14/03/2015
Tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành Luật đề tài: Tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

CHƯƠNG I

KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TÌNH HÌNH VÀ ĐẶC ĐIỂM TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH TRONG THỜI GIAN QUA

1. Một số nét về đặc điểm địa bàn

Với diện tích 8.239,234km2, trong đó diện tích đất liền là 5938km2 còn lại là diện tích mặt nước biển, dân số 1.081.363 người gồm 21 dân tộc anh em cùng chung sống, Quảng Ninh là địa bàn có đặc điểm địa lý tự nhiên đa dạng, phong phú. Tỉnh có nhiều đồi núi (trong đó 4/5 diện tích tập trung ở phía Bắc và 1/5 diện tích ở phía Đông Nam thuộc đồng bằng Sông Hồng) đan xen đồng bằng; có biển và hơn 2 nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có 1030 đảo có tên (chiếm 2/3 đảo cả nước) và có nhiều thắng cảnh đẹp, thuận lợi để phát triển ngành du lịch. Đặc biệt trên địa bàn có trữ lượng than rất lớn và chất lượng tốt, thuận lợi phát triển ngành công nghiệp than. Toàn tình có 10 huyện, 3 thị xã (Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái) và thành phố Hạ Long (đô thị loại 2); có 132,8km đường biên giới trên bộ giáp với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc ở phía Bắc với nhiều cửa khẩu, trong đó có cửa khẩu quốc tế Móng Cái và một số cửa khẩu tiểu ngạch (điểm thông quan) như: Lục Lầm (Móng Cái), Bắc Phong Sinh (Hải Hà), Đồng Văn (Bình Liêu). Với khoảng 250km đường biên giới trên biển ở phía Đông và phía Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương bằng đường biển thông qua 3 cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu Cảng Hòn Gai, Cảng Cửa Ông và Cảng Vạn Gia; phía Tây giáp với Bắc Giang, Lạng Sơn; phía Đông giáp với Vịnh Bắc bộ; phía Tây Nam giáp với Hải Dương, Hải Phòng .


Do được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp thuận lợi để phát triển du lịch, có trữ lượng than lớn với chất lượng tốt tập trung ở Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, có điều kiện phát triển kinh tế cảng biển, kinh tế cửa khẩu, sau những năm đổi mới nền kinh tế tỉnh đã có nhiều sự chuyển biến rõ rệt. Hàng năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,75%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.108 tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 799 triệu USD; trong đó, tổng doanh thu ngành du lịch ước đạt 1.150 tỉ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp khai thác là 8.039 tỷ 735 triệu đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 1886 tỉ đồng. Sự tăng trưởng của kinh tế đã giúp cho đời sống nhân dân của các dân tộc trong tỉnh được cải thiện đáng kể, tỉ lệ hộ đói nghèo giảm còn 4% (tính đến hết năm 2005). Đặc biệt các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa được Nhà nước ưu tiên cho vay vốn, giúp họ có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Tuy vậy, mức sống cao tương đối ổn định chỉ tập trung ở các đô thị, dọc các đường quốc lộ, tỉnh lộ còn ở vùng sâu, vùng xa nền kinh tế còn phát triển manh mún, tản mạn nên thu nhập người dân còn thấp. Thời gian qua, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế nhưng xem xét trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy mức thu nhập bình quân tính theo đầu người còn thấp, sự phát triển của ngành nghề chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.  

Cùng với sự phát triển về kinh tế, trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vấn đề văn hoá xã hội cũng không ngừng được nâng cao. Hệ thống trường học được nâng cấp và đầu tư xây dựng với đội ngũ giáo viên đã, đang và sẽ ngày càng kiện toàn cả về số lượng và chất lượng nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.  

Mặc dù đã thu được những thành quả quan trọng về kinh tế xã hội; chính trị được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững nhưng còn nhiều thách thức đặt ra cho cấp uỷ, chính quyền và nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng như công tác điều tra tội phạm nói chung còn rất phức tạp.

2. Tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

2.1. Tình hình hoạt động của tội phạm nói chung

Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội tiêu cực, trái pháp luật hình sự, mang tính giai cấp và thay đổi theo quá trình lịch sử; được thể hiện một tổng hợp các tội phạm cụ thể đã xảy ra trong xã hội và trong một khoảng thời gian nhất định. 

Qua ghi nhận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm hình sự nói chung trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Hàng năm trung bình có 747 vụ án xâm phạm trật tự xã hội xảy ra. Diễn biến của tội phạm theo từng năm còn rất phức tạp, không đồng đều nhất là với những tội phạm như giết người vì nguyên nhân xã hội, giết người cướp tài sản, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản.   

Cũng theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, kể từ năm 2002 đến hết năm 2006 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 708 vụ trọng án hình sự. Phân tích số vụ trọng án hình sự đã xảy ra cho thấy, năm ít nhất xảy ra 124 vụ (năm 2002), năm nhiều nhất xảy ra 188 vụ, trung bình hằng năm xảy ra 141,6 vụ (xem bảng phụ lục 1). Nếu so sánh theo tỷ lệ với tổng số vụ án xâm phạm trật tự xã hội đã được khởi tố, điều tra, số vụ trọng án hình sự chiếm tỷ lệ 19% (708/3734). Đây là một tỷ lệ cao, với những vụ án rất phức tạp việc điều tra vụ án thường rất khó khăn, tốn kém về nhân lực, vật lực, gây ra hậu quả tiêu cực về nhiều mặt với đời sống xã hội.

Bảng 1: So sánh vụ trọng án với vụ án xâm phạm trật tự xã hội

Năm Trật tự xã hội
(1) Trọng án
(2) Tỷ lệ
(2/1)
2002 788 124 15,74 %
2003 637 130 20,4 %
2004 589 124 21 %
2005 738 142 19,24 %
2006 982 188 19,14 %
Tổng số 3734 708 19 %
(Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác năm các năm 2002, 2003 của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh và báo cáo tổng kết các năm 2004, 2005, 2006 của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh)

2.2. Tình hình của tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Bảng 2: So sánh tỉ lệ các vụ án hình sự giết người với các vụ án xâm phạm trật tự xã hội; các vụ trọng án hình sự
Năm Số vụ án giết người So sánh với các loại tội phạm khác
  Trật tự xã hội Trọng án hình sự
2002 31 3,93% 25%
2003 31 4,8% 23,8%
2004 24 4% 19,35%
2005 33 4,47% 23,23%
2006 29 2,95% 15,4%
Tổng số 148 3,96% 20,9%
(Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác năm các năm 2002, 2003 của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh và báo cáo tổng kết các năm 2004, 2005, 2006 của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh; báo cáo tổng kết công tác điều tra trọng án hình sự của Công an tỉnh Quảng Ninh các năm 2002, 2003, 2004, 2005, 2006)

Từ bảng số liệu nêu trên cho thấy, trong thời gian khảo sát đã có 148 vụ án hình sự giết người được khởi tố, điều tra trong tổng số các vụ trọng án hình sự. Như vậy, trung bình hàng năm số vụ án giết người xảy ra chiếm tỷ lệ 3,96% của các vụ án xâm phạm trật tự xã hội; chiếm tỷ lệ 20,9% của các vụ trọng án hình sự nói chung. Qua những chỉ số này có nhận xét, đây là tỷ lệ cao thứ hai trong các vụ trọng án hình sự đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, vì tỷ lệ cao nhất là các vụ án cướp tài sản với 287 vụ trong 05 năm chiếm tỷ lệ trung bình tương ứng là 7,6% và 40,5%. Tỷ lệ trung bình tương ứng của trọng án hình sự nói chung là 2,1% và 11%. 
So với số vụ án xâm phạm trật tự xã hội thì số vụ án giết người chiếm tỷ lệ nhỏ. Trung bình mỗi năm số vụ án giết người chiếm 3,96% trên tổng số vụ án xâm phạm trật tự xã hội. Như vậy, so với diễn biến của các loại tội phạm khác, tình hình tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong phạm vi khảo sát hàng năm ít biến động hơn so với diễn biến của tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội. Nếu so sánh tình hình tội phạm năm 2002 với tình hình tội phạm năm 2006 thì sau 05 năm số vụ án xâm phạm trật tự xã hội tăng 24,61% trong khi đó số vụ án giết người giảm 6,45%. Qua bảng thống kê trên, từ năm 2002- 2003 số vụ án xâm phạm trật tự xã hội giảm 151 vụ trong khi đó số vụ án giết người không giảm. Sang năm 2003- 2005 số vụ án giết người tỷ lệ với số vụ án xâm phạm trật tự xã hội, trong đó năm 2003- 2004 giảm 48 (giảm 7,5%) vụ án xâm phạm trật tự xã hội và số vụ án giết người giảm 7 (giảm 22,6%) vụ (mức giảm của số vụ án giết người nhiều hơn so với số vụ án xâm phạm trật tự xã hội); năm 2004- 2005 tăng 149 (tăng 25,3%) vụ án xâm phạm trật tự xã hội và tăng 9 (tăng 37,5%) vụ án giết người. Năm 2005- 2006 tăng 244 (tăng 33%) vụ án xâm phạm trật tự xã hội nhưng số vụ án giết người giảm 4 (giảm 12,12%) vụ. Qua đó ta thấy số vụ án xâm phạm trật tự xã hội tăng nhanh (2004- 2005 tăng 91 vụ, 2005- 2006 tăng 302 vụ) còn số vụ án giết người diễn biến phức tạp. Mặc dù vậy, đây là những vụ án gây tâm lý hoang mang, lo lắng cũng như thu hút sự quan tâm của nhân dân đối với quá trình điều tra vụ án. Bên cạnh đó, trong nhiều vụ án giết người, đối tượng gây án đã đồng thời phạm vào nhiều tội khác đặc biệt nghiêm trọng. 
Bảng 3: Phân loại tội phạm giết người
Năm Tổng số Phân theo mục đích
  Giết người Giết cướp Giết hiếp
2002 31 26 (83,9%) 4 (12,9%) 1 (3,2%)
2003 31 24 (77,4%) 7 (22,6%) 
2004 24 19 (79,2%) 5 (20,8%) 
2005 33 27 (81,8%) 6 (18,2%) 
2006 29 24 (82,8%) 4 (13,8%) 1 (3,4%)
Tổng số 148 121 (81,7%) 26 (17,6%) 2 (1,35%)
(Nguồn:Báo cáo tổng kết công tác năm các năm 2002, 2003 của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh và báo cáo tổng kết các năm 2004, 2005, 2006 của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh; báo cáo tổng kết công tác điều tra trọng án hình sự của Công an tỉnh Quảng Ninh các năm 2002, 2003, 2004, 2005, 2006)

Qua phân tích từ thống kê nêu trên thấy, cùng là hành vi xâm phạm tính mạng, tước bỏ mạng sống của con người, song như nhận xét ở trên tội phạm giết người được thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có những mục đích khác nhau khi gây án. Có 121 vụ (81%) số vụ án xảy ra không có mục đích tài sản mà vì những nguyên nhân xã hội như thù tức, tình ái, mâu thuẫn khác... Có 26 vụ (17,5%) giết người nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản mà chủ yếu là các vụ giết người cướp xe ôm, một số vụ giết hộ độc thân lục soát tài sản. Có 2 vụ (1,35%) hành vi giết người của đối tượng gây án gắn liền với hành vi hiếp dâm. Đối với mỗi loại vụ án giết người theo phân tích này có những đặc điểm khác nhau về đối tượng gây án, về địa bàn gây án, về thủ đoạn gây án và nhiều vấn đề khác cũng như đòi hỏi cách thức điều tra khác nhau.

3. Đặc điểm tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2002-2006

3.1. Dấu hiệu pháp lý đặc trưng

Trong Bộ luật hình sự 1999, tội giết người được quy định tại Điều 93 như sau:

 “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mười năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

Qua mô tả của điều luật, có thể nhận thấy tội phạm giết người nói chung có dấu hiệu pháp lý đặc trưng như sau: 

+ Tính nguy hiểm của hành vi do tội phạm giết người thực hiện luôn ở mức độ cao nhất trong các tội thuộc nhóm xâm phạm trật tự xã hội vì nó xâm phạm đến quyền được sống, tác động đến con người và tước đi sinh mạng của họ.

+ Tính có lỗi của tội phạm giết người thể hiện ở chỗ khi gây án, đối tượng phạm tội đều thực hiện với lỗi cố ý và phần lớn là cố ý trực tiếp. Đối tượng gây án hoàn toàn nhận thức được về hành vi của mình là nguy hiểm, có thể dẫn đến hoặc dẫn đến hậu quả chết người nhưng vẫn quyết định thực hiện hành vi gây án. 

+ Hành vi phạm tội của đối tượng gây ra các vụ án giết người thể hiện tính trái pháp luật  rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.  

+ Về mức độ hình phạt: đối với hành vi phạm giết người, đối tượng gây án tất nhiên sẽ phải chịu mức độ hình phạt rất nghiêm khắc, cao nhất là tử hình. 

3.2. Đặc điểm sự hình thành, phát triển và hoạt động của tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh 

Những đặc điểm chung:  

Thực tế cho thấy, tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có đặc điểm chung của tội phạm giết người nói chung. Điều đó được thể hiện ở các dấu hiệu sau đây: 

Thứ nhất, đối tượng gây án thường là nam giới. Trong các vụ án giết người vì mục đích tài sản, đối tượng thường có nhân thân xấu, gắn với các tệ nạn xã hội như nghiện hút ma tuý, hay đánh cờ bạc, sống thực dụng, chơi bời, tiêu pha quá độ; trong các vụ án giết người không vì mục đích tài sản, đối tượng thường có trình độ dân trí, văn hoá thấp, những mâu thuẫn nảy sinh dẫn đến việc gây án xuất phát từ đời sống kinh tế khó khăn, những bế tắc về tư tưởng... do đó, khi có tình huống xung đột xảy ra đối tượng thường không kiểm soát được bản thân nên đã dẫn đến gây án. Với những vụ án giết người hiếp dâm, khẳng định đối tượng có những khiếm khuyết nhất định về thể chất, tâm lý dẫn đến hành động bản năng, thú tính. 

Thứ hai, mục đích của đối tượng gây án. Thực ra việc xác định mục đích tài sản hay không tài sản trong vụ án giết người như nêu ở phần trên không phải là mục đích cuối cùng của tội phạm giết người dưới góc độ tội phạm học. Vì mục đích thoả mãn những nhu cầu thực tế nào đó nảy sinh dẫn đến việc đối tượng giết người để cướp tài sản, như: có tiền để sử dụng ma tuý thoả mãn cơn nghiện, chơi cờ bạc, chơi đề, chơi điện tử, chơi bi- a. Hoặc các đối tượng có khiếm khuyết về mặt tâm lý, thể chất đã có hành vi hiếp dâm khi nảy sinh những quá trình sinh học, tâm lý mang tính bản năng mà bản thân đối tượng không tư kiểm soát được. Trong một số vụ giết người vì nguyên nhân xã hội khác, việc tước bỏ sinh mạng của nạn nhân nhằm thoả mãn những sự thù tức, căm giận của đối tượng với người bị hại... Tóm lại, mục đích này rất phong phú. Tuy nhiên, trong một số vụ án, mục đích gây án không xuất hiện đó là những trường hợp đối tượng gây án giết người mang tính chất bột phát, tức thì hoặc đối tượng giết người với trạng thái lỗi cố ý gián tiếp. 

Thứ ba, về thủ đoạn gây án. Các đối tượng nói chung thường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi gây án nếu mục đích gây án hướng đến việc chiếm đoạt tài sản, hay để giải quyết những mâu thuẫn thù tức âm ỷ kéo dài, gay gắt. Trong trường hợp bột phát tức thì hoặc giết người hiếp dâm, đối tượng thường không có sự chuẩn bị trước. Ví dụ, do cùng đi qua một chiếc cầu va chạm và ngã xuống suối, Trần Văn Sự đã mâu thuẫn với chị Nguyễn Thị Mai. Sự đã dìm chị Mai xuống suối cho đến chết sau đó tiếp tục thực hiện hành vi hiếp nạn nhân (vụ án xảy ra tháng 8 năm 2003, tại phường Bắc Sơn, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) . Cũng thuộc về thủ đoạn gây án, sau khi thực hiện tội phạm đối tượng gây án thường có hành vi che giấu tội phạm, trốn tránh cơ quan pháp luật, quay lưng lại với xã hội, cộng đồng. Một số đối tượng có xu hướng ban đầu lo sợ, ăn năn nhưng nếu không được động viên ra đầu thú hoặc bắt giữ kịp thời thì ngày càng lì lợm, manh động hơn. 

