29/09/2014
Nguyên tắc chiếu cố trong bộ Quốc triều hình luật
Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.

LỜI NÓI ĐẦU

Các văn bản pháp luật cổ Việt Nam thực sự là kho báu chứa đựng những giá trị văn minh của đất nước và con người Việt Nam. Một trong những bộ luật quan trọng thuộc pháp luật cổ Việt Nam là Quốc triều hình luật. Quốc triều hình luật là bộ luật xưa nhất còn lưu giữ được đầy đủ cho tới ngày nay. Quốc triều hình luật hay còn gọi là Luật hình triều Lê là một bộ luật hình chính thống và quan trọng nhất của triều đại nhà Lê nước ta (1428 – 1788). Bộ luật này trong dân gian nước ta có thời kì gọi theo cách giản lượclà Luật Hồng Đức.


Bộ Quốc triều hình luật là bộ luật tổng hợp, bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau: luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân và gia đình, luật hành chính…


Các bộ luật phong kiến không có chương điều riêng quy định các khái niệm, nguyên tắc pháp lý nhưng nội dung của bộ Quốc triều hình luật thể hiện một số nguyên tắc hình sự chủ yếu như vô luật bất hình, chiếu cố, chuộc tội bằng tiền, trách nhiệm hình sự…

Cách đây 2500 năm, Khổng Tử đã đề cập đến vấn đề con người. Học thuyết nhân của ông là học thuyết về con người. Khổng Tử là người đã rất chú trọng đến vai trò của con người. Đây là quan điểm hết sức tiến bộ. Như vậy, có thể thấy triết lý của phương Đông nói chung và triết lý của Việt Nam nói riêng là triết lý nhân sinh, là triết lý của chính trị đạo đức, mà hệ tư tưởng của Nho giáo là một trong những hệ tư tưởng tiêu biểu của Phương Đông. Mặc dù không tránh được những ảnh hưởng về giai cấp, nhưng tiến bộ hơn cả là những nhà làm luật triều Lê đã đưa ra nhiều qui định bảo vệ các lợi ích cơ bản của con người trong xã hội đặc biệt là tầng lớp dưới. Những qui định này giúp ta thấy rõ được tính xã hội sâu sắc của nhà nước phong kiến Việt Nam.

NỘI DUNG

I. Khái niệm chiếu cố

Chiếu cố là một trong những nguyên tắc hình sự của Quốc triều hình luật thể hiện ở các qui định phản ánh chính sách hình sự khoan hồng đối với người phạm tội.

II. Nguyên tắc chiếu cố

Nguyên tắc chiếu cố trong Quốc triều hình luật được thể hiện ở một số loại người được chiếu cố và nội dung chiếu cố.

1.Chiếu cố theo địa vị xã hội.

Chiếu cố theo địa vị xã hội thể hiện ở điều 3 của Quốc triều hình luật. Điều 3 quy định tám hạng người được nghị xét giảm tội (bát nghị), gồm:

Nghị thân, là họ tôn thất từ hàng đản miếu (họ hàng nhà vua trong 5 thế hệ) trở lên, họ hoàng thái hậu từ hàng phải để tang ty ma (hạng để tang 3 tháng), họ hoàng thái hậu từ tiểu công (hạng để tang 5 tháng trở lên).

Nghị cố, là những người cố cựu (chỉ những người cũ, đã theo giúp vua lâu ngày hoặc những người giúp vua từ triều trước).

Nghị hiền, là những người có đức hạng lớn.

Nghị năng, là những người có tài năng lớn.

Nghị công, là những người có công huân lớn.

Nghị quý, là những quan viên có chức sự từ tam phẩm trở lên, những quan viên tản chức (chức quan nhàn tản, như chức học quan, hàn lâm) có tước từ nhị phẩm trở lên.

Nghị cần, là những người cần cù chăm chỉ.

Nghị tân, là con cháu các triều vua trước.

