Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.
1. Nguyên tắc liên kết dòng họ
1.1. Cơ sở của nguyên tắc
Xuất phát từ đặc điểm của chế độ phong kiến nói chung, hoàng tộc luôn là hậu thuẫn chính trị của vương triều. Ngay từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê tầng lớp quý tộc đã đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “liên kết dòng họ” nhằm củng cố sự vững chắc của vương triều, chế độ quân chủ chuyên chế, phát huy trí tuệ, sức mạnh của cả hoàng tộc và triều đình, câu kết với hoàng tộc thành khối chặt chẽ làm bệ đỡ chính trị cho quyền lực của nhà vua, bảo vệ ngôi vua được vững chắc.
1.2. Nội dung của nguyên tắc
Nội dung của nguyên tắc này đó là tăng cường việc hoàng thân quốc thích được trao cho nhiều tước vị, bổng lộc và nắm giữ quyền lực, từ đó tạo cơ sở vững chắc cho việc giữ vững vương quyền cho dòng họ nhất định. Quyền lực của vua không phải là tuyệt đối mà bị hạn chế bởi tầng lớp quý tộc – quan lại và hoàng thân quốc thích; đồng thời khuyến khích hôn nhân nội tộc để củng cố sự vững chắc của vương triều, nhằm bảo vệ ngôi vua được vững bền, ngăn ngừa để lọt ngôi vua vào tay dòng họ khác.
1.3. Biểu hiện của nguyên tắc
Nguyên tắc “liên kết dòng họ” trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt là dưới thời Lý – Trần.
Nhà vua dưới thời Lý – Trần bị hạn chế rất nhiều quyền lực, thể hiện rõ nhất trong tổ chức bộ máy nhà nước thời kỳ này.
Thời Lý, đứng đầu triều đình là Hoàng đế, dưới Hoàng đế có 3 chức đứng đầu các quan lại trong triều, đó là thái sư, thái phó, thái bảo (tam thái). Dưới đó là chức thái úy, nắm giữ việc chính trị, quân sự trong nước, về sau chức này được gọi là tể tướng . Tiếp đến là các chức tư không, thiếu phó, thiếu bảo, thiếu úy (phụ trách cấm quân), nội điện đô trị sự, ngoại điện đô trị sự, kiểm hiệu bình chuơng sự. Đây là những chức vụ trọng yếu nhất giúp việc nhà vua. Để giúp vua quản lý mọi mặt của đất nước, còn có các cơ quan chuyên trách như Trung thư sảnh, Khu mật sứ, Ngự sử đài, Hành khiển thượng thư sảnh, Nội thị sảnh, Đình uý, Hàn lâm học sĩ.
Thời Trần, trong triều đình, đứng đầu các quan vẫn là tam thái chỉ có điểm khác thời Lý ở chỗ nhà Trần đặt thêm hàm thống quốc, tá thánh, phụ quốc để gia phong thêm (như thống quốc thái sư, tá thánh thái sư phụ quốc thái bảo). Chức thái úy thời Lý (tướng quốc) đổi thành tả hữu tướng quốc bình chương sự. Giúp việc cho tể tướng (tướng quốc) thời Trần đặt thêm các chức hành khiển nằm trong cơ quan mật viện. Các hành khiển thường kiêm cả các chức thượng thư (đứng đầu bộ), tả hữu bộc xạ, tả hữu gián nghị đại phu. Dưới các chức vụ nói trên, các quan được chia thành hai ban văn và võ. Bên văn có các bộ, đứng đầu mỗi bộ là một viên thượng thư. Bên võ có các chức vụ phiêu kỵ tướng quân, đại tướng, đô tướng, tướng quân, lúc có chiến tranh, đặt thêm chức tiết chế tổng chỉ huy toàn quân.
Như vậy, có thể nhận thấy trong bộ máy nhà nước thời Lý – Trần tồn tại một chức vụ nắm giữ quyền Hành pháp rất lớn là Tể tướng. Điều này có nghĩa rằng, nhà vua thực tế đã bị chia sẻ một phần quyền năng Hành pháp của mình cho Tể tướng. Hơn nữa, vua cũng không trực tiếp điều động quân đội mà việc này nằm trong quyền hành của thiếu úy. Vua cũng không trực tiếp quản lý Lục Bộ mà phải thông qua Trung thư sảnh cũng như Tể tướng. Như vậy, trên thực tế, trong quản lý bộ máy nhà nước, nhà vua thời Lý – Trần đã bị hạn chế một phần quyền lực của mình do sự phân tán quyền lực vào tay các quan lại quý tộc trong thời kỳ này.