Thứ tư, về phương tiện gây án và hành vi gây án. Trong các vụ án giết người có mục đích trước đối tượng thường có sự chuẩn bị kỹ càng về phương tiện gây án. Những phương tiện đó thường là dao, kiếm, búa, súng (rất ít). Khi tiếp cận nạn nhân, đối tượng thường tấn công với cường độ mạnh mẽ, kiên quyết thực hiện tội phạm đến cùng. Như trong vụ Phạm Xuân Thành giết vợ là Bùi Thị Hạnh: chiều ngày 19 tháng 10 năm 2004 do mâu thuẫn vợ chồng sau khi ly hôn, Phạm Xuân Thành đã đột nhập vào nhà của chị Bùi Thị Hạnh mang theo một dao phay dài 18cm đâm chém tới tấp vào người chị Hạnh hàng chục nhát dẫn đến việc nạn nhân tử vong tại chỗ do sốc, mất máu đa chấn thương. Sau đó đối tượng Thành tự sát nhưng không chết.  Trong những vụ án giết người không có mục đích trước, công cụ, phương tiện gây án là bất kể đồ vật gì mà khi thực hiện hành vi phạm tội đối tượng gây án cho rằng có thể sử dụng làm vũ khí. Hành vi tấn công ở những vụ án này thường cũng rất quyết liệt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nạn nhân chết hay không đối tượng gây án không chú ý, hay trong vụ án Phạm Văn Cường và đồng bọn giết anh Vũ Hữu Tình tối ngày 08 tháng 06 năm 2005 tại phường Cẩm Trung thị xã Cầm Phả.  Trong vụ án này lợi dụng tối trời đối tượng gây án đã sử dụng kiếm chém nhiều nhát vào vùng đầu, cổ nạn nhân sau đó bỏ chạy, bỏ mặc nạn nhân tại hiện trường. Do bị đứt động mạch, sốc, mất máu nạn nhân chết ngay sau đó. 

Thứ năm, về thời gian và địa điểm gây án. Việc xác định trước về thời gian và địa điểm gây án thường xảy ra trong vụ án giết người có mục đích định sẵn như nêu trên, nhiều khi đây là vấn đề được đối tượng gây án lựa chọn rất công phu. Trong vụ án ông Nguyễn Văn Thắng, quản đốc phân xưởng công ty than Đèo Nai Cẩm Phả bị giết, đối tượng gây án đã sử dụng một dao rựa sắc, phục sẵn tại cổng nhà riêng của ông Thắng (Phường Cao Sơn thị xã Cẩm Phả). Khi nạn nhân vừa bước ra khỏi cổng để đi làm ca 3 thì bị thủ phạm sát hại ngay.  Ở đây đối tượng vừa lựa chọn địa điểm, vừa lựa chọn thời gian mà theo các Điều tra viên có nhiều kinh nghiệm là khá kỹ lưỡng. Yếu tố thời gian, địa điểm không phải là yếu tố được định sẵn trong các vụ án không có mục đích định trước, loại trừ các vụ án giết hiếp đối tượng thường bột phát gây án ở các khu vực hẻo lánh, ít người. 

Những đặc điểm riêng:

Bên cạnh những đặc điểm chung như nêu trên, tội phạm gây ra các vụ giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn có các đặc điểm riêng, những đặc điểm này hình thành từ các đặc điểm của địa bàn tỉnh như phân tích ở trên. Khảo sát thực tế thấy có một số đặc điểm riêng cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, về đối tượng gây án: 

+ Trong tất cả các vụ án giết người, cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đối tượng gây án đều vướng mắc vào các tệ nạn xã hội, hầu hết là nam giới; ở lứa tuổi mới thành niên và gần thành niên, đa số đều xuất thân trong những gia đình có vướng mắc ở quan hệ hôn nhân giữa cha và mẹ hoặc do cha mẹ mải làm ăn bỏ mặc không giáo dục. Quá trình điều tra một loạt các vụ án giết người cướp xe máy trong tháng 11 năm 2004 trên địa bàn Uông Bí cho thấy rõ điều này. 06 đối tượng trong vụ án này đều vướng mắc đến tệ nạn xã hội ở những góc độ khác nhau, 03 trong số 06 đối tượng là xuất thân trong những gia đình không bình thường về hôn nhân (không rõ cha là ai, cha mẹ bỏ nhau, cha chết). Chính vì vậy, các đối tượng đã tụ tập với nhau rất nhanh chóng, manh động và liều lĩnh trong gây án. Hoặc vụ Nguyễn Văn Linh giết bác ruột ở phường Cẩm Tây thị xã Cẩm Phả cướp tài sản là một ví dụ khác. Trong vụ án này do thiếu tiền chơi Internet, Linh đã vào nhà bác ruột ở độc thân định trộm cắp. Khi bị bác vô tình phát hiện được, Linh đã nảy sinh ý định giết bác để che giấu hành vi ăn cắp. Kết quả nạn nhân đã bị sát hại rất dã man. 

+ Trong các vụ án giết người do mâu thuẫn thù tức từ trước giữa đối tượng và nạn nhân thường có mối quan hệ trước đó là khá tốt như: làm ăn chung, bạn bè, đã từng là vợ chồng, là hàng xóm... Nhưng do các lý do khác nhau dẫn đến những mối quan hệ này bị rạn vỡ và nảy sinh mâu thuẫn, từ đó dẫn tới vụ án. Vụ án Phạm Xuân Thành giết vợ nêu trên là một dẫn chứng. Hoặc vụ án Nguyễn Văn Sơn và Phạm Thị Hạnh giết người tại nhà hàng Thanh Phương phường Bãi Cháy- TP Hạ Long tháng 08 năm 2005. Trong vụ án này, Phạm Thị Hạnh là nhân viên tiếp thị của hãng rượu CHIVAS đã có quan hệ tình ái với anh Xuyên chủ nhà hàng này. Do bị mọi người can ngăn, anh Xuyên đã ruồng rẫy và không cho Hạnh tiếp tục tiếp thị ở đây. Vì căm tức Xuyên, Hạnh đã kể chuyện này với Nguyễn Văn Sơn người yêu Hạnh và nhờ Sơn trả thù. Sau khi bàn bạc, cả hai đi mua 2kg đinh loại 5cm mang về nhà Sơn. Cùng với thuốc mìn có sẵn, Sơn đã chế tạo một quả mìn, sau đó cả hai thuê xe ôm đi đến bưu điện phường Giếng Đáy, tại đây lại thuê xe ôm không quen biết nhờ đưa túi quà trong có quả mìn cho Xuyên. Khi xe ôm xuất phát cả hai đi theo để quan sát. Đến khi mìn nổ lại thản nhiên đi về.  Ngoài những ví dụ nêu trên, tội phạm giết người xảy ra tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh Quảng Ninh do lạc hậu, mê tín cũng có những đặc điểm như vậy. 

+ Trong các vụ án giết người không có mục đích chiếm đoạt tài sản, thù tức từ trước đối tượng gây án thường là người có trình độ văn hoá thấp, lao động phổ thông, lệch chuẩn về tâm lý, nơi các đối tượng cư trú thường là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những vùng khó khăn về kinh tế (đặc biệt đối tượng giết người hiếp dâm). Vụ án chị Nguyễn Thị Mai bị giết hiếp là một ví dụ. Trong vụ án này Trần Văn Sự là lao động phổ thông tự do, mới học hết lớp 5, giữa Sự và vợ đang sống ly thân. Nơi Sự ở là một đơn vị hành chính cấp phường nhưng kinh tế còn hết sức khó khăn được xác định là khu vực vùng cao của địa phương.

+ Trong các vụ án giết, cướp đối tượng gây án hầu hết là người Quảng Ninh với tỷ lệ 97%; ở các vụ án giết người do thù tức tình trạng cũng tương tự. Trong các vụ án giết người do mâu thuẫn bột phát xuất hiện một số đối tượng là người lao động tỉnh ngoài đến Quảng Ninh làm thuê thường tập trung ở hai khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả (làm than) và thị xã Móng Cái (làm bốc vác). 

Thứ hai, mục đích gây án:

+ Trong các vụ giết người cướp tài sản vì bản thân là con nghiện nên mục đích cuối cùng mà đối tượng gây án muốn đạt được là nhằm để sử dụng trái phép chất ma tuý thoả mãn cơn nghiện. Việc giết người, cướp tài sản được xác định là cách thức kiếm tiền để thoả mãn mục đích đó. Không có trường hợp tội phạm giết người chiếm đoạt tài sản nhằm mục đích khác như để làm giàu, để mua sắm các đồ vật đắt tiền... 

+ Trong các vụ án không hướng đến chiếm đoạt tài sản, số vụ án có mục đích cụ thể, như vụ án Nguyễn Văn Sơn và Phạm Thị Hạnh giết người nêu trên chiếm tỷ lệ không cao (khoảng 25%). Còn lại hầu hết các vụ án giết người xảy ra do bột phát thì không có mục đích rõ ràng cụ thể.

+ Ở một số vụ án giết người xảy ra tại khu vực miền núi trong vùng đồng bào dân tộc ít người do mê tín dị đoan, việc đối tượng gây án giết người nhằm mục đích mà theo họ là để đem lại điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng (để trừ ma tà). Vụ án anh Chíu Văn Phương dân tộc Dao bị giết ngay tại nhà (Xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) là một ví dụ điển hình. Các đối tượng gây án cho rằng anh Phương bị ma nhập nên đã gây ra nhiều điều không tốt cho dân bản như gà chết, trâu chết, nhà nào có đám cưới đang nấu cơm Phương đến thì cơm khê... Để “trừ hoạ”, việc giết Phương được bàn bạc và thực hiện đến cùng. 

Thứ ba, thủ đoạn gây án:

+ Trong các vụ án có mục đích trước như giết cướp, giết vì thù tức ở giai đoạn chuẩn bị đối tượng thường lựa chọn trước thời gian địa điểm gây án; vạch kế hoạch thực hiện khá tỉ mỉ, chuẩn bị các điều kiện về công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm. Điển hình như vụ án Nguyễn Văn Sơn và Phạm Thị Hạnh hoặc trong vụ án ông Nguyễn Văn Thắng bị giết. Trong các vụ án này rõ ràng đối tượng gây án đã chuẩn bị rất kỹ, vạch kế hoạch gây án chính xác đến những chi tiết nhỏ. Lựa chọn thời điểm gây án rất phù hợp do điều tra kỹ về nạn nhân. Việc thực hiện hành vi gây án trong các vụ án này cũng rất nhanh chóng, quyết liệt, bất ngờ do đã được chuẩn bị kỹ. Vì thế, hầu hết các nạn nhân tử vong, cá biệt có trường hợp còn sống sót nhờ những sự kiện ngẫu nhiên, hết sức may mắn. Ví dụ, anh Hoàng Công Sơn làm nghề chạy xe ôm ở bến phà Bãi Cháy, ngày 08 tháng 10 năm 2005 đã được một đối tượng thuê trở vào trong xã Lê Lợi huyện Hoành Bồ. Khi đến đoạn đường đồi vắng, đối tượng lừa cho anh Sơn dừng xe, tiếp đó sử dụng dao bầu đâm anh Sơn nhiều nhát vào người. Trong lúc anh Sơn đã tuyệt vọng thì hành vi của đối tượng bị ngăn lại bởi một người đi làm rừng vô tình nhìn thấy và tấn công đối tượng.  Trường hợp này việc xuất hiện của người thứ ba là ngẫu nhiên, may mắn. 

+ Sau khi gây án, kẻ thực hiện hành vi phạm tội thường nhanh chóng lẩn trốn thay đổi tên tuổi, quê quán, tiêu huỷ chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội của mình. Địa bàn lẩn trốn của các đối tượng trong thực tế thường là vào các tỉnh phía Nam hoặc đi theo các đoàn tàu đánh cá trên Vịnh Bắc Bộ. Địa bàn lẩn trốn thứ ba là Trung Quốc. Trong vụ án Nguyễn Văn Linh giết bác ruột nêu trên, ngay trong đêm gây án Linh đã bắt xe lẩn trốn vào thành phố Biên Hoà tỉnh Đồng Nai. Tại đây Linh khai tên khác và tiếp tục làm lao động tự do cho đến khi bị bắt. Trong vụ án Bùi Hải Âu cùng đồng bọn giết anh Nguyễn Văn Chiến tháng 10 năm 2002 tại xã Vạn Ninh thị xã Móng Cái, sau khi gây án Âu bỏ trốn sang Trung Quốc, việc bắt giữ Âu phải nhờ sự giúp đỡ của công an Trung Quốc.  Trong vụ án Trịnh Văn Tý giết người, hiếp dâm tại xã Quảng Đức huyện Quảng Hà  và trong vụ án Trần Văn Sự giết hiếp chị Nguyễn Thị Mai, sau khi gây án các đối tượng đều bỏ trốn rồi xin đi làm thuê trên tàu đánh cá của ngư dân trên Vịnh Bắc Bộ. 

Thứ tư, công cụ, phương tiện và cách thức gây án: 

+ Trong các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khảo sát cho thấy phương tiện mà đối tượng sử dụng trong quá trình gây án bao gồm loại sau vũ khí quân dụng: súng, mìn, lê; các vũ khí tự tạo như kiếm, dao, các hung khí tự chế khác. 

+ Cách thức gây án của đối tượng như phần nào đã đề cập ở trên là rất nhanh chóng, bất ngờ, chính xác. Việc đó do ý trí gây án của đối tượng đã được xác định, lựa chọn trước, kế hoạch gây án đã được chuẩn bị và điều rất quan trọng trong đó là đã có chuẩn bị trước về công cụ gây án. Các dẫn chứng về những vụ án nêu trên đã chỉ rõ điều này. Trong những vụ án do mâu thuẫn tức thì, bột phát, thường cách thức gây án và công cụ phương tiện gây án có sự khác biệt nhất định. Vụ án Lê Văn Nguyên giết người ngày 31 tháng 08 năm 2006 là một ví dụ. Sau khi ngồi uống rượu cùng Thiện, Yên trong lán của xí nghiệp than Khe Sim thuộc thị xã Cẩm Phả, Nguyên có việc đi ra khỏi lán. Khi quay trở về trong tình trạng vừa uống rượu, phát hiện thấy mình bị mất một chiếc can nhựa 20lít, Nguyên đi tìm thấy chiếc can giấu ngay sau lán. Nghi ngờ Thiện và Yên lấy can giấu đi, Nguyên lấy một chiếc cán xẻng bằng gỗ vụt nhiều nhát vào người anh Thiện, anh Yên vào can cũng bị Nguyên vụt hai nhát vào người. Sau khi gây án Nguyên đã bỏ đi. Kết 
quả anh Thiện bị tử vong.  Ở vụ án này, cách thức gây án cũng xuất phát từ suy nghĩ bột phát trong tình trạng đã uống rượu nên khá đơn giản, công cụ gây án tuỳ nghi nhưng hậu quả vụ án vẫn xảy ra. Trong nhiều vụ án khác tình trạng cũng tương tự.

Thứ năm, đặc điểm về người bị hại trong các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh:

+ Trong các vụ án giết người cướp tài sản người bị hại hầu hết là người hành nghề xe ôm hoặc lái xe taxi hoặc là người sống độc thân (hộ độc thân). Điều đó được chứng minh bằng việc các vụ giết người cướp tài sản xảy ra ngoài nơi ở của công dân chỉ nhằm vào đối tượng chạy xe ôm chở khách và lái xe taxi. Các vụ giết người cướp tài sản xảy ra tại nơi ở của công dân chỉ nhằm vào những người sống một mình (độc thân) hoặc cá biệt gia đình ở một khu vực riêng biệt. Trong 26 vụ giết người cướp tài sản đã xảy ra được khảo sát có 20 vụ xảy ra ngoài nơi ở của công dân, 06 vụ xảy ra tại nhà riêng. Có 19 vụ người bị hại hành nghề xe ôm, 01 vụ hành nghề lái xe taxi, 06 vụ là người sống độc thân. 

