29/09/2014
Đánh giá về chế độ tài sản giữa vợ và chồng trong thời kì hôn nhân của bộ Quốc triều hình luật (Bài 2)
Bài tập học kỳ Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam có đáp án.

LỜI MỞ ĐẦU


Sự phát triển cao độ của chế độ phong kiến tập quyền thời Lê sơ đề ra yêu cầu xây dựng một bộ pháp luật hoàn chỉnh để củng cố những trật tự xã hội mới. Trải qua một quá trình xây dựng lâu dài từ thời Lê Thái Tổ, đến thời Lê Thánh Tông đã pháp điển hóa các pháp lệnh ban bố và thi hành trong các triều vua thời Lê sơ thành một bộ luật hoàn chỉnh nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển sang giai đoạn mới của chế độ phong kiến Việt Nam. Đó là bộ Quốc triều hình luật (mà người ta thường gọi là bộ Luật Hồng Đức để đề cao vai trò xây dựng của Lê Thánh Tông), sản phẩm của một thời kỳ phát triển cực thịnh của chế độ phong kiến tập quyền Việt Nam. Bộ luật này sau khi được xây dựng đã trở thành pháp luật của thời Lê sơ và của các triều đại sau cho đến thế kỷ XVIII. Trong bộ luật, chế độ tài sản giữa vợ và chồng trong thời kì hôn nhân là một trong số những chế định quan trọng, do đó, việc đánh giá chế độ trên là hết sức cần thiết.


NỘI DUNG

1, Những quy định chặt chẽ trong chế độ tài sản giữa vợ và chồng

Theo như các quy định tại các điều 374, 375, 376 tài sản vợ chồng bao gồm tài sản riêng của mỗi người được thừa kế từ gia đình và tài sản chung vợ chồng cùng làm ra trong thời kỳ hôn nhân. Lần đầu tiên, pháp luật công nhận công lao đóng góp vào việc tạo ra tài sản chung của vợ chồng từ đó công nhận quyền sở hữu của người vợ đối với một nửa tài sản hai vợ chồng làm ra thể hiện qua các quy định tại điều 374: “…Nếu điền sản là của chồng và vợ trước làm ra thì chia làm hai phần, vợ trước và chồng mỗi người một phần, phần của vợ trước thì để riêng cho con, còn phần chồng lại chia như trước. Nếu điền sản là của chồng và vợ sau làm ra, thì cũng chia làm hai phần, chồng và vợ sau mỗi người một phần, phần của chồng thì chia như trước, còn phần của vợ sau thì được nhận làm của riêng…”và điều 375: “…còn điền sản của vợ chồng làm ra thì chia làm hai, vợ chồng mỗi người được một phần; phần của vợ được nhận làm của riêng…”.

Sự quy định thành phần khối tài sản chung, riêng rõ ràng của vợ chồng là điểm rất tiến bộ và độc đáo của pháp luật nhà Lê và nó vẫn được tiếp thu trong việc xây dựng pháp luật hiện nay. Việc chia đôi khối tài sản chung chứng tỏ rằng sự đóng góp của người vợ vào khối tài sản chung là ngang bằng với người chồng. Sự bình đẳng đó còn thể hiện ở quyền định đoạt tài sản chung. Như vậy địa vị pháp lý của người vợ được cải thiện hơn hẳn so với các quan niệm Nho giáo qua việc thừa nhận quyền bình đẳng về tài sản giữa vợ và chồng.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định quyền sở hữu và định đoạt đối với tài sản riêng thể hiện tại điều 376: “vợ chồng đã có con, nếu một người chết trước sau đó con cũng lại chết thì điền sản thuộc về chồng hay vợ…”, nếu vợ chết trước thì “điền sản của vợ chia làm ba, để cho chồng hai phần, cho người họ (người thừa tự) một phần. Cha mẹ còn sống thì chia làm hai, thuộc về cha mẹ một phần, thuộc về chồng một phần, phần của vợ chỉ để nuôi một đời, không được nhận làm của riêng, chồng chết thì phần ấy thuộc về cha mẹ hay người thừa tự. Chồng chết trước thì vợ cũng thế, cải giá thì phải trả lại”. Tài sản riêng của vợ chồng là những tài sản của mỗi bên vợ chồng có trước khi kết hôn, do được thừa kế từ gia đình mỗi người. Đối với những tài sản này, vợ, chồng đều có quyền sở hữu riêng rẽ, mặc dù những tài sản này được quản lí chung bởi vợ chồng và các lợi tức của nó là tài sản chung. Những tài sản này chỉ gộp vào để quản lí chung trong thời kỳ hôn nhân. Người chồng không có quyền chiếm dụng tài sản mà vợ thừa kế từ dòng họ mình và ngược lại.

