho thủ tục đã có nhiều trường hợp “liều lĩnh” rút ngắn thời gian dẫn đến vi phạm pháp luật như: đưa hối lộ. Trong những trường hợp này, việc chống người thi hành công vụ đã có môi trường thuận lợi để nảy sinh, và đó cũng là nguyên nhân và là kết quả của tội phạm khác.
Tuy có nhiều cố gắng trong công tác quản lý vĩ mô tại Hải Dương nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vai trò “điều tiết” của nhà nước. Qua nghiên cứu những “điểm nóng’’ ở Hải Dương có thể nhận thấy để phát sinh “điểm nóng’’ ngay từ đầu là sự tích tụ mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân với cơ quan nhà nước, cán bộ quản lý hành chính nhà nước. Do thiếu cẩn trọng trong quản lý cùng với nhiều nguyên nhân khác mà chính quyền các cấp đã không kịp thời phát hiện những mâu thuẫn đó ngay từ khi mới xuất hiện. Điều này không chỉ khẳng định sự yếu kém trong quản lý vĩ mô mà còn bộc lộ tình trạng quan liêu, xa rời dân chúng.
Khi nghiên cứu, phân tích nhiều trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương người thực hiện hành vi phạm tội có khi bắt đầu từ chỗ mất niềm tin, bất bình đối với chính quyền, cán bộ với chủ trương giải quyết yêu cầu, đề xuất của họ. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là có phải một trong những nguyên nhân của tình trạng phạm tội chống người thi hành công vụ xuất phát từ phía các cơ quan nhà nước, đặc biệt là cán bộ nhà nước thừa hành nhiệm vụ? Bên cạnh những cán bộ có khuyết điểm về phẩm chất đạo đức, tư cách đại diện cho cơ quan nhà nước, ở nhiều nơi còn có những cán bộ tuy có tinh thần làm việc tích cực nhưng năng lực hiểu biết nghiệp vụ yếu kém, thiếu kinh nghiệm, giải quyết vấn đề còn “vòng vo”. Hoặc có những nơi còn tồn tại tình trạng “đùn đẩy”, gây bất bình cho người dân, họ cho rằng “nhân viên nhà nước vô trách nhiệm”, do đó cũng là “ngòi nổ để việc bé xé ra to”.
Một tình trạng thường gặp ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương là sự thiếu sót nghiêm trọng khi tiếp dân như: thái độ hống hách, cửa quyền, xem thường nhân dân, sách nhiễu trong việc giải thích, giải quyết đơn thư thắc mắc, khiếu nại tố cáo. Hiện nay trình độ văn hoá giáo dục của người dân ngày càng được nâng cao, sự hiểu biết pháp luật cũng như ý thức về “địa vị bình đẳng trước pháp luật” ngày càng được khẳng định rõ ràng trong xã hội và trước cơ quan công quyền, nên họ không cam tâm chịu đựng khi bị chèn ép. Họ đòi hỏi các cơ quan chức trách khi nhận được khiếu nại, tố cáo phải nhanh chóng giải quyết cho họ, tránh tình trạng đơn thư sau “năm, bảy lần kính chuyển rồi lại quay về nơi xuất phát của nó”. Việc không đáp ứng yêu cầu chính đáng đó đã làm cho quần chúng nhân dân mất niềm tin vào cán bộ, cơ quan nhà nước. Vì thế mà nảy sinh hành vi chống lại người thi hành công vụ.
2.3. Nguyên nhân và điều kiện liên quan đến vấn đề văn hóa giáo dục và ý thức pháp luật của người dân
Qua khảo sát về trình độ văn hoá của người phạm tội chống người thi hành công vụ ở tỉnh Hải Dương cho thấy phổ biến số người phạm tội ở trình độ văn hoá lớp 6-10, thậm chí có người có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học, cao đẳng. Do đó, nhìn chung ở những người phạm tội không phải là trình độ văn hoá thấp, mà đó chính là sự thiếu ý thức, trách nhiệm, thiếu tôn trọng pháp luật, chuẩn mực đạo đức luôn đặt lợi ích của bản thân cao hơn lợi ích của cộng đồng, từ đó có những xử sự trái pháp luật như hành vi chống trả người thi hành công vụ ở các mức độ khác nhau.
Qua phân tích, tìm hiểu cho thấy sự thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, chuẩn mực đạo đức xuất phát từ hai lý do:
Thứ nhất, ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương, nhà trường, gia đình chỉ đề cao việc dạy các kiến thức văn hoá khoa học, chưa chú trọng đến việc nâng cao ý thức pháp luật và đạo đức xã hội cho người dân.
Thứ hai, do tính bảo thủ, tư lợi của bản thân của một số người. Họ cố tình coi thường pháp luật, đạo đức xã hội, luôn đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn, từ đưa hối lộ đến chống trả người thi hành công vụ. Có nhiều trường hợp do tâm lý tiêu cực ở người phạm tội đã dần hình thành nên tính hung hãn, lưu manh côn đồ, sẵn sàng chống trả quyết liệt nếu như bất kỳ ai tác động đến bản thân người phạm tội.