+ Trong các vụ án giết người vì lý do thù tức từ trước hoặc vì mục đích khác giữa người bị hại và nạn nhân thường có mối quan hệ thân thích, quen biết từ trước. Ở một số vụ án, người bị hại trước đó cũng đã có những sai phạm nhất định, thậm chí có lỗi đối với đối tượng gây án. Một số dẫn chứng về những vụ án này ở trên đã làm rõ nhận xét này. 

+ Trong các vụ án giết người do mâu thuẫn bột phát tức thì, người bị hại thường cũng có lỗi và là nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn bột phát này. Vụ án Đặng Toàn Tâm giết anh Nguyễn Văn Bốn ngày 03 tháng 01 năm 2006 tại khu vực chợ 3 phường Trần Phú thị xã Móng Cái là một ví dụ chứng minh cho nhận định trên. Do mâu thuẫn trong việc đánh phỏm ăn tiền (đánh bạc) giữa Tâm và Bốn, Bốn đã đấm vào mặt Tâm nhiều nhát, bị đau Tâm đã tìm dao bầu đâm anh Bốn chết.  Trong các vụ án giết người hiếp dâm, cùng với yếu tố địa bàn vắng vẻ, hẻo lánh người bị hại thường không tự bảo vệ được mình do còn nhỏ tuổi hoặc quá sợ hãi đối tượng. Vụ án Trịnh Văn Tý hiếp Trưởng Nhì Múi 11 tuổi hoặc Nguyễn Thị Huệ 17 tuổi bị giết hiếp trong rừng xã An Sinh huyện Đông Triều tháng 3 năm 2005 cho thấy rõ điều đó. 

4. Mối quan hệ của tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với các loại tội phạm hình sự khác

Trước hết tội phạm giết người thường có quan hệ với tội phạm cờ bạc, số đề, tội phạm mua bán trái phép chất ma tuý và tuyên truyền văn hoá phẩm đồi truỵ. Mối liên kết nêu trên nảy sinh từ khi tội phạm giết người có sự lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, giai đoạn tiền đề để trở thành tội phạm thực sự. Từ những ham thích cờ bạc, số đề, sa ngã vào ma tuý hoặc tìm thấy cảm giác lạ qua phim ảnh đồi truỵ đã khiến cho các đối tượng này tự bước chân đến với hành vi phạm tội. Như đã đề cập, để thoả mãn các nhu cầu này, thoả mãn lối sống hưởng thụ, thực dụng, con đường dẫn đến tội phạm khi điều kiện và tình huống xuất hiện dường như là một hệ quả tất yếu.  

Mặt khác, tội phạm giết người còn có quan hệ với các đối tượng có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: che giấu, không tố giác tội phạm… Với đối tượng tiêu thụ, trong các vụ án hình sự có chiếm đoạt tài sản, khi thực hiện xong vụ án đối tượng gây án phải tìm đến đối tượng tiêu thụ một cách nhanh chóng nếu tài sản chiếm đoạt được không phải là tiền. Trong một phạm vi nào đó, dạng đối tượng tiêu thụ cũng là điểm đỡ tinh thần cho đối tượng gây án. Sự xuất hiện của đối tượng che giấu, không tố giác tội phạm và mối quan hệ với tội phạm gây ra vụ án giết người có đặc điểm riêng biệt. Những đối tượng che giấu, không tố giác thường có quan hệ từ trước với đối tượng gây án trong những trường hợp này. Vì nhận thức pháp luật thấp, vì vị nể tình cảm hoặc vì một động cơ cá nhân nào đó, thay cho việc phải cung cấp cho cơ quan có trách nhiệm biết về những gì mà mình đã nắm được hoặc khuyên bảo đối tượng gây án ra đầu thú, tự thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, những đối tượng này lại im lặng hay giúp đỡ tạo điều kiện cho đối tượng gây án chạy trốn. Xuất phát từ đặc điểm tâm lý xã hội và ý thức truyền thống của quần chúng nhân dân, xuất phát từ lý do nhân đạo và sự khoan hồng, không phải với hành vi nào, với ai không tố giác tội phạm hoặc che giấu tội phạm đều phải bị xử lý bằng pháp luật. Hai tội phạm này được quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự (Tội che giấu tội phạm) và Điều 314 Bộ luật Hình sự (Tội không tố giác tội phạm). Hiện nay, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 diện đối tượng cần điều chỉnh bằng các điều luật này đã có sự quy định hẹp hơn so với trước đây. Tại khoản 2 Điều 314 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định: "Người không tố giác là ông, bà, cha mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về việc không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại khoản 1 điều này". Đây là những quy định mà Bộ luật hình sự năm 1985 chưa có, việc quy định như vậy đã thể hiện tính nhân đạo sâu sắc trong pháp luật hình sự của Nhà nước ta nhưng cũng đặt ra những khó khăn với công tác điều tra loại tội phạm này.

Việc tìm hiểu và xác định mối quan hệ giữa tội phạm giết người với các loại tội phạm hình sự khác có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phòng ngừa cũng như điều tra khám phá tội phạm này.

CHƯƠNG II
THỰC TRẠNG ĐIỀU TRA TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI CỦA CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA CÔNG AN TỈNH QUẢNG NINH

1. Kết quả công tác điều tra khám phá tội phạm giết người năm 2002-2006
Bảng 4: Kết quả điều tra làm rõ tội phạm giết người.
Năm Số vụ Kết quả điều tra làm rõ
  Số vụ Đối tượng Tỷ lệ
2002 31 30 33 95,97%
2003 31 29 38 93.85%
2004 24 23 36 95,16%
2005 33 30 39 90,24%
2006 29 27 43 92,02%
Tổng số 148 139 189 93,91%
(Nguồn: Báo cáo tổng kết điều tra trọng án của Công an tỉnh Quảng Ninh các năm từ 2002 đến 2006.)

Từ bảng thống kê trên cho thấy, trong 05 năm khảo sát còn 09 vụ án giết người chưa được làm rõ. Mặc dù không thể phủ nhận được những kết quả rất tích cực mà công tác điều tra tội phạm giết người do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành cụ thể là tỷ lệ điều tra khám phá khá cao, nhiều đối tượng gây án đã được làm rõ và phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc trước pháp luật. Qua công tác điều tra tội phạm giết người đã rút được những vấn đề quan trọng có ý nghĩa trong phòng ngừa đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian tới cũng như với tội phạm nói chung. Kết quả đó góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ An ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Tuy nhiên, còn 09 vụ án giết người chưa được làm rõ, trong đó có cả các vụ giết người cướp tài sản, giết người hiếp dâm là một thực tế cần được xem xét. Vụ án cháu Nguyễn Thị Huệ bị hiếp giết qua nghiên cứu hồ sơ thấy được tiến hành điều tra rất công phu, nhưng đến nay vẫn đang bế tắc. 
Vụ bà Nguyễn Thị Đàm bị giết, cướp tài sản tại thị xã Móng Cái, tháng 03 năm 2005  hay trong vụ ông Nguyễn Văn Thắng bị sát hại tại cổng nhà riêng ở Phường Cao Sơn thị xã Cẩm Phả là những thực tế của tồn tại trong công tác điều tra tội phạm giết người của Công an tỉnh Quảng Ninh. Nhiều Điều tra viên có kinh nghiệm cho rằng đây là những khó khăn thực tiễn do khách quan mang lại nhưng cũng một phần từ nguyên nhân chủ quan. 

Qua đó có thể đưa ra dự báo về tình hình tội phạm giết người trong thời gian tới như sau:

- Số vụ án giết người xảy ra trên đia bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới sẽ không giảm mà một số những yếu tố xã hội sẽ làm gia tăng cả về số lượng các vụ án giết người cũng như tính nguy hiểm ngày càng lớn của nó. Số vụ án giết người do nguyên nhân xã hội ngày càng tăng do sự gia tăng mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, chủ yếu những mâu thuẫn nảy sinh trong sinh hoạt hàng ngày, trong cách ứng xử giữa người dân với nhau…

- Đối tượng gây án: nổi lên số đối tượng chưa có tiền án tiền sự; số đối tượng trong lứa tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên gia tăng.

- Phương tiện và cách thức thực hiện hành vi: vẫn chủ yếu sử dụng dao, mã tấu, gậy, thuốc nổ với cách thức ngày càng tinh vi xảo quyệt và có thể dựng hiện trường giả, tiêu huỷ xác nạn nhân để huỷ chứng cứ.

- Địa bàn phạm tội vẫn tập trung ở các đô thị, khu cửa khẩu thương mại, dịch vụ, các đầu mối giao thông như thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều.

2. Công tác tổ chức hoạt động điều tra 

2.1. Cơ cấu lực lượng tham gia điều tra

Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, cơ cấu lực lượng điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, Pháp lệnh sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004, các văn bản quy phạm pháp luật khác hướng dẫn thi hành hai văn bản nêu trên. Trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2004 trở về năm 2002 công tác tổ chức điều tra tội phạm giết người được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 1989. Tuy hệ thống Cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân có thay đổi về mô hình tổ chức sau khi Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 có hiệu lực nhưng về cơ bản, cơ cấu lực lượng điều tra tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra trong Công an tỉnh Quảng Ninh chỉ có sự dịch chuyển chứ không có sự xáo trộn, thay đổi lớn. Bên cạnh đó, hoạt động điều tra còn được tổ chức cho phù hợp với đặc điểm địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Về lực lượng điều tra chuyên trách:  

Hiện tại, lực lượng điều tra chuyên trách tội phạm giết người ở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh là Đội điều tra trọng án thuộc phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (theo pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 1989 đội này thuộc Phòng Cảnh sát điều tra) với biên chế 12 cán bộ, chiếm tỷ lệ 23% (12/52).  Nhìn chung, đây là bộ phận được lựa chọn trong Cơ quan điều tra Công an tỉnh theo tiêu chí trẻ, khoẻ, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt. Tổ chức của đội điều tra trọng án gồm có Ban chỉ huy đội với một đội trưởng, hai đội phó; các Điều tra viên. Về trình độ chuyên môn: Đội có 01 Thạc sĩ Luật, 11 Cử nhân luật, Điều tra viên trung cấp 01, Điều tra viên sơ cấp 08, số chưa bổ nhiệm Điều tra viên 03; độ tuổi bình quân là 31. Khi có vụ án giết người xảy ra, về nguyên tắc Đội sẽ chủ trì công tác điều tra bắt đầu từ hiện trường vì trong vụ án giết người, ở giai đoạn điều tra, nhất là điều tra ban đầu, rất khó xác định thẩm quyền tiến hành tố tụng với vụ án.

Các chủ thể khác tham gia hoạt động điều tra:

Bên cạnh lực lượng điều tra chuyên trách nêu trên, trong hoạt động điều tra tội phạm giết người tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn có các chủ thể khác tham gia như:

Lực lượng điều tra (hệ trật tự xã hội) thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 13 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng Công an khác thuộc các địa phương này. Đây là lực lượng tại chỗ, mặc dù không phải là chủ thể chính của công tác điều tra nhưng có vai trò và những đóng góp rất quan trọng đến hoạt động điều tra.

Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh là một chủ thể tham gia một số hoạt động điều tra khi vụ án xảy ra tại địa bàn biên giới, biển đảo. Trên toàn tỉnh Quảng Ninh có 18 đồn biên phòng, trong đó 08 đồn trên biển (đồn 4, 6, 10, 16, 20, 24, đồn cảng cửa khẩu Hòn Gai, đồn cảng cửa khẩu Cửa Ông) và 10 đồn trên đất liền (đồn 3, 5, 7, 11, 15, 19, 23…)

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Kiểm sát viên tham gia điều tra với vai trò kiểm sát tư pháp, thực hành quyền công tố. Thực tiễn cho thấy, những đóng góp với hoạt động điều tra tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các kiểm sát viên là rất quan trọng. Nó giúp cho quá trình điều tra vụ án đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Các chủ thể khác hỗ trợ hoạt động điều tra

Đây là các cơ quan và những người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 gồm có các cơ quan giám định tư pháp và giám định viên, cơ quan giám định pháp y và các giám định viên pháp y. Thực tế cho thấy, các cơ quan giám định và các giám định viên thuộc các cơ quan này đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc phát hiện thu thập những chứng cứ chứng minh tội phạm giết người và người thực hiện hành vi phạm tội. Hoạt động của những chủ thể nêu trên luôn tuân theo quy định của pháp luật, dưới sự chủ trì của Cơ quan điều tra, Điều tra viên. Các kết luận của cơ quan giám định và giám định viên đảm bảo tính khách quan, độc lập. Trong hệ thống chủ thể này thường xuyên tham gia vào hoạt động điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, trong điều tra án giết người có nhóm kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh và trung tâm giám định pháp y tỉnh…

Mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra chuyên trách và các chủ thể khác tham gia điều tra.

Đây cũng là một trong những trọng tâm của công tác tổ chức hoạt động điều tra. Việc khảo sát thực tế cho thấy về cơ bản mối quan hệ này đảm bảo cả về hình thức và nội dung, nên đã có những đóng góp tích cực góp phần nâng cao tỷ lệ điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Sự phối hợp bao gồm giữa lực lượng điều tra chuyên trách với các lực lượng khác trong ngành Công an tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, một mối quan hệ phối hợp khác là quan hệ giữa lực lượng điều tra chuyên trách với lực lượng khác ngoài ngành Công an như nêu trên gồm có Bộ đội biên phòng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh. Trong một số vụ án cụ thể còn nảy sinh cả yêu cầu thực hiện hợp tác quốc tế giữa Công an tỉnh Quảng Ninh với Công an tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.

Có thể đưa ra một nhận xét chung về cơ bản công tác tổ chức hoạt động điều tra với các nội dung cụ thể nêu trên trong điều tra tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ở một số vụ án vấn đề tổ chức hoạt động điều tra đã bộc lộ những thiếu sót, tạo ra các vướng mắc. Kết quả dẫn đến nhiều vụ án còn tồn đọng không được giải quyết triệt để gây nhức nhối trong dư luận. Mới đây nhất như vụ án chị Nguyễn Thị Duân và con bị sát hại tại huyện Vân Đồn vào tháng 9 năm 2006.  Quá trình điều tra vụ án đã xác định được đối tượng nghi vấn. Tuy nhiên, do công tác tổ chức điều tra lỏng lẻo, bị lôi cuốn vào những vụ việc khác đã dẫn đến việc đối tượng nghi vấn không được tập trung đấu tranh, đã gây ra một vụ án mạng khác cũng đặc biệt nghiêm trọng và bị quần chúng nhân dân bắt giữ, sau đó mới làm rõ được thủ phạm sát hại mẹ con chị Nguyễn Thị Duân. 

2.2. Trang thiết bị, kinh phí phục vụ hoạt động điều tra

Điều tra tội phạm giết người không chỉ đòi hỏi sự đầu tư về nhân lực mà còn đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về vật lực. Đặc biệt với một địa bàn rộng, hiểm trở ở nhiều vùng  như tỉnh Quảng Ninh, đòi hỏi sự đầu tư về vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác điều tra tội phạm nói chung, điều tra tội phạm giết người nói riêng còn bức xúc hơn. Qua khảo sát thực tế thấy vấn đề đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho công tác điều tra, đặc biệt là hoạt động điều tra trọng án trong đó có tội phạm giết người luôn nhận được sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh, của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Ghi nhận thực tế thấy hiện tại Công an tỉnh đã đầu tư 03 xe chuyên dụng phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường, 03 xe chuyên dụng phục vụ công tác chuyên chở đối tượng bị bắt giữ (ở cấp tỉnh). Một số các thiết bị kỹ thuật hình sự mới đã được đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động kỹ thuật hình sự, khám nghiệm tử thi và giám định pháp y tử thi. 