Thời Lý và cả thời Trần sau này, quan lại được lựa chọn theo nguyên tắc: “Người có quan tước, con cháu được thừa ấm mới được làm quan. Người giàu, khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân, đời đời làm lính”. Phương châm “tông tử duy thành” (dùng con cháu tông thất làm thành lũy) mang đặc trưng của nhà nước quân chủ quý tộc thời kỳ này được thể hiện rõ nét qua cách tuyển dụng quan lại. Có những cách tuyển dụng quan lại chủ yếu thời kỳ này là Nhiệm tử, Tiến cử, Bảo cử, Khoa cử.
Trong đó, nhiệm tử (tập ấm) được sử dụng rộng rãi hơn cả. Nhiệm tử là định lệ của Triều đình dựa vào ân trạch của cha ông mà được bổ vào một chức quan nào đó. Theo tinh thần “trọng thị công thần”, khi một nhân thân, nhờ tiêu chí “thân huân” được tuyển dụng vào cương vị quan chức cao, thì con cháu người đó, nhờ được tín nhiệm về mặt lý lịch, cũng được “tập ấm”, được phong “ấm tước” mà trở thành quan chức.
Trong khi đó, khoa cử chưa phổ biển trong thời Lý – Trần. Ta có thể thấy rằng tủ rằng từ năm 1075, Nhà Lý đã bắt đầu mở khoa thi để tuyển chọn nhân tài nhưng trải qua 216 năm triều Lý, sử sách ghi chép chỉ có 9 khoa thi được tổ chức, trong đó có các khoa thi không ghi đầy đủ tên người đỗ. Các khoa thi không đều đặn theo định kỳ và các kỳ thi cũng chưa có cách thức nhất định. Trong 175 năm tồn tại, nhà Trần cũng chỉ tổ chức 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), lấy 283 người đỗ.
Để củng cố vương quyền, nhất là trong những thời kỳ đầu, nhà Lý - Trần đã thực hiện một nền chuyên chính - dân chủ dòng họ. Tầng lớp quý tộc tông thất nắm độc quyền lãnh đạo quốc gia. Các chức vụ chủ chốt trong triều đình đều do các người họ hàng thân cận với nhà vua nắm giữ.
Lý Công Uẩn lên ngôi xưng Hoàng đế phong Thái tử Lý Phật Mã là Khai Thiên Vương... năm Đinh Dậu (1237), Trần Thái Tông phong cho anh là Trần Liễu là Yên Sinh Vương. Sau này, đến thời Trần, để đề phòng nạn ngoại thích, nhà Trần đã thực hiện chế độ hôn nhân đồng tộc. Nhiều nhà vua và vương hầu tôn thất nhà Trần đã lấy người trong họ hàng, đôi khi khá gần gũi (như Trần Thái Tông lấy chị dâu, Trần Thủ Độ lấy chị họ, Trần Quốc Tuấn lấy em họ). Trần Thánh Tông thường căn dặn: “Thiên hạ này là thiên hạ của tổ tông, người nối giữ cơ nghiệp tổ tông nên cùng anh em trong tông thất chung hưởng phú quý… Anh em là xương thịt rất thân, gặp lúc lo thì cùng lo, gặp lúc vui thì cũng vui...”.
Ngoài ra, dưới thời Lý – Trần, các quý tộc phong kiến ngoài việc được phong tước vị cao, còn được hưởng bổng lộc và ban cho đất đai. Nếu như thời Lý trong buổi đầu có Khai Quốc vương Bồ trấn trị phủ Trường Yên, Uy Minh hầu Nhật Quang giữ Nghệ An, Lý Thường Kiệt giữ Thanh Hóa,…
Ngoài việc làm trên, nhà nước Trần còn tiến thêm một bước, cho vương hầu quý tộc được hưởng thái ấp, có phủ đệ ở các địa phương trọng yếu, chỉ về kinh đô dự triều hội. Như: Yên Sinh Vương Trần Liễu ở Đông Triều, Yên Hưng (Quảng Ninh); Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp (Chí Linh - Hải Hưng); Trần Thủ Độ ở Quắc Hương (Tức Mạc - Nam Hà); Trần Quốc Chẩn ở Chí Linh (Hải Hưng); Trần Quang Khải ở xã Cao Đài (huyện Mỹ Lộc - Nam Hà); Trần Khát Chân ở Cổ Mai (huyện Thanh Trì - Hà Nội); Trần Khánh Dư ở Dưỡng Hòa (huyện Duy Tiên - Nam Hà );…
2. Nguyên tắc tôn quân quyền
2.1. Cơ sở hình thành nguyên tắc
Có một số bằng chứng cho rằng Nho giáo đã được truyền vào thế kỷ 1 TCN khi ở Trung Quốc nhà Tây Hán đã đánh bại tập đoàn phong kiến họ Triệu giành lấy quyền thống trị và cho lập 3 quận tại Bắc Bộ. Tuy tầm ảnh hưởng còn rất hạn chế, song Nho giáo là công cụ thống trị của chính quyền đô hộ. Đến thế kỷ 9 sau chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền thì nước ta bước sang kỷ nguyên độc lập, tự chủ, bắt tay vào xây dựng đất nước trong khuôn khổ nhà nước phong kiến tập quyền, đạo Nho bắt đầu có ảnh hưởng lớn. Các triều đại phong kiến Việt Nam dựa vào hệ tư tưởng Nho giáo để thiết lập bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tôn quân quyền, đặc biệt là trong các giai đoạn về sau thời Lê – Nguyễn, khi mà Nho giáo càng chiếm vị trí lớn trong hệ tư tưởng phong kiến, trở thành tư tưởng hình thành nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước.
