LỜI MỞ ĐẦU
Trong Bộ luật dân sự nước ta cũng như nhiều Bộ luật dân sự của các nước trên thế giới , các quy định về thừa kế giữ vai trò quan trọng, nó thường được cấu thành thành một cơ cấu riêng. Trong giao lưu dân sự, vấn đề thừa kế càng có ý nghĩa quan trọng , đặc biệt là khi cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường , tài sản của thành viên trong xã hội cũng được tăng lên đáng kể cả về số lượng và giá trị của nó. Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật là hai hình thức đặc trưng cho hai loại thừa kế khác nhau. Dù ở hình thức nào thì việc xác định khối di sản thừa kế và phân chia di sản là một trong những yếu tố pháp lí hết sức quan trọng. Có thể nói : “ di sản thừa kế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong các án kiện và thừa kế. Phân chia di sản thừa kế là vô cùng phức tạp và có rất nhiều tình huống xảy ra. Để tìm hiểu kĩ hơn về vấn đề phân chia di sản trong tình huống đặt ra là có người thừa kế mới xuất hiện, em xin được chọn đề tài : “ Phân chia di sản trong trường hợp có thừa kế mới”.
Do kiến thức còn nhiều hạn hẹp nên bài làm còn nhiều thiếu xót, em kính mong các thầy cô bỏ qua và góp ý để bài làm của em tốt hơn.
NỘI DUNG
I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ
1. Khái niệm về di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế
Khái niệm di sản thừa kế
Từ xa xưa người Việt Nam đã biết dành dụm, chắt chiu cho các thế hệ sau. Để nói về những gì đời trước, người trước để lại cho đời sau, người sau, người ta dung thuật ngữ di sản.
Di sản là toàn bộ tài sản có giá trị vật chất hoặc giá trị tinh thần cùng với các nghĩa vụ về tài sản được lưu truyền, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác, được bảo hộ về mặt pháp lí.
Thuật ngữ di sản được dung khả phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống, song trong mỗi lĩnh vực thuật ngữ này lại được hiểu theo những nghĩa khác nhau. Trên lĩnh vực pháp luât, thuật ngữ “di sản” được các nhà làm luật sử dụng để chỉ di sản thừa kế trong pháp luật dân sự. Nó được hiểu là phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người chết để lại cho người sống.
Ở Việt Nam chưa có văn bản nào định nghĩa về di sản thừa kế mà chỉ liệt kê về di sản thừa kế. Điều 634, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung của người khác” . Như vậy di sản thừa kế là toàn bộ những tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết bao gồm tài sản riêng, phần tài sản trong khối tài sản chung, cũng như các quyền về tài sản mà người đó được các cơ quan thẩm quyền giao khi còn sống.
Khi nói về di sản thừa kế vẫn có nhiều quan điểm khác nhau ở các thời kì cũng khác nhau, đây là một vấn đề hết sức phức tạp.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: di sản thừa kế bao gồm tài sản và các nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Tức là người để lại di sản khi còn sống ngoài tài sản mà họ có thì còn có các khoản nợ (nghĩa vụ dân sự) khác. Các nghĩa vụ tài sản của họ để lại khi chết sẽ được dịch chuyển cho những người thừa kế. Người thừa kế sẽ phải thực hiện việc thanh toán nợ của người chết để lại kể cả trong trường hợp tài sản của người chết không đủ để trả nợ và phải chịu trach nhiệm vô hạn với nghĩa vụ đó. Quan điểm này đã không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước, Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 đã xoát bỏ quy lệ bất công này.
Quan điểm thứ hai cho rằng: di sản thừa kế bao gồm tài sản và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi người chết để lại. Theo quan điểm này, người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản bằng tài sản riêng của mình mà chỉ trong phạm vi di sản của người chết để lại. Quan điểm này khác với quan điểm thứ nhất ở chỗ, người thừa kế không phải chịu trách nhiệm một cách vô hạn đối với những khoản nợ của người chết để lại.