Tuy nhiên, so với những yêu cầu của hoạt động điều tra tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng, trang thiết bị và kinh phí phục vụ điều tra vẫn chưa đáp ứng được một cách đầy đủ yêu cầu thực tế, điều đó vượt khỏi khả năng của địa phương. Đơn cử hàng năm có hàng trăm vụ cần phải giám định hoá sinh nhằm xác định độc tố để kết luận nguyên nhân chết. Với yêu cầu giám định này, các cơ quan giám định của tỉnh Quảng Ninh không thể trả lời được, do vậy việc giám định lại phải phụ thuộc vào cơ quan giám định Trung ương. Vấn đề đặt ra là không phải những khó khăn về yếu tố con người mà khó khăn về thiết bị. Nếu được quan tâm hơn, các cơ quan giám định tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn có thể giải quyết được những yêu cầu giám định tương tự, từ đó góp phần chủ động trong phát hiện thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Mặt khác, hoạt động điều tra tội phạm giết người rất phức tạp, khó khăn, những cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động này luôn phải đối mặt với những gian khổ, nhọc nhằn, nguy hiểm. Cho dù như vậy nhưng họ không được phụ thêm một khoản chi phí nào ngoài số tiền bồi dưỡng Điều tra viên 120.000 đồng/tháng, đây cũng là thực tế cần được xem xét, giải quyết, bởi lẽ số tiền bồi dưỡng của kiểm sát viên, thẩm phán thường cao gấp đôi hoặc hơn thế với tiền bồi dưỡng của Điều tra viên.

3. Quy trình điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

3.1. Hoạt động điều tra ban đầu

-  Công tác tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về tội phạm

Thực tiễn cho thấy việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh thường diễn ra theo trình tự như sau: công dân, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội sau khi phát hiện có người chết không rõ nguyên nhân thường báo tin tới Công an cơ sở cấp xã, phường. Tiếp nhận tin báo này, qua kiểm tra xác minh sơ bộ Công an cấp xã, phường báo tin về Công an cấp huyện. Công an cấp huyện tiếp tục báo tin về trực ban hình sự của Cơ quan điều tra. Cá biệt cũng có trường hợp ngay sau khi phát hiện ra vụ việc chết người, người phát hiện đã báo tin ngay về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh. 

Khảo sát việc xử lý tin báo, tố giác về tội phạm của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh thấy nó cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát huy vai trò ý nghĩa và công tác điều tra. Trong rất nhiều vụ án do tin báo, tố giác đến cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng, chính xác, việc xử lý thông tin kịp thời đã giúp cho công tác điều tra, khám phá được thực hiện thuận lợi, phát hiện, bắt giữ chính xác đối tượng. Trong một số vụ án mặc dù những thông tin ban đầu đến Cơ quan điều tra rất muộn so với thời điểm vụ án xảy ra, nhưng do việc xử lý thông tin thận trọng, tỉ mỉ và chính xác nên chỉ sau một thời gian ngắn chủ thể điều tra đã ra được các quyết định tố tụng quan trọng, có ý nghĩa định hướng rõ ràng với công tác điều tra vụ án đối tượng. Tuy vậy, không có nghĩa là vấn đề tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm giết người của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh không còn những thiếu sót, vướng mắc tồn tại, những biểu hiện cụ thể của nó là: 

Tin báo, tố giác về tội phạm đến được cơ quan có trách nhiệm xử lý không kịp thời, thiếu chính xác. 

Việc xử lý tin báo, tố giác về tội phạm của cơ quan có thẩm quyền không dứt điểm, kéo dài, vi phạm thủ tục tố tụng do hết thời hạn sở hữu tin báo nhưng không ra được các quyết định tố tụng cần thiết.

Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, nhận thức về vai trò ý nghĩa của công tác tiếp nhận xử lý tin báo, tố giác về tội phạm không đầy đủ dẫn đến quá trình thực hiện công tác này đã sai sót, gây ra các khó khăn cho cấp lãnh đạo, chỉ huy trong việc xử lý thông tin. Ngay việc ghi tin báo tố giác về tội phạm vào sổ nhận tin thấy không được đầy đủ, người tiếp nhận tin cũng chưa đưa ra được những câu hỏi cần thiết cho người cung cấp tin v.v...

- Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và hoạt động điều tra tại hiện trường 

Hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi và điều tra tại hiện trường vụ án giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh được tiến hành trên cơ sở các quy định pháp luật, nghiệp vụ gắn với những đặc điểm về yếu tố địa bàn. Thành phần cứng của lực lượng tham gia hoạt động này là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (đội điều tra trọng án), Phòng kỹ thuật hình sự; Tổ chức giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh; Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Công an địa phương nơi có vụ án xảy ra. Trường hợp vụ án xảy ra ở vùng biển hay biên giới, cửa khẩu, thành phần tham gia điều tra tại hiện trường còn có thêm lực lượng Bộ đội biên phòng nếu thấy cần thiết. Trong rất nhiều vụ án giết người được điều tra làm rõ cho thấy hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi và điều tra hiện trường đã làm rõ ngay vụ án. Trở lại vụ án Trưởng Nhì Múi, 11 tuổi bị hiếp, giết ngày 14 tháng 05 năm 2002 tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà. Sau 03 ngày kể từ khi vụ án xảy ra, Cơ quan điều tra mới tiếp nhận được tin báo về vụ việc để tiếp cận hiện trường, nạn nhân lúc này đã được chôn cất. Sau khi nắm tình hình từ thân nhân người bị hại và các nhân chứng, Cơ quan điều tra đã quyết định cho khai quật tử thi, việc khám nghiệm tử thi xác định nạn nhân bị hiếp, giết. Với sự tỉ mỉ và thận trọng cùng chuyên môn cao, giám định viên pháp y đã thu được mẫu tinh trùng của thủ phạm trong ổ bụng nạn nhân. Việc khám nghiệm tại nơi vụ án xảy ra đã thu được một số dấu vết, lông, tóc, vải sợi nghi của thủ phạm để lại. Những mẫu vật này sau khi được giám định, đối chứng, đã trở thành những chứng cứ rất quyết định để chỉ ra thủ phạm gây án. Cũng trong vụ án này cùng với việc khám nghiệm hiện trường, tử thi, Cơ quan điều tra đã tích cực tiền hành hoạt động điều tra tại hiện trường. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn đã xác định được đối tượng nghi vấn là Trịnh Văn Tý công nhân hợp đồng của mỏ đá Quảng Đức. Những tài liệu điều tra đã giúp Cơ quan điều tra xây dựng được giả thuyết đúng về đường đi của thủ phạm, diễn biến của vụ án. T
hực tế của hoạt động điều tra ban đầu vụ án này cho thấy, nếu chỉ tiến hành việc khám nghiệm tử thi mang tính thủ tục, thiếu kinh nghiệm về chuyên môn sẽ không thu được tinh trùng của thủ phạm. Bởi lẽ việc xuất hiện tinh trùng tại ổ bụng của nạn nhân là vấn đề trái quy luật. Nhờ thận trọng và có kinh nghiệm chuyên môn, khi phát hiện thấy nạn nhân bị thủng tầng sinh môn, giám định viên pháp y đã tập trung phát hiện nhằm xác định tinh trùng trong ổ bụng và việc làm này đã cho kết quả như nêu trên. Hoặc ở việc xác định áp dụng các biện pháp điều tra tại hiện trường như đã đề cập, từ những thông tin về sự xuất hiện của đối tượng Trịnh Văn Tý ngay sau thời điểm mà giả thuyết cho là vụ án đã xảy ra, Cơ quan điều tra đã tiếp cận, ghi nhận, mở rộng nguồn và dựng được đường đi của đối tượng cũng như đưa ra được những lập luận lôgíc có căn cứ, có tác dụng bổ trợ tích cực cho những chứng cứ khác. 

Tuy nhiên, có những vụ án vì lý do khách quan hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi và điều tra hiện trường thường vấp phải rất nhiều khó khăn, hầu như không tạo được thế thúc đẩy để quá trình điều tra vụ án tiến triển. Vụ án Nguyễn Thị Huệ, 17 tuổi bị hiếp, giết tại xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh là một dẫn chứng. Trong vụ án này, sau 49 ngày kể từ khi nạn nhân bị sát hại tử thi mới được xác định. Các tài liệu ban đầu cho thấy sau khi hiếp, giết nạn nhân thủ phạm đã đào đất chôn xác nạn nhân. Trong thời gian sau đó, thân nhân nạn nhân và các cơ quan chức năng chỉ xác định Nguyễn Thị Huệ bị mất tích, bằng sự tình cờ một quần chúng đã phát hiện ra nơi thủ phạm chôn xác nạn nhân, lúc đó Cơ quan điều tra mới xác định được Nguyễn Thị Huệ bị chết chứ không phải bị mất tích như trình báo của gia đình. Với thực tế của vụ án như vậy, hoạt động khám nghiệm hiện trường, tử thi, điều tra tại hiện trường chỉ đưa ra được kết luận nạn nhân đã bị thủ phạm sát hại sau khi có hành vi hiếp dâm. Những vụ án như vụ án này đã chỉ ra một yêu cầu khách quan về sự hoàn thiện nâng cao khả năng của kỹ thuật hình sự, pháp y hình sự trong tình hình hiện nay. Thực tiễn còn cho thấy không chỉ từ khách quan mang lại, trong hoạt động điều tra ban đầu của một số vụ án giết người xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua còn có những sơ xuất chủ quan từ phía chủ thể điều tra, một dẫn chứng như sau cần được đưa ra: trong quá tình điều tra ban đầu vụ án Nguyễn Văn Hoà ở xã Tiền An, huyện Yên Hưng giết người, thông tin ban đầu cho thấy đây là vụ án gần như mang tính quả tang vì xảy ra ban ngày, có nhiều nhân chứng, nguyên nhân xảy ra vụ án được làm rõ ngay...  Chính vì vậy, quá trình tiến hành hoạt động điều tra hiện trường các Điều tra viên không chịu nhiều sức ép vì vụ án dường như “đã rõ”. Tuy nhiên chính từ thực tế này đã dẫn đến sơ xuất của Cơ quan điều tra, quá trình lấy lời khai nhân chứng tại khu vực hiện trường không triệt để, vì thường trong các vụ án như vậy sẽ hình thành hai khuynh hướng khai báo tiêu cực của nhân chứng, đó là khai báo theo hướng “bênh” đối tượng gây án và khai báo không có lợi cho đối tượng gây án tuỳ theo tính chất mối quan hệ của nhân chứng với đối tượng gây án, nạn nhân. Do chủ quan và chưa chú ý đến yếu tố này, công tác lấy lời khai đã không thu được những thông tin cần thiết làm cơ sở để ra các quyết định tố tụng quan trọng, các mâu thuẫn trong lời khai không được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, công tác điều tra với các đối tượng có liên quan không triệt để. Có cán bộ Công an xã nhìn thấy đối tượng có liên quan đang tẩu tán một đồ vật nhưng không truy vấn ngay và cũng không báo cáo lại sự việc với người chỉ huy cuộc điều tra hiện trường. Kết quả đối tượng gây án đã mang con dao sử dụng đâm chết anh Hoà vứt xuống mương nước trước cửa nhà và sau đó mặc dù rất tốn công nhưng cũng không tìm được vật chứng này. Các thiếu sót trên đây đã dẫn đến nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra tiếp theo của vụ án.

3.2. Hoạt động điều tra tiếp theo

3.2.1. Khởi tố vụ án, bị can áp dụng các biện pháp ngăn chặn 

Thực tế cho thấy, về cơ bản quá trình điều tra các tội phạm giết người tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh việc khởi tố vụ án đã tuân theo những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong 148 vụ án giết người thống kê ở trên, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố kịp thời trong thời hạn luật định với 100% số vụ án (148/148). Tuy nhiên, trong một số vụ án việc khởi tố vụ án chưa hoàn toàn đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Còn có tình trạng này là do giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát chưa thống nhất trong cách đánh giá về tính chất vụ việc, về chứng cứ hoặc trong Cơ quan điều tra cũng chưa thống nhất về những nội dung này, do vậy không thể đưa ra ngay được các quyết định tố tụng cần thiết. Ngày 07 tháng 05 năm 2004, trung tâm quy hoạch rừng của Sở nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện ra ông Trần Trọng Long nhân viên bảo vệ đã bị tử vong tại sân của cơ quan trong tình trạng đa chấn thương vùng đầu.  Quá trình khám nghiệm hiện trường, tử thi hội đồng khám nghiệm đã đưa ra hai quan điểm khác nhau. Một quan điểm cho rằng ông Long bị ngã từ trên tầng hai của nhà làm việc xuống sân cơ quan dẫn đến tử vong (không có vụ án hình sự xảy ra). Một quan điểm khác cho rằng ông Long bị sát hại (có vụ án hình sự xảy ra). Tiếp tục hoạt động điều tra tại hiện trường, sau khi xem xét đánh giá toàn bộ chứng cứ, Cơ quan điều tra cho rằng đã có vụ án hình sự xảy ra, cần khởi tố vụ án để điều tra. Tuy nhiên, quyết định khởi tố nêu trên của Cơ quan điều tra đã không được ra kịp thời vì những lý do còn có quan điểm khác như nêu trên. Sau gần hai tháng quyết định khởi tố vụ án mới được đưa ra. Trong thời gian đó đã tạo nên những bức xúc rất lớn đối với gia đình ông Long vì họ cho rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật đã không tích cực điều tra vụ án. Ngoài ra nó cũng gây lên những ảnh hưởng không tốt về dư luận xã hội. Đối với công tác khởi tố bị can, trong số các đối tượng giết người được Cơ quan điều tra làm rõ và khởi tố, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phê chuẩn đề nghị khởi tố ngay với 180 đối tượng. Còn 09 trường hợp cơ quan giám sát yêu cầu bổ sung tài liệu sau đó mới phê chuẩn. Như vậy, có thể đánh giá công tác khởi tố bị can của Cơ quan điều tra được thực hiện khá tốt. 

Các vụ án giết người sau khi làm rõ được đối tượng Cơ quan điều tra đều áp dụng biện pháp ngăn chặn. Theo thống kê của văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh trong thời hạn từ năm 2002 đến năm 2006 các Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh (cấp tỉnh, cấp huyện) đã khởi tố điều tra với 10564 bị can phạm tội xâm phạm trật tự xã hội, áp dụng biện pháp bắt với 8148 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội, phân tích cụ thể như sau:

+ Bắt quả tang 4537 đối tượng chiếm tỷ lệ 42,95%

+ Bắt khẩn cấp 1152 đối tượng chiếm tỷ lệ 10,9% 

+ Bắt bị can để tạm giam 2459 đối tượng chiếm tỷ lệ 23,28% 

+ Áp dụng biện pháp ngăn chặn khác 2416 đối tượng chiếm tỷ lệ 22,87%

+ Kết quả thực hiện các lệnh bắt nêu trên đã bắt giữ được 6666 đối tượng đạt tỷ lệ 81,81% số còn lại phải ra lệnh truy nã. 

Khi phân tích riêng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn với các đối tượng phạm tội giết người thấy có những đặc điểm khác so với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn của tội xâm phạm trật tự xã hội nói chung. Cụ thể trong hồ sơ 148 vụ án được nghiên cứu đã cho thấy các chỉ số như sau với 189 đối tượng gây án được làm rõ:

+ Bắt quả tang 2,82%

+ Bắt khẩn cấp 60,56%

+ Bắt bị can để tạm giam 21,13%

+ Tự thú, đầu thú 15,49%

(Nguồn: Báo cáo tổng kết công tác điều tra trọng án của Công an tỉnh Quảng Ninh các năm từ 2002 đến 2006)

Kết quả của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được đã phục vụ tích cực cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nhận thấy rằng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn với đối tượng giết người chủ yếu là bắt trong trường hợp khẩn cấp với 60,56% số đối tượng. Như vậy, bắt khẩn cấp với đối tượng phạm tội giết người chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với các đối tượng phạm tội về trật tự xã hội khác ngoài nhóm trọng án hình sự. Điều này được giải thích bằng thực tế do đặc điểm của tội phạm giết người nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp cấp bách sẽ không thể bắt giữ được tội phạm, xử lý triệt để vụ án. Trong vụ án giết người cướp xe máy xảy ra tại địa bàn thị xã Uông Bí tỉnh Quảng Ninh tháng 11 năm 2004 như dẫn chứng ở trên, cả 06 đối tượng gây án đều bị bắt trong trường hợp khẩn cấp. Tương tự như vậy, trong vụ án Trần Văn Sự giết người hiếp dâm, sau khi làm rõ đối tượng mặc dù vụ án đã được khởi tố nhưng để đảm bảo yêu cầu điều tra Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt khẩn cấp đối với Sự. Thực trạng nêu trên hình thành là do sự khác biệt về tính chất đối tượng, tính chất hành vi, hậu quả pháp lý mà tội phạm giết người phải gánh chịu. Nếu không kịp thời áp dụng các biện pháp khẩn cấp, đối tượng có thể bỏ trốn, hoặc có những hành động khác nhằm che giấu tội phạm cản trở điều tra. 