Qua nghiên cứu cho thấy khoảng hơn 60% người phạm tội chống người thi hành công vụ đồng thời thực hiện một tội phạm khác hoặc liên quan đến một tội phạm như cản trở để người phạm tội trốn thoát. Đó là chưa kể đến trường hợp phạm tội chống người thi hành công vụ xảy ra đồng thời với những vi phạm khác. Người phạm tội này thực hiện hành vi chống trả rất quyết liệt, ví dụ như từ việc đe doạ để cướp tài sản hay giết người đến liều mạng để thoát thân là rất gần nhau. Hoặc trường hợp đã phạm tội nhưng vẫn quyết chống trả để tiếp tục phạm tội (như trường hợp đua xe trái phép: khi đang tiến hành cuộc đua xe mà thấy cảnh sát ngăn cản, người đua xe cố tình đâm thẳng, không dừng lại). Ở đây trạng thái tâm lý chống đối và chống đối đến cùng xuất hiện rõ ràng ở những người pham tội.
Do mức sống ngày càng được nâng cao, đặc biệt ở một số huyện, thị trấn và thành phố Hải Dương, người dân không chỉ lo đủ ăn đủ mặc mà còn muốn ăn ngon, mặc đẹp, giải trí... từ đó hình thành nên tâm lý hưởng thụ, đặc biệt ở lứa tuổi vừa trưởng thành. Một số thanh niên do có điều kiện sống dư thừa, cùng với sự nuông chiều quá mức, giáo dục kém từ phía gia đình, cậy con ông to bà lớn coi thường pháp luật đã khiến họ trở thành những người phạm tội khi chỉ ở tuổi chưa thành niên. Sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm với bản thân và xã hội, cùng với sự tò mò, muốn khám phá những “cái lạ”, muốn “xưng anh hùng” khi có những ngoại cảnh tác động như chịu sự tác động của tội phạm dẫn đến những hành vi sai trái đã được thực hiện, điển hình là hành vi phạm tội. Đi sâu tìm hiểu những tội phạm chưa thành niên phạm tội chống người thi hành công vụ cho thấy: Chủ yếu tội phạm này được thực hiện đồng thời với tội gây rối trật tự công cộng, tiêm chích ma tuý, đua xe trái phép.
2.4. Nguyên nhân và điều kiện liên quan đến hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật
Hiện nay tại địa bàn tỉnh Hải Dương, việc triển khai công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã đạt những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tội phạm nói chung, cũng như tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn đang tồn tại và có nguy cơ phát triển. Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân và điều kiện có liên quan đến hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật như sau:
* Thứ nhất, một số cơ quan bảo vệ pháp luật thiếu trách nhiệm, làm việc chưa hiệu quả nên chưa phát hiện kịp thời nguy cơ làm phát sinh, tồn tại của loại tội phạm này. Chính vì thế mà tội phạm cứ âm ỉ phát triển gây lên những hậu quả không thể lường trước được. Có những trường hợp sau khi phát hiện được tội phạm, do không nắm bắt được sớm sự việc, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không thấy được trách nhiệm của mình, không cân nhắc lựa chọn những biện pháp thích hợp mà cục bộ giải quyết bằng những biện pháp cưỡng chế, sử dụng bạo lực ngay. Một số cơ quan này sử dụng giải quyết như vậy đã làm cho tình hình trở nên căng thẳng.
Song song với cách làm việc chưa hiệu quả thiếu kinh nghiệm của một số cơ quan bảo vệ pháp luật (như cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án) là tình trạng buông thả, ý thức trách nhiệm của ai thì cơ quan đó lo, “khoán trắng”, đôi khi còn đùn đẩy lẫn nhau giữa một số cơ quan. Trong điều kiện tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, ở một số nơi còn chưa biết hiệu quả của việc phối kết hợp giữa cơ quan bảo vệ pháp luật với nhau và với các cơ quan có chức năng quản lý xã hội, với chính quyền địa phương. Từ đó dẫn đến việc nắm bắt tình hình không kịp thời, biện pháp xử lý không phù hợp, không có phương pháp giáo dục, cải tạo, cảm hoá những phần tử xấu, bất mãn, không giúp đỡ họ quay về với con đường chính nghĩa.
Từ hoạt động kém hiệu quả của một số cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng, đã làm mất lòng tin ở một số bộ phận nhân dân, khiến cho tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trở nên phức tạp hơn.
* Thứ hai: Trình độ của một số cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật chưa đáp ứng được với đòi hỏi của thực tiễn.
Một bộ phận cán bộ trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như cán bộ ở một số cơ quan nhà nước khác hiện nay vẫn chưa được đào tạo có hệ thống. Cộng thêm đó là ý thức thiếu trách nhiệm không ý thức được trách nhiệm của mình là “Công bộc”, không biết dựa vào dân và hoà đồng vào quần chúng nhân dân, xa rời quần chúng, tự coi mình là người đứng trên “chỉ bảo” nên đã trở thành một người vừa cao, vừa xa đối với quần chúng, có thái độ hách dịch, quan liêu, coi thường quần chúng, đôi khi còn “thiên vị” trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của những người có chức quyền. Đó là chưa kể đến những trường hợp nhận hối lộ, dung túng để cho người khác thực hiện vi phạm pháp luật. Chính những điều này đã làm cho nhân dân mất niềm tin vào công lý. Từ đó, họ có những xử sự không tuân theo pháp luật, mà giải quyết mọi vấn đề theo “luật rừng” kể cả khi có sự ngăn cản của người thi hành công vụ.
* Thứ ba, việc trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ chiến đấu của người thi hành công vụ còn quá thiếu thốn, không đảm bảo để thi hành công vụ một cách hiệu quả. Tình trạng thiếu súng đạn, roi điện, dùi cui, máy thông tin...khi truy bắt những đối tượng nguy hiểm còn rất phổ biến và chưa đáp ứng kịp thời với những đòi hỏi của thực tế.