Quan điểm thứ ba cho rằng: di sản thừa kế chỉ bao gồm các tài sản của người chết để lại mà không bao gồm các nghĩa vụ tài sản. Đây là quan điểm phù hợp với quy định của BLDS 1995 và BLDS 2005. Vì:
Khi còn sống, người để lại di sản có quyền sở hữu hợp pháp đối tài sản mà họ có được, bên cạnh đó, có thể còn có những nghĩa vụ tài sản đối với các chủ thể khác. Các nghĩa vụ này phát sinh từ các giao dịch dân sự hoặc các quan hệ pháp luật khác mà người để lại di sản chưa kịp thực hiện, toàn bộ tài sản cũng như nghĩa vụ tài sản sẽ được để lại là tất yếu. Tuy nhiên, tất cả các yếu này của người chết để lại, gọi là cái của người trước để lại, được xác định là di sản chứ không là di sản thừa kế.
Về mặt ngữ nghĩa: thừa kế là thừa hưởng của cải của người đã khuất. Theo từ điển Tiếng việt thì thừa kế được đinh nghĩa là “ hưởng của người chết để lại cho”. Với ý nghĩa này thì không thể nói, người thừa kế được hưởng nghĩa vụ tài sản hay được hưởng các tài sản nợ. Những giá trị này không mang lại lợi ích cho người tiếp nhận thì không được coi là di sản. Vì vậy không thể coi các nghĩa vụ là được thừa kế.
Về phương diện truyền thống đạo đức: Cha mẹ sinh con ra thì có nghĩa vụ chăm lo, nuôi nấng con cái. Họ luôn cố gắng để tạo tiền đề vững chắc cho con cái sau này. Người con, người cháu sẽ hưởng di sản thừa kế để làm ăn, phát triển cuộc sống và để lại cho con cái đời sau. Một điều dĩ nhiên là những tài sản mà người chết để lại phải thuộc quyền sở hữa của họ và không trái với các quy định của pháp luật. Quyền thừa kế và quyền sở hữu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do tính chất vĩnh viễn và tuyệt đối của quyền sở hữu mà nguyên tắc liên tục của việc đảm nhận tư cách sở hữu đối với tài sản được đặt ra “ thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người chết sang cho những người con sống”. Như vậy với ý nghĩa trên, di sản thừa kế chỉ tài sản của người chết mà không bao gồm các nghĩa vụ tài sản.
Về phương diện pháp lí: theo quy định tại khoản 1 điều 637 BLDS 2005 “ những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ về tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại…” . Ngoài việc nhận di sản thì người thừa kế phải có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ do người chết để lại. Ở đây người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại không phải với tư cách là một chủ thể mới, họ không thay thế vị trí của chủ thể, họ thực hiện nghĩa vụ tài sản bằng tài sản của người chết để lại, nợ của người chết không phải là nợ của người hưởng di sản. Sau khi thanh toán toàn bộ nghĩa vụ của người chết để lại và những chi phí liên quan đến di sản thừa kế, nếu tài sản không còn thì khi đó không còn tài sản để chia thừa kế và như vậy thì không có quan hệ nhận di sản thừa kế. Nếu tài sản còn để chia cho người có quyền hưởng di sản thì phần di sản còn lại này mới được coi là di sản thừa kế.
Tóm lại, Di sản thừa kế là phần di sản còn lại sau khi đã thanh toán nghĩa vụ của người chết để lại và các chi phí liên quan đến di sản . Di sản này sau khi tách phần di sản dùng vào việc thờ cúng và di tặng (nếu người để lại di sản có xác định)sẽ chia theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật cho những người thừa kế.
Khái niệm phân chia di sản thừa kế
Hiện nay do sự phát triển của kinh tế xã hội, dẫn đến tài sản tích lũy của mỗi gia đình, cá nhân ngày càng nhiều. Vì vậy các tranh chấp liên quan đến các vấn đề thừa kế ngày càng gia tăng. Đích cuối cùng của tranh chấp thừa kế là xác định di sản và phân chia di sản đúng để đảm bảo quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan.