Có thể rút ra nhận xét như sau trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn khi điều tra tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh:

Thứ nhất, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đã đảm bảo chính xác, khách quan phục vụ rất tích cực hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử sau này. 

Thứ hai, quá trình thực hiện lệnh bắt với các đối tượng giết người những người thi hành lệnh đã thể hiện quyết tâm rất cao để đảm bảo bắt giữ được đối tượng, cho dù hoạt động này của họ bị rất nhiều những khó khăn khách quan mang lại. 

Tuy nhiên, cũng có thể chỉ ra một số sơ xuất trong quá trình áp dụng biện pháp ngăn chặn với đối tượng đó là việc tổ chức cuộc bắt còn dàn trải thiếu tập trung do không có đầy đủ lực lượng, phương tiện. 

3.2.2. Công tác phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm

Ở giai đoạn điều tra tiếp theo, việc áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự như phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh các vấn đề đặt ra trong quá trình giải quyết vụ án có ý nghĩa rất quan trọng. Khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động này của Cơ quan điều tra và Điều tra viên được tiến hành thận trọng, chính xác, khách quan góp phần vào kết quả công tác điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, cũng còn không ít những thiếu sót, vướng mắc cần được nhận biết, khắc phục:

Thứ nhất, công tác lấy lời khai người làm chứng, người bị hại theo quy định tại các Điều 67 (Lời khai của người làm chứng), Điều 68 (Lời khai của người bị hại), Điều 71 (Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ), Điều 135 (Lấy lời khai người làm chứng), Điều 136 (Biên bản ghi lời khai của người làm chứng), Điều 137 (Triệu tập, lấy lời khai của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án) Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Trong các trường hợp nhân chứng xác định đã trực tiếp nhìn thấy hành vi gây án của đối tượng, ý nghĩa của nhân chứng là rất quyết định. Việc khảo sát cho thấy, những hoạt động điều tra này đã tuân theo những quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, đảm bảo được cơ bản về hình thức cũng như nội dung của tài liệu. Những thông tin mà người làm chứng, người bị hại cung cấp sau khi kiểm tra, củng cố đã là những chứng cứ rất quan trọng quyết định cho việc áp dụng biện pháp ngăn chặn khởi tố bị can cũng như áp dụng các quyết định tố tụng quan trọng khác với rất nhiều vụ án. Trong vụ án Bà Nguyễn Thị Bưởi ở phường Bắc Sơn thị xã Uông Bí bị giết, cướp tài sản.   Từ lời khai của người làm chứng là người được đối tượng gây án trước đó rủ tham gia vào vụ án này, sau khi kiểm tra xác minh thấy đối tượng ghi vấn đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã tổ chức truy tìm đối tượng qua đấu tranh buộc đối tượng phải nhận tội thu hồi được vật chứng của vụ án. Hoặc trong vụ giết người xảy ra tại phường Thanh Sơn thị xã Uông Bí tháng 08 năm 2005, mặc dù đối tượng gây án không thừa nhận việc sử dụng dao rựa chém vào cổ anh Nguyễn Văn Thành,  nhưng từ lời khai của các nhân chứng Cơ quan điều tra đã đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của đối tượng. Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được như nêu trên thấy rằng công tác lấy lời khai người làm chứng, bị hại cũng còn có những thiếu sót như chưa đảm bảo về hình thức pháp lý của tài liệu, việc đưa ra câu hỏi thiếu thuyết phục và đôi khi không cần thiết. Một số Điều tra viên còn chưa nắm bắt được tâm lý của người làm chứng, người bị hại nên không tạo cho họ được sự thoải mái bình tĩnh khi cung cấp tài liệu. Cá biệt vì sự phiến diện, Điều tra viên đã bỏ qua những nhân chứng rất quan trong mà lẽ ra phải được xác định ghi lời khai ngay. Một số Điều tra viên chỉ chú ý đến việc xác định các nhân chứng trực tiếp (mà không phải bao giờ cũng xuất hiện trong các vụ án giết người) và bỏ qua nhân chứng gián tiếp. Với những vụ án giết người không có nhân chứng trực tiếp, việc lấy lời khai người làm chứng vẫn diễn ra và có ý nghĩa rất quan trọng. Như trong vụ án Trịnh Văn Tý hiếp giết Trưởng Nhì Múi đã được nêu ra, không có nhân chứng nào nhìn thấy Tý thực hiện hành vi gây án, có một số nhân chứng nhìn thấy Tý đi từ khu vực hiện trường về nơi ở và tắm giặt. Những thông tin này được ghi nhận khách quan, kịp thời đã bổ trợ cho các chứng cứ khác quyết định việc đấu tranh buộc Tý phải nhận tội. Với các vụ án giết người, cướp tài sản các nhân chứng thường cũng chỉ mô tả được đặc điểm của đối tượng mà Cơ quan điều tra ghi vấn là đối tượng gây án như người đã thuê xe ôm đi khỏi bến đỗ cuối cùng kể từ khi phát hiện thấy người lái xe ôm đã chết. Tuy vậy, thông tin này cũng có ý nghĩa rất lớn với công tác điều tra. Trong một số vụ án giết người công tác lấy sinh cung trong quá trình cấp cứu nạn nhân đã không được thực hiện một cách đầy đủ. Với người bị hại trong các vụ án giết người may mắn còn sống sót, Điều tra viên trong một số trường hợp còn chưa lưu ý đến sự hoảng loạn về tinh thần của họ trước một sự việc quan trọng đã xảy ra
, nên việc lấy lời khai hoặc áp dụng các biện pháp điều tra khác liên quan đến người bị hại chưa thực sự khách quan. Trong vụ án anh Hoàng Công Sơn bị giết, cướp xe máy ngày 08 tháng 10 năm 2005 tại xã Lê Lợi huyện Hoành Bồ như nêu trên, qua quá trình điều tra, Điều tra viên đã xác định một đối tượng nghiện ma tuý, nghi vấn là đối tượng gây án ngay sau khi vụ án xảy ra 10 tiếng. Điều tra viên đã tổ chức cho anh Sơn nhận dạng một cách rất khách quan, anh Sơn khẳng định đó là đối tượng đã đâm anh để cướp xe máy. Qua đánh giá chứng cứ, Điều tra viên đề xuất bắt khẩn cấp đối tượng. Vì thận trọng và có kinh nghiệm Thủ trưởng Cơ quan điều tra yêu cầu kiểm tra khả năng khai báo của người bị hại, kết quả cho thấy nếu bắt giữ đối tượng mà Điều tra viên đề xuất sẽ là bắt oan. Trong quá trình điều tra vụ án anh Phùng Văn Triệu hành nghề xe ôm bị giết, cướp tài sản tại xã Hải Hoà thị xã Móng Cái tháng 10 năm 2002,  thời gian anh Triệu cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức, do sơ xuất Cơ quan điều tra đã không có cán bộ theo sát để lấy sinh cung và diễn biến của vụ án, do vậy cũng không được làm rõ. Từ vụ án này lại cho thấy, công tác lấy sinh cung của người bị hại chưa được chú ý do tâm lý ngại đường xa của Điều tra viên. 

Thứ hai, công tác đấu tranh với đối tượng gây án 

Đấu tranh với đối tượng gây án thực chất là công tác xét hỏi với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, quả tang, với người bị khởi tố bị can. Nội dung của những hoạt động này được quy định trong các Điều 129 (Triệu tập bị can), Điều 130 (Áp giải bị can tại ngoại), Điều 131 (Hỏi cung bị can), Điều 132 (Biên bản hỏi cung bị can) và Điều 49 (Bị can) Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Trong thực tế, cho dù bắt giữ được đối tượng và thu thập được các chứng cứ khác nhưng nếu đối tượng không nhận tội, việc xử lý sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhận thức được vấn đề này, khảo sát thực tế cho thấy Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác đấu tranh với các đối tượng gây án trong điều tra vụ án giết người. Điều đó được thể hiện ở chỗ có tới 99% đối tượng gây án đã nhận một phần hoặc toàn bộ hành vi phạm tội. Trong vụ án Nguyễn Văn Linh giết bác ruột cướp tài sản như nêu trên, sau khi gây án Linh bỏ trốn gần một năm sau mới bị bắt theo lệnh truy nã. Vụ án xảy ra vào ban đêm, người bị hại sống độc thân. Chỉ có một số nhân chứng gián tiếp xác định sự liên quan của Linh đến hiện trường vụ án. Tại hiện trường, qua khám nghiệm có thu được dấu vết mà việc truy nguyên đồng nhất xác định là của Linh để lại. Ngoài ra, bố mẹ Linh cũng có cung cấp thông tin về những sự lo sợ, hoảng loạn và việc trốn tránh của Linh sau khi bác ruột Linh chết do bị giết. Đây là một tình huống điều tra khó theo đánh giá của các Điều tra viên giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, trên cơ sở pháp luật nghiệp vụ Điều tra viên cuối cùng cũng đã buộc Linh phải khai báo một cách trung thực về hành vi phạm tội. Lời nhận tội đó phù hợp với các chứng cứ khác. Trong nhiều vụ án khác, Điều tra viên cũng thành công trong việc đấu tranh buộc đối tượng gây án phải nhận tội rất sớm. Tuy nhiên, có không ít các tồn tại, thiếu sót tập trung ở những vấn đề sau:

+ Điều tra viên, cán bộ trực tiếp đấu tranh với đối tượng không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, không có sự tìm hiểu một cách đầy đủ về đối tượng nên đã không nắm bắt được diễn biến tâm lý cũng như trạng thái tư tưởng của đối tượng. Thiếu sót này dẫn đến khi đấu tranh trực diện các tác động tâm lý mà Điều tra viên đưa ra không phù hợp. Sự bế tắc ấy làm cho Điều tra viên từ chủ động trở thành bị động và dẫn đến những sai lầm khác. Trong quá trình xét hỏi đối tượng Trịnh Văn Tý hiếp, giết Trưởng Nhì Múi, sau khi bắt được đối tượng qua công tác truy nã, vì chủ quan cho rằng đã có kết quả giám định gen Điều tra viên chuẩn bị cuộc hỏi cung không tốt. Vào đầu cuộc hỏi cung đã sử dụng kết quả giám định để tấn công bị can với ý đồ buộc bị can nhận tội ngay. Tuy nhiên, đây là đối tượng đã có một tiền án 10 năm tù về tội hiếp dâm, điều mà cán bộ hỏi cung không chú ý. Chính vì vậy, đối tượng gây án trở nên lì lợm, kiên quyết không khai báo. Quá trình xử lý vụ án đã gặp những khó khăn, sau đó bằng sự thay đổi Điều tra viên và đổi mới cách hỏi cung, Trịnh Văn Tý mới nhận tội.

+ Điều tra viên, cán bộ trực tiếp đấu tranh với đối tượng chưa chuẩn bị một cách đầy đủ, hệ thống những chứng cứ, tài liệu cần thiết có liên quan đến việc gây án của đối tượng, do vậy khi đối tượng không khai nhận đã không đưa ra được những căn cứ để đấu tranh một cách thuyết phục. Quá trình xét hỏi, đấu tranh của Điều tra viên, cán bộ điều tra trở thành hỏi khan, hỏi vo và đi vào bế tắc. Nó củng cố cho sự lỳ lợm của đối tượng, giúp đối tượng dần trở lại bình tĩnh và ngoan cố, kiên quyết không khai nhận. Trong vụ án Nguyễn Văn Hoà giết người tại Hà An, Yên Hưng đã nêu ra ở trên, khi thu thập được một lời khai nhân chứng về việc đối tượng hoà dùng dao đâm vào ngực người bị hại trong tư thế đối mặt bằng một con dao nhọn. Mặc dù vụ án có đông người tham gia về cả hai bên, khi chưa thu thập hết các tài liệu cần thiết như lời khai nhân chứng, kết quả khám nghiệm, vật chứng Điều tra viên chủ trì đã quyết định xét hỏi với Nguyễn Văn Hoà ngay tại hiện trường. Hoà thừa nhận có đánh nhau với nạn nhân nhưng không phải chỉ có một mình Hoà. Đối tượng lại khai có thể nạn nhân bị đồng bọn đâm nhầm và kiên trì khai báo như vậy. Tình huống này cũng làm Điều tra viên rất lúng túng.

3.2.3. Công tác giám định tư pháp

Đối với hoạt động điều tra vụ án giết người công tác giám định tư pháp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Trong rất nhiều vụ án nếu không có giám định tư pháp quá trình điều tra xử lý vụ án sẽ không đi đến đích. Những ví dụ như trong vụ chị Nguyễn Thị Mai bị hiếp giết, Trưởng Nhì Múi bị hiếp giết đã cho thấy rõ nhận xét này. Trong cả hai vụ án nêu trên, chứng cứ quan trọng và quyết định nhất đó là kết quả giám định gen. Ngoài ra, ở tất cả các vụ án giết người khác đều nảy sinh những yêu cầu phải giám định tư pháp ở các lĩnh vực khác nhau. Mọi vụ việc đều phải có kết luận giám định pháp y tử thi, không có kết quả giám định này không thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trong nhiều vụ khác còn xuất hiện nhu cầu giám định hoá sinh, giám định dấu vết cháy nổ. Trong vụ án Nguyễn Văn Sơn và Phạm Thị Hạnh giết người bằng mìn tự tạo (dấu vết đường vân), yêu cầu giám định nổ đã được giải quyết. Hoặc trong việc chị Nguyễn Thị Tuyết bị giết, hiếp, cướp tại xã đảo Vĩnh Thực, thị xã Móng Cái,  từ dấu vết vân tay mà thủ phạm để lại hiện trường, qua công tác giám định đã giúp cho truy nguyên đồng nhất xác định và bắt gọn các đối tượng gây án. Từ thực tiễn khảo sát cho thấy việc áp dụng biện pháp công tác này của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh được tiến hành rất thành công, trên cơ sở pháp luật theo quy định tại các Điều 155 (Trưng cầu giám định), Điều 156 (Việc tiến hành giám định), Điều 157 (Nội dung kết luận giám định), Điều 158 (Quyền của bị can và những người tham gia tố tụng đối với kết luận giám định), Điều 159 (Giám định bổ sung hoăc giám định lại) Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Hơn thế nữa, đây là một chuyên đề công tác được địa phương quan tâm đầu tư đáng kể. Về cơ bản, các yêu cầu giám định như giám định y pháp, giám định tài liệu, giám định dấu vết, các lĩnh vực giám định truyền thống khác đã được các cơ quan giám định tư pháp địa phương thực hiện cho kết quả đáng tin cậy. Giám định hoá sinh, giám định âm thanh và giám định gen… là những lĩnh vực giám định phải trưng cầu cơ quan giám định tư pháp Trung ương. Như đã đề cập ở trên, mặc dù đạt được nhiều kết quả thành công song công tác giám định tư pháp của địa phương cần được phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng nhiều và cao hơn của hoạt động điều tra.