3. Dự báo tình hình tội chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong thời gian tới (2007-2010)
Theo số liệu thống kê hình sự về tội phạm chống người thi hành công vụ (2002-2006) ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Về số vụ phạm tội và số tội phạm chống người thi hành công vụ đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số chưa được thống kê một cách hoàn toàn đầy đủ. Để xác định số lượng cụ thể tất cả các trường hợp phạm tội là vấn đề nan giải, bức bách. Bởi vậy, trong thời gian tới mong rằng các nhà tội phạm học Việt Nam, các nhà nghiên cứu luật hình sự, các cơ quan tư pháp sẽ có các biện pháp khoa học hơn, sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thống kê đầy đủ hơn những trường hợp chống người thi hành công vụ. Có vậy kết quả phân tích thực trạng tình hình chống người thi hành công vụ, sẽ được đầy đủ, toàn diện hơn.
Theo dự báo của các cơ quan tư pháp tỉnh Hải Dương thì: tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong những năm tới đây (2007-2010) không có xu hướng tăng lên về số lượng mà sẽ giảm nhưng tốc độ giảm chậm, không đáng kể. Tuy nhiên hành vi phạm tội này trong thời gian tới sẽ tinh vi hơn, xảo quyệt hơn, lưu manh hơn cả về sự chuẩn bị đến cách thức thực hiện tội phạm cũng như công cụ, phương tiện phạm tội...
Địa bàn thực hiện tội phạm vẫn tập trung ở những nơi đông dân, trật tự xã hội chưa nghiêm. Đây là nhưng điều kiện thuận lợi cho sự hoạt động của tội phạm, và rất dễ trở thành “điểm nóng”. Chính vì vậy, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cần phải phối hợp với nhân dân để tìm biện pháp đấu tranh phòng, chống tội chống người thi hành công vụ một cách có hiệu quả.
CHƯƠNG III
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẤU TRANH CHỐNG TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
1. Giải pháp về kinh tế – xã hội
Cũng như những tội phạm khác, nguyên nhân và điều kiện cơ bản của tội phòng chống người thi hành công vụ là nguyên nhân kinh tế – xã hội. Việc kết luận một cách chắc chắn như vậy là xuất phát từ lý luận nghiên cứu tội phạm học và thực tiễn chứng minh tội phạm tồn tại trong xã hội, chịu sự tác động qua lại của các yếu tố, các quá trình xã hội. Sự vận động và biến đổi của các điều kiện kinh tế xã hội tất yếu dẫn đến sự thay đổi của tình hình tội phạm. Nền kinh tế thị trường bên cạnh tính tích cực còn tồn tại, những ảnh hưởng tiêu cực làm phát sinh tình hình tội phạm. Nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế thị trường là nguyên nhân dẫn tới tội phạm, từ đó dẫn đến xu hướng phủ nhận nó.
Nhìn chung, giải pháp cơ bản và lâu dài hiện nay của chúng ta là tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, phát huy tính tích cực của nó và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực bằng sự điều tiết của nhà nước. Đây là hướng cơ bản có thể giải quyết triệt để nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm nói chung và tội chống người thi hành công vụ nói riêng.
Song song với việc phát triển kinh tế cần chú ý đến các chính sách xã hội. Bởi sự thay đổi của nền kinh tế thị trường thường kéo theo sự mất cân bằng, cân đối trong đời sống xã hội, tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, gây tâm lý căng thẳng. Cụ thể, đối với tội phạm chống người thi hành công vụ, trong thời gian tới, Hải Dương cần thực hiện một số giải pháp kinh tế xã hội sau:
*Thứ nhất, giải quyết vấn đề đất đai. Đất đai là một vấn đề hết sức nhạy cảm ở mọi địa phương nói chung và ở tỉnh Hải Dương nói riêng. Việc giải quyết vấn đề này không triệt để và công bằng sẽ dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột tranh chấp dễ làm phát sinh “điểm nóng’’, đặc biệt ở thành phố Hải Dương, ở những thị trấn và những nơi gần khu quy hoạch xây dựng các công trình lớn của tỉnh, vấn đề đất đai đang trở nên ngày càng gay gắt và bức xúc. Ở đây, vấn đề đất đai không chỉ là đất ở mà còn bao gồm cả ruộng, vườn của người dân. So với các thành phố lớn cùng khu vực như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh thì mật độ dân số của Hải Dương thấp hơn (1038,22 người/km2) nhưng có điểm giống ở chỗ: Dân cư thường tập trung đông ở các thị trấn, gần những nhà máy, khu du lịch, thành phố và thưa dần về phía các huyện, xã, thôn có điều kiện phát triển kinh tế kém hơn. Nhưng đất ở tại những khu vực phát triển trên lại rất đắt. Có nơi một khuôn đất với 60m2 mà giá bán khoảng trên 500 triệu. Như vậy, giá bán thì cao mà người dân thì không đủ tiền mua. Nhiều nơi xảy ra tranh chấp đất ở. Còn về đất ruộng ở nhiều nơi đã bị quy hoạch do nhà nước, tỉnh xây dựng các công trình, nhà máy có đền bù cho người dân, dẫn đến một số bộ phận không biết buôn bán hay làm gì khác, bởi quanh năm chỉ biết có làm ruộng sinh sống nên đã rơi vào tình trạng thất nghiệp. Trước tình hình đó tỉnh vẫn chưa có biện pháp tạo việc làm cho người dân. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, Hải Dương cần xây dựng và triển khai các dự án một cách khả thi về các khu chung cư ở những nơi mà kinh tế phát triển cao trong địa bàn tỉnh, điều hoà giá đất, xây dựng và phát triển kinh tế vùng ven thành phố, huyện lỵ nhằm dãn bớt dân ở trong khu vực trung tâm.
