Mặc dù quyền lực của vua rất lớn nhưng không phải tuyệt đối. Quyền lực của vua bị hạn chế ở một số yếu tố sau:
Một là, bởi bổn phận thân dân của nhà vua:Nguồn gốc của bổn phận thân dân của nhà vua xuất phát từ quan điểm thiên nhân tương dữ ( trời và người hiểu nhau, có quan hệ với nhau ) của Nho giáo, ý trời được thể hiện qua lòng dân. Nhà vua muốn thực hiện được thiên mệnh, nhà vua phải thân dân. Thân dân là môt trong những tiêu chuẩn để phân biệt hôn quân và minh quân. ở Việt Nam, trong thời kỳ phong kiến, thân dân của nhà vua không chỉ xuất phát từ tư tưởng thân dân của Nho giáo, mà còn xuất phát từ việc thực hiện chức năng cơ bản của nhà nước. Nằm ở phía Nam của phong kiến Trung Quốc, người Việt luôn phải đối phó với nạn bành trướng bá quyền của Trung Quốc. Chức năng chống ngoại xâm trở thành chức năng cơ bản hàng đầu của tất cả các vương triều phong kiến Việt Nam: nhà Lý chống Tống, nhà Trần chống Nguyên Mông, nhà Lê chống Minh, Triều Tây Sơn chống Thanh… Để thực hiện chức năng đó, các triều đại phong kiến Việt Nam khi thực hiện các chức năng đối nội luôn phải tính đến việc thu phục lòng dân, củng cố khối đoàn kết dân tộc bằng cách thân dân. Bổn phận thân dân luôn được khẳng định trong các tuyên bố của vua phong kiến. Ví như khi đại thắng quan Minh, Lê Lợi tuyên bố: “ Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.Minh Mạng tự coi mình là cha mẹ của dân, vua đối với dân cũng như cha hiền đối với trẻ con. Bổn phận thân dân đã chi phối đến mức tập trung quyền lực vào trong tay nhà vua. Mặc dù nắm trong tay quyền lực nhà nước, khi nhà vua ban hành pháp luật, nhà nước không chỉ thể hiện ý chí của mình, của giai cấp thống trị mà còn phải tính đến ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Trong luật Hồng Đức và Gia Long có hàng loạt các chế định bảo vệ tuyệt đối tính mạng tài sản danh dự nhân phẩm của nhà vua, nhưng có nhiều điều khoản bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
Trong khi thực hiện quyền hành pháp, có những quyết định của nhà vua vì bổn phận thân dân đôi khi đi ngược lại với lợi ích của triều đình mình. Ví như để nuôi sống bộ máy cai trị, tạo dựng cơ sở kinh tế vững chắc cho triều đại của mình, nhà vua phong kiến Lê, Nguyễn ban hành những chính sách thuế khóa, lao dịch, binh dịch, miễn lao dịch, binh dịch cho thân dân. Bổn phận thân dân đôi khi khiến các vua phong kiến đi ngược lại quyết định của chính mình. Ví dụ dưới triều Nguyễn, nhà nước không quy định việc chẩn cấp cho những người giập hỏa hoạn song khi nhân dân gặp hỏa hoạn, các quan quản dân đã tự động mở kho cứu tế cho dân. Khi việc này bị phát giác, Minh Mạng buộc phải tha bổng cho các quan chức đã tự tiện chẩn cấp cho dân.
Trong lĩnh vưc tư pháp, để bảo vệ vương triều và thể hiện uy quyền của mình pháp luật đã đưa ra những chế tài nghiêm khắc dành cho những tội phạm xâm hại đến quan hệ xã hội cơ bản mà pháp luật bảo vệ. Song mỗi khi có thiên tai, khi đăng quang, khi sinh hoàng tử, để thực hiện bổn phận thân dân, nhà vua đã đại xá, đặc xá cho kẻ phạm tội. Có thể nói bổn phận thân dân khiến nhà vua không phải lúc nào cũng thể hiện và thực hiện một cách trọn vẹn ý chí của mình. Trong quá trình cai trị, cho ban hành các chính sách pháp luật và thực thi chính sách pháp luật, ở một mức độ nhất định, nhà vua phải tính đến ý chí và quyền lợi của nhân dân.
