29/09/2014
Đánh giá về nguyên tắc chiếu cố trong bộ Quốc triều hình luật (8 điểm)
Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.

Được xem là bộ luật tiêu biểu cho hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam, Quốc triều hình luật (thường gọi là bộ luật Hồng Đức) là đỉnh cao cho trình độ lập pháp của các nhà làm luật thời hậu Lê. Quốc triều hình luật gồm 13 chương, được ghi chép trong 6 quyển với 722 điều đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố nội sinh và những yếu tố ngoại sinh, giữa luật tục cổ truyền và luật hướng Nho. Trong đó nguyên tắc chiếu cố đã trở thành một nguyên tắc nổi bật nhất, thể hiện những nét tiến bộ của luật pháp triều Lê. Vì vậy, trong bài tập lớn học kỳ, em đã lựa chọn đề tài: “ Đánh giá về nguyên tắc chiếu cố trong bộ Quốc triều hình luật” để nhìn nhận một trong những nguyên tắc rất tiến bộ và độc đáo của Bộ luật này.


B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

Nguyên tắc chiếu cố và những quy định về nguyên tắc trong bộ Quốc triều hình luật.

Theo nguyên tắc này, những người phạm tội được giảm hình phạt bị áp dụng hình phạt lưu trở xuống sẽ được giảm hình phạt một bậc. Nếu người phạm tội bị hình phạt tử hình, quan xét xử phải khai rõ tội trạng dâng lên để vua trực tiếp quyết định hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, nguyên tắc này sẽ không được áp dụng đối với những người phạm tội thập ác. Tội thập ác là mười trọng tội rất nguy hiểm, bao gồm các tội xâm phạm việc bảo vệ vương quyền (mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, đại bất kính), các tội xâm phạm việc bảo vệ quan hệ hôn nhân gia đình phong kiến (ác nghịch, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn), tội xâm phạm nghiêm trọng đạo đức, dã man tàn ác (bất đạo) nên không áp dụng nguyên tắc chiếu cố. Những người được xét giảm phải thuộc trường hợp bát nghị. Đây là một trong những điểm tiến bộ, thực chất là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quan điểm của luật hình sự hiện đại. Nguyên tắc này được thể hiện ở một số loại người được chiếu cố và nội dung chiếu cố.

1. Sự chiếu cố theo địa vị xã hội.

Điều 3 Quốc triều hình luật quy định tám hạng người được nghị xét giảm tội (bát nghị), gồm:

Nghị thân: là họ tôn thất từ hàng đản miếu (họ hàng nhà vua trong 5 thế hệ)trở lên, họ hoàng thái hậu từ hàng phải để tang ti ma(hạng để tang 3 tháng), họ hoàng thái hậu từ tiểu công (hạng để tang 5 tháng trở lên).

Nghị cố: là những người cố cựu (chỉ những người cũ, đã theo giúp vua lâu ngày hoặc những người giúp vua từ triều trước).

Nghị hiền: là những người có đức hạnh lớn.

Nghị năng: là những người có tài năng lớn.

Nghị công: là những người có công huân lớn.

Nghị quý: là những quan viên có chức từ tam phẩm trở lên, những quan viên tản chức( chức quan nhàn tản, như chức học quan, hàn lâm) có tước từ nhị phẩm trở lên.

Nghị cần: là những người cần cù, chăm chỉ.

Nghị tân: là con cháu các triều vua trước.

Nội dung nghị giảm được quy định cụ thể ở các điều 4, 5, 8 và 10. Theo đó, những người thuộc diện Bát nghị, trừ trường hợp phạm tội thập ác, còn nếu phạm vào tội tử thì các quan nghị án phải khai rõ tội trạng và hình phạt nên xử thế nào, làm thành bản tấu dâng lên vua quyết định, nếu phạm tội lưu trở xuống thì được giảm một bậc, những người thuộc nghị thân được miễn tội đánh roi, đánh trượng, thích chữ vào mặt (riêng họ hoàng hậu thì phải dùng tiền để chuộc). Nếu người phạm tội mà được hưởng nhiều bậc nghị giảm thì chỉ được giảm theo bậc nhiều nhất chứ không được giảm cả. Bát nghị là chế định của luật pháp Trung Hoa, ở Đại Việt theo như các văn bản cổ hiện hành thì được áp dụng lần đầu tiên vào Bộ luật của triều Lê.