2.2. Nội dung nguyên tắc
Nguyên tắc “tôn quân quyền” tức là quyền lực nhà vua được đưa lên vị trí độc tôn, theo đó vua nắm tất cả các quyền hành. Tất cả mọi người phải phục tùng theo nhà vua, vua là “thiên tử”, ý vua là ý trời, vua nắm quyền cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người đứng đầu nhà nước không chia sẻ quyền lực cho bất cứ ai, nắm giữ địa vị độc tôn trong các mối quan hệ. Tôn quân quyền là đưa quyền cho bậc quân vương, cũng là tôn trọng tối đa vương quyền đó, quyền lực nhà vua nắm địa vị độc tôn. Vua là người nắm trọn vương quyền: là người duy nhất có quyền đặt ra luật pháp. Các chiếu chỉ của vua có giá trị pháp lý tối cao, các bộ luật được biên soạn trên cơ sở ý chí của vua. Vua đứng đầu nhà nước, điều hành hoạt động của bộ máy hành pháp từ trung ương đến địa phương, có quyền bổ nhiệm, khen thưởng hoặc trừng phạt các quan lại. Vua cũng là quan toà tối cao, có quyền quyết định trong các vụ xét xử và là người duy nhất có quyền ân xá cho phạm nhân. Không chỉ nắm vương quyền các nhà vua còn nắm giữ thần quyền: vua ban danh hiệu quốc sư, ban sắc phong cho các thần linh. Chỉ có vua mới có quyền tế trời, thần dân chỉ được thờ cúng tổ tiên và thần thánh. Ngoài ra, quyền lực của vua còn chi phối đến nhiều lĩnh vực cụ thể khác ví dụ như về kinh tế vua là người sở hữu tối cao với ruộng đất công của các làng xã. Hơn nữa vua còn được hưởng nhiều đặc quyền khác.
Dưới vua có bộ máy quan lại giúp việc cho vua cai quản với chức năng chính là chức năng tư vấn; chức năng phụ tá và thực thi quyền lực của vua.
2.3. Biểu hiện của nguyên tắc
Trải qua các triều đại, tính chất quân chủ ngày càng được tăng cường, đến thời Lê Sơ, Nguyễn được thể hiện rõ nét nhất. Nguyên tắc tôn quân quyền được thể hiện trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ chuyên chế từ thời Lê Thánh Tông tới triều Nguyễn mà đỉnh cao là hai cuộc cải cách của vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng.
Mô hình nhà nước thời Lê Thánh Tông đã trở thành mẫu mực cho những đời vua sau và các triều đại sau mô phỏng theo. nhằm tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay nhà vua theo nguyên tắc tôn quân quyền của nho giáo và tăng cường hiệu lực của bộ máy quan liêu, tăng cường hiệu quả quyền lực của hoàng đế. Lê Thánh Tông đã thực hiện cải tổ bằng việc loại bỏ bớt một số chức quan, cơ quan ở trung ương, thành lập các cơ quan giám sát, không tập trung quyền hành vào một cơ quan tránh cho việc lạm quyền, tiếm quyền. Theo đó, vua là người đứng đầu, các quan lại, cơ quan chỉ là cơ quan giúp việc cho vua. Ông bãi bỏ các chức quan và cơ quan trung gian giữa vua và các bộ phận thừa hành như thượng thư sảnh, trung thư sảnh….Lê Thánh Tông đã bãi bỏ chức tể tướng, trước đây tể tướng là người dưới một người trên muôn người, rất nhiều quyền hành, nay vua tự mình đứng ra điều khiển các quan, không thông qua tể tướng. Tương tự chức đại hành khiển đứng đầu quan văn cũng bị bãi bỏ. Ngoài ra Lê Thánh Tông còn bãi bỏ tam tư, chỉ còn lại tam thái, tam thiếu. Công thần dưới triều này không kiêm nhiệm các trọng trách lớn mà chỉ là những công thần không có thực quyền được hưởng phẩm cao, bổng hậu. Tiếp đó, Lê thánh tông lại tách sáu Bộ ra khỏi thượng thư sảnh, thành lập sáu cơ quan riêng, chịu trách nhiệm trực tiếp từ vua. Đặt thêm các chức danh, cơ quan giám sát. Ở địa phương chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên, thống nhất các đơn vị hành chính thành phủ, huyện, châu, xã. Ông trực tiếp điều hành ở mức tối cao nhiều công việc của triều đình. Ở mỗi xã đặt ra các chức xã trưởng, do dân bầu nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan cấp trên. Đồng thời cho phép làng xã lập hương ước nhưng phải qua sự kiểm duyệt của cơ quan nhà nước, cấp trên. Trong quân sự, vua bỏ quyền của thái úy trực tiếp điều khiển quân đội. Thái úy hiện nay chỉ còn giữ việc tuyển quân, luyện quân; quyền lực thực tế thuộc về nhà vua.