Hai là, bởi những tập quán chính trị.
Các tập quán chính trị thời phong kiến ( cách thức xử sự truyền thống ) có sức sống mãnh liệt, bởi nó có chỗ dựa vững chắc từ quan điểm “ pháp tiên vương “ của đạo Nho. Khi vào Việt Nam, quan điểm “ pháp tiên vương “ đã bị khúc xạ, bên cạnh việc học tập các điển chương, chế độ của các ông vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Nghiêu,Thuấn, Hán, Đường, các vua Lê, Nguyễn còn đưa ra quan điểm “ pháp tổ “ (noi theo tổ tiên ). Các triều đại phong kiến Việt Nam lấy cách thức xử sự của tiên vương bao gồm chính lệnh, luật pháp, tập quán cai trị làm khuôn mẫu trong cách thức cai trị của mình
Do ảnh hưởng của các tập quán chính trị mà mỗi triều đại Lê, Nguyễn chỉ ban hành một bộ luật tổng hợp. Các chế định trong các bộ luật đó dù có lạc hậu hơn so với đời sống kinh tế xã hội cũng không được loại bỏ, các đời vua kế tiếp chỉ có quyền bổ sung thêm để khắc phục tình trạng lạc hậu hơn của các điều khoản. Minh Mạng khi lệnh cho Quốc sử quán chép lại điền chương, chế độ của triều đại mình, cũng không dám bỏ qua cách thức xử sự truyền thống của ông cha, đó là lý do khiến trong tác phẩm “ Minh Mệnh chính yếu “ của Quốc sứ Quán triều Nguyễn có một chương nói riêng về việc noi theo chế độ của tiên vương ( chương pháp tổ ).
Cách thức xử sự truyền thống trong cai trị của các tiên vương làm cho các hoàng đế đương quyền không thể hoàn toàn cai trị theo ý chí của mình. Ngoài ra các điển chương chế độ đương thời cũng là khuôn mẫu để các hoàng đế đời sau cai trị. Sự phán xét của lịch sử, của các ông vua đời sau về những đóng góp, những hạn chế của các đời vua trước là nguyên nhân khiến các vị vua đương thời phải cân nhắc thận trọng trong việc đưa ra đường lối cai trị. Như vậy, các tập quán chính trị cũng là một yếu tố có ảnh hưởng đến việc tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc “ tôn quân quyền “.
Ba là, bởi phương thức nghị đình.
Phương thức nghị đình là một tập quán chính trị trong các triều đại phong kiến Việt Nam, trước khi đưa ra các quyết sách quan trọng, nhà vua phải tham khảo ý kiến của Hội đồng đình thần trong các phiên triều. Tuy nhiên không phải lúc nào và việc gì trước khi quyết định nhà vua cũng phải thảo luận bàn bạc trước với các quan chế. Do công việc quản lý cá lực của đời sống kinh tế xã hội đặc biệt phức tạp, hoàng đế phải trao các quyền hạn cho quan chức để họ thay mặt mình thực thi quyền lực nhà nước. Trong quá trình thực thi, quan chức không thể tự ý quyết định việc quan trọng song bản thân các quan chức có thể nêu ý kiến và cách thức giải quyết riêng của mình trong các bản tấu trình xin ý kiến của nhà vua. Căn cứ vào bản tấu trình của các quan, nhà vua đưa ra biện pháp và hướng giải quyết việc một cách cụ thể. Mặc dù ý kiến của hội đồng đình thần, của các quan chức trực tiếp quản lý và giải quyết chỉ có giá trị tư vấn song ý kiến của họ khiến nhà vua khi quyết định chính sách, ban hành pháp luật không thể cực đoan.
Ý chí của nhà vua còn bị hạn chế bởi hoạt động can gián của các ngôn quan ( quan chức trong ngự sử đài , thời Lê),Đô sát viện thời Nguyễn, và các triều thần trung thực thẳng thắn. Mục đích của hoạt động can giám làm cho nhà vua nhận thức được các chính sách sai lầm của mình và tìm cách khắc phục. Ví như Bà Chiêu Linh – Thái Hậu dưới thời nhà Lý manh tâm mưu sự phế lập. Thái Tử Long Cán, con trai vua Lý Anh Tông (1176-1210) để lập con riêng của mình là Long Xưởng lên làm vua. Theo sử thì bà Thái Hậu này mặc dù nắm quyền hành trong nước lúc bấy giờ đã không sao thi hành được ý định của mình vì đình thần nhất định tuân theo di chiếu, phản đối việc phế lập này.