3.2.4. Công tác khám xét

Trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, khám xét là một biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ rất quan trọng. Đây là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát cưỡng chế người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vât, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật và tài liệu khác liên quan đến vụ án hoặc phát hiện xác chết hay người đang bị truy nã.  Việc tiến hành hoạt động khám xét nhằm thu thập chứng cứ đòi hỏi phải có căn cứ và tiến hành theo một trình tự cụ thể theo quy định tại các Điều 140 (Căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm, thư tín điện tín, bưu kiện, bưu phẩm), Điều 141 (Thẩm quyền ra lệnh khám xét), Điều 142 (Khám người) , Điều 143 (Khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm), Điều 144 (Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại bưu điện), Điều 145 (Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét), Điều 148 (Biên bản khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, tài liệu, thư tín điện tín, bưu kiện, bưu phẩm) Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Khảo sát thực tế về công tác khám xét, trong quá trình điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cho thấy hoạt động này được tiến hành mang tính thường xuyên, phổ biến trong khi điều tra hầu hết các vụ án xảy ra và đã thu được những chứng cứ, tài liệu, vật chứng quan trọng góp phần vào thành công của quá trình điều tra vụ án. Qua khảo sát thấy, việc khám xét cơ bản được tiến hành luôn tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, đáp ứng được về cơ bản tính mục đích của cuộc khám xét. Tuy nhiên, cũng từ khảo sát thực tế đã cho thấy trong một số vụ án, chủ thể điều tra đã bỏ qua biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ này, để sót lọt vật chứng, tài liệu trong khám xét. Những tồn tại này được hình thành là do chủ thể điều tra chưa chuẩn bị và có kế hoạch khám xét phù hợp. Việc khám xét trong những trường hợp này mới chỉ mang ý nghĩa khép kín các biện pháp điều tra. Trong vụ án Phạm Văn Cường cùng đồng bọn giết anh Vũ Hữu Tình như nêu trên, sau khi Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp được Cường, đối tượng khai nhận hành vi phạm tội và khai báo các dụng cụ gây án như dao, kiếm bọn Cường để trong nhà của Trung. Nghĩ rằng Cường đã nhận tội đã bắt được đối tượng chính của vụ án, Cơ quan điều tra không thực hiện ngay việc khám xét mà Điều tra viên lại đến vận động Trung nộp hung khí. Việc làm này không cho kết quả, sau đó còn đem lại những khó khăn cho đấu tranh mở rộng vụ án. 

3.2.5. Việc áp dụng các biện pháp điều tra khác

Ngoài các biện pháp điều tra nêu trên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Cơ quan điều tra còn được áp dụng các biện pháp điều tra khác như đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra theo quy định tại các Điều 138 (Đối chất), Điều 139 (Nhận dạng), Điều 153 (Thực nghiệm điều tra), Điều 154 (Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể và thực nghiệm điều tra) Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Khảo sát công tác điều tra các vụ án cho thấy, đây cũng là những biện pháp điều tra được chủ thể điều tra chú ý sử dụng nhằm thu thập chứng cứ và điều quan trọng hơn, những hoạt động này đã đóng góp tích cực đến kết quả điều tra khám phá đã được thực tế ghi nhận. Tuy nhiên, thực tế việc khảo sát cũng cho thấy không chỉ có những thành công và thu được kết quả mà trong nhiều vụ án, ở nhiều tình huống điều tra, Cơ quan điều tra và Điều tra viên cũng áp dụng những biện pháp điều tra nêu trên nhưng không đem lại kết quả. Trong quá trình điều tra vụ án anh Phùng Văn Triệu bị giết, cướp xe máy, từ nhiều nguồn tài liệu Cơ quan điều tra xác định đối tượng gây án đã vào chợ Móng cái mua một chiếc búa đinh dùng làm công cụ giết anh Triệu. Như vậy, người bán hàng có thời gian giao tiếp lâu và hoàn toàn đủ điều kiện nhận dạng được đối tượng. Khi có đối tượng nghi vấn, do cách đặt vấn đề của Điều tra viên không phù hợp, người bị hại sợ bị trả thù ban đầu đã từ chối tham gia việc nhận dạng đối tượng, sau đó đã tham gia việc nhận dạng một cách miễn cưỡng và cuộc nhận dạng đã không khách quan. Hoặc việc nhận dạng của người bị hại không chính xác và đã gần dẫn đến việc bắt oan một người được nêu trong phần trên của khoá luận. Trong một số vụ án khác, Cơ quan điều tra và Điều tra viên chưa chú trọng đến công tác thực nghiệm điều tra dẫn đến việc tin tưởng một cách thiếu căn cứ vào lời khai của bị can, của nhân chứng, người bị hại, từ đó tạo ra những phức tạp trong công tác điều tra. Với công tác đối chất, ở phương diện nghiệp vụ cuộc đối chất chỉ nên tiến hành để giải quyết những mâu thuẫn tình tiết chứ không phải giải quyết các mâu thuẫn cơ bản trong vụ án. Nhưng qua thực tế cho thấy không ít các trường hợp vì bỏ qua nguyên tắc nghiệp vụ này, Điều tra viên vẫn cho đối chất để giải quyết những mâu thuẫn cơ bản giữa các bị can trong vụ án, bị can với người bị hại và sau những cuộc đối chất như vậy cũng không rút ra được kết luận gì. Nhiều khi nó còn củng cố thêm niềm tin cho bị can để hình thành thái độ chống đối, ngoan cố. Từ sự phân tích về những vướng mắc, thiếu sót đó khi áp dụng các biện pháp điều tra cho thấy: Điều tra viên và Cơ quan điều tra chưa chuẩn bị tốt điều kiện để áp dụng các biện pháp điều tra này, đó là chưa tìm hiểu kỹ về người bị hại ở tâm lý, tư tưởng, khả năng nhận thức trong đối chất, nhận dạng. Tương tự như vậy cũng chưa tìm hiểu kỹ về trạng thái tâm lý, diễn biến tư tưởng của từng bị can khi tiến hành đối chất giữa các bị can. Việc thực nghiệm điều tra trong một số trường hợp được tiến hành như một hoạt động khép kín, chưa đánh giá đúng ý nghĩa của công tác này.

3.3. Công tác kết thúc điều tra

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 khi kết thúc hoạt động điều tra Cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định: 
Tạm đình chỉ điều tra (Điều 160)
Đề nghị truy tố bị can trước pháp luật (Điều 163)
Đình chỉ điều tra (Điều 164)

Đối với thực tiễn công tác điều tra nói chung, công tác kết thúc điều tra là giai đoạn cuối cùng của hoạt động điều tra. Đây là một hoạt động rất phức tạp bởi lẽ nó sẽ thể hiện quan điểm của Cơ quan điều tra, Điều tra viên sau quá trình điều tra. Mặt khác, hoạt động này tạo ra nền móng cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo là Viện kiểm sát, Toà án xử lý vụ án một cách triệt để khi Cơ quan điều tra đề nghị truy tố. Sự phân tích này đã cho thấy công tác kết thúc điều tra đòi hỏi phải thật sự khách quan, phản ánh hết được kết quả của quá trình điều tra vụ án. Qua khảo sát các vụ án giết người thấy, những quyết định của Cơ quan điều tra khi kết thúc công tác điều tra đã thể hiện tính chính xác khách quan, tình nghiêm khắc, tính nhân đạo và được sự ủng hộ đồng tình của đa số quần chúng nhân dân. Có được thực tế này là do Cơ quan điều tra, Điều tra viên đã thực hiện được yêu cầu chứng minh khách quan, thể hiện chính sách hình sự một cách phù hợp trong kết luận điều tra. Từ kết quả này đã giúp cho cơ quan xét xử đưa ra được những bản án chính xác. 

Tuy nhiên, việc khảo sát thực tế cho thấy có những vấn đề thuộc về hình thức chưa được Cơ quan điều tra, Điều tra viên chú trọng gây nên những phức tạp khác như chưa ra những quyết định tố tụng đúng với thời gian theo quy định của pháp luật, kéo dài thời gian kết thúc điều tra không cần thiết hoặc kết thúc điều tra khi chưa đủ điều kiện dẫn đến việc bị hoàn trả hồ sơ từ phía Viện kiểm sát, Toà án (có 12/139 vụ án đề nghị truy tố).

4. Những tồn tại, hạn chế trong công tác điều tra tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh và các nguyên nhân

4.1. Tồn tại và hạn chế

Thực tế cho thấy, về cơ bản công tác điều tra tội phạm giết người tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn công tác đấu tranh chống tội phạm, đã góp phần tích cực đối với sự ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, văn hoá xã hội. Cũng từ kết quả công tác điều tra khám phá đã đem lại niềm tin cho quần chúng nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra dù có nhiều cố gắng và đạt được kết quả như nêu trên nhưng khi nhìn nhận khách quan còn nhiều tồn tại và hạn chế thiếu sót trong công tác điều tra khám phá các tội phạm giết người tại địa bàn. Còn một số vụ án giết người chưa được làm rõ, điển hình là vụ án giết, hiếp và cướp tài sản của chị Bùi Thị Sơn ở thôn 3 xã Hải Yên - Thị xã Móng Cái ngày 12 tháng 01 năm 2003;  vụ bà Nguyễn Thị Đàm bị giết cướp tại nhà riêng phường Ninh Dương thị xã Móng Cái; trong một số vụ án được làm rõ, kết quả điều tra cũng chưa phải đã hoàn toàn thuyết phục. Điều này đã đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu mang tính cấp bách nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá tội phạm giết người tại địa bàn. Những nét khái quát trên đây là sự thể hiện rõ sự tồn tại của công tác điều tra khám phá tội phạm giết người tại địa bàn. Khi phân tích và xem xét sâu hơn thấy có nhiều hạn chế ở cả hoạt động điều tra với loại tội phạm này dưới các góc độ khác nhau:

- Công tác tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu trong một số vụ án chưa đảm bảo nhanh chóng, chính xác kịp thời.

- Công tác điều tra ban đầu còn hạn chế, thể hiện rõ ở kết quả khám nghiệm hiện trường ở một số vụ án mới dừng lại như một việc làm khép kín trong tố tụng hình sự.    

- Dưới phương diện tổ chức hoạt động điều tra, mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng tham gia điều tra vụ án hình còn không ít hạn chế, tồn tại:

+ Ở một vài địa phương vấn có cán bộ cho rằng điều tra tội phạm giết người là của cấp tỉnh và dẫn đến sự ỷ lại.

+ Khi công tác điều tra có yêu cầu phối hợp như truy tìm, bao vây vật chứng; xác định ổ nhóm đối tượng gây án hoặc nghi vấn gây án, truy bắt đối tượng và các yêu cầu xác minh khác ở địa bàn không có vụ án xảy ra, mặc dù có được triển khai nhưng vẫn chưa thực sự kịp thời với khả năng có thể. Ở một số cán bộ chiến sỹ trực tiếp thực hiện còn cho rằng đó là "làm hộ" dẫn đến hiệu quả không cao.

+ Mối quan hệ giữa các lực lượng ở giai đoạn điều tra ban đầu có sự gắn kết nhưng khi vụ án đi vào khó khăn, bế tắc, giữa các lực lượng tham gia lại rời rạc trong phối hợp và dẫn đến không đủ nhân lực, biện pháp để thúc đẩy tiến độ của chuyên án, vụ án.

- Về nhân tố con người cho thấy, lực lượng chuyên trách làm công tác điều tra loại tội phạm này hiện tại quá mỏng, nếu trong cùng một thời gian xảy ra hai vụ giết người trên địa bàn tỉnh sẽ bị khủng hoảng về quân số. Theo biên chế như hiện tại có điều bất cập ở chỗ, nếu xét về số vụ án cấp tỉnh thụ lý, Quảng Ninh là địa phương đứng thứ 4 trong toàn quốc và có thời điểm bằng, thậm chí hơn Thành phố Hải Phòng. Nhưng biên chế của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh (trong đó có Đội điều tra trọng án chuyên trách) hiện tại lại ít hơn so với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội của nhiều địa phương trong cả nước như đã nêu. Vì vậy, lực lượng làm công tác điều tra trọng án chuyên trách cũng không thể tăng hơn được. 

4.2. Nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế

Những tồn tại, hạn chế đã nêu ra ở trên được hình thành bởi hai nhóm nguyên nhân sau đây:

4.2.1. Nguyên nhân khách quan

+ Khi đề cập đến những hạn chế trong công tác tiếp nhận, xử lý tin báo về tội phạm tại địa bàn Quảng Ninh, một trong các nguyên nhân chủ yếu là do đặc thù của địa bàn rộng, địa hình phức tạp như đã phân tích. Tại các vùng sâu, vùng xa, trên tuyến biển, khi tiếp nhận tin báo của quần chúng việc xác minh tin của Công an địa phương có thể mất hàng ngày, thậm chí nhiều ngày nếu như ở trên tuyến biển khơi xa. Việc tiếp cận hiện trường của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh cũng ở trong tình trạng tương tự, nhiều lúc chủ thể điều tra không thể làm gì khác khi biển động, trời giông bão… Đối với địa bàn miền núi, hải đảo để đến hiện trường từ trung tâm huyện trong nhiều vụ án phải mất nửa ngày leo đèo, lội suối rất vất vả ngay cả trong thời tiết tốt (các xã Đồng Văn, Lục Hồn, Vô Ngại huyện Bình Liêu, xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà, xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung của thị xã Móng Cái). Vì lẽ đó đảm bảo thời gian tính bằng giờ không phải bao giờ cũng có thể chủ động được.

+ Trang thiết bị phục vụ hoạt động điều tra trọng án hình sự nói chung, vụ án giết người nói riêng hiện tại còn thiếu và lạc hậu. Đây là một nguyên nhân làm hạn chế kết quả của công tác này. Đề cập đến tồn tại của công tác khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp đã cho chúng ta thấy một trong các nguyên nhân tạo ra nó chính là thiếu các công cụ, các thiết bị tương xứng để phát hiện và thu thập được các dấu vết có ý nghĩa do tội phạm để lại hiện trường khi gây án và khai thác thông tin từ các dấu vết này.  

+ Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân có thay đổi trong cách nghĩ, lối sống. Thói thực dụng và vị kỷ, sự thờ ơ trước các hiện tượng tiêu cực do tội phạm gây ra, né tránh bởi sợ liên luỵ…nên khi phát hiện vụ án xảy ra một số người này đã không trình báo tới cơ quan có thẩm quyền. Đó là một trong những nguyên nhân khách quan khiến cho công tác điều tra vụ án rất khó khăn trong việc nắm tình hình từ quần chúng. Ở các vùng sâu, vùng xa, khi vụ án xảy ra, do các nguyên nhân mê tín dị đoan gắn với trình độ dân trí thấp, đời sống nghèo nàn lạc hậu của đồng bào dân tộc, việc điều tra làm rõ vụ án rất khó khăn.  

4.2.2. Những nguyên nhân chủ quan

Mặc dù có một số nguyên nhân khách quan tác động tiêu cực tới công tác điều tra tội phạm giết người, song cũng phải nhận thấy những tồn tại, hạn chế trong công tác này phần nhiều lại do các nguyên nhân chủ quan gây ra. Qua khảo sát thực tế công tác điều tra tội phạm giết người thời gian qua có thể đưa ra một số nguyên nhân cơ bản sau đây:

+ Trong thực tế một cán bộ muốn làm tốt công tác điều tra trọng án hình sự nói chung, tội phạm giết người nói riêng cần phải hội đủ các yếu tố sau đây: có sức khoẻ, có tinh thần trách nhiệm trong công việc; có tố chất nghề nghiệp, có trình độ pháp luật và nghiệp vụ vững vàng. Nếu xét theo tiêu chí ấy, đối chiếu với đội ngũ Điều tra viên làm công tác điều tra trọng án chuyên trách hiện tại cho thấy vẫn còn có những băn khoăn. Mặc dù không thể phủ nhận tinh thần tấn công tội phạm, sự tận tuỵ trong công việc của phần lớn cán bộ làm công tác này song cũng phải thấy rằng sự hẫng hụt trong kinh nghiệm, một số hạn chế trong các hoạt động điều tra, thiếu các kiến thức về dấu vết hình sự, về cách phân tích và đánh giá hiện trường… những tri thức liên ngành khác cần thiết cho công tác điều tra đã khiến cho nhiều Điều tra viên chưa thể đáp ứng đòi hỏi của tình hình. 