Cũng noi gương Lê Thánh Tông, cuộc cải cách của Minh Mạng thời Nguyễn, Nho giáo được đề cao đến mức cực đoan, đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí cản trở sự phát triển đất nước.
Việc áp dụng nguyên tắc “liên kết dòng họ” đã tạo nên sự hòa hợp giữa nhà vua và hoàng tộc, hoàng tộc với nhân dân... tạo nên tính cộng đồng lơn, tạo ra sức mạnh đoàn kết bảo vệ lãnh thổ nước ta trước thế lực phương Bắc. Từ đó ta thấy rằng mô hình nhà nước phong kiến Việt Nam có những điểm đặc trưng riêng biệt so với các nhà nước khác ở phương Đông cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, nguyên tắc này tiềm ẩn trong lòng mô hình nhà nước nguy cơ phân quyền, tiếm quyền cát cứ giữa các quý tộc, khi mà các vương hầu quý tộc được phong vương ban cấp ruộng đất có tiềm lực lớn mạnh về kinh tế - chính trị, quân sự thì sẽ không thuần phục nhà vưa nữa. Lúc này sẽ xuất hiện sự tranh giành quyền lực lẫn nhau. Hơn nữa, với đội ngũ quan lại chủ yếu là hoàng thân quốc thích sẽ không tạo ra được hệ thống quan lại có tài, có đức, từ đó sẽ làm cho đất nước dần lâm vào tình trạng suy thoái.
Việc áp dụng nguyên tắc “liên kết dòng họ” đã tạo nên sự hòa hợp giữa nhà vua và hoàng tộc, hoàng tộc với nhân dân... tạo nên tính cộng đồng lơn, tạo ra sức mạnh đoàn kết bảo vệ lãnh thổ nước ta trước thế lực phương Bắc. Từ đó ta thấy rằng mô hình nhà nước phong kiến Việt Nam có những điểm đặc trưng riêng biệt so với các nhà nước khác ở phương Đông cũng như trên thế giới.
Tuy nhiên, nguyên tắc này tiềm ẩn trong lòng mô hình nhà nước nguy cơ phân quyền, tiếm quyền cát cứ giữa các quý tộc, khi mà các vương hầu quý tộc được phong vương ban cấp ruộng đất có tiềm lực lớn mạnh về kinh tế - chính trị, quân sự thì sẽ không thuần phục nhà vưa nữa. Lúc này sẽ xuất hiện sự tranh giành quyền lực lẫn nhau. Hơn nữa, với đội ngũ quan lại chủ yếu là hoàng thân quốc thích sẽ không tạo ra được hệ thống quan lại có tài, có đức, từ đó sẽ làm cho đất nước dần lâm vào tình trạng suy thoái.
Về nguyên tắc tôn quân quyền: Nguyên tắc này đã giúp tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương dần hoàn thiện, phân chia nhiệm vụ rõ ràng, các quan lại, bộ máy nhà nước chỉ là bộ phận giúp việc cho vua, thừa hành mệnh lệnh của vua, do đó tránh được sự tiếm quyền của các cơ quan đó.
Tuy nhiên, do quyền lực của vua bao trùm bộ máy nhà nước nên sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, năng lực của họ. Thực tế lịch sử chứng minh rằng không phải vị vua nào cũng có đủ “tài” và “đức” để duy trì cơ cấu tổ chức nhà nước theo cách thức này. Khi Lê Thánh Tông qua đời, mô hình cai trị của ông không được phát huy, thậm chí bộc lộ nhiều bất cập: bộ máy cồng kềnh, quan liêu nặng nề, luật pháp không được tuân thủ nghiêm túc, quá trình tư hữu hoá phát triển mạnh. Có thể thấy vận dung tư tưởng “tôn quân quyền” tức là đã mang vận mệnh của cả dân tộc đặt cược trong tay một con người. Khi quyền lực tập trung quá nhiều vào tay vua, không thể tránh khỏi sự lạm quyền, lộng quyền, chuyên chế quá mức của nhà vua.
No comments:
Post a Comment