Đối tượng được nghị xét giảm tội ở đây là những người có địa vị xã hội cao quý như họ hàng của nhà vua, hoàng thái hậu (nghị thân, nghị tân); những người thân cận vua, được nhà vua tin cậy (nghị cố); những người có đức, có tài, có công được nhà vua trọng dụng (nghị hiền, nghị năng, nghị công); những viên quan có chức cao ( nghị quý)…

- Nội dung của nguyên tắc chiếu cố theo địa vị xã hội thể hiện cụ thể qua:

+ Điều 4 xử người bát nghị phạm tội:

Phàm những người thuộc vào tám điều bát nghị xét giảm tội trên này mà phạm vào tử tội thì các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử thế nào, làm thành bản tâu dâng lên vua để xét định. Từ tội lưu trở xuống thì được giảm một bậc, nếu phạm tội thập ác thì không theo luật này.

Theo đó, những người thuộc diện Bát nghị, trừ khi phạm tôi thập ác, còn nếu phạm vào tử tội thì các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử thế nào, làm thành bản tấu dâng lên vua để vua quyết định, nếu phạm từ tội lưu trở xuống thì được giảm một bậc. Trước khi giảm tội cho người thuộc vào tám điều nghị xét cần khai rõ tội trạng và hình phạt để dâng vua. Sau đó, nhà vua sẽ căn cứ vào tội trạng để quyết định giảm tội như thế nào. Như vậy,trình tự xem xét để giảm tội cho người phạm tội ở đây tuân theo một trình tự chặt chẽ, từ tập hợp đến thống nhất.

+ Điều 8 Tội phạm được hưởng nhiều luật miễn giảm:

Một người phạm tội mà được hưởng nhiều điều luật được giảm thì chỉ được giảm theo luật nào giảm nhiều nhất chứ không được giảm cả.

Đối tượng nghị giảm không được giảm hết tội mà căn cứ vào tội trạng để quyết định mức giảm nhiều hay ít cho phù hợp và đảm bảo người phạm tội vẫn phải chịu phạt, phạt đúng người đúng tội.

+ Điều 10 miễn lao dịch cho cựu thần công huân phạm tội:

Những phạm nhân phải đưa đến nơi đồ lưu nếu là bậc cựu thần có công huân (như những người trước sau ở núi Chí Linh mà chưa từng bỏ chốn) từ ngũ phẩm trở lên thì được miễn đi phục dịch, ngoài ra không cho ai được như thế.

Luật này quy định chế độ miễn giảm cho những người từng có công, trung thành với đất nước. Như vậy, nhà nước có nhiều ưu tiên cho họ nhằm khuyến khích những thế hệ về sau lập nhiều chiến công góp phần xây dựng đất nước.

Nguyên tắc chiếu cố theo địa vị xã hội trong Quốc triều hình luật thể hiện chế độ ưu tiên cho một số nhóm đối tượng nhất định, với chế độ miễn giảm nhất định. Nguyên tắc này thể hiện bản chất giai cấp của Bộ Quốc triều hình luật.

2.Chiếu cố theo tuổi tác, người tàn tật, phụ nữ

Tư tưởng nhân đạo thể hiện trong Quốc Triều Hình Luật trước tiên ở các qui định phản ánh chính sách hình sự khoan hồng đối với người phạm tội là người già, người tàn tật và trẻ em cũng như đối với người phạm tội tuy chưa bị phát giác đã tự thú. Nội dung này thể hiện qua:

Điều 16 quy định tội nhân cao tuổi hoặc vị thành niên cho chuộc tội bằng tiền:

Những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống cùng những người bị phế tật, phạm từ tội lưu trở xuống đều cho chuộc tội bằng tiền, phạm tội thập ác thì không theo luật này. Từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống cùng những người bị ác tật phạm tội phản nghịch, giết người đáng phải tội chết thì cũng phải tâu để vua xét định, ăn trộm và đánh người bị thương thì cho chuộc còn ngoài ra thì không bắt tội. Tù 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống dầu có bị tội chết cũng không hình thành, nếu có kẻ nào xui xiểm thì bắt tội kẻ xui xiểm, nếu ăn trộm có tang vật thì thì kẻ nào chứa chấp tang vật ấy phải bồi thường. Nếu ai xét ra tình trạng đáng thương, hay tài năng đáng tiếc thì đặc cách cho khỏi phải thích mặt.

Điều 17 quy định lúc phạm tội còn trẻ chưa tàn tật:

Khi phạm tội chưa già cả tàn tật, đến khi già cả tàn tật việc mới phát giác thì xử tội theo luật già cả tàn tật. Khi ở nơi bị đồ mà già cả tàn tật thì cũng thế. Khi còn bé nhỏ phạm tội đến khi lớn mới bị phát giác thì xử tội theo luật khi còn nhỏ.

