Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.
MỞ BÀI
Pháp luật phong kiến Việt Nam đã chịu sự ảnh hưởng của pháp luật phong kiến Trung Quốc rất nhiều. Nhưng chúng ta đã tiếp thu có chọn lọc, vận dụng một cách sáng tạo vào việc hình thành và phát triển nền pháp luật của đất nước. Một trong những điển hình cho sự tiếp thu đó là việc quy định nhóm tội Thập ác trong pháp luật.
Từ những kiến thức đã được học, cùng nghiên cứu tìm tòi của bản thân về nhóm tội thập ác em xin chọn đề tài: “ Nhận xét về nhóm tội thập ác”. Trong quá trình thực hiện đề tài, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót, vì vậy em kính mong nhận được sự giúp đỡ, chỉ dạy của các thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn
NỘI DUNG
Nội dung nhóm tội thập ác
Thập ác là 10 trọng tội được coi là những tội nguy hiểm nhất . Thập ác là chế định có nguồn gốc từ pháp luật Trung Hoa, được nhà làm luật Đaị Việt vận dụng từ thời Lý Trần. Tội Thập ác đã được quy định trong bộ luật Hồng Đức, bộ Hoàng Việt luật lệ. Nhưng lần đầu tiên chúng ta biết được nội dung cụ thể nhóm tội Thập ác của luật pháp phong kiến Đại Việt qua bộ luật Hồng Đức, bởi 2 bộ hình thư Lý – Trần đã bị thất truyền.
Tội Thập ác đều được quy định tại điều 2 của các bộ luật, chỉ sau quy định về Ngũ hình (điều 1). Thập ác bao gồm:
Mưu phản: lật đổ nền cai trị của nhà vua, làm sụp đổ xã tắc.
Mưu đại nghịch: phá đền đài, lăng tẩm, cung điện của nhà vua.
Mưu bạn: phản bội Tổ quốc theo giặc.
Ác nghịch: mưu giết hay đánh ông bà, cha mẹ, tôn thuộc.
Bất đạo: vô cớ giết nhiều người, cắt tay chân người sống, chế thuốc độc bùa mê, tàn ác, hung bạo...
Đại bất kính: lấy trộm các đồ tế trong lăng tẩm, các vật dụng của vua, làm giả ấn vua...
Bất hiếu: cáo giác hay chửi rủa ông bà, bố mẹ hay ông bà, bố mẹ chồng. Không phụng dưỡng bố mẹ, tự ý bỏ nhà, tự ý phân chia tài sản, cưới xin khi có tang cha mẹ, vui chơi trong khi tang chế, được tin bố mẹ, ông bà chết không chịu tang hoặc phát tang giả dối.
Bất mục: mưu giết hay bán các thân thuộc (cho đến ngũ đại), đánh hoặc cáo giác chồng hay các tôn thuộc (cho đến tam đại).
Bất nghĩa:dân giết quan lại sở tại, lính tốt giết quan chỉ huy, học trò giết thầy dạy, vợ không để tang chồng, ăn chơi và tái giá.
Nội loạn: tức là tội loạn luân (thông dâm với thân thuộc hay với các thiếp của bố hay của ông).
Trong Thập ác có 4 tội bảo vệ vương quyền (mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, đại bất kính), 5 tội bảo vệ quan hệ hôn nhân gia đình phong kiến (ác nghịch, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn) và một tội trừng trị những hành vi phạm tội vô cùng dã man, tàn ác xâm hại nghiêm trọng một trong những tiêu chí đạo đức hàng đầu của đạo Nho (tội bất đạo).
Nhận xét về nhóm tội Thập ác
Về mục đích
Mục đích thứ nhất, quy định nhóm tội Thập ác là bảo vệ nền thống trị của các triều đại phong kiến, quyền và lợi ích của nhà vua và họ hàng thân thuộc của nhà vua cũng như trật tự đạo đức xã hội phong kiến. Hay nói cách khác là nhằm đề cao đức trung quân, bảo vệ tuyệt đối quan hệ vua tôi, đề cao đạo hiếu đễ, bảo vệ trật tự gia đình gia trưởng phong kiến.
Ví dụ, Điều 411 Quốc triều hình luật quy định “những kẻ mưu làm phản, mưu làm việc đại nghịch, thì xử tội chém bêu đầu; kẻ tòng phạm và thân đảng biết việc ấy đều phải tội chém; vợ con điền sản đều bị tịch thu làm của công; thưởng cho người cáo giác tước và một phần ba số điền sản tịch thu. Quan sở tại không biết phát giác và truy bắt thì phải tội tùy theo việc nặng nhẹ. Cố tình dung túng hay giấu giếm thì xử như kẻ phạm tội”. Điều 223 Hoàng Việt luật lệ quy định “Phàm kẻ mưu phản không làm lợi cho đất nước, mưu hại xã tắc và đại nghịch không có lợi đối với vua, mưu phá hủy tôn miếu, sơn lăng và cung khuyết chỉ nhúng tay vào âm mưu…đã hay chưa làm đều bị xử tử bằng lăng trì”... Mục tiêu cuối cùng đó là tăng cường việc tập trung quyền lực nhà nước vào nhà vua và triều đình.