Thế nào là phân chia di sản thừa kế?Phân chia di sản thừa kế là tập hợp các hoạt động nhằm xác lập quyền sở hữu đối với phần di sản cho từng người một có quyền hưởng thừa kế trong khối di sản chung sau khi đã thực hiện nghĩa vụ tài sản từ di sản . Chấm dứt tình trạng nhiều người cùng có quyền được hưởng thừa kế từ một hoặc nhiều tài sản do người chết để lại.
Khái niệm phân chia di sản chỉ đặt ra khi có ít nhất từ 2 người có quyền thừa kế trở lên còn nếu như chỉ có 1 người duy nhất có quyền hưởng di sản thì chỉ có mình họ phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại và cũng chỉ mình họ được sở hữu khối tài sản.
2. Phân chia di sản thừa kế cho những người thừa kế
Kể từ thời điểm mở thừa kế, bất cứ lúc nào những người thừa kế cũng có quyền yêu cầu phân chia di sản. Phụ thuộc vào sự thỏa thuận của những người thừa kế mà di sản có thể đem chia ngay lúc đó hoặc sau một thời gian. Vì thế, việc cử người quản lí di sản để đảm bảo còn nguyên giá trị của di sản là rất quan trọng. Ngoài ra còn phải xác định chính xác di sản thừa kế mà người chết để lại. Việc xác định này căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó. Đối với trường hợp di sản thừa kế thuộc sở hữu chung thì việc xác định tài sản chung của người để lại di sản có thể dựa trên những thỏa thuận đã có từ trước hoặc căn cứ vào văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Việc phân chia di sản thừa kế có hai trường hợp. Đó là:
Chia thừa kế theo pháp luật
Khối di sản được phân chia theo quy định của pháp luật trong trường hợp được quy định tại điều 675 BLDS 2005. Phần di sản thừa kế được tính như sau:
Di sản còn lại để phân chia = Tổng khối di sản – (Nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại + các chi phí khác)
Về nguyên tắc, khi thanh toán nghĩa vụ tài sản, pháp luật hiện hành đã quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán, căn cứ vào lợi ích của các chủ thể, mức độ cần thiết đối với tài sản của người được thanh toán (điều 683 BLDS 2005)
Các chi phí khác được nói đến ở đây có thể là tiền mai tang cho người chết , tiền trả thù lao cho người quản lí di sản, các chi phí để quản lí,…
Chia thừa kế khi có di chúc
Nếu người chết để lại di chúc thì có nhiều trường hợp xảy ra. Giả sử trong di chúc, người chết có để lại di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần để phân chia cho những người thừa kế được tính như sau:
Di sản còn lại để phân chia = tổng khối di sản – (Thanh toán nghĩa vụ tài sản + di tặng + di sản dùng vào việc thờ cúng + người hưởng di sản theo điều 669)
Cũng có trường hợp người chết để lại di sản để lại cho việc thờ cúng hoặc chỉ có di tặng , có trường hợp không để lại cả hai và cũng không xuất hiện người thừa kế theo điều 669 BLDS 2005.
Các vấn đề về di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng có rất quan điểm và ở các thời kì khác nhau cũng được quy định khác nhau.
Người hưởng di sản theo điều 669 là những người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Quy định nay trong bộ luật dân sự hiện hành nhằm hạn chế quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc để bảo vệ quyền và lợi ích thiết thực cho một số người thừa kế theo pháp luật.