Người cao tuổi, người vị thành niên và người bị phế tật là những đối tượng có sức khỏe yếu ớt, không thể chịu được những hình phạt về thân thể nên luật đã quy định những sự ưu tiên cho những tội nhân cao tuổi hoặc vị thành niên bằng cách cho chuộc tội bằng tiền để họ không phải chịu những hình phạt về thể xác. Và luật này cũng có chế độ khoan hồng cho người phạm tội đó là áp dụng hình phạt lúc phát giác chứ không áp dụng lúc phạm tội. Như vậy, nhà nước không chỉ áp dụng chế độ khoan hồng cho những người từng có địa vị trong xã hội mà áp dụng cho tất cả mọi người. Điều này thể hiện sự công bằng của nhà nước thời Lê.

Những nhà nước khác thường có những quy định chỉ bảo vệ lợi ích cho người đàn ông mà không hề quan tâm đến người phụ nữ. Nhưng trong Quốc triều hình luật lại có những quy định khá rõ ràng nhằm thể hiện sự khoan hồng, chính sách nhân đạo của nhà nước đối với người phụ nữ. Nội dung này được thể hiện trong:

+ Điều 1: Khi phạm nhân tội đồ hoặc lưu, nam phạm nhân bao giờ cũng bị đánh thêm trượng, còn nữ phạm nhân chỉ bị chịu tội roi. Qui định này được đánh giá rất cao về sự tiến bộ của nó, nếu đặt nó trong mối liên hệ với quan niệm phong kiến (chịu ảnh hưởng lớn của tưởng Nho giáo) về địa vị thấp kém của người phụ nữ so với người chồng trong gia đình.

Tính nhân đạo còn được thể hiện ở chỗ cho phép hoãn hình phạt đối với phụ nữ đang có thai và 100 ngày sau khi sinh con qua điều 680 của bộ luật:

“Đàn bà phải tội tử hình trở xuống nếu đang có thai thì phải để sinh đẻ sau 100 ngày mới đem hành hình. Nếu chưa sinh mà đem hành hình thì ngục quan bị xử biếm hai tư, ngục lại bị đồ làm bản cục đinh. Dù đã sinh rồi nhưng chưa đủ hạn 100 ngày mà hành hình thì ngục quan và ngục lại đều bị tội nhẹ hơn tội trên hai bậc. Nếu đủ hạn 100 ngày mà không đem hành hình thì ngục quan và ngục lại bị tội biếm hay tội phạt. Nếu khi chưa sinh mà thi hành tội xuy thì ngục quan bị phạt 20 quan, ngục lại bị phạt tội 80 trượng. Nếu vì đánh roi mà xảy ra trọng thương hay bị chết thì khép vào tội lầm lỡ giết người hay làm bị thương. Sau khi đẻ chưa đủ 100 ngày mà đem thi hành xuy hình thì chiếu theo tội lúc chưa sinh mà giảm cho một bậc.”

Sự chiếu cố đối với phụ nữ không chỉ thể hiện sự ưu tiên cho phụ nữ mà còn thể hiện sự áp dụng hình phạt đúng thời hạn, quy định đã định ra từ trước.

Như vậy, nguyên tắc chiếu cố đối với người già, trẻ em, người tàn tật và phụ nữ biểu hiện tính nhân đạo của nhà làm luật thời đó.

KẾT LUẬN

Qua tìm hiểu về nguyên tắc chiếu cố trong bộ Quốc triều hình luật của triều đại nhà Lê ta có thể nhận biết được những chế độ ưu tiên của nhà nước đối với từng nhóm người phạm tội và chính sách nhân đạo của nhà làm luật đối với nhân dân. Bộ luật đã thể hiện được đặc trưng văn hoá của dân tộc, nhiều qui định trong Bộ luật thể hiện tính sáng tạo cao của nhà làm luật.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an Nhân dân, 2009.

2. Bộ Quốc triều hình luật (luật hình triều Lê) của Viên Sử học Việt Nam, NXB Pháp lý, 1991.

3.Trang web:

- Luật Hồng Đức – Wikipedia tiếng việt

vi.wikipedia.org/wiki/Luật_Hồng_Đức

- Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức)


luathoc5c.net/viewtopic

No comments:

Post a Comment