*Thứ hai, cần có chính sách tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Tỷ lệ thất nghiệp của Hải Dương hiện nay là 5,6% (so với 6% của cả nước). Việc làm và thu nhập có ý nghĩa quan trọng quyết định đến đời sống của người dân, đặc biệt là trong tình hình kinh tế thị trường phát triển. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở tỉnh cần:
1.Tiếp tục khuyến khích phát triển nền kinh tế thị trường, có chính sách tạo điều kiện thu lợi hơn cho các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ, công nghiệp có quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, thu hồi vốn nhanh.
2. Với ý nghĩa là một tỉnh có nền kinh tế đang phát triển, nằm trên đường vận chuyển hàng hoá, đia lại của 3 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), nằm trên đường vận chuyển hàng hoá đi lại, nơi đang tập trung nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng, Hải Dương có điều kiện không chỉ về phát triển kinh tế mà còn thu lợi trong việc ngày càng tạo nhiều việc làm cho người lao động.
3. Hiện nay Hải Dương có lực lượng lao động khá đông (41,2%). Đây là tiềm năng cho tỉnh thực hiện việc xuất khẩu lao động Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.
*Thứ ba, các cơ quan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ quan về lao động và thương binh xã hội cần tiếp tục phát huy, nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quan tâm đến các đối tượng chính sách, nhất là những gia đình thương binh liệt sĩ, có công với cách mạng, lợi dụng kích động gây chiến tranh tâm lý giữa họ và chính quyền. Sự quan tâm nhiệt tình sẽ góp phần xoá bỏ tâm lý bất mãn, tiêu cực ở những “công thần”, ngăn chặn những phần tử chống đối cách mạng, lợi dụng kích động gây chiến tranh tâm lý giữa họ và chính quyền.
2. Những giải pháp về tổ chức quản lý xã hội
Hoạt động quản lý được diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho mọi công dân sống và lao động có tổ chức và kỷ cương, mọi lợi ích chính đáng không bị xâm hại tiếp cần với ý nghĩa phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tác giả xin nêu ra một số giải pháp sau đây:
*Thứ nhất, tỉnh cần tăng cường hơn nữa công cuộc cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Nhằm tránh tồn tại tình trạng bộ máy quản lý cồng kềnh, thiếu khoa học, dẫn tới làm việc kém hiệu quả. Phải chấn chỉnh lại hệ thống các cơ quan quản lý, phân công rõ ràng chức năng và nhiệm vụ cho từng cơ quan và đồng thời phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong việc cải cách thủ tục hành chính cần phải áp dụng những thành tựu khoa học tiến bộ, đặc biệt là những ứng dụng tin học trong quản lý để rút ngắn thời gian, đáp ứng được yêu cầu giải quyết công việc trong thực tế, tránh tình trạng chồng chéo hoặc đùn đẩy, khiến cho người dân “ngại tiếp xúc với cơ quan nhà nước, từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ. Thực hiện tốt thủ tục hành chính “một dấu, một cửa” một cách kịp thời để người dân tin vào nhà nước và pháp luật, tránh tình trạng “chối” thủ tục hoặc đưa hối lộ để nhanh chóng làm xong thủ tục, giấy tờ, thậm chí còn chống đối người thi hành nhiệm vụ để đạt mục đích của mình.
*Thứ hai, triệt để tuân thủ nguyên tắc pháp chế XHCN trong việc đưa ra các chính sách ở địa phương và ban hành văn bản pháp luật trên địa bàn tỉnh. Điều quan trọng là cần đảm bảo sự thống nhất giữa đường lối chính sách và thực thi. Hiện nay, cần khắc phục ngay tình trạng văn bản được ban hành chưa đi vào trong cuộc sống, cơ quan ban hành cần phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng xem có phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và trong những năm tới hay không.
Để thực hiện đúng, thống nhất chủ trương đề ra trong các văn bản ban hành, đòi hỏi cơ quan ban hành phải thể hiện nội dung trong đó rõ ràng, chi tiết, hạn chế tình trạng “chờ” văn bản hướng dẫn nó ban hành, nhất là trong lĩnh vực đất đai thuế, kinh doanh, thương mại…
Triệt để ngăn chặn việc ban hành văn bản trái thẩm quyền ở một số cơ quan và việc tự ban hành văn bản để thực hiện trái hiến pháp và văn bản pháp luật cấp trên. Cần phải kỷ luật đúng đối với những trường hợp đó.
*Thứ ba, trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm túc việc tinh giản biên chế, hạn chế tối đa từ cục bộ, chờ chỉ thị của cấp trên. Cần tiến hành nghiêm túc việc tổ chức thi tuyển công chức, không coi dó chỉ là vấn đề thủ tục, hạn chế lệ “con ông, cháu cha”, từ đó lựa chọn những người có đủ phẩm chất cần thiết cho hoạt động quản lý, khắc phục tình trạng phân cực quan giàu, tham nhũng và quan trong sạch, quan tham và dân nghèo, chấm dứt việc hình thành tâm lý “vua thua thằng liều”, “phép vua thua lệ làng”, chống đối người thi hành công vụ.