Bốn là, bởi chế độ khoa cử.
Thời bấy giờ công chức được gọi là quan lại (quan: chỉ các viên chức giữ các chức vụ điều khiển chỉ huy các cơ quan hành chính , lại: dùng để chỉ các nhân viên thừa hành). Quan cũng như lại thời đó đều lựa chọn để chỉ các nhân viên thừa hành. Quan cũng như lại thời đó đều lựa chọn trong số những người chân khoa mục tức trúng tuyển các kỳ thi do vua đặt ra: tú tài, cử nhân, tiến sĩ… Thể lệ thi cử thời đó khá công bình và dân chủ: sang hèn giàu nghèo ai cũng có quyền ứng thi và người nào đỗ đạt sẽ được làm quan. Đúng như lời nhà sử học Trần Trọng Kim: triều đình vì cách tuyển chọn nhân tài như thế không phải là một nhóm cận thần để hầu hạ làm việc riêng cho nhà vua mà chính là một hội nghị chung cho cả nước do sự kén chọn những người xứng đáng bằng cách thi cử đỗ đạt.
Khoa cử với một đặc trưng khách quan vô tư đã lựa chọn được nhân tài cho đất nước, song mặt khác khoa cử khiến nhà vua không thể mặc sức theo ý muốn của mình mà bổ nhiệm quan lại. Nhà vua bên cạnh việc đặt ra thể lệ cách thức bổ nhiệm còn phải căn cứ vào kết quả xếp loại khoa cử của các nho sĩ để bổ nhiệm quan lại. Chính điều này khiến nhà vua hạn chế được sự độc đoán chuyên quyền.
Năm là, bới tính tự quản của làng xã.
Do còn tồn tại rất nhiều tàn dư của thời kỳ công xã nông thôn, ảnh hưởng của hơn 10 thế kỷ đấu tranh chống đồng hóa thời Bắc thuộc mà làng xã Việt Nam trong lịch sử mang tính tự quản cao.
Khi nhà nước phong kiến ra đời, chế độ trung ương tập quyền được xác lập, nhà nước tìm cách can thiệp để phá vỡ tính tự quản của cộng đồng lãng xã song làng xã có tổ chức, có luật lệ và phong tục của nó cũng đấu tranh cố giữ cho làng xã những quyền hạn nhất định.
Nhà nước quân chủ chuyên chế được củng cố, hoạt động lập pháp được tăng cường, pháp luật được ban hành thống nhất trong phạm vi toàn quyền nhưng làng xã với phong tục từ ngàn đời vẫn điều chỉnh quan hệ trong nội bộ làng xã bằng phong tục tập quán và nhà nước lại buộc phải thừa nhận hợp pháp hóa lệ làng.
Quyền hành của nhà vua bị hạn chế do chế độ tự trị của làng xã. Sở dĩ như vậy vì làng nào cũng có phong tục tập quán riêng. Làng nào cũng có Hội đồng kỳ mục do dân cử ra để trông coi mọi việc trong làng. Đứng đầu là tiên chỉ, thứ chỉ rồi có lý trưởng, phó lý do Hội đồng kỳ mục cử ra để giao thiệp với cấp trên. Vua không can thiệp trực tiếp vào công việc của thôn xã được. Sự giao tiếp giữa làng và nước ở đây có chăng chỉ là hai việc lớn, một là việc đóng thuế hàng năm cho công khố, và hai là cung cấp số lính cần thiết cho quân đội hoàng gia. Nhưng trong hai việc này, vua không trực tiếp giao thiệp với dân chúng trong xã mà buộc phải dùng tổng xã làm trung gian. Bởi vậy mới có câu ngạn ngữ nổi tiếng :” phép vua thua lệ làng”.
No comments:
Post a Comment