Mục đích thứ 2 đó là thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc của nhà nước đối với loại tội này. Do tính chất nguy hiểm đặc biệt của tội Thập ác nên cả Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ đều thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc của Nhà nước đối với loại tội này. Một trong những biểu hiện đó là các bộ luật có các quy định loại trừ không cho người phạm tội thập ác được hưởng các chế độ miễn giảm trách nhiệm hình sự như các tội phạm thường như : tội nhân không được hưởng nghị giảm theo chế độ bát nghị, không được chuộc tội bằng tiền, không được hưởng chế độ đặc xá hoặc đại xá…
Ví dụ: Theo điều 4 Quốc triều hình luật quy đinh việc miễn giảm cho người phạm tội thuộc diện bát nghị đã khẳng định: “… nếu phạm tội thập ác thì không theo luật này”. Còn theo Hoàng Việt luật lệ thì phải tâu lên để vua quyết định. Ngoài ra những quy định miễn giảm cho những trường hợp cụ thể cũng loại trừ trường hợp phạm tội Thập ác. Điều 11 Quốc triều hình luật còn quy định: “những kẻ tội phạm tội tội ác nghịch thì dẫu có dịp ân xá cũng không được ân xá”. Qua quy định về tội Thập ác, pháp luật phong kiến đã gián tiếp phân biệt các tội Thập ác với các tội phạm khác, và các tội thuộc về phạm vi luân lí nhưng cũng được xếp ngang hàng với các tội ác chính trị để thể hiện rõ chính sách hình sự nghiêm trị đối với người phạm tội này. Cùng với các quy định chung như vậy, các quy định về các tội cụ thể của tội Thập ác đã thể hiện thái độ trừng trị nghiêm khắc của Nhà nước phong kiến đối với tội Thập ác.
Về tư tưởng chính trị
Tư tưởng chính trị ảnh hưởng đến pháp luật phong kiến nói chung và nhóm tội Thập ác nói riêng đó là tư tưởng Nho giáo. Ở nước ta, dưới thời Lê, Nho học đang ở trong thời kỳ cực thịnh, lẽ tất nhiên quan niệm của Khổng – Mạnh không sao không có một ảnh hưởng sâu xa đối với pháp luật. Vì vậy nhà làm luật chú trọng đặc biệt đến những điều liên can đến luân lí, đến chỗ duy trì các thuần phong mĩ tục.
Ví dụ trong nhóm tội Thập ác, các tội thứ 7 đến tội thứ 10 (bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn) là các tội thuộc về phạm vi luân lí nhưng được xếp ngang hàng với các tội ác chính trị (như tội mưu phản…).
Tội Thập ác là những tội xâm phạm trật tự lễ giáo phong kiến, đó là những hành vi xâm hại đến quan hệ vua tôi, quan hệ cha con, quan hệ vợ chồng. Nếu như vi phạm thì sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.
Ví dụ như tội bất hiếu, điều 130 trong Quốc triều hình luật “có tang ông bà cha mẹ và chồng mà giấu không khóc thì phải tội đồ làm khao đinh, đàn bà đồ làm tang thất phụ. Trong khi có tang mà bỏ đồ tang mặc đồ thường và vui chơi đàn hát thì biếm 2 tư. Gặp đàn hát mà nghe hay là dự những tiệc vui mừng đều xử phạt 80 trượng”. Và trong Hoàng Việt luật lệ được quy định tại điều 98 “phàm trai gái để tang cha mẹ, thê thiếp để tang chồng mà tự thân chủ hôn, cưới gả thì bị phạt 100 trượng”…
Các nhận xét khác
Trong nhóm tội Thập ác đã khái quát về khái niệm 10 tội ác, ví dụ như: Mưu phản là lật đổ nền cai trị của nhà vua, làm sụp đổ xã tắc; mưu đại nghịch là mưu phá hủy tông miếu, lăng tẩm và cung điện nhà vua; mưu bạn là mưu phản nước nhà…
Các tội danh của tội Thập ác được quy định ở điều 2 nhưng nội dung chi tiết của những tội phạm này và chế tài hình phạt thì được quy định ở những chương điều sau của bộ luật.
Đánh giá
Thập ác là những trọng tội nguy hiểm nhất đối với chế độ quân chủ chuyên chế cũng như đối với trật tự, kỉ cương, đạo đức xã hội. Nó thể hiện rõ nhất bản chất của pháp luật phong kiến, trật tự xã hội, gia đình phong kiến.
KẾT LUẬN
Như vậy, pháp luật phong kiến Việt Nam đã có sự tiếp thu vận dụng một cách có chọn lọc từ pháp luật Trung Quốc để phù hợp với tình hình xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Và có thể nói việc quy định nhóm tội Thập ác là thành quả của sự kế thừa và sáng tạo, trí tuệ uyên thâm của các nhà làm luật thời phong kiến. Đó là phẩm chất của những nhà làm luật, chúng ta phải biết kế thừa và phát huy.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Trường đại học luật Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2009.
Giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam, khoa luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2008.
Hoàng Việt luật lệ, Nhà xuất bản Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1994.
Quốc triều hình luật, Nhà xuất bản pháp lí, Hà Nội năm 1991
Quốc triều hình luật, lịch sử hình thành, nội dung và giá trị, tiến sĩ Lê Thị Sơn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2004.
Nghiên cứu về hệ thống pháp luật từ thế kỉ XV-XVII, Giáo sư tiến sĩ Đào Trí Úc chủ biên, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, viện nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản khoa học và xã hội, năm 1994.
No comments:
Post a Comment