+ Công tác điều tra tội phạm giết người ở trong tình trạng bị động bởi lẽ chỉ khi có vụ án xảy ra mới cần thiết đến hoạt động điều tra khám phá. Thực tế Công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, nhất là lĩnh vực quản lý nhân khẩu, hộ khẩu ở các phường xã tại khu vực miền núi trong thời gian qua mặc dù đã được chấn chỉnh và nâng cao một bước nhưng chưa đáp ứng với yêu cầu đề ra. Trong nhiều vụ án được điều tra làm rõ cho thấy có nhiều đối tượng băng ổ nhóm phạm tội trong thời gian liên tục và kéo dài nhưng vẫn nằm ngoài diện đối tượng cần quản lý. Điều đó đã đưa công tác điều tra tội phạm giết người vào tình trạng càng bị động hơn.

+ Về quan hệ phối hợp, cần xây dựng quy chế phối hợp điều tra trong lực lượng công an cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Như thế tránh được tình trạng ỷ lại, dựa dẫm trong công việc, chế độ thông tin tản mạn không tập trung theo một đầu mối.

+ Cũng trong quan hệ phối hợp, cần đảm bảo sự phối hợp giữa Công an với Bộ đội biên phòng trong công tác đấu tranh phòng chống tội pham vì quan hệ này chỉ dừng ở góc độ hình thức. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung mối quan hệ với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong quá trình điều tra tội phạm giết người vì vẫn chưa thống nhất trong cách đánh giá về tính chất vụ việc, chứng cứ giữa hai cơ quan này dẫn đến một số vụ án việc khởi tố chưa hoàn toàn đảm bảo nhanh chóng, kịp thời.

+ Công tác khen thưởng kỷ luật trong hoạt động điều tra tội phạm giết người nói chung cũng vẫn còn có những tồn tại nhất định. Trong thực tế đây là vấn đề rất tế nhị và nhạy cảm. Nếu các cấp chỉ huy trực tiếp không có sự ghi nhận và đánh giá đúng về cán bộ dưới quyền gắn với những công việc mà họ đã làm trong từng vụ án cụ thể sẽ dễ dẫn đến tình trạng đề xuất khen thưởng không đúng người, đúng việc cũng như phê bình rút kinh nghiệm thiếu chính xác. Những nguyên nhân ấy sẽ tạo ra tư tưởng và trạng thái tâm lý không tốt với cán bộ chiến sỹ làm án. Hiện tượng suy bì "công anh, công tôi" như đã nêu ở trên cơ bản bắt nguồn từ nguyên nhân này.

CHƯƠNG III

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ  ĐIỀU TRATỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI CỦA CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA CÔNG AN  TỈNH QUẢNG NINH

1. Nâng cao năng lực, trình độ, kiện toàn  đội ngũ Điều tra viên làm công tác điều tra trọng án hình sự nói chung, điều tra tội phạm giết người nói riêng, tăng cường khả năng xử lý tại chỗ của Công an địa phương 

1.1. Căn cứ đưa ra giải pháp


Giải pháp nêu ra là một nội dung quan trọng thuộc phạm vi công tác tổ chức hoạt động điều tra các vụ án hình sự. Cũng như với các hoạt động thực tiễn khác, hoạt động điều tra trọng án (giết người) phụ thuộc rất nhiều ở yếu tố con người. Từ tính đặc thù và phức tạp của hoạt động này, yếu tố con người trở nên quan trọng hơn. Nếu giải quyết tốt những vấn đề liên quan tới biên chế, năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, nghề nghiệp của cán bộ chiến sỹ tin rằng sẽ góp phần rất tích cực để nâng cao hiệu quả của công tác điều tra. Với đặc điểm địa hình của Quảng Ninh, việc nâng cao khả năng xử lý tình huống tại chỗ của Công an cấp cơ sở trong điều tra tội phạm giết người, đặc biệt là ở giai đoạn tiếp nhận tin báo và tiến hành hoạt động điều tra ban đầu là một đòi hỏi khách quan có tính cấp bách.

Thực tế khảo sát cũng cho thấy vấn đề số lượng, chất lượng của lực lượng làm công tác điều tra tội phạm giết người chuyên trách chưa thật sự đáp ứng đầy đủ với đòi hỏi của công tác này. Trước hết nói về quân số, với 12 Điều tra viên làm công tác điều tra chuyên trách trọng án hình sự (trong đó có tội phạm giết người) như hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh là quá mỏng. Ngay cả khi việc phân cấp về thẩm quyền điều tra được áp dụng đối với tất cả các địa phương trong tỉnh thì về cơ bản các vụ trọng án hình sự vẫn thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh. Sự tăng cường lực lượng do vậy là hết sức cần thiết. Nói về chất lượng, thực tế cũng cho thấy đội ngũ Điều tra viên chuyên trách này cần phải được bổ sung, bồi dưỡng và có những thay đổi hợp lý bởi lẽ đã bộc lộ không ít thiếu sót trong quá trình tiến hành công tác điều tra. Đối với Công an các địa phương vẫn có nhiều tồn tại, thiếu sót khi tham gia công tác điều tra tội phạm giết người từ việc tiếp nhận, xử lý tin báo, đến bảo vệ hiện trường, tiến hành công tác truy xét. Mặt khác, việc tiếp cận hiện trường của Cơ quan điều tra cấp tỉnh có nhiều khó khăn do điều kiện địa hình như đã đề cập, kể từ khi nhận được tin báo nhanh nhất cũng phải sau 05 tiếng đồng hồ. Đây là khoảng thời gian cực kỳ có ý nghĩa đối với công tác điều tra ban đầu.

1.2. Nội dung của giải pháp

Đề nghị lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Ninh quan tâm tăng cường thêm quân số cho Đội điều tra trọng án Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội từ 15 đến 20 cán bộ. Tiêu chí của cán bộ làm công tác điều tra trọng án là trẻ, khoẻ, được đào tạo cơ bản, có năng lực hoạt động thực tiễn, yêu ngành yêu nghề, dũng cảm và trung thực. Hiện tại, nếu xét theo tiêu chí nêu trên, Điều tra viên làm công tác điều tra trọng án đã bắt đầu có sự xuống sức do độ tuổi, quân số thường xuyên bị thiếu. 

Lực lượng làm công tác điều tra trọng án (giết người) và các lực lượng khác liên quan đến công tác điều tra loại án này cần được bồi dưỡng tại chỗ về khả năng xử lý tình huống, về phương pháp, chiến thuật, thủ thuật điều tra, về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cũng như những kiến thức liên ngành khác có ý nghĩa phục vụ hoạt động điều tra. Sự bồi dưỡng này được tiến hành trên cơ sở công tác rút kinh nghiệm thường xuyên với hoạt động điều tra trọng án. Bên cạnh việc đào tạo bồi dưỡng về kỹ chiến thuật điều tra cần có sự đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho lực lượng này về khả năng sử dụng võ thuật, vũ khí nhằm đối phó với những tình huống gay cấn, nguy hiểm.

Lực lượng trực ban hình sự Công an các huyện, thị xã và lực lượng Công an phường, xã của những địa phương này cần được bồi dưỡng để đảm bảo cho công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm đúng quy trình. Công tác bảo vệ hiện trường cũng là một nội dung cần được chú trọng, quan tâm hơn nữa.

Lực lượng kỹ thuật hình sự của Công an các địa phương cũng cần được kiện toàn, củng cố về chất lượng. Xét về tổng quan, biên chế của lực lượng này tương đối phù hợp nhưng điều đáng quan tâm là năng lực hoạt động thực tiễn lại chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác điều tra nói chung, công tác điều tra tội phạm giết người nói riêng. Thực hiện nội dung này của giải pháp sẽ góp phần khắc phục được tình trạng nêu trên.

Như đã đề cập ở trên, việc thực hiện giải pháp này sẽ là một trong những thành tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra tội phạm giết người theo phương hướng đề ra. 

2. Quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và lực lượng làm công tác giám định tư pháp tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh

2.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

Như đã phần nào đề cập và phân tích, xin được nhắc lại trong công tác điều tra khám phá vụ án hình sự mà điển hình là các vụ án giết người hoạt động của giám định viên tư pháp và cơ quan giám định có một vai trò rất quan trọng. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi tội phạm đã có sự thay đổi tinh vi trong quá trình chuẩn bị, thực hiện và che giấu hành vi phạm tội trong quá trình gây án, mặt khác cùng với sự phát triển của khoa học nói chung, khoa học kỹ thuật hình sự đã có những tiến bộ đáng kể. Công tác giám định tư pháp đã được mở rộng ở nhiều lĩnh vực, chuyên ngành và chứa đựng khả năng phục vụ rất tích cực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng nếu như có đội ngũ giám định viên đủ năng lực và một cơ sở vật chất kỹ thuật tương ứng. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đây là vấn đề còn đang nhiều bất cập. Vì vậy, giải pháp nêu trên được hình thành hoàn toàn mang tính khách quan.

2.2. Nội dung của giải pháp

+ Củng cố và tăng cường chất lượng của đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật hình sự của Công an các địa phương nhằm phục vụ các yêu cầu tại chỗ về kỹ thuật hình sự như bảo vệ hiện trường, bảo vệ dấu vết hình sự trên hiện trường, đánh giá hiện trường, phát hiện, thu thập các dấu vết không quá phức tạp và khai thác, sử dụng những thông tin từ dấu vết này nhằm phục vụ cho việc đánh giá tính chất sự việc cũng như hoạt động điều tra ban đầu. Trước khi có sự can thiệp của Công an cấp trên, lực lượng kỹ thuật hình sự Công an các địa phương nếu giải quyết tốt những nội dung này sẽ góp phần hạn chế đáng kể những khó khăn về khoảng cách địa lý, về điều kiện thời tiết để đáp ứng yêu cầu điều tra tại chỗ.

+ Cần củng cố hai cơ quan giám định tư pháp là Tổ chức giám định kỹ thuật hình sự tỉnh Quảng Ninh và Tổ chức giám định pháp y. Đây là hai cơ quan thường xuyên phải thực hiện các yêu cầu giám định của Cơ quan điều tra trong quá trình tiến hành tố tụng. Nội dung của việc củng cố ở cả hai góc độ con người cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật.


Về con người: Chuẩn hoá trình độ chuyên môn và chức danh cho đội ngũ giám định viên thuộc các cơ quan này; từng bước bồi dưỡng nâng cao và hình thành một đội ngũ các chuyên gia giám định có đủ khả năng đáp ứng phần lớn các yêu cầu giám định của địa phương. Để làm được việc này cần có sự chọn lọc, bồi dưỡng tại chỗ và tuyển chọn mới một cách phù hợp.

Về cơ sở vật chất kỹ thuật: Đầu tư kinh phí từ các nguồn có thể để trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật và tiếp nhận công nghệ mới của khu vực, thế giới có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực như: các dụng cụ phục vụ cho công tác khám nghiệm hiện trường để phát hiện, thu thập dấu vết hình sự, đặc biệt là vi vết; Phòng mô phỏng hiện trường; giám định phân tích độc tố, giám định âm thanh và trong tương lai không xa là giám định gen. Mặc dù kinh phí để trang bị máy móc, phương tiện cũng như công nghệ phục vụ cho yêu cầu này là không nhỏ nhưng với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh, của đất nước nếu nhận được sự quan tâm đúng mức của Uỷ ban nhân dân tỉnh, của Bộ Công an thì vấn đề nêu ra hoàn toàn có thể thực hiện được. 

+ Về lâu dài các cơ quan giám định tư pháp tỉnh Quảng Ninh cần được hoàn thiện về số lượng, chất lượng giám định viên để có thể giải quyết được các yêu cầu giám định như giám định xác định cơ chế hình thành dấu vết, thời gian chết của tử thi… Giám định về tài chính kế toán, giám định cháy nổ, sự cố kỹ thuật… những vấn đề mà hiện tại mặc dù có yêu cầu điều tra song cơ quan giám định tư pháp tỉnh thường chưa thể kết luận được. Cùng với sự hoàn thiện về biên chế tổ chức và chất lượng cán bộ nêu trên, sự đầu tư tiếp tục về cơ sở vật chất, kỹ thuật là yêu cầu song song đặt ra.

Giải pháp này nếu được thực hiện sẽ là một đóng góp quan trọng với công tác điều tra tội phạm giết người. 

3. Tăng cường và đổi mới nội dung mối quan hệ phối hợp với Viện kiểm sát  trong quá trình điều tra tội phạm giết người

3.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

Đây là một thực tiễn quan trọng. Qua quá trình nghiên cứu đề tài cho thấy cần có một giải pháp riêng giành cho vấn đề này. Để xử lý triệt để một vụ án giết người luôn đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Công an với Viện kiểm sát dưới góc độ chính trị, pháp luật. Đặc biệt là đối với các vụ án giết người rất nghiêm trọng, phức tạp. Trong thời gian qua, hoạt động điều tra khám phá tội phạm giết người đã luôn nhận được sự phối hợp và hỗ trợ rất tích cực từ phía Cơ quan Viện kiểm sát. Tuy nhiên xem xét một cách đầy đủ và đặc biệt đặt mối quan hệ phối hợp dưới cả ba yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật trong công tác Công an thì ở vụ án này, vụ án khác còn có những vướng mắc, bất cập. Vẫn có khuynh hướng chỉ căn cứ vào pháp luật một cách thuần tuý mà bỏ qua yêu cầu nghiệp vụ và chưa chú trọng đến các yêu cầu chính trị, xã hội. Do đó, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra không áp dụng một cách triệt để phương pháp, chiến thuật, thủ thuật điều tra nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Những vướng mắc, bất cập này phần nào đã được nêu ra ở một số ví dụ thực tế trong đề tài.

Từ phân tích và đánh giá nêu trên cho thấy, đổi mới mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát là một việc làm hết sức cần thiết. Sự đổi mới này sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác điều tra tội phạm giết người cũng như kết quả xử lý vụ án hình sự nói chung.

3.2. Nội dung của giải pháp

+ Nguyên tắc của mối quan hệ phối hợp: 

Mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Viện kiểm sát là mối quan hệ mang tính chế ước theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Ở góc độ này, việc xác định mối quan hệ phối hợp có căn cứ là Bộ luật tố tụng hình sự, mục đích của nó nhằm xử lý vụ án chính xác, khách quan, đúng người đúng tội, đảm bảo quyền tự do, dân chủ của công dân cũng như tính đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. 

Mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Viện kiểm sát là quan hệ hỗ trợ, giúp đỡ nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thuận lợi với tính hiệu quả cao nhất. Ở góc độ này, mục đích của mối quan hệ phối hợp nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan này sẽ giải quyết tốt nhiệm vụ của mình ở từng giai đoạn tố tụng hình sự. Với hoạt động điều tra nếu nhận được sự giúp đỡ của Viện kiểm sát sẽ là một trong những căn cứ thực tế để Cơ quan điều tra có thể áp dụng một cách đầy đủ và hiệu quả nhất phương pháp, chiến thuật và thủ thuật điều tra. Nó cũng giúp cho hoạt động điều tra không chỉ dừng lại ở góc độ pháp luật thuần tuý và cứng nhắc. 