3. Các căn cứ phân chia di sản thừa kế
Khái niệm căn cứ phân chia di sản thừa kế
Khi phân chia di sản thừa kế thì dù có phân chia theo di chúc hay phân chia theo pháp luật thì cũng đều phải căn cứ theo những quy định chung của pháp luật. Trong bộ luật dân sự Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về khái niệm căn cứ pháp lí phân chia di sản thừa kế. Đây là một điều bất cập trong bộ luật dân sự Việt Nam. Theo ý nghĩa của từ căn cứ trong từ điển Tiếng việt và theo những quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta có thể hiểu: “ căn cứ phân chia di sản thừa kế là những sự kiện pháp lí mà trên cơ sở đó các chủ thể tiến hành việc phân chia di sản thừa kế”
Các căn cứ phân chia
- Theo sự thỏa thuận của những người thừa kế
Pháp luật Việt Nam luôn khuyến khích việc thỏa thuận, tự nguyện khi phân chia di sản thừa kế của những người thân quen trong gia đình. Điều 4 BLDS 2005 đã ghi nhận nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Khi những người thừa kế đã đạt được sự thỏa thuận, thống nhất về cách chia thì đó có thể là căn cứ để phân chia di sản thừa kế. Tòa án chỉ tham gia giải quyết trong trường hợp những người thừa kế không tìm được tiếng nói chung.
Khi phân chia di sản theo thỏa thuận,người thực hiện phân chia di sản có thể tham gia nhưng đây không phải là điều kiện bắt buộc. Người thực hiện phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lí di sản. Theo khoản 2 điều 681 BLDS “ Mọi thỏa thuận của người thừa kế phải được lập thành văn bản” , trong trường hợp : “ Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản…”(khoản 1, điều 49, Luật công chứng 2005)
- Theo ý chí của người định đoạt di chúc
Thừa kế theo di chúc và việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Tùy vào ý chí của người lập di chúc mà người được thừa kế theo di chúc được hưởng các phần di sản nhiều ít khác nhau. Nhà nước ta luôn ưu tiên phương thức dịch chuyển di sản theo di chúc , pháp luật tôn trọng và bảo đảm ý chí của người để lại di chúc. Họ có thể để lại di sản cho bất kì ai, kể cả những người không có quan hệ hôn nhân , huyết thống, nuôi dưỡng với họ;…tức là họ được tự do thể hiện ý chí, Nhà nước không ấn định trước phạm vi người được hưởng thừa kế theo di chúc. Tóm lại phân chia di sản theo ý chí định đoạt của người lập di chúc là căn cứ để tiến hành việc phân chia di sản thừa kế , làm phát sinh quyền sở hữa của người có quyền thừa kế
- Thừa kế theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật và việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Những người được hưởng thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng với người để lại di sản. Việc chia thừa kế theo pháp luật đặt ra khi người chết để lại di sản mà không có di chúc mà có di chúc nhưng không có hiệu lực pháp luật, người thừa kế từ chối nhận di sản… đối với thừa kế theo pháp luật những người ở cùng một hàng thừa kế thì được hưởng các phần di sản công bằng, ngang nhau.
Pháp luật các luật các nước trên thế giới và pháp luật Việt Nam quy định cho phép áp dụng hai hình thức thừa kế theo pháp luật và theo di chúc để chia di sản,tùy từng trường hợp cụ thể có thể áp dụng cả hai hình thức.
4. Các nguyên tắc phân chia di sản thừa kế
Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo di chúc
Một số nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo di chúc:
Tôn trọng ý chí của người lập di chúc
Nhà nước ta luôn tôn trọng ý chí của người lập di chúc. Các quyền của người lập di chúc được quy định tại điều 648 BLDS 2005. Nhà nước chỉ hạn chế ý chí của người lập di chúc trong một số trường hợp nhất định.
Tôn trọng sự thỏa thuận của những người thừa kế
Thỏa thuận có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ thừa kế. Tòa án chỉ tham gia giải quyết trong trường hợp tranh chấp xảy ra khi những người thừa kế đã thỏa thuận, bàn bạc với nhau nhưng không đạt đến kết quả thống nhất. Tôn trọng sự thỏa thuận của những người thừa kế là việc cụ thể hóa của nguyên tắc này.
Việc phân chia phải đảm bảo tình đoàn kết trong gia đình
Nguyên tắc này xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng đạo đức , truyền thống tốt đẹp quy định tại điều 8 BLDS 2005.
Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật
Ưu tiên chia cho những người ở hàng thừa kế trước
Theo pháp luật hiện hành, những người thừa kế theo pháp luật được quy định thành từng hàng (khoản 1, điều 676 BLDS 2005). Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất được coi là những người có quan hệ gần gũi nhất đối với người chết tiếp đến là hàng thứ hai và thứ ba. Pháp luật ưu tiên chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất trước “ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ đươc hưởng thừa kế , nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản” (khoản 3, điều 676 BLDS 2005)
Chia đều bằng nhau cho những người thừa kế cùng hàng.
Nguyên tắc này là sự cụ thể hóa điều 5 BLDS và thể hiện rõ nhất trong điều 52 Hiến pháp 2013. Trong quan hệ thừa kế nói chúng và trong phân chia di sản thừa kế nói riêng, nguyên tắc này cần được bảo đảm. Những người thuộc cùng một hàng thừa kế được hưởng di sản như nhau (khoản 2 điều 676 BLDS 2005)
Phân chia di sản phải ưu tiên cho một số thành viên trong gia đình
Về nguyên tắc, trong trường hợp di chúc hợp pháp có hiệu lực thì những người thừa kế sẽ được hưởng đúng phần người lập di chúc chỉ định, sự định đoạt này được pháp luật tôn trọng. Trong trường hợp, người lập di chúc không cho hoặc cho ít hơn so với quy định của pháp luật đối với những đối tương là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên mà không có khả năng lao động hưởng thừa kế thì sẽ được pháp luật ưu tiên cho những người này được hưởng di sản theo tỉ lệ nhất định (điều 669 BLDS 2005). Nguyên tắc được được dựa trên quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân.
5. Ý nghĩa của việc phân chia di sản
Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người được hưởng thừa kế
Theo điều BLDS 2005 “ Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản cho người chết để lại” . Như vậy những người thừa kế sẽ trở thành chủ sở hữu đối với tài sản mà người chết để lại. Nhưng chỉ sau khi việc phân chia diễn ra họ mới là chủ thể thực sự đối với những tài sản đó và có những quyền hợp pháp đối với tài sản đó. Việc phân chia di sản chính xác đầy đủ sẽ tránh được những tranh chấp không đáng có giữa những người thừa kế, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Đối với những đối tượng thuộc điều 669 , phân chia di sản chính xác để đảm bảo quyền và lợi ích của họ, không để họ bị thiệt thòi, tránh tình trạng những người có quyền thừa kế mà không được hưởng.
Bảo đảm quyền và lợi ích của người có liên quan
Trong trường hợp người chết để lại cả di sản và nghĩa vụ tài sản (khoản nợ), những khoản nợ này vẫn chưa được thanh toán thì việc phân chia chính xác tạo điều kiện thuận lợi để những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản chính xác đối với các chủ thể có liên quan.
Bảo đảm tính minh bach, công bằng của pháp luật
Phân chia di sản chính xác hợp lí bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ tạo ra tâm lí tin tưởng vào pháp luật và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung
Tăng cường tinh thần trách nhiệm và tình cảm của những người thừa kế với nhau và với người đã khuất
Khi nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại vẫn chưa đươc thanh toán thì những người thừa kế sẽ phải cùng nhau thực hiện nghĩa vụ đó trong phạm vi di sản mình được hưởng. Đó ko những là trách nhiệm mà còn là tình cảm đối với người đã khuất. Mặt khác, những người thừa kế sẽ căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để tự bàn bạc thỏa thuận phân chia khai thác sử dụng di sản thừa kế một cách hợp lí nhất, phù hợp với từng người.
II. PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ TRONG TRƯỜNG HỢP CÓ THỪA KẾ MỚI
1. Thế nào là người thừa kế mới?
Người thừa kế mới được hiểu là những người thừa kế của người để lại di sản xuất hiện sau khi di sản đã được phân chia (đối với phân di sản được giải quyết theo pháp luật) Bao gồm những người sau đây:
- Con của người để lại di sản sinh ra và còn sống sau thời điểm di sản thừa kế được phân chia (trong trường hợp thai đôi ,thai ba …nhưng tại thời điểm phân chia di sản chỉ xác định thai một)
- Người được tòa án xác nhận là con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản những quyết định hoặc bản án của tòa án có hiệu lực sau thời điểm phân chia di sản .