Sự thừa nhận quyền sở hữu tài sản riêng cũng là một điểm tiến bộ của Quốc triều hình luật mà ta không thể tìm thấy trong pháp luật phong kiến Trung Quốc. Có sự khác biệt đó là do ở Trung Quốc con gái không có quyền thừa kế tài sản mà chỉ có của hồi môn khi đi lấy chồng còn ở Việt Nam thì quyền thừa kế của con trai và con gái là như nhau, thậm chí con gái có thể thừa kế hương hỏa. Để đảm bảo tài sản hương hỏa không bị chuyển giao cho dòng họ khác khi con gái đi lấy chồng, cách tốt nhất là thừa nhận quyền sở hữu đối với tài sản riêng của người vợ. Điều này hoàn toàn phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam là tài sản hương hỏa chỉ dùng để thờ cúng tổ tiên nên không thể giao cho người khác họ.

2, Chế định thừa kế tài sản cũng có những điểm độc đáo không tìm thấy trong các bộ luật phong kiến khác

Bên cạnh việc quy định chế độ tài sản giữa vợ và chồng trong thời kỳ hôn nhân, nhà làm luật thời Lê cũng có những quy định đặc sắc liên quan đến chế độ thừa kế tài sản giữa vợ chồng. Theo tục lệ và cổ luật Việt Nam, vợ phải để tang chồng, chồng phải để tang vợ. Nhưng điều đặc biệt là cả tục lệ và cổ luật đều tuyên bố vợ chồng không phải là thừa kế của nhau. Theo như điều 375 quy định, trong trường hợp vợ chồng không có con, người chồng chết trước thì tài sản vợ chồng do bố mẹ để lại cho (phu điền sản, thê điền sản) được chia làm 2 phần, 1 phần để lại cho gia đình người chồng, 1 phần để lại cho người vợ hưởng dụng một đời (không được nhận làm của riêng), khi vợ chết hay cải giá thì trả lại cho gia đình chồng . Vợ chết trước cũng áp dụng những quy định đó nhưng người chồng khi lấy vợ khác thì vẫn không mất quyền hưởng dụng tài sản đó. Tài sản do vợ chồng làm ra, nếu chồng chết trước thì chia làm hai, vợ chồng mỗi người được một phần. Phần của vợ được nhận làm của riêng. Phần của chồng lại chia làm 3, để lại cho vợ 2 phần để nuôi dưỡng một đời (không được nhận làm của riêng), khi vợ chết trả lại cho gia đình nhà chồng; phần còn lại (1/3 tài sản của chồng) để lại cho gia đình chồng. Vợ chết trước cũng chia như vậy. Trong trường hợp hai vợ chồng có con (Điều 374), mà một trong hai người chết trước (vợ hoặc chồng) thì đối với tài sản riêng của hai người được chia làm hai phần, một phần để lại thừa kế cho con, phần còn lại giành cho người còn sống nuôi dưỡng một đời, khi người đó chết thì để lại thừa kế cho các con. Chế độ không thừa kế di sản của nhau giữa vợ chồng, thay vào đó là chế độ quản lý và hưởng dụng toàn bộ hoa lợi của tài sản được quy định trong Quốc triều hình luật cũng được một số nước phương Tây nghiên cứu và rất ca ngợi, gọi đó là chế độ cộng đồng phu phụ sản. Chế độ này đóng một vai trò trội yếu trong việc bảo vệ mối quan hệ hạnh phúc giữa vợ và chồng bảo đảm tính thuần khiết và bền vững của gia đình Việt Nam, tránh được rất nhiều hiện tượng rạn nứt gia đình do chồng muốn thừa kế của vợ, vợ muốn thừa kế của chồng. Phải thấy rằng nhà làm luật triều Lê đã rất khéo léo trong việc bảo đảm sự ổn định, bền vững trong gia đình cũng như bảo đảm điều kiện kinh tế cho người vợ (chồng) khi góa bụa thể hiện qua các quy định hết sức tinh tế chưa từng có trong pháp luật phong kiến Việt Nam cũng như Trung Quốc – một quốc gia lớn mạnh có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội nước ta..