Chiếu cố theo tuổi tác và đối với người tàn tật, phụ nữ, trẻ em.

Điều luật đầu tiên đề cập đến vấn đề này là điều 16, theo đó những người phạm tội từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và những kẻ phế tật (tức những kẻ si, câm, cơ thể què quặt, gẫy tay chân) phạm tội lưu, đồ trở xuống được chuộc bằng tiền… Từ 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và những kẻ bệnh nặng (là những ác tật như điên cuồng, tay chân bại liệt, mù hai mắt) phạm tội phản nghịch, giết người, đáng lẽ phải xử tử thì trong trường hợp này phải tâu lên để vua quyết định. Những người này phạm tội trộm, đánh người bị thương thì cũng cho chuộc tội; 90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dầu bị tội chết cũng không hành hình, nếu có kẻ nào xui xiểm thì bắt tội kẻ đó, nếu ăn trộm có tang vật thì kẻ nào chứa chấp tang vật đấy phải bồi thường. Ngoài ra, trong xử lý tội phạm, bộ luật Hồng Đức còn lưu ý đến thời điểm phạm tội sao cho có lợi cho tội nhân khi áp dụng luật, cụ thể Điều 17 quy định: “khi phạm tội chưa già, tàn tật. Khi già, tàn tật mới phát giác tội thì xử tội theo luật già, tàn tật…Khi còn nhỏ mà phạm tội, khi lớn mới phát giác tội thì xử tội theo luật tuổi nhỏ” (điều 17).

Qua các quy định trên cho thấy Quốc triều hình luật đã thể hiện chính sách hình sự đặc biệt nhân đạo đối với những người phạm tội là người già và trẻ em, người bị tàn tật, miễn cho họ phải chịu hình phạt tàn ác bằng cách cho họ được chuộc tội bằng tiền hoặc tha tội nếu họ không phạm vào tội thập ác, tội phản nghịch hay tội giết người với hình phạt quy định là tử hình.

Ở một số điều luật quy định về loại, mức hình phạt áp dụng cho người phạm tội là phụ nữ và điều kiện thi hành hình phạt đối với phụ nữ có thai cũng phản ánh tính nhân đạo. Về các quy định này có thể nêu quy định như không áp dụng hình phạt đánh gậy đối với đàn bà phạm tội hoặc quy định trong cùng một bậc hình phạt khổ sai đàn bã phải chịu hình phạt kèm theo nhẹ hơn. Đơn cử như ở Điều 1 quy định trượng hình chỉ đàn ông chịu, kèm theo làm tượng phường binh đàn ông bị đánh 80 trượng, thích vào cổ 2 chữ, kèm theo làm xuy thất tì đàn bà bị đánh 50 roi, thích vào cổ 2 chữ. Quy định này được xem là khá tiến bộ nếu xem xét, nhìn nhận nó trong mối liên hệ với quan niệm phong kiến về địa vị thấp kém của người phụ nữ so với người chồng trong gia đình. Đặc biệt với quy định tại điều 680 cho phép hoãn thi hành hình phạt (tất cả hình phạt từ tử hình trở xuống) đối với phụ nữ đang có thai và trong vòng 100 ngày sau khi sinh con đặc biệt thể hiện tính nhân đạo tiến bộ.

II. Đánh giá về nguyên tắc chiếu cố trong Quốc triều hình luật.

Ưu điểm.