- Con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản đã bị tòa án tuyên bố là đã chết trước thời điểm người để lại chết nhưng con có tin tức xác thực là còn sống hoặc đã trở về sau thời điểm phân chia di sản .
Nếu di sản được chia cho hàng thừa kế thứ hai và thứ ba ,thì người thừa kế mới ở các hàng thừa kế này được xác định như trên
Theo liệt kê trên thì người thừa kế mới chỉ bao gồm là những người thừa kế theo pháp luật. Mặt khác, theo khoản 1, điều 687, BLDS 2005 không quy định cụ thể về người thừa kế mới chỉ là những người thừa kế theo luật hay cả những người thừa kế theo di chúc của người để lại di sản. Vì thế một câu hỏi được đặt ra là nếu sau thời điểm di sản của người chết đã được phân chia mới xuất hiện người thừa kế theo di chúc thì người thừa kế theo di chúc đó có được coi là người thừa kế mới hay không? Câu trả lời là không, vì : trường hợp người thừa kế xuất hiện sau khi di sản đã được phân chia được hiểu là trường hợp di chúc mà người đó được chỉ định là người thừa kế được tìm thấy hoặc chị được công bố sau khi di sản đã được phân chia. Trong khi BLDS 2005 đã quy định rằng: “ Kể từ thời điểm mở thừa kế , nếu bản di chúc bị thất lác hoặc bị hư hại đến mức không thể thể hiện đầy đủ được ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật”
Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc (điều 666 BLDS 2005). Dẫn chiếu quy định trên để thấy rằng tại thời điểm phân chia di sản mà di chúc không xuất hiện thì được coi là không có di chúc và di sản sẽ được phân chia theo pháp luật. Vì thế sau khi di sản phân chia mới xuất hiện di chúc thì di chúc đó sẽ không được thừa nhận nữa . Điều đó cũng có nghĩa là người được chỉ định trong bản di chúc đó không được coi là người thừa kế mới.
2. Phân chia di sản khi có thừa kế mới
Khi người thừa kế mới xuất hiện thì không thực hiện việc phân chia di sản bằng hiện vật nhưng những người thừa kế đã nhận di sản cũng phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương đương với kỉ phần thừa kế theo luật mà người đó được hưởng tại thời điểm chia di sản thừa kế . Khoản tiền mà mỗi người thừa kế phải thanh toán cho người thừa kế mới tỷ lệ tương ứng với phần di sản mà họ đã nhận ,trừ trường hợp giữa họ có thỏa thuận khác. (quy định tại khoản 1, điều 687 BLDS 2005). Thỏa thuận này không được trái với pháp luật, đạo đức xã hội.
Các căn cứ và nguyên tắc phân chia được áp dụng như đã trình bày ở phần I.
Quy định này tạo sự dễ dàng, thuận lợi trong việc phân chia di sản thừa kế khi người thừa kế mới xuất hiện sau thời điểm phân chia di sản thừa kế. Trên thực tế có nhiều trường hợp,các hiện vật đã phân chia cho người thừa kế , nếu yêu cầu chia lại sẽ rất phức tạp và khó thực hiện. Ngoài ra, việc xác định giá trị tài sản thừa kế để quy đổi thành tiền cho người thừa kế mới sẽ đảm bảo được quyền lợi và vật chất của họ. Ông Pierre Bezzard , Chánh tòa thương mại, tòa án tư pháp tối cao Cộng hòa Pháp cho rằng : “ việc xuất hiện người thừa kế mới không phải là không có , việc quy định như trong dự thảo của các bạn hết sức phù hợp với thực tế nhất là quy định người thừa kế mới hưởng thừa kế bằng tiền tại thời điểm chia thừa kế”
Tuy nhiên, quy định này cũng tồn tại sự bất cập. Bởi vì trong nhiều trường hợp, di sản thừa kế ngoài giá trị hiện vật còn mang ý nghĩa tinh thần đối với người thừa kế cần được hưởng . Ví dụ như những vật mang kỉ niệm buồn vui với người đã khuất với người còn sống qua nhiều năm tháng… các hiện vật này rất khó có thể định giá , thậm chí là không gì thay thế được vì vậy việc yêu cầu của pháp luật về việc đinh giá tài sản thừa kế để thanh toán cho người thừa kế mới là có phần chưa hợp lý.