Quy định về chế độ thừa kế tài sản giữa cha mẹ và con cái trong Quốc triều hình luật cũng đã chú ý đến việc nhắc nhở cha mẹ phải liệu tuổi già mà làm chúc thư cho các con cũng như quy định những điều kiện để một chúc thư có hiệu lực pháp luật. Điều 390 quy định “người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập sẵn chúc thư”. Điều 366 quy định “những người làm chúc thư văn khế mà không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến, thì phạt 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có giá trị. Nếu biết chữ mà viết lấy thì được”. Như vậy, có thể thấy trong Điều 366 này nhà lập pháp đã quy định về hình thức viết chúc thư của văn khế. Nhà lập pháp cũng quy định luôn là người lập chúc thư văn khế là quan trưởng, đồng thời quan trưởng cũng là người chứng kiến chúc thư. Không tuân theo điều kiện của Điều 366 thì không những chúc thư đó không có giá trị mà còn bị phạt 80 trượng và phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Trong quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, pháp luật nhà Lê không phân biệt con trai - con gái. Theo như quy định tại Điều 388: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em tự chia nhau, thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm phần hương hỏa, giao cho người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau” cả con trai lẫn con gái đều có quyền hưởng phần thừa kế như nhau trừ trường hợp có di chúc; Việc thừa nhận quyền bình đẳng giữa con trai và con gái trong việc chia thừa kế là một điểm tiến bộ mới xuất hiện lần đầu trong Quốc triều hình luật. Được quy định trong 13 điều luật thuộc chương Điền sản, luật hương hỏa triều Lê thể hiện sâu sắc phong tục tập quán của người Việt, có nhiều điểm khác so với pháp luật Trung Hoa. Quy định về số lượng tài sản hương hỏa cũng tương đối chặt chẽ: “Người trưởng họ liệu chia nhiều ít cho phải, rồi làm giấy giao lại về phần hương hỏa thì theo lệ cũ lấy một phần hai mươi (trong số điền sản). Như người cha làm trưởng họ lấy ruộng đất mấy nơi làm phần hương hỏa, đến khi con làm trưởng họ thì lại đem ruộng đất hương hỏa của cha nhập cả vào phần các con, chia ra xem mỗi phần được bao nhiêu mới lấy một phần 20 làm hương hỏa.” (Điều 390). Sở dĩ có sự giới hạn hương hỏa chiếm 1/20 di sản như trên là để tránh sự tích lũy hương hỏa từ đời này sang đời khác tới diện tích quá lớn. Về trật tự truyền ruộng đất hương hỏa, luật hương hỏa đã dành phần lớn các điều khoản quy định về trình tự những người được hưởng hương hỏa: “Người con trưởng nếu hư hỏng hay bị tật nặng không thể giữ việc thờ cúng, thì cha mẹ đem phần hương hỏa giao cho con thứ giữ, và phải theo lệnh của cha mẹ. Nếu người con thứ không có con trai mà người con trưởng bất tiếu hay bị phế tật lại có con trai cháu trai, thì phần hương hỏa trước lại giao về cho con trưởng ấy.” (Điều 392), “người giữ hương hỏa có con trai trưởng thì dùng con trai trưởng, không có con trai trưởng thì dùng con gái trưởng” (Điều 391),… “Thông thường, việc truyền ruộng đất hương hỏa phải triệt để thể hiện nguyên tắc trọng nam và trọng trưởng. Nhưng nhà làm luật triều Lê đã “mềm hóa” nguyên tắc này bằng cách quy định như sau: Ruộng hương hỏa giao cho con trai trưởng (hoặc cháu trai trưởng), nếu không có thì truyền cho con trai thứ, con trai không có thì truyền cho con gái, con gái không có thì truyền cho người trong họ và không bao giờ để truyền sang dòng họ khác.”(1) Lần đầu tiên trong pháp luật phong kiến nước ta thừa nhận việc thừa kế hương hỏa của người con gái. Các điều thuộc về hương hỏa đã đề cập đến một chế độ hoàn toàn Việt Nam không hề thấy trong pháp luật Trung Hoa, thể hiện rõ phong tục tập quán, bản sắc dân tộc Việt khác hệ thống pháp luật phong kiến Trung Hoa. Pháp luật phong kiến Việt Nam thời Lý – Trần trước đó chưa có quy định, và nhà Nguyễn sau này chỉ rập khuôn pháp luật triều Thanh (Trung Quốc) mà bỏ quyền được hưởng thừa kế và hương hỏa của con gái làm mất đi những điểm tiến bộ đó trong pháp luật thời Lê. Sở dĩ có sự khác biệt này là do pháp luật triều Lê đã áp dụng phần nào tập quán trong việc điều chỉnh quan hệ xã hội. Việc thừa nhận quyền thừa kế của con gái ngang bằng với con trai cũng tỏ rõ thái độ coi trọng con gái cũng như con trai, cùng với việc để lại hương hỏa cho con gái khi không có con trai nối dõi là để chứng tỏ dòng họ ấy chưa bị tuyệt tự và không bao giờ vắng mặt người hương khói tổ tiên.

No comments:

Post a Comment