Ngoài việc xem xét vấn đề phẩm chất đạo đức cán bộ, cần chú ý năng lực của người cán bộ viên chức. Bởi vì hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn tồn tại tình trạng thừa cán bộ không có năng lực, thiếu cán bộ có năng lực. Vẫn tồn tại tình trạng cán bộ thiếu kinh nghiệm, giải quyết vấn đề vòng vo, thiếu trách nhiệm, cộng thêm vào đó là thái độ hống hách, coi thường, sách nhiễu nhân dân trong nhiều trường hợp. Từ đó dẫn đến mất niềm tin của nhân dân đối với chính quyền. Sự tích tụ mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng với cơ quan nhà nước phản ánh việc thiếu cẩn trọng trong quản lý nên chưa phát hiện mâu thuẫn kịp thời. Do đó, vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ nhà nước cả về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn là một công tác quan trọng cần phải được quan tâm.
Cần thực hiện sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban ngành với chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, phát hiện kịp thời các mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, tìm ra các biện pháp giải quyết phù hợp, đặc biệt trong hoạt động giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tăng cường sự giám sát của người dân đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước. Đó chính là việc phát huy và mở rộng quyền dân chủ của người dân thông qua quyền giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các cơ quan và cán bộ nhà nước. Hồ Chí Minh đã nói: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(1). Vì vậy, dù ở cương vị nào thì cán bộ, nhân viên, công chức nhà nước cần phải dựa vào dân – nguồn sức mạnh cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ, đẩy lùi tội phạm nhanh chóng.
3. Biện pháp văn về hoá giáo dục
Theo phân tích về nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ, có thể nhận xét rằng: trình độ văn hoá của những tội phạm này không phải là thấp, mà phổ biến ở trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông. Vì vậy, tất cả các trường học cần nâng cao trình độ dạy và học của mình, nâng cao trình độ giảng dạy của giáo viên trong trường. Đặc biệt, cần đưa chương trình giáo dục pháp luật vào giảng dạy trong trường, coi đó là một bộ môn văn hoá giáo dục riêng, nhằm phổ biến kiến thức pháp luật và nâng cao hiểu biết về đạo đức, pháp luật cho học sinh, sinh viên, trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật trước khi rời khỏi ghế nhà trường.
Cần đa dạng hoá các loại hình đào tạo, đẩy mạnh hướng nghiệp ở nhà trường, nâng cao chất lượng người lao động, giúp người lao động có thể tự tạo việc làm hoặc dễ tìm việc làm hơn. Điều này được đặt ra không chỉ nhằm giải quyết việc làm, trước mắt tránh thất nghiệp, mà còn tránh tình trạng tụ tập chơi bời của thanh niên. Từ đó họ sẽ chí thú làm ăn, sống lành mạnh, biết trân trọng những gì do mình làm ra một cách chính đáng. Do vậy mà có thể loại trừ tình trạng phạm tội do nghèo nàn “nhàn vi cư bất thiện”.
Một điều quan trọng trong chính sách ưu tiên giáo dục là việc yêu cầu các cơ quan giáo dục ở tỉnh, cần phối hợp với các cơ quan ban ngành khác trên cùng địa bàn dân cư cung cấp cơ sở vật chất (như bàn ghế, đồ dùng học sinh…) cho các trường học, có chính sách trợ giá cho các sản phẩm phục vụ học tập của học sinh, sinh viên, miễn giảm học phí cho gia đình chính sách khó khăn, xây dựng và phát triển loại hình đào tạo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt không thể đến trường được. Cần phải phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong hoạt động giáo dục thanh thiếu niên, hạn chế hiện tượng phó mặc, khoán trắng cho một bên, quản lý và thực hiện chặt hơn nữa quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cho những người dưới 18 tuổi và những người không có bằng lái xe đi xe máy và các xe phân phối lớn tại các trường học, từ đó nhằm nâng cao ý thức pháp luật, hạn chế một phần tình trạng đua xe của thanh thiếu niên đang xảy ra ngày càng phổ biến.
Các cơ quan tuyên truyền pháp luật cần phổ biến một cách sâu rộng vai trò của pháp luật vào trong quần chúng nhân dân. Cần đề cao công tác phòng ngừa tội phạm và đấu tranh chống tội phạm mà quan trọng nhất là phòng hơn chống.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có kế hoạch đào tạo và đào tạo ngay trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ nhân viên một cách thường xuyên. Cần tránh tình trạng do thiếu hiểu biết, thiếu trình độ khi giải quyết xong các vấn đề nên đã không tìm được biện pháp hiệu quả, chính xác, gây tâm lý thiếu tin tưởng vào chất lượng hoạt động thậm chí các quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thậm chí chống đối lại người thi hành công vụ.
Ngoài ra, cần giáo dục, cải tạo tốt những phần tử phạm tội. Giáo dục cần được đi đôi với trừng trị kẻ phạm tội. Cùng với việc phổ biến kiến thức pháp luật, rèn luyện đạo đức, các trại giam cần tổ chức dạy văn hoá và đào tạo nghề cho người phạm tội, giúp họ nhanh chóng nhận ra sai lầm, khắc phục sửa chữa để trở lại với cuộc sống bình thường. Các cấp chính quyền địa phương cần giúp đỡ về mọi mặt những người đã cải tạo xong khi trở lại nơi sinh sống của mình.
Như vậy, trong lĩnh vực văn hoá xã hội phải biết kết hợp được đồng thời các biện pháp nói trên, từ đó nâng cao “tính văn hoá” của người dân, đấu tranh chống tội phạm chống người thi hành công vụ.