Việc thỏa thuận giữa người thừa kế mới và những người thừa kế khác sẽ được ghi thành văn bản theo các căn cứ và nguyên tắc được trình bày ở phần I trên.
3. Một số điểm cần lưu ý
Đối với người thừa kế mới là thai nhi
Thai nhi được coi là người thừa kế theo quy định tại điều 635 và khoản 1 điều 685 của Bộ luật dân sự 2005.
Theo quy định của các điều luật trên thì mặc dù chưa phải công dân thưc thụ ,nhưng thai nhi vẫn được hưởng di sản như bất kì người thừa kế khác. Phần chia di sản theo pháp luật thì khi phân chia di sản nêu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra ,thì phải dành lại một phần di sản bằng phần thừa kế mà người khác được hưởng ,nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra. Đây là trường hợp bắt buộc phải dựa trên quan hệ huyết thống cho nên một người đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế thì mặc nhiên người này được coi là con của người đã chết . Theo điều63 luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định : “1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung của vợ chồng. 2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Việc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học do Chính phủ quy định”.
Muốn xác định người con sinh sau khi bố nó chết nhưng đã thành thai trước khi người chết để lại di sản hay chưa thì phải căn cứ vào thời gian thực tế ,tồn tại thai nhi là 300 ngày ,kể từ thời điểm mở thừa kế ,đến khi nó được sinh ra. Việc đòi hỏi của pháp luật là :Đứa trẻ sinh ra phải còn sống sau thời điểm mở thừa kế ,nhưng lại ko quy định là sống trong thời gian bao lâu mới được hưởng di sản . Trong thực tế có nhiều trường hợp thai nhi chết trong bụng mẹ hoặc sinh ra một vài ngày ,thậm chí một vài tiếng đồng hồ mới bị chết thì có có xác định cho hưởng di sản thừa kế không ?
Có ý kiến cho rằng chỉ cần đứa trẻ được sinh ra và còn sống nghĩa là thai nhi không chết trong bụng mẹ và nó còn sống trong một khoảng thời gian nào đó là được hưởng di sản .
Ý kiến khác lại cho rằng đứa trẻ đó được sinh ra được coi là còn sống để hưởng di sản phải có căn cứ pháp lí để xác định đó là một có nhân thực thụ như giấy khai sinh . Nhưng thực thế có những đứa trẻ sinh ra vì một lí do nào đó mà có thể vài ba tháng bố mẹ mới khai sinh cho đứa trẻ ,thì nó được coi là một cá nhân tồn tai trong xã hội chưa? Theo quy định tại Điều 23 của nghị định sô 158/NĐ CP ngày 27/12/2005 của chính phủ về đăng kí và quản lý hộ tịch: “Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết cũng phải đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử. Nếu cha, mẹ không đi khai sinh và khai tử, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch tự xác định nội dung để ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh và Sổ đăng ký khai tử phải ghi rõ "Trẻ chết sơ sinh"”
Theo quy định cũng có thể hiểu là đứa trẻ được sinh ra mà chưa sống được 24h thì không được coi là còn sống để hưởng thừa kế . Thiết nghĩ ,pháp luật của nước ta cần có quy định cụ thể vê trường hợp này để giúp các cấp tòa án xác định một cách thống nhất đối với những thai nhi được pháp luật bảo lưu quyền thừa kế .