Mặc dù mang bản chất giai cấp phong kiến nhưng bộ luật Hồng Đức lại chứa đựng nhiều yếu tố tiến bộ với những quy phạm bảo vệ quyền lợi của người dân, của tầng lớp dưới, của nô tì, người cô quả, tàn tật … Điều này được thể hiện trong quy định của bộ luật tập trung bảo vệ người dân chống lại sự ức hiếp, sách nhiễu của cường hào, quan lại. Đặc biệt bộ luật Hồng Đức còn có một số quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, điều đó phản ánh truyền thống nhân đạo, truyền thống tôn trọng phụ nữ, tư tưởng “lấy dân làm gốc”, lấy làng xã làm nền tảng của quốc gia… Tính dân tộc thể hiện đậm nét trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu pháp luật của các triều đại trước, kết hợp với những ưu điểm của pháp luật phong kiến Trung Hoa để xây dựng lên một bộ luật phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ngày nay, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật, người già yếu… được xếp vào nhóm “đối tượng dễ bị tổn thương” cần có sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng thì hơn 500 năm trước, trong bộ luật Hồng Đức đã có những quy định về trách nhiệm của xã hội, nhất là của quan chức đối với nhóm người này. Đây là một điểm ít thấy trong pháp luật phong kiến Việt Nam. Như vậy, nguyên tắc chiếu cố theo tuổi tác và đối với người tàn tật, phụ nữ, trẻ em trong Quốc triều hình luật là một trong những nguyên tắc tiến bộ nhất thời Hậu Lê, thể hiện sự nhân đạo của giai cấp thống trị.

2. Nhược điểm.

Pháp luật là một bộ phận thuộc kiến trúc thường tầng của xã hội. Các bộ luật của nhà nước phong kiến ra đời trên cơ sở kinh tế và kết cấu giai tầng của xã hội này. Vì thế, là công cụ trong tay giai cấp phong kiến thống trị, pháp luật là ý chí của giai cấp địa chủ phong kiến được nâng lên thành luật pháp mà nội dung của ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp phong kiến. Pháp luật phong kiến là phương kiến. “Quốc triều hình luật” là một bộ luật phong kiến nên nó cũng mang bản chất của pháp luật phong kiến. Điều hiển nhiên nó là một bộ luật bảo vệ chế độ phong kiến. Chính vì vậy mà trong Quốc triều hình luật tồn tại nguyên tắc chiếu cố theo địa vị xã hội. Đây cũng là điểm hạn chế trong Quốc triều hình luật vì nó đã đặt địa vị xã hội của người phạm tội làm cơ sở để xác tiện để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến mà trước hết là quan hệ sản xuất phong định hình phạt.

C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ.

Như vậy, có thể nói, bộ Luật Hồng Đức không chỉ nhằm bảo vệ địa vị và quyền lợi của nhà vua, giai cấp phong kiến thống trị, mà còn thừa nhận và bảo vệ những quyền cơ bản nhất của con người, mọi người. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định không thể tránh khỏi, nhưng căn cứ vào nội dung, tính chất khi đề cập đến quyền con người, có thể khẳng định rằng, bộ Luật Hồng Đức đã để lại nhiều giá trị và ý nghĩa tiến bộ, tích cực. Đặc biệt, nó có ý nghĩa, giá trị to lớn và là một trong những kinh nghiệm quý báu không chỉ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; trong việc hoàn thiện và chỉ đạo việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về con người, quyền con người, mà còn trong việc bổ sung, hoàn thiện và cụ thể hoá nhiều đạo luật, văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay.

D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường đại học Luật Hà Nội, “Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam”, Nxb CAND 2012.

www.baomoi.com/Tinh-nhan-dao-va-tien-bo-cua-Bo-luat-Hong-Duc/58/4660236.epi

3. http://huc.edu.vn/vi/spct/id75/QUOC-TRIEU-HINH-LUAT-DINH-CAO-CUA-THANH-TUU-LUAT-PHAP-VIIET-NAM-THOI-PHONG-KIEN/

No comments:

Post a Comment