+ Nội dung của mối quan hệ phối hợp:

Đề nghị lãnh đạo các ngành Công an, Viện kiểm sát cần có sự thống nhất trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn nhằm giúp cho hoạt động điều tra có điều kiện vận dụng các biện pháp, hình thức điều tra tối ưu nhất. Những việc làm cụ thể đó là: trong việc phân loại, phân hoá tội phạm; trong việc áp dụng chính sách hình sự với đối tượng phạm tội giết người. Một số khu vực thuộc diện vùng sâu, vùng xa, quần chúng nhân dân có đời sống thấp về mọi mặt, còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Nếu chỉ căn cứ ở những quy định pháp luật để đề ra phương pháp, biện pháp, thủ thuật điều tra công tác điều tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể bế tắc do không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của quần chúng nhân dân. Việc giết con mới đẻ, giết người ở một số khu vực đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn này là hủ tục nhưng dười góc độ hình luật các hành vi này lại cấu thành những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu xác dịnh đó là hủ tục lạc hậu mà không xử lý hình sự sẽ hết sức tai hại, bỏ lọt tội phạm và vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự. Nhưng nếu cứng nhắc bỏ qua nguyên nhân và điều kiện phạm tội để đưa ra quan điểm điều tra, xử lý chỉ thuần tuý về luật pháp sẽ là hết sức duy ý chí. Trong những trường hợp này khi xây dựng kế hoạch điều tra, việc lựa chọn phương pháp, chiến thuật, thủ thuật điều tra của Cơ quan điều tra cần có sự thống nhất và sự ủng hộ ở phía Viện kiểm sát và chỉ có như vậy công tác điều tra vụ án giết người mới đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Trong những vụ án khác có liên quan đến băng nhóm tội phạm hoạt động kéo dài, tinh vi, xảo quyệt, để làm rõ được vụ án Cơ quan điều tra cần phải phân hoá được tội phạm và có đối sách với từng đối tượng một cách phù hợp. Việc làm này mang tính nghiệp vụ sâu sắc, hết sức cần thiết. Mặc dù vậy, nó không thể thực hiện được nếu thiếu sự ủng hộ của Viện kiểm sát. Như vậy, mối quan hệ phối hợp theo tiêu chí nêu trên cần phải được tiến hành vừa mang tính chế ước, vừa mang tính hỗ trợ giúp đỡ. Khẳng định lại rằng nếu đạt được yêu cầu nội dung như vậy sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm giết trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

4. Đảm bảo sự phối hợp hoạt động giữa Cơ quan cảnh sát điều tra với Bộ đội biên phòng

4.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

Trong thời gian qua, thực tế cho thấy giữa các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm trong lực lượng Công an nhân dân với lực lượng Bộ đội biên phòng bước đầu đã có sự phối kết hợp và giải quyết được một số vụ việc cũng như tình hình có liên quan đến tội phạm. Về hình thức Công an tỉnh Quảng Ninh đã có quy chế phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển (Quy chế số 01 ngày 17/7/1998). Về nội dung quy chế này từng bước được thực hiện cho hiệu quả thực tế, đặc biệt là giữa lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh. Tuy nhiên, đối chiếu giữa hình thức và nội dung còn thấy có nhiều vướng mắc, bất cập và những tồn tại hạn chế cần khắc phục bởi tính hiệu quả chưa cao. Từ những căn cứ nêu trên cho thấy để đáp ứng với tình hình của công tác phòng ngừa và điều tra khám phá tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng, Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, phải có mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, đảm bảo cả về hình thức cũng như nội dung.

4.2. Nội dung của giải pháp

+ Ban Giám đốc Công an tỉnh, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh cần có sự chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ có liên quan tiến hành tổng kết, đánh giá lại những năm thực hiện quy chế phối hợp giữa hai lực lượng. Tổng kết này cần tập trung đánh giá thẳng thắn về hiệu quả thực tế đã đạt được, những tồn tại, vướng mắc và hạn chế nảy sinh. Từ việc tổng kết thực tiễn sẽ xem xét lại nội dung của quy chế phối hợp để kịp thời loại bỏ những yếu tố không phù hợp và bổ sung những yếu tố mới mang tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó Ban Giám đốc Công an tỉnh, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh cần có sự chỉ đạo, định hướng cho Công an các địa phương thuộc tuyến biên giới, cửa khẩu, các đồn, Tiểu khu biên phòng tương ứng củng cố, xây dựng mới quy chế phối hợp trên cơ sở Quy chế của hai ngành cấp tỉnh và tình hình, đặc điểm của địa bàn. Cần thiết phải có một quy chế phối hợp giữa hai lực lượng: Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh. Nội dung quy chế này phải xác định được những căn cứ thực tế để ban hành nó cũng như mục đích của việc thực hiện quy chế. Tiếp đó, nội dung phối hợp phải chỉ ra được những vấn đề cụ thể liên quan đến công tác trao đổi thông tin về an ninh trật tự, các yêu cầu đòi hỏi hỗ trợ, phối hợp hành động trong giải quyết các vụ việc nói chung, điều tra khám phá tội phạm giết người nói riêng cũng như điều kiện để thực hiện các nội dung này. Nếu thiếu vắng một quy chế phối hợp mang tính liên ngành, công tác điều tra tội phạm giết người của Công an tỉnh sẽ gắp rất nhiều khó khăn, kết quả sẽ không cao. Tương tự như vậy với Bộ đội biên phòng tỉnh cũng sẽ gặp khó khăn trở ngại khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình tại địa bàn được phân công.

+ Để việc thực hiện quy chế phối hợp được tốt, lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh cần giáo dục cho cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng mình nhận thức một cách đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và hiệu quả thực tế của mối quan hệ phối hợp. Phải loại bỏ tư tưởng thành tích, suy nghĩ "công anh công tôi" và những suy nghĩ, hành động thiếu tích cực khác ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự cũng như đấu tranh chống tội phạm. Ở các địa bàn có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trước khi xây dựng kế hoạch, chiến lược, phương pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ giữa các ngành cần có sự trao đổi, tham khảo ý kiến nhằm đảm bảo cho mỗi ngành thực hiện tốt nhất những nhiệm vụ cụ thể của mình cũng như tránh sự chồng chéo gây nên các khó khăn khi thực hiện phong trào trong quần chúng nhân dân. Cùng là đấu tranh phòng chống tội phạm tại địa bàn biên giới nhưng nếu giữa lực lượng Công an và lực lượng Biên phòng không có một tiếng nói chung mà triển khai độc lập, nhất định sẽ dẫn đến sự chồng chéo nêu trên. Sẽ hợp lý và khoa học hơn rất nhiều nếu cùng nội dung này trước khi thực hiện trong thực tế có sự thống nhất phối hợp hành động giữa hai bên trong quá trình điều tra nói chung và điều tra vụ án giết người nói riêng.

Cùng với những giải pháp đã được đưa ra, giải pháp này nếu được thực hiện sẽ tiếp tục góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự tại địa bàn biên giới, cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, công tác đấu tranh chống tội phạm, tội phạm giết người tại địa bàn này. Trong mối quan hệ theo đề xuất nêu trên, vai trò chủ động, nòng cốt thuộc về Công an tỉnh Quảng Ninh.

5. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự góp phần nâng cao hiệu quả điều tra

5.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

Quản lý nhà nước về an ninh trật tự là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nói chung. Hơn bao giờ hết, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, vấn đề quản lý nhà nước về an ninh trật tự đã trở nên rất quan trọng vì đây  là một địa bàn trọng điểm, chiến lược có ý nghĩa nhiều mặt đối với sự ổn định về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội. Nếu không đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực với tình hình phát triển kinh tế, văn hoá xã hội cũng như sự ổn định về chính trị trên địa bàn. Công tác điều tra khám phá tội phạm giết người dưới mọi góc độ đều chịu sự chi phối của công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Thực tế đã cho thấy, ở địa bàn nào vấn đề quản lý nhà nước về an ninh trật tự không tốt thì địa bàn đó sẽ nảy sinh nhiều hoạt động vi phạm pháp luật và gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra tội phạm.

Vấn đề phòng ngừa tội phạm cũng là một yếu tố rất quan trọng tác động đến kết quả của hoạt động điều tra làm rõ tội phạm. Tại khu vực biên giới, cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm giết người có những diễn biến phức tạp cũng như các hạn chế của công tác điều tra là do hoạt động phòng ngừa tội phạm chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hoạt động phòng ngừa tội phạm, bao gồm cả phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội, tự nó trước khi thực hiện chức năng từng bước loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội sẽ quyết định đến kết quả điều tra tội phạm. 

Như vậy ở cả dưới hai phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy sự hình thành của giải pháp này là hết sức khách quan.

5.2. Nội dung của giải pháp

Với công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trong phạm vi hoạt động theo chức năng, Công an các địa phương, đặc biệt là ở khu vực biên giới, cửa khẩu, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh có chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự cần làm tốt hơn nữa lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình theo chuyên môn. Những nội dung này bao gồm: quản lý hành chính về trật tự xã hội, quản lý xuất nhập cảnh, những nội dung quản lý nhà nước khác trong công tác công an. Lực lượng Công an phường, xã, Công an cấp huyện cần tham mưu cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công dân, đối với các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Giữa lực lượng Công an và lực lượng biên phòng cần có sự thống nhất, phối hợp hành động, tránh chồng chéo về thẩm quyền cũng như không tạo ra các kẽ hở trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự để tội phạm lợi dụng hoạt động. Đây là vấn đề không dễ nhưng cần phải thực hiện tốt.

6. Nâng cao ý thức pháp luật của quần chúng nhân dân tỉnh Quảng Ninh

6.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

 Trong quá trình điều tra vụ án hình sự đặc biệt là điều tra tội phạm giết người, sự tham gia của quần chúng nhân dân đóng vai trò đáng kể vì sẽ giúp cho quá trình điều tra được hoàn thiện, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nhưng thực tế ý thức pháp luật của người dân còn chưa cao nên khi có tội phạm xảy ra người dân đã không báo tin ngay cho Cơ quan điều tra, chính quyền địa phương hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội mà không biết. Hạn chế này xuất phát từ những nguyên nhân sau: 

+ Hiện nay, nếu xét theo mặt bằng chung thì trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số địa phương có đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội thấp, trình độ dân trí lạc hậu. Với một nền tảng vật chất và dân trí như vậy thật khó có thể đảm bảo triển khai tốt các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, trong đó có đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như công tác điều tra tội phạm giết người. Do đó, khi phát hiện có án mạng xảy ra hoặc biết về vụ việc đó, những người này không khai báo với cơ quan chức năng. Trong không ít trường hợp và ở không ít địa bàn, từ đói nghèo, lạc hậu đã khiến người dân lương thiện trở thành những đối tượng gây ra các vụ án hết sức nghiêm trọng hoặc che giấu tội phạm, đồng loã với cái xấu. Nếu chỉ căn cứ vào các quy định luật pháp để xử lý sẽ có rất nhiều điều cần phải xem xét. 

+ Bên cạnh đó vẫn một bộ phân người dân vì sợ ngại, sợ liên luỵ …đã không thực hiên trách nhiệm khai báo với cơ quan chức năng mặc dù mình biết.

 Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Đó là cơ sở quan trọng hàng đầu để quần chúng tham gia vào công tác quản lý xã hội, quản lý nhà nước về an ninh trật tự và đấu tranh phòng chống tội phạm giết người.

6.2. Nội dung của giải pháp

+ Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, tuyên truyền sâu rộng về chương trình quốc gia phòng chống tội phạm (Nghị quyết 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ) cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng xâu, vùng xa, nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng. Cần tuyên truyền cho người dân về việc phải thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, tham gia giúp đỡ Cơ quan Cảnh sát điều tra khi có yêu cầu. Đồng thời triển khai tích cực hơn nữa các chính sách kinh tế, văn hoá xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng nhân dân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa như thị trấn Quảng Hà, các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ... 

+ Đề nghị Công an tỉnh phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh truyền hình và với chính quyền các địa phương, các cơ quan xí nghiệp, tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục người dân về tình hình tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng với những phương thức, thủ đoạn mới; những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến thực hiện tội phạm để quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và thông báo kịp thời những biểu hiện nghi vấn cho Cơ quan Cảnh sát điều tra góp phần hạn chế những vụ án giết người xảy ra trên tỉnh Quảng Ninh. 

+ Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng các kiến thức về các mặt công tác Công an cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Từ đó, các chủ thể này có thể đưa ra được những quyết định nâng cao ý thức pháp luật phù hợp với công tác phòng chống tội phạm nói chung, công tác điều tra nói riêng.

Để nâng cao ý thức pháp luật của quần chúng nhân dân cần có sự đầu tư của các ngành giáo dục, văn hoá thông tin, các tổ chức như đoàn thanh niên, phụ nữ trong sự kết hợp chặt chẽ với lực lượng Công an

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm giết người

7.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

Là một khu vực có tuyến đường biên giới kéo dài tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, cả ở trên đất liền cũng như trên biển, cùng với sự đổi mới trong những năm vừa qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn biên giới, cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh đã và đang trở nên phức tạp. Qua thực tiễn của công tác đấu tranh chống tội phạm đã cho thấy có sự móc nối, cấu kết giữa tội phạm là người Việt Nam với tội phạm là người Trung Quốc ở các loại án giết người, cướp tài sản, mua bán phụ nữ… Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp sau khi gây án tại Việt Nam, đối tượng gây án nhanh chóng tẩu thoát sang lãnh thổ Trung Quốc. Về vấn đề hợp tác quốc tế, mặc dù đã có quy chế phối hợp trong lĩnh vực phòng chống tội phạm giữa Công an tỉnh Quảng Ninh và Công an tỉnh Quảng Tây cũng như Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng trên thực tế hiệu quả chưa cao. Từ lý do này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa về nội dung, hình thức của quan hệ hợp tác quốc tế dưới góc độ đấu tranh phòng chống tội phạm là hết sức cần thiết và mang tính cấp bách.

7.2. Nội dung của giải pháp

Muốn nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm giết người, trước hết đề nghị Bộ Công an sẽ có tổng kết về quá trình thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Công an các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung và Công an tỉnh Quảng Ninh nói riêng sẽ tổng kết chuyên đề nêu trên ở phạm vi địa phương mình và trong phạm vi khu vực. Từ kết quả ấy sẽ chỉ ra được những ưu điểm cũng như những tồn tại, thiếu sót và nguyên nhân, trên cơ sở này sẽ đề ra được những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của quan hệ hợp tác; sẽ bổ sung được những vấn đề còn thiếu để hoàn thiện.


KẾT LUẬN

Điều tra tội phạm giết người là một hoạt động hết sức khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Trong những năm qua, hoạt động điều tra tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh về cơ bản đã đáp ứng được đòi hỏi thực tế công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như góp phần tích cực đối với sự ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra khám phá loại tội phạm này. Những đặc điểm của địa bàn, đặc điểm đặc trưng của tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mối quan hệ giữa tội phạm này với các tội phạm khác… đã làm nên sự khác biệt của tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh so với các địa phương khác. Việc phân tích thực trạng điều tra tội phạm giết người của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã cho thấy không chỉ những kết quả đạt được mà cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan của hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, có thể đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra tội phạm giết người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và góp phần vào việc hoàn thiện lý luận về phương pháp điều tra tội phạm giết người nói chung. 

Trong việc nghiên cứu đề tài, tôi đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh, Khoa pháp luật hình sự, tổ bộ môn khoa học điều tra hình sự và đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của TS. Bùi Kiên Điện, giảng viên Khoa luật Hình sự trường Đại học Luật Hà Nội. Tôi luôn ghi nhớ và trân trọng cám ơn sự giúp đỡ này.

Điều tra vụ án hình sự luôn là một việc khó, điều tra tội phạm giết người còn là một hoạt động khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Việc tìm hiểu hoạt động điều tra vụ án giết người của cơ quan Cảnh sát Công an tỉnh Quảng Ninh trong phạm vi khoá luận tốt nghiệp đại học, do vậy sẽ có rất nhiều phức tạp. Cho nên, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng tôi hiểu rằng khoá luận vẫn còn nhiều thiếu sót. Rất mong được sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến của thầy cô và các bạn để đề tài được hoàn thiện hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo tổng kết công tác các năm 2004, 2005, 2006 của Phòng Cảnh sát điều tra trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Ninh.
2. Báo cáo tổng kết công tác hai năm 2002, 2003 của Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh.
3. Báo cáo tổng kết điều tra trọng án của Công an tỉnh Quảng Ninh các năm từ 2002 đến 2006 của Công an tỉnh Quảng Ninh.
4. Bộ luật hình sự năm 1999.
5. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
6. Các văn kiện quốc tế về quyền con người, NXB chính trị quốc gia Hà Nội 1998.
7. Hồ sơ 148 vụ án, chuyên án về các vụ giết người, giết người cướp tài sản, giết người hiếp dâm được lưu giữ tại phòng hồ sơ Công an tỉnh Quảng Ninh (Giai đoạn năm 2002 đến năm 2006).
8. Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2005, NXB Thống kê.
9. Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004.
10.  Pháp lệnh sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004.
11.  Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004.
12.  Thông tư số 12/ 2004/TT – BCA (V19) ngày 23- 09- 2004 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 trong Công an nhân dân.
13.  Trang web http//: www. viwikipedia.org
14.  Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Khoa học điều tra hình sự, NXB Công an nhân dân  Hà Nội 2005.
15.  Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tội phạm học, NXB Công an nhân dân, Hà Nội 2007

No comments:

Post a Comment