29/09/2014
Cải cách khối cơ quan văn phòng của Minh Mệnh dưới Triều Nguyễn - 9 điểm
Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam có đáp án.

Minh mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn với thời gian cầm quyền là 20 năm (từ năm 1820 đến năm 1840). Khi tiếp quản ngai vàng từ Gia Long vào năm 1820 cũng như trong suốt thời gian tại vị của mình vua Minh Mạng đã phải đối mặt với nhiều biến động củ
MỞ ĐẦU


Triều Nguyễn là triều đại xây dựng nhà nước theo hình thức quân chủ,có quy mô lớn nhất trong lịch sử nền quân chủ phong kiến Việt Nam với mức độ quân chủ chuyên chế tăng cường. Triều Nguyễn đã trải qua 7 đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước. Trong đó, vua Minh Mệnh được xem là một vị vua năng động, quyết đoán, tinh thông Nho học, hiểu biết, coi trọng học vấn và là một nhà chính trị, quân sự tài ba. Dưới thời của ông, triều Nguyễn đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đó là nhờ những chính sách cai trị sáng suốt mà phải kể đến là những cải cách khối cơ quan văn phòng. Để làm rõ hơn vấn đề này, trong bài tập nhóm lần 2 nhóm em sẽ đi sâu nghiên cứu, phân tích vấn đề cải cách khối cơ quan văn phòng dưới thời Minh Mệnh.


NỘI DUNG

Nguyên nhân cải cách khối cơ quan văn phòng thời Minh Mệnh

Minh Mệnh là vị vua thứ hai của triều Nguyễn với thời gian cầm quyền là 20 năm (từ năm 1820 đến năm 1840). Khi tiếp quản ngai vàng từ Gia Long vào năm 1820 cũng như trong suốt thời gian tại vị của mình vua Minh Mệnh đã phải đối mặt với nhiều biến động của hoàn cảnh lịch sử khi đó.

Vào đầu thế kỉ XIX, triều Nguyễn được thành lập đã tiếp kế thừa và duy trì nền phong kiến đã được hình thành ở trong nước từ nhiều thế kỉ trước đó. Tuy nhiên, đến giai đoàn này, chế độ phong kiến đã lỗi thời và lâm vào tình trạng khủng hoảng. Kỉ cương nhà nước bị xem nhẹ, tệ tham ô quan liêu phổ biến, ruộng đất tập trung phần lớn vào tay địa chủ, kinh tế trì trệ do chính sách thuế khóa và sự bảo thủ của triều đình; phong trào đấu tranh của nông dân và các dân tộc ít người diễn ra ngày càng mạnh mẽ, dưới thời Gia Long là khoảng 90 cuộc và dưới thời Minh Mệnh là khoảng hơn 250 cuộc đấu tranh, niềm tin của nhân dân vào triều đình phong kiến ngày cảng giảm đi. Trong khi đó, thực dân Pháp đang phát triển mạnh, tích cực chuẩn bị cho những hành động xâm lược nước ta.

Giữa những khó khăn chồng chất như vậy, sau khi lên ngôi, Minh Mệnh đã tiến hành những cải cách bộ máy Nhà nước nhằm củng cố và phát triển nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Trong số những cải cách đó là cải cách khối cơ quan văn phòng.

Nội dung những cải cách khối cơ quan văn phòng thời Minh Mệnh

Khối cơ quan văn phòng của nhà Nguyễn đã có từ thời Gia Long với tên gọi là Tam Nội Viện. Năm 1820, năm đầu tiên sau khi lên ngôi, Minh Mệnh cải tổ Tam Nội Viện làm Văn Thư Phòng. Thành lập Văn Thư Phòng là một bước cải tổ cơ quan văn phòng trung ương so với Tam Nội Viện dưới thời Gia Long. Nhưng đến năm 1829, Minh Mệnh cho lập Nội Các để đáp ứng ngày càng cao chức năng của văn phòng trung ương đối với nền hành chính đất nước.

Nội Các được thành lập nhằm thay thế Văn Thư Phòng, là cơ quan văn phong trung ương của Hoàng Đế và về tổ chức, nhiệm vụ lại phỏng theo quy chế Nội Các của nhà Minh và nhà Thanh ở Trung Quốc.