4. Giải pháp về hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật
Để đảm bảo giữ gìn trật tự xã hội, đảm bảo an ninh, chính trị, xã hội của đất nước thì chính sách hình sự cần phải được quan tâm, đổi mới cho phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay. Chính sách hình sự phải được thực hiện theo hai hướng cơ bản:
- Hình thành chiến lược và sách lược;
- Tổ chức thực hiện đường lối chiến lược và sách lược đó.
Để thực hiện việc đổi mới chính sách hình sự, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
1.Củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật;
2. Tăng cường hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực thi pháp luật;
3.Kết hợp giữa biện pháp pháp luật và các biện pháp giáo dục, văn hoá xã hội, phối hợp giữa cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan khác để phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm đạt hiệu quả.
Giải pháp pháp luật áp dụng đối với việc phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ cũng cần phải thực hiện theo hướng trên và sử dụng triệt để các giải pháp này.
4.1. Củng cố, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về tội phạm chống người thi hành công vụ
Trong điều kiện tình hình kinh tế xã hội luôn vận động và biến đổi không ngừng, dù pháp luật có dự liệu nhưng cũng không thể dự liệu hết được. Do đó, đòi hỏi tất yếu phải ban hành và sửa đổi các văn bản pháp luật trên nhiều lĩnh vực để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội. Viện kiểm sát tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh phải phối hợp với nhau và phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành văn bản một cách đồng bộ và kịp thời, tránh tình trạng thiếu quy định, có quy định nhưng thiếu hướng dẫn, văn bản ban hành mâu thuẫn với văn bản của cấp trên hay văn bản hướng dẫn một kiểu mà địa phương lại thực hiện một kiểu, dẫn đến nảy sinh và tồn tại tình trạng kiện cáo, lâu ngày trở thành xung đột “điểm nóng”.
Trước tình hình trên, đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh trước khi ban hành văn bản pháp luật phải tìm hiểu, xem xét, nghiên cứu thật kỹ, cần chú ý tính hợp pháp về thủ tục thẩm quyền và tính hợp lý về mặt thực thi.
Để người dân tham gia vào việc thực hiện vai trò quản lý xã hội thì Nhà nước phải mở rộng dân chủ hơn trong quá trình xây dựng pháp luật, phải biết tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ của nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, đảm bảo giá trị thực tiễn của pháp luật, là động lực thúc đẩy sự tự nguyện và dân chủ pháp luật của đông đảo quần chúng nhân dân.
Hiện nay, một trong những biện pháp phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ là cần phải đặt ra những quy định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo ra một cơ sở pháp lý cho việc thực thi hoạt động phòng ngừa và chống tội phạm trên thực tế.
Bộ luật Hình sự 1999 được ban hành và đã có hiệu lực gần bảy năm mà đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này có ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả công tác phòng chống tội phạm. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải ban hành văn bản giải thích về tội chống người thi hành công vụ thay cho nghị quyết số 04/HBTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để phù hợp với điều kiện hiện nay.
Nghị quyết 04/HBTP Toà án nhân dân tối cao được ban hành vào những năm đầu của công cuộc đổi mới, giải thích về tội chống người thi hành công vụ, vào thời điểm đó là hoàn toàn chính xác, phù hợp. Tuy nhiên, do sự biến động của nền kinh tế xã hội, tội phạm chống người thi hành công vụ hiện nay có mức gia tăng cao với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, vì vậy cần phải ban hành văn bản giải thích cụ thể những vấn đề sau:
+ Xác định cụ thể như thế nào là người thi hành công vụ và giới hạn của công vụ được thi hành.
+ Có hướng dẫn phù hợp, đầy đủ về các dạng hành vi được quy định tại điều 257/BLHS 1999.
+ Bổ sung quy định hướng dẫn về các tình tiết định khung tăng nặng. Tại khoản 2 điều 257.
4.2. Tăng cường hoạt động của cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc thực thi pháp luật
Từ khi chương trình quốc gia phòng chống tội phạm được đặt ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hải Dương đã có nhiều biện pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm nói chung và tội phạm chống người thi hành công vụ đạt hiệu quả. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ hiện nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật này cần phải tăng cường hoạt động của mình, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm hơn nữa, phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương cùng đông đảo nhân dân một cách chặt chẽ. Từ đó phòng ngừa, hạn chế và loại trừ tình hình tội chống người thi hành công vụ. “Ngay bản thân tội phạm cũng là nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Điều này lý giải vì sao trong thời gian vừa qua khi cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm không đạt kết quả cao, tất yếu dẫn đến hiện tượng trong xã hội, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng” (1).
Qua nghiên cứu tình hình, nguyên nhân tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình phối hợp với các cơ quan khác, với nhân dân cần áp dụng các biện pháp sau:
+ Biện pháp phòng ngừa ngăn chặn trước
Đây là biện pháp cơ bản, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết ngay từ đầu các mâu thuẫn phát sinh để từ đó ngăn chặn kịp thời không để xảy ra xung đột dẫn đến tội phạm chống người thi hành công vụ. Từ đây có thể thấy vai trò to lớn của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa tội phạm. Muốn làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi:
- Thứ nhất, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong địa bàn tỉnh Hải Dương phải chấn chỉnh bộ máy hoạt động và đội ngũ nhân sự của mình để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, tiếp đó phải luôn cập nhật những thông tin mới về pháp luật mà các cơ quan tư pháp cấp trên ban hành, những thông tin kinh tế – chính trị – xã hội trong địa bàn tỉnh, để dựa trên nền tảng pháp luật mà áp dụng cho phù hợp. Đặc biệt, trong vấn đề tội phạm thì cần nghiên cứu kỹ lưỡng những nguyên nhân, điều kiện chủ yếu làm phát sinh tình hình tội phạm, nhằm rút ra những biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu.