Trong trường hợp bào thai đó trước khi sinh ra chỉ xác định là một người nhưng khi sinh ra khi sinh ra thì là trẻ sinh đôi ,sinh ba ,thì suất thừa kế để dành cho bào thai đó được chia đều cho những đứa trẻ được sinh ra là anh chị ,em
Con con ngoài giá thú của một người đều là người thừa kế hàng thứ nhất của người đó. Cha, mẹ của người con ngoài giá thú là những người thừa kế hàng thứ nhất của người con của mình.
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong hai trường hợp như sau:
- Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 02/ HĐTP ngày 19 tháng 10 năm 1990 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật thừa kế, có nêu:
- Trong trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì thời gian bị trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện.
- Đối với trường hợp đã quá các thời hạn quy định tại Điều này mà đương sự mới khởi kiện vì có trở ngại khách quan như đương sự bị mất năng lực hành vi, do ốm đau, tai nạn. . . thì Toà án vẫn thụ lý và giải quyết theo thủ tục chung. Trong trường hợp đương sự đã không thực hiện quyền khởi kiện trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng thì Toà án trả lại đơn kiện cho đương sự theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự.
- Đối với người thừa kế là người chưa thành niên vào thời điểm mở thừa kế thì thời hiệu khởi kiện về thừa kế được tính từ ngày họ đủ 18 tuổi.
Vì thế đối với các trường hợp người thừa kế mới là con hoặc cha, mẹ của người để lạ di sản nhưng được tòa án quyết định sau thời điểm phân chia di sản hoặc con hoặc cha, mẹ của người để lại di sản trở lại sau thời điểm phân chia di sản thi phải căn cứ vào thời hiệu khởi kiện thừa kế để nếu có tranh chấp xảy ra thì vẫn được hưởng di sản thừa kế của mình.
Xét một ví dụ: Chúng tôi có một người anh trai bị tòa án tuyên bố là chết năm 1999. Sau đó sáu năm, tức năm 2005, bố chúng tôi qua đời và không để lại di chúc. Năm 2006, anh em chúng tôi đã chia di sản thừa kế. Đến năm 2009 anh trai tôi người mà bị tòa án tuyên bố chết vào năm 1999 đã quay trở về. Xin quý luật sư gần xa cho ý kiến anh trai tôi người đã bị tuyên bố là chết trở về, thì chúng tôi có phải chia lại di sản thừa kế của bố chúng tôi hay không?
Khoản 1 và Khoản 3 Ðiều 83 Bộ Luật dân sự 2005 quy định:
"1. Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.
3. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn"
Đồng thời, Điều 645 BLDS 2005 quy định: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. "
Như vậy, ở thời điểm năm 2009, khi người anh trai xuất hiện trở lại, theo Điều 645 đã nêu, người anh trai hoàn toàn có quyềnkhởi kiện chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình. Và theo khoản 3 Điều 83 đã nếu trên, thì người anh trai vẫn có quyền được trả lại tài sản, giá trị tài sản. Nếu di sản này hiện còn (và hiện tại là đã chia cho những người thừa kế khác) và vẫn còn hiên hữu, những người được chia này đang sử dụng/sở hữu di sản này thì người bị tuyên bố chết này vẫn có quyền đòi lại di sản khi trở về. Người anh trai trong trường hợp này thuộc trường hợp người thừa kế mới là anh ta có quyền yều cầu những người thừa kế đã được phân chia thanh toán cho anh ta phần di sản thừa kế của mình bằng tiền được quy đổi từ những hiện vật đã được phân chia.
KẾT LUẬN
Phân chia di sản thừa kế là một vấn đề khá quan trọng và phức tạp trong vấn đề thừa kế. Vấn đề thừa kế mới và những hiệu lực pháp luật liên quan cần phải được quy định cụ thể hơn để tránh tình trạng phân chia di sản không đúng, mất công bằng của pháp luật. Trên thực tế, các vụ án kiện về phân chia tài sản khi có người thừa kế mới còn khá là mới mẻ ở Việt Nam. Bài viết trên đây em đã trình bày một số quan điểm của mình về vấn đề này, em mong các thầy cô bổ sung thêm cho em. Em xin chân thành cảm ơn!
No comments:
Post a Comment