Chức năng, nhiệm vụ của Nội Các

Chức năng của Nội Các là trung tâm điều hành chính sự của các vua Nguyễn, nơi tập trung thông tin, tổng hợp tình hình, tư vấn, tâu trình lên vua những công việc thiết yếu, nơi phụ trách công việc văn thư, lưu trữa văn bản, sổ sách, giấy tờ.

Nội Các có nhiệm vụ nhận các Chương, Từ, Biểu, Tấu, Sớ đang vua trong các buổi thiết triều hoặc Ngự Điện Thính Chánh; nhận Chỉ Dụ của vua để thảo văn bản điều mọi hoạt động của triều đình và các đơn vị hành chính tỉnh. Nội Các còn có nhiệm vụ giám sát lục bộ, soát xét Phiếu nghĩ, bản tấu của các cơ quan nhà nước, nếu thấy chỗ nào không hợp thì được quyền trích ra tham hạch.

Như vậy, so với khối cơ quan văn phòng dưới Lê Thánh Tông và Gia Long, khối cơ quan văn phòng theo cải cách của Minh Mệnh có chức năng lớn hơn, có nhiệm vụ rõ ràng, chặt chẽ, phục vụ đắc lực cho công việc quản lý đất nước của nhà Vua.

Cơ cấu tổ chức Nội Các

Nội Các gồm 4 tào là Thượng bảo tào, Ký chú tào, Đồ thư tào và Biểu bạ tào với những nhiệm vụ được quy định cụ thể để thực hiện chức năng của Nội Các. Khác với Tam Nội Viện được thành lập ngay khi Gia Long mới lên ngôi gồm Thị Thư viện, Thị Hàn viện và Nội Hàn viện hay một số cơ quan có chức năng văn phòng của vua Lê Thánh Tông như Hàn lâm viện, Đông các viện, Trung thư giám, Hoàng môn tỉnh, Bí thư giám.

Quan lại của Nội Các

Quan lại của Nội Các do nhà vua trực tiếp lựa chọn từ các bộ, viện. Quan lại phụ trách Nội Các gồm có 4 viên quan : Hai chánh tam phẩm (lấy Thị lang các bộ Hàn Lâm viện chưởng viện học sỹ), một người kiêm lãnh Thượng bảo khanh (Thượng bảo tự); hai chánh tứ phẩm (lấy Hàn Lâm viện Thị học sỹ), một người kiêm lãnh Thượng bảo thiếu khanh.

Thuộc viên gồm 28 người: phẩm trật từ chánh ngũ phẩm đến tòng cửu phẩm (5a – 9b) đều gọi là “Nội các Hành Tẩu”. Đến năm 1835, thuộc viên Nội Các là 30 người. Năm 1844 Thiệu Trị cải tổ Nội Các nâng số nhân viên lên 34 người.

Nhận thấy vai trò to lớn của Nội Các dễ dẫn đến chuyên quyền nên Minh Mệnh đã tìm cách hạn chế quyền lực của Nội Các, đây là điểm tiến bộ trong cải cách của Minh Mệnh so với Triều đình nhà Minh, nhà Thanh. Ông cho rằng, nếu không có một Nội Các đủ mạnh thì không khống chế nổi quyền lực 6 bộ. Nhưng nếu giao quyền lực cho Nội Các quá lớn, thì như: “đầu nhà Minh sợ Tể tướng chuyên quyền mà đặt Nội Các, nhà Thanh cũng làm theo. Xét đến cốt yếu, dẫu không có danh tể tướng mà quyền hành không khác gì tể tướng đều không đủ bắt chước cả”.

Do đó, Minh Mệnh đã cơ cấu một Nội Các có vai trò quan trọng nhưng chức phận vẫn dưới 6 bộ. Phẩm hàm của trưởng quan Nội Các cao nhất chỉ là chánh tam phẩm, đứng sau thượng thư 6 bộ. Trong khi Nội Các thời Minh, Thanh ở Trung Quốc là Đại học sĩ có hàm Thượng Thư, trật chánh nhất phẩm, cao tột bậc ở trong nước, dẫn tới tệ chuyên quyền. Còn dưới thời Lê Thánh Tông, các quan khối cơ quan văn phòng có phẩm hàn từ tứ phẩm đến lục phẩm, không đủ quyền lực để khống chế cơ quan khác.

Như vậy, cách đặt quan chức của Minh Mệnh so với Lê Trịnh và triều Minh Thanh đã có sự sáng tạo. Nhà vua vừa hạn chế được phần nào sự chuyên quyền của Nội Các, vừa giúp Nội Các có đủ quyền hành để ràng buộc các cơ quan khác.

Đánh giá những cải cách khối cơ quan văn phòng của Minh Mệnh

Ưu điểm:

Khối cơ quan văn phòng được sắp xếp quy củ, chuyên môn hóa và hoạt động chuyên nghiệp theo cải cách của Minh Mệnh. Ví dụ, các loại công văn, giấy tờ, các dụ, chỉ, chương sớ, tập tấu của Triều đình được sắp xếp có hệ thống và lưu giữ tại cơ quan văn phòng, tránh khỏi sự phiền toái trong việc kiểm soát, dẫn tới thất lạc như trước đây. Cải cách này đã góp phần quản lý tốt những giấy tờ quan trọng của Triều đình, phục vụ đắc lực cho việc điều hành, lưu giữ công văn của một triều đại, gìn giữ nguồn tư liệu cho các triều đại sau và hiện tại xem xét, nghiên cứu.

Nội các được chia thành 4 tào, mỗi tào có một nhiệm vụ cụ thể và riêng biệt, góp phần làm cho công việc văn phòng của các Tào có hiệu quả cao hơn, trách nhiệm rõ ràng hơn. Không những thế, Minh Mệnh còn có biện pháp ràng buộc giữa Nội Các và lục bộ, các cơ quan tự kiểm tra, giám sát, hạn chế quyền lực của nhau, cũng như đòi hỏi cao trách nhiệm của các cơ quan này.

Như vậy, Nội Các chính là cơ quan thay mặt Vua khống chế, ràng buộc quyền lực của Lục bộ. Từ đó, tạo điều kiện cho Vua lãnh đạo đất nước một cách sát sao nhất và ít có lỗi lầm. Nội Các trở thành một cơ quan đắc lực cho khả năng tập quyền triệt để, nhằm hạn chế tệ chuyên quyền của Nội Các như Nội Các của Trung Quốc “dẫu không có danh tể tướng mà quyền hành không khác gì Tể tướng”, để quyền lực tập trung cao nhất vào tay nhà vua.

Công cuộc cải cách khối văn phòng của Minh Mệnh, lập ra Nội Các đã góp một phần không nhỏ vào việc hoàn thiện bộ máy nhà nước, củng cố chế độ Trung ương tập quyền, tập trung mọi quyền lực vào tay hoàng đế.

Hạn chế

Minh Mệnh muốn triệt để tập trung mọi quyền lực vào tay Hoàng đế nên dễ dẫn tới hệ quả càng ngày càng lún sâu vào tình trạng chuyên chế cực đoan và quan liêu cao độ. Khi đó, Hoàng đế nắm hết mọi quyền quyết định quốc gia đại sự thì tất yễu nảy sinh: Nếu may mà gặp được”Minh quân” thì còn khả thủ, nếu chẳng may sinh ra một hôn quân thì tai họa sẽ ập tới.

KẾT LUẬN

Nội Các của triều đình Huế chỉ là một văn phòng trung ương nhưng lại khống chế được 6 bộ bằng quyền lực và chức năng của nó dù phẩm trật có thấp hơn. Với chức năng đó, Nội Các triều đình Huế đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà triều Nguyễn đã đặt ra, là một thành công của Minh Mệnh trong cuộc cải cách hành chính thế kỷ XIX, đảm bảo được tính hiệu năng và tính an toàn cho chế độ.

Những cải cách trong thời đại Minh Mệnh trị vì được các nhà nghiên cứu lịch sử so sánh với cải cách của vua Lê Thánh Tông năm 1471 và đánh giá là một trong hai cuộc cải cách có quy mô lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.


Trên đây là những tim tòi, phân tích của chúng em với bài tập nhóm lần 2,tuy vậy vẫn không tránh khỏi thiếu sót, chúng em rất mong được sự đóng góp của thầy cô và các bạn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!

No comments:

Post a Comment