- Thứ hai, các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn tỉnh cần tăng cường hơn nữa và phối kết hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp xã, huyện trong việc giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức và hiểu biết pháp luật, vai trò của pháp luật trong đời sống đối với người dân. Từ đó phát huy tính tự giác, dân chủ, tránh sự nhận thức phiến diện hoặc do không am hiểu, nắm vững pháp luật nên không tin tưởng vào hoạt động và các quyết định của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
- Thứ ba, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở tỉnh Hải Dương cùng phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh phát động quần chúng tham gia bảo vệ trật tự trị an nơi mình sinh sống, xây dựng các đội tự quản ở mỗi thôn, xóm và các tổ tự quản khác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cấp huyện, xã cần phối hợp với chính quyền cùng cấp để xây dựng phương pháp quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa, xử sự đúng pháp luật. Ngoài ra còn phối hợp trong việc tìm hiểu, nắm bắt đời sống về vật chất và tinh thần của những phần tử xấu, từ đó có biện pháp đối phó phù hợp, ngăn chặn từ sớm khả năng phạm tội, tranh thủ được sự giúp đỡ, ủng hộ và đồng tình giúp đỡ của nhân dân, đấu tranh lên án hành vi gây rối trật tự, hành vi chống người thi hành công vụ và các hành vi trái pháp luật khác.
- Thứ tư, các cơ quan bảo vệ pháp luật ngoài việc phối hợp với chính quyền, cần phải phối hợp với những cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp tìm hiểu, phát hiện nguyên nhân và giải quyết xung đột, tranh chấp trong nhân dân một cách kịp thời, linh hoạt, không để xảy ra tình trạng mâu thuẫn và lan rộng thành “điểm nóng”.
Các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cần phối hợp cùng đoàn thể quần chúng nhân dân thuyết phục, tìm cách cảm hoá những người có hành vi vi phạm pháp luật một cách phù hợp để họ không có hành vi chống đối lại các cơ quan Nhà nước khi bị phát hiện vi phạm pháp luật. Ngoài ra, đòi hỏi người cán bộ phải đủ năng lực, trình độ và uy tín trong nhân dân, tuyệt đối không nên sử dụng vũ lực đàn áp trong trường hợp không cần thiết, trái với quy định của pháp luật, tránh tạo cơ hội thuận lợi cho những phần tử xấu gieo rắt “nhân quyền”, “dân chủ” làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn.
- Thứ năm, cần đảm bảo duy trì các cơ chế, phối hợp trong việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo về vấn đề đất đai, tranh chấp khác…, trường hợp này khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề trên, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải giám sát để tránh các trường hợp sai sót xảy ra. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tham mưu cho cấp uỷ thành lập các đoàn thanh tra, xem xét giải quyết nhanh chóng kết luận của đoàn thanh tra, không bao che cho những hành vi trái pháp luật của người có trách nhiệm.
+ Nâng cao chất lượng công tác điều tra truy tố xét xử
Mục đích và bản chất của biện pháp này là đấu tranh trên mặt trận chống tội phạm. Về phía người dân, họ luôn quan tâm đến công bằng xã hội, mà sự công bằng xã hội này phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Hiện nay, khi “giáo dục và tuyên truyền pháp luật không thể coi là cứu cánh của công tác phòng ngừa tất cả các tội phạm… chỉ có tác dụng như một công cụ bổ trợ cho các biện pháp nghiêm khắc khác”(1) thì việc xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội có ý nghĩa lớn trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật, Đảng và Nhà nước. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình và củng cố hơn nữa niềm tin của quần chúng nhân dân vào pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật trên địa bàn tỉnh Hải Dương nói riêng. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử của mình. Muốn vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải liên tục thực hiện những công việc sau:
- Thứ nhất, phải kiện toàn bộ máy của các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm phát huy sức mạnh trong việc thực thi pháp luật. Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan, tránh tình trạng chồng chéo hoặc đùn đẩy công việc, phân công bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp, không để tình trạng quen biết nhưng thiếu năng lực, nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra, truy tố xét xử được kết quả tốt, tránh tình trạng điều tra, truy tố xét xử không đúng ở một số nơi dẫn đến làm oan người vô tội.
- Thứ hai, kiện toàn công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo cần vạch rõ kế hoạch giải quyết và phân công người có trách nhiệm tìm biện pháp phù hợp để xử lý nhanh chóng, kịp thời, đúng đắn. Tiến hành xử lý nghiêm khắc những biểu hiện thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, không ý thức đầy đủ về tính “công vụ”, “công bộc” đối với nhân dân. Đặc biệt, cần có biện pháp tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần chú ý cung cấp trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết cho các cán bộ thi hành công vụ để làm tốt nhiệm vụ được giao.
- Thứ ba, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân cần xác định chính xác, đúng mức độ và tính chất nguy hiểm của hành vi chống người thi hành công vụ. Để từ đó có các quyết định về xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự và xác định trường hợp nào phải bị phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù giam hay cho hưởng án treo.
Để phát huy và nâng cao vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh chống tội phạm chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, coi thường pháp luật… Toà án nhân dân các cấp cần tổ chức các phiên toà xét xử lưu động công khai nhằm tuyên truyền và giáo dục ý thức pháp luật cho người dân.
- Thứ tư, Các cơ quan làm nhiệm vụ thống kê hình sự cần phải đổi mới phương pháp thống kê, vận dụng công nghệ tin học trong hoạt động thống kê để có nhận thức đầy đủ thực trạng, nguyên nhân diễn biến của tội phạm và các trường hợp có hành vi chống người thi hành công vụ, nhằm tìm ra, phát huy các biện pháp phòng chống loại tội phạm này một cách có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
4.3. Kết hợp giữa biện pháp pháp luật và các biện pháp giáo dục, văn hoá xã hội để phòng ngừa có hiệu quả tội phạm
Tội phạm chống người thi hành công vụ xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí có trường hợp kèm theo ít nhất là một tội khác, với mức độ nguy hiểm khác nhau, ở những người phạm tội có nhân thân khác nhau (có thể có hoặc chưa có án tích) do đó, để phòng chống loại tội phạm này đạt kết quả cao thì cần thiết phải biết kết hợp tổng hợp các biện pháp về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, pháp luật đồng thời.
KẾT LUẬN
Trong khuôn khổ đề tài khoá luận tốt nghiệp này, tác giả đã đề cập, phân tích dấu hiệu pháp lý của tội phạm chống người thi hành công vụ, làm sáng tỏ dấu hiệu pháp lý của tội này, kết hợp với việc minh hoạ bằng các vụ việc xảy ra trong thực tế, phân biệt tội này với một số tội khác có liên quan… Tuy nhiên, do hạn chế về mặt thời gian và tài liệu nghiên cứu, phạm vi giới hạn của khoá luận nên em mới chỉ tập trung nghiên cứu các hành vi chống người thi hành công vụ là tội phạm mà chưa nghiên cứu cụ thể hành vi chống người thi hành công vụ không được xác định là tội phạm, chưa làm sáng tỏ ranh giới giữa việc truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý hành chính đối với hành vi này.
Từ việc nghiên cứu những điều kiện đặc thù về vị trí địa lý đến điều kiện kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến sự phát sinh và phát triển của tình hình tội phạm, trong bài khoá luận này, phần nào đã phác hoạ được bức tranh toàn cảnh của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương từ năm 2002 đến nay. Mặc dù vậy, nhưng do hạn chế về số liệu bởi phương pháp thống kê hình sự còn chưa sử dụng kỹ thuật công nghệ tin học hiện đại nên mới chỉ tìm ra được số liệu về các vụ án đã được điều tra, truy tố xét xử theo điều 267/BLHS 1999 mà chưa thống kê được đầy đủ tất cả các hành vi chống người thi hành công vụ được xử lý theo tội phạm khác.
Với những diễn biến hết sức phức tạp của tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đã gây ra không ít những ảnh hưởng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội… Vì vậy, muốn ngăn chặn, hạn chế, tiến tới loại trừ tội phạm thì không đặt ra việc nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm, dự báo tình hình tội phạm và đề ra biện pháp đấu tranh phòng chống loại tội phạm này cho phù hợp với thực tế khách quan của địa bàn tỉnh Hải Dương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Các Mác, Ph.Ănghen toàn tập xuất bản lần 2 tập 1, Moskva 1954.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội 1986.
3. Việt Nam 20 năm đổi mới và phát triển theo định hướng XHCN, NXB Lao động.
4. Hiến pháp 1992
5. Bộ luật hình sự 1985
6. Bộ luật hình sự 1999.
7. Pháp lệnh lực lượng an ninh nhân dân.
8. Pháp lệnh lực lượng cảnh sát nhân dân.
9. Nghị định số 09/1998 NĐ-CP ngày 31.7.1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm.
10. Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số qui định trong phần các tội phạm của Bộ luật hình sự 1985.
11. Quyết định 138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia phòng chống tội phạm.
12. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân 2006
13. Giáo trình Tội phạm học, trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân 1998.
14. Thực trạng, nguyên nhân và điều kiện của tội chống người thi hành công vụ và các biện pháp phòng ngừa, Bùi Hữu Hùng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 1993.
15. Tội phạm học, Luật hình sự, Luật tố tụng hình sự - Đào Chí Úc, NXB Chính trị Quốc gia 1994.
16. Tội phạm học hiện đại và phòng ngừa tội phạm, Nguyễn Xuân Yêm, NXB Công an nhân dân, 2001.
17. Một số vấn đề quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, PGS, PTS Nguyễn Xuân Yêm, NXB Công an nhân dân, 1999.
18. Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ, Viện nghiên cứu tâm lý dân tộc, NXB TP Hồ Chí Minh, 2001.
19. Tội phạm học Việt Nam, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, NXB Công an nhân dân năm 2000.
20. Tội phạm học Việt Nam, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp, NXB Công an nhân dân, 1994.
21. Báo cáo tổng kết công tác ngành Toà án năm 2002 - 2006.
22. Tài liệu tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự 1999, Ban chỉ đạo tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự 1999, Hà Nội, 2000.
23. Báo Hải Dương từ 2002 - 2006.
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
BLHS : Bộ luật hình sự
HSST : Hình sự sơ thẩm
NLTNHS : Năng lực trách nhiệm hình sự
NXB : Nhà xuất bản
TAND : Toà án nhân dân
TANDTC : Toà án nhân dân tối cao
TANDTP : Toà án nhân dân thành phố
XHCN : Xã hội chủ nghĩa
No comments:
Post a Comment