28/06/2014
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người - Bài tập cá nhân Luật Hình sự 1
Bài tập tình huống Luật Hình sự 1 có đáp án về tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người.

Đề bài: A dùng súng định giết chết B. Mới bắn 1 phát trúng chân B, thấy B bị thương, A có điều kiện bắn tiếp nhưng A vẫn không bắn mà bỏ đi. Kết quả B chỉ bị thương tích (tỷ lệ 45%).

Hỏi:

a. Hành vi của A có thỏa mãn các điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không? Giải thích? (4 điểm).
b. Xác định trách nhiệm hình sự của A. (3 điểm)


Bài làm:

a. Hành vi của A có thỏa mãn các điều kiện của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Theo Điều 19 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định: “ Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự ý mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.”

Hành vi của A thỏa mãn các dấu hiệu sau của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Bởi các lý do sau:

- Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm của A xảy ra khi tội phạm ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Theo đó,” A dùng súng định giết chết B. Mới bắn 1 phát trúng chân B, thấy B bị thương, A có điều kiện bắn tiếp nhưng A vẫn không bắn mà bỏ đi. Kết quả B chỉ bị thương tích (tỷ lệ 45%)”. Trong trường hợp này, A biết hành vi của mình chưa thể gây ra hậu quả chết người mà mình mong muốn.

- Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm của A là tự nguyện và dứt khoát. Điều này được thể hiện như sau: Việc A dừng lại không thực hiện tiếp tội phạm là hoàn toàn do động lực bên trong chứ không phải do trở ngại khách quan chi phối (tại thời điểm đó không có gì ngăn cản A và A vẫn có thể thực hiện tiếp được tội phạm nhưng A đã dừng lại không thực hiện tiếp). Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội này của A là sự thể hiện của việc từ bỏ hẳn ý định phạm tội ( bằng chứng là sau đó A không có ý định giết B nữa).

b. Xác định trách nhiệm hình sự của A:

Cũng theo Điều 19 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 có quy định: “Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Theo đó. A được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người.Bởi:

- Xét về mặt chủ quan, A hoàn toàn tự nguyện từ bỏ hẳn ý định phạm tội của mình, không còn mong muốn thực hiện tội phạm đến cùng nữa. Xét về mặt khách quan, hành vi đã thực hiện của A chưa có tính nguy hiểm đầy đủ của loại tội định phạm vì chưa thỏa mãn hết các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Trong sự thống nhất giữa mặt khách quan và chủ quan như vậy, hành vi đã thực hiện của A coi như đã mất tính nguy hiểm của loại tội định phạm. Đó cũng chính là một trong những căn cứ của việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội định phạm cho người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

- Mục đích của việc truy cứu trách nhiệm hình sự là cải tạo, giáo dục ý thức của người phạm tội để họ biết hành vi của mình là sai, gây nguy hiểm cho xã hội. Việc người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội tức là về mặt ý thức họ đã từ bỏ hẳn ý định phạm tội, tự nhận thức hành vi của mình là sai, là nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, vấn đề cải tạo, giáo dục không đặt ra đối với hành vi phạm tội của họ bởi bản thân người phạm tội đã tự nhận thức được điều đó nên không cần có sự tác động của pháp luật. Nếu truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt đối với họ sẽ không đạt được mục đích của hình phạt.

Tuy nhiên, hành vi thực tế mà A đã thực hiện lại có đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 BLHS.Hành vi của A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều này:

- Khoản 2 Điều 104 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định: “Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.

- Khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung 2009 quy định: “Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Hành vi phạm tội của A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 104 BLHS được vì tuy A gây thương tích cho B là 45% nhưng lại không thuộc một trong các trường hợp quy đinh tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

Căn cứ vào các nhận định trên thì hành vi gây thương tích cho B 45% của A sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 104 BLHS. Việc xác định mức hình phạt cụ thể của A lại phải căn cứ vào Điều 45 BLHS quy định về căn cứ quyết định hình phạt: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.

Danh Mục Tài liệu Tham Khảo:

1. Giáo trình luật hình sự Việt Nam. Tập 1, Nhà xuất bản công an nhân dân 2007, Trường Đại học luật Hà Nội.

2. Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nhà xuất bản lao động.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lê Mỹ Linh - K34 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment