Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.
MỞ BÀI
Vị trí, vai trò của vương triều Nguyễn trong lịch sử đã và đang là nội dung khoa học quan trọng, có nhiều ý nghĩa với hiện tại nên được nhiều giới khoa học trong cả nước quan tâm nghiên cứu trên các lĩnh vực lịch sử, hành chính và pháp chế. Hàng loạt những vấn đề về vương triều Nguyễn trên các lĩnh vực cần được nghiên cứu lý giải trên cơ sở khoa học. Trong đó vấn đề tổ chức bộ máy nhà nước, mà quan trọng là cuộc cải cách hành chính duới triều Minh Mạng được mọi người đặc biệt quan tâm. Minh Mạng là một ông vua triều Nguyễn đã có nhiều đóng góp trong việc cải cách hành chính, những cải cách hành chính của ông đến hôm nay vẫn là những bài học quý giá đối với chúng ta. Một trong những cải cách quan trọng của Minh Mạng là cải cách ở Lục bộ - cơ quan chức năng cao cấp trong triều đình phong kiến Việt Nam.
NỘI DUNG
I.VÀI NÉT SƠ LƯỢC
1.Giới thiệu về vua Minh Mạng
Trong tiến trình lịch sử của chế độ quân chủ Việt Nam, triều Minh Mệnh được các nhà sử học ghi nhận là triều đại đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác hành chính và sử dụng quan lại. Minh Mệnh (1791-1841), tên húy là Phúc Đảm, còn có tên là Hiệu, con trai thứ của Gia Long, em cùng cha khác mẹ với hoàng tử Phúc Cảnh. Là một vị vua thông minh, có tư tưởng độc tôn Nho giáo, Nho học, đề cao Pháp trị. Như chúng ta đã biết, Gia Long đã từ chối việc truyền ngôi theo dòng trưởng, tức hoàng tôn Nguyễn Phúc Đán, con trai hoàng tử Cảnh mà đã chọn Minh Mệnh, điều đó cho thấy Minh Mệnh là một người có tài đức, người mà Gia Long đã tin tưởng sẽ đưa đất nước Đại Việt phát triển hùng mạnh.
2.Nguyên nhân dẫn đến cải cách Lục Bộ dưới triều Minh Mạng
Thứ nhất, phân cấp hành chính vẫn giữ cơ chế dưới trung ương là cấp thành, trấn, doanh. Hai thành vẫn còn tồn tại là Bắc Thành và Gia Định Thành. Bắc Thành và Gia Định Thành do hai vị tổng trấn đứng đầu, quyền hạn rất lớn . Tình trạng đó thường xuyên dẫn đến lạm quyền, lộng quyền. Với bộ máy quản lý hành chính như vậy đã cản trở rất lớn đến ý đồ của Minh Mạng trong việc xây dựng một bộ máy quan liêu chuyên chế tập trung quyền lực về trung ương. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát giữa các cơ quan trong Triều đình và giữa Triều đình trung ương với các quan lại tại địa phương thường xuyên bị gián đoạn vì thiếu cơ quan giám sát chuyên trách
Thứ hai, sự khủng hoảng về kinh tế phong kiến lạc hậu. Nó kìm hãm sự phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ đã khởi sắc từ cuối thời Trần được đẩy mạnh thời Lê sơ, lại được tiếp xúc với thị trường Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh được phát triển ở thời đại Tây Sơn ngắn ngủi nay thì bị trì trệ. Khủng hoảng kinh tế lâu dài dẫn đến khủng hoảng kinh tế xã hội, biểu hiện ở nội chiến liên miên, triều đình không ổn định, ngoại xâm phá hoại. Nhà Tây Sơn lên trị vì được 14 năm, chưa ổn định được vương triều, chưa giải quyết được khủng hoảng đã bị sụp đổ.
Thứ ba, lãnh thổ dưới thời Minh Mạng rộng lớn hơn thời Lê, thống nhất đất nước từ Nam Quan đến mũi Cà Mau. Giữa các vùng miền trên đất nước có sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính trị. Vì vậy, cần phải tập trung quyền lực vào tay vua để có thể quản lý nhà nước được thống nhất.
II.NỘI DUNG CẢI CÁCH Ở LỤC BỘ
1.Chức năng, nhiệm vụ của Lục bộ
Lục bộ là 1 thiết chế quyền lực được phỏng theo mô hình bộ máy nhà nước thời Đường, đã được hoàn thiện dưới thời Lê Thánh Tông và được Gia Long kế tục. Tuy nhiên đến Minh Mệnh thì chức năng, nhiệm vụ của Lục bộ có được quy định lại chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn.
Bộ Lại: giữ việc bổ dụng thuyên chuyển các quan văn, kỷ lục công tranh, thăng thưởng phẩm trật và quan hàm…
Bộ Hộ: trông coi đinh điền, thuế khóa, giá cả, tiền tệ, hàng hóa, kho tang…
Bộ Lễ: phụ trách về triều hội, tế lễ, khánh hạ, việc tuần du cảu vua, bang giao, phủ dụ các nước nhỏ, giáo dục và khoa cử…
Bộ Binh: coi việc tuyển mộ binh lính, huấn luyện binh sĩ, thuyên bổ võ quan, điều quân, lập đồn, tra xét công tội, lập sổ quân bạ.
Bộ Hình: phụ trách về pháp luật, hình án, xét xử các trọng tội, phúc thẩm nghi án, chế độ lao tù.
Bộ công: trông coi việc thiết kiến, xây dựng công sở, thành trì, lâu đài, cầu cống, tàu thuyền, công xưởng thủ công.
Như vậy, trong 6 bộ, Bộ Lại là quan trọng nhất phụ trách quan lại, nội chính. Bộ Hộ phụ trách về kinh tế, tài chính. Bộ Lễ phụ trách về văn hóa, giáo dục, ngoại giao. Bộ Binh phụ trách về quân đội, quốc phòng. Bộ Hình phụ trách về pháp luật, hình án. Bộ Công phụ trách về xây dựng.
2.Tổ chức của Lục bộ
So sánh với các triều đại trước thì Lục bộ thời Minh Mệnh có tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn. Mỗi Bộ đều có văn phòng Bộ và các Ty trực thuộc là Thanh lại Ty và các cơ quan ngoại thuộc.
Văn phòng bộ: gồm có Ấn Ty và các Trực Xứ. Ấn Ty phụ trách công việc giữ gìn ấn triện, tiếp nhận chương sớ, công văn các địa phương gửi đến để chuyển giao cho các Ty thực hiện. Trực Xứ chủ yếu là giao thiệp với văn phòng của Hoàng đế, tập trung các Phiếu nghĩ, chương sớ, sổ sách đệ trình lên nhà vua duyệt lại. Sauk hi Hoàng Đế xem xong trả lại hồ sơ Trực Xứ sao chép chỉ ngữ của vua, đóng ấn vàng để thi hành.
Các Ty trực thuộc: mỗi Bộ có từ 3 đến 5 Thanh lạiTy phụ trách chuyên môn. Ví dụ: Bộ Lại có 4 Thanh lại Ty: Kiểm Biên Ty, Văn Tuyển Ty, Trừng Tự Ty, Phong Điển Ty.
Các cơ quan ngoại thuộc Bộ: trường hợp đặc biệt, một số Ty, Phủ, Tự được tách ra khỏi Bộ hoạt động độc lập. Các cơ quan này vẫn được đặt dưới sự điều khiển và kiểm soát của các vị Thượng thư. Các cơ quan ngoại thuộc Bộ có thẩm quyền riêng về một lĩnh vực mà các cơ quan khác không có thẩm quyền can thiệp.
Vị trí, thẩm quyền: nếu dưới thời Lê Thánh Tông, Lục bộ được đặt trực tiếp dưới sự quản lí của nhà vua thì sau cải cách của Minh Mệnh, giữa Lục bộ và vua hình thành một cấp trung gian đó là Nội các (trên cơ sở của Tam nội viện) để tổng hợp các tấu sớ rồi mới gửi lên vua. Bên cạnh đó, Minh Mệnh còn hợp nhất Lục khoa với Giám sát ngự sự thành Đô sát viện, đặt ra chức quan Đô ngự sử ngang hàng với Thượng thư để nâng cao khả năng giám sát, kiềm chế Lục bộ của Lục khoa, bởi lẽ chức quan Đô cấp sự trung trước đây mới chỉ đạt đến Chánh tòng thất phẩm.
Xét về thẩm quyền thì Lục bộ không chỉ là cơ quan thực hành mà còn là cơ quan tư vấn dưới hình thức các phiếu nghĩ để trình lên cho Hoàng đế xem xét phê chuẩn hoặc không phê chuẩn.
Phương pháp điều hành của Lục bộ: các quan chức cũng như lại viên đều phải biết công việc của Bộ. Công vụ được đưa ra bàn bạc, thảo luận, năm chức danh lãnh đạo bộ có quyền luận bàn ngang nhau, không có cá nhân nào được toàn quyền quyết định công việc. Bộ không áp dụng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, ý kiến thiểu số vẫn được quyền bảo lưu, cho làm tờ riêng tấu trình lên Hoàng đế quyết định. Nói chung, phương thức vận hành có tính chất giản dị, nhanh chóng, mối quan hệ trong Lục bộ chặt chẽ thống nhất, mọi công việc đều được đưa ra thảo luận, ý kiến đa số và thiểu số đều được tôn trọng. Để xác định rõ trách nhiệm của quan lại các Bộ và tránh sai lầm khi dự thảo Phiếu nghĩ, nhà vua quy định trong Đạo dụ Minh Mệnh năm thứ 12 (1831): các vị đường quan nào đã lập ra Phiếu nghĩ phải ghi rõ họ tên của mình ở dưới, các Thư lại thì ghi tên họ ở một bên.
3.Quan lại trong Lục bộ
Năm 1804, Gia Long vân theo chế độ danh chức, phẩm trật Lục bộ là Thượng thư, Tham tri, Thiêm sự, Câu kê, Cai hợp, Thủ hợp. Từ năm 1827 thành phần quan lại Lục bộ đã được Minh Mệnh quy chuẩn. Thành phần quna lại trong các bộ như sau: Thượng thư, Tham tri, Thị lang, Lang trung, Viên ngoại lang, Chủ sự, Tư vụ và Thư lại. Ban lãnh đạo Bộ gồm có 5 quan chức, đứng đầu là Thượng thư, 2 Tham tri (tả và hữu), 2 Thị lang (tả và hữu). Đó là những người học cao, đức trọng, có năng lức chính trị để đảm nhận công vụ và có uy tín trong hàng ngũ quan chức của Triều đình, được vua tín dụng.
Số lượng quan lại các Bộ thời Minh Mệnh là: Bộ Binh 103, Bộ Hộ 102, Bộ Lại 79, Bộ Lễ 77, Bộ Công 77, Bộ Hình 73. Quan lại Bộ Hình giảm hơn so với thời Lê Thánh Tông (tổng số quan lại có khoảng 190 người) bởi một số nhiệm vụ đã được chuyển giao cho Tam pháp Ty.
4.Đánh giá cải cách Lục Bộ thời Minh Mệnh.
Cơ chế Lục Bộ ở Việt Nam ra đời từ thời Lê Nghi Dân (1459) và đã phát huy tác dụng tốt trong việc điều hành bộ máy chính quyền trung ương dưới thời Lê Thánh Tông và dưới thời Lê Trung Hưng ở Đàng Ngoài. Dưới Triều Chúa Nguyễn Phúc Khoát, ở Đàng Trong và Vương triều Tây Sơn cũng thành lập Lục Bộ để đảm nhiệm công việc của triều đình trung ương. Kế thừa và rút kinh nghiệm tổ chức Lục Bộ của các triều đại trước đó Triều Minh Mạng đã có nhiều cải tiến để hoàn thiện bộ máy hoạt động của cơ quan Lục Bộ.
Về tổ chức bộ máy điều hành, Minh Mạng đã đặt ra chức Tham tri (tả và hữu) với trật Tòng nhị phẩm đứng vị trí thức hai sau Thượng thư làm thường trực của bộ, tăng cường lãnh đạo bộ từ 3 người lên 5 người nhằm phát huy trí tuệ và hạn chế sự độc quyền của Thượng thư. Đây là một sáng tạo của triều Minh Mạng, ở các triều đại trước và cơ chế Lục Bộ Trung Quốc cũng chỉ có người ở cương vị lãnh đạo là Thượng Thư và Thị Lang mà thôi.
Triều Nguyễn đã có sự sáng tạo trong việc đặt ra nhiều Thanh lại Ty hơn để theo dõi, điều hành nhất là hoạt động của các bộ trong sự phân công đối với các khu vực của đất nước.
Điểm tiến bộ tiếp theo đó là, trong ban lãnh đạo bộ, một khi bàn bạc, tranh luận không lấy nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, mà mọi người đều có quyền nêu ý kiến và bảo lưu ý kiến của mình bị phủ quyết, nhưng phải làm rõ tờ trình, đứng tên, đóng triện riêng để trình lên Hoàng Đế. Các thuộc viên không bắt buộc phải chấp hành hoặc phục tùng cấp trên khi thấy cấp trên có sai lầm, thì phải tờ trình công khai nêu ý kiến trình lên Hoàng Đế, nếu không sẽ bị ghép tội tòng phạm với trưởng quan nếu như tội bị phát giác. Với quy định như trên, giúp cho các quan phát huy được sự sang tạo, tinh thân trách nhiệm khi làm việc, hạn chế sự lộng quyền của quan lớn.
Về bộ Lễ, khi cải cách và hoàn thiện Minh Mạng có phỏng theo điển chế của triều Minh. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế Việt Nam, các làng xã từ Bắc chí Nam lấy việc thờ cúng thành hoàng, các vị anh hùng dân tộc như một tín ngưỡng, Minh Mạng đã đặt thêm Ty Tân Hưng để chuyên trách việc phong tặng các thần và loại bỏ Ty Tịnh thiện ra khỏi bộ Lễ. Còn nếu so với sự thiết đặt các Ty của Bộ Lễ dưới triều Lê Thánh Tông thì bộ Lễ triều Minh Mạng đặt thêm nhiều ty hơn: thời Lê Thánh Tông chỉ có một Nghi chế Thanh lại Ty; còn thời Minh Mệnh, Bộ Lễ có đến 4 Thanh lại Ty: Nghi Văn Ty, Nhân Tự Ty, Tân Hưng Ty và Thù Ứng Ty. Điều này không chỉ đối với riêng bộ Lễ mà với các Bộ Lại, Hộ, Binh, Hình, Công cũng vậy, các Ty của Lục Bộ triều Minh Mạng thường nhiều hơn dưới triều Lê Thánh Tông
Nguyên tắc “Lục Bộ tương thông” nhằm phối hợp điều hành công vụ hoặc trực ban tại triều, làm cho công việc của triều đình trở thành một chỉnh thể thống nhất và để tạo cho mỗi bộ giải quyết vụ việc được nhanh gọn, có hiệu quả, ít tốn nhân lực trong sự tương tác giữa các ngành, các cấp.
Tuy nhiên, mặc dù nắm quyền hành pháp nhưng các bộ thực chất là cơ quan chấp hành kiến nghị hoặc tư vấn cho hoàng đế mà thôi.
Tóm lại, cải cách Lục Bộ thời Minh Mạng là cuộc cải cách lớn, đã khống chế được sự lộng quyền, lạm quyền của các quan lại. Điều này đã góp phần khẳng định bộ máy nhà nước quân chủ quan liêu chuyên chế không cực đoan, nhưng cực quyền vào thời Minh Mạng.
KẾT BÀI
Cải cách Lục Bộ của triều Minh Mạng vừ kế thừa vừa sáng tạo, vừa uyển chuyển trong thực tiễn để đáp ứng yêu cầu công vụ theo từng giai đoạn của đất nước. Tổ chức và hoạt động của Lục Bộ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc điều hành đất nước và thế kỉ XIX thể hiện một năng lực quản lý và điều hành bộ máy chính quyền trương ương của triều Nguyễn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.
2.Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Trung tâm khoa học và xã hội và nhân văn Quốc gia, Viện sử học, Nguyễn Minh Tường chủ biên, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
3.Tổ chức bộ máy nhà nước dưới Triều Nguyễn giai đoạn 1802 -1884, Đỗ Bang chủ biên, Nxb.Thuận Hóa, Thuận Hóa, 1997.
4.Nhà nước và Pháp luật thời phong kiến Việt Nam những suy ngẫm, Bùi Xuân Đính, NXb.Tư pháp, Hà Nội, 2005.
No comments